Nhân Vật
Quyển Đệ Thập Ngũ

Nhân Vật

Những người chịu quan tước của Trung-Quốc
Lữ-Gia
Người Việt, làm tướng triều Triệu-Đà, phụ-chính ba đời vua. Gia người tuổi tác, con trai lấy côngchúa, con gái lấy hoàng-tử, anh em ở trong nước rất có thế lực, được lòng người Việt tin cậy hơn cả nhà vua. Lúc ấy vua dâng thư lên nhà Hán xin nội thuộc, ngang hàng với chư-hầu nội-địa, ba năm một lần triều-cống, bãi bỏ cửa ải ở biên cảnh. Thiên-Tử thuận cho và ban cho Lữ-Gia ấn bạc, lại cho ấn Nội-sử, Trung-uý, Thái-phó, còn các chức khác đều được tự đặt lấy. Bỏ những hình phạt thích mặt, cắt mũi, dùng pháp luật nhà Hán; các sứ-giả nhà Hán đều được giữ lại để trấn vũ. Vua và Thái-hậu muốn vào chầu Thiên-Tử, Lữ-Gia can ngăn, vua không nghe, Gia bèn có lòng làm phản, thường xưng đau, chẳng ra mắt vua. Sứ-giả nhà Hán đều chú ý Gia, nhưng thế chưa có thể giết trừ được. Thái-hậu cũng sợ Gia ra tay trước, muốn bày tiệc rượu để cậy quyền Hán-Sứ mưu giết Gia, bèn hội yến trong cung, giữa tiệc rượu, Thái-Hậu bảo Gia rằng: "Nam-Việt được nội-thuộc, ấy là lợi cho nước ta, vì cớ gì tướng công như có ý cho là bất tiện?". Thái Hậu hỏi như thế, có ý khích giận các sứ-giả. Gia hiểu ý, lánh bỏ đi ra, Thái-Hậu giận, muốn lấy cây mâu đâm Gia, vua ngăn Thái-Hậu lại. Gia bèn về, chia binh cho em coi, nằm nhà xưng bệnh, âm-mưu cùng các đại-thần nổi loạn. Vua vốn không muốn giết Lữ-Gia, cho nên mấy tháng chẳng hành-động gì. Một mình Thái-Hậu muốn giết Gia, nhưng không đủ sức. Thiên-Tử nghe Lữ-Gia nghịch mệnh vua, còn Thái-Hậu thế cô sức yếu, không chế nỗi, sứ-giả thì nhút nhát, không quyết đoán, nghĩ rằng vua đã thần phục nhà Hán, một mình Gia làm loạn, chẳng cần cử binh, chỉ sai Chung-Quân và An-Quốc-Thiếu-Quí đi sứ qua hiểu dụ ý của triều-đình. Gia bèn phản, hạ lệnh rằng: "Vua còn tuổi trẻ, Thái-Hậu là người Trung-Quốc, lại tư thông với Hán-sứ, chuyên muốn nội thuộc, đem hết bửu-vật của Tiên-vương vào dâng Thiên-Tử để dua mị cầu lợi trước mắt, chẳng đoái đến xã-tắc cơ-đồ họ Triệu". Bèn cùng em đem quân đánh giết vua, Thái-Hậu và Hán-sứ, lập con của bà phi người Việt là Kiến-Đức lên nối ngôi. Lúc ấy binh của Hàn-Thiên-Thu còn cách Phiên-Ngung 40 dặm, bị Gia chận đánh tan. Gia khiến người lấy hòm phong cờ tiết của sứ-giả nhà Hán đem để trên cửa ải (trên núi Đại-Dũ), phát binh phòng thủ các nơi hiểm yếu. Thiên-Tử nghe tin, khiến Phục-Ba tướng-quân Lộ-Bác-Đức đem quân tiến thảo. Bác-Đức đánh bại quân Việt, bọn Gia trốn ra biển. Khiến Hiệu-uý Tư-Mã Tô-Hoằng theo bắt được Kiến  Đức, phong Hoằng làm Hải-Thường-Hầu, Việt-Lang1 Đô-Kế2 bắt được Lữ-Gia, phong Kê làm Lâm-Thái-Hầu.
Lý-Cầm
Người Giao-Châu, khoảng niên-hiệu Sơ-Bình (190-193), Hán Hiến-Đế, túc trực ở đô-đài. Thời-ấy ở đất Giao-Châu, số hiếu-liêm được cử rất ít. Ngày Nguyên-Đán, Cầm cùng người làng bọn Bốc-Long đến dưới đền kêu rằng: "ân huệ của nhà vua không được quân bình". Vua hỏi vì cớ gì? Tâu rằng: "một mình nước Nam-Việt không được trời che đất chở". Vua bèn cho lấy thêm một người mậu-tài, bổ làm quan lệnh quận Lục-Hợp ở Lô-Giang. Cầm sau làm đến chức Tư-Lệ-Hiệu-uý.
Trương-Trọng
Người Nhật-Nam, được tiến-cử vào Lạc-Dương. Gặp ngày đại-hội Nguyên-Đán, Tấn Minh-Đế (323-325) hỏi rằng: "Người Nhật-Nam thấy mặt trời mọc ở hướng bắc hay sao?". Trọng tâu rằng: "Nay có quận tên gọi Vân-Trung, nhưng thật ra có phải quận ấy ở trong mây đâu, quận chúng tôi, mặt trời cũng mọc hướng đông, chỉ có khí-hậu oi-bức, dân thường sống dưới bóng mặt trời vậy thôi". Vua cho Trọng làm Thái-Thú quận Kim-Thành.
Đỗ-Hoằng-Văn
Con của Đỗ-Tuệ-Độ. Thời Tống-Văn-Đế (424-453) làm Trấn-Viễn tướng-quân, Thứ-Sử Giao-Châu, tính khoan hoà, được lòng dân, tập tước Long-Biên-Hầu. Năm Nguyên-Gia thứ tư (427), triều-đình cho Đình-Uý Vương-Vy qua thay thế. Lúc ấy, Hoằng-Văn đương đau, có chỉ triệu về, Văn tự đi võng lên đường, có người khuyên nên chờ hết đau sẽ đi. Văn nói rằng: "Ta ba đời làm phương-trấn, thường aoước được gieo mình ở sân nhà vua, huống chi nay được vời về, lại không đi ư?". Văn đi đến Quảng-Châu thì mất.
Đỗ-Anh-Sách
Một tay hào-hùng ở Khê-Động, thời Đường-Đức-Tông (780-804), làm An-nam phó-đô-hộ.
Những người làm quan ở Trung-Quốc
Đỗ-Viện
Tự là Đạo-Ngôn, người Chu-Diên, (có chỗ nói: Viện gốc ở Kinh-triệu, ông nội tên Nguyên làm Thái-thú Hợp-Phố, nhân ở luôn lại Giao-Chỉ), cuối đời Đông-Tấn (317-419), làm Thái-Thú quận Nhật-Nam và quận Cửu-Chân. Viện chém quan Thái-Thú trước là Lý-Tốn, trong quận được yên, vua phong chức Long-Nhương tướng-quân, Thứ-Sử Giao-Châu. Khi Lư-Tuần chiếm cứ Quảng-Châu, khiến sứ đến thông hảo, sứ-nhân bị Viện chém.
Đỗ-Tuệ-Độ
Con thứ 5 của Đỗ-Viện. Năm Nghĩa-Hy thứ 7 (411) đời Tấn An-Đế, được bổ làm Thứ-Sử Giao-Châu; chiếu-thư chưa đến, mùa xuân năm ấy, Lư-Tuấn đánh phá Hợp-phố, kéo quân thẳng tới Long-Biên, Tuệ-Độ cự Tuấn ở Thạch-Kỳ, quân Tuấn thua chạy. Thời ấy, bọn Lý-Nhiếp, con Lý-Tốn, chạy trốn ở Thạch-Kỳ, liên kết các Mường, Mán. Tuấn biết Nhiếp có hiềm-khích với họ Đỗ, khiến sứ chiêu dụ, bọn Nhiếp theo chịu mệnh lệnh của Tuấn. Tháng 6 ngày Canh-Tý, sáng sớm, Tuấn đến bến phía nam, khiến ba quâ vào thành. Tuệ-Độ đem hết của riêng của dòng họ, thưởng cho quân sĩ, tự mình lên một chiến thuyền cao, phóng đuốc đốt thuyền địch, xua bộ binh giáp bờ bắn sang, quân địch tan chạy, Lư-Tuấn nhảy xuống nước chết. Tuệ-Độ chém cha Lư-Tuấn là Lư-Hỗ và ba người con của Tuấn, dâng đầu đem về Kiến-Nghiệp. An-Đế phong Tuệ-Độ tước Long-Biên-Hầu, tiến hiệu Phụ-Quốc tướng-quân. Đời Tống Vũ Đế, năm Vĩnh-Sơ thứ 2 (421), thăng chức Giao-Châu Thứ-Sử. Tuệ-Độ áo vải cơm rau, kiệm ước chất phác, cấm đền thờ ma quỷ, lập trường học dạy dân, gặp năm đói, lấy lộc riêng của mình đem ra chẫn cấp, làm việc quan tinh-tế nghiêm mật, lại dân kính sợ, nhưng yêu-mến; chết được phong tặng chức Tả-tướng-quân.
Đỗ-Tuệ-Hựu
Em của Đỗ-Tuệ-Độ, làm Thái-Thú Giao-Châu.
Lê-Hồi
Người Ái-Châu, làm chức Lạc-Dương-uý.
Khương-Thần-Dực
Người Ái-Châu, làm Thứ-Sử Thư-Châu.
Khương-Công-Phụ
Cháu nội của Khương-Thần-Dực, con của Khương-Đĩnh, đậu tiến-sĩ đời Đường Đức-Tông (780-804), bổ làm Hiệu-Thư-Lang, nhờ làm chế-sách hay, được thăng chức Hữu-Thập-Di, Hàn-Lâm Học-Sĩ.
Nhậm chức mãn năm, đáng đổi đi nơi khác, nhưng vì mẹ già, cần phụng dưỡng, nên xin lưu làm Hộ-Tào Tham-quân ở Kinh-Triệu. Công-Phụ có tài cao, mỗi lần thấy việc gì, trần tấu minh bạch, rất được vua Đức-Tông kính trọng. Khi Chu-Tý về Kinh-Sư, Công-Phụ can rằng: "Bệ-Hạ không nên tin cậy người Tý, chẳng bằng giết phắt đi, chớ nuôi cọp rồi để hại về sau". Vua không nghe theo. Bỗng chốc Kinh-Sư có loạn, vua từ cửa vườn chạy ra, Công-Phụ gò ngựa lại can rằng: "Chu-Tý thường làm soái ở đất Kinh-Nguyên, rất được lòng tướng-sĩ, trước đây vì Chu-Thao làm phản, Tý bị tước binh-quyền, ngày thường phẩn-uất, nay nên mau tới bắt Tý đem theo, chớ để lọt vào tay quân dữ". Vua hoảng hốt không kịp nghe theo. Lúc đã đi, vua muốn chạy sang Phụng-Tường, nương thế Trương-Dật. Công-Phụ nói rằng: "Dật tuy là một người tôi đáng tin cậy, nhưng chỉ là một văn-lại, vả quân của ông ấy cai quản, đều là đội ngũ cũ của Chu-Tý và kỵ-binh ở Ngư-Dương, nếu Chu-Tý được lập lên, Kinh-Nguyên biến loạn, thì ở lại đấy, không phải kế vạn toàn". Vua bèn chạy qua Phụng-Thiên. Có kẻ nói Chu-Tý làm phản, xin lo ngừa giữ.Lư-Kỷ nói rằng: "Chu-Tý trung thực, thành thực, cớ sao ngờ ông ấy làm phản, mếch lòng kẻ đại-thần, tôi xin trăm miệng bảo đảm". Vua biết bè tôi khuyên Chu-Tý đến rước xa-giá về, bèn xuống chiếu khiến các đạo binh, phải ngừng lại cách thành một xá. Công-Phụ nói rằng: "Vương-giả chẳng có binh túc-vệ nghiêm chỉnh, chẳng lấy gì tôn trọng oai-linh, nay cấm-quân ít ỏi, mà quân lính đều ở ngoài, thật đáng nguy cho Bệ-Hạ". Vua khen phải, truyền quân đều vào đóng nội-thành. Binh Chu-Tý quả đến, đúng như lời Công-Phụ tiên đoán. Vua bèn thăng Công-Phụ lên chức Gián-Nghị đại-phu, Đồng-Trung-Thư Môn-hạ Bình-Chương-sự. Khi chạy theo vua ra Lương-Châu, dọc đường con gái lớn của vua là Đường-An công chúa chết, vua muốn dựng tháp làm lễ chôn cất cho trọng thể. Công-Phụ can rằng: "Sơn-Nam không phải chổ ở lâu dài và hiện nay nên tiết kiện để dùng vào việc quân". Vua bảo Lục-Chí rằng: "Công-Phụ muốn chỉ vạch đều lầm lỗi của ta, để cầu được tiếng trung trực". Lục-Chí tâu rằng: "Công-Phụ làm quan Gián-Nghị, giữ chức tể-tướng, phải lấy việc dâng đều phải, bỏ đều trái làm gốc. Đặt ra chức Tể-Phụ là cốt để hôm sớm can vua từ việc nhỏ nhen". Vua nói: "Không phải thế, chính vì Phụ tự xét tài không đủ làm Tể-Tướng, xin thôi, ta đã hứa cho, nay biết phải thôi, nên giả làm trung trực lấy tiếng". Bèn dời Công-Phụ làm Thái-Tử Tả-Thứ-Tử. Phụ vì có tang mẹ, giải chức. Sau lại làm Hữu-Thứ-Tử, lâu năm không được dời đổi. Lúc Lục-Chí làm tướng, Công-Phụ xin đổi. Lục-Chí thầm bảo rằng: "Thừa-tướng Đậu-Tham thường bảo ông làm quan hay biến đổi, Hoàng-thượng không vui lòng". Công-Phụ sợ, xin làm đạo-sĩ. Vua hỏi vì cớ gì? Phụ không dám tiết lậu lời nói của Lục-Chí, lấy lời nói của Đậu-Tham thưa lại với vua. Vua giận, biếm Phụ làm Biệt-Giá Tuyền-Châu và khiến sứ trách Tham. Vua Thuận-Tông lên ngôi, cho Phụ làm Thứ-Sử Cát-Châu, nhưng chưa nhận chức, Phụ đã mất.
Khương-Công-Phục
Em của Công-Phụ, làm đến chức Tỷ-Bộ Lang-Trung.
Danh Nhân
Liêu-Hữu-Phương
Người Giao-Châu. Bài tựa của Liễu-Tử-Hậu đưa thi-nhân Liêu-Hữu-Phương nói rằng: "Giao-Châu có nhiều vàng ngọc, châu-báu, đồi-mồi, tê-ngưu và voi, sản-vật đều kỳ-quái, cả đến cây cỏ cũng khác lạ. Ta thường lấy làm lạ vì sao khí chói sáng của Dương-Đức (Trời) chỉ phát hiện ở hoa cỏ ngọc ngà mà thôi, ít thấy chung đúc ở người. Nay Liêu-Sinh có đức-tính cương-thiệp trọng-hậu, thảo-thuận, tin nhường, trong thì chất mà ngoài thì văn, thi-văn có điệu đại-nhã. Như thế thì sinh đã được chung đúc bởi khí thiêng ư? Đời rất hiếm có vậy. Thế thường người đời nay, đối với ngọc sáng hoa thơm, ai cũng biết quý, nhưng có ai quý sinh chăng? Nếu có, thì ta bảo người ấy không phải người thường, đời cũng rất hiếm có vậy".
An-Trung-Vương
Tông thất nhà Lý, ham học, khoan nhân, ưa hỏi kẻ sĩ có danh tiếng. Kẻ dưới khôi hài bông-lơn, đôi khi xúc phạm, cũng chẳng chạnh lòng. An-Trung đi chơi thuyền, ban đêm đậu dưới cầu, nghe có người ca rằng:
"Vũ thê thê nhi phong lãnh lãnh,
Y trước vô thường dạ cảnh cảnh.
Thời quang tấn tốc lão thôi nhân,
Bách sự vô thành thùy phục tỉnh".
Nghĩa là:
"Mưa phơi phới, gió reo lạnh lạnh,
Thiếu áo chăn, cành cạnh đêm thâu.
Thời quang dục khách bạc đầu,
Ai ơi! trăm việc, việc nào nên chi?".
Bèn giác ngộ, bỏ nhà đi tu, sau học đắc đạo.
Oai-Minh-Vương
Tông-tử nhà Lý. Theo Lý-Thánh-Vương đi đánh Chiêm-Thành, khi qua quận Bố-Chánh, Oai-Minh lấy mũi thuẩn giởn xúc cát sỏi, bổng chốc thành hòn núi, lại lấy gươm chặt vò nước đứt ở giữa, mà nước không chảy, những kẻ đứng xem đều thất kinh, lấy làm lạ. Lúc binh trở về, Vương mất ở quận Bố-Chánh. Người ta rất lấy làm thương tiếc, lập đền thờ, mỗi lần cầu đến, đều linh-ứng; trong quận kẻ nào trộm cắp thì lập tức chết, dân ở đó bảo bị Oai-Minh giết. Người trong quận tập tục chẳng dám gian-trá, đến nay, ngoài đường chẳng lượm của rơi.
Lê-Hiểu (tức Lê-Phụng-Hiểu)
Người làng Băng-Sơn châu Ái, lúc tuổi trẻ, rất hùng mạnh. Thời ấy, hai làng Cổ-Bi, Đàm-Xá, giành địa-giới, đến dàn trận đánh nhau. Hiểu bảo người Cổ-Bi rằng: "Tôi một mình có thể đánh tan cả làng". Phụ Lão nghe nói kinh sợ, dọn cơm rượu thết đãi. Hiểu ăn một bữa mấy đấu gạo, uống rượu thì quá chừng. Ăn xong ra ghẹo làng Đàm-Xá đánh, Hiểu tung mình nhổ cây đại thọ quất ngang, đánh nhiều người bị tổn thương. Làng Đàm-Xá thất-kinh, phải trả ruộng cho làng Cổ-Bi. Vua nhà Lý nghe tiếng, dùng Hiểu làm tướng. Lúc ấy có tàu lớn ngoại-quốc, đến cửa biển, có ý toan muốn xâm-lăng. Hiểu tâu vua xin làm một trăm chiếc thuyền chở cây lớn nhọn đầu. Quân giặc tiến, Hiểu lao cây đánh chìm thuyền, quân giặc đều bị chết đắm. Vua khen ngợi thưởng công. Hiếu nói không muốn quan tước, xin cho đứng trên núi Băng-Sơn, ném cây đại-đao tới đâu, thì xin cho đất đến đó để lập nghiệp. Vua bằng-lòng; Hiểu lên đỉnh núi, đứng ném đại-đao xa mấy chục dặm vào dao rơi đến làng Đa-my, vua bèn ban cho đất ấy. Hiểu chặt hai cây đã khô héo, trồng ngược lên làm giới-hạn. Cây nứt nhánh trổ thành đại-thọ, cành lá sum sê như cái tàn. Mùa hè nóng nực, hàng trăm khách bộ-hành nghỉ dưới gốc cây. Cây trổ hoa trắng, như bông vải, người làng hái làm áo lạnh. Hiểu mất, trong làng lập đền thờ, cầu đến tức linh-ứng. Lúc nào trong nước sắp có nạn, thì ban đên nghe trong đền có tiếng động của giáo mác và áo giáp, mỗi lần đều có ứng-nghiệm cả.
Trần-Lãm
Quan cận-thị của Lý-Thánh-Vương. Vương làm nhà gác ở giữa sông để nghe Thảo-Đường Quốc Sư truyền pháp, Lãm nép mình dưới bè nghe trộm. Vua biết được, muốn lấy cây thương đâm Lãm. Sư Ôngngăn lại, nói rằng: "Nó cũng có duyên, chớ giết nó". Bèn dạy thủy-pháp3 cho Lãm. Vua đi chơi đường biển, khiến Lãm coi việc nấu ăn. Lãm lấy bát đĩa liệng lên không-trung, đến nơi nào thuyền đậu, bát đĩa nổi lên bên thuyền, bèn lấy dọn đồ ăn. Vua lại bảo sắm sửa những cây gỗ lớn, Lãm một hôm đem đến một trăm cây, vua khiến thợ đẽo, cây ra máu rồi vào nước đi mất.
Trần-Toại
Cháu kêu Trần-Thái-Vương bằng cậu, phong tước Oai-Văn-Vương, thông minh ham học, tự hiệu Sầm-Lâu, có "văn tập" truyền đời. Thường làm thơ có câu:
"Cổ lại hà vật bất thành thổ,
Tử hậu duy thi khả thắng kim".
Nghĩa là:
"Muôn vật rồi ra đều hóa đất,
Vần thơ để lại quý hơn vàng".
Lại có làm một câu thơ vãn người cháu là Văn-Hiếu-Hầu như sau:
"Sơn khởi nhẫn mai thành-khí ngọc,
Nguyệt không tự chiếu thiếu-niên hồn".
Nghĩa là:
"Hồn trẻ, than ôi! trăng luống rọi,
Ngọc lành há nỡ núi chôn sâu".
Toại chết năm 24 tuổi, người trong nước lấy làm thương tiếc.
Trần-Tấn
Thái-Vương dùng làm tả-làng, thăng chức Hàn-trưởng, làm sách Việt-Chí.
Lê-Tần 4
Người Ái-châu, tính hoà kính, học rộng, Thái-Vương dùng làm Hàn-Trưởng. Mùa đông năm Đinh-Tỵ (?) theo Vương chống Ngột-Lương Hợp-Thai; binh bại, cùng Vương giong ngựa chạy đến Phạm-Gia-Bảo, gặp có Phạm-Cụ-Chích đem binh đến cứu, quan-binh giết Cụ-Chích, Thái-Vương chạy khỏi đến bến Lãnh-Mỹ, mới lên thuyền, kỵ-binh đuổi theo kịp, nhắm Thái-Vương loạn xạ, Tần lấy ván thuyền che cho Vương chạy khỏi. Thái-Vương nhớ công, phong Tần làm Bảo-Văn-Hầu, Nhập-nội Phán-thủ.
Lê-Hưu (tức Lê-Văn-Hưu)
Vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu-Minh-Vương, đổi làm Kiểm-Pháp-Quan, sửa sách Việt-Chí.
Tiết Phụ
Tiết-phụ Họ Kim
Mẹ của tướng giặc An-nam Đào-Trai-Lượng, thường lấy điều trung nghĩa dạy con, nhưng Trai-Lượng cứng cổ không nghe, bà bèn cự tuyệt, tự cày mà ăn, dệt mà mặc, làng xóm tâu xin tưởng thưởng. Nhà Đường, đầu niên-hiệu Đại-Lịch (766-779), vua xuống chiếu cấp cho hai tên dân hầu-hạ và khiến quan bổn-đạo, bốn mùa thăm hỏi.
Vạn-Xuân-Phi
Tên họ gì không rõ, vì cha mẹ ở làng Vạn-Xuân, nên gọi tên như vậy. Lúc trẻ thanh nhã, hiền thúc, lớn lên hứa gả cho văn-sĩ Tiêu-Nhã, người đồng làng. Quốc-Vương nghe nàng sắc đẹp, nạp vào cung, được yêu, phong làm thứ-phi. Hơn mười năm, Vạn-Xuân vẫn nhớ chàng Tiêu, tuy được vua yêu quý, nhưng lòng chẳng thỏa, thường thác bệnh xin ra ngoài chữa thuốc. Vua bằng lòng cho trở về làng. Lúc ấy Nhã đã ra làm quan, có thành-tích tốt, được thăng Thanh-Hoá Phủ-Lộ An-Vũ-Sứ, kế thôi việc về nhà, vợ chết, cùng Vạn-Xuân-Phi nối lại duyên xưa. Được mười năm, Nhã chết, để quan-cửu ở nhà, bói lựa ngày an-táng chưa biết ngày nào. Phi ngày đêm ôm quan-tài kêu khóc, ba năm hết hơi rồi chết, người trong nước, ai cũng thương.
Phương Ngoại
Mai-Viên-Chiếu Thiền-Sư
Thường làm một bài quyết cho quan Tham-Tụng Hiển, đại-lược rằng: "Một ngày nọ đương ngồi trước nhà, bỗng có nhà sư hỏi rằng: "Phật với Thánh nghĩa là thế nào?". Trả lời: "Cũng ví như:
"Ly hạ trùng-dương cúc,
Chi đầu thục-khí oanh"
Nghĩa là:
"Hoa cúc dưới giậu thu,
Chim oanh trên cành xuân" 5
Không-Lộ và Giác-Hải
Hai nhà sư thường vào Trung-Quốc, xin đồng để đúc chuông, lúc về có thần-nhân ủng-hộ, thuyền đi một buổi chiều về đến quê hương, đúc hai cái chuông, một cái lớn, một cái nhỏ, treo ở chùa núi Phổ-Lại, mỗi lúc đánh, tiếng vọng rất xa, tiếng đồn đến Trung-Quốc. Chưa được bao lâu, cái chuông lớn chạy vào khe Bài-Nam, mưa lớn nước dâng lên trôi đi mất. Nhà sư sợ cái nhỏ cũng đi theo, bèn lấy sắt đóng lại, nay đương còn. (Tục truyền Không-Lộ có tài bay lên không-trung, Giác-Hải có tài lặn xuốngnước).
Thảo-Đường
Theo thầy sang ở Chiêm-Thành. Lý-Thánh-Vương đánh Chiêm-Thành bắt được, cho làm đầy-tớ Sư-Lục. Ngày nọ Sư-Lục viết văn sớ để trên bàn, đi ra ngoài, Thảo-Đường lén sửa chữa lại. Sư-Lục lấy làm lạ, tâu vua nghe, vua phong Thảo-Đường làm Quốc-Sư.
Từ-Đạo-Hạnh
Nho-sinh, ưa thổi sáo, ngày cùng bạn du-ngoạn sơn-lâm, đêm đọc sách suốt sáng. Một hôm vào núi Phật-Tích, thấy một hòn đá có dấu bàn chân phải, ấn chân vào so thử, in như hệt, về nhà từ biệt mẹ, vào núi cất am tu hành. Lý-Vương chưa có con nối dòng, khiến các thầy chùa danh tiếng cầu đảo. Có một ông sư, già không dự lễ cầu, lại dùng pháp trấn yểm. Quốc-Vương nghe được, bắt hạ ngục tất cả thầy chùa trong vùng. Nhờ một hoàng-tử hết sức cứu sư Đạo-Hạnh ra khỏi. Hoàng-tử nói với sư rằng:"ta cũng không con, xin sư vì ta mà cầu đảo". Sư nói với Hoàng-tử bảo phu-nhân vào trong phòng tắm, sư đi qua trước cửa, phu-nhân cảm mà có thai. Đến ngày đẻ, hoàng-tử khiến vời sư, thì sư đã ngồi mà tịch-hóa. Phu-nhân sinh được một trai, mặt mũi khôi-ngô. Lý-Vương lập làm Thế-Tử. Xác của sư nay vẫn còn.
Giới-Châu
Trì giới tinh nghiêm, mỗi lần cầu mưa liền ứng-nghiệm. Trần-Thái-Vương thường đặt một cái chum giữa sân; sư làm mưa đầy chum mà ở ngoài không có một giọt, vì thế, vương càng kính lễ.
Hoàn-Nguyên
Nha nho, học Phật, lại hoàn tục, lấy cô của vua là bà Thụy-Tư, Trần-Thái-Vương phong làm Liệt-Hầu. Nguyên thường bắt buộc Thụy-Tư theo đúng lễ chính, do đó, vợ chồng bất hoà, rồi Nguyên đi làm đạo-sĩ. Nguyên làm thơ hay, tính ưa ngao du rừng suối, vua cho làm chức Đạo-Lục, tục gọi là Đạo-Lục-Hầu.
Những kẻ phản nghịch
Trưng-Trắc
Con gái của Lạc-Tướng huyện My-Linh, quận Giao-Chỉ. Chồng là Thi-Sách, con trai của Lạc-Tướng huyện Chu-Diên, bị Thái-Thú đời Hậu-Hán là Tô-Định dùng pháp-luật trị tội. Trắc oán, cùng em gái là Trưng-Nhị làm phản, đánh chiếm 65 thành, tự lập làm vua, kế bị Mã-Viện chém.
Triệu-Ẩu
Con gái ở huyện Quân-Ninh, quận Cửu-Chân, lúc trẻ không lấy chồng, vú dài ba thước, vắt ra sau lưng, thường mặc áo vàng, đi dép ngà, cỡi đầu voi đánh giặc. Ở trong núi tụ đảng đi trộm cướp, bị Thứ-Sử Giao-Châu là Lục-Duệ 6 giết.
Lý-Bí (hay Lý-Bôn)
Thổ-hào ở Giao-Châu. Về đời nhà Lương, đầu niên hệu Đại-Đồng (535-545), Hầu-Tư làm Thứ-Sử, trị dân nghiêm-khắc, thất hòa, Bý làm phản. Tư chạy về Quảng-Châu, Bí tiếm hiệu, đặt quan, dựng đài Vạn-Xuân mà ở. Vũ-Đế khiến Thứ-Sử Dương-Phiêu và Tư-Mã Trần-Bá-Tiên dẹp yên.
Dương-Thanh
Người Giao-Châu, khoảng niên-hiệu Khai-Nguyên (713-741) đời Đường, làm Thứ-sử Hoan-Châu, đô-hộ Lý-Tượng-Cổ có ý nghi kỵ, vời về cho làm nha-tướng, Thanh uất giận, chực nổi loạn. Gặp lúc Hoàng-Gia-Động làm phản, Tượng-Cổ giao binh cho Thanh trợ chiến. Thanh cùng con là Chí-Liệt đem binh về đánh úp Tượng-Cổ, sau bị Quế-Trọng-Vũ bắt chém.
Nùng-Trí-Cao
Người châu Quảng-Nguyên, cha là Toàn-Phúc làm Tri-Châu Thảng-Du, chú là Toàn-Lộc làm Tri-Châu Vạn-Nhai, đều phục tòng Giao-Chỉ. Ngày nọ, Toàn-Phúc giết Toàn-Lộc và chiếm luôn châu-trị. Lý-Thái-Vương giận, cử binh bắt Toàn-Phúc và con là Trí-Thông đem về. Vợ Toàn-Phúc là Ả-Nùng lấy người lái buôn Giao-Chỉ sinh Trí-Cao. Được 12 tuổi, Cao giết cha và nói rằng: "thiên hạ há có hai cha ư?". Nhân mạo lấy họ Nùng, lâu sau lại cùng mẹ ra chiếm cứ châu Thảng-Du, đặt quốc-hiệu là Đại-Lịch; kế bị Giao-Chỉ đánh bại, nhưng được tha tội và khiến coi châu Quảng-Nguyên. Được bốn năm, căm oán Giao-Chỉ, đánh úp chiếm cứ châu An-Đức. Về đời Tống-Nhơn-Tông, năm đầu niên-hiệu Hoàng-Hựu (1049), Trí-Cao tiếm xưng Nam-Thiên-Vương, đặt niên-hiệu là Cảnh-Thụy. Mùa hạ tháng 5, năm thứ 4 (1052), đánh hãm lấy châu Ung, Hoành, ngụy xưng quốc-hiệu là Nam-Thiên quốc, tiếm hiệu Nhân-Huệ hoàng-đế, đổi niên-hiệu là Khải-Lịch và ân-xá toàn cõi. Bè đảng là Hoàng-Sư-Mật, xưng quan-danh Trung-Quốc. Tiến binh vây Quảng-Châu, 50 ngày không hạ được, lại trở về Ung-Châu. Mùa thu tháng chín, nhà Tống khiến Địch-Thanh ra đánh. Mùa xuân tháng giêng năm Hoàng-Hựu thứ 5 (1053), đại-quân của Địch-Thanh đến Tân-Châu, một ngày đêm vượt qua núi Côn-Lôn, thừa lúc giặc bất ý, bày trận ở Quy-Nhơn-Phố. Trí-Cao bày trận chống lại, bị Địch-Thanh đánh tan. Trí-Cao lại chạy về Ung-Châu, đêm ấy đốt thành, chạy về nước Đại-Lý. Sáng mai, Thanh đem binh vào thành, chém bêu đầu Sư-Mật, bắt mẹ Trí-Cao là Ả-Nùng, em là Trí-Tiên, con là Kế-Tông, Kế-Long, đóng cũi giải về Kinh-sư. Sau Trí-Cao chết, tất cả đều bị giết, bỏ thây ngoài chợ.
(Trước đây có câu ca-dao: "Họ Nùng trong, họ Địch hái", nay quả ứng-nghiệm).

Sản Vật

Điền-thổ
Nhâm-Diên nói rằng: "ruộng giồng lúa trắng, tháng 5 cấy, tháng 10 gặt; lúa đỏ, tháng chạp cấy, tháng 4 gặt. Bởi thế người ta thường bảo rằng: "Nước thâu thuế ruộng hai mùa, làng cống tơ tằm tám lứa. (Quốc thuế lưỡng thục chi đạo, hương cống bát tàm chi ty). Đất hẹp dân đông, có sản xuất lúc, mè, nhưng không có lúa mạch.
Tằm-tang (nuôi tằm trồng dâu).
Sách "Giao-Châu ký" của Lưu-Hân-Kỳ chép: "một năm tám lứa tằm, tằm sản xuất ở Nhật-Nam, dâu thì có lớn nhỏ hai giống, giống dâu nhỏ trồng về tháng giêng, cành lá sua sê. Từ tháng ba đến tháng tám đều nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa".
Muối
Nấu nước biển lấy muối trắng như tuyết. Dân biên-thùy qua phục-dịch ở An-nam, đều vì nguồn lợi muối và sắt.
Hoàng, bạch-kim (vàng và bạc)
Các Châu Phú-Lương, Quảng-Nguyên sản xuất vàng, bạc, nhưng các người tìm vàng, tìm bạc thường không kiếm đủ số nạp cho quan, phải mua chỗ khác để nạp.
Minh-châu
Con trai sinh ở Đông-Hải, Giám-Thể-Quan mỗi lần cầu đảo với thần-linh, thì tìm được ngọc-trai lớn. Sách "Hải-Cổ" chép rằng: "năm nào trung-thu trăng sáng, năm ấy có nhiều ngọc trai". Mạnh-Thường làm Thái-Thú Hợp-Phố. Các quan Thái-Thú trước tham-lam, bắt dân mò tìm hạt trai bao nhiêu cũng không chán, vì thế, ngọc trai dời qua Giao-Chỉ. Mạnh-Thường đến, thay đổi tệ tập trước, hưng lợi trừ hại cho dân. Những con trai ngày trước bỏ đi nay trở về, dân xưng tụng Thường là bậc thần-minh. Đào-Bật làm bài thơ Hoàn-Châu-Đình rằng:
Châu về Hợp-phố tiếng vang truyền,
Thái-Thú thần-minh sáng cổ-hiền
Trong bụng sò ngao châu chói sáng,
Dưới chằm rồng cá ngũ thường yên.
Về đời nhà Đường, năm Trinh-Quán thứ 4 (630), huyện Lâm-ấp có ngọc châu lớn, quan Hữu-Tư trưng cầu, Lâm-ấp dâng biểu trả lời không thuận. Hữu-Tư xin đánh. Vua Thái-Tông nói rằng: "Ưa chinh chiến, ắt vong quốc, gương của Dượng-Đế 7 và Hiệt-Lợi 8, chúng ta đều thấy. Đánh hơn một tiểu-quốc, chẳng oai-vũ gì, huống chi chưa chắc hơn".
San-Hô
Có đỏ đen hai thứ, ở dưới biển thì thẳng và mềm, thấy mặt trời thì cong và cứng. Đầu đời nhà Hán, Triệu-Đà dâng cây san-hô đỏ gọi là hỏa-thụ 9.
Đơn-Sa
Đời Tấn, Cát-Hồng muốn luyện thuốc tiên, xin ra làm quan lệnh tại huyện Câu-Lậu. Thơ Đỗ-Phủ có câu:
Giao-Chỉ đơn-sa nặng trĩu.
Thiều-châu bạch-cát nhẹ bong 10.
Đại-Mạo (đồi-mồi)
Hình giống rùa, nhưng vỏ hơi dài, có 6 chân, hai chân sau không có móng.
Hương
Sách xưa chép: "Nhật-Nam có nghìn mẩu rừng sinh gỗ thơm rất quý". Sách Nam-Việt-Chí chép: "Giao-Châu có cây hương-mộc, muốn lấy thì đốn xuống, chờ lâu năm cho vỏ mục rồi lấy ruột và mắt cây, thứ nào cứng, đen, bỏ xuống nước chìm, gọi "trầm hương", nổi, gọi "kê-cốt hay bán-thủy", thứ thô gọi "sạn-hương".
Kim-Nhan
Có chỗ gọi cây cam-ma, thường tục đốt cây ấy để trừ tà-khí.
Bài-Hương
Cây nào có một rễ thì tốt.
Hương-Phụ-Tử
Một tên khác gọi là Kê-dầu, thứ nào mọc gần bờ bể là tốt.
Giáng-Chân-Hương
Thứ lâu năm dùng tốt.
An-Tức
Mật
Sáp ong
Chì
Sắt
Thiếc
Quế
Thứ vỏ mỏng thịt dày tốt.
Tử-Thảo
Sách Trung-Châu chép: "Kỳ-lân tử-thảo do kiến tạo ra, cũng như ong làm ra mật vậy. Tử-Thảo sắc đỏ mà vàng, giống tùng-chi". Giao-Châu-Chí chép rằng: "Tử-Thảo và huyết-kiệt đều sản xuất ở Giao-Châu, rõ ràng không phải cùng một thứ". Bản-thảo cương-mục nói rằng: "hai vật ấy chủ-trị tà-khí trong ngũ-tạng, chỉ-thống, phá huyết-tích, trị ghẻ mụt".
Kha-Lê-Lặc
Sách Trung-Châu chép: Kha-Lê-Lặc sản-xuất ở Giao-Châu, Ái-Châu, hoa trắng, hột như hột quả chi 11, vỏ và cơm dính sát nhau, vị không độc, chủ trị khí lạnh, bụng trướng đầy.
Thường-Sơn
Có hai thứ, tục gọi hoàng-đao và bạch-đao.
Bồ-Hoàng
Bị dao mác thành thương, dùng Bồ-Hoàng ghiền nhỏ, rắc vào thì lành.
A-Ngùy
Rau Đồ
Rau đắng, sách xưa chép: sản-xuất ở huyện Cổ-Đô thuộc Lượng-Châu, vị đắng khó uống.
Ý-Dĩ (Hạt bo-bo)
Khi Mã-Viện sang đánh Giao-Chỉ, có chở ý-dĩ về, đi qua Ngũ-Khê, hạt rơi xuống rồi mọc lên. Tô Đông-Pha có bài thơ:
Phục-Ba dùng ý-dĩ,
Trị ngược thuốc như thần.
Độc Ngũ-Khê trừ được,
Khôn trừ nộc sàm-nhân 12.
Phong-Cương (Gừng)
Xắt lát dán hai bên màng tang, hết đau đầu.
Hỏa-Cương (Riềng)
Sắc hơi tía, thường dùng làm men rượu, rất tốt.
Cao-Lương-Cương
Gốc ở Châu Cao-Lương, ở Giao-Châu cũng có, giống sinh ở Lôi-Châu tốt hơn. Ở Giang-Tả gọi là cũ Đỗ-Nhược. Vị rất ôn, chủ trị tích, lạnh, đau bụng, giã nhỏ, sao sơ, hòa vơới nước gạo mà uống. Trị thổ-tả hoắc loạn: dùng Cao-Lương-Cương năm lượng, nướng chín, đập dập, rửa sạch, đổ vào một thăng rượu, đun sôi năm ba lần, uống vào kiến hiệu tức khắc. Uống Cao-Lương-Cương thì thanh-khí tăng thêm, nhan-sắc tươi tốt, những nhà phú-hào hay sắc để uống.
Hoàng-Cương
Bản-thảo chép: "giống sinh ở Hải-Nam, gọi là bồng-truật. Vị cay đắng, rất hàn, không độc, chủ trị tâm phúc kiết tích, trừ phong nhiệt, tiêu ung thũng, nhai sống, trị khí. Thiên-Kim-Phương: trị ghẻ lác mới sinh, ngứa lâu ngày, lấy một lượng hoàng-cương hiệp vào ba lượng quế-hương, tán bột, hoà giấm uống.
Uất-Kim (củ nghệ)
Vị cay đắng, tính hàn, chủ trị tích huyết, lạnh, hạ khí, sinh da non, cầm huyết. Lưu-Vũ-Tích nói rằng: "dùng Uất-Kim độc vị, trị bệnh con gái chậm thấy tháng, tâm khí kiết tụ, mài với giấm nóng mà uống; đau dậy, tán bột trộn vào cháo mà ăn".
Thông-Thiên-Tề
Sách: "Giao-Châu-Ký" của Lưu-Hân-Kỳ chép: "lông tê-ngưu giống lông heo, đầu có ba sừng, sừng trên mũi ngắn, hai sừng trên trán, một dài một ngắn. Di-Vật-Chí nói rằng: "trong sừng thường có vân trắng như sợi tơ, sáng ngời, suốt từ ngọn đến gốc", gọi là thông-thiên-tê.
Tịch-Thủy-Tê
Tục truyền An-Dương-Vương có sừng văn-tê dài 7 tấc, khi đánh trận thua, ném sừng tê xuống biển, nước rẽ ra, Vương chạy vào nước, thoát nạn.
Tịch-Hàn-Tê
Năm Khai-Nguyên thứ hai (714), đời Đường, tiết đông-chí, Giao-Chỉ dâng một sừng tê, sắc như vàng, sứ-giả xin một cái mâm bằng vàng, đặt sừng vào, để trong đền, khí ấm xông lên người. Vua hỏi vì cớ gì? Sứ-giả tâu: "ấy là Tịch-Hàn-Tê. Thời Văn-Đế nhà Tùy (589-604), có tiến một cái, đến nay mới tiến lại". Vua vui lòng tặng thưởng rất hậu. Thơ Đỗ-Phủ có câu: "Kim bàn tê duy thận", nghĩa là: "Sừng tê để trong mâm vàng rất cẩn-thận".
Voi
Xứ Lâm-ấp sản-xuất voi, lúc đầu tại nước Chiêm-Thành, tục hay dùng voi để cỡi và chở. Quận Bố-chánh ngày nay, tức huyện Tượng-Lâm thuộc Quận Nhật-Nam ngày xưa vậy. Thổ-hào giết huyệnlệnh, lập nước gọi là Lâm-ấy. Thời Tống-Lý-Tông (1225-1264), An-nam cống voi, công-khanh đều dâng biểu mừng. Có một thái-học-sinh dâng bài thơ rằng:
Ba voi đều tám thước cao,
Giang-hồ muôn dặm biết bao nhọc nhằn.
Công-Khanh ca ngợi thăng-bình,
Lữ-Ngao13 chỉ có trâu-sinh 14 tâu bày.
Năm Bính-Tý (1276) hiệu Chí-Nguyên, triều-đình dẹp yên nhà Tống, thẳng ruỗi đến Quế-Châu gần An-nam, nước ấy thường đem voi cống. Voi đực có hai ngà, voi cái không có. Sức mạnh của voi ở nơi vòi. Nhà vua thường mở cuộc đấu voi để xem hơn thua. Muốn săn voi, người ta lùa voi cái vào rừng, kế lấy mía dụ voi đực đến, đào hầm để sập bắt. Lúc mới sa hầm, voi rống hét om sòm, người ta bắt về tập, dần dần nó hiểu ý người. Gặp lễ tiết, người nài lấy gấm phủ lên lưng voi, khiến quỳ lạy quốc chúa.
Lúc đám tang, thắng yên vàng (?), voi chảy nước mắt thành khối. Tính rất khôn, ở rừng núi, một con voi đực cặp bốn, năm chục voi cái; ưa uống rượu (?), thường lấy vòi xoi phên nhà của dân ở núi để uống, uống hết vò mà không say. Nếu hai con đi chung, được một vật gì, cũng chia đôi. Những đêm trăng, ưa ra sông tắm lội. Lúc trở về rừng, dân đuổi theo sau đánh trống, thanh-la inh ỏi, làm cho voi kinh sợ chạy bậy vào lối hẹp, sa lầy, không dậy được, bị dân đâm giết chết. Ngà voi có vân, sắc tươi sáng, những ngà chết, ngà rụng, không tốt. Người Lâm-Ấp hay giết voi, voi oán, dàn trận vây người, người sợ trèo lên cây, cởi áo treo ở cành, rồi chuyền qua cây khác chạy trốn, voi thấy áo treo, tưởng người, lấy vòi hút nước xối vào cây và lay cho cây đổ, không thấy người, giận chà nát áo rồi bỏ đi. Voi bệnh thì day đầu về hướng nam mà chết. Thịt voi thô, để cả da nấu mau chín, thịt gần nơi ngà và bàn chân khá ngon.
Bò tót
Giao-Châu-Ký chép rằng: "Bò tót sản xuất ở quận Cửu-Đức, có một sừng, dài hai thước. Thời Hán Linh-Đế (168-188), Cửu-Chân dâng bò tót, cho là con thú lạ. Khoảng niên hiệu Chí-Nguyên (1264-1294), An-nam thường đem cống.
Bạch-Lộc
Đời Tấn, đầu niên-hiệu Nguyên-Khương (291-199), có con hươu trắng xuất hiện ở huyện Vũ- Ninh, quận Giao-Chỉ. Đời Tống Văn-Đế, cuối niên-hiệu Nguyên-Gia (453), Giao-Chỉ đem dâng hươu trắng.
Tiềm-Thủy-Ngưu (trâu lặn dưới nước)
Giao-Châu-Ký chép răằng: "tại huyện Câu-Lậu có giống trâu lặn ở dưới nước, lên bộ thì sừng mềm, vào nước sừng lại rắn".
Tinh-tinh
Nam-Trung-Chí chép rằng: "hình chó, mặt người, ở trong hang núi, đi không do một lối quen nào, hằng bầy cả trăm con. Người ta thường lấy rượu và mấy chục đôi giép cỏ kết lại với nhau, bày ra giữa đường, Tinh-tinh gặp thấy, tức thì kêu tên họ ông cha của người mà chửi, và nói rằng: "Tụi bây cố bẩy ta, mau bỏ đi cho rồi". Nhưng sau lại kêu nhau uống nếm rượu, xỏ giép đi chơi, uống một vài chung đã say, giép bị giây chằng, té ngữa, thế là bị bắt. Người xưa hỏi quan lệnh Phong-Khê: "Phong-Khê có vật gì?". Đáp: "Chỉ có tinh-tinh, rượu và tớ".
Phất-phất (đười ươi, một loại khỉ)
Quách-Phác nói rằng: "Đười-ươi sản-xuất trong miền núi Giao-Châu, hình dáng giống người, lưng dài, mình đen, có lông đến gót chân, xỏa tóc, chạy mau, ăn thịt người, thấy người thì cười". Tả-Tư nói rằng: "Đười-ươi cười bị đấm".
Nghị-Tử-Diêm-Ải (trứng kiến muối chua)
Sách xưa chép: "Tù-trưởng các khê động ở Giao-Châu hay lấy trứng kiến muối chua, không phải các quan và thân-tộc, không được dùng món ăn nầy tiếp đãi (?). Thiên Giao-Đặc-Sinh có nói: "dùng tương trứng kiến". Sách Tế-Thống bảo rằng: "muối sản-xuất ở lục-địa, tức mà muối dùng làm tương trứng kiến". Sách Châu-Lễ: "người đầu bếp dọn tương có món tương trứng kiến". Phạm-Uý-Tông nói rằng: "Món trứng kiến ở Trung-Quốc thất truyền, nên mới tìm ở nơi người Mán, chứ không phải người Mán biết làm ra trước".

An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Thập Ngũ Chung

___________________________________________________

Chú Thích:

  1. Việt Lang tức là quan lang Nam Việt.
  2. Đô Kế cũng gọi là Hệ Lang.
  3. Theo "Từ Hải" thì là "Pháp Thủy", danh từ nhà Phật, nghĩa là Phật pháp có thể giải trừ phiền não, bụi bặm cũng như nước có thể rửa sạch ô uế.
  4. Việt Sử: Thái-Tông cho Tấn tên là Phụ Trần.
  5. Ý nói hai thứ đều đẹp cả.
  6. Nam sử chép là Lục Dẫn
  7. Vua nhà Tùy.
  8. Vua nước Đột-Quyết.
  9. Cây lửa.
  10. Giây sắn trắng để dệt làm áo mỏng.
  11. Chi là tên cây, quả nó dùng để nhuộm màu vàng.
  12. Mã Viện đánh Giao-Chỉ, lúc trở về, chở về mấy xe hạt bo bo, có kẻ gièm với vua Quang Võ, nói Mã Viện chở ngọc Minh Châu về rất nhiều.
  13. Lữ-Ngao là một thiên trong Kinh Thơ. Thời vua Võ Vương nhà Châu, nước Tây Lữ dâng con chó ngao, Ông Thiệu Công làm thiên Lữ Ngao để khuyên răn vua không nên quí chuộng vật lạ.
  14. Trâu là loại cá nhỏ. "Trâu sinh" nghĩa như "Tiểu sinh", nghĩa là người học trò hèn mọn, lời tự xưng khiêm tốn.