"Ước gì giờ này nhạc đang du dương trong bài tình Xuân, bên này nằm nghe Quê Hương bên kia pháo nổ tưng bừng..  Chan hoà nhạc lòng lả lơi, mơ người về từ muôn lối, suối tuông lệ mừng, vòng tay thân yêu ôm trọn mùa Xuân.."
Bài hát "Thư Xuân Hải Ngoại" nghe bùi ngùi làm sao!
Mấy hôm nay đi chợ, chợ nào cũng thấy chưng bán đồ Tết, chợ Mỹ, chợ Việt, chợ Tàu, chợ Nhật...trông thật đẹp mắt và vui.  Tôi về mở lịch ra xem, mới biết là Tết sắp đến rồi.  Lại thêm một cái Tết Tha Hương, "bên này nằm nghe Quê Hương bên kia pháo nổ tưng bừng."  Mặc dù bây giờ thời cuộc đã khác và đường về Quê Nhà cũng không có gì khó khăn, trở ngại, chỉ cần thu xếp ổn thỏa công việc làm, gia đình và có đủ tiền là mình có thể về Quê ăn Tết thôi..  Nhưng sao đã qua nhiều cái Tết rồi mà Tôi vẫn chưa về, vẫn còn đi lang thang ở đây, nhìn ngắm những cánh hoa vàng, hoa đào, những con chim lượn bay về tổ ấm, để thấy lòng nao nao, buồn mênh mông..  Rồi thì Tôi cũng đi mua đồ về gói bánh Chưng, làm dưa món, mứt, đủ thứ.. cũng trang hoàng nhà đầy hoa đào, hoa vàng, mở nhạc Xuân vui và ngồi...khóc rưng rưng.  
Thật sự là "Tôi nhớ Quê Hương con đường Thế Hệ, Tôi sợ Tôi già ở cõi phương xa" (Đinh Tuấn) lắm.
Mùa Xuân về, mang theo biết bao nhiêu là niềm tin, hy vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn.  Xuân nở rộ cho đời muôn sắc hoa tươi thắm, rực rở.. vậy thì Tôi cứ ngồi ủ rủ ở một góc, khóc lóc nhớ thương Quê, Người thì có ích lợi gì đây?  Đời vẫn đẹp vẫn tươi kia mà.  Chi bằng Tôi đi đến những nơi không có mùa Xuân, không còn tiếng pháo nổ vui ngày Tết trong lòng, trong đời nữa.. mang đến đó một chút nắng ấm, một vài cành hoa, một ít nụ cười của tình người dành cho nhau, thì có phải là đời đáng sống và ý nghĩa hơn nhiều không?
Vừa mở cửa bước vào viện Dưỡng Lão, một ông già Mỹ ngồi trên chiếc xe lăn, tay cầm hai cánh hoa Tulip đỏ, nhìn Tôi cười tươi:
 -Chúc Mừng Tết Việt Nam An!  Tặng An Tulip đỏ để lấy hên nè, năm con Cọp đó!
Tôi cảm động, cầm tay Ông:
 -Cảm ơn Ông lắm nhé, lúc nào cũng nhớ đến Tôi. Tôi có mang vào bánh mứt Việt Nam, Ông có muốn ăn không?  
Ông gật đầu:
 -Muốn chứ, nếu y tá cho Tôi ăn.
Tôi cười:
 -Ông đừng lo, Tôi có xin phép rồi, miễn là Ông hứa sau khi ăn, uống thuốc đầy đủ là không sao.
 -Vậy thì vào phòng ăn thôi, ông bà "ngoại" của An cũng đang chờ An tới đó, họ nói hôm nay thế nào An cũng đến thăm.
Tôi đẩy xe lăn Ông Mike đi về phiá phòng ăn, tiếng cười nói của chúng tôi vang dội quanh hành lang dài vắng vẽ của ngày thứ Tư.  Vào đến phòng ăn, Tôi thấy Bác Hai và cụ Đệ đang ngồi đánh...bài tứ sắc, mặt nhìn có vẽ nghiêm trang lắm nên Tôi không dám lên tiếng.  Ông Mike gọi to:
 -Mr. & Ms. Việt Nam!  Cháu của ông bà đến nè.
Bác Hai ngước nhìn, thấy Tôi bác quơ tay lia lịa:
 -Con lại đây phụ Bác với, mắt Bác tèm nhem, nhìn hoài không biết con này là con gì..
Tôi đến đứng bên Bác, chưa kịp hỏi gì thì cụ Đệ bỏ bài xuống và nói:
 -Thôi nghỉ chơi đi bà, bà có người giúp đở thì Tôi thua chắc rồi, đánh làm chi cho tốn thì giờ của cháu An.
Tôi ngồi xuống, quay quần bên chiếc bàn nhỏ cùng với bác Hai, cụ Đệ, ông Mike.  Tôi mở những gói bánh mứt ra mời:
 -Mời các Cụ xơi một chút cho vui, Tết đến rồi đấy ạ.
Bác Hai nhìn Tôi cười:
 -Tết nhứt gì cô ơi, cho thêm buồn!  
Tôi ôm cánh tay Bác:
 -Bác đang cười đấy mà!  Bác thường nhắc cháu ngày nào còn cười được là ngày Xuân của đời mình.  Mình ăn mừng ngày Xuân hôm nay Bác nhé!
Nói rồi, Tôi đi lấy đĩa muổng, cắt bánh mời các Cụ ăn.  Có bảy, tám người Ngoại Quốc ngồi quanh phòng, Tôi cũng mời họ đến ngồi ăn với chúng tôi cho vui.  Thế là phòng ăn vang lên tiếng cười nói rộn ràng.  Cụ Đệ kể chuyện Tết Quê Hương cho mọi người nghe, Cụ kể bằng tiếng...Việt, thỉnh thoảng chêm vào vài câu tiếng Mỹ, Tôi vừa thông dịch vừa đi mời bánh mứt.. Một cô y tá bưng vào hai bình trà nóng, tươi cười bảo Tôi:
 -Phải có trà kèm theo mấy món này đúng không?
Tôi gật đầu:
 -Cảm ơn chị.
Cô y tá cũng ngồi lại với chúng tôi nhâm nhi trà bánh, chia xẽ với nhau một chút tình người yêu thương trong một ngày Xuân lạnh.
Mỗi khi vào đây, Tôi đều thấy vui, thấy mọi mệt mõi, ưu phiền của mình tan đi đâu hết, thấy cuộc đời thật đáng thương, đáng sống.  Dù có những ngày quanh viện này chỉ là nỗi buồn, tiếng khóc, tiếng rên, tiếng kêu cấp cứu... những cảnh đau lòng, đứt ruột.  Nhưng Tôi rất ít khi nào nghe được tiếng oán than, trách móc của ai.  Hầu như những người phải đến đây, hay "bị" đưa đến đây, đều đã chấp nhận số phần của mình, và họ sống can đảm, chịu đựng trước thực tế phủ phàng với những nụ cười lẫn lộn cùng nước mắt vừa buồn vừa vui, trong đó có cả nước mắt và tiếng cười của Tôi.  Mà hình như Tôi khóc nhiều hơn họ, còn họ thì cười nhiều hơn Tôi.  Họ luôn nói là Tôi mang đến cho họ niềm vui và an ủi, nhưng Tôi thì nghĩ ngược lại, họ là niềm vui, an ủi của Tôi trong cuộc sống nhiễu nhương, vô thường này.  Nên cứ vài ngày hay một tuần, Tôi về thăm Mẹ rồi thì đến đây, hoặc ngược lại, đôi khi ở cả buổi, có lúc cũng ghé vào cười nói vài lời rồi chạy vội ra đời bương chải mưu sinh.
Tôi đến đây lần đầu chắc đã là 6, 7 năm gì rồi, đi với bạn Tôi đến thăm Ông Nội của cô ta.  Cả một năm đầu, chưa bước hẳn vào Viện, Tôi đã rưng rưng nước mắt, vì những cảnh đời cô đơn, quạnh hiu, dở khóc dở cười ở đây luôn làm Tôi đứt ruột.  Những bàn tay tật nguyền, già nua, run rẩy bên mâm cơm của mình, cố gắng gắp một miếng thức ăn bỏ vào miệng thật khó khăn, nhai nuốt không trôi.  Có người thì phải đút cho ăn, gặp người làm việc tốt, tâm nhân hiền lành, thương người thì họ từ tốn, kiên nhẫn đút từng muổng cơm với tiếng nói cười vổ về dể thương.  Gặp người làm việc lạnh lùng, vô tình thì đút một miếng ăn thật là nghẹn ngào, rơi lệ, và lắm lúc Tôi dằn lòng không được, phải đến xin họ cho Tôi đút giùm.  Hình ảnh cô đơn, buồn bả của ai đó ngồi co ro, ủ rủ ở một góc bàn, một hành lang, công viên, khắp nơi trong viện Dưỡng Lão này,  không người thăm hỏi, chuyện trò hay mang tặng một nụ cười.. 
 Cuộc đời họ mỗi buổi, như chìm dần vào bóng tối ngày dài, đêm đen, ôi sao thật là tội nghiệp, thương quá!  Rồi có những buổi tối, đi trong hành lang vắng, nghe tiếng kêu giúp nhiều lần mà không thấy ai trả lời, Tôi cũng "làm gan" bước vào, đôi khi người già nua, bệnh tật mỏi mệt đó chỉ cần uống một miếng nước, rớt đồ không nhặt lên được, đau đớn thể xác cần thuốc.. hầu hết chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, không đáng, nhưng luôn mang đến cho người nhận và người giúp những nụ cười rất ấm lòng. Tôi đến thăm nơi này thời gian cũng khá lâu rồi, những người làm việc ở đây hầu hết ai cũng biết Tôi nên họ cũng dể dãi, ít khi "cảnh cáo" Tôi về chuyện gì.  Có lúc chuyện của bác Hai và cụ Đệ, không liên lạc được với người nhà để giải quyết, họ gọi Tôi vào, thường thì Tôi vào để trấn an tinh thần bác Hai hay cụ Đệ, còn những chuyện khác Tôi cũng như mọi người, kiên nhẫn đợi chờ bác sĩ hay người nhà đến.  Buồn nhất là khi đi ngang qua một căn phòng quen thuộc, nhìn vào thấy trống không, trên giường mền gối xếp lại thẳng nắp.. Tôi biết là chủ nhân phòng này đã ra đi, không bao giờ còn trở lại nữa, chỉ còn tiếng cười tiếng nói của họ vang vọng ở đâu đó quanh những bức tường sơn trắng, lạnh tanh.
Bác Hai vào đây cũng khoảng ba năm rồi, tuổi Bác 75 nhưng trông Bác lụm khụm, yếu ớt.  Bác có năm người con, nhưng Bác bảo với Tôi là Bác mang nhiều bệnh nên không muốn con cái phải lo lắng chăm sóc cho Bác, vì Bác mà gia đình thêm gánh nặng, cực nhọc, ai cũng phải bương chải lo đi làm, đi ăn để ổn định cuộc sống của mình, nên Bác quyết chí vào đây ở, tuy có buồn vì cô đơn (và thèm thức ăn Việt Nam) nhưng tâm trí Bác bình an, không ray rứt chuyện gì.  Đúng là người Mẹ Việt Nam, ở thời đại, hoàn cảnh nào, cũng luôn luôn nghĩ đến gia đình trước nhất và hy sinh, quên bản thân mình.  Tình của Bác nhắc Tôi nhớ Mẹ Tôi lắm.  Tôi hay kể chuyện Mẹ Tôi cho Bác nghe, và Bác thì thích kể chuyện về các con cháu của Bác mà Tôi chưa gặp bao giờ, chỉ biết qua lời của Bác và qua điện thoại một vài lần.  Thỉnh thoảng Tôi mang thức ăn Việt Nam vào cho Bác và cụ Đệ dùng, Bác rất thích ăn cháo, nhất là món cháo cá.  Còn cụ Đệ thì thích ăn cơm với một vài miếng thịt mặn, có chút xương để cụ "gặm" thì cụ ăn ngon lành lắm, dù răng Cụ rụng gần hết rồi, cũng may là Cụ không bị bệnh cao máu.  Cụ Đệ đã 81 nhưng trông Cụ còn khỏe, Cụ chỉ bị bệnh đãng trí, tuy không nặng lắm, thỉnh thoảng Cụ mới quên thôi, nhưng người nhà của Cụ không muốn để Cụ ở một mình nên gởi Cụ vào đây để có người trông nom.  Cụ chỉ có một người con và 3 người cháu, hình như cũng ở gần đây?  Vài tuần thì Tôi thấy con, cháu Cụ vào thăm.  Cụ rất dể tính và thích nói chuyện, dù tiếng Mỹ của Cụ không khá lắm, lại hay pha tiếng Việt vào, nhưng ai cũng mến Cụ và thích ngồi nghe Cụ nói chuyện, nhất là trong viện Dưỡng Lão, đa số là cựu Quân Nhân, nên họ với Cụ lúc nào cũng có đề tài để thao thao bất tuyệt.  Tôi thường hỏi Cụ về lịch sử và chiến tranh Việt Nam, Cụ kể rất say sưa và Tôi thì học hỏi được rất nhiều.  Cụ vào đây trước bác Hai một năm, từ ngày có bác Hai, Cụ và bác Hai thường "cặp kè" với nhau đi đây đó quanh viện, nhờ vậy mà Cụ và bác Hai cũng đở thấy buồn, cô đơn, lại tha hồ nói tiếng Việt.
Ông Mike là cựu Chiến Binh, Ông tham gia vào trận chiến Việt Nam khá lâu, sau mùa Hè đỏ lửa, "Anh trở về trên đôi nạng gỗ, Anh trở về bại Tướng cụt chân" (PD) Ông vào đây đã 6 năm, sau khi vợ Ông qua đời.  Lần đầu tiên gặp Ông, Tôi đã thấy quí mến Ông lắm, vì Ông luôn nở nụ cười thật tươi, dù cả trong ngày Ông lên cơn đau nhất.  Lần đầu nói chuyện với Ông, được biết Ông có đến Việt Nam và để lại nơi đó một tấm lòng thương Dân,  mến Nước cùng một phần thân thể của mình, Tôi ngồi nhìn Ông khóc rưng rưng, lời Cảm Ơn Ông Tôi phải nghẹn đi mấy lần mới thốt ra được.  Ông không bao giờ oán trách hay tức giận về cuộc đời tàn phế của mình ở tuổi còn thanh xuân, tươi trẻ, nhất là khi phải hy sinh cho một đất nước không phải là của Ông.  Tôi thường nghe Ông kể về những con người Việt Nam hiền lành, chất phát, những thôn xóm ruộng đồng bát ngát tình Quê, tình Người mà Ông đã gặp và đi qua dọc theo đường dài chiến tranh cam go.
Ông nói về Việt Nam như một "kỳ tích", tay Ông vuốt nhẹ lên phần còn lại của chiếc chân cụt, gật gật đầu:
 -Tự Do nào cũng phải trả giá cao mới có được, giữ được.. Tôi rất hân hạnh được góp một chút xương máu của mình vào đó.  Cảm tạ Thượng Đế còn cho Tôi sống để làm chứng nhân!
Chiến tranh Việt Nam kết thúc trong sầu thảm, dù đúng hay sai, nhưng đối với Ơn này, có bao giờ chúng ta có thể đền đáp hết được cho Ông Mike và biết bao người đã hy sinh cho hai chử "Tự Do" mà mình đang thừa hưởng nhỉ?  Đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy Tôi bước vào các cơ quan thiện nguyện, làm việc không ngừng.  Vì có ai trong đời này có thể sống còn mà không hay ít nhất một lần, mang ơn, chịu ơn một người hay nhiều người nào đó, mà phần lớn là ta không có dịp trực tiếp để trả ơn lại cho họ, và có lẽ, họ cũng không cần ta đền trả gì.. nhưng với Tôi, những ân tình này Tôi rất trang trọng ghi nhớ và mong có thể đền đáp lại qua ai đó.  Trong viện Dưỡng Lão này, nhiều cựu Chiến Binh lắm, Tôi luôn ngưỡng mộ và vinh danh Ơn của họ, mỗi lần vào đây, họ là người Tôi tìm kiếm trước nhất.
Ông Mike rất thích ăn khô mực, nhưng vì Ông có nhiều bệnh nên Tôi ít dám mang vào cho Ông nhâm nhi, khi nào bác sĩ cho phép thì Tôi mới mua tặng Ông một gói và mắt Ông hôm đó mở to, sáng như Trăng rằm, miệng Ông cười thật tươi.. và hạnh phúc Tôi, đôi khi chỉ cần một gói khô mực là đã có rồi!  Hạnh phúc nơi Viện này, thật là quá đơn sơ, cỏn con, nhưng lúc nào cũng vẫn thiếu, thiếu tình người vì người, mang lại, cho đi.
Mọi người chúng tôi chậm rải, vui vẽ ăn bánh mứt, chuyện trò và chúc nhau một năm mới tốt đẹp hơn, bình an hơn.  Bầu không khí ấm áp tình thương cho nhau làm tan đi cái lạnh rét buốt bên ngoài, cái lạnh tái tê trong lòng Tôi khi nhớ Tết Quê Hương, trong lòng Bác Hai, Cụ Đệ khi nhớ Tết bên Gia Đình xum vầy.  Dù băng giá, tuyết rơi phủ đầy quanh đây hay trong Tôi, mùa Xuân vẫn về, khắp nơi nơi.. Tôi phải đứng dậy, theo mùa Xuân, mang yêu thương mà hôm nay Tôi còn có được, bước vào đời không ngừng nghỉ.
Còn chúng ta mỗi ngày, sao thường hay có những tiếng thở dài, những lời phiền trách vu vơ, và dừng như ít khi bằng lòng với những gì mình có, còn có.  Mỗi lần đến đây, thường nhắc Tôi nhớ bài hát "Hãy Nhìn Xuống Chân" của Lê Hữu Hà, từng lời từng chử như bài học thật hay.
"Hãy nhìn xuống chân biết bao nhiêu người khốn cùng
Sống đời tối tăm như loài giun
Hãy nhìn xuống chân biết bao nhiêu người ngã gục
Chết để chúng ta thêm lợi danh
Hãy nhìn xuống chân để thấy thương người thua mình
Vẫn gượng sống vui trong niềm tin
Hãy nhìn xuống chân để lắng nghe nỗi bất bình
Muốn gào thét nhưng phải lặng thinh
Hãy đừng ngẫn lên để thấy bao điều thấp hèn,
Bao điều chua cay và đáng ghét
Hãy đừng ngẫn lên để mua thêm sự chán chường
Hãy đừng ngẫn lên để còn Thương
Hãy nhìn xuống chân kiếp nhân sinh một nấm mộ
Tiếc gì chút hư danh người ơi..."
Mùa Xuân năm nay thật đẹp quá, nở rộ sắc màu trên môi họ, trong lòng Tôi, dù ở dưới một cảnh đời thảm thương!
Những người sống ở đây, đến từ khắp nơi, trong mọi thành phần trong xã hội.  Người thì việc làm không vững chắc, luôn bị thất nghiệp, không đủ tiền trả tiền nhà nên dọn ra đường ở.  Có người vợ chồng bao năm đầm ấm, bất chợt đưa nhau ra toà ly dị, chán ngán thế thái nhân tình, bỏ đi..bụi đời.
Người thì một thời làm tay anh chị, giang hồ khét tiếng, ngựa chứng chạy hoang rả rời muốn dừng lại, quay về thì đã không còn đường trở về đâu nữa, có người học rất cao, nhưng rồi chẳng biết vì lý do gì, lại chọn kiếp sống lang thang này, và cũng có người suốt cuộc đời chỉ nghiện ngậm, hút sách, bê tha lêu lỏng, không nên thân nên người gì cả. Họ sống với nhau tương đối cũng rất hoà nhã, họ thường xuyên dời đổi chổ ở, người đến kẻ đi.  Đây cũng là một bước đi mới của Tôi, Tôi tham gia vào chương trình này chỉ khoảng một năm nay thôi.  Thường thì nơi nào có những người trẻ, Tôi vẫn thích tìm đến họ chuyện trò, chia xẽ.  Tôi rất tiếc và muốn tìm  hiểu tại sao họ lại bỏ cả một thời tuổi trẻ đẹp tươi, tương lai đầy hy vọng của mình vào những góc vĩ hè này, hay làm con thiêu thân trong các ánh đèn ở đâu đó?  Tuổi trẻ của Tôi cũng nhiều nông nỗi và lầm lở, nhưng nếu muốn làm lại cuộc đời thì cuộc đời cũng dể dải bao dung, tha thứ và cho mình nhiều cơ hội lắm, chỉ cần mình mang một bầu quyết tâm và trái tim yêu người yêu cuộc sống là mình có thể bắt đầu lại được, gần như là tất cả mà.
Tôi đứng chuyện trò với một Chú mới đến xin tạm trú, Chú đã thất nghiệp gần hai năm rồi, bây giờ đang đi làm bán thời gian, bữa có bữa không, ai kêu thì làm.  Chú nói phải ở lang thang như vầy nửa năm vài tháng nữa thì Chú mới có đủ tiền mướn chổ ở và hy vọng có được việc làm ổn định.  Chú cầm ổ bánh mì thịt Tôi tặng ăn một cách ngon lành lắm, giọng Chú vui vẽ:
 -Chúc mừng năm mới cô, mọi sự như ý nhé, nhất là có thật nhiều yêu thương trong cuộc sống để chia với những người xấu số như chúng tôi!  Cảm ơn ổ bánh mì ngon tuyệt mấy mươi năm rồi Tôi mới được ăn lại.
Dù Tết dương lịch đã qua, Tôi cũng cười với Chú và nói:
 -Cháu cũng chúc Chú sớm tìm được việc làm và ổn định lại cuộc sống, tìm được con của Chú nữa!
Chú gật gật đầu:
 -Tình trạng kinh tế khó khăn chung mà, mình chỉ cố gắng hết sức mình thôi, còn tới đâu thì hay tới đó!  Tôi cũng đã quen với gian khổ và kiếp sống không nhà..
Tôi hỏi Chú:
 -Chú là cựu Quân Nhân ạ?
Chú cười:
 -Đúng vậy!  Gia đình Tôi ba đời, ba cuộc chiến lịch sử oai hùng, còn chúng tôi thì vô danh nhưng rất hảnh diện được tham gia.  Cô là người Việt Nam?
Tôi gật đầu:
 -Dạ vâng.
Chú nhìn xa xăm:
 -Tôi đến đó vào những năm cuối cùng của Sàigòn, là một trong những người Mỹ sau cùng rời Việt Nam, bạn thân của Tôi, cho đến nay, vẫn nằm trong danh sách POW, không thấy người thấy xác đâu cả.
Không hiểu sao, cứ mỗi lần gặp một người cựu Quân Nhân hay một Chiến Binh, Tôi đều rất xúc động.  Mắt Tôi cay, lòng Tôi thắt lại và nói trong tiếng nấc nghẹn:
 -Rất Cảm Ơn Chú và bạn của Chú nữa, đã chiến đấu cho Việt Nam Tự Do.. Cháu không bao giờ quên Ơn này.
Chú lắc đầu:
 -Rất tiếc cô phải mất Quê Hương trong cuộc chiến bỏ ngang đó!
Chúng tôi đứng lặng thinh một lúc lâu, mỗi người mang một nỗi niềm và hồi tưởng xa xăm.  Nước mắt Tôi bất chợt tuông trào, ông Chú ngó sang với nét mặt buồn buồn..  Tôi chùi vội mắt mình, nói nhỏ:
 -Xin lỗi Chú..
Chú xua tay, cười nhẹ.  Chúng tôi lại im lặng, đứng nhìn hàng cây anh đào trong sân rực tươi nụ mới.  Tôi thầm cầu xin cho Quê Mẹ mỗi mùa Xuân về thì Đất Nước Thái Bình, Hạnh Phúc thắm tươi thêm, đời người ấm no, yên lành hơn nhiều nữa.  Và cho người Chú mới quen này, cuộc đời còn lại thật bình an, thoả vui, không còn những tháng ngày bấp bênh, khổ nhọc nữa.
 
  -Chào chị An, chúc mừng năm mới chị!
Một tiếng vang đằng sau, Tôi quay sang, gặp một em trai mà lần trước đến thăm Tôi đã có dịp chuyện trò rất nhiều.  Tôi cười:
  -Chào Mark, Em khỏe không?
Em đưa ra một mảnh giấy và khoe với Tôi:
  -Em được trường nhận cho đi học rồi, lại có việc làm mới nữa, họ mới báo cho Em nè!
Tôi vổ nhẹ lên vai Em:
  -Chúc mừng Em nhé!  Vậy là Em không còn đến đây nữa, tương lai sẽ rộn tươi như hàng hoa đào kia kià, phải không?
Vừa nói Tôi vừa chỉ lên những hàng cây đào trong sân, mọi người quanh Em cũng chạy đến chúc mừng Em, chúng tôi cùng cười và chia nhau niềm vui mới trong ngày đầu năm này.  Em Mark mất cha từ thuở nhỏ, Mẹ Em cũng không lo gì cho Em, cuộc sống của bà thường hay nổi loạn nên bộ xã hội bắt Em đi từ khi Em mới 8 tuổi.  Em sống và lớn lên với những gia đình xa lạ, cũng không ổn định, nên Em bỏ đi "bụi đời", tình cờ Em gặp một người cảnh sát đi tuần trong khu vực Em đang lây lất, có lòng thương xót, đã dẫn Em đến nhà thờ xin giúp đở, Em thoát ra khỏi cảnh đời tối tăm từ khi Em gia nhập nhóm Tent City này, nhờ vào tình nhân ái của một nhóm người trong nhà thờ, quyết tâm giúp Em làm lại cuộc đời.  Đời lúc nào cũng vẫn tươi và vẫn đáng sống, chỉ có mình là không thấy vui, không muốn sống thôi.  Và đôi khi, ta chỉ cần cho đi một chút tình thương xót, một chút lòng nhân ái, ta có thể cứu hay thay đổi được cuộc đời xấu số của ai đó, mang lại cho họ mùa Xuân tươi thắm biết bao mà họ tưởng đã mất hoặc không thể còn có nữa. 
 Tình Yêu Thương, vốn là "cho không biếu không" mà, tình thương được Thượng Đế đựng trong một cái bọc rất "kỳ diệu" như trong truyện cổ tích và cho ta mang vào đời, càng lấy ra sài, cho thì "nó" càng thêm lên nhiều nữa, kiến lòng mình thấy vui sướng và hạnh phúc.  Dù có những lần mình cũng bị lường gạt, lợi dụng và bán đứng một cách trắng trợn, thê thảm lắm.. nhưng có hề gì, tình Yêu Thương vẫn luôn trong sáng và vẫn còn thật đầy trong bọc khi lòng ta trong sáng và không bị lay động bởi những thế thái thường tình, bụi trần vướng bẩn.
Mùa Xuân này thật vui, cây vẫn đơm hoa kết trái rực rở dù tiết trời rất lạnh. Quanh đời vẫn còn đầy yêu thương tình người, dù trái tim, đôi lúc rất mệt mỏi và thất nhịp.  Có một câu nói là "Love makes the World turn", đúng vậy!  Tình Yêu Thương là sức sống, sức mạnh để trái đất này có thể quay đều mãi.  Để mỗi sớm mai thức dậy, cho ta thêm một cơ hội, một hy vọng, một tin yêu nữa.  Là một sự khởi đầu mới, làm lại đời mình, đời người, xây dựng lại Quê Hương, cho tốt đẹp hơn.  Trái đất quay đều trong yêu thương, để mỗi sáng ta nhìn được mặt trời mọc, mỗi chiều lặng ngắm được hoàng hôn buông xuống, trong đêm đen ta thấy được ánh trăng tỏ, ngôi sao sáng ngời, và cuộc sống thật là đáng sống quá, người người quanh ta thật là đáng yêu đáng quí biết dường bao và Quê Hương, "Quê Hương là chùm Khế ngọt, cho ta trèo hái mỗi ngày, Quê Hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người".(Đổ Trung Quân)  Một ngày nào đó, nếu không còn tình Yêu Thương trong con người nữa, thì trái đất này chắc chắn sẽ ngừng quay, và ta cũng sẽ khô héo, chết dần mòn trong cuộc đời rất vô vị, không còn hương sắc, ý nghĩa gì nữa.
Cảm Ơn Thượng Đế và Người, đã cho Tôi rất nhiều mùa Xuân Yêu Thương trong cuộc sống này, đặc biệt là mùa Xuân năm nay, những cây trái Tình Người quanh Tôi càng nở rực rở, xanh tươi hơn.  Tôi sẽ mang mùa Xuân này, đi mãi vào Đời.
Mùa Xuân Canh Dần.
Hoài Vi

Xem Tiếp: ----