Sáng nay khi đọc xong email của người em họ gửi tới.Tôi cứ thế mà ngồi yên lặng, cảm xúc dâng lên thắt bóp cả trái tim. Từ những dòng chữ em viết bằng tiếng Việt rất giới hạn bởi em được sinh ra ở Mỹ, đã cho biết về cuộc hành trình của em trên bước đường trở về Trung Hoa để tìm lại góc gác, cội nguồn tổ tiên của mình. Chúng tôi cùng chung một ông nội là chị em con chú bác ruột. Nơi đất nước rộng lớn đó có một làng quê nằm sát vùng núi, em đã mất hết một ngày đường từ khách sạn để vô tới. Con đường đất bụi hai bên là đất đai khô cằn trống trãi, cây cối hoang vu. Thôn làng hiện ra đơn sơ với những ngôi nhà tranh, nhà ngói rêu phong cũ kỹ. Khi tới nơi thì chiều cũng đang rơi xuống núi. Ở đây vẫn còn dùng đèn dầu để thắp, bởi không hiểu sao mà đường điện nối vẫn chưa vào, có lẽ dân ở nơi đây quá nghèo để không trả nổi chi phí. Em với cái địa chỉ trong tay đã lần tìm đến căn nhà từ đường nơi của tổ tiên của chúng tôi đã sinh ra và lớn lên ở đó. Thân nhân là những gương mặt lạ chưa bao giờ gặp, họ chỉ biết nói tiếng địa phương nên sự trao đổi giữa em với họ thật khó khăn. Cũng may có người tài xế biết chút đỉnh tiếng anh đã giúp em đứng làm thông dịch. Qua những giây phút ngỡ ngàng, tối hôm đó cả làng cùng một họ kéo tới đầy đủ không sót một ai. Em không hiểu họ nói gì nhưng nhìn trên gương mặt thì thấy họ thật vui và hãnh diện khi có một đứa con, đứa cháu từ những đất nước xa xôi đã trở về nguồn cội, nhận tìm tổ tiên. Trong ngôi từ đường sáng rực như một ngày hội, những ngọn đuốc được thắp sáng gắn dọc từ phía bên ngoài kéo dài đến bên trong là một khoảng sân rộng rãi. Trên bàn thờ tấm hình của ông cố, nét mặt tuấn tú của một nhà nho học, được biết ông cố ngày xưa là thầy dạy học và cũng là một người văn hay thơ giỏi. Trong thư em nói nhìn đôi mắt của ông cố tự dưng nhớ tới tôi, bởi đôi mắt to với cái ánh mắt buồn chỉ có tôi là người được sự di truyền đó. Em cho biết đã cố ngăn biết bao xúc cảm khi nhìn thấy tổ tiên của mình thật là nghèo nàn, thanh đạm. Và em xin chụp lại tấm hình của ông cố để mang về. Tấm hình đang ở trước mắt tôi, ông chết rất trẻ, nét mặt thư thái thanh thoát của một người coi nhẹ tiền tài danh vọng. Tôi cảm thấy mình thật là hãnh diện khi được làm hậu nhân của ông. Trong dòng máu tôi chỉ còn lại 25 phần trăm của người Trung Hoa. Cũng may nơi cái thôn làng em tới rất xa với sự thay đổi của thế giới văn minh hiện giờ nhưng tôi rất mừng không biết tôi có ích kỷ lắm không vì qua những tin tức tôi đọc và biết, tôi đã ít nhiều có cái nhìn không mấy thiện cảm về đất nước Trung Quốc hiện giờ. Cái làng thuộc về miền núi của tổ tiên tôi thấy như là xa hẳn khỏi thế tục, họ chỉ quanh quẩn đạm bạc bên nhau với sự cần cù trồng trọt, làm nương làm rẫy, chịu đựng từng cơn lạnh buốt của mùa đông, chịu đựng với những cơn nắng hè cháy lửa khô da. Họ như bị lãng quên ở một góc đời nhỏ nhoi, ở khung trời đó họ vẫn còn giữ những lễ nghi trang nghiêm ở thế kỷ của vua chúa ngày xưa. Tổ tiên của tôi, cội nguồn của tôi sao mà thật quá nhỏ bé, lạc loài chơ vơ trên một mảnh đất quá rộng lớn bao la. Tôi cám ơn em đã tìm về, đã giúp tôi để lại nơi đó một chút lòng hiếu thảo. Làng quê trãi qua bao dâu bể tang thương, vẫn còn dấu tích là ngôi từ đường mái ngói cong queo, sân nhà nứt nẻ vẫn cứ truyền từ đời này qua đời khác. Nơi đó có tấm hình của ông cố tôi được trang trọng khói hương mỗi ngày. Dẫu trong lòng tôi rất ghét hai chữ Trung Quốc. Nhưng làm sao tôi có thể chối bỏ được cội nguồn của mình!? Tôi sẽ trở về vùng núi hoang vu đó một ngày không xa lắm để được nhìn thấy mình từ nơi đâu, mà có mặt hôm nay giữa cuộc đời... Mầu HoaKhế Jan12/2010