Các Đô Đốc, Thứ-Sử Giao-Châu
Quyển Đệ Bát

Các Đô Đốc, Thứ-Sử Giao-Châu -

- Các Thái Thú ở các quận Giao Chỉ, Cửu-Chân và Nhật-Nam -
trong thời Lục Triều
 
Đổng-Nguyên
Làm Thái-Thú Cửu-Chân nhà Tấn (265-316).
Soán-Cốc
Làm Thái-Thú Giao-Chỉ.
Mã-Dung
Thay Soán-Cốc.
Dương-Tắc
Làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, nhà Tấn.
Mạnh-Cán
Bộ thuộc của tướng-quân Hoắc-Dặc, theo Mao-Quýnh từ nước Thục qua Giao-Chỉ, bị nước Ngô bắt, sau qui thuộc nhà Tấn, bày cho nhà Tấn những kế-hoạch đánh nước Ngô, vua Võ-Đế nhà Tấn dùng làm Thái-Thú quận Nhật-Nam.
Đào-Hoàng
Tự là Thế-Anh, người Đan-Dương, làm chức Thái-Thú quận Thương-ngô, thuộc nhà Ngô. Khi trước Lữ-Hưng giết Tôn-Tư đem quận ấy thuộc về nhà Tấn, Tấn Võ-Đế (265-290), phong Hưng làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ. Về sau Hưng bị Lý-Thống giết, vua lại khiến Soán-Cốc và Mã-Dung ở đất Ba-Tây kế tục thay thế, nhưng mấy ông kể trên đều bị đau chết cả. Khi ấy vua dùng Hoắc-Dặc và Dương-Tắc điền thết, hợp với Mao-Quýnh, Đổng-Nguyên, Mạnh-Cán, Lý-Tùng, Vương-Nghiệp và Soán-Năng, từ nước Thục ra Giao-Chỉ đánh phá quân Ngô ở Thạch-Thành, chém Tu-Tắc và Lưu-Tuấn. Mùa thu năm Kiến-Hoành thứ 3, (271), vua nước Ngô sai bọn Ngu-Phiếm, Tiết-Hủ và Đào-Hoàng chống với bọn Dương-Tắc, đánh nhau ở Phần-Thuỷ. Hoàng bị bại trận, rút quân lui giữ quận Hợp-Phố. Hủ giận bảo Hoàng rằng: "Ngươi tự xin đi đánh giặc mà không thắng lợi, thì lỗi tại ai?" - Hoàng nói: "Tôi là quan nhỏ, không làm theo ý được, các ông không đồng ý nhau, cho nên thua đấy thôi". Đào-Hoàng muốn đem quân trong lúc ban đêm để đánh thình-lình và thẳng tiến quận Giao-Chỉ. Đổng-Nguyên kháng cự; khi sắp ra trận, Hoàn nghi có phục binh, nấp ở trong vách tường, bèn cho từng hàng quân cầm giáo dài ở đằng sau, sẵn sàng để chực. Quân hai bên vừa giáp trận, Nguyên giả thua bỏ chạy, Hoàng đuổi theo, quả có quân phục-kích nổi dậy, nhưng bị mấy lớp quân cầm giáo dài đón đánh, nên quân của Nguyên bị thua nặng. Quân của Hoàng lấy những đồ bữu-vật đem về. Lúc đó, Hủ mới xin lỗi Hoàng. Hoàng lấy của thu được cho tướng ở đất Phù-Nghiêm là Lương-Kỳ-Chi để đền ơn đã giúp Hoàng một vạn người. Đổng-Nguyên có một người dũng-tướng là Giải-Hệ cùng ở trong thành, Hoàng dụ người em là Tượng, viết thư cho Hệ, lại khiến Tượng ngồi xe đi theo mình. Nguyên nói: "Tượng như thế, thì Hệ ắc có ý bỏ đi", nên tức thì giết Hệ. Khi ấy Hoàng đánh cướp được thành, quận Cửu-Chân và Nhật-Nam đều đầu hàng. Hoàng thành-công được thăng làm Thứ-Sử Giao-Châu. Đào-Hoàng có mưu-kế, hay giúp người cùng khổ, ưa làm việc bố-thí, rất được lòng mọi người, những bọn mọi phiến-nghịch đều bị Hoàng đánh dẹp yên hết. Sau Hoàng bị triệu về, thì người ở Giao-Châu, ước chừng 30 bọn xin lưu lại, nên Hoàng được ở lại giữ chức cũ. Khi Tôn-Hạo đầu hàng nhà Tấn, tự tay viết thơ bảo Hoàng qui thuận nhà Tấn. Hoàng được thơ khóc đến mấy ngày, rồi sai người đưa cả đồ ấn-thọ (1) tới Lạc-Dương, vua nhà Tấn ra lời chiếu cho làm lại chức cũ và phong cho tước Uyển-Lăng-Hầu, lại cải chức là Quán-Quân tướng-quân. Đào-Hoàng ở phương Nam 30 năm, đến khi chết, nhân-dân cả châu đều thương khóc.
Ngô-Ngạn
Tự là Sĩ-Tắc, làm Thái-Thú quận Kiến-Bình nhà Ngô. Ngạn tài kiêm văn võ, tay không mà đánh lại cọp. Khi nhà Ngô mất, Ngạn về với nhà Tấn, làm Thứ-Sử Giao-Châu. Khi Đào-Hoàng chết, các quân đồn thú ở quận Cửu-Chân làm loạn, Ngạn đánh dẹp yên, chém
tên tướng giặc là Triệu-Chỉ, trấn-ngự Giao-Châu đến 20 năm, ân oai rõ rệt, cho nên đất Nam-Châu yên lặng.
Cổ-Bí
Tự là Công-Trực, con của Cổ-Khải, tướng quân của nhà Ngô. Bí thay Ngô-Ngạn làm Thứ-Sử Giao-Châu.
Cổ-Sâm
Con của Bí. Khi Bí chết, người trong châu cưỡng bách Sâm lãnh việc Giao-Châu.
Cổ-Thọ
Em của Sâm. Khi Sâm chết, thì Thọ xin lãnh việc Giao-Châu, người trong châu không thuận, Thọ bèn giết bọn trưởng sử là Hồ-Triệu, lại muốn giết cả Lương-Thạc, Thạc đem binh bắt Thọ, và bắt cả mẹ Thọ, rồi cho uống thuốc độc giết luôn.
 Đào-Oai (Có bản chép là Đào-Thành).
Con của Đào-Hoàng, khi trước Lương-Thạc giết Cổ-Thọ, rước Oai lãnh Thứ-Sử Giao-Châu. Oai làm việc, rất được lòng dân.
Đào-Thục
Em của Đào-Oai, nối theo làm Thứ-Sử.
Vương-Đôn
Làm chức Trần-Đông Đại-tướng-quân nhà Tấn, đốc suất quân-sự 6 châu là: Giang, Hoài, Kinh, Tương, Giao, Quảng.
Vương-Cơ
Tự là Lệnh-Minh, người quận Trường-Sa, tới xin Vương-Đôn cho làm quan Quảng-Châu, Đôn không cho, vừa gặp lúc người Quảng-Châu oán Thứ-Sử là Quách-Nột, nổi lên làm phản, rồi cùng Ôn-Thiệu tới rước Cơ về làm Thứ-Sử châu ấy. Vương-Đôn sai tham-quân là Cát-U, đuổi theo tới Lô-Lăng. Cơ mắng mà nói rằng: "Mầy ưng tìm chỗ chết ư?". U không dám bức Cơ nữa. Quách-Nột nghe Thiệu theo Cơ bèn phái lính đánh Thiệu, bị Thiệu đánh bại, Nột cầm cờ Mao-Tiết, chạy tránh khỏi. Cơ vào thành, sợ Vương-Đôn đánh, phải xin làm Thứ-Sử Giao-Châu. Đôn thấy Cơ khó giá ngự được, nên thuận cho. Cơ qua Giao-Châu bị Lương-Thạc chống cự, bèn qua Uất-Lâm hợp với Đỗ-Hồng hùng cứ đất Lâm-Hạ, Cơ khuyên Hồng lấy đất Quảng-Châu, từ đó cả Hồng và Cơ đều làm phản, sau bị Đào-Khản dẹp yên.
Lương-Thạc
Làm Thái-Thú Tân-Xương, tự tiện lãnh chức Thái-Thú quận Giao-Chỉ.
Vương-Lượng
Tự là Ấu-Thành, lúc nhỏ đã có tài-cán, Vương-Đôn cho tham-dự việc Phủ. Khi trước Lương-Thạc chuyên quyền ở đất Giao-Châu, Đôn dùng Vương-Cơ làm Thứ-Sử, Thạc chống lại với Cơ mà rước Tu-Trạm, là con của cố Đô-đốc Tu-Tắc, để coi lãnh việc trong Châu. Năm Vĩnh-Hưng thứ 3 (2) (vua Huệ-Đế nhà Tây-Tấn) Đôn dùng Lượng làm Thứ-Sử Giao-Châu. Đôn nói với Lượng rằng: "Tu-Trạm và Lương-Thạc đều là giặc trong nước, ông đến thì lập tức chém chúng nó đi". Lượng tới nơi thì Trạm lui về ở quận Cửu-Chân. Thứ-Sử Quảng-Châu là Đào-Khản khiến người dụ Trạm tới, Lượng nhân gặp, bắt trị tội. Thạc nói: "Trạm là con quan Châu-tướng trước, nếu có tội thì trị tội, không nên giết". Lượng nói: "nhà ngươi có nghĩa với người cũ, điều đó không cai dự đến việc của ta", tức thì đem chém. Thạc giận bỏ đi, Lượng âm mưu giết Thạc, sai thích-khách ám-sát mà không được. Thạc tụ chúng vây Lượng nơi thành Long-Biên. Khản đem binh tới cứu, chưa kịp, thì Lượng đã bại trận rồi. Thạc mới bắt Lượng phải đầu hàng và giao cờ tiết. Lượng cố chấp, không chịu giao, bị Thạc chém vào tay mặt, một tuần nhật thì chết.
Đào-Khản
Tự là Sĩ-Hành, người Phan-Dương, tính thông minh, siêng làm việc quan, làm chức Thái-Thú Giang-Hạ, kiêm chức Long-Nhương tướng-quân. Lúc bấy giờ Vương-Cơ làm Thứ-Sử Giao-Châu, bị Lương-Thục chống lại, Cơ cùng bọn Đỗ-Hồng, Ôn-Thiệu và tú-tài ở Giao-Châu là Lưu-Thẩm làm phản, muốn chiếm cứ đất Quảng-Châu, Đào-Khản dẹp yên, chém bọn Vương-Cơ, đem đầu về Kinh-Sư. Nhân công ấy, Khản được làm Thứ-Sử Giao-Châu, rồi thăng chức Thị-Trung Thái-Úy và giữ chức Đô-Đốc các việc quân đội bảy châu Giao và Ninh và Kinh-Châu Thứ-Sử, Chinh-Nam Đại-Tướng-quân và được phong tước Trường-Sa quận-công.
Biện-Triển
Làm Thái-Thú quận Giao-Châu, về đời nhà Tấn.
Chữ-Đào
Tự là Quí-Nhã, làm Thái-Thú quận Cửu-Chân đời nhà Tấn.
Trương-Liễn
Tự là Quân-khí. Xét sử-ký đời vua Thành-Đế nhà Tấn chép rằng: "trong mùa thu năm Hàm-Hoà thứ 3 (328), Trương-Liễn làm Thứ-sử Giao-Chỉ, cứ đất Như-Cụ làm phản, tiến công Quảng-Châu, bị Tăng-Khối đánh tan. Vương-Húc chép rằng: "Liễn làm Thứ-Sử Giao-Châu được phong Cao hầu, đi đường ngang qua núi Cư-Sơn, thấy phong-thổ lấy làm vừa ý, bèn lập chỗ ở tại đó". Điều nầy bất đồng với sách sử ký, chưa biết bản nào đúng.
Nguyên-Phóng
Tự là Tư-Độ, em họ của Phu, giữ chức Thị-Lang Bộ-Lại. Lúc Thành-Đế còn nhỏ, họ Dũ-Thị cầm quyền, Phóng xin làm quan ở Giao-Châu. Họ Dũ bèn cho làm Thứ-Sử Giao-Châu kiêm chức Dương-Oai Tướng-quân. Phóng tới Châu, đau bịnh thình lình mà chết, được truy tặng chức Đình-Uý.
Hạ-Hầu-Lãm
Trong năm Vĩnh-Hoà (345-356), đời Mục-đế nhà Tần, giữ chức Thái-Thú quận Nhật-Nam, say rượu quá độ, làm rối loạn công-việc, dân ở quận đều căm hờn. Có người tướng mọi là Phạm-Văn giết Lãm, lấy thây mà tế trời, rồi chiếm lấy Nhật-Nam.
Chu-Phiên
Trong năm Vĩnh-Hoà thứ 3 (347), làm Thứ-Sử Giao-Châu. Khi trước vua nước Lâm-Ấp là Phạm-Văn hùng cứ đất Nhật-Nam, Phiên sai quan Đốc-Hộ là Lưu-Hùng đi tuần cõi Nhật-Nam, Văn đánh hãm, rồi đánh luôn cả quận Cửu-Chân, quân lính chết trận, mười phần hết tám chín. Quan Đốc-Hộ là Đằng-Tuấn đem quân Châu Giao và Châu Quảng, đánh Văn tại nơi Lô-Dung, bị Văn đánh bại.
Dương-Bình
Trong năm Vĩnh-Hoà thứ 7 (351) làm Thứ-Sử Giao-Châu, cùng với Đằng-Tuấn hợp sức đánh nước Lâm-Ấp, vua Lâm-Ấp là Phạm-Phật-Tử đánh thua, trói mình đến cửa đồn xin chịu tội, nên Dương-Bình cùng hoà-ước rồi kéo về.
Nguyễn-Phu
Trong năm Vĩnh-Hoà thứ 9 (353), làm Thứ-Sử Giao-Châu, đánh vua Lâm-Ấp, phá được hơn 15 đồn lủy.
Ôn-Phóng-Chi
Con của Ôn-Kiểu, làm chức Hoàng-Môn Thị-Lang đổi sang làm Thứ-Sử Giao-Châu, trong năm hiệu Thăng-Bình (357-361), nhà Tấn, đem quân đánh nước Lâm-Ấp. Khi ấy, Thái-Thú Đổ-Bữu và Biệt Giá Nguyễn-Lãng không đồng ý, Phóng-Chi sợ trở ngại việc quân-sự, nên đem giết hai người ấy, rồi cầm quân đánh giặc. Vua Lâm-Ấp là Phạm-Phật-Tử đầu hàng. Ở phía đông thành Lâm-Ấp có 3 cái đồi gọi là 3 lủy Ôn-Công.
Đổ-Bữu
Làm Thái-Thú quận Giao-Châu.
Đằng-Hàm
Trong thời nhà Tấn làm Thứ-Sử Giao-Châu. Năm cuối cùng hiệu Thăng-Bình (361), lại đi đánh giặc Lâm-Ấp dẹp yên được.
Cát-Hồng
Tự là Trỉ-Xuyên, tuổi già, ưa luyện thuốc trường sinh để thêm thọ, nghe đất Giao-Châu có vị thuốc đan-sa, bèn xin làm chức lệnh huyện Câu-Lậu.
Khương-Tráng
Làm Thứ-Sử Giao-Châu nhà Tấn.
Lý-Tốn
Về thời cuối nhà Tấn, làm Thái-Thú quận Cửu-Chân, cả hai cha con Tốn đều có quyền lực, uy chế đất Giao-Châu, bị Đổ-Viện chém hết.
Phó-Vĩnh
Con của Phó-Nha, làm Thái-Thú Giao-Châu.
Đằng-Tốn
Con của Đằng-Tu, làm Thứ-Sử Giao-Châu.
Vương-Huy
Trong năm Nguyên-Gia thứ 4 (427), nhà Tống, từ chức Đình-Uý thăng làm Thứ-Sử Giao-Châu.
Lưu-Nghĩa-Khang
Trong năm Nguyên-Gia (424-453) đời vua Văn-Đế nhà Tống, làm Đô-Đốc quân-sự cả Châu Giang, Châu Giao và Châu Quảng.
Nguyễn-Di-Chi
Làm Thứ-Sử Giao-Châu đời nhà Tống. Trong năm hiệu Nguyên-Gia (424-453), đi đánh nước Lâm-Ấp. Vua Lâm-Ấp là Phạm-Dương-Mại xuất ngoại, trong khi ấy có viên tướng của Di-Chi là Nguyễn-Vô-Chi lãnh 7.000 quân-sĩ đánh úp thành Khu-Túc (?). Di-Chi vượt biển gặp gió to, đến ba ngày mà không tìm được chỗ nghỉ hơi, đêm lại gặp giặc ở bãi Thọ-Lệnh, quân thuỷ của Dương-Mại tới đánh đông đến 500 chiếc thuyền. Di-Chi bắn trúng người lái thuyền của Dương-Mại, nên thuyền giặc tan vỡ. Có chiếc thuyền nhỏ đến chở Dương-Mại chạy trốn. Di-Chi bị gió phiêu bạt hơn 100 dặm, liệu thế không thắng được, bèn trở về Bắc.
Nguyễn-Nghiên
Làm Thứ-Sử Giao-Châu về thời nhà Tống, viết chữ thảo rất tốt.
Trương-Mục-Chi
Tự là Tư-Tịnh, thân-sinh của bà Trương-Hậu nhà Lương, lúc trẻ tuổi là người đúng đắn, và hoà nhã, làm chức Tán-Kỵ Thị-Lang, ban đầu cùng Vương-Tuấn thân-thiện, sau xem thấy mối họa, bèn xin làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, có chính tích hay.
(Sách sử chép được ít rõ-ràng, nói Mục-Chi làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, e không đúng).
Đàn-Hoà-Chi
Người Cao-Bình, cuối niên hiệu Nguyên-Gia (453) vua nhà Tống, làm Long-Nhượng tướng-quân, Thứ-Sử Giao-Châu, có oai danh, giặc giả đều yên lặng. Vua nước Lâm-Ấp là Phạm-Dương-Mại làm phản. Hoà-Chi cùng Tư-Mã là Tiêu-Cảnh-Hiến và Phó-Tướng là Tôn-Xác đến đánh, Hoà-Chi làm tiên phong, đánh được thành nước Lâm-Ấp, lấy rất nhiều của quí lạ.
Hoàn-Hoằng
Tự là Thúc-Duật, làm Thứ-Sử Giao-Châu nhà Tống, tiền của kể đến hàng vạn, vì vua Hiếu-Võnhà Tống có tính tham của cải, hễ có người nào làm quan ăn lương 2.000 thạch (3) khi bãi chức về nước, thì bắt theo hạn định mà nạp của cải và đánh bạc.
Phòng-Pháp-Thừa
Trong năm Vĩnh-Minh (483-493) nhà Tề, làm Thứ-Sử Giao-Châu, chỉ ham đọc sách, thường có bệnh, không làm việc. Vì vậy, quan Trưởng-Sử là Phục-Đăng-Chi được chuyên quyền thay đổi các tướng lại. Pháp-Thừa nổi giận bỏ tù Đăng-Chi. Đăng-Chi đem của lót với người em rễ của Pháp-Thừa là Thôi-Cảnh-Thúc cho được khỏi ở tù, rồi đem quân tới đánh bắt Pháp-Thừa và tâu về triều-đình, rằng: "Pháp-Thừa mắc chứng tâm-tật, không làm việc được". Vua Tề xuống chiếu cho Đăng-Chi làm Thứ-Sử.
Lưu-Bột
Ông nội của Lưu-Kỳ, làm Thứ-Sử Giao-Châu nhà Tề.
Lưu-Khải
Làm Thứ-Sử Giao-Châu, đời nhà Tề. Khi sắp tới Giao-Châu, nghe có người con của cố Thứ-Sử Hoàn-Hoằng, tên là Hoàn-Thâm, đương giữ chức Võ-Giám, người nho nhã có học thức, bèn khiến đi theo, Thâm đi chưa đến nơi đã chết.
Lý-Khải
Trong năm Thiên-Giám thứ 4 (505) nhà Lương. Làm Thứ-Sử Giao-Châu, trở làm phản.
Lý-Tắc
Làm Trưởng-Sử Giao-Châu, vì dẹp yên loạn Lý-Khải, nên được thăng làm Thứ-Sử Giao-Châu.
Vương-Nhiếp
Làm Thứ-Sử đời nhà Đường.
Tiêu-Tư
Tự là Thế-Thái. Trong năm đầu hiệu Đại-Đồng (535) nhà Lương, làm Thứ-Sử Giao-Châu, có tính nghiêm-khắc, sinh nhiều sự xích-mích, thất nhân-tâm. Thổ-hào là Lý-Bí (4) làm phản, Tư chạy qua đất Quảng-Châu. Vua nhà Lương sai Thứ-Sử Cao-Châu là Tôn-Quýnh và Thứ-Sử Tân-Châu là Lô-Tử-Hùng, đem quân đánh Bí. Quýnh lấy cớ đang mùa xuân, khí lam-chướng đang thịnh, xin chờ qua mùa thu sẽ đánh. Tư thúc dục khiến đi, rồi quân lính tan rã cả, phải trở về. Tư vu tấu cho Quýnh và Hùng có ý dung giặc, đều bị tội tử hình.
Dương-Phiêu
Làm Thứ-Sử Giao-Châu, đời nhà Lương, cùng với Trần-Bá-Tiên, đem binh đánh Lý-Bí, tiến binh đến đất Gia-Ninh, Bí chạy trốn trong động. Khuất-liệu, bị người ở động ấy chém đầu đem dâng.
Trần-Bá-Tiên
Tự là Hưng-Quốc, người Ngô-Hưng, chí-khí hùng kiệt, đọc hết kinh, sử; nhơn làm Tham-quân ở Quảng-Châu, thăng lên chức Tư-Mã Giao-Châu hợp với Dương-Phiêu đánh Lý-Bí. Phiêu tập hợp các tướng lại đất Giang-Tây, hỏi kế-hoạch đánh giặc, Bá-Tiên nói rằng: "Ông vâng mệnh đi đánh giặc, thì dầu chết, dầu sống, cũng liều mình đánh cho tới kỳ cùng, không nên để hoãn đãi cho quân giặc bành trướng, mà quân lính ta lại tan rã hư việc". Phiêu cử Bá-Tiên làm Tiên-phong. Tiên đi đến đâu là đánh tan hết. Nhờ có công ấy, Tiên được thăng Thái-Thú quận Cao-Yêu, đốc suất quân-sự cả bảy quận. Đầu năm Đại-Bửu (550) vua Giản-Văn-Đế nhà Lương, làm Thứ-Sử Giao-Châu, sau lên làm Hoàng-đế.
Âu-Dương-Hột
Trong năm đầu Thái-Kiến (569) vua Tuyên-Đế nhà Trần, làm chức Đô-Đốc, quản lãnh quân-sự 19 châu gồm cả Giao-Châu và Quảng-Châu, oai vang toàn cõi Bách-Việt hơn 10 năm. Vua Cao-Tông (5) sinh lòng nghi, ra lời chiếu vời về triều. Hột sợ, bèn làm phản.
Dương-Tấn
Làm Đô-Đốc cả hai châu Giao và Ái đời Trần, được phong tước là Võ-Khang quận-công.
Dương-Hựu-Phố
Tự là Vệ-Khanh, trong thời kỳ nhà Tấn mất nước, làm chức Đô-Đốc Giao-Châu.
Lý (?): (không rõ tên).
Trong năm đầu Nhơn-Thọ (601-604) nhà Tuỳ, làm Thứ-Sử Giao-Châu.
Khâu-Hoà
Người Lạc-Dương, cuối năm Đại-Nghiệp, (605-616) nhà Tuỳ, làm Thái-Thú quận Giao-Chỉ, hết lòng giữ gìn cho nhân-dân trong quận được yên ổn. Vua Dượng-Đế nhà Tuỳ mất, Hoà chưa kịp biết, bề tôi của Dượng-Đế như quan Hồng-Lô là Nịnh-Trường-Chân đem quận Uất-Lâm phụ thuộc Tiêu-Tiễn, Phùng-Áng đem hai quận Châu-Nhai và Phiên-Ngu, phụ thuộc Lâm-Sĩ-Hồng. Tiêu-Tiễn và Sĩ-Hồng đều sai người đến chiêu dụ Hoà, nhưng Hoà không theo. Các nước Lâm-Ấp hay cho Hoà những đồ châu báu như ngọc, sừng tê, vàng bạc, của báu thật nhiều, cho nên Hoà giàu muốn hơn vua. Tiễn nghe được, sai Trường-Chân suất quân ở Nam-Việt đánh Hoà. Hoà sợ, muốn ra hàng, Thư-Tá Tư-Pháp là Cao-Sĩ-Liêm can rằng: "đạo hùng binh của Trường-Chân đến công thành, lương-thực thiếu-thốn, xem chừng không thể ở lâu, mà quân ta trong thành còn mạnh, đủ sức chống cự, lẽ nào chịu cho người áp-chế?". Khi ấy Hoà sai Sĩ-Liêm làm chức Hành-Quân Tư-Mã, suất quân đánh Trường-Chân thua chạy. Nhà Tuỳ mất nước, Hoà về làm tôi nhà Đường. Vua Đường cho làm Tổng-Quản Giao-Châu.

An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Bát Chung

___________________________________________________

Chú Thích:

  1. Ấn-thọ (tức là dãi) chế-độ nhà Hán:
    a) Các vua chư-hầu, chức Ngự-Sử đại-phu, chức Thừa-Tướng, Tướng-quân, đều được cho ấn vàng, có khắc chữ chỉ định chức tước và địa-điểm của mình.
    b) Có một cái dãi bằng tơ, dài một thước hai, thêu rất đẹp để đeo ngọc.
  2. Xét niên-hiệu Vĩnh-Hưng chỉ có 2 năm (304-305) chứ không có năm thứ 3, đây có lẽ chép sai.
  3. Tức chức Thái-Thú
  4. Lý-Bí hoặc đọc là Lý-Bôn cũng một chữ, viết như nhau. Lý-Bí làm vua 7 năm, quốc-hiệu là Vạn-Xuân. Sử-chép: là Tiền-Lý-Nam-Đế, người ở tỉnh Thái-Bình.
  5. Xét Âu-Dương-Hột làm quan đời nhà Trần thuộc Nam-triều Trung-Quốc. Suốt cả đời Nam-triều, không có ông vua nào, hiệu là
    Cao-Tông, mãi đến nhà Đường mới có vua Cao-Tông làm vua vào khoảng 650-685, cách thời-đại Thái-kiến hơn 80 năm. Như vậy, có lẽ nhà chép sử nói sai.