Dịch Giả: Lê Văn Đình
Dịch Thơ: Lê Văn Uông
Hồi Thứ Mười Sáu
Chùa Báo Đức đền ơn đắp tượng,
Ngõ Tây Minh cải dạng theo chồng.

Thơ rằng:
Hiệp sĩ chẳng khoe công
Người nhân thường mến đức
Phạm Lãi đúc tượng vàng(1)
Phục Ky tang bích ngọc (2)
Ơn sâu như khắc tận tim gan
Bỏ thói lật lọng đời chan chan
Chàng chẳng thấy:
Nóc chùa Báo Đức chọc trời dậy
Trả nghĩa đền ơn như thế đấy. 
 
1 phạm Lãi giúp vua Việt là Câu Tiễn báo thù nước Ngô xong, bỏ trốn vào Ngũ Hồ. Câu Tiễn nhớ ơn, tạc tượng Phạm Lãi bằng vàng để bên cạnh mình, nhắc phải luôn nhớ ơn Phạm Lãi (Đông Chu liệt quốc).
2 Công tử Trùng Nhĩ, khi chưa được ngôi vua, phải bỏ nước chạy trốn, đến nước Tào, vua quan Tào đều coi thường, duy vợ chồng Hy Phụ Ky săn sóc rất chu đáo, Trùng Nhĩ đem đôi ngọc bạch bích tặng. (nt)
Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ, nhân em chồng là Bình Nguyên Quân bị nước Tần vây rất gấp, mới cậy Như Cơ lấy trộm binh phù, để Tín Lăng Quân đem được mười vạn quân, đại phá tướng Tần là Mông Ngao, bảo toàn được nước Triệu.
Về sau có một môn khách, nói với Tín Lăng Quân rằng:
- Đức có cái phải nhớ, có cái nên quên, người chịu ơn mình thì nên quên, mình chịu ơn người thì không thể quên vậy. Gọn lại mà  nói, làm ơn thì đừng nghĩ đến chuyện sẽ được đền ơn, chịu ơn người thì đừng bao giờ quên.

*

Lại nói Vương Bá Đương, người đã vứt bỏ công danh vớí triều Tùy, cũng khó mà nhận ra vị trai trẻ ngồi dưới lọng vàng, vì mắt còn để ở núi rộng sông dài: Tề Quốc Viễn, Lý Như Khuê thì giữa thanh thiên bạch nhật, đốt nhà giết người, chẳng có lý nào để sợ cái ông quan ngồi dưới lọng vàng ấy cả. Chỉ riêng Tần Thúc Bảo, thân đã quen phải chào lạy nơi cửa công, từng biết cao thấp, đến gần bán nguyệt đài, ngăn ba bạn lại.
- Chư hiền đệ có lẽ không nên lên thềm làm gì. Người ngồi dưới lọng vàng kia, có lẽ là thí chủ đứng ra trùng hưng chùa này chăng?
Bá Đương hỏi:
- Thí chủ thì thí chủ, việc gì mà không lên?
Thúc Bảo đáp:
- Chẳng có chuyện gì đáng nói, dính với mấy vị quan viên đương nhậm chức ấy làm gì?
Như Khuê hỏi:
- Sao huynh biết đó là quan viên đương nhiệm!
Thúc Bảo đáp:
- Cứ nhìn hai viên hổ đầu tướng đứng hầu hai bên thềm cũng đủ rõ. Nay bốn anh em chúng ta có nên lên chào vị quan viên này chăng? Có lẽ không nên lên thì hơn?
Bá Đương hưởng ứng:
- Đại huynh nói có lý lắm.
Bốn người nhất tề quay sang con đường nhỏ, đến bên góc của Đại Hùng Bảo điện, thấy rất nhiều thợ, đang tấp nập làm việc. Thúc Bảo liền lên tiếng gọi, mấy người ở gần hỏi:
- Các vị có điều gì cần chỉ bảo?
Thúc Bảo lên tiếng:
- Xin được hỏi một câu. Ngôi chùa này được vị thí chủ nào đứng ra trùng tu mà rộn ràng đến thế!
Một người thợ đáp:
- Đấy chính là Lý đại nhân, tước Đường Quốc Công ở Tỉnh Châu thuộc Thái Nguyên đứng ra trùng tu.
Thúc Bảo lại hỏi:
- Đại nhân trị nhậm ở Thái Nguyên. Sao lại hưng công kiến đức ở đây?
Người thợ đáp:
- Vị ngày mười lăm tháng tám, năm Nhân Thọ nguyên niên, Lý đại nhân vâng chỉ hồi hương, tạm trú ở chùa này. Đậu phu nhân sinh hai thế tử ở đây. Lý đại nhân vì sợ ô uế, nơi thanh tịnh nên phát nguyện bố thí, trùng hưng chùa này. Người ngồi dưới lọng vàng kia, chính là Quận mã của Lý đại nhân tên gọi Tự Xương, họ Sài.
Nghe nói thế, Thúc Bảo đã nhận ra chính là Lý đại nhân mà mình đã cứu ở núi Lâm Đồng.
Bốn anh em đi về phía phương trượng ở góc phía đông, thấy một tòa lầu vừa mới xây, treo một bức đại tự màu đỏ, vàng đề ba chữ vàng lớn: "Báo Đức tự", Bá Đương nói:
- Ta hãy xem báo đức đền ơn gì đây?
Bốn người cùng vào, thấy có ba gian rộng rãi, gian giữa đặt một bệ thờ lớn, cao đến hơn một trượng, một pho tượng thế đứng đặt chính giữa, mình khoác một chiếc khăn choàng màu xanh lá sen, đội nón Phạm Dương, chít khăn màu trắng, có đính hoa vàng, thắt lưng da mềm, đeo hai con dao có cán ngà, chân mang giày da hươu màu vàng, phía trước có một hàng chữ đỏ, viết sáu chữ vàng, chân phương: “Ân công Quỳnh Ngũ sinh vị", bên cạnh là một hàng chữ nhỏ hơn: “Tín quan trai giới phụng tự".
Vốn là khi Thúc Bảo ở Lâm Đồng Sơn, đánh bại bọn giả cướp rồi, Lý Uyên hỏi họ tên Thúc Bảo, Thúc Bảo không muốn nói ruổi ngựa bỏ đi. Lý Uyên vẫn không chịu, quất ngựa chạy theo đến hơn mười dặm đường, Thúc Bảo đành phải trả lời tên là Tần Quỳnh, Lý Uyên thấy Thúc Bảo xòe năm ngón tay, lại chỉ nghe được tên, không nghe họ, nên ghi thành Quỳnh Ngũ.
Thúc Bảo lặng lẽ gật đầu: "Cả một năm vừa qua mà mình điên đảo như thế ở Lộ Châu, thì chính là lúc ở đây Lý đại nhân đắp tượng tô mặt mày mình. Ta vốn là một người áo vải, làm sao có phúc để được đắp tượng, thắp hương tụng niệm thế này . Lòng riêng than thở hồi lâu. Ba người bạn đâu thấy rõ pho tượng trên bệ, nên hỏi Bá Đương:
- Bá Đương đại huynh, đây có phải là tượng Thiên Tôn không?
Bá Đương cười đáp:
- Vừa rồi ở cửa thứ hai, tay cầm bổng hàng ma, mới là tượng Thiên Tôn. Còn đây là tượng người còn sống. Đường Công Lý đại nhân từng chịu ơn người này, cho nên mới xây "Báo Đức Tự” này.
Mọi người nghe nói là tượng người còn sống, đều không giấu vẻ ngạc nhiên, nhìn kỹ lại pho tượng một lần nữa. Khuôn mặt thấy hao hao giống Thúc Bảo. Ở trên bệ thờ, tả hữu phía sau có thêm bốn pho tượng nữa, bên trái hai người, dắt một con ngựa hoàng phiêu, bên phải cũng hai người, nâng hai thanh giản mạ vàng. Bá Đương lại gần, nói nhỏ vào tai Thúc Bảo:
- Năm ngoái đại huynh đi xa, hình như có đánh dẹp gì ở đây thì phải.
Thúc Bảo khẽ khoát tay, nói:
- Hiền huynh nói khẽ chứ. Tượng này chính là tượng tiểu đệ đấy!
Bá Đương hỏi:
- Sao là tượng đại huynh được?
Thúc Bảo đáp:
- Năm Nhân Thọ nguyên niên, gặp hiền huynh ở Lộ Châu, chính là lúc tiểu đệ cùng Phàn Kiến Uy đã lĩnh giấy tờ ở Trường An trỡ về đúng ngày mười lăm tháng tám, Lý đại nhân về quê, đến Lâm Đồng Sơn bị bọn cướp bao vây, Kiến Uy cổ vũ tiểu đệ vào cứu Lý đại nhân, đánh bại bọn cướp, xong xuôi, tiểu đệ phóng ngựa bỏ đi. Lý đại nhân đuổi ngựa theo hỏi họ tên tiểu đệ, tiểu đệ đành nói tên là Tần Quỳnh, rồi khoát tay ra hiệu không phải đuổi theo nữa, không ngờ Lý đại nhân nhận nhầm là Quỳnh Ngũ. Chuyện này cũng thật khó nói ra.
Bá Đương cười nói:
- Cũng hởi Lý đại nhân không nhận ra Quỳnh tướng quân, khiến cho tướng quân ở Lộ Châu phải một phen lao đao suýt chết.
Cả hai cùng cười lớn, không ngờ Sài Tự Xương ngồi dưới đài bán nguyệt, từ đầu đã thấy bốn người hăm hăm hở hở từ bên ngoài đi vào chưa rõ là loại người nào, nên sai gia tướng, theo dõi xem sao, bọn này đã bám sát nghe ngóng, từng cử chỉ, lời nói. Vì thế mà nghe thấy hết mọi điều, vội về bán nguyệt đài, thưa với Tự Xương:
- Trong số bốn người kia, có người là ân nhân của lão đại nhân.
Tự Xương nghe thấy thế, vội ra xem lại án mũ, rồi xuống đài, vào Báo Đức Tự, nghiêng mình thưa:
- Xin được rõ, vị nào là người đã cứu sống nhạc phụ hạ quan?
Bốn người vội vái chào. Bá Đương chỉ Thúc Bảo thưa:
- Đại huynh đây chính là người từng gặp gỡ Lý đại nhân ở Lâm Đồng Sơn cũ họ Tần, tên Quỳnh, Lý đại nhân hồi đó nghe nhầm ra là Quỳnh Ngũ. Quận mã nếu chưa tin thì cứ ra ngoài chùa xem đôi giản mạ vàng cùng con hoàng phiêu ở ngoài đấy cả.
Tự Xương đáp:
- Bốn vị đều là bậc hào kiệt, sao lại có chuyện thật giả cho được. Xin mời về phương trượng.
Nói rồi sai gia đinh trải thảm, cùng nhau bái chào, xưng họ tên. Lại sai gia đinh ra cổng chùa dắt ngựa, hành lý vào, xếp đặt trong từng phòng, rồi lệnh bày tiệc rượu để đón mừng. Ngay đêm hôm đó, Tự Xương viết thư, sai gia đinh đem về Thái Nguyên để trình Đường Công Lý đại nhân và giữ bốn anh em Thúc Bảo lại trong chùa, ăn uống trò chuyện.
Chẳng bao lâu đã tới năm mới, rồi hội đèn nguyên tiêu cũng gần đến. Thúc Bảo bàn với Bá Đương:
- Chiều mai, ngày mười bốn rồi tiểu đệ phải vào Trường An để trình lễ sinh nhật, sáng mười lăm phải có mặt sớm ở phủ đệ Việt Quốc Công.
Bá Đương khuyên:
- Nếu vậy thì sáng sớm mai nên lên đường cho sớm sủa.
Thúc Bảo liền sai hai tên lính dắt ngựa chuẩn bị hành lý, yên cương để vào Trường An cho sớm. Tự Xương cũng biết Thúc Bảo đang còn công vụ, không thể ngăn cản, nhưng vì vẫn chưa thấy thư trả lời của Lý đại nhân ở Thái Nguyên, nên trong lòng băn khoăn lo lắng: “Thúc Bảo vào Trường An lần này, sẽ theo đường khác trở về, nhất định sẽ không quay lại đây nữa, nếu nhạc phụ có thư mời, người đã đi rồi, hóa ra thư trước ta nói không đúng sao. Nay ta cùng Thúc Bảo hoàn tất công vụ, lại mời Thúc Bảo vào chừa, đợi thư của nhạc phụ xem sao". Tự Xương bèn nói với Thúc Bảo:
- Hạ quan cùng về Trường An xem hội hoa đăng với ân nhân có tiện chăng?
Thúc Bảo vẫn thấp thỏm lo cho đoàn vào Trường An của mình, nay thấy có thêm Tự Xương giúp cho một tay, nên vui vẻ nhận lời ngay. Tự Xương bèn sai gia đinh chuẩn bị yên cương hành lý chu đáo, sắp đặt công việc ở chùa, đem theo hai gia tướng và bạc tiền chi tiêu.
Sau khi ăn uống xong, năm người năm ngựa, thêm hai ngựa đèo hàng của Thúc Bảo cùng bọn tay chân cộng tất cả là hai mươi hai người, rời Vĩnh Phúc tự vào Trường An. Từ ngày Thúc Bảo tới chùa đến nay, chưa đầy nửa tháng, cảnh sắc trên đường đã thay đổi hẳn:
Liễu vờn yên ngựa ngậm tơ vàng
Co mượt xanh xanh khắp suối ngàn
Xuân ắt sớm tỏ màu lá nõn
Gió đưa mặt nước sóng lăn tăn.
Tuy chỉ sáu mươi dặm đường, nhưng vì khởi hành muộn, nên mãi lúc mặt trời sắp lặn mới vào đến Trường An. Thúc Bảo đã tính rằng không nên trọ ở trong thành, việc ra vào sẽ phiền toái, cách cửa Minh - Đức khoảng tám dặm, thấy một tòa nhà lớn, phòng ốc cao sang, biển đề ba chữ lớn “Đào gia điếm". Thúc Bảo bàn:
- Người nhiều trời tối, sợ vào thành đông đúc, không thể tìm ra quán trọ nào lớn chứa đủ đám anh em chúng ta, chi bằng ở đây nghỉ là tốt hơn cả.
Cả đoàn xúm lại, ai nấy xuống ngựa, vào nhà, xung quanh thấy la liệt treo những đèn lồng xanh đỏ đủ màu. Chủ quán thấy đoàn đông người ngựa lính tráng, hành lý ngổn ngang, biết ngay là lớp người có thế lực, mặt mày vui vẻ, ân cần mời mọc:
- Thưa quý khách, quý khách không chê quán này rượu nhạt, thức nhắm rau dưa, đêm tối vào đây, xem mấy cây đèn xấu xí này, xin để gọi dọn cơm rượu tẩy trần hầu quý khách. Ngày mai mới là ngày trong thành chính thức mở hội hoa đăng, lúc ấy từ đây vào chẳng xa chẳng gần, thật là tiện lợi.
Thúc Bảo vốn là người cẩn thận, trong lòng thầm tính toán: “Hôm nay mới là mười bốn mà phố phường đã đông đúc. Sợ các bạn vào thành, xảy ra chuyện gì, chẳng biết đâu mà lường được, mình lại công vụ chưa xong. Nên tốt hơn cả, hãy cứ bảo chủ quán, rượu thịt bày ra, giữ chân bạn bè lại. Sáng canh năm ngày mai, công vụ đã xong xuôi, chân tay đã tự do tự tại, sẽ cùng các bạn đi xem hội đèn, cũng đỡ lo hơn". Nghĩ vậy, nên khi nghe chủ quán mời, Thúc Bảo lên tiếng:
- Để đáp lại thịnh tình của chủ quán, anh em chúng tôi xin sẵn sàng ngồi vào bàn.
Cứ thế mọi người uống thả cửa, mãi đến canh ba mới tan, ai nấy về phòng ngủ say như chết.
Chỉ riêng Thúc Bảo không ngủ, trở dậy ra trước cửa, chủ quán đang đôn đốc đầy tớ thu dọn bàn ghế, bát đĩa, phòng ăn, thấy vậy bèn hỏi:
- Quý khách tòng sự tại nha môn nào?
Thúc Bảo đáp:
- Thuộc soái phủ Sơn Đông đạo hành đài, vâng mệnh đến Trường An đem lễ mừng sinh nhật Dương đại nhân. Ta cũng đang có việc hỏi chủ quán.
Chủ quán đáp:
- Xin ngài cứ dạy!
Thúc Bảo nói:
- Ta đã tới Trường An công cán mấy lần, phố xá, phủ đệ đều có thể nhận ra, vào lúc ban ngày. Nay ta không thể chờ đến trời sáng, phải tới cửa Minh Đức, trong quán có vị nào biết đường, xin nhờ dẫn hộ.
Chủ quán chỉ một người đầu bếp già:
- Lão bộc này, tên là Đào Dung, đừng nói chi chuyện đường phố, mà ngay cả chuyện lễ nghi, xưng hô đều rất thông thạo. Còn đây là Tần quý khách ở Sơn Đông, cần tới cửa Minh Đức, đem lễ mừng sinh nhật ở Việt Phủ, nhà ngươi hãy dẫn đường cho Tần quý khách.
Đào Dung thưa:
- Tần quý khách nếu vẫn chưa đủ tay chân để sai phái, tiểu nhân còn có chú em là Đào Hóa, cũng có thể giúp Tần quý khách được thêm một tay.
Thúc Bảo khen:
- Mấy vị gia nhân này, đúng là được việc lắm.
Liền về phòng ngủ, gọi hai người lính dắt ngựa, lấy ngay hai quan tiền, thưởng cho Đào Dung, Đào Hóa, rồi sai mở túi hàng ra, đối chiếu với giấy tờ một lần nữa, chia làm bốn gói, giao cho hai người lính, hai gói giao cho Đào Dung, Đào Hóa mang đi, còn Thúc Bảo đi theo sau, thừa dịp bạn bè còn ngủ cả, không nói cho ai biết, ra khỏi Đào gia điếm, tiến vào cửa Minh Đức. Chuyện không nói nữa.

*

Lại nói Việt Quốc Công Dương Tố, vẫn là quan đầu triều hiện nay, được vua Văn Đế nhà Tùy sủng ái nhất mực. Vào lúc nhà Trần mất, Văn Đế đem đến trăm cung tần nhà Trần ban thưởng cho Việt Quốc Công vui cảnh già. Việt Quốc Công tuy là đại thần tước cao vọng trọng, nhưng cũng là một tay gian hùng có một. Một hôm, nhân vườn tây hoa đơn hoa quế đua nở, bày yến tiệc, mời bạn bè liêu thuộc yến ẩm, ai nấy tìm đủ lời lẽ hoa mỹ nịnh hót, chỉ riêng Lý Huyền Thúy nói:
- Tướng công tước cao, danh tiếng khắp thiên hạ, giờ có thiếu chỉ là thiếu một cái tai nghe của người già nữa mà thôi.
Dương Tố hiểu ý, biết ngay là Huyền Thúy định nói mình có quá nhiều hầu thiếp, chỉ sợ không được lâu dài, liền trả lời:
- Lão già hay bà già thì cũng hết tuổi rồi. Ta sẽ có cách giải quyết ổn thỏa chuyện này.
Sáng hôm sau, Dương Tố ra ngồi trước thềm cao của hậu đường, mở hết cửa ngõ, bình phong trong ngoài, sai người truyền lời đến các hầu thiếp:
- Tướng công nghĩ đến các người phục dịch cũng đã lâu ngày, chăm chỉ vất vả, chỉ sợ sẽ làm lỡ mất tuổi thanh xuân. Nay tướng công đang ngồi ở thềm cao của hậu đường, xin mời ra hết ở hậu đình, người nào nguyện ý muốn tìm nơi tìm chốn yên bề gia thất, xin đứng về bên trái thềm, người nào không muốn, xin đứng về phía bên phải.
Hầu thiếp nghe nói thế, khác nào chim xổ lồng, từng đoàn từng đoàn từng lũ như ong kéo ra yết kiến, Dương Tố đang ngồi trên thềm cao lên tiếng:  
- Ta vừa sai người mời các ngươi đến đây. Ai nấy đều biết rõ cả rồi. Người nào chọn đường nào, cho thật kiên định, ta sẽ có cách cư xử.
Hầu thiếp lâu nay trong phủ phục dịch, duy chỉ Đơn phu nhân là chính thất, còn có chỗ yên ổn, bằng lòng thỏa chí, hàng trăm người khác, thì quá nửa đều lại quỳ ở phía bên trái thềm. Dương Tố quay đầu nhìn lại, vẫn thấy còn hai người: một là Lạc Xương công chúa, em của Trần Hậu Chủ, chuyên việc vác kiếm đứng hầu, người thứ hai chuyên cầm phất trần (1),họ Trương tên Xuất Trần, cả hai đều nhan sắc hơn người, thông minh có một, cũng đều đáng bậc nghĩa hiệp trong đám mày ngài. Dương Tố hỏi:
1 Phất trần: phủi bụi bặm, người hầu gái cầm chổi lông đứng hầu.
- Hai ngươi chọn đường nào, hoặc phải, hoặc trái, phải chọn lấy một chứ?
Hai người nghe theo, quỳ xuống trước mặt, Lạc Xương nước mắt ngắn dài mà không nói, chỉ Xuất Trần  thưa rằng:
- Ơn tướng công xưa nay khó sánh, cho chúng tôi được tìm chốn lập gia thất, để tình nguyện lâu dài. Người xưa nói: "Thụ ân thâm xứ cách vi gia", nơi nào chịu ơn sâu thì nơi ấy là nhà. Huống nữa, tiện thiếp vốn không phải không nhà, nhưng chỉ vì thiên hạ không người mà thôi.
Dương Tố nghe thấy thế, gật đầu khen, rồi lại hỏi Lạc Xương:
- Khanh thì vì cớ gì mà bi thương sầu não thế?
Công chúa đem chuyện ngày trước từng lấy Từ Đức Ngôn, hai người trước khi chia tay, đập gương chia đôi (1) hẹn ngày tìm nhau như thế nào kể lại một lượt. Về sau Từ Đức Ngôn làm mạc tôn ở dưới trướng, vợ chồng nhờ mảnh gương vỡ đó mà lại đoàn tụ, nhưng đó là chuyện sau này. Lúc này Dương Tố nghe Lạc Xương nói thế, cũng than thở ngắn dài, cho cả hai đứng dậy, sai quan tổng quản, xếp hẳn nhà riêng trông nội phủ cho ở.
1 Lạc Xương cùng Từ Đức Ngôn chia nhau mỗi người nửa mảnh gương, hẹn nhau đến ngày rằm thì đem ra chợ Kim Thành để tìm nhau. Lúc Lạc Xương kể chuyện trên đây, là khi họ chưa tìm được nhau. Đây chính là điển “Gương vỡ lại lành" (Quỳnh Lâm).
Lúc này bọn người quỳ ở bên trái thềm có tới bốn năm mươi người, đều thả cho ra tự tìm!ấy nơi chốn, tự lo lấy đường chồng con, ai có vàng bạc trang sức, quần áo, của riêng gì khác, đều cho mang theo. Ai nấy đều quỳ lạy cám ơn, khóc mà ra khỏi cửa. Dương Tố thấy hàng hàng lũ lượt mặt hoa, da phấn kéo nhau ra khỏi phủ, lòng thấy thanh thản. Từ đấy Lạc Xương cùng Xuất Trần, được cử làm nữ quan, cai quản hai hàng tả hữu kim thoa.
Quan âm thấm thoát, đã đến ngày Tết Nguyên Tiêu, cũng là ngày lễ sinh nhật Dương Tố, từng đoàn các quan viên từ lớn tới nhỏ, hầu khắp thiên hạ, không ai là không tới phủ lễ mừng. Chính lúc này Lý Tĩnh đang ở trong Trường An, biết có lễ này, cũng tìm đến yết kiến, vừa là hiến kế sách của mình. Đến cửa phủ được quản gia mời vào ngồi chờ ở phòng ngoài, vì Dương Tố chưa tiếp khách. Viên sai quan trưởng sử đang bận tíu tít, khách ngồi chờ đã đông nghịt. Lý Tĩnh bước vào thấy ở bàn phía tây có một người trai trẻ, dáng cao lớn khác thường, lưng hổ, tay gấu đang ngồi. Lý Tĩnh thoạt nhìn, vội lại vái chào:
- Đại huynh người vùng nào vậy?
Người này cũng đứng dậy đáp lễ rồi trả lời:
- Tiểu đệ người Sơn Đông.
Lý Tĩnh tiếp:
- Xin được biết quý tính, cao danh.
Người kia đáp:
- Tiểu đệ họ Tần, tên Quỳnh.
Lý Tĩnh tiếp lời:
- Thì ra đại huynh là Tần Thúc Bảo ở Lịch Thành vậy!
Thúc Bảo liền hỏi:
- Xin được hỏi họ tên của đại huynh.
Lý Tĩnh đáp:
- Tiểu đệ là Lý Tĩnh ở Tam Nguyên.
Thúc Bảo cũng tiếp:
- Hóa ra Dược Sư đại huynh, tiểu đệ từ lâu đã được nghe danh.
Hai người đứng dậy vái chào nhau lần nữa, rồi cùng dắt tay nhau ngồi xuống. Chuyện lại tiếp tục. Thúc Bảo hỏi Lý Tĩnh hiện đang ở đâu, Lý Tĩnh đáp:
- Tiểu đệ hiện ngụ ở ngay trước phủ đệ, ngõ Tây Minh, nhà thứ ba.
Hai người đương mặn mà trò chuyện, thì phía nội phủ đã thấy tiếng trống mở cửa phủ đệ gióng dả, quan trưởng sử bước vào giọng từ tốn rõ ràng:
- Ngài nào là Lý Tĩnh ở Tam Nguyên, có lệnh vào làm lễ tương kiến.
Lý Tĩnh nói với Thúc Bảo:
- Tiểu đệ phải đi bây giờ, không được ngồi hàn huyên với đại huynh nữa. Nhưng tiểu đệ đang còn nhiều điều cần nói với đại huynh. Nếu như đại huynh không thèm bỏ qua, thì muôn vàn lần xin mời đại huynh tới nơi ở của tiểu đệ, ta cùng đàm đạo.
Thúc Bảo nhận lời. Lý Tĩnh liền cùng viên trưởng sử đi vào nội phủ. Dương Tố lâu nay vẫn thường không chịu giao tiếp với đồng liêu, văn võ bá quan vì vậy ít người được gặp mặt, nay vì cớ gì lại sốt sắng tiếp Lý Tĩnh. Cũng bởi ngày trước, thân sinh Lý Tĩnh là Lý Thụ, bạn đồng liêu với Dương Tố, Lý Tĩnh vì vậy được Dương Tố xem như hàng con cháu, lâu nay lại nghe thiên hạ đồn Lý Tĩnh là bậc thiếu niên anh tuấn, vì vậy mới được Dương Tố tiếp đãi đặc biệt như vậy.
Quan trưởng sử dẫn Lý Tĩnh vào, Lý Tĩnh nhìn lên, đã thấy Dương Tố ngồi trên sập lót đệm gấm, đầu đội mũ đính đủ bảy viên ngọc như ý, mình mặc áo cừu có thêu hình rồng ẩn hiện trong mây ngũ sắc, tay cũng cầm hột đính ngọc như ý, phía sau giường đủ mười hai nữ quan, đội mũ giát ngọc, đính lông chim phí thúy đứng hầu. Xung quanh sảnh, phía dưới thềm số hầu gái đếm không hết, thấp thoáng trước những màn gấm buông từ trần nhà tới sát nền trải thảm dạ sặc sỡ. Lý Tĩnh bàng hoàng chắp tay lạy chào:
- Thiên hạ đang hồi loạn lạc, anh hùng khắp nơi chen vai thích cánh nổi dậy. Tưởng đại nhân là bậc quan chủ tể của triều đình, nên quan tâm đến việc thu nạp hào kiệt bốn phương, chứ không nên ngồi một chỗ mà tiếp đãi khách khứa như thế này.
Dương Tố vội đứng dậy tạ lỗi, rồi cùng Lý Tĩnh hàn huyên, người hỏi người đáp, chuyện liên miên mãi không dứt ra dược. Dương Tố thích lắm, muốn giữ Lý Tĩnh lại làm quan ký thất cho mình, nhưng còn giữ ý chưa nói ra vì đã lâu lắm lại mới có dịp gặp lại Lý Tĩnh. Trong lúc nói chuyện thế, có một trong số nữ quan cầm phất trần đứng hầu, mấy lần đưa mắt nhìn Lý Tĩnh. Lý Tĩnh cũng đường đường một bậc hào kiệt, nào phải nhỏ dại gì nữa, thấy có bậc khuynh quốc để ý tới, cũng mấy lần đưa mắt ý tứ xem xét, nhưng nghĩ chẳng qua chỉ là chuyện gió thoảng mây trôi. Trời đã gần trưa, Lý Tĩnh đứng dậy bái từ, Dương Tố cũng lấy nghĩa cha chú, sai người cầm phất trần đưa tiễn Lý Tĩnh ra cửa. Trương Xuất đưa Lý Tĩnh ra cửa, gặp quan trưởng sử, bèn hỏi:
- Đại nhân truyền hỏi rõ Lý tiên sinh hiện ngụ ở đâu, vào thưa lại ngay cho đại nhân.
Quan trưởng sử hỏi rõ ràng, quay lại trả lời, nghe xong Trương Xuất Trần mới quay vào bên trong.

*

Hãy khoan nói chuyện Lý Tĩnh về nơi ở, hãy kể tiếp chuyện Thúc Bảo đem lễ vật vào Dương phủ. Thì ra là lễ vật của các phiên trấn ngoài biên đem vào phủ, đều được giao cho các liêu thuộc thu nhận, Dương Tố không tận mắt nhìn đến. Việc nạp các lễ vật này, không phải dễ, trừ các bài biểu mừng, thư mừng, văn thơ ca ngợi, còn các loại lễ vật khác thứ nào bọn liêu thuộc không vừa ý, thì cũng hạch sách, quát nạt đủ điều. Cũng may cho Thúc Bảo, lễ vật của vùng Sơn Đông, lại do ký thất Lý Huyền Thúy thu nạp, vừa nhận ra Thúc Bảo đến, Huyền Thúy vội vàng xuống thềm đón, mừng rỡ không ngờ.
Thúc Bảo giở biểu mừng, đồ lễ, Huyền Thúy xem qua, gọi người thu nhận nhanh chóng, rồi mời Thúc Bảo ra hiên sau, gọi người đem rượu ra mời, kể lể từ ngày chia tay nhau ở Lộ Châu. Thúc Bảo cũng đem chuyện gặp gỡ Vương Bá Đương và cùng đến Trường An như thế nào, kể rõ một lượt, rồi tiếp:
- Những sợ hiền huynh công việc ký thất bận rộn nên không dám tự tiện đến hàn huyên.
Lại tiếp:
- Vừa rồi, tiểu đệ gặp được Lý Tĩnh, quả là dung mạo phi phàm, phong tư trác việt, vừa mới gặp nhau ngoài cổng phủ mà đã như quen biết lâu ngày. Tiểu đệ ở đây ra, đã hẹn sẽ đến nơi ở của Lý Tĩnh để cùng nhau trò chuyện. Vì vậy công văn trả về Sơn Đông và thư từ hiền huynh cần gửi, làm nhanh cho tiểu đệ thì hay quá!
Huyền Thúy nghe nói thế, liền sai cô hầu gái mặc áo xanh rót thêm rượu, rồi tự mình ngồi vào án, làm công văn, viết thư. Một lát sau đưa cho Thúc Bảo gửi lời chào Bá Đương, vì công việc bận rộn không thể gặp được.
Thúc Bảo từ biệt Huyền Thúy, tìm đến ngõ Tây Minh, vào gặp Lý Tĩnh, Lý Tĩnh mừng rỡ:
- Đại huynh thật là người biết giữ chữ tín.
Ngồi đâu đó rồi Lý Tĩnh hỏi:
- Năm nay đại huynh bao nhiêu tuổi?
Thúc Bảo đáp:
- Tiểu đệ hai mươi tư tuổi.
Lý Tĩnh hỏi tiếp:
- Đại huynh vào Trường An lần này, có bạn bè đi cùng không?
Thúc Bảo ý cũng không muốn nói rõ bốn người bạn kia của mình, nên chỉ đáp:
- Tiểu đệ vâng lệnh đi công cán, chỉ đem theo hai tên lính, chứ không hề có bạn bè nào đi theo, nhưng tại sao đại huynh lại hỏi thế?
Lý Tĩnh đáp:
- Tiểu đệ tuy phiêu bạt giang hồ, nhưng phàm sách vở của bách gia chu tử, cửu lưu dị thuật, không cái gì là không để ý xem xét. Nhất là phép xem tướng thì rất thành thạo, xem tướng của đại huynh thì năm nay ẩn đường hữu sự, mà vùng dưới hai mắt có hắc khí tương tụ, sợ sẽ hoạn nạn sớm, cho nên không thể không nói. Ngày sau, đại huynh sẽ là tay chân đắc lực của nước nhà, cho nên mỗi việc cần phải thận trọng. Tiểu đệ hôm vừa rồi, có xem thiên văn thì vào lúc canh ba, ngày mười lăm, tháng giêng, sao Tuệ sáng quá mức thường, đó là điềm có nạn binh đao, khói lửa lớn gây tai họa không chừng cho trăm họ. Nếu đại huynh cùng bạn bè tới kinh, thì nhất thiết đừng ham xem hội hoa đăng, nhược bằng đã lĩnh được công văn rồi, thì tốt hơn hết là nên lên đường trở về Sơn Đông ngay.
Những lời này của Lý Tĩnh, khiến Thúc Bảo dựng tóc gáy, nghĩ ngay tới bọn Tề Quốc Viễn, sợ không biết đã có chuyện gì xảy ra không, nên vội vàng từ giã Lý Tĩnh tìm về quán trọ.

*

Lại nói Trương Xuất Trần, sau khi quan trưởng sử báo lại rõ ràng, trở vào trong lòng thầm nghĩ:
“Trương Xuất Trần ta, ở trong phủ này, quan sát người cũng nhiều nhưng chưa thấy ai là bậc thiếu niên hào kiệt như người này, thật là đúng hơn hẳn mọi người, mai kia đường công danh nhất định không thèm ở dưới bậc Dương đại nhân. Vừa rồi nghe Lý tiên sinh trò chuyện, thì biết ngay chưa có gia thất, nếu ta tìm đến nâng khăn sửa túi, mai sau chẳng nên chuyện gì, không nhìn ngó đến thân này, thì ta sẽ tìm đến chốn khác yên thân, chẳng nhẽ thiên hạ không còn ai nữa sao? Nếu người này mà vẫn không xong bề gia thất, thì quả là việc trăm năm khó mà lo cho trọn vậy. Chi bằng nhân đêm nay, ta không phải buổi hầu, trong phủ lại mở yến tiệc, ca hát, ta lén đến chỗ ngụ, gặp gỡ Lý tiên sinh xem sao, có phải tốt hơn không?”
Chủ ý đã định, liền sắp đặt mọi thứ, khóa kỹ gương hòm, lấy ra một tấm lụa mỏng, viết một thiếp gửi lại Dương đại nhân, đặt lên án thư, chận kỹ lưỡng. Lại sợ lính tuần ngoài phố sẽ ngăn trở, bèn quay trở lại, lấy trộm binh phù, cải trang làm một viên nội quan trong phủ Dương đại nhân, cầm một chiếc đèn lồng, dáng điệu đàng hoàng, đi ra khỏi phủ. Mới được một quảng, đã thấy ba bốn lính tuần đến hỏi:
- Quan nhân đi đâu vào lúc này.
Xuất Trần đáp:
- Ta là nội quan trong Dương phủ, có công vụ khẩn thiết, tìm đến doanh trại lấy ngựa để đi, các anh hỏi làm gì?
Bọn tuần binh đáp:
- Chúng tôi hỏi kỹ, sợ có điều gì nghi ngại chăng.
Nói rồi, bọn này gõ chiêng ầm ĩ bỏ đi.
Một lát sau, đã tìm thấy ngõ Tây Minh, Xuất Trần lần ra nhà thứ ba, thì đó là một nhà lầu to lớn, vội gõ cửa. Chủ nhà mở cửa ra nhìn kỹ một hồi, rồi hỏi:
- Huynh ông tìm ai ở đây?
Xuất Trần đáp:
- Lý tiên sinh người Tam Nguyên, ngụ ở đây phải không, thưa chủ nhân?
Chủ nhà đáp:
- Xin mời đi vào cửa phía Đông, ngay phòng đầu tiên là phòng của Lý quý khách.
Xuất Trần nghe nói thế, vội bước vào. Lúc này Lý Tĩnh ăn xong bữa tối đã lâu, đang ngồi trong phòng, dưới đèn nghiền ngẫm quyển binh thư của Long Mẫu tặng dạo chàng đi làm mưa thay cho Long vương, nghe tiếng gõ cửa, vội mở ra nhìn, chỉ thấy:
đen láng
Mày thúy tóc cao, gương mặt sáng
Gương mặt sáng
Áo tía, đai mềm
Phục trang duyên dáng
Hé môi đào, phấn mờ lấp loáng
Tay nắm binh phù, ân cần dặn
Nghi ngờ nào hết
Lòng này khó đoán.
Xuất Trần điềm tĩnh đi vào, đặt nhẹ nhàng binh phù lên bàn, cùng Lý Tĩnh vái chào nhau xong, cùng ngồi, Lý Tĩnh lên tiếng hỏi:
- Quý khách ở đâu lại, có việc gì dạy bảo?
Xuất Trần đáp:
- Tiểu đệ họ Trương, làm nội quan trong Dương phủ, được lệnh của Dương đại nhân sai tới đây.
Lý Tĩnh vẫn khăng khăng:
- Vậy quý quan có điều gì chỉ giáo?
Xuất Trần đáp:
- Vừa rồi, Dương đại nhân có cho gọi tiểu đệ lên và dạy rất nhiều điều, xin cứ từ từ sẽ thưa lại. Tiên sinh vốn là bậc nhìn xa trông rộng, thông minh khác thường. Xin tiên sinh hãy thử đoán xem có chuyện gì, nếu tiên sinh đoán đúng được, thì tiểu đệ xin hoàn toàn phục tiên sinh thật đúng là bậc hào kiệt trên đời này vậy?
Lý Tĩnh băn khoăn:
- Như thế này thì càng lạ hơn nữa, làm thế nào mà tiểu nhân này có thể đoán được.
Lý Tĩnh cúi đầu nghĩ ngợi một lúc rồi tiếp:
- Tiểu nhân sáng nay vừa vào phủ bái yết Dương đại nhân, ngài tiếp đãi rất ân cần, chuyện trò rất thân mật. Nhưng không hề thấy Dương đại nhân nói gì về cuộc gặp gỡ này cả. Hay đại nhân vừa nảy ra ý, sai quý quan ra mời tiểu nhân làm ký thất trong dinh?
Xuất Trần đáp:
- Dương phủ tuy giấy tờ sổ sách rất nhiều, nhưng cũng đã có tới một trăm hai mươi người lo việc này rồi, đều là những bậc tài nghệ trong dám chữ nghĩa, cũng có thể gánh vác được công việc. Dương đại nhân không hề có ý định đem cái tài vùng vẫy của tiên sinh, ép vào đám liêu thuộc lặt vặt ấy. Tiên sinh đoán sai rồi. Xin tiên sinh hãy nghĩ lại xem.
Lý Tĩnh nói:
- Nếu đã không phải thế, hay Dương đại nhân cần tiểu nhân đến một nơi nào làm thuyết khách cho đại nhân chăng? Để may ra có thể đem lại mưa thuận gió hòa cho bầu không khí chính trị của quốc gia này chăng?
Xuất Trần đáp:
- Cũng không phải rồi! Thôi để tiểu đệ thưa vậy. Đại nhân có một tiểu thư nối dõi, tài mạo song toàn, tuổi vừa cập kê, đại nhân rất quý không muốn gả khỏi cửa. Nay thấy tiên sinh anh hùng, trác việt, nếu kén rể tài, thì thiên hạ không ai bằng tiên sinh, vì vậy sai tiểu đệ đến đây nói rõ cho tiên sinh biết ý đồ của đại nhân.
Lý Tĩnh nghe thấy thế, bèn băn khoăn:
- Nếu có chuyện này, thì cũng thật khó nói, tiểu nhân hiện giờ bốn biển là nhà, chẳng khác gì cánh bèo, chẳng bám vào đâu. Lại thêm chí này chưa toại, đâu đã phải lúc nghĩ đến chuyện gia tư. Dù được Dương đại nhân chọn lựa, nhưng đâu phải chỗ môn mi tương xứng, quý tiện khác xa, xem ra không thể chấp nhận. Xin phiền quý quan vì tiểu nhân mà kiếm lời mềm mỏng từ chối hộ cho.
Xuất Trần đáp:
- Tiên sinh không nên nói lời từ chối. Dương đại nhân hiện là trọng thần của nhà vua, một lời nói ra khiến một người như tiên sinh có thể vinh, có thể nhục. Nếu tiên sinh chịu nhịn nhục ít nhiều, mà bước vào cửa phú quý thì quả là phú quý không thể lường sẽ đến với tiên sinh, xin đừng khư khư giữ nếp xưa mà cự tuyệt vội. Tiên sinh hãy thận trọng nghĩ đi nghĩ lại cho?
Lý Tĩnh nói:
- Phú quý của con người là điều không phải cầu mà được. Nhân duyên cũng là điều không thể đi ngược lẽ thường. Xin hãy cứ để chờ cho ít lâu xem sao. Còn nếu như có sự bức bách, thì tiểu nhân xin đi ngay, lại phiêu bạt giang hồ, nay Tề mai Sở vậy.
Xuất Trần nghiêm sắc mặt nói:
- Tiên sinh không nên vội vã nói những điều khinh suất như vậy, tiểu đệ trở lại phủ, tâu lại những lời vừa rồi của tiên sinh, Dương đại nhân nhất thời nổi giận, thì dẫu tiên sinh có cánh đi chăng nữa, cũng khó mà giữ nổi tính mạng.
Lý Tĩnh biến sắc, đứng dậy nói:
- Quý quan là bậc thay mặt Dương phủ, xin quý quan đừng dọa người. Lý Tĩnh tôi không phải là kẻ dễ run sợ đâu. Mặc cho tiếng lớn quyền cao của thầy trò quý quan, ta cũng xem như tượng gỗ. Còn về chuyện này, thì dẫu đầu có rơi chăng nữa, ta cũng quyết không nghe theo đâu.
Hai người đương lúc to tiếng, thì một khách trọ ngay phòng bên đẩy cửa bước vào, chắp tay vái chào lia lịa rồi hỏi:
- Vị nào là Dược Sư đại huynh?
Lý Tĩnh lúc này lửa giận vẫn chưa nguôi, đáp luôn:
- Chính tiểu đệ!
Xuất Trần chú ý nhìn người khách mới vào, rồi chắp tay từ tốn hỏi:
- Xin được biết quý tính?
Khách mới vào đáp:
- Tiểu đệ họ Trương.
Xuất Trần buột miệng:
- Thiếp cũng họ Trương.
Nói xong, Xuất Trần biết lỡ lời vội lấp liếm:
- Vâng tiểu đệ cũng họ Trương, nếu như quý khách không chê, xin nguyện kết làm anh em vậy.
Khách nghe nói thế, lại đưa mắt nhìn kỹ một lần nữa, rồi cất tiếng cười lớn:
- Tiểu đệ với Trương hiền đệ mà kết làm anh em thì thật là tuyệt diệu!
Lúc này Lý Tĩnh mới hỏi khách:
- Xin được biết cao danh Trương đại huynh?
Khách đáp:
- Tiểu đệ là Trọng Kiên.
Lý Tĩnh chắp tay kính cẩn hỏi:
- Có phải đại huynh là Cầu Nhiệm Công không? (1)
Khách đáp:
- Đúng rồi. Tiểu đệ vừa mới đến trọ ở gian bên, tai nghe hai vị trò chuyện, biết là đại huynh Dược Sư, nên vội sang gặp mặt. Nhưng điều bàn cãi giữa hai vị, tiểu đệ nghe rõ cả. Nhưng có điều Trương hiền đệ hoàn toàn không phải vì Lý đại huynh mà "chấp kha phạt mộc" (2) đâu, mà phải thấy cho rõ tâm sự của Trương hiền đệ. Nếu không có cái sắc sảo của tiểu đệ, thì xin để tiểu đệ nói ra vậy, tiểu đệ xin sẵn sàng đứng ra làm cái việc "chấp kha phạt mộc" cho hai vị có được không?
1 Cầu Nhiệm Công: cầu là con rồng có sừng, nhiệm là râu tốt, công là từ xưng hô có ý kính trọng.
2 Đứng ra làm mối, xin xem chú thích ở hồi 6.
Xuất Trần đáp:
- Gốc tích của tiểu đệ, Trương đại huynh đây rõ cả, tiểu đệ cũng không đám giấu nữa.
Rồi đứng nép vào góc nhà, kéo cánh cửa che kín, mỡ khăn đen trên đầu, cởi áo giả trang, quay ra nói:
- Thiếp chính là nữ quan trong Dương phủ, nhân thấy Lý đại nhân dung mạo khác thường, nguyện ý cũng muốn gửi thân suốt đời, vì vậy cũng không lấy việc tự đến làm thẹn, nên nhân đêm tối đến đây.
Trọng Kiên nghe nói thế vỗ tay ca ngợi tận tình, còn Lý Tĩnh thì hỏi:
- Vậy có phải người cầm phất trần ban sáng trong Dương phủ chăng? Nếu hiền khanh đã có ý định tốt lành đến thế, sao không nói ngay từ ban đầu, làm cho ta băn khoăn, lo lắng đến đứt cả ruột.
Xuất Trần đáp:
- Chỉ vì chàng con mắt không tinh, chẳng như Trương đại huynh đây, sớm nhận ra ngay, chẳng đến nỗi thiếp phải múa máy ba tấc lưỡi mãi mà không xong.
Trọng Kiên cười nói.
- Thôi vợ chồng hãy đừng ngồi rỗi nữa, mau mau làm lễ bái tạ trời đất. Để tiểu đệ đem tiệc rượu đã bày sẵn bên kia sang đây, để làm tiệc hoa chúc động phòng, rồi làm vài chén cho càng thêm vui vẻ, liệu có nên chăng?
Cả hai nghe nói thế, vội vàng xếp đặt, làm lễ tạ ơn trời đất.
Xuất Trần lại đội khăn đen, mặc áo nội quan vào, Lý tĩnh bèn nói:
- Hiền khanh còn ăn mặc những thứ ấy vào làm gì nữa?
Xuất Trần đáp:
- Lúc nãy đi vào đây, mọi người thấy là nội quan, nay lại thấy là phụ nữ, thì nhất định là không xong với họ rồi.
Lý Tĩnh gật gù đáp:
- Đúng là một phụ nữ tinh tế lắm!
Trọng Kiên liền gọi đầy tớ, đem tiệc rượu sang. Mọi người nâng chén chuyện trò, rượu được ba chén, Xuất Trần hỏi Trọng Kiên:
- Đại huynh bao giờ thì lên đường?
Trọng Kiên đáp:
- Mọi chuyện đã xong cả, ngày mai sẽ đi.
Xuất Trần nghe nói thế, liền đứng dậy nói với Lý Tĩnh.
- Nhờ chàng tiếp hộ Trương đại huynh uống thật say. Thiếp xin vắng mặt một lát, sẽ về ngay tức khắc.
Lý Tĩnh đáp:
- Cái này lại cũng kỳ. Giờ này còn đi đâu nữa hiền khanh.
Xuất Trần đáp:
- Việc này thì chàng chẳng cần phải đoán mò. Chỉ một chốc sẽ thấy ngay.
Nói rồi lại châm đèn lồng, đi ra cửa. Lý Tĩnh thấy vậy, lòng rất đỗi hoang mang. Trọng Kiên trấn an:
- Người con gái này cử chỉ khác thường, cũng là rồng là hổ trong đám người thường đấy, nhất định sẽ về ngay bây giờ đấy mà!
Hai người vừa trao đổi với nhau vài câu chuyện, đã nghe ngoài cửa có tiếng ngựa hí vang, Xuất Trần đã về trước cửa phòng. Trọng Kiên hỏi:
- Hiền muội vừa đi đâu về thế?
Xuất Trần đáp:
- Thiếp gặp được Lý Dược Sư đây, coi như đã có chỗ nương thân suốt đời vốn không phải là chuyện ham muốn trai gái. Đêm nay lợi dụng có binh phù trong tay, vừa rồi mới đến doanh trại trung quân, lấy ba con ngựa tốt. Chúng ta uống rượu xong, tất cả hãy thu xếp ra ngay khỏi cửa thành, đã có binh phù đây, quân tướng coi thành cũng chẳng dám gây khó dễ. Chúng ta mượn sức ngựa, trở về Thái Nguyên, có phải là tiện lợi cả đôi đường không?
Hai người nghe Xuất Trần nói thế đều tán thưởng hoàn toàn, ăn uống xong, lập tức thu dọn hành lý, từ tạ chủ nhân, cả ba lên ngựa, đường dài thẳng bước ruổi giong.
Sáng ngày hôm sau, Dương Tế không thấy Xuất Trần vào phủ hầu, lập tức sai người đi tìm, thì thấy ở nhà riêng, từ tư trang đến quần áo tế nhuyễn, đều không hề suy xuyển, kê khai rõ ràng, lại có cả thư trình Dương Tố, để lại trên án thư, sai quan lấy về đưa lên. Dương Tố đọc thì thấy:
Phủ Việt Quốc, hầu gái cầm chổi đó là Trương xuất Trần, cúi đầu kính bẩm:
Thiếp vốn bồ liễu phận hèn, gặp may nương nhờ cửa quý. Tuy không được như A Kiều trong nhà vàng (1) cũng tạm gọi là Tiểu Tú trên mâm ngọc (2).
Thế thì có gì bất mãn mà nuôi lòng ra đi. Thiếp từ bé đã học được thuật lạ xem tướng của Lý Chân Quân, dùng đôi mắt sáng, thấu kẻ anh hùng. Có thể bảo rằng dùng cỏ dại dựa chồi lan, dây dằng nương khóm trúc, tránh được tiếng làm vợ kẻ ngốc vớ phải chồng đần mà thôi, cơ trời đã đến, không thể ngồi yên. Nay ra đi, cử chỉ minh bạch không hề bợn thói dâm bôn như lũ gái thường. Kính bẩm!
1 A Kiều: Hán Vũ Đế khi còn làm thái tử, có người muốn gã con gái tên A Kiều cho, hỏi: "Có muốn lấy A Kiều không?” Vũ Đế đáp: "Nếu lấy được A Kiều sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở" (Hán Vũ cố sự).
2 Tiểu Tú: chưa rõ tích nào?
Dương Tố xem xong, lòng lấy làm thanh thản. Biết rõ Xuất Trần là kẻ anh hùng, nên dặn kẻ dưới không được làm ầm ĩ, không được đem làm chuyện bàn tán lôi thôi.
Nhưng không biết về sau chuyện sẽ ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.

Truyện Tùy Đường Diễn Nghĩa Lời Nhà Xuất Bản Hồi Thứ Một Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Năm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm