-truyện biếm họa-

Trong phòng riêng của ông Viết, ngoài các đồ vật thường lệ vào loại cực sang và thời thượng, còn một chiếc gương soi lớn cao tầm người đứng đặt trên một cái giá di chuyển được. Thường thì tấm gương đó đặt sát tường hướng ra chỗ ngồi làm việc của chủ nhân.
Lúc này ông Viết đang ngồi trước bàn giấy. Ở bàn nước bên cạnh, phin lọc cà phê đang rỉ nước tí tách xuống một cái cốc pha lê có hoa khắc chìm. Ông sắp lại giấy bút. Ông không dùng máy tính. Nhà lưu niệm mình sau này cần bản thảo viết tay như của các văn hào, thi hào trước đây, chứ ai lại... Còn khi đã viết xong tác phẩm thì chỉ việc quẳng cho bọn văn thư dưới quyền, chúng có thể tùy nghi gõ máy cả trong giờ hành chính. Ông Viết cầm lên một tập giấy học sinh đã viết chữ, nói vọng ra ngoài:
-Ê này! Ai đến cứ bảo tôi không có nhà. Mà không được làm ồn lên đấy nhé! Đi thì nhón chân lên! Cấm xộn rộn!
Ông đứng lên ra khép cửa cẩn thận, tới nghiêng nghé nhìn cốc cà phê, gật gù:
-Phải thứ cà phê này thì mạch văn mới tha hồ mà trào.
Ông chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng ngẫm nghĩ. Dạo này ông mắc cái tật thích chen độc thoại vào mạch suy nghĩ khi chỉ có một mình.
-Ừm! Đất nước đang đổi mới cực kỳ giữa bao vận hội và thách thức trong loạn xạ toàn cầu. Thời cơ là đây chứ đâu! Ngẫm kỹ ra thì chẳng phải những tác phẩm lớn của nhân loại đều được đẻ ra từ trong những thời kỳ xã hội có nhiều biến động đấy ư? Chà! Tiếc là mình tự phát hiện ra mình khí muộn. Hoài của! Còn nhớ hồi mình học lớp Năm, thầy giáo ra đề tập làm văn: “Tả một em bé”. Mình mới tả ngay thằng em nhà mình. Có câu rằng: “Em cướp con dế của nó, nó bèn nhăn răng ra khóc”. Thầy giáo mới đọc cho cả lớp nghe. Tụi nó khoái quá cười ầm lên. Thầy tò mò hỏi mình: “Làm sao em viết (được) như vậy?” –Thưa thầy, thằng em em có mấy cái răng cửa chìa ra ạ. Thầy lắc đầu khen: “Em quan sát hay thật!” Còn thằng bạn ngồi cạnh mình thì cứ bưng mũi mà gật gù. Vậy mà thầy nỡ cho bài văn ấy 3 điểm! Thầy giáo cũng chưa biết đánh giá đúng mức làm ảnh hưởng đến đức tự tin của học trò. Mấy lâu nay mình để mai một tài năng vào những nào là báo cáo, nào là kiểm tra, nào là hội thảo với hội nghị, -nước ta thì nhất những món này rồi! Địa vị xã hội mình là thế; kinh tế nhà mình là thế, lại được bà vợ có tài làm ăn, “nội trị”, “ngoại giao” đều vào hàng cao thủ. Hiềm con đường văn nghiệp... Không sao! A hà! Voi đã không đẻ thì thôi, chứ đã đẻ thì chẳng nhẽ lại đẻ ra... chuột? Đấy! Mình chỉ mới phóng tay mà đã... -Ông Viết lật giở những trang bản thảo.- Mình định viết một cái gì như là “Chiến tranh và Hòa bình” của Tônxtôi, nhưng một là: sợ mất thì giờ -mình yếu thận chẳng thể ngồi lâu; hai là: khắp thế giới người ta đều đã biết đến bộ truyện này, chẳng lẽ mình lại chịu mang tiếng là học mót Tônxtôi! Nghe đâu có một nhà văn Pháp xưa lắm rồi tên là là... La Bruye hay sao đó chỉ viết “Những tính cách” mà nổi tiếng một thời, cả đến tận bây giờ. Ấy thế! Mình mới định viết một tác phẩm vĩ đại với cái tên mới nghe đã vĩ đại Những-bức-chân-dung-thời-đại. Ai dám bảo là bắt chước nào? –Ông ta chỉ vào cái phích- Anh hử? -chỉ sang cái ghế- Hay là anh? Xì! Các anh chẳng hiểu cái cóc khô gì ráo. Cái tác phẩm của cái ông Buye gì đó có nhân vật tích cực không đã chứ? Không có. Làm quái gì có! Thời ấy, loại nhân vật này chưa đẻ. Nói cho mà biết. Ừm! Ừm! Tất nhiên là phải viết những chân dung tiêu cực. Then chốt đây, góp phần chống tham nhũng chứ. Đã tiêu lại cực! Hầy! cái phiền là ở chỗ đó. Quan tiêu cho dân cực. Cái tay bất mãn nào nói thế nhỉ? Viết về người và việc tích cực thì có ngồi mà bịa ra cũng chẳng động chạm gì đến ai. Mà có chạm đến thì họ chẳng sướng quýnh lên ấy à, chả lẽ lại đi mè nheo hoặc kiện cáo rằng sao lại đi tô hồng cho tôi thế! Bịa ư? Việc quái gì phải vậy nhỉ! Lấy ngay mẫu ở mình đây này. Lớp già thì có bà cụ mình đó. Phụ nữ thì bà xã mình kia. Thiếu nhi thì thằng cu út nhà mình nữa. Rồi còn bọn bạn cánh hẩu của mình. –Ông gật gật đầu- À, phải dành suất những trang đầu cho “bề trên”. -Chợt ông gãi cằm- Nhưng mà mới đây ông ấy lại dùng một kẻ hay đụng mình làm phụ tá. Hôm nọ, ông ấy ăn mừng ngày sinh lần thứ hai trong năm của cô con gái rượu, lần thứ nhất là theo lịch dương lần này theo lịch âm, mình đã mang tới một món quà hậu hĩnh, thế mà suốt buổi ông ấy quên béng đi chẳng cười với mình cái nào. Thôi! Biết vậy. Cái gay là viết về tiêu cực. Phải sinh động, tinh tế, khéo léo. Không ám chỉ ai mà những kẻ mình ghét đọc đến là như đĩa phải vôi. Như tác phẩm của Lỗ Tấn ấy. À mà... như thế nào ấy nhỉ? À, à, cái mồm ở Bắc kinh, cái bụng ở Hồ Nam, cái tai ở Tứ Xuyên,... đại khái như thế thì phải. –Ông vỗ đùi- Chết với ông rồi! Thằng cha “tổng” ấy có cái mũi mỏ quạ, lão “thứ” kia có bộ mặt đất sét khô, mụ “trưởng” nọ có đuôi mắt Thị Mầu. A ha! Ông cứ chắp đại vào thì cứ là... là... đẹp mặt. Tha hồ căm nhé! -Đập tay xuống bàn- Đứa nào viết láo lếu thế này? Đừng cho nó tham gia dự án và tự do nhận quà biếu nữa! Đề bạt nó làm một chức ngồi-chơi-xơi-nước. Chỉ lương mà không lậu thì... thì... tha hồ mà tác chứ sáng sao nổi. Hi, hi,..., còn lâu nhá! Cái “nhóm lợi ích” của tôi còn vững lắm, cái ô che chưa thủng đâu! –Ông chợt bần thần- Ấy nhưng mà hôm nọ mình nghe lỏm một tay nhà văn chánh hiệu khề khà rao giảng cho đàn em thì hình như phải vẽ được tánh cách và tâm lí nhân vật mới ra nhân không thì ra vật mất. Mà mấy cái khoản ấy mình lại... chẳng thích làm cái việc giống ai. Thôi! Cũng chẳng sao. Ta sẽ có cách riêng độc đáo, có độc thì mới đáo chứ, hay thật! –Ông sừng sộ với ai đó- Này! Đừng có tưởng đây kém nên mới tuế tóa như vậy. Đây đọc cuốn “Kinh nghiệm viết văn” hai lần rưỡi rồi. –Ông nghiêng tai như lắng nghe ai nói rồi xởi lởi- Ừ, có thế chứ! Nhưng đừng có quá khen tôi. Ghi chép à? Hư cấu à? –Ông phẩy tay- Thôi nhé! Tôi đang cần yên tĩnh. –Ông ngẫm nghĩ- Thật ra mình chẳng biết ghi chép ra làm sao. Mà tái hiện trong óc thì nó rối rắm quá thể. Được cái mấy lâu nay muốn miêu tả loại người nào mình nhập vai nhân vật luôn, tự thể hiện diện mạo, lời nói, cử chỉ, thái độ, tâm trạng xem có đạt không, có đắt không. Thế cũng là “hiện thực” đấy chứ nhỉ? Thể nghiệm, minh họa, hóa thân,... hiện thực quá đi chứ!
Ông Viết đến ngồi vào bàn lần giở bản thảo, đọc: “Dạo mới về nhận chức, gặp ai ông cũng bắt tay hơn hớn khắp lượt”. Hà! Bắt tay hơn hớn. Chúa thật! Nhưng còn thiếu những sắc thái thật sinh động. Phải như trên sân khấu mới được. –Ông đứng dậy thủ luôn vai kịch.
-(Vỗ vai một người tưởng tượng) Khỏe chứ? Cậu làm gì nhỉ?
-...
-Tốt! tốt! (Móc bao thuóc lá ở túi ngực) Cậu hút thuốc.
(Đi quanh. Với người tưởng tượng khác) Cô ấy khỏe chứ?
-...
-À, à,... là tôi nói cô em gái cậu kia.
-...
-À không. Cô em của bố cậu ấy mà.
-...
-Nhầm sao được! Là lãnh đạo ai lại nhầm. Nhầm thì có mà ăn cám. Tôi biết cậu rất có khả năng tiếp quản. À, cậu hút thuốc.
Ông Viết, ngón tay gõ nơi góc trán như đánh nhịp, lẩm nhẩm: -Chỗ này tả khó đây. Phải có màu sắc điện ảnh mới ra trò. –Ông lấy bút ghi chú vào bản thảo, giở mấy trang xem lại, rung đùi – Hi, hi! Cái cửa há ra. Một cái bụng ậm ạch trườn vào. Phịch một cái trong chiếc ghế bành. –Ông làm thử- Phịch một cái. Ha, ha! – Ông đọc tiếp- Ông chánh văn phòng bật dậy, chân quờ lia lịa dưới gầm bàn mà một bàn chân vẫn chưa kịp đút vào giày, bèn trố mắt cười duyên: “Sếp vất vả quá!” –Ông diễn thử- Trố mắt cười duyên. Tuyệt! –nhíu mày- Hừm! Cần nhất là thể nghiệm vẻ mặt thì mình lại chẳng quan sát mình được. -Chợt ông ngó thấy tấm gương- Chà! Chú mày tệ thật! Bao lâu nay đứng đó khiêm nhường không phải lối. Phải lôi cổ chú mày ra đây mới được! –Ông kéo cái gương ra giữa phòng, ngó vào tập bản thảo- Xem nào! Chỗ này đã ra điển hình nghĩa là cái hình thật điển chưa nào? –Ông vừa diễn, vừa tự quan sát qua gương.
Ông Viết quay lại bàn, tư lự: Bây giờ họ láu kia, tinh vi kia. Ông tặc lưỡi, lại soi vào gương để duyệt lại mấy sắc thái biểu hiện. Ông đánh dấu gì đó vào bản thảo, vươn vai: -Chà! Thế mà mệt gớm. -Nhấp một ngụm cà phê- Còn là khướt. Một lô chân dung đủ loại nhí nhố cần tô lại, từ anh quan liêu đến kẻ cơ hội, từ anh vừa dốt vừa nát đến kẻ vừa thâm vừa hiểm, từ anh xoay đời đến kẻ ghét đời...  Mình đã phác ra mấy chân dung ma thoại nhưng còn nhợt nhạt lắm. Chà! Trách vụ nặng nề ghê! Hãy xả hơi một lát đã.
Ông Viết đến nằm trên giường, vắt chân chữ ngũ, phì phèo thuốc lá. Không khéo mình tạo ra một phương thức và một phong cách sáng tác làm khuôn vàng thước ngọc cho thiên hạ. Hề, hề, họ có chen chân đến phỏng vấn thì mình vốn khiêm tốn -nhỏm dậy, ngồi xổm trên giường- À... dạ, tôi vốn chỉ quen lao động mồm chưa quen vung tay lắm. Ấy! Nói vậy họ lại nghĩ ta chỉ quen đớp mà chẳng rành trỏ tay chỉ đạo, lãnh đạo thì phiền. Ngôn từ độc đáo như thế họ chưa xực nổi đâu! Dạ, tôi vốn chỉ quen phát biểu miệng thôi ạ, chưa quen vung bút như các bậc nhà văn lão thành. E hèm! Dạ cũng do động cơ phục vụ nó thúc đẩy thôi ạ. Ầy! Họ mà bắt mình hội thảo kinh nghiệm thì sao nhỉ? -Đứng dậy trên giường, dạng chân giơ tay làm bộ đang diễn thuyết- Thưa các vị! Bỗng giơ tay tát mạnh vào má, xòe bàn tay ra nhìn- Con muỗi chết tiệt này! –Ông nằm xuống giường, ngửa mặt nhìn trần nhà- A hà! Nổi danh rồi thì có nên xin về hưu sớm để rảnh mà viết không nhỉ? Không! Không nên! Cái danh văn nghiệp đẩy đưa thêm con đường quan nghiệp chứ! –Ông ngáp dài- Không tận dụng cũng hoài.
Ông Viết úp bản thảo lên mặt. Một lát nghe tiếng ngáy khò khò.
Ánh sáng bỗng mờ đi, chuyển dần sang vẻ huyền ảo. Một tiếng động mơ hồ. Tập giấy lay động, toát ra một thứ ánh sáng chập chờn.
Ông Viết ngồi lên, vẻ mặt như người mộng du. Tập bản thảo rơi xuống sàn nhà. Ông oai vệ đi dến ngồi vào chiếc ghế bành. Lập tức sau gương và đối xứng với ông qua gương xuất hiện một kẻ cùng khổ người, cùng trang phục, cùng tư thế, cùng động tác, nhưng hình dạng thì khác: mặt phị, mắt bên tròn bên dẹt, mũi dài quá khổ, một tai bé xíu như tai dơi còn tai kia thì to và vểnh lên như tai lừa, mồm rộng và có vẻ như đang nhai tóp tép, bụng to chang bang, lưng khom rất dẻo. Y cũng ngồi trong một cái ghế bành giống hệt cái của ông Viết. Ông này chưa nhìn thấy kẻ kia, tay phải rút một điếu thuốc lá định đưa lên miệng. Người lạ cũng làm như vậy, chỉ khác là dùng tay trái. Y bỗng lên tiếng:
-Báo cáo “sếp”! –Ông Viết giật mình nghếch nhìn- Thuốc lá của sếp là hàng nhái đấy ạ. Xin mời sếp dùng thứ này ạ, Dunhill chánh hiệu đấy ạ.
Ông viết nhíu mày:
-Hừ! Mời gì mà lạ? Đứng xa hàng kilômét.
-Báo cáo! Em rất muốn gần sếp nhưng cái kia –y trỏ cái gương- nó nghiệt lắm. Sếp có ra lệnh nó mới tháo khoán cho em. Sếp cho phép chứ ạ?
Ông Viết gật đầu, giọng bề trên:
-Ừ! Ta cho phép. Ta ra lệnh.
Người lạ nhảy tót chui từ gương ra, thuận chân đá hậu một cái, chiếc gương chạy tuột trở lại vào sát tường như cũ. Người lạ hai tay kính cẩn dâng điếu thuốc:
-Kính mời sếp vĩnh hằng của em.
Ông Viết nhận điếu thuốc, hất hàm hỏi:
-Anh có việc gì?
-Em cùng thưởng thức tác phẩm của sếp với sếp.
Ông Viết nháy mắt thân tình:
-Anh cũng biết đến ta à?
Kẻ kia cũng nháy mắt thân tình:
-Em không biết thì ai biết!
-À, mà anh là ai nhỉ? Tôi đã ra nghiêm lệnh không tiếp ai kia mà.
-Sếp không nhận ra em thật sao? Sếp gặp em luôn mà.
Ông Viết cau mày cố lục trí nhớ, lắc đầu: -Chưa hề.
Kẻ kia bật khóc: - Trời ôi! Tủi thân em quá! Hu, hu,... Em là cái bóng hình trong gương của sếp đây, sếp nỡ xử tệ vậy ư?
Ông Viết ưỡn ngực, nghiêm giọng:
-Tầm bậy! Ta mà trông gớm ghiếc thế sao?
Cái-bóng-hình khom lưng, mềm giọng, khóc to hơn:
-Sếp làm em tự ái. Hô, hô,... sếp ôi! Vốn em không đến nỗi nào. Cũng sáng sủa, dễ thương đáo để, y hệt sếp trước đây. Chỉ từ khi... từ khi, nói vô phép sếp, từ khi sếp nổi hứng nhập vai các nhân vật khả ố thì em mới dần dần bị méo mó đi như thế này đây.
Ông Viết đập tay xuống bàn:
-Nói nhảm! Ta nhập vai để tả cho thực, đánh cho trúng những thói tiêu cực, tham nhũng, chứ, chứ...  Anh là ai mà đến đây định, định..., muốn phá ta à?
Cái-bóng-hình đập tay xuống một cái bàn vô hình:
-Em đã nói rồi. Em là cái bóng hình của sếp.
-Láo! Bóng hình ta mà dám cãi lại ta?
-Dạ-thưa-anh, em vốn chỉ câm lặng như... cái bóng thôi. Chính sếp, chính các nhân vật của sếp đã thổi hồn vào em đấy ạ.
-Vô lí! Mi nếu không là tay sai của quỉ tiêu cực thì chính là nó hiện hình.
-Đâu có! Sếp dạy khí sai. Quỉ bây giờ đầy ra đấy giữa người, việc gì chúng phải hiện với biến.
-Theo anh thì dễ thường bao nhiêu người làm văn nghệ đụng đến chuyện tiêu cực, tham nhũng đều bị “nhiễm trùng” cả à?
-Sao lại thế ạ? Tâm tư người nào “miễn dịch” cũng khác xa tâm tư sếp. Người ta thì đau, còn sếp thì khoái.
-Anh coi ta cũng tiêu cực?
-Sếp biết rõ hơn em. Bàng quan và đồng lõa, cũng rứa cả.  Mà sếp thân mến ạ, đời mà bớt tiêu cực đi thì sếp sẽ ra sao?
-Bây giờ nó cứ nhơn nhơn ra. Bực chết đi được! –Ông Viết lầm bầm rồi đi lại bàn rót nước uống. Cái-bóng-hình lập tức làm theo.
Ông Viết trợn mắt:
-Ủa! Anh tự tiện quá nhỉ! Ai mời anh?
Cái-bóng-hình nhướng mắt, giọng đã có mòi châm chọc:
-Sếp lại quên rồi. Em với sếp tuy hai mà một.
Ông Viết uống một hơi, chùi mép rồi cố nén giận, đấu dịu:
-Bây giờ tôi đang rất bận, không thể tiếp ai được. -Vỗ vai cái-bóng-hình ra chiều thân mật- Thôi nhé! Anh chịu khó...
Cái-bóng-hình lặp lại y nguyên các động tác uống nước, chùi mép của chủ nhà, rồi cũng vỗ vai ông ta: - Đừng nhé! Sếp chịu khó...
Ông Viết tức quá, quát:
-Thằng hỗn! -chỉ tay ra cửa- Cút ngay! Ta cấm mi.
Cái-bóng-hình chỉ tay vào phía trong, kéo dài giọng:
-Không được đâu, sếp ơi! Tôi tồn tại nơi nào sếp tồn tại.
-Ta sẽ đập tan tấm gương kia.
-Chớ! Em can. Dưới trời này có bao nhiêu là gương. Đừng để tôi lang thang giữa thế gian. Chẳng có lợi cho sếp đâu.
-Từ rày ta không thèm soi gương nữa, thử xem mi tồn tại như thế nào?
Cái-bóng-hình cười lớn làm cho người ông Viết giật giật:
-Hơ, hơ,... Sếp vẫn cứ quên. Trừ phi sếp tự giam mình trong buồng kín không tiếp xúc với ai hoặc chỉ làm bạn với bóng đêm, nếu không tôi vẫn cứ tồn tại.
-Mi tự tin quá đấy.
-Không phải ư? Đáy mắt mỗi người chẳng phải là một thứ gương sao? Bất cứ ai nhìn sếp là sẽ thấy tôi tồn tại.
-Khá khen cho mi trơ tráo. Nhưng đừng hòng chộp thóp ta để rồi “lấy cán che ô”. Ta chẳng tin đâu.
-Sếp sẽ tin ngay thôi.
Vừa lúc đó, nghe tiếng trẻ gọi: -Bố ơi! Bố! 
Cái-bóng-hình hất hàm: -Đấy!
Một em bé khẽ khàng đẩy cửa đi vào. Em dừng ở ngưỡng cửa, nhìn thấy cái-bóng-hình (em không thấy có ai khác) thét lên sợ hãi: -Ôi!
Ông Viết chạy vội lại gần con: -Có bố đây, đừng sợ!
Cái-bóng-hình cũng làm như vậy nhưng mồm chỉ lắp bắp.
Em bé lùi tránh sang bên, mắt vẫn nhìn cái-bóng-hình:
-Bà ơi! Bố không có trong này, mà kẻ nào ấy.
Ông Viết vội nói: -Bố đây kia mà.
Em bé kêu lên: -Đừng lại gần tôi! –Em lùi quanh phòng để tránh, vẫn nhìn chòng chọc vào “kẻ lạ mặt”. Em cúi nhặt một chiếc dép ném thẳng vào cái-bóng-hình, nhưng người cảm thấy bị ném trúng lại là ông Viết. Ném xong, em lách người chạy ra phỏi phòng kêu toáng lên: - Bà ơi! Bố ơi! Có kẻ trộm vào nhà.
Cánh cửa phòng tự khép lại. Cái-bóng-hình nhìn ông Viết đắc ý: -Thấy chưa?
Ông Viết quát lên: -Đồ yêu quái!
Cái-bóng-hình giọng trách móc pha bỡn cợt: -Kìa, sếp!
Ông Viết xông lại định túm cổ áo cái-bóng-hình. Y cũng làm như hệt. Hai nắm tay chạm mạnh vào nhau. Ông Viết lảo đảo lùi lại, ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm đầu.  Cái-bóng-hình cũng bật lại, ngồi xuống một cái ghế.
Ông Viết rên rỉ: -Hãy buông tha ta ra.
Cái-bóng-hình nhún vai: -Biết làm thế nào được!
-Anh muốn gì tôi cũng chịu, miễn là để cho tôi yên.
-Ông định đút lót tôi chắc? –Lên giọng- Này, nghe đây!
-Tôi xin nghe.
-Tôi với ông cùng tồn tại bình đẳng, phải không nào?
-Anh nói đúng.
-Gọi tôi bằng ông!
-Thưa ông, vâng.
-Nào ta cùng uống mừng nhau nào! Cà phê kia thì chẳng bõ. Lấy rượu ra đi!
-Tôi không có rượu.
-Thôi đi! Đừng vờ nữa ông bạn! Mấy chai rượu siêu hạng cất kĩ trong tủ kia kìa. Tôi biết ông dành biếu vị bề trên vốn hay huấn thị “tiết kiệm, chớ phung phí ngoại tệ ra nước ngoài” mỗi khi có dịp. Nhưng chẳng hề chi đâu, ông lại xoay ngay được những chai khác thôi mà; thiếu gì kẻ sẵn sàng cung hiến cho ông. Xin ông nhanh nhanh lên cho! Tôi chẳng phải là cấp dưới của ông, càng không là dân đen, chớ bắt tôi phải chờ đợi. Chỉ cần rót ra một cốc thôi!
Ông Viết miễn cưỡng mở tủ lấy ra một chai rượu và rót ra cốc. Ông cố tỏ ra lịch sự, trịnh trọng nghiêng đầu: -Nào, xin mời!
Hai cái đầu cùng chụm lại định uống cụng phải nhau. Ông Viết đau điếng. Cái-bóng-hình bĩu môi, ngạo mạn:
-Cái ông này chẳng biết phép tắc gì cả, quen giành giật rồi. –Y uống nửa cốc, chẹp chẹp miệng: -Khà! Còn lại phần ông đấy.
Ông Viết uống cạn cốc, cũng chép chép miệng: -Khà! -gượng cười, pha trò lấy lòng- Người ta thì cụng li, chúng mình thì cụng đầu.
Cái-bóng-hình cau mày làm ra vẻ nghĩ ngợi rồi trầm ngâm nói:
-Bây giờ tôi mới nghĩ ra. “Cá mè một lứa” thì chẳng còn gì kỉ cương, thể thống. Phải có trên có dưới chứ. –Ông Viết nín thở chờ, bụng khấp khởi. Nhưng cái-bóng-hình đột ngột đổi giọng- Ta phải làm sếp của anh!
Ông Viết lẳng lặng đi ra phía một cái cửa ngách. Cái-bóng-hình lập tức sánh vai cùng đi. Ông Viết xoay ngang nhìn y:
-Ơ! Ông làm gì vậy? Tôi đi ra nhà vệ sinh cơ mà.
-Anh chẳng chịu nhớ gì cả. Anh tưởng ta rời được anh chắc?
Ông Viết đứng khựng lại, giọng khổ sở:
-Tôi mệt mỏi lắm rồi!
-Được! Ta sẽ để anh nghỉ. Ta đi ngủ đây.
Cái-bóng-hình đi về phía cái giường. Ông Viết bị một sức vô hình lôi theo nhưng cố cưỡng. Thành thử cả hai cùng nhùng nhằng sóng bước nhích dần đến bên giường, một người hơi chồm về phía trước, người kia hơi ngả về phía sau. Ông Viết nài nỉ:
-Ông ơi! Tôi không muốn nghỉ.
Cái-bóng-hình bực bội:
-Hừm! Hắn lại mè nheo. -Gằn giọng- Mi kêu mệt mỏi làm ta đâm ra buồn ngủ, còn lôi thôi nỗi gì? Được, nếu mi tự liệu được thì cứ việc!
Ông Viết van lơn:
-Xin ông thông cảm. Tôi không quen nằm chung.
Cái-bóng-hình cười chế diễu:
-Thật không? Ta biết rõ hơn cả người thân nhất của mi đấy nhá. Ta chẳng bức bách gì mi. Sự thế phải thế thì cố cưỡng rồi cũng ra thế.
Cả hai cùng nằm lên giường, ban đầu ngoảnh lưng lại nhau, thao thức. Sau đó, cùng nằm duỗi ngửa song song; vẫn trăn trở. Cuối cùng, ngoảnh mặt vào nhau rồi trùm chăn kín, ngủ khì.
Ánh sáng bình thường trở lại.
Trên giường chỉ có mỗi ông Viết đang ngủ. Em bé lách cửa nhẹ nhàng  đi vào ngó quanh, chợt nhìn thấy tập bản thảo trên sàn nhà, cúi xuống nhặt lên:
-A, hay quá! Mình đang cần giấy lộn để góp cho lớp.
Em cuộn tập giấy lại, vui vẻ, nhẹ chân đi ra, khép cửa lại.
Ánh sáng trong phòng trở lại vẻ huyền ảo.
Trên giường lại xuất hiện hai người. Họ cùng ngồi dậy, cùng đứng lên khỏi giường, cùng vươn vai, cùng ngáp, cùng liếc nhau song cái-bóng-hình thì như cười mà ông Viết thì như mếu.
Chợt cái-bóng-hình co rúm người, quằn quại. Thoảng mùi giấy cháy lọt vào phòng. Có tiếng em bé kêu to ở ngoài:
-Chết cháu rồi! Sao bà lại nhóm lửa tập giấy của cháu?
Tiếng của một bà cụ già:
-Bà biết đâu. Bà đi viếng đám ma về phải đốt giấy hơ để tẩy âm khí bám vào người. Bà thấy mấy tờ giấy viết nhăng nhít này...
-Giấy lộn cháu nhặt của bố cháu để góp cho lớp đấy.
-Khổ! Chắc bố cháu lại sắp có giấy lộn nữa. Để bà xin bà đền cho cháu.
Trong phòng, cái-bóng-hình đang rúm ró lùi dần về cái gương đứng cuối phòng. Ông Viết tiến theo ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Ông thận trọng hỏi:
-Ông làm sao thế?
Cái-bóng-hình cứ lùi, mồm cũng lắp bắp nhại động tác miệng của ông Viết nhưng không thành tiếng. Ông Viết mặt hơi rạng lên nhưng vẫn còn dè dặt:
-Anh phải gió à?
Cái-bóng-hình càng lúc càng thảm hại, chỉ có thể mấp máy môi. Ông Viết sững đi chốc lát rồi lộ dần vẻ đắc ý, giơ tay trỏ vào “đối phương” nói nhỏ như nói riêng:
-A hà! Mi xuống nước rồi. Hết phách lối nữa nhé! - Chợt ông quát lên- Cút đi cho khuất mắt ta!
Cái-bóng-hình cũng giơ tay trỏ vào ông Viết nhưng tay rung rung cứ chực chúi xuống, rồi nhảy tọt một cái qua gương, biến mất. Ông Viết chỉ tay vào gương, cao giọng:
-Mi đúng là quỉ tiêu cực hiện hình. Giờ thì ta chẳng để cho mi rỡn với ta nữa. –Ông cười khoái chí- Mi thấy chưa? Ta lại là ta.
Ánh sáng trong phòng lại trở nên bình thường.
Ông Viết vẫn đang chỉ tay vào gương bỗng kêu lên:
-Ủa! Mi vẫn còn dám giơ tay xỉa xói vào mặt ta à? Mi lắp bắp cái gì mà chẳng ra tiếng thế hử? Cút đi! Ta bảo mi cút đi! Mi không cút đi hả! Ôi! Sao mi lì lợm thế? –Ông đi sát vào gương- Ô! Mi dám chường mặt ra với ta sát sàn sạt thế à? Hắn lại định giở trò ban nãy. –Ông nhảy lùi lại- A hà! Thì ra mi cũng biết nhảy lùi. Có thế chứ! Ủa! Hình như không phải mi vừa rồi. Lại một thằng khác, tuy không gớm ghiếc bằng nhưng nhố nhăng làm sao!
Cửa phòng sẽ sàng mở ra, em bé vừa bước vào đã trố mắt ngạc nhiên:
-Ơ! Bố làm gì thế? Bà ơi! Bố làm sao ấy. Cứ nói một mình trước gương.
Ông Viết ngoảnh lại trông thấy con, thở phào:
-Con đấy à? –Ông chỉ vào gương- Con lại đây nhìn xem xem đứa nào nhí nhố trong ấy thế?
Em bé lại gần chăm chú nhìn:
-Đâu ạ? Có ai đâu? Bóng của bố đấy chứ.
Ông Viết như sực tỉnh, lấy tay vỗ vỗ trán rồi nhìn kĩ trong gương:
-Ừ nhỉ!
Em bé đi tới bàn làm việc của cha:
-Bố ơi! Bố còn giấy lộn nữa không?
Người cha không hiểu:
-Giấy lộn nào?
-Giấy lộn bố vứt ở kia. Con nhặt được định nộp cho “kế hoạch nhỏ” của lớp nhưng bà đốt mất rồi.
Ông Viết hốt hoảng:
-Đốt? Chết thôi! –Ông quắc mắt đi đến gần con- Sao con dám...
Cậu bé sợ hãi lùi quanh như cảnh lùi trước cái-bóng-hình lúc nãy. Cảnh ấy gợi ông nhớ lại. Lập tức cái-bóng-hình hiện ra trong sự liên tưởng của ông cười ác ý: -Đấy anh thấy chưa?
Ông Viết quát lên như để xua cái ám ảnh: -Đồ quỉ!
Cậu bé luống cuống:
-Con... con tưởng thứ ấy chỉ là giấy lộn.
Ông Viết nhìn quanh, nhìn tấm gương, chẳng thấy cái-bóng-hình đâu. Ông vuốt mặt, lẩm bẩm:
-Giấy lộn ư? –Ông lắc lắc đầu, quay lại con- Con đừng sợ, bố không nói con đâu. Lại đây với bố!
Đứa con tròn mắt nhìn cha, đứng im. Người cha đến xoa đầu con:
-Con vào lấy tập giấy mà không sợ à?
Cậu con hiểu nhầm:
-Con tưởng bố đã vứt đi.
Ông bố khó nói rõ, lúng túng:
-À không. Là bố nói... khi nãy con đã bỏ chạy.
-Con có chạy đâu. Con làm bố thức dậy ư? -Cậu ngước nhìn kĩ mặt cha- Bố khó ở hở bố?
-Ừ! Bố váng vất tí chút thôi. Con cần giấy lộn phải không?
Cậu con tươi nét mặt:
-Vâng ạ. Cả lớp con thu gom giấy lộn. Con thua xa bạn Bích. Cha bạn ấy làm ông viết gì ấy mà có nhiều giấy lộn lắm, cả những tập đánh máy vi tính dày cộm. Bố cũng làm ông viết đi, bố nhé!
-Ờ, ờ,... Thôi con đi học đi! Bố chẳng có nữa đâu. -Thấy con tiu nghỉu ông Viết vội nói thêm- Nhưng bạn bố thì chắc chẳng thiếu, để bố hỏi cho.
Cậu bé nhảy cẫng lên, vỗ tay:
-Hoan hô bố! -Cậu đã toan đi ra, chợt nhớ - Bố ạ, cô giáo con dặn đừng vơ nhầm những thứ có thể là vô giá mà cũng đừng nhặt những thứ nặng mùi.
Cậu nhảy lò cò ra khỏi phòng. Khi xoay người để khép cửa, cậu thấy ông Viết đang đứng tần ngần trước gương.
Hải Phòng, cuối thể kỷ 20 - đầu thế kỉ 21

Xem Tiếp: ----