AT - Thuở ấy, ở đây là rừng rậm hoang vu, bạt ngàn... - ông  già râu tóc bạc phơ nhưng đôi mắt hãy còn tinh anh, rít một hơi thuốc rê dài, nói - Tôi nghe lời cha tôi kể lại lúc lên bảy, tám tuổi gì đó. Lâu quá rồi cũng không nhớ mạch lạc lắm, nhưng kể cho vui, cho mấy cô mấy cậu đỡ buồn".

 

Minh họa: Đinh Tiến Luyện
"...À, rừng lớn lắm, đủ muông thú. Những con rạch bây giờ là dấu tích của voi đi: đất mềm lún, thành lằn. Nước  thủy triều tràn lên, rút xuống rồi thành rạch ngòi, lung vũng. Rạch Đầu Sấu (°) ngày xưa cá sấu nhiều lắm! Nước cạn chúng lên bãi nằm phơi nắng, nước lớn chúng trầm mình ló mũi như mù u rụng!  Còn ở đây thì heo rừng, nai, chồn, gấu, trâu đều có hết! Đặc biệt là cọp. Miếu Ông là miếu Ông Hổ (°°). Có hai ông cọp tranh giành đất đánh nhau và chết ở đây. Dân khẩn hoang lập miếu thờ cho đến bây giờ, cũng không dưới trăm năm đâu!".
"Ông kể đi. Chuyện hai ông Cọp đánh nhau giành đất đó!" - Bọn  tôi nhao nhao lên yêu cầu ông lão.
Và trong ánh lửa bập bùng của nồi khoai lang luộc, cái cảnh rừng hoang vu thuở những người dân tứ xứ, phiêu bạt đi khẩn hoang lập nghiệp hiện lên...

*

...Khói của những vạt rừng bị đốt nham nhở và khói thổi cơm chiều của những chòi trại bốc lên bàng bạc trong sương chiều trắng xóa. Hồi đó mặt đất xăm xắp nước, nên rừng bị đốt, không cháy dữ dội như bây giờ!
Mới ngả bóng chiều trên những đám bần đước hoang dại ven sông mà trời như đã tối sớm. Tiếng chim bìm bịp "ùng ục" gọi con nước, tiếng "u...u..." của những con trâu rống lên trong hoàng hôn hoang vắng; tiếng " nhóc nhen" của những con ếch, ểnh ương, vạc sành tạo thành một âm thanh rừng rú, hoang dã... Gió vi vu qua những rừng lau sậy bạt ngàn, mờ mịt phía chân trời hoàng hôn  sẫm đỏ...
Vợ chồng anh Lắm dọn vội bữa cơm. Thức ăn đựng trong những đĩa sành cũ, mẻ miệng nhưng toàn là đồ đặc sản bây giờ: một con rùa to nướng, hai con cá lóc nướng lửa rơm đen xỉn, một con rắn kẹp gắp cũng nướng. Toàn là đồ nướng! Nét đặc trưng trong cách làm thức ăn của những cư dân đi khẩn hoang thuở ấy!
- Ăn lẹ, rồi vô mùng ngủ. Muỗi như trấu!
- Nhớ đóng cửa, rút cầu... dạo này nghe nói có ông hổ về đó! - Vợ Lắm dặn chồng.
- Ừ. Cách đây mấy hôm, có ông hổ rằn, mình vàng sọc đen về xóm trên vồ hết một người của nhà ông Hậu!
- Ghê quá! Nghe mõ đánh hồi một... Mấy tay trai tráng cầm lao, cầm chĩa đến thì ổng đã cõng con gái ông Hậu đi mất rồi!
- Có ai báo quan đồn không?
- Có báo thì mấy ổng xuống "xèn xẹt"  một hồi, uống rượu, chè chén "đã lữ" rồi về! Đâu vào đấy, mình giữ mình là hơn.
Vợ Lắm vào mùng trước. Lắm cẩn thận rút cây cầu, dù chưa hề nghe ai nói cọp biết đi cầu tre bao giờ! Anh còn kỹ lưỡng gài mấy chục cây chông vót bằng  gốc tre rừng nhọn hoắc quanh nhà. Nhà Lắm cũng khá chắc chắn: tràm lớn bằng bắp chân chôn sâu xuống đất, ken dày như lồng cũi nhốt thú của các tay thợ săn.
Nửa đêm, vầng trăng cận rằm trong xanh  len lét, treo lơ lửng giữa bầu trời sao sáng vành vạnh. Có tiếng gầm phía không xa lắm, ở ven rừng sau nhà Lắm.
"Um... um... Cà um... hum"...
Lắm giật mình thức giấc. Vợ Lắm vẫn mê ngủ. Anh không đánh thức vợ dậy vì sợ cô kinh hãi. Lắm rón rén trở mình, anh mò cây mác dưới gầm vạt, bò xuống đất đến ngồi ở góc nhà, vén miếng lá chầm nhìn ra ngoài quan sát và thủ thế!  Trong cái ánh sáng trăng trong xanh như màu lá chuối non, từ ven rừng cách nhà Lắm non trăm thước, anh thấy hai đốm lửa như hai cục than hồng to bằng cái chung uống rượu, di động từ từ về phía nhà anh. Cọp! Cọp rằn mình vàng sọc đen khét tiếng đây rồi! Nó thong thả, chậm rãi, khoan thai oai vệ như ông chủ rừng xanh đi dạo cảnh!
Lắm xanh mặt, tim đập thình thịch. Lần đầu tiên anh thấy cọp. Nó to như con bò, mình vàng sọc đen mướt mượt. Khuôn mặt nó có vẻ nghiêm nghị, cặp mắt đỏ ngầu ngầu màu lửa than; hàng ria mép trắng bạc vểnh lên càng tăng cái uy nghi, dũng mãnh. Con cọp đi vòng quanh nhà Lắm, nó đứng nhìn vô nhà như thèm thuồng một cái gì; nó quào mấy cây chông rồi ngẫm nghĩ lặng yên... Khoảng năm ba phút gì đó, nó ngoắc cái đuôi dài như con rắn hổ ngựa rồi lẳng lặng bỏ đi... Lắm thót tim, có cái gì ươn ướt ở đũng quần anh!
Sáng hôm sau, mặt trời lên. Lắm dẫn vợ ra chỉ mấy dấu chân của cọp. Vợ Lắm hồn vía lên mây, bảo Lắm bữa nay kiếm đồ ngon làm mâm cơm cúng "đất đai Vương trạch"...
Cọp rằn thỉnh thoảng xuất hiện về cái làng chòi của những người đi khẩn hoang vượt sông Hậu sang đây. Lâu có một hai người sơ sẩy bị nó bắt đi. Người ta phải gọi nó là "ông hổ" như gọi một ông quan lớn. Dân tha hương, phiêu bạt giang hồ thời ấy khổ lắm!
Một hôm, cũng vào một đêm trăng sáng, trời trong và gió rừng mát lành lạnh. Ở cái mom sông, đất khá cao ráo và  bằng phẳng. Người ta nghe có tiếng gầm rú kinh thiên động địa. Ông Hậu - có người nhà bị cọp rằn bắt - ở trên cái chòi cao giữ rẫy ven rừng đã chứng kiến cảnh hỗn chiến ác liệt của hai con hổ: con rằn ông nhận diện được nó, con trắng có sọc vàng lần đầu tiên xuất hiện. Hai con hổ thủ thế, vờn nhau như đánh nghề võ. Khi thì con trắng thắng thế, khi thì con rằn phản công. Chúng cắn xé, đánh nhau bất phân thắng bại...
Mặt trời lên, sương đêm còn ướt đẫm trên cành lá. Gió từ dòng sông Hậu thổi liu riu, nhè nhẹ trên những dải rừng hoang vắng. Hai con cọp đã mệt đừ, mỗi con rút vào một bụi rậm nằm thở phì phò dưỡng sức để chuẩn bị quyết đấu! Chẳng con nào chịu thua bỏ chạy. Thế rồi trận đấu lại tiếp diễn. Chẳng ai dám lại gần. Chẳng ai dám ra khỏi nhà! Ông Hậu bị kẹt trên chòi và buộc phải chứng kiến trận quyết đấu có một không hai!... Đến chiều, hai con cọp đuối sức, mình mẩy đầy máu me, mòn mỏi vì những vết thương và đã gục chết! Người ta chỉ dám lại gần khi thấy hai đống thịt không còn nhúc nhích, động đậy và  ruồi nhặng đã bu đầy!
"Tội nghiệp hổ trắng!"- ông Hậu nói.
"Hổ trắng đến để cứu dân làng chòi!".
"Chưa chắc! Hổ trắng đến giành đất của cọp rằn nên mới sinh cớ sự" - có người nói vậy.
"Cọp nào cũng ăn thịt người! Hai ông chết là do trời định!".
Hôm sau, dân làng chòi dọn đất chôn cất hai "ông hổ" tử tế... Mấy hôm sau nữa, có người nằm mộng thấy hai "ông hổ" hiện về bảo các ông là tướng trời bị đày, nay đã về thiên giới. Hai ông đã ăn năn, sám hối những tội lỗi của mình đối với dân và hứa sẽ phù hộ bà con làm ăn mạnh giỏi! Người ở làng chòi bàn với nhau lập ra cái miếu nhỏ và thỉnh thoảng đốt ít nhang khói, gọi là cầu các "ông" phù hộ cho dân làng...
...Miếu Ông Hổ ở làng Long Tuyền có từ đó và tồn tại đến bây giờ, có hơn trăm năm, trải qua bao thăng trầm thế sự.
"Hay quá! Hấp dẫn quá!" - chúng tôi vỗ tay và tiếc rẻ vì câu chuyện kể đã chấm dứt. Ông lão Tám vấn điếu thuốc rê bập bập, phì phà. Đóm lửa thuốc sáng trong đêm tối miệt vườn, ấm cúng lạ thường. Có tiếng Xuân Trang - nữ đội viên thanh niên xung phong - la lên:
- Chết rồi! Mấy anh chị ơi. Nồi khoai đã nở thè lè!
- Thè lè cũng ăn hết! Đói bụng rồi.
Chúng tôi cười lên vui vẻ. Tôi nhìn ra khoảng trống trước nhà ông Tám, nơi mà con lộ mới vừa xẻ ngang. Đêm tối mịt mùng. Tôi mường tượng một vùng rừng mênh mông hoang vắng như còn đâu đây. Và văng vẳng, trong sâu thẳm lòng tôi, tiếng rừng xưa như còn vọng lại...
Chú thích:
(°): Rạch Đầu Sấu: thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ ngày nay.
(°°): Miếu Ông: chợ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ bây giờ.
ĐẶNG HOÀNG THÁM
(Cần Thơ)

Xem Tiếp: ----