Ba giờ chiều, có tiếng lạch xạch ngoài cửa. - Thế nào, anh Hoành về rồi phải không? Hơn chục người họ hàng bước vào. Mẹ bưng ngô rang và nước trà xanh mới nấu lên mời mọi người. - Khỏe chứ? Ừ, nhìn được lắm! Cũng không đến nỗi nhỉ - Giọng bác Phú oang oang. Anh vào lấy bao Vina trong ba lô ra mời hết lượt mấy người đàn ông và chợt nghĩ sao cái cảnh này giống hệt khi mình ra quân gần chục năm về trước. Những khuôn mặt hàng xóm thân quen khiến anh xúc động, cho dù anh biết trong đám người này cũng không ít kẻ đến xem anh ra sao, vì sự hiếu kỳ. Bà Tĩnh năm nay gần bảy mươi, mắt mờ, đi phải chống gậy. Bà đến ngồi bên Hoành, sờ vào tay anh, xúc động: - Có khổ cực không con? - Con khỏe, bình thường bác ơi. - Về nhà rồi, tĩnh tâm mà làm ăn con nhé. Bớt cái tính nóng đi. Nóng nảy sinh cục cằn, nông nổi, con ạ. Anh xiết nhẹ tay bà cụ. Sau năm năm, bà đã già như thế này rồi sao. Bà góa chồng và thường hay bị cánh đàn bà trong xóm ghen bóng ghen gió. Bà vẫn cứ bình thản sống, lặng lẽ già đi theo năm tháng. Người con trai duy nhất của bà đi xuất khẩu lao độâng bên Tiệp, đã mất tin tức hơn chục năm trời. Có tin đồn anh bị bọn xã hội đen xử, lại có tin anh ta sốc ma túy chết. Từ đó, hai bà góa thân thiết gắn bó với nhau, dù nhà hai người cách nhau đầu làng tới cuối làng. Bà rất thương Hoành, coi anh như con. So với mẹ, bà Tĩnh khổ gấp nhiều lần bởi cảnh đơn chiếc lẻ loi. - Lấy vợ đi con ạ. -Vâng. Chỉ sợ không cô nào chịu. - Lấy một cô cứng tuổi, không cần đẹp, chỉ cần họ hiền lành thôi con ạ. Chuyện lấy vợ chính là nỗi đau của anh. Được Hiền yêu là một hạnh phúc lớn. Song, để lấy được Hiền không phải dễ. Hồi đó, cô là một cô giáo làng phơi phới xinh đẹp. Đám thanh niên theo Hiền chất mấy xe công nông không hết. Thế nhưng Hiền lại yêu anh, gã trai nghèo tay trắng và thất học. Cha mẹ Hiền sau mấy năm trời kịch liệt phản đối, đành nhượng bộ khi con gái đã đến tuổi hai bốn. "Ai muốn lấy con Hiền thì trước hết phải chứng tỏ khả năng đảm bảo kinh tế. Không biết làm ăn để nuôi vợ con thì đừng bén gót tới cổng nhà này". Người nhà Hiền bóng gió nhắn tin sau khi anh vừa giải ngũ được ít lâu. Rất nhiều đêm Hoành vắt tay lên trán, suy nghĩ rất lung. Gia đình Hiền khinh thường anh, song họ có lý. Sẽ trăm ngàn lần có tội nếu lấy Hiền về mà không đem lại cho cô hạnh phúc. Biết bao cô gái xinh đẹp phơi phới, sau khi lấy chồng đã nhanh chóng biến thành bà già bởi cảnh con cái nheo nhóc, vợ chồng sớm tối chửi chó mắng mèo. Vả lại, tuổi trẻ cần lao động để tạo ra giá trị cho đời sống. Hoành cảm thấy buồn vì không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Sẽ làm gì để có thể kiếm ra tiền? Quê anh đồng chiêm trũng, đất chật người đông, mỗi nhà chỉ có vài sào ruộng, đủ lúa ăn là tốt lắm rồi. Muốn giàu thì phải đi buôn, mà đi buôn thì phải có vốn, có kinh nghiệm... Nhưng nhất định phải làm ra tiền! Nhất định. Sau hơn một tháng đi tham khảo ý kiến của nhiều người, cuối cùng Hoành mạnh dạn đề nghị với xã được đấu thầu cánh đồng Bồ ngay trước cửa làng. Cánh đồng ấy chỉ cấy được vụ chiêm còn vụ mùa thì bỏ không vì ngập nước. Anh đã đấu thầu vụ mùa để nuôi cá một vụ. Người trong làng bảo Hoành điên rồ. Có kẻ còn mỉa mai: "Cẩn thận kẻo vợ không lấy được mà còn ôm về cả đống nợ". Nhưng vụ đầu tiên anh đã trúng đậm, trừ tiền giống, tiền thức ăn, tiền thuê ruộng, anh có được hơn chục triệu. Khi người nhà Hoành gánh những gánh cá nặng trĩu lên bờ bán cho lái buôn, dân làng mới sực tỉnh. Cái việc thả cá của thằng cha này hóa ra ngon ăn quá. Nước lên thì đắp bờ lại giữ nước và thả cá, hết mấy tháng mùa mưa thì tháo nước ra ngoài, rồi cứ thế mà hốt cá đem lên bờ đổi lấy tiền. Bắt đầu có những kiến nghị với hợp tác xã: không cho Hoành thả cá, bởi làm hỏng ruộng. Điều này vô căn cứ vì Hoành không những không làm tổn hại đất ruộng mà còn bỏ ra hàng trăm ngày công tu sửa đắp bờ bao quanh đồng, để giữ nước trong vụ chiêm khô khát. Họ lại xoay sang lý do: nuôi cá sẽ làm chậm khâu tháo nước để cày bừa. Không được xã chấp nhận, họ đề nghị tăng giá đấu thầu lên, vì họ thấy giá như vậy quá bèo. Thành công nhưng những lời đâm bị thóc chọc bị gạo luôn vo ve quanh anh. Mật ít ruồi nhiều, cái làng nghèo phẳng lặng này thấy ai trội hơn, họ sẽ cảm thấy không ổn, bất thường, sai trật tự. Hoành đã phá vỡ nếp nghĩ nếp làm nơi đây. Phải tìm cách đưa tất cả về trật tự. Nhưng dễ gì mà lái được Hoành. Anh bàn với xã cho đấu thầu mảnh đất quanh năm chó ỉa gần bãi tha ma để trồng cây ăn trái. - Thằng này điên rồi. Điên thật rồi. Một tay nó dám che cả trời sao? Một nhóm người làm đơn, kiên quyết bác bỏ cả ao cá lẫn bãi đất dự phòng cho người chết. Họ nói, những ruộng lúa kia của mỗi gia đình, không được ai xâm phạm khi chưa có sự đồng ý. Buổi chiều hôm ấy, Hoành được gọi lên ủy ban. Anh cán bộ xã trầm ngâm, ái ngại nhìn Hoành: - Chúng tôi phải rút lại đấu thầu cái ruộâng nuôi cá. Bà con người ta làm dữ quá, đơn đã đi lên huyện, lên tỉnh rồi. Thông cảm nhé. Chúng tôi sẽ hoàn trả tiền đấu thầu, coi như không có gì... Anh đứng ngây người như trời trồng. Công lao anh đã bỏ vào đó, khổ cực biết chừng nào. Người cán bộ vỗ vai Hoành an ủi: - Thôi, thông cảm đi, bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm vậy! Khi ra khỏi ủy ban xã, Hoành tuyệt vọng tới mức mặt mày bạc thếch, đi không vững nữa. Bác Phú xách chai rượu sang nhà Hoành, hai người chén tạc chén thù. Bác rù rì rót vào tai Hoành những thông tin vừa thu lượm được: - Hai thằng chủ mưu là Thường và Hựu cụt. Tay Thường có em làm trên huyện trên tỉnh gì đó. Còn thằng cụt là tay sai đắc lực cho Thường, con chó liếm đít cho nhà ấy. Họ bên đó khinh họ bên mình ra mặt đấy. Uống hết chai sáu lăm, máu điên đùng đùng nổi lên, Hoành loạng choạng đi ra đường. Qua cổng nhà Thường, một đám đông đang đánh chén trong sân. Rộ lên tràng cười hô hố khiến Hoành đứng phắt lại. - Hừ, thời buổi này cóc nhái cứ đòi nhảy lên làm người đấy các cụ ạ. Giọng thằng Hựu bẹt ra vì rượu. Những cặp mắt đắc thắng hướng ra cổng. - Thằng kia, mày cạnh khóe gì thế hả? - Hoành xông vào. Cơn giận bùng lên như một đám bùi nhùi đẫm dầu gặp lửa. Hựu cuống lên, chạy núp sau lưng Thường. - Tôi nói gì đến nhà anh đâu. Ơ hay! - Mày nói lại xem đứa nào là cóc nhái hả? Mày dám nói lại không? Thường, người đàn ông ngũ tuần, người gân, mắt nhỏ lúc nào cũng lim dim như mắt rắn. Ông ta đứng lên, giọng ôn tồn: - Anh Hoành, đừng vội nóng thế. Có gì đâu mà chưa chi đã suy bụng ta ra bụng người. Chẳng là hôm nay mát giời, anh em chúng tôi thịt con chó, ngồi lai rai với nhau chút đỉnh. Nếu anh không bận bịu, thì vào mâm uống với mấy thằng con tôi. A, lão xỏ ngọt mình đây. Ông Thường vốn nổi tiếng là nói có ngọn ngành, văn hoa lý luận, nhà có của ăn của để, lại có anh em làm to nên dân làng cũng nể vì. Hoành nhổ bãi bọt xuống đất, lơ ngay lão Thường: - Thằng chó, mày mà sủa bậy bạ thì tao băm thịt cả họ mày ra nấu giả cầy đấy nghe con! Nói rồi gãi bụng, vắt áo lên vai lênh khệnh bước ra khỏi cổng. Mâm tiệc của đám người họ Lê lặng ngắt. Chẳng ai dám động vào Hoành. Bởi có ai trong làng này xứng tầm cho một cú đấm tay trái của anh. Đến nay, khi trở về làng, ngồi giữa bà con họ hàng, Hoành bỗng cảm thấy vô cùng cô độc. Lòng hoang lạnh như một đống tro tàn. Năm năm qua, không phút nào anh quên được chuyện cũ. Vì sự mưu sinh, mình đã thành một con người tồi tệ, bệ rạc đáng khinh đến nhường ấy? Phải chi đừng chấp nê bọn chúng. Phải chi hôm đó đừng diễu qua cổng nhà chúng. Phải chi hôm đó mình say nằm bệt ở nhà... Tất cả là số phận. Mà âu cũng là chuyện nhân quả. Mối thù ấy, ngọn lửa uất hận ấy, anh đã khắc lên cánh tay mình. Nhưng hôm nay, khi nắm bàn tay bà già nhỏ bé, yếu ớt này, anh cảm thấy mọi thứ trôi qua thật vô nghĩa. Anh đã làm được gì cho mình và những người anh yêu quý? Không gì, ngoài những nỗi buồn và sự bất hạnh. Chuyện đã vãn, hàng xóm kéo nhau về để chuẩn bị cơm chiều. Anh dắt bà Trình về nhà. Nhà bà ở cuối làng. Nơi đó sẽ đi qua cánh đồng Bồ, qua cổng nhà Thường. Anh muốn đi qua đó. Anh muốn giáp mặt gã. Gã sẽ phải kinh ngạc và run sợ khi thấy anh, chắc thế. Anh nhớ, trong những phiên tòa ngày ấy, gã đã chạy chọt khắp các cửa để làm cho án của Hoành thật nặng. Với gã, Hoành lý ra phải chung thân. Thế nhưng tòa chỉ xử có tám năm và nay, chưa đầy năm năm anh đã được ra tù. Nghĩ tới điều này, lòng anh thấy nhẹ nhõm. Dấu vết năm năm đã ở lại phía sau. Thậm chí anh còn trút bỏ mặc cảm của kẻ đã từng tù tội. Nhưng cảm giác đó tắt ngấm khi họ đi qua nhà Thường. Ngôi nhà ấy đây, nhưng sao hoang lạnh thế? Trước kia, nó lúc nào cũng tươm tất, sáng choang, là niềm tự hào của gã chủ nhân hợm hĩnh. Bờ giậu râm bụt xơ xác không người cắt tỉa, bức tường thấp trong sân đã không còn chậu cây cảnh nào. Bên giếng, một phụ nữ đang giặt áo. Khi nhìn thấy Hoành và bà cụ đi qua, cô ta ngừng ngay, ngẩng mặt chào bà cụ rồi nhìn anh đăm đăm song trong mắt chẳng biểu hiện gì. - Cụ ơi, cái cô lúc nãy là ai thế? Con dâu lão Thường à? - Anh khẽ hỏi bà khi họ đi một đoạn khá xa. - Con gái út nhà lão đấy. Hoành giật mình. Đứa con gái mỗi lần ra tòa làm chứng lại khóc thút thít đó sao? Hồi ấy, người ta làm đủ xét nghiệm để chứng minh nó bị hỏng tai và sức ép của mìn làm mất trí. Lần cuối, cô ta gào lên: "Thả tôi ra! Thả tôi ra! Tôi chẳng sao hết! Hãy buông tha tôi! Mẹ ơi, cứu con!". Câu nói này trở thành bằng chứng để tòa tăng thêm cho Hoành hai năm ngồi nhà đá. Rốt cuộc, cô ta bị sao không? Câu hỏi ấy cứ trăn trở trong Hoành nhiều năm tháng. - Cô ấy... chưa lấy chồng à bác? - Nó thì còn lấy ai? Hai bốn tuổi, mang tiếng nghễnh ngãng và tâm thần. - Cô ấy... bị tâm thần thật sao? - Thì hồi kiện tụng, ông già nó lu loa lên là con bé bị hỏng tai, ảnh hưởng đến não. Có ai ngờ, điều đó hóa ra hại đời nó. Tai nó có bị đau mất một thời gian, nhưng sau thì bình thường. Còn tính nó cũng chẳng có gì khác cả... Nhưng con gái đến thì mà chẳng ai nhòm ngó làm sao không phát điên lên được. Bà Trình kể, giờ lão Thường cũng thảm lắm. Sau khi Hoành vào nhà giam, lão vẫn chưa thôi, bán của cải để đi khiếu nại lên trên. Sự căm hận khiến lão mù quáng. Cũng như sự mù quáng nơi Hoành khi buổi sáng ấy bước ra, thấy cánh đồng cạn trơ nước. Kẻ nào đó đã phá bờ cho nước chảy ra ngoài, cá theo nhau đi sạch. Công sức của những năm tháng vun đắp đã theo nhau xuống sông hết cả. Hoành còn nhớ như in cái cảm giác giận điên người. Anh đấm tay vào đá, nghiến răng ken két, bàn tay tóe máu. Chúng mày sẽ phải trả giá! Trong đám đông ùn ùn kéo nhau ra xem, Hoành thấy nụ cười khinh đời của lão Thường và tiếng cười hô hố của gã cụt tay. Nếu như hôm đó cả hai trái mìn đều nổ thì anh đã không mất năm năm trong nhà lao. Nhưng nếu hai trái mìn cùng nổ, thì sẽ là mạng sống của những ai? Hôm đó, kẻ thù của Hoành - lão Thường và thằng cụt - đi đánh bài thâu đêm ở xóm trên mà Hoành không hay biết. Chính trái mìn tịt ngòi có dấu vân tay của Hoành là tang chứng không thể chối cãi. Hoành cũng không muốn chối. Điều ân hận là trái mìn đó không làm được điều mà Hoành mong muốn. Đã đến nhà, bà Trình ngẩng lên cười, trìu mến: - Thôi, về đi con. Về mà nghỉ ngơi. Đừng để ý đến những lời thị phi nhé. Bước thấp bước cao, bà chống gậy vào căn nhà vắng. Tiếng gậy khua vang trên mảnh sân con. Bóng tối đã trùm lên cái làng nhỏ bé. Xa xa phía núi, gần bãi tha ma, lô nhô những ngôi nhà nhỏ xíu của các hộ gia đình trẻ như tách khỏi làng. Bếp lửa hồng bập bùng, tiếng trẻ con cười đùa, la hét. Gió từ xa đưa lại mùi khói rơm rạ, mùi cá kho và mùi cơm quá lửa. Cuộc sống nơi đây đang rì rầm cuộn chảy. Ngôi nhà nào trong đó là của mẹ con Hiền? Hoành không về vội. Anh ngả người trên chiếc cống cuối làng, nhìn mông lung vào bầu trời đầy sao. Cuộc đời sao mà ngắn ngủi, thoáng chốc đã hết vèo tuổi trẻ. Những uất hận, căm thù rốt cuộc sẽ đem lại điều gì? Chẳng còn gì ngoài một khoảng trống trong tâm hồn. Khoảng trống ấy lớn quá, như bóng tối mênh mông phủ xuống cánh đồng, biết lấy gì để lấp đầy bây giờ? N.H.D