"Quán cũ nhé, lâu lắm anh em mới gặp nhau!" - Giọng Hoàng sang sảng trong điện thoại.
Lâu thật, kể từ ngày ra trường, hiếm khi nào bạn bè có dịp ngồi đông đủ như thời sinh viên. Tôi "ô kê, hẹn gặp lại chú mày!".
Nếu hỏi ở Sài Gòn, lẩu cá kèo ăn ở đâu, dân sành không ai là không biết phố lẩu cá kèo đường Bà Huyện Thanh Quan. Và hình như cũng chỉ ở miền Nam mới "nổi tiếng" cái món lẩu cá kèo.
Đúng 6 giờ, bốn thằng kéo đến quán, ngồi yên vị trên ghế nhựa, nhìn ra ngoài đường xe cộ vẫn không thôi bon chen tấp nập. Gặp lại, vừa lạ vừa quen. Kể ra trong đám bạn học cùng, Hoàng và tôi là thân nhau nhất, cho đến giờ cuối tuần vẫn liên lạc, rủ nhau cà phê cà pháo. Bốn người kia bận bịu mất tăm mất dạng, tận hôm nay tôi mới thấy lại được hai. Còn lại hai nghe Hoàng bảo vẫn "biệt tích giang hồ".
"Trung, mày thấy có lẹ không?"
Lẹ. Tôi đáp. Cô bé phục vụ chìa cho tôi quyển "Menu", tôi lướt qua loa vài dòng rồi chuyền qua Hoàng. Hoàng cười:
"Hết đi học là khác xưa ngay…. Cho cái lẩu lớn nhé em. Với bốn chai Sài gòn đỏ…"
Tôi nhớ bốn năm trước, Hoàng cũng ngồi ngay chính cái ghế này, gọi món lẩu cá kèo ăn một lần mà khiến tôi nhớ mãi.
Hôm ấy sinh nhật Hoàng. Sinh viên nghèo tụi tôi toàn đãi nhau những món đạm bạc, bình dân. Trong nhóm chỉ mỗi mình Hoàng là dân thành phố, sống từ nhỏ đến lớn, còn lại đều là dân tỉnh lên đây trọ học. Tôi gốc ở Đà Lạt, thi rớt một năm, ôn thi lại lận đận lắm mới vào được trường nhờ nguyện vọng hai.
Tôi còn nhớ năm đầu tiên vào trường mình không ưa Hoàng chút nào, thậm chí còn hơi ghét. Sinh viên ai cũng hiểu bọn thành phố thường khinh dân tỉnh, còn dân tỉnh lẻ lại ghét tụi thành phố. Nhất là đám thành phố con nhà giàu. Trong khi mình chật vật ở nhà trọ, mỗi tháng ông bà già làm lụng dành dụm gửi lên gần triệu đồng không đủ sống, phải lăn lộn cọc cạch đạp xe đi làm thêm thì đám nhà giàu thảnh thơi quần là áo lượt, xe tay ga loáng bóng ngày ngày bon bon đến trường…. Vì vậy ở lớp không ai nói ra, dân tỉnh hay chơi với dân tỉnh, dân thành phố đi mà chơi với dân thành phố.
Hoàng là dân thành phố nhưng không "nhà giàu". Thật ra vẫn sướng hơn tụi tôi nhiều lắm. Mỗi tháng không phải lo toan tiền ở, tiền ăn, chỉ chú tâm vào học tập, cùng lắm chú ý chạy xe sao cho đỡ tốn xăng. Hoàng bằng tuổi tôi, không chạy xe tay ga, đầu tóc không chải chuốt, áo quần thường hay xộc xệch. Tài sản "coi được" nhìn từ đầu đến chân chỉ có mỗi cái xe mà Hoàng gọi đùa là Cub "ghẻ". Nhưng cái "mác" thành phố thì còn đó, khiến tôi cũng cứ dè chừng.
Chúng tôi học cái ngành chúng nó vẫn hay bảo nhau không dành cho dân nghèo: Mỹ thuật công nghiệp. Không chỉ riêng nó, hầu như ngành nào đã liên quan đến nghệ thuật cũng đều thế. Tiền học không nói làm gì, mà tiền làm bài tập, làm đề tài mới là cả một vấn đề. Năm đầu chúng tôi học đại cương nên ngồi chung với nhau một lớp. Đến giữa năm thứ hai mới phân ra bốn chuyên ngành: đồ họa, nội thất, tạo dáng, thời trang. Khi vào còn bỡ ngỡ, lúc muốn vào ngành này, lát sau nghe lời rủ rê lại tính qua ngành khác, lung tung lộn xộn cả, vì chưa ai có định hướng rõ ràng. Thôi đại khái cứ học đi, đến lúc đăng ký rồi tính…
Hồi đó thằng Hoàng mê chơi game online kinh khủng. Ban đầu tôi cũng chẳng biết nó là cái quái gì mà đi đâu cũng thấy tụi nó kháo nhau. Ngồi trong lớp tán nhảm, Hoàng bỏ nhỏ: biết sao không, chơi game có thể kiếm được tiền. Tôi hỏi: làm sao được? Thì để tao chỉ cho!
Có lẽ bắt đầu từ ngày đó tôi chơi với Hoàng. Hoàng dắt tôi lân la hết hàng này đến tiệm net khác. Nhà Hoàng mở quán cơm bình dân, đi học về là lao vào phụ ông bà già buôn bán. Thực ra chỉ qua loa để ông bà già trả lương cho cu cậu có tiền mà chơi game. Đang lúc tôi cũng cần chỗ làm thêm xoay xở, qua nhà, ông bà già nó thấy tôi tháo vát, nhận vào bưng bê phụ việc luôn. Hoàng "chỉ dạy":
"Tao với mày đi "cày" game, bán vật phẩm cho người ta, kiếm được đồ "ngon" là có khối tiền!"
Tôi ậm ừ cho qua. Từ hồi đi học tới giờ, vi tính và anh văn là hai thứ tôi dốt đặc. Nhà làm gì có máy mà học, nói chi chơi với chả "cày". Nó kéo tôi vào bàn máy, chỉ chỉ chỏ chỏ, tôi gật gật, lát sao lại lắc lắc.
"Mày ăn gì ngu vậy Trung, có nhiêu đó thôi cóc hiểu là sao?"
Nó hay chửi nhưng cũng quan tâm giúp đỡ tôi nhiều lắm. Tuy ham chơi, thằng Hoàng lại thuộc dạng tốt tính. Đi học mấy môn vẽ trên máy, tôi run tay cầm con chuột di di, mắt dí sát màn hình mà đổ mồ hôi hột. Nó ngồi kế bên tay thoăn thoắt bàn phím, nhấp chuột lia lịa. Đúng là "game thủ" có khác. Mày phải làm thế này, bấm vào chỗ kia kìa, nhấp vào nút đó… Mỹ thuật mà còn thêm hai chữ công nghiệp phía sau nên có muốn cũng không thoát được vi tính vi tít. Đến lúc cần làm bài cũng chẳng đào đâu ra máy. Thằng Hoàng lập tức về nhà dụ dỗ ông bà già mua cái máy "coi được" chút để "làm bài tập", sẵn cho tôi xài ké. Từ ngày có cái máy, nó chăm chỉ ngồi vào bàn hơn. Nhưng ngó kỹ: toàn game và game, hết bắn súng lại tới đánh nhau, bùm bùm chéo chéo đùng. May nhà nó chưa lắp mạng, nên lắm khi nó vẫn phải đứng dậy mò ra tiệm.
"Sao mày ghiền game vậy Hoàng?"
"Mày thử hỏi coi thằng nào mà không ghiền game? Tao thấy có mày là không bình thường thôi đó!"
Tôi không mê game nhưng chẳng mấy chốc phát hiện ra mình lại mê cái khác. Trong quán nhà Hoàng ngoài tôi còn hai đứa nữa cùng làm phụ việc, bưng bê nấu nướng. Thằng tên Huy, thằng tên Bảo. Hai thằng này mê game hệt như Hoàng. Nhưng đâu chỉ có vậy. Tiền đi làm vất vả tụi nó nướng hết cả vào lô đề, banh bóng. Nhìn chúng nó thua ủ rũ ê chề, tôi phát sợ. Thế mà cũng có hôm thấy hai thằng hí hửng, mặt mày toe toét.
Hỏi ra mới biết chúng nó ăn lô đề được gần năm "chai". Tôi hết hồn, rồi thấy tiếc vì không theo. Qua hôm sau nghe thằng Bảo tự dưng ăn độ bóng đá, lại càng thêm tiếc rẻ. Vận chúng nó đang đỏ.
"Mày thấy không, bỏ ra chút thôi mà bằng mấy tháng lương chứ có ít đâu!"
Chúng mày nói đúng, tôi gãi cằm gật gù. Lân la với hai thằng tập tành đề đóm, tôi đâm ghiền lúc nào không hay. Thua thì cay cú, quyết hôm sau gỡ cho bằng được. Càng thấy người ta thắng lại càng ham, nên không thể không chơi, không chơi nhỡ đâu nó ăn có phải mình quê không?
Người ta bảo đã bị "ma đề" ám rồi thì có chết cũng không dứt ra được.
Hai tuần. Tôi "bay" mất cái xe đạp. Hoàng lấy Cub "ghẻ" đèo tôi đi học. Nó bảo:
"Thôi đừng có ham chơi ba cái đó nữa, chết sớm đó mày. Chơi game như tao đi còn sướng hơn!"
Nhưng thực tình tôi không biết chơi game. Ngoài vi tính, "món" thứ hai tôi sợ là anh văn. Mà đã đi học, bắt buộc phải học anh văn. Cái game online thằng Hoàng chơi may vẫn còn có tiếng việt, chứ ngồi trong lớp nghe cô dạy anh văn từ đầu chí cuối thì tôi đành chịu chết.
"Hiểu gì không Hoàng, sao mày lắng nghe chăm chú vậy?"
"Ờ, có lắng nghe, mà "luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu". Khà khà!"
Hóa ra Hoàng cũng dốt anh văn như tôi. Nghe cô bảo thời buổi này, đi đâu người ta cũng đòi hỏi anh văn bằng B bằng C. Tôi sợ quá, toát hết mồ hôi hột. Bê với chả Xê, em đây một chữ bẻ đôi còn ú ớ. Nhưng không phải đứa nào cũng dốt. Ngồi cạnh Hoàng và tôi là anh Cường, lớn hơn tôi hai tuổi. Anh Cường học giỏi, lại rất chăm. Quê anh ở Sóc Trăng, lên thành phố gần ba năm, vừa đi làm vừa luyện thi, mất hai năm mới đậu. Làm gì thì làm cũng phải học hành cho đàng hoàng tử tế mấy đứa à.
Tôi nghe lời anh Cường, chú tâm vào học lắm. Dù vậy, có những cái học hoài mà không thể vô. Lại còn bị hành hạ bởi banh bóng, lô đề. Cứ dăm bữa không đụng tới là chân tay ngứa ngáy. Hoàng can:
"Bay cái xe còn chưa sợ hả?"
"Mày yên tâm, trúng quả tao mua xe máy mà đi ấy chứ…"
Đi học từ sáng đến trưa, chiều qua quán thằng Hoàng phụ việc, tối tôi nhờ nó chở về chỗ trọ. Tôi trọ cùng Thành và Dương, đều học chung lớp, với thêm mấy thằng nữa học trường khác. Đi học đi làm cả ngày, về phòng muốn có chỗ yên tĩnh làm bài tập, nghỉ ngơi mà rồi cũng chẳng yên với chúng nó. Không nhậu nhẹt thì mở nhạc ầm ĩ, hôm lại gầy chiếu bạc. Bạn chung phòng rủ rê chẳng lẽ không vào chơi gọi là…. Tiền lương tháng "bay" sạch. Kệ, chơi tiếp. "Bay" luôn tiền phòng, tôi đ ành phải mượn tụi nó trả giùm.
Tôi tập tành hút thuốc, lần đầu hít khói ho sù sụ. Thằng Dương cười khẩy:
"Mày sao giống "pê" vậy, ra dáng đàn ông cái đi."
Tôi cự. Mày ngon nhậu với tao coi thằng nào gục trước. Chơi thì chơi sợ gì mày!
Mấy thằng chạy đi mua mồi mua chai bu vào nhậu "chuối hột". Quắc cần câu. Sớm hôm sau thằng Hoàng qua thức, tôi vẫn đang trên mây trên gió. Dậy đi thằng ngu, hôm nay kiểm tra anh văn đó mày!
Hai thằng ba chân bốn cẳng ù vào lớp, vừa kịp làm bài. Đi học, chúng tôi có ba đợt kiểm tra tất cả. Một bài kiểm tra trong lớp mười phần trăm, giữa kỳ hai mươi phần trăm, đến cuối kỳ mới bảy mươi phần trăm. Tôi nghe thầy chủ nhiệm lớp phổ biến như thế. Đại loại là học làm sao để thi không dưới trung bình, nếu dưới bị rớt, phải học lại trả nợ cực lắm. Mấy em cố gắng nhé!
Hoàng và tôi nhìn bài kiểm tra mà phát hoảng, chẳng hiểu mô tê gì. Toi rồi Lượm ơi, làm "lụi" thôi. Anh Cường ngồi kế bên nói khẽ:
"Không biết làm thì xem đỡ bài anh đi, cố mà cho qua…"
May nhờ anh Cường giúp, tuần sau phát bài ra hai thằng tôi mới không dưới trung bình.
Trong lớp, không cứ "nhà giàu" mới phải là dân thành phố. Thằng Văn quê ở Đà Nẵng, là một "tay chơi". Xe tay ga, điện thoại đắt tiền, laptop… chẳng thiếu thứ gì. Văn vào trong này ở nhà ông chú, ăn ở không phải lo lắng lăn tăn gì, mỗi tháng còn được ông bà già gửi gần chục "chai" lên tha hồ tiêu xài. Nghe đâu ông bà già nó buôn bán phất lắm. Nó đánh bạn với đám thành phố "nhà giàu" trong lớp, nhưng vẫn chơi với tôi và Hoàng.
"Ê Trung, mày thấy con nhỏ lớp trưởng lớp mình thế nào?"
"Ủa, sao tự nhiên mày hỏi vậy?"
"Tao thấy nó xinh đó mày!"
Thằng Hoàng nhanh nhẩu nhảy vào họng tôi. Văn gật gù: ừ, tao cũng thấy nó xinh.
Sau này tôi mới biết Văn mê "em" lớp trưởng vừa năng nổ nhiệt tình học hành giỏi giang vừa xinh ngoan. Văn đẹp trai, bảnh bao, biết cách ăn diện. Mấy lần giờ về tôi thấy nó cứ tơn tơn à ơi xán lại hỏi han lớp trưởng cái này cái kia. Rồi hết hồn, bẵng đi vài tuần đã thấy nó ung dung đ èo nàng đi học đi về đi chơi.
"Thằng Văn đúng là sát gái, mày nhỉ!"
"Ôi giào, thường thôi."
Hoàng bảo nó cũng có một mối tình như ai. Tôi tròn mắt. Mày tưởng mình thằng Văn là "ngon" thôi ấy hả, tao đây cũng chẳng kém đâu nhé.
Thế rồi nó kể cho tôi nghe về "nàng" của nó. Gặp gỡ như nào, hẹn hò ra sao, tán tỉnh thế nào…. Mày biết tao rồi đấy, về cái khoản chơi game thì khỏi phải bàn. Ừ, công nhận chú mày chơi hay, thế thì sao? Thì tao với nàng gặp nhau cũng từ game chứ đâu. Đừng tưởng con gái là không biết chơi nhé, "cày" có khi còn hơn mình đấy.
Tôi há hốc mồm: thật à!
Thật chứ sao không. Tao gặp nàng trong một buổi chiều tà trên đường săn quái, kiếm tìm vật phẩm. Dù không biết được mặt thật ngoài đời nhưng qua hình ảnh trong game, tao đoán nàng phải rất xinh đẹp, xinh hơn con bé lớp trưởng của thằng Văn là cái chắc. Và sau đó là những chuỗi ngày tao cùng nàng phiêu bạt giang hồ, luyện "lê-vồ", đánh trùm, tìm đồ quý… Nghe Hoàng thao thao bất tuyệt, tôi chỉ còn biết nhủ thầm: cái thằng này nó lậm game quá rồi, hết thuốc chữa.
Thằng Hoàng còn đang hí hửng chuẩn bị một ngày đẹp trời gặp mặt nàng ngoài đời bằng xương bằng thịt thì đùng một cái nó gặp sự chẳng lành. Nhân vật game của nó bị lột sạch sẽ không sót một cái gì. Nó cầm con chuột, dí mắt vào màn hình mà chết lặng đi như tượng đá. Nàng của nó đã ra đi không một lời tạm biệt. Khổ thân, suốt một tuần nó như người mất hồn, đi ra đi vào ngẩn ngơ.
"Hack là cái gì mày?"
"Tao bị hack, là bị vô trong tài khoản lấy hết đồ, là mất cả đống tiền đó, sao cái gì mày cũng không biết hết vậy!"
"Trời, mất bao nhiêu tiền…"
"Mười chai…"
Hoàng chua chát. Nhưng đắng hơn, "nàng" của nó chính là thủ phạm.
"Giờ nghĩ lại chắc gì nó đã là con gái, có đứa con gái nào chơi game thâu đêm suốt sáng như nó. Sao tao lại đi tin tưởng cho nó mật khẩu làm gì không biết…"
Sau đợt đó tôi tưởng Hoàng sẽ quên luôn game online. Mười "chai", mỗi lần nghĩ đến là tôi hoảng hồn. Chỉ là trò chơi mà tiêu tốn nhiều vậy sao. Hoàng nhếch mép:
"Nhằm nhò gì mày ơi. Mày không biết chứ "đại gia" còn bỏ tiền triệu tiền tỷ vào nhân vật ảo kìa, tao chỉ là "cò con" thôi!"
Ba năm trời "cày" game của Hoàng đã đi tong trong một ngày như thế.
Chúng tôi trải qua một năm rưỡi đại cương rồi bắt đầu phân ngành. Phân ngành, nghĩa là đứa còn học chung, thằng vào lớp khác. Hoàng và tôi cùng chọn ngành đồ họa. Anh Cường vào nội thất. Văn theo em lớp trưởng học thời trang. Hai thằng Thành và Dương chui vô lớp tạo dáng. Gần tới sinh nhật Hoàng, nó rủ mấy thằng tôi đi nhậu. Anh Cường đề nghị:
"Ăn lẩu cá kèo đi Hoàng. Quê anh cá đó nhiều lắm!"
Lẩu cá kèo. Lần đầu tiên tôi nghe thấy. Cá kèo giống con cá trạch đó Trung, nghe lời anh đi ăn thử đi, ghiền luôn. Thằng Hoàng đương nhiên cũng biết món ấy. Nó "ô kê, vậy sinh nhật em đi ăn lẩu cá kèo nghen."
Ở trọ nhiều khi buồn, nhớ ông già bà già ở quê lắm. Thằng Thành có cây đàn ghi-ta, mỗi khi nhớ nhà lại lấy ra gẩy, mấy thằng trong phòng vừa nghe vừa nghêu ngao hát theo.
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành. Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang, yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi…
Thành là trùm nhạc sến. Hầu như bài nhạc sến nào nó cũng thuộc, lại có giọng ca nẫu ruột nẫu gan, nghe xong đã đang buồn lại còn thấy thảm hơn.
"Thôi đi cha nội. Hát bài nào vui vui cái coi!"
"Chơi luôn. Cây đàn sinh viên, ô kê?"
"Ô kê!"
Đời sinh viên có cây đàn ghi-ta. Đàn ngân lên chúng ta cùng hòa ca. Có anh bạn xa nhà, có cô bạn nhớ cha… cất vang cùng lời ca…
…Cùng dắt nhau qua những ngày gian khó…. Cùng dắt nhau qua quãng đời sinh viên…
Hôm sinh nhật Hoàng có đủ sáu đứa. Tôi, Hoàng, anh Cường, Văn, Thành, Dương. Đúng như anh Cường bảo, con cá kèo nhìn y chang con cá trạch, vừa dài vừa nhớt. Người ta cũng chẳng thèm làm cá, cứ thế bỏ chúng nó còn sống nhăn vào nồi lẩu. Tôi lại biết được thêm hai loại rau đi cùng cái lẩu này. Một là lá dang, chỉ có ở miền Nam, dùng để nấu nước lẩu, vị chua chua chát chát rất ngon. Thứ hai là rau đắng ăn kèm cùng mấy loại rau nữa, cũng chỉ có ở miền Nam, ăn vô đắng ngắt, nhưng không thể thiếu để làm nên hương vị trọn vẹn của nồi lẩu.
"Dzô cái đi mấy chú! Chúc mừng sinh nhật!"
Dzô! Cá kèo chấm nước mắm có ớt xắt, ăn chung với bún chan nước lẩu chua chua nóng hôi hổi đậm đà ngon tuyệt. Nhậu xong chúng tôi lại kéo qua nhà trọ làm tăng hai, chuối hột với mực nướng. Thằng Thành say lên lại cứ đời tôi cô đơn, tay phưng phưng gảy đàn. Tụi nó quậy tưng bừng lấy hết chén hết đũa hết nồi ra mà gõ cong cong cốc cốc phụ họa. Đến khi bà chủ nhà lên chửi cho một tăng đinh tai điếc óc cả hội mới giải tán.
Trong nhóm, thằng Dương là đứa học yếu nhất. Người nó trông như xì ke, toàn xương với xẩu. Nó nghiện thuốc lá nặng, ngày hai ba gói là chuyện thường. Tiền nó đốt cho thuốc không phải ít.
"Bộ mày hút thuốc trừ cơm hả Dương?"
"Chứ sao. Tao hút thuốc là đủ no rồi."
Đã là sinh viên trọ học, không thằng nào không ngán món mỳ tôm. Ngày nào cũng ăn, sợ đến nỗi nuốt không trôi. Bởi vậy mỗi lần thằng Thành ca: Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường. Bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số. Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị. Thằng làm quán cơm, tối về một gói mỳ tôm…, tôi lại than: lạy chú, ăn gì cũng được chứ đừng có mỳ tôm, hãi lắm.
Tôi làm ở quán nhà thằng Hoàng nên cơm nước ở đó luôn. Nhưng đến khuya thức làm bài tập đói bụng lại đành phải bẻ mỳ tôm ra ăn sống. Dương vỗ vai:
"Ráng ăn cho hết thùng mỳ đi, để lâu gián gặm. Dù sao cũng chỉ mày ăn nổi thôi…"
Đúng là thằng Dương hút thuốc thay cơm thật. Làm bài buồn ngủ, ra ngoài sân hút hai ba điếu, tỉnh táo lại vào vẽ tiếp như không, chẳng biết đói là gì.
Thế mà rồi nó vẫn bị nợ quá trời môn. Đến môn thể dục cũng không thoát. Người nó thế kia thì rớt môn thể dục cũng đúng thôi. Dương vẫn thản nhiên phì phèo thuốc lá, không lo không nghĩ. Sinh viên nghe tới học lại là xanh mặt, vì vừa mất thời gian, vừa tốn tiền học trả nợ, tụi tôi vẫn hay gọi đùa là "đóng tiền ngu".
"Thì ngu mới phải đi học. Khôn thì ở nhà rồi, học làm gì nữa…"
Đó là cái lý sự cùn của thằng Dương.
Hoàng lại chơi game, lần này là game khác. Nghe nó bảo game này đẹp hơn, sinh động hơn, cách chơi hay hơn, cốt truyện hấp dẫn hơn. Mỗi thằng có một thú vui, có khuyên có can thì đâu vẫn cứ vào đấy. Như tôi không chơi đề thì chuyển qua banh bóng. Xui mãi nó cũng phải hên thôi. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời mà.
"Mày sẵn tiền như thằng Văn thì hãy nghĩ tới mấy cái đó. Không có mà cứ ham đi có ngày bán mạng. Ngu vừa thôi. Bạn bè tao nói trước cho biết rồi đó!"
Mỗi lần tôi thua độ Hoàng lại nói kiểu như vậy. Đang buồn còn bị nó nói này nói kia, tôi ức lắm. Buồn thì nhậu, rượu vào thì hết buồn. Đời này thằng nào chẳng buồn. Người ta bán mãi có bao giờ hết rượu đâu.
Gặp lúc thằng Văn cũng vừa chia tay con nhỏ lớp trưởng. A ha, lại gặp thằng buồn, chúng mình đi nhậu. Uống đi cho quên đời, mày hén!
Rượu vào thì lời ra, Văn ngồi nhậu với tôi tuôn ra tùm lum chuyện. Con gái bây giờ nó không như thời xưa đâu mày ơi. Vậy hả, thế thì thời nay nó thế nào, mà thời xưa nó thế nào? Thời xưa tình cảm trong sáng lắm, thời nay toàn là thực dụng. Ờ, cái ấy thì tao đồng ý với mày, nhưng mà tao thấy mày cũng bảnh đấy chứ, thế mà có gì phải lăn tăn nhỉ. Bảnh thì bảnh chứ, nó cũng chỉ trông vào cái mã của mình thôi, chứ gặp thằng khác hơn mình thì…
Văn gục rồi. Tôi cũng chuẩn bị gục. Mà không, thằng say thì không bao giờ nhận mình say, tỉnh mà, còn tỉnh lắm, hế hế…
Ngồi hôm nay ở đây không có Văn, cũng chẳng có anh Cường. Nghe bảo Văn đi du học. Anh Cường về làm ở tỉnh, công việc ổn định lắm, nhưng bận tối mắt tối mũi. Chỉ còn bốn thằng tôi, Hoàng, Thành và Dương. Thằng Dương là đứa nghỉ học đầu tiên. Nó không trụ nổi với hơn chục môn bị nợ, rồi bị chuyển khóa, chán nản…. Có ai ngờ nó cai được thuốc lá, về hùn vốn với ông anh mở xưởng tạc tượng thạch cao, thu nhập tương đối. Không nhận ra nổi thằng Dương xì ke ngày xưa nữa, nó mập mạp, phong trần, ăn nói lưu loát, chỉ không chịu phì phèo điếu thuốc.
"Tao bị bệnh hô hấp. Bác sĩ bảo muốn chết sớm thì cứ việc hút tiếp, nên thôi…"
Ra là nó vẫn còn biết sợ.
Thành là "nhạc sĩ" lúc nào không hay. Nó bán được cho ca sĩ mấy bài "hit", nổi tiếng luôn, tích cóp tiền mở phòng thu ở gần trung tâm.
"Giờ muốn nghe mày "đờn" Đời tôi cô đơn chắc phải trả tiền cát-xê hả?"
"Riêng chúng mày thì miễn phí, phục vụ "lai-vơ-xô" hai bốn trên hai bốn luôn, khà khà!"
Chỉ có tôi và Hoàng là rõ về nhau nhất. Hoàng dẹp quán cơm của ông bà già nó, mở cái tiệm net ngay chỗ đắc địa, ngồi rung đùi cũng có tiền. Có lẽ trong đám, riêng tôi là lận đận nhất, thất nghiệp gần hai năm mới xin được việc làm ở nhà xuất bản, phụ trách thiết kế bìa sách, dàn trang, in ấn…
Lẩu đã dọn ra tận nơi rồi. Ôi cái món lẩu một thời xa xôi như chỉ vừa mới hôm qua thôi. Tôi nhớ cả thảy sáu con cá kèo tất cả, hoặc nhiều hoặc ít hơn, có thể đếm lầm vì trời đã nhá nhem tối, vì men bia đã ngấm hơi ngà ngà. Chúng tôi, lẽ nào cũng như những con cá kèo ngày ấy, không thương tiếc bị ném vào lặn ngụp trong cái nồi lẩu cuộc đời sùng sục những lo toan, bon chen với biết bao nhiêu nỗi cơm áo gạo tiền. Giãy giụa trong làn nước nóng bỏng, rồi thịt rồi xương tan ra, chung với rau đắng lá dang, nếm đủ mùi vị đắng chua mặn ngọt cay bùi.
Rồi thịt rồi xương tan ra, thành món lẩu ngon lành chưa khi nào tôi quên được.
"Dzô đi anh em!"
"Dzô…"
Chưa say, tao chưa say đâu. Tao thèm nghe cái giọng nẫu ruột nẫu gan của mày lắm Thành à. Lâu lắm rồi, đã lâu lắm rồi…
…Cùng dắt nhau qua những ngày gian khó…. Cùng dắt nhau qua quãng đời sinh viên…./.
10/2009
Đã đăng trong Văn nghệ số 47(2650) thứ bảy 20-11-2010

Xem Tiếp: ----