Hai tay nhét vào túi quần. Hà nện mạnh gót giày trên vỉa hè đại lộ Hàm Nghi, miệng ngâm nho nhỏ bài thơ của chính chàng, vừa đăng trên một số báo Xuân năm nay:
Gầy gõ [1]
Đường đêm
Tiếng giày dạ khách.
Chập chờn
Chiếc bóng phong sương.
Tâm tư lê nặng phố phường,
Lầu hoa cửa khép
Trầm hương mơ hồ!
Bài thơ dài lắm, nhưng chàng chỉ ngâm tới đó rồi nín thinh để lắng nghe dư âm giọng ngâm của chàng, giọng ngâm mà mấy năm trước đây, đêm nào cũng vang lên trên làn sóng phát thanh của đài Sài gòn, thử xem nó còn được cái phong độ cũ hay không.
Trăng gầy loáng áo
Nàng thơ...
Gặp nhau
Thêm mấy dại khờ hồn si.
Cầm bằng như gió bay đi
Giang hồ, mình lại xa gì với ta!
Em ngùi son phấn phôi pha,
Đời tôi nghệ sĩ tài hoa phong trần!
Thi sỉ đa cảm, đa tình thật! Tất cả những gì chàng ghi trong bài thơ nầy, đều là chuyện  tưởng tượng cả: chàng không có gặp cô gái giang hồ đồng tâm nào đang ngậm ngùi cho cảnh phấn lợt hương phai của nàng hết. Thế mà ngâm đến đây, chàng nghẹn ngào mắt rưng rưng lệ.
Thoáng nhìn đã vội bâng khuâng.
Ngược xuôi, đôi kẻ rời chân ngậm ngùi!
Vắng đêm
Lọt nửa tiếng cười
Nhẹ tan trong gió,
Ai người chợt nghe?
Hà không còn ngâm tiếp được nữa. Chàng đã khóc mùi, thương không biết bao nhiêu kẻ “cùng một lứa bên trời lận đận” mà chàng đã bịa ra trong bài thơ.
Chàng dừng chân lại trong lúc khóc để chậm khô nước mắt rồi tiếp tục rảo bước. Một nỗi buồn mênh mông, xa vắng thấm vào đáy hồn chàng.
Thế mà chàng lại thích được buồn thật buồn như vậy. Đằng xa kia, chợ hăm chín Tết vào lúc mười một giờ đêm vẫn cứ ồn ào, có lẽ còn ồn ào hơn lúc đầu hôm nhiều; để rồi tan vào buổi cuối năm vài tiếng đồng hồ sau đó. Đêm mai, tối lại là không còn gì nữa, vì ai cũng bận việc nhà cửa, sau khi rước ông bà về.
Chàng không về nhà mà chịu được, nhưng phải trốn cảnh náo nhiệt, thả bách bộ trên con phố vắng vẻ nầy như chàng đã thường đi trong đêm khuya như vậy ở nhiều phố khác.
Năm nay thi sĩ đã ba mươi tuổi rồi, nhưng chưa yêu thật sự bao giờ cả. Những mối tình hời hợt qua đường, không gọi là yêu được. Chàng cứ mơ gặp một mối tình lớn, một mối tình đáng kể như trong tình sử bất hủ của nhân loại, và kéo lê nỗi buồn về đêm của chàng trên các đường phố vắng để nhìn khói hương trầm qua những cánh cửa nửa khép của các lầu hoa mà chàng biết trong đó đang ẩn trú nhiều bậc giai nhân cũng thèm yêu như chàng.
Tâm tư lặng lẽ phố phường
Lầu hoa cửa khép
Trầm hương mơ hồ.
Hà lắng nghe tiếng giày của chàng trong đêm vắng, nhìn bóng chàng đang chuồi trên vỉa hè, bóng đen mà đèn đường đang kéo dài ra, trông ốm nhom và rất yếu đuối...
Gầy gõ
Đường đêm
Tiếng giày dạ khách.
Chập chờn
Chiếc bóng phong sương,
Đi thơ thẩn, chàng lạc bước tới góc bến Bạch đằng, bị gió sông lạnh thổi hắt vào mặt, chàng mới hay.
Hà ngước lên nhìn. Bờ sông không còn một bóng người. Bờ sông Thủ thiêm đen thui và bên phải của chàng, bến thương khẩu leo lét vài bóng đèn ngủ gục.
Bỗng tiếng giày của ai vang lên, và người ấy đi trên vỉa hè bờ sông, đã từ hướng cầu quây cũ tiến đến đây. Tiếng giày ấy thưa nhưng lại dòn, nện mạnh lên gạch lề đường nhưng nghe không nặng, người bộ hành ấy chắc còn trẻ, khỏe mạnh, nhứt là đã quen đi giày từ lâu rồi.
A kia, đó là tiếng bước của phụ nữ nó có biệt sắc riêng của nó, biệt sắc ấy có lẽ do cái phần diện tích đế giày đụng chạm với gạch nhỏ quá, nghe rõ là truy nguyên được căn cước ngay.
Hà day lại thì thấy đó là một người đầm... mà không, đó là một người đàn bà Việt mặc duýp se-rê màu ngà với chiếc bơ-lu-dông đỏ ở thân trên.
- Bò lạc giả! Hà nói thầm trong bụng như vậy vì thấy người ấy chỉ đi thong thả, lang thang, không có ý đinh về đâu cả nên chàng nghĩ ngay rằng ả ta là một cô gái ăn sương. Bò lạc giả là tiếng lóng của bọn ăn chơi chỉ hạng gái nầy, đã phân biệt với bò lạc thật là những thiếu nữ ở tỉnh mới lên, còn bơ vơ chưa tìm được nơi nương dựa.
Người đàn bà ấy dong dải cao, dáng điệu rất yêu kiều thanh lịch. Mặc dầu không có ý gì, Hà cũng nhìn thử gương mặt xem ả ta sắc diện đẹp hay xấu.
Bấy giờ ả ta đã đi gần tới bên thi sĩ và Hà thấy đó là một thiếu phụ đã quá xuân, trạc ba mươi, mặt hoa đã héo, mặc dầu giỏi hóa trang. Tuy nhiên dấu vết đẹp xưa vẫn còn thấy bóng dáng lờ mờ trên đó.
Ả ta xăm xăm đi lại trước mặt Hà, chàng vừa toan lắc đầu để xua ả thì giật nẩy mình mà nghe một câu tiếng Pháp rất đúng giọng đầm:
-  Xin lỗi ông, ông có lửa hay không?
Ả vừa hỏi vừa mở xắc lấy thuốc điếu, lấy cả hai điếu mời chàng. Thì ra đó là một me Tây. Buồn cười, Hà móc hộp diêm ra và hỏi đùa cũng bằng tiếng Pháp:
-  Có lẽ nhớ các ổng, nhìn bến tàu cho đỡ nhớ à? Thơ mộng lắm!
Chàng vừa đánh diêm trao lửa,vừa ngâm mấy câu thơ của Sa Giang Trần Tuấn Kiệt.
Rải rác mưa tro mờ bến Chương Dương
Ánh đèn đêm yên lặng chơi vơi buồn.
Tôi khép áo mưa, ngồi trên băng lạnh
Trông ngóng những con tàu tha hương.
-  Không, người đàn bà miệng ngậm thuốc, chìa đầu điếu ra để đón lửa và đính chính, không, tôi tìm cái khác.
-  Khách à?
-  Không có gì sai hơn. Nhục nhã thay cho kẻ nào nghĩ quấy.
 
Hà kinh ngạc đến cực độ. Một me tây, không thể nào biết nổi câu châm ngôn của võ sĩ phái Jarretière hồi thời Trung cổ Pháp ấy, và nói ra rất đúng giọng “Honni soit qui mal y pense”.
Ngượng quá, chàng không biết làm sao chữa được sự lỡ lời nên ấp úng nói:
-  Tôi xin lỗi bà...
-  Không hề gì, nhiều người đã lầm rồi, chớ không riêng gì ông. Xin cám ơn chút lửa nầy.
-  Thưa bà, bỏ qua đi cho...
-  Đồng ý.
-  Và cho tôi hân hạnh được biết quí danh... của ông ở nhà.
-  Tên tôi và tên của nhà tôi chắc không nói lên được điều gì bên tai ông. Tôi đang buồn đi lang thang, mà xem ra ông cũng thế, thì ta cùng đi bách bộ một vòng, có lẽ thú hơn.
-  Có hân hạnh nào bằng.
-  Và xin nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt vậy.
-  Càng thích hơn.
Họ băng qua đường để thả trên vỉa hè đá đỏ bên ấy. Người đàn bà hỏi:
-  Anh không đi chợ Tết sao?
-  Khi nãy có đi mấy vòng với lũ bạn, nhưng tôi lại trốn mà tách riêng ra.
-  Tìm hứng hay tìm ai?
-  Không tìm gì cả? Đi bậy cho buồn vậy thôi!
- Quái lạ! Ai lại tìm buồn?
-  Chớ chính bà không tìm buồn hay sao mà lại ở chốn nầy. À, khi nãy bà đã bảo rằng bà đang “tìm cái khác”. Nếu không phải là chuyện riêng tư, thì cái khác ấy là cái gì?
-  Em không biết nói ra có ích gì hay không. Đã trễ lắm rồi!
-  Trễ lắm rồi? Tàu chạy rồi à?
-  Không, không thế nào anh hiểu được đâu mà hỏi mất công.
 
Hà thích ghê, nghe câu chuyện có vẻ mơ hờ như là truyện trinh thám trong các phim phóng đãng bí mật, toát mồ hôi lạnh. Nhưng không muốn quá tò mò, phần lại nghi kỵ, cứ còn ngờ vực người đàn bà nầy là một gái ăn đêm, khôn khéo toan lừa chàng vào tròng bằng một thủ đoạn siêu đẳng nào, Hà hướng câu chuyện sang nẻo khác.
- Bà có lạnh không ?
-  Bên ngoài thì không.
 
Chà, ả ta trường trải lắm đây và có học nữa. Nói như thế tức là ngầm bảo rằng ả ta đang lạnh lòng lắm và cần người an ủi. Thằng nào lơ mơ thì chết với ca-líp nầy.
 
Đang buồn, cần bạn, nhưng bỗng đâm sợ, Hà toan từ giã con hồ ly nguy hiểm để rút đi trước khi tai họa xảy tới. Chàng chợt thấy rằng cả hai đều đến trước vũ trường Mỹ Phụng và cô ả đang quẹo lên Hai Bà Trưng.
- Sao lại quẹo, thưa bà?
-  Em ở đường nầy, đằng kia.
-  Vậy à, thì ra vô tình, tôi đã đưa bà về nhà, đã trót như vậy, tôi xin đưa bà luôn tới cửa, có bất tiện cho bà không ?
-  Không có gì, nếu việc đó chẳng làm nhọc ông.
Hà đoán người nầy có lẽ là nhơn tình dài hạn của một Pháp kiều vì phố Hai Bà Trưng đầu dưới sông thuộc khu người Pháp ngày trước. Như vậy, không còn gì hay ho nữa, và sở dĩ chàng đưa ả ta về nhà chỉ vì lịch sự thôi.
Chàng lặng lẽ đi bên cạnh người ấy, không nói, không rằng, nhưng ả ta lại nói :
-  Anh có gia đình chớ?
-  Vâng !
-  Anh ở trong ngành hoạt động nào?
-  Ơ hơ… tôi là tài tử.
-  Với nghĩa nào? Cái tiếng Việt ấy có nhiều nghĩa lắm…
-  Xin Bà hiểu theo nghĩa artiste.
-  Vậy à? Thế thì em đã lầm...
-  Bà ngỡ tôi là gì?
-  Em không ngỡ là gì hết. Nhưng em đã lầm mà cả quyết rằng anh không thể hiểu cái điều anh hỏi em. Chính chỉ có những người tài tử mới hiểu em được.
-  Nhưng rất tiếc là đã trễ ?
Hà hỏi xong, cười to lên, có vẻ nhạo báng ả ta.
-  Phải, rất tiếc là đã quá trễ.
Người đàn bà ấy lặp lại lời Hà một cách nghiêm trang như đã ngầm đính chánh ngộ nhận của chàng rằng bà ta chỉ làm bộ bí mật vậy thôi, chớ thật ra thì không có gì cả.
Bấy giờ Hà đã nghe mỏi chơn vì đã đi quá xa và quá mau, đường lại cứ dốc lên mãi. Chàng chợt nhớ ra là người đàn bà nầy đi mau quá sức, chàng chưa thấy cả đàn ông Việt nam nào mà đi mau đến thế. Chàng lại chợt nhận thấy họ đã đến đại lộ Thống nhất rồi mà xem ra ả ta cứ còn muốn đi nữa.
-  Hình như là bà ở xa lắm?
-  Đằng kia.
-  Xa như vậy lại chỉ đi bộ?
- Bên ấy, em chỉ đi bộ nên quen rồi.
-  Bên nào, thưa bà?
-  Bên Bọt-đô.
-  Bà ở Pháp mới về?
-  Em ở Pháp mới về.
-  Nghĩa là...?
-  Nghĩa là em có Pháp tịch, sống bên Pháp và về đây để … tìm cái đó.
 
Thế là đã rõ. Tác phong của người nầy là tác phong của một cô đầm: dám xin lửa đàn ông ban đêm, đi lang thang một mình trên đường vắng, đi mau quá (theo nhịp sống của Âu châu) và đi bộ giỏi quá (bên Âu châu, những người bậc trung đi bộ trong thành phố hằng năm bảy cây số là thường).
Không còn gì lạ về con người của thiếu phụ nầy, chỉ còn một chút xíu là... cái đó thôi.
Cái đó là cái gì mà ta tìm trong đêm tối, sợ rằng không ai hiểu cả, và đồ rằng chàng hiểu, nhưng tiếc rằng là đã trễ ?
Hà rất hối hận đã chế giễu cái vụ “đã trễ ấy”. Chàng lại lặng lẽ mà đi, và giây lát, tò mò quá, chàng hỏi:
-  Nhưng sao lại trễ thưa bà?
-  Vì mai, em đã lên đường về Pháp, và có thể không bao giờ trở lại đây nữa.
Thiếu phụ đã dừng chân, đưa tay ra cho chàng bắt và nói bằng tiếng Pháp:
-  Cảm ơn và vĩnh biệt !
Hà đã thừ người ra lúc nghe câu trước. Rất đa cảm, chàng hay ngậm ngùi trước mọi cảnh chia ly, cho dẫu là với người mới quen sơ. Chàng cầm tay thiếu phụ nghẹn ngào nói:
- Bà đi thật à? Tôi cứ ngỡ...
Thiếu phụ cười dòn dã:
-  Anh cứ ngỡ gặp phải kỹ nữ me Tây?
- Xin lỗi bà, ai lại…
- Nầy, hay mời anh vào chơi giây lát. Đêm nay chắc tôi cũng không ngủ.
 
Hà xem lại thì đó là ngôi nhà chung cư Cửu long. Khi họ lên tới lầu, bà ấy đẩy cửa một căn buồng hẹp té thì Hà ngạc nhiên hết sức mà thấy buồng trang hoàng như một căn nhà bình dân với nào tranh gà, tranh lợn, tranh Tàu trên vách, đặc biệt nhất là một bàn thờ tạm dọn trên chiếc bàn con với gần đủ đồ thờ, bình hương, độc bình, đèn, nhang.
Thiếu phụ cười nói như để xin lỗi:
- Cục cựa không được. Nhưng không làm sao khác hơn. Đến ở mười hôm, không thể mướn nhà.
-  Té ra bà chỉ mới về đây thôi?
-  Vâng, rồi mai lại đi.
- Sao bà vội thế?
-  Rồi anh sẽ hiểu.
Thiếu phụ trót nước trà từ bình thủy ra hai cái ly bằng lát-tích, thứ rẻ tiền, mua trên vỉa hè hai bên chợ Bến thành. Nàng ngồi trên giường nhường chiếc ghế độc nhất trong buồng cho khách và nói:
-  Đáng lý vì ngày mồng một em mới đi, để được nghe tiếng pháo giao thừa, như hồi năm 1958 mà em đã về một lần như vậy, nhưng nghe rằng năm nay cấm đốt pháo nên em lấy vé có lại ngày ba mươi Tết.
-  Té ra bà đã về đây một lần rồi?
- Vâng!
-  Nhưng bà đã ra đi năm nào?
-  Năm 1954.
Hà ngắm kỹ thì quả thiếu phụ nầy đã có một thời đẹp lắm. Hớp từ hớp trà nóng, thiếu phụ cũng nhìn chàng ra nói:
-  Anh là người khách đầu tiên và cuối cùng của em. Em mừng lắm.
-  Hân hạnh cho tôi.
- Thành thật mà nói thì không có gì hân hạnh cho anh. Em chỉ mừng vì được trò chuyện thân mật với một người Việt nam, chớ không vì cá nhân của anh đâu. Anh đã mua sắm Tết chưa?
-  Đã xong cả.
-  Có bánh tét, dưa hấu chớ?
- Có. Các thứ hoa cũng đã mua xong. Tôi mua được một cành mai đẹp lắm.
- Mai thui...
-  Không, một cành mai mà họ cắt ngang để bán.
Nhưng thiếu phụ không nghe nữa. Nàng nhìn vào khoảng không, rồi say sưa nói to lên một mình: “Mai thui... ba chặt cành mai vào giữa tháng chạp, ba thui cành ấy nơi bị chặt, ba chặt lá, rồi ba cặm trong độc bình có chứa nước...”.
“Thế rồi hăm lăm hoa ra nụ và tối ba mươi nó âm thầm nở. Sáng mồng một là bàn thờ vàng óng. Nó bền và đẹp hơn hoa nở sẵn trên cành bị cắt ngang, rồi... rồi ba …”
Bà ta còn nói gì nữa, nhiều lắm, lầm thầm trong miệng rồi nghẹn ngào không tiếp được. Lâu lắm bà ta chấm dứt trễ muộn câu nói nửa chừng ấy bằng một tiếng nấc.
Như là kẻ đóng trò, hay một con mẹ điên, thiếu phụ thình lình ngước lên nhìn khách rồi cười dòn mà rằng:
-  Em chưa già mà đã lú lẩn. Em có làm buồn lòng anh lắm không?
- Không, thưa bà.
-  Em đã ba mươi rồi. Không, em chỉ mới ba mươi thôi, nhưng già quá, lòng em héo hắt, bằng cớ là em chỉ sống quay về dĩ vãng thôi. À, anh chắc còn trẻ lắm?
-  Tôi cũng ba mươi.
- Tuổi sung sướng! Của anh và của người khác. Trời ơi, sao tôi lại già thế nầy! Tôi chỉ tiếc thương dĩ vãng, không hưởng được những gì đang có trong lứa tuổi tôi. A… ha... ha... em lại lẩn thẩn nữa, xin lỗi anh. Em cám ơn anh, đã đến, đã vào đây. Có lẽ em sẽ nhớ anh trọn đời.
-  Tôi tên là...
-  Đừng, anh đừng nói tên. Anh là người Việt nam, bao nhiêu ấy là đủ lắm rồi. Em đã gặp một thanh niên Việt nam, không, em đã gặp quê hương Việt nam vào một đêm cuối năm, trong đời em.
- Nhưng, bà đi bên ấy làm gì, và về để tìm bà con hay...
-  Ông có gan nghe câu chuyện không hay mà khá dài hay không?
-  Tôi đoán là hay.
- Đoạn đầu rất xoàng. Đoạn sau, chỉ hay đối với em thôi. Đoạn đầu rất cổ điển mà báo chí sách vở ở đây nói đến khá nhiều rồi, về người khác mà trường hợp giống trường hợp em. Năm đó em học ban Trung học Pháp Việt ở Sài gòn. Nhơn kỳ nghỉ hè, em về quê, một làng hẻo lánh kia, rồi bị một nhóm quân nhân Pháp hiếp.
Sợ gia đình em thưa kiện, chúng nó phao vu em rồi bắt em đi. Ra tỉnh bị giam một thời gian thì em được thả, nhưng có còn gì nữa đâu để mà quay về. Vừa lúc ấy thì một sĩ quan Pháp phải lòng em và bao em.
Em bằng lòng theo nó, vì cũng chẳng thiết làm lại cuộc đời, và một năm sau, đạo quân viễn chinh rút lui, em theo y về bên ấy và được y cưới luôn, rồi em xin vào Pháp tịch.
Hai năm đầu em vui được với cảnh lạ, nhưng khi hay tin cha mẹ em qua đời, em bỗng chạnh nhớ quê nhà.
Ban đầu chỉ là một nỗi nhớ nhung nhè nhẹ thôi. Nhưng càng ngày lòng sầu xứ càng sâu đậm, em không chịu nổi nữa nên vào cuối năm 1958 ấy, em có dư chút ít, xin thông hành với tư cách du khách về đây, cũng lúc cuối tháng chạp như năm nay.
Không thế nào mà anh tưởng tượng nổi sự thèm khát quê hương của một kẻ lìa xứ vĩnh viễn không hy vọng trở về như em. Thèm như là thèm một món cá nướng chấm mắm nêm, thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa ngân nga vào buổi hoàng hôn, thèm cảnh cấy mạ vào đầu mùa lúa. Thèm chết đi được là vào lúc gần Tết, tức là khoảng đầu năm dương lịch. Nhớ Tết như nhớ nhà, nhớ nước, bởi vì Tết là sum hợp gia đình.
Em chỉ về cho đỡ ghiền vậy thôi, chớ bà con xa gần gì cũng chẳng còn ai, không có lấy một mái tranh để mà vào. Mười hôm lưu lại đất nước nhà năm ấy đã làm cho em thất vọng vô cùng, định không về nữa. Nhưng, rồi lại nhớ và năm nay lại về.
Hà chợt hiểu vì sao mà tranh Tàu bình dân lại treo vách buồng buyn-đin và người thuê buồng lại dọn bàn thờ phiền phức như thế nầy: nàng muốn tạo lại không khí gia đình đầm ấm mà về tới đây, nàng vẫn nghe thiếu.
 
Hà nghe nao nao buồn khi nhìn khói nhang mà chủ phòng đã đốt lên lúc nãy. Đêm mai, nhà nhà sẽ ngát hương trầm, nhà nhà sẽ đoàn tụ, trong khi đó thì một người sẽ bay trên vạn dặm trùng dương vì không còn lấy một mái tranh để mà vào, thèm mái tranh quyện khói lam chiều ấy mà không bao giờ được hưởng.
-  Thì ra cái đó là...
-  … là gì chính em cũng không nói ra cho đích xác được. Một vũng ao tù trong thôn xóm chăng? Một chân trời quen thuộc? Một mùi cá nướng? Một vài tiếng sáo mục đồng? Hay là tất cả những thứ ấy nó họp lại để làm một linh hồn của quê cha đất tổ mà em ngỡ từ bỏ được, nhưng không thể được.
Mỗi đêm, em đi lang thang như vậy qua hết phố nầy đến phố khác, lắng nghe những tiếng thì thầm bí mật trong không, rình rập mãi một cái gì không biết, nó có thể cho em thoáng thấy cái vô hình mà em tìm, nhưng không gặp.
Bơ vơ quá, đang sống trong thủ đô Việt nam mà em nghe rằng mình chỉ đi bên lề nước Việt thôi, không làm sao mà len vào linh hồn của đất nước được.
- Cây cỏ, núi sông vẫn có linh hồn. Nhưng ta chỉ nắm tay được với linh hồn cảnh vật qua trung gian của một linh hồn khác thôi, linh hồn người. Có lẽ bà tìm một hồn bầu bạn mà không dè.
Thiếu phụ đặt vội ly trà lên nệm, nhìn sững Hà giây lâu rồi nói:
-  Ừ, có lẽ đúng, anh nói có lẽ đúng.
- Linh hồn bầu bạn ấy là vật xúc tác của hai linh hồn khác, linh hồn đất nước và linh hồn của chính ta.
-  Anh nói có lẽ đúng. Thuở còn con gái, em mơ yêu. Ông Hoàng tử đẹp trai của em là một thanh niên Việt nam, cố nhiên. Rồi rủi ro của số phận đã xô em vào tình cảnh không hay. Giấc mơ thiếu nữ không bao giờ thỏa cả, em chưa được yêu lần nào.
 
Trong giờ khắc năm tàn tháng lụn, chàng thi sĩ đa tình và trơ trọi nhìn lại người đàn bà mà tấm lòng đi lang thang khắp bốn phương trời, đau xót khôn nguôi cái đau mất gốc! Dấu vết hường nhan ngày xưa của nàng đang lặn hụp chìm nổi trong niềm u uẩn triền miên, trong bóng ngày rơi rớt của buổi chiều tà, bóng nầy bỗng đẹp rực rỡ lên, trong cái bừng dậy cuối cùng của tất cả những gì đang hấp hối.
-  Thưa bà, tôi có thể là tâm hồn bầu bạn mà bà đang tìm hay không?
Thiếu phụ mắt sáng lên, môi mấp máy, nhưng rồi nàng lại châu mày mà rằng:
-  Cám ơn anh đã có lòng. Nhưng xúc động hời hợt trong một phút của anh rồi không đi đến đâu cả. Không thế nào em đủ thì giờ để đợi anh hỏi lại cặn kẽ lòng anh. Đã trễ quá rồi như em đã nói, và anh đã chế giễu vì không tin.
Nhưng cám ơn, cám ơn không biết bao nhiêu. Trong đời em, đã có một lần em suýt vớ được linh hồn đất nước. Có bị dòng đời lôi cuốn đi, một chút xíu may mắn ấy cũng đủ sưởi ấm lòng em trên đường trôi giạt.
-  Ngày mai bà đi?
-  Vâng, cám ơn và vĩnh biệt!
-  Nhưng bà có thể trở lại...
-  Không, chồng em kiếm không được bao nhiêu tiền. Về nước là một xa xí phẩm.
 
Hồn nước Việt nam đã xuống lầu, ra phố, ngảnh lại nhìn qua cánh cửa sổ khép nửa chừng, những sợi khói nhang trắng đục từ từ bay lên trần.
 
Hồn mất gốc mở toát cửa ra, lặng nhìn theo quê hương dần xa, trong khi nó sắp bị  cuốn vào dòng đời cuồn cuộn chảy.
Trong đêm lặng, bốn cánh tay giơ lên, vẫy tiễn đưa nhau.
 
Từ đó, đêm đêm Hà nện mạnh gót giày trên vỉa hè đại lộ Hàm nghi, dáo dác đón trong gió lạnh, hồn người bạn một giờ nó như còn lẩn quất đâu đây:
Gầy gõ
Đường đêm
Tiếng giày dạ khách.
Chập chờn
Chiếc bóng phong sương.
Tâm tư lê nặng phố phường,
Lầu hoa cửa khép
Trầm hương mơ hồ!
Chàng hay ngước lên những cửa sổ khép sơ mà trong đó biết đâu lại không có một kẻ đang tìm một linh hồn.
Giang hồ mình lại xa gì với ta
Em ngùi son phấn phôi pha,
Thoáng nhìn đã vội bâng khuâng
Ngược, xuôi đôi kẻ rời chân, ngậm ngùi! 
 
Nhưng từ đó cảm xúc của chàng đã có duyên cớ thật. Nghẹn ngào và lệ thảm của chàng không còn là cái nghẹn, là nước mắt tầm phào của một thi sĩ đa tình và giàu tưởng tượng nữa.
 
  Chú thích:
(l) Mượn thơ của Hà Liên Từ
 
(Cuống rún chưa lìa)

Xem Tiếp: ----