Bao năm mơ ước được một lần đặt chân lên vùng cực bắc đất nước. Tiếng tăm rợn ngợp về một cao nguyên đá. Hình dung những rặng núi đá lởm chởm, lô nhô, khúc khuỷu, dốc đứng, chênh vênh bên bờ vực. Mùa đông nghĩ tới đã cảm thấy lạnh buốt, mùa hè nghĩ tới đã cảm thấy nóng rang. Những địa danh: Cổng Trời -người phải bám đuôi ngựa mà leo, trước khi lên dốc phải cho ngựa uống rượu, lên tới đỉnh dốc ngựa sùi bọt mép-, dốc Thẩm Mã -có thể dùng để thử sức ngựa hay-, dốc Mã Pí Lèng (sống mũi ngựa) -chênh vênh một bên là vách đá dựng, một bên là vực sâu hút tít dưới xa dòng sông Nho Quế chỉ như một nét lượn giữa hai sườn núi dốc gấp-, nghe nói mà choáng ngợp. Và thiếu bóng cây. Thiếu nước. Còn là thiếu người! Tự hỏi: Làm sao mà sống nổi ở đấy được? Trong tình hình di cư tự phát hầu như thả lỏng nếu dân cũng bỏ đi thì cả một vùng biên cương bị trống, bỏ ngỏ sao! Các chiến sĩ biên phòng dựa vào đâu? Vào lúc không chờ đợi nhất tôi đã làm được một chuyến đi đến Hà Giang, lên tận cao nguyên đá. Ngày trước, đi đến đất này chỉ có thể đi bộ hoặc đi ngựa. Năm 1959, khởi công làm con đường từ thị xã Hà Giang đi Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, bốn huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn. Con đường dài 208 km, huy động dân công thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh làm trong 6 năm trời mới xong; nhiều nơi người phải treo mình trên vách đá để đục mở đường, những “cổng trời” phải nổ mìn hạ bớt độ dốc. Đoạn đường từ thị trấn Đồng Văn đến thị trấn Mèo Vạc chỉ 20 km mà phải dốc sức làm trong 11 tháng ròng rã. Con đường mang tên đường Hạnh Phúc. Ở cái xứ mà “nhìn thấy nhau trong tầm mắt, đến gặp nhau mất nửa ngày” thì có được con đường cho xe chạy quả là hạnh phúc. Tuy nhiên, với phần đông người dân thì hạnh phúc chỉ mới có nghĩa là có thể mua những thứ đồ “văn minh” ở chợ, có thể bán lâm thổ sản dễ hơn,-trước đây dân buôn không đưa ngựa thồ vào thì đành chịu-, và nhìn con đường thảng hoặc có xe chạy cũng vui con mắt. Còn thì cái số đông ấy đến chợ vẫn phải leo lên tụt xuống đường núi. Trước mắt, “hạnh phúc” dành chủ yếu cho dân buôn (cũng còn lẻ tẻ, chưa tấp nập, có lúc “loạn”, như ở Lạng Sơn, Móng Cái, Lào Cai, mươi năm trở lại đây). Ngành du lịch cũng đã tìm đến. Sự “đổi đời” mới e ấp ở các thị trấn, và hơi rộn lên ở chợ (Các thị trấn ở các tỉnh Tây Bắc khuất nẻo như Sơn La, Điện Biên,... đông vui hơn). Phiên chợ khá tấp nập người, nhiều màu sắc. Những cô gái người Mông váy áo sặc sỡ, chân đi tất cao quá gối, đầu che ô màu. Nhìn từ xa rất bắt mắt, ngỡ như các tiểu thư... Tàu trong phim tài liệu. Tới gần, tưởng sẽ được ngắm sắc màu thổ cẩm té ra toàn hàng Tàu! Và, sắc màu trang phục ánh lên gương mặt các cô không làm sáng lên bao nhiêu, không che lấp những nét “hoang sơ” dường như vẫn ám màu xám khô của núi đá. Chợt nhớ cảnh tượng bên đường cái vào quãng tám giờ tối hôm trước: Trong ánh đèn pha ô tô, những cô gái, trong đó có cả trẻ em mươi tuổi, cõng bó củi cao vượt đầu lầm lũi bước. Một ấn tượng khác: Vào thăm nhà một người Mông, nơi từng làm bối cảnh cho bộ phim được nói tới nhiều “Chuyện của Pao”, bây giờ là một điểm “du lịch”. Nhà có gác, có ban công dài và hẹp, nơi cô gái trong phim ngồi ngóng người yêu. Nhà có mắc điện, nhưng tối tăm, bẩn thỉu, bề bộn. Trên gác cũng âm u, chỉ có ngô bắp để đống vạ vật. Được cái cả nhà chân thật, cởi mở. Anh con trai 27 tuổi hồn nhiên khoe: “Có bốn con, xin nhà nước được đứa con trai rồi, giờ thì thôi (đẻ)”. Phim này đã đưa đi dự liên hoan trong nước, ngoài nước. Người xem tưởng đâu nhà người Mông khá giả lắm, phong quang lắm, có biết đâu... Đoàn làm phim chẳng để lại cho nhà này chút tác động nào để nhen nhóm ước vọng “đổi đời”, “đổi cảnh” (nói chi cho dân vùng này!), ngoài món tiền thù lao chắc là phải có. Đoàn rút đi, ánh sáng văn minh tắt theo ánh đèn quay phim. Tỉnh Hà Giang có các người Mông, Dao, Tày, Kinh,..., theo thứ tự từ nhiều đến ít, sinh sống. Ở vùng cao nguyên đá, người Mông cũng đông nhất. Tộc người này chỉ lo đủ ăn, chẳng cần giàu, “kiếm một tuần tiêu một ngày”. Mang hàng xuống chợ bán được bao nhiêu tiền là mua đến hết, thứ mang về nhà, thứ ăn vặt ở chợ, dọc đường. Người Mông chất phác, nhưng không dễ thuyết phục. Cái “lí” của họ khá kì khôi, nghe như chuyện cười. Ba người bán ngựa mua chung một xe máy, đi đâu cũng ba người cưỡi chung. Một lần, công an giao thông bắt gặp bảo phải xuống bớt một người, không chịu “Bọn tao mua chung xe thì phải đi chung chứ! bảo ai xuống bây giờ?” Chuyện khác, hai anh chàng rủ nhau thuê chung một chiếc xe ôm, công an đến huýt còi ra hiệu, anh ngồi sau xua tay: “Đủ người rồi, tìm xe sau nhé!”. Một chiếc xe tải chạy qua chẹt chết gà, một chiếc xe con vừa đến, chủ nhà ngăn lại bắt đền: “Xe mẹ chạy trước đè chết gà tao, xe con phải đền!”. Cả xóm cùng ùa ra đòi. Người Mông không ưa làm giàu, thế còn cơ ngơi tù trưởng họ Vương? Một dinh thự ba lớp với ba sân giếng trời, có hai vòng tường thành, có cổng vào kiên cố (tất cả đều là trùng tu, trừ thành ngoài đã mất dạng), phảng phất dinh cơ một địa chủ Tàu hạng trung, mà cũng phảng phất lớp lang của Cố cung ở Bắc kinh có điều như là con chim ruồi sánh với con chim ó. Một cơ ngơi không nhằm phô sự giàu sang, có vẻ chỉ là một nơi cố thủ của một ông trời con một cõi, dù cõi ấy chưa tày một huyện với số dân nhiều lắm là mươi ngàn người. Thời phong kiến Việt Nam còn tự chủ, những ông “vua con” tuy tuân phục triều dình song vẫn hùng cứ một vùng biên địa, như thủ lĩnh các dân tộc Tày, Mường, Thái ở các nơi khác. Thỉnh thoảng mà họ giở trò thì cũng phiền, song cái chính là họ từng làm phên dậu cho Tổ Quốc. Thời Pháp đô hộ nước ta, vùng cao nguyên đá Đồng Văn cũng là vùng tự trị của người Mông, -gọi là người Mèo theo cách gọi (miệt thị) từ Trung Quốc truyền sang: Miêu tộc-, chia ra từng khu vực của mấy “vua Mèo”, mà thế lực nhất là họ Vương, lãnh địa có cổng trời Sà Phìn án ngữ và được canh gác cẩn mật khó ai vào nếu không được phép, kể cả người Pháp. Dinh cơ nhà Vương được xây dựng trong thời kì này, một pháo đài thực thụ: tường thành và tường nhà có lỗ châu mai, trong nhà có kho súng, -những “đặc quyền” mà chẳng một dinh cơ người Việt nào dưới xuôi được phép, kể cả nơi vua ở. Thời Cách mạng tháng Tám, Việt Minh cho người đến thuyết phục họ Vương theo cách mạng. Sau này, hai đời cha con nhà Vương nhận chức cao tại Hà Nội. Họ vẫn giữ đúng cương vị cả khi một nhóm người Mông dấy phỉ, năm 1960, quấy rối biên địa phải dẹp mãi mới xong. Cao nguyên đá “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”, bầu trời gần như quanh năm mây mù, song nước nôi là cả một vấn đề. Thời chiến tranh phá hoại của Mĩ và vài năm tiếp theo đó, người dân đô thị miền Bắc Việt Nam thấm nỗi niềm khan nước. Nhưng nỗi khổ xếp hàng chực bên vòi nước để hứng và xách từng thùng nước về nhà, kể cả phải leo lên các tầng cao, có sánh tày nỗi cực triền miên cõng những ống nước leo ngược dốc, có khi mất cả buổi? Nước cho sinh hoạt đã vậy, còn nước cho canh tác? -chỉ có “trông trời”! Có hồi, người ta cho xây bể chứa nước mưa nhưng không thành công. Gần đây, dân trông chờ vào chủ trương làm những “hồ treo” bê tông cốt thép hứng và tích trữ nước trời rồi làm đường ống dẫn về các nơi có dân. Thiếu nước còn nỗi thiếu đất. Không như dưới xuôi nơi mà quĩ đất trước mắt cho người ta tha hồ “xài” làm nhà dàn trải, làm sân gôn, thậm chí “làm” những dự án “treo” hàng mấy năm ròng, bất kể hậu quả cho người dân lúc này và hậu họa cho hậu thế ra sao, nơi đây đúng là toàn đá. Có núi đá được một lớp đất mỏng che phủ. Nhưng nổi rõ vẫn là núi đá trần trụi phô màu xám ngắt. Hơn ở đâu hết, ở đây quả là đất (và nước) quí hơn vàng! Đất trong những thẻo rất hẹp chen, lách giữa những lườn đá, tảng đá, gờ đá với bề dày nông choèn; đá cõng đất, đá đựng đất, chứ không phải ngược lại. Nhiều nơi, người ta phải kiếm đất mang đến đổ vào những hõm đá, trũng đá để trồng ngô tựa như dân chơi cho đất vào chậu trồng cây cảnh. Họa hoằn lắm mới thấy một mảng ruộng bậc thang lọt thỏm giữa các triền núi. Trăn trở về cây trồng khả dĩ nuôi sống tốt hơn cho người dân bám trụ ở đất này. Dự án trồng cây trẩu (để ép dầu) trước kia và dự án trồng cây bạc hà (để cất tinh dầu) gần đây chỉ đưa lại mỗi kết quả: hai đời chủ tịch tỉnh “kiếm đủ” cho nhà mình rồi “hạ cánh an toàn” đâu nơi bãi đậu dưới xuôi. Cho đến nay, cây ngô có lẽ là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, vẫn trông mong các nhà khoa học, các nhà hoạch định, các “đầy tớ dân” tìm cho ra những loại cây trồng nào có thể góp phần đổi đời cho người dân, hậu duệ của những người từng trồng loại cây biết là có hại, cho cả chính mình, nhưng thu nhập khá –cây có cái tên mĩ miều: anh túc (cây thuốc phiện). Những con người làm nên sinh khí vùng đất khắc nghiệt này cũng là những con người đứng mũi chịu sào chốn biên địa. Bên kia ranh giới quốc gia, họ rình rập sơ hở và không bỏ lỡ dịp mua chuộc dân. Chẳng hạn, bên này cho mắc dây điện vào tận từng nhà dân sẵn sàng để thắp sáng, nhưng không cấp bóng đèn; bên kia bèn “giúp” không. Những trò rẻ tiền song chẳng phải là không thâm độc. Từng có tác dụng: hồi quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 đã có những tên dẫn đường người bản địa. Do vậy, phải biết hàm ơn chứ không phải ban ơn. Và thấu dân tình! Bóng tối của các thế kỉ trước vẫn còn lởn vởn ở những vùng khuất nẻo như vùng cao nguyên đá này. Cùng ánh sáng điện, các con đường nhựa oằn mình trườn quanh những sườn đá, lượn bên những vực thẳm đã góp phần xua bớt cái hoang vắng và heo hút. Người dân cũng đỡ bị bưng bít, theo cả nghĩa đen. Đã ló vài đốm “văn minh”. Đôi lúc bắt gặp người dân tộc thiểu số phóng xe máy trên đường. Họ từng chạy ngựa trên những chặng đường cheo leo, hiểm trở, chắc chẳng ngán những dốc, những “cua tay áo” làm run tay những lái xe chỉ quen với những con đường dưới xuôi. Ở phố cổ Đồng Văn, trước ngôi nhà 300 năm tuổi của một người Tày thấy mắc giàn thu điện mặt trời. Mấy người dân ở làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm đang đục đẽo, bào gọt những cây thông 20 tuổi chuẩn bị làm nhà nghỉ cho khách tham quan. Mở rộng du lịch cũng là một cách đem ánh sáng văn minh đến. Nhưng chớ mải kiếm tiền. Cũng đừng quên những gì người dân nơi đây cần để dễ bề làm ăn hơn, để sống khá hơn. Tình cảnh sống nơi cao nguyên đá ít nhiều làm bận lòng khách du, tuy nhiên có “những điều trông thấy” còn làm trĩu lòng lắm nỗi. Trên sườn núi cạnh đường đi, những bãi đá tai mèo san sát vừa hoang sơ vừa hùng vĩ. Nhưng quái! Sao một loạt những tai đá chĩa lên trời bị mất đầu nhọn, dấu ghè đập còn mới, lở loét trắng. Hỏi ra mới biết từ khi có tin Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) sẽ nghiên cứu để công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên Địa chất trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, thuộc loại “di sản thiên nhiên thế giới” thì bên nước bạn vĩ đại có chủ trương (tất nhiên là bất thành văn) thu mua những chỏm đầu đá tai mèo. Thế là người dân bên này thi nhau đi đập cụt đầu đá mang đi bán cho “bạn”. Khi chính quyền địa phương biết đến, sau chừng một tháng, thì đã nham nhở cả ra. Thật khó tin, như một chuyện hoang đường! Cách nay mấy chục năm, trước khi Bắc kinh xua quân xâm lăng Việt Nam, hồi còn tụng mối tình “vừa là đồng chí vừa là anh em”, đã có chuyện bên kia biên giới đánh tiếng thu mua sừng trâu, móng guốc trâu với giá cao. Thế là hàng loạt trâu ở vùng biên giáp Tàu của ta bị giết hoặc bị tàn phế (rồi cũng vào nồi cả thôi; trâu đã bị mất sừng, mất móng thì có nuôi làm “cảnh” cũng chẳng xong!). Dân thu được một ít tiền nhưng rồi phải nai lưng ra mà cuốc đất hoặc gò lưng mà kéo cày! Thâm hiểm thật! Lúc nghe vậy tôi còn bán tín, bán nghi: Chẳng nhẽ họ lại đểu giả một cách hạ đẳng, tiểu nhân như vậy ư? Hồi ấy còn chuyện bên nước “bạn” thu mua rễ cây hồi. Hoa hồi là đặc sản của một số tỉnh biên giới, nhất là Lạng Sơn, rất được giá. Vậy mà “xui” dân người ta đào rễ hồi bán cho họ! Rừng hồi tàn tạ dần và mấy năm tiếp sau địa phương mất mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, nếu không nói là duy nhất. Chuyện tương tự mới lại được “tái bản” với tỉnh Hà Giang, lần này là với cây chè San tuyết. Chè này là đặc sản của Hà Giang và khá nổi tiếng. Đặc điểm của loại cây chè này là sống rất thọ; càng cổ thụ chất lượng càng cao. Cách đây chừng hai năm, bên kia biên giới cũng tung ra “chiêu” thu mua gốc cây chè San tuyết còn nguyên bộ rễ (như vậy thì mua về có thể trồng lại trên đất họ, chứ không vứt đi hoặc đem rải đường như với đầu đá). Than ôi! các câu bùa chú “Mưòi sáu chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện,ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “Bốn tốt” (láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt) treo nơi nao? Có ru được ai đó ngủ? Có đánh thức được ai đó dậy? Hỏi ngưòi Hà Giang: người Tàu ra tay “chơi bẩn” như vậy để làm gì? Biển đảo, tài nguyên khoáng sản,... thì đi một nhẽ, họ mới cần ra tay chụp giựt hoặc gặm dần kiểu “tằm ăn lá dâu” cho tham vọng siêu cường, tham vọng chúa tể thiên hạ, chứ sao lại chơi “tẹp nhẹp” như vậy! Được trả lời: Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều cảnh quan, danh thắng như vườn hoa đá Khâu Vai, vườn thú đá Lũng Pù, bãi hải cẩu đá Vân Chải,... và hàng loạt hang động chưa khám phá hết, nếu được thế giới công nhận là “Công viên địa chất” của nhân loại thì sẽ là một tiềm năng du lịch làm ngứa mắt vị láng giềng “anh em”! Nói đúng tim đen thì thật sự là chưa bao giờ họ muốn nhìn thấy ta khá lên. Ngày trước, cả khi đang ủng hộ Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, họ cũng chỉ muốn nước ta ở mức “làng nhàng” đủ để thực hiện “quyết tâm” của họ “chống đế quốc đến người (Việt Nam) cuối cùng”, mà thực chất là làm “bung xung” cho các toan tính của họ! Chao ôi! Thế lực này đi đâu cũng với bộ mặt “quân tử” cùng giọng điệu “hữu hảo”, ai mà lường được mưu sâu của họ! Ngày nay, các nước phương Tây đưa viện trợ cho các nước Phi châu còn nêu điều kiện này nọ về nhân quyền, về chống tham nhũng, về hiệu quả,... (thực ra, có những trường hợp vì cái lợi kinh tế hoặc chính trị họ cũng lờ đi). Với Trung Quốc thì bất cần, miễn là “làm ăn” tốt, có khi giới cầm quyền bản xứ càng thối nát càng hay! Với một ông bạn láng giềng vừa tham lam, vừa thâm hiểm, và khi cần thì hung hăng bất chấp lí và luật, thật chẳng đễ đối phó. Nhớ hồi đầu thế kỉ 18, nhà Thanh chiếm mỏ đồng Tụ Long của nước ta; chúa Trịnh, một mặt dùng đường lối ngoại giao, mặt khác dùng sức đấu tranh của dân vùng biên địa, cuối cùng vua Thanh buộc phải “ban”(!) trả. (Bài học lịch sử luôn luôn mới!). Đáng tiếc! Thời Pháp “bảo hộ”(!) nước ta, Pháp đã lại nhượng khu mỏ này cho Tàu trong hiệp ước biên giới Pháp-Thanh! (Vậy mà trong cuộc đàm phán về biên giới gần đây với Việt Nam, phía Trung Quốc lại nêu lên rằng hiệp ước ấy là bất công đối với TQ vì đế quốc Pháp mạnh nên lấn lướt nhà Thanh hèn yếu(!). Đúng là hồi đó Pháp mạnh Thanh yếu, nhưng sự thật là Pháp đã nhân nhượng. Vì sao ư? Vì để đổi lại những quyền lợi trên đất Tàu, trước hết là những tô giới ở Quảng Châu, Thượng Hải,... Nữa, vì có phải là đất của cha ông những kẻ cướp nước để lại đâu!). Khi đàm phán biên giới đã tìm mọi cách lấn lướt rồi, thế mà khi thực hiện hiệp định đã kí còn giở vô số trò ma. Thâm hiểm, giảo quyệt thì đã đành, lắm khi không ngại làm trắng trợn. Một đoạn sông biên giới có hòn đảo trên sông, đường biên ắt phải đi dọc chính giữa đảo. Ông bạn mà đất rộng gấp 30 lần Việt Nam, còn mật độ dân số chỉ bằng một nửa, đã nghĩ ra cái trò dùng xe cơ giới định lấp lạch sông bên phía mình; làm được vậy, chẳng những họ chiếm toàn đảo mà đường biên sẽ phải đi qua giữa lạch sông phía “đối tác”. Phía Việt Nam cho dân quân ra dùng lời lẽ ngăn lại thì bên kia cho lính mặc áo dân thường ném đá tới tấp sang. Một cuộc “hỗn chiến” bằng đá cục xẩy ra. Bên thần dân “con trời” trang bị sẵn áo mũ bảo hiểm nên chẳng hề hấn gì, bên người “anh em” thì tám người bị thương. Một dạo, phía TQ hay nói VN đối với họ có mối tình khăng khít “môi hở răng lạnh”. Đúng là nhiều năm dài “môi” che cho “răng” thật, vậy mà răng vẫn “nhỡ” và “nỡ” cắn môi tóe máu, thậm chí ngoạm cả thịt! (Thế nhưng một số phương tiện thông tin đại chúng bán chính thức của Bắc Kinh lại cố tìm cách làm cho thiên hạ tin rằng Việt Nam lấn lướt Trung Quốc ở biên giới trên bộ và uy hiếp họ trên biển-đảo (!). Thật là giảo hoạt và tráo trở từ lời nói đến hành động!). Một chiến sĩ đường biên ở cửa khẩu Thanh Thủy cho biết làm việc ở đây căng thẳng lắm, dễ bị sơ sẩy với họ; không như ở biên giới với Lào hay Campuchia, thật sự giao hảo, thân thiện. Người Việt Nam nào cũng mong được một lần đặt chân lên đỉnh núi Rồng ở cực bắc đất nước nơi có “cột cờ Lũng Cú”. Xe chở chúng tôi chạy ngoằn ngoèo lên xuống dốc men các sườn núi hoang vu khuất khúc trập trùng vướng tầm mắt hướng tới cột cờ Lũng Cú; và khi lá cờ Tổ Quốc đột hiện ra, mọi người trong xe, kể cả người có những bất ưng thời cuộc, đều reo to lên thích thú. Người ngưòi hăm hở hoặc từ tốn leo 284 bậc từ chân núi lên tới chân cột cờ (gần 60m bề cao) ở độ cao gần 1700 mét so với mực nước biển. Cột cờ cao 12m, cán cờ 7m. Lá cờ khổ 9mx6m=54m2 (bằng số dân tộc anh em sống chung trên đất Việt) phần phật quẫy trong gió. Điểm địa đầu cực bắc Tổ Quốc này, thế kỉ 11 Lý Thường Kiệt đã từng đánh dấu. Vậy nên hồi bàn hiệp định biên giới Pháp-Thanh, mấy ông Tàu muốn chiếm luôn cao nguyên Đồng Văn, Pháp cũng tính cho, nhưng hiềm vì vướng chứng tích của Lý thái úy. Cách cột cờ Lũng Cú 300m về phía băc, qua một rặng núi thấp và đoạn sông Nho Quế là biên giới. Ngày nay, hầu như biên cương nào cũng thanh bình, mà sao chốn biên địa với Trung Quốc vẫn khiến người ta mỗi lúc nghĩ tới lại chẳng thoải mái chút nào vậy?! Một người nước ngoài từng nhận xét rằng bản đồ nước Việt Nam nom có dáng một người đội nón lá còng lưng dưới khối nặng trên đầu, nước láng giềng khổng lồ phía bắc. Hàm ý này dường như chẳng những đúng với mấy nghìn năm lịch sử, mà còn đúng với cả hôm nay và mai sau chăng? Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở chóp nón. Là chóp, bị nén nơi đỉnh và chếch hai bên lườn; nhưng là đá, kẻ nào gặm vào sẽ gãy răng! Hẳn là thế. Lần xâm lăng năm 1979 bọn giặc mò được vào các thị xã vùng biên giáp TQ khác, riêng thị xã Hà Giang thì không. Hải Phòng, 12 - 2009