Buổi chiều ngày 29 Tết, chị Hai lại thăm tôi. Chị mang cho tôi những đòn bánh tét, gói thật khéo. Tôi cầm lên ngắm nghía, hỏi chị:--Ở đây người ta gói bằng những sợi chỉ đỏ, còn hồi đó, nhà mình gói bánh chưng, dì Út phải tướt lạt, ngâm nước cả ngày cho lạt mềm mới gói. Cái chi ở bên ni cũng tiện lợi, có sẵn chị hỉ. Chị mua bánh ở tiệm mô rứa?Chị cười:--Ðố em đó.Tôi lắc đầu:--Em chịu thôi. Mỗi năm chị lại tìm ra được một người gói bánh ngon hơn, em làm răng biết được!--Phải. Chị nhất định phải tìm ra người nấu bánh chưng ngon như dì Út mình mới được. Bánh ni coi bộ khéo, nhưng không biết có ngon như rứa không.Mắt chị Hai chợt buồn, giọng chị tiếc nuối:--Tết mà ăn được bánh tét của dì Út gói, nghe chuyện ma dì Út kể thì mới thật sự thấy Tết.Lời nuối tiếc của chị Hai như một tiếng thở dài. Chị và tôi không ai bảo ai, đều nhìn hình của dì Út trên bàn thờ, bên cạnh hình ba mạMỗi năm trong khi ngồi canh nồi bánh tét, dì Út hay kể chuyện ma cho 2 chị em tôi nghe. Năm nay dì có vẻ buồn trong ngày cuối năm. Tôi và chị Hai biết dì vẫn còn buồn vì người hàng xóm rất thân của dì là cô Tâm vừa mới qua đời không lâu. Cô Tâm và dì Út bằng tuổi nhau, nghe mạ nói vậy.Dì Út không phải là dì ruột của tôi, không biết vì nguyên do gì, dì theo ba mạ tôi từ Huế vào Tuy Hòa lập nghiệp, ba má tôi coi dì như em ruột, dĩ nhiên là dì không có bà con thân thích bên cạnh, nên ngoài ba mạ tôi ra, dì chỉ biết ‘’bán bà con xa, mua láng giềng gần’’. Dì không có chồng bao giờ, không biết sao, dì rất ghét đàn ông, không thấy dì nói chuyện hay gần gũi với một người đàn ông nào cả. Dì hay bận áo tím Huế, tóc dì bới thật gọn sau ót, để lộ gương mặt hơi vuông nhưng không thiếu nét quyến rủ, hai môi dì hay mím chặt, tỏ lộ ý chí cương quyết như đàn ông. Hai gò má dì hơi cao nên có người nói dì cao số. Sau khi ba tôi mất, dì tiếp tục ở với mạ tôi, hai chị em hủ hỉ với nhau, dì rất thân với cô Tâm. Cái chết của cô Tâm làm dì buồn hiu. Ðã vậy con Vện của cô Tâm, từ bữa cô chết tới nay, nó cứ tru cả đêm rất ai oán và rùng rợn, làm ai cũng rùng mình, rởn tóc gáy. Hàng xóm xì xào, con chó nhìn thấy hồn cô Tâm về nên mới tru lên như vậy.Mỗi lần đi ngang nhà cô Tâm, dầu sợ, tôi cũng ráng nhìn vô nhà của cô. Tôi thấy trên bàn thờ, có hai ngọn đèn leo lét, ở giữa là tấm hình của cô, mặc áo dài, đeo kiềng vàng. Tấm hình này tôi đã thấy nhiều lần khi đến nhà cô, lúc cô còn sống thì tấm hình không có gì đặc biệt, nhưng đến khi cô chết rồi, nhìn tấm hình cũng thấy rờn rợn. Ánh mắt cô thật bí ẩn, nụ cười trên môi bây giờ không ra vẻ cười mà lại như một cái nhếch mép, khinh mạn. Từ cửa sổ bên ngoài trời tối nhìn vào thật ma quái. Tôi ba chân, bốn cẳng chạy thục mạng, tưởng con đường hẽm từ ngoài vào đến nhà mình dài vô tận! Mạ tôi nói, cô Tâm ăn ở hiền lành, thế nào cũng đầu thai đi nơi khác nhanh lắm. Nhưng trong khi chờ tới phiên mình đi đầu thai, cô cũng phải lai vãng nhà cửa thăm viếng người thân vì hồn ma cũng như người, thường thường lưu luyến những nơi quen thuộc và những người hay thương mến mình. Tôi nghe mà nỗi da gà, khi còn sống mạ và dì Út thân với cô Tâm lắm, nói như rứa, tức là thế nào cô Tâm cũng về thăm mạ và dì Út!?Chị Hai tôi cũng sợ ma, chị hơn tôi 5 tuổi, nhưng chị hay làm ra vẻ ta đây cho oai với em gái. Một lần không biết chị đã nhìn thấy gì, từ cửa sổ nhà cô Tâm, chị chạy về, mặt xanh lè, nói thầm vào tai tôi với một giọng run run, đứt quãng:--Mi biết không! dễ sợ chi lạ! tau thấy hình cô Tâm tự nhiên cười với tau! trời ơi! cô cười nhưng đôi mắt cô trợn trừng dễ sợ quá mi nợ!Tôi cảm thấy sau cổ mình, tóc dựng đứng, tôi cà lăm:--Rứa...rứa... ngó làm chi?Chị nạt:--Vô duyên! tau đâu có muốn ngó, nhưng kỳ quá mi nợ! hình như có một sức mạnh chi lạ lắm, bắt tau quay mặt vô đó.Tay chân tôi run lẩy bẩy:--Rồi...rồi chị thấy chi nữa?Chị Hai nhíu mày:--Rứa cũng đủ chết người! tau chạy thục mạng về đây nì. Trời ơi! thôi tau không dám đi ra đường giờ đó một mình nữa mô.Tôi nói thêm:--Dì Út noái, hồn cô Tâm hiện về hoài. Mạ cũng thấy nữa. Dì còn nói, con chó của cô Tâm cứ tru hoài vì hắn cũng thấy cô Tâm đó chị Hai.--Chớ răng! khi tau thấy cô cười với tau qua cửa sổ là lúc tau nghe con chó Vện rên ư ử như là hắn đang sợ hãi ghê lắm.Trời ơi! nghe tới đây hồn vía tôi lên mây. Tôi nắm chặt tay chị tôi. Tôi lấm lét nhìn về hướng nhà cô Tâm:--Rứa mạ mô rồi? mạ mô rồi?--Mạ đi chùa, tối ni có lễ cầu an cho cô Tâm ở chùa Cát. Túi ni, mình canh nồi bánh tét với dì ÚtBuổi chiều, tôi thấy mạ mua chuối, cam, bánh trái rất nhiều đem qua cho chú Tâm để trên bàn thờ cúng cho cô, mạ còn đem một giỏ tới chùa. Mạ chép miệng nói:--Tội nghiệp cô Tâm, thiệt thà, hiền lành dễ thương, chết yểu thiệt tội. Ngày mai, đúng ngày mồng một, cúng 49 ngày cho cô, mong cô được siêu thoát, đi đầu thai kiếp khác, may ra gặp được điều tốt hơn ở kiếp ni.Từ chiều tới giờ, sau khi nghe mạ nhắc đến cô Tâm, dì Út có vẻ buồn buồn, ít nói. chị em tôi kéo cái đòn ngồi gần lại dì hơn. Chị Hai ngập ngừng một hồi trước ánh lửa hồng, một hồi lâu, chờ dì Út bỏ thêm củi vào lò, chị tằng hắng, nói:--Dì Út nì! năm nay dì kể chuyện chi thiệt dễ sợ cho tụi con nghe hỉ.Mắt dì long lanh, không biết vì ánh lửa hay có vài giọt lệ đang vươn nơi khóe mắt của dì. Tôi nhìn lên tàng cây đen ngòm, qua cửa sổ cái chái bếp cảm thấy rờn rợn. Tôi không biết tối nay mình có thích nghe chuyện ma hay không nữa. Dì Út dùng một thanh củi cời lửa lên, cho lửa cháy đều. Cái ấm nước bên cạnh đang tỏa khói ra cái vòi phèo phèo. Dì đứng lên chêm nước sôi từ cái ấm vô cái nồi nấu bánh chưng. Mạ đã dặn, phải chêm bằng nước sôi, nếu chêm bằng nước lạnh, bánh sẽ sượng, mất ngon. Năm nay mạ biểu nấu bánh chưng vào tối 29 vì ngày 30 bà có nhiều công việc quá, làm một lúc không xuể.Bỗng dì Út ngưng tay, như đang chăm chú lắng nghe một tiếng gì, chúng tôi cùng nghe một lượt tiếng con vện tru một cách ai oán. Dì chép miệng:--Tội nghiệp con vện, nó lại thấy chủ nó nữa! Con chó ni có nghĩa chi lạ!Vừa dứt lời, một loạt tru khác lại nổi lên, lần này to hơn, xen lẫn tiếng rên hừ hừ như người đang lên cơn sốt. Da tôi nổi gai. Tôi thấy chị tôi ngồi nhích sát thêm vào chỗ dì Út. Có tiếng chửi đổng của chú Tư giặt ủi:’’cái đồ chó ma quái! đêm hôm cứ sủa với tru không ai ngủ được!’’. Giọng chị Hai thì thầm:--Dì nì! con vện thấy chi rứa dì hè?Dì cũng theo ánh mắt tôi, hướng ra vườn sau:--Thì thấy chủ nó, chớ thấy chi.Tôi chợt nhớ:--Hôm trước dì noái chi đó? Dì noái cô Tâm chết bất đắc kỳ tử phải không dì? Làm răng mà biết chết bất đắc kỳ tử?Dì la âu yếm:--Con nít, con nôi biết chi ‘’bất đắc kỳ tử’’ mà hỏi?Chị Hai làm ra vẻ khôn ngoan:--Chết ‘’Bất đắc kỳ tử’’ là chết khi chưa tới số! mi hỏi lãng òm!Quay sang dì, chị Hai hỏi:--Có phải cô Tâm bị vợ lớn chú Tâm bắt phải không dì? Nếu hồn vợ lớn không bắt cô Tâm đi thì cô Tâm chắc chưa tới số chết phải không?Dì Út cầm cái ấm nước đưa và, ra dấu cho chị Hai đổ vô ấm nước mới, bắt lên lò, rồi nói:--Thì rứa! bà ni chết rồi mà còn ghen quá, nên đêm đó, đã về và đem cô Tâm đi theo. Ai cũng nghe đêm đó, tiếng con Vện tru từng chặp, chú Tâm nói nó chạy lăng quoăng, đuôi cụp xuống, miệng rên ư ử chung quanh giường cô Tâm, rồi thấy cô Tâm trợn mắt, tay bắt chuồn chuồn, sùi nước miếng rồi ngã ra chết luôn.Dì chép miệng:--Tội nghiệp cô Tâm, từ lúc ưng chú Tâm, gia đình chú Tâm hất hủi cô vì cô mồ côi, không cha, không mẹ, lại là đào hát, gia đình chú không chịu. Chú thương cô từ lúc mới đi coi cô trình diễn tuồng Phàn Lê Huê. Vợ chú phải cạo đầu đòi đi tu, chú mới thôi không đi coi cô Tâm trình diễn nữa, cho đến khi vợ chú qua đời vì đau thương hàn, chú đem cô Tâm về làm vợ. Gia đình chú cứ chửi mắng cô Tâm hoài. Cô phải bỏ nghề hát mà gia đình chú cũng không chịu, cứ lâu lâu lại tới hạch xách đủ điều, nói cô là ‘’xướng ca vô loài’’, thế nào cũng ‘’ngựa quen đường cũ’’... Cô Tâm tuy là đào hát, nhưng tánh tình nhỏ nhẹ, dễ thương. Bà vợ lớn chết nhằm giờ linh thiêng nên hay về nhát cô lắm. Không ngờ, đêm đó, bà ta về và bắt cô Tâm đi luôn. Cô Tâm cũng chết vào giờ linh thiêng và cô chết một cách oan ức, nên hồn cô cũng về hoài.Tiếng chó lại tru lên thảm thiết,dì nói tiếp:--Con vện có nghĩa lắm. Sợ rồi nó cũng chết theo với cô Tâm mà thôi. Thường thường chó mất chủ hay chết theo lắm.Tôi buột miệng:--Dì nì! người chết thì hay về, lỡ con chó chết thì nó có về không?Dì Út nói một cách quả quyết:--Răng không! chó cũng như người. Khi mới chết đi, hồn chưa siêu thoát, nó cũng hay lảng vảng về thăm nhà lắm. Khi xưa, ba dì con nuôi một con chó, tên Nu, nó khôn lắm, biết canh kẻ trộm, nên thằng ăn trộm thù, tìm cách bắt trộm để ăn thịt. Sáng hôm sau ba dì thấy cái đầu con chó trước cửa, ông đem chôn đầu con chó và khóc cả tháng Sau đó, nó cứ hiện về hoài, ba dì nghe tiếng nó sủa, tiếng nó chơi đùa, chạy nhảy... Sau vài tháng, thằng ăn trộm chết, trước khi chết thằng ăn trộm cứ sủa ăng ẳng như chó. Ba dì nói, tiếng nó sủa giống y như tiếng con chó Nu của ông rứa. Trời ở ngoài đang lạnh, nhưng tôi thấy mồ hôi mình lấm tấm trên trán. Tôi nhìn lấm lét ra ngoài bầu trời âm u. Nồi bánh chưng vẫn sôi sùng sục. Chị Hai nuốt nước miếng:--Rứa chú Tâm có kể chi khi trước khi cô Tâm chết không dì?Dì nhíu mày:--Có chớ răng không. Chú nói đêm mô hồn vợ lớn của chú cũng hiện về. Bà đòi lại cái khăn quàng mà cô Tâm đang dùng bằng cách xiết cổ cô. Chú nói đêm đó, tự nhiên chú thấy cô Tâm la inh ỏi, ôm cổ như đang bị nghẹt thở, cái khăn trên cổ cô như có bàn tay vô hình đang xiết lại, lưỡi cô thè ra ngoài, chú phải vội vã tháo khăn ra, vả vô mặt cô mấy cái thật mạnh, cô mới tỉnh. Có lần, ba má chú lại chơi, cô lo nấu cơm đãi cha mẹ chồng, bỗng dưng nồi cơm đổ ụp xuống đất, cô bị cha mẹ chồng chửi là đàn bà hư thúi, cô chỉ biết ôm mặt khóc mà thôi. Ðời cô thật tội từ lúc ưng chú Tâm không hề thấy cô cười. Ðã vậy còn chết vào dịp cuối năm, ai cũng lo đón Tết thì lại đúng vào 49 ngày của cô....Dì Út đổi giọng:-- Mà...thằng chồng vô hậu! chưa chi...Dì Út tự nhiên gọi chú tâm bằng một giọng ghét bỏ, dì định nói thêm, nhưng không hiểu sao, dì ngừng lại không muốn nói tiếp, chị Hai nôn nóng hỏi:--Răng? răng? chú vô hậu răng dì?Dì Út nhìn xa vắng:--Mộ cô Tâm chưa xanh cỏ, thì nghe chú đang lăng nhăng với một người khác rồi, con ni nghe noái có đứng đắn chi mô! cả trăm thằng! Con ni về, không biết số phận có hơn cô Tâm hay không? Ðàn ông một thứ như rứa! đoảng hậu!Giọng của dì vừa xót xa, vừa phẫn uất. Mắt dì đăm chiêu. Tôi tuy còn nhỏ, không hiểu nhiều chuyện của người lớn, nhưng đầu óc cũng thấy có những điều bất ổn trong câu chuyện, tôi thấy lờ mờ những bí ẩn trong cái chết của cô Tâm nhưng không biết phải nói làm sao hết ý tưởng của mình.Buổi tối mạ về, mạ và dì Út nói chuyện với nhau nho nhỏ, tôi không nghe rõ vì mắt đã nặng trĩu. Tôi nghe loáng thoáng tiếng dì Út:--Thằng nớ vô hậu, trời đất mô tha cho hắn.Buổi sáng hôm sau, hàng xóm xôn xao con Vện nằm chết trước sân, đầu ngoẹo sang một bên, miệng còn đọng đầy máu tươi. Có người nói con chó bị ma vật chết. Nếu quả thật như vậy, thì chỉ có hồn vợ lớn chú Tâm vật chết thôi vì không lẽ cô Tâm lại vật chết con chó của mình? Nhưng có người xì xào, con chó bị thuốc chết? Ai đánh thuốc cho nó chết? những người hàng xóm bực mình con chó tru cả đêm không ngủ được như lời than phiền của chú Tư giặt ủi? hay ai? ai đã đánh thuốc giết nó?Ðã hơn 30 chục năm trôi qua, nhớ lại những lời dì Út kể về cô Tâm, tôi lại nhớ nụ cười và ánh mắt của cô trong tấm ảnh, để trên bàn thờ. Khi cô sống cô không có dịp để cười, vì vậy khi cô chết đi rồi, cô mới có dịp nhếch môi, chắc vì vậy nên cô mới có một nụ cười có vẻ khinh bạc như vậy.Tôi sắp những cái bánh chưng lên bàn thờ ông bà, tôi hỏi chị Hai:--Cái ông Tâm nớ thiệt là đồ vô hậu chị Hai hỉ. Hắn giết luôn bà vợ thứ ba mới bị bắt vô tù hí?Chị Hai sửa sang lại mấy bình hoa cúc cho tôi được ngay ngắn, nói:--Sát nhân thì giả tử, ác giả, ác báo, chắc hồn của bà vợ trước với hồn cô Tâm về báo nên cảnh sát mới biết được hắn chính là thủ phạm giết bà vợ sau.Tôi thắc mắc:--Em nghĩ chính hắn giết cô Tâm chớ ai?--Chớ răng nữa! Hắn tính giết nhiều lần không được, thuốc cô cũng không chết, bóp cổ cũng không xong. Hắn đã giả làm ma giết cô... vì cô có chứng bệnh đau tim.--Ui chao dễ sợ chi lạ! rứa con chó, em cũng nghi hắn giết chớ ai!--Còn ai trồng khoai đất này! Hắn ghét con chó vì con chó của cô Tâm mang về, con chó thương nhớ chủ cứ tru lên hoài nên hắn phải giết đi cho khuất mắt!Chị chợt ví von lãng nhách:--Tôi nghiệp con chó. ‘’Gió đưa cây cải về trời’’, ‘’rau răm ở lại chịu đời đắng cay’’... Cô Tâm đi nên con chó phải chịu sự ghét bỏ của thằng chồng vô hậu.Tôi chợt bùi ngùi nghĩ câu ca dao này phải áp dụng cho chị em tôi mới đúng, sau khi dì Út mất, rồi mạ cũng ra đi. Mạ tôi đau rất lâu, trước khi mạ mất, mạ dặn hai chị em tôi phải tìm cách rời Việt Nam. Mạ mới đúng là cây cải thân yêu của chị em tôi, mạ đi để hai cây rau răm yếu đuối trôi giạt, tha hương.Tiếng chị Hai đưa tôi về thực tại:--... Vì vậy, khi hắn bị bắt giam, không ai muốn vô thăm, không ai muốn nhìn mặt hắn hết, dĩ nhiên chỉ có cha mạ hắn thăm thôi. Cha mạ hắn cũng vô hậu không thua gì hắn cả... Dì Út mình hiền như rứa mà cũng không muốn thấy hắn nữa.Trong đầu tôi bỗng lóe lên một tia sáng, tôi hỏi:--Dì Út có vẻ không ưa hắn tí nào hết từ lúc đầu, tại răng rứa chị Hai hè?Chị nhìn lên hình dì Út, mắt chị như mờ đi, ngừng một giây chị mới nói:--Ông Tâm nớ, theo dì hoài, mà dì ghét cay ghét đắng con người vô hậu, thà ở giá sướng hơn!Thu Nga