rong khi ấy, Trâm đặt chàng lên một cỗ xe Dâm Thân có bốn ngựa kéo đi.Má Hải hóp, lưng Hải còng, con mắt chàng lờ đờ, chàng ba mươi hai tuổi mà người ta ngỡ là bốn mươi nhăm. Chàng ốm đau luôn. Chàng thường thường lại đến xin ông chủ nghỉ. Người ta gặp chàng lúc nào cũng cặp kè lấy Trâm.Một hôm có một người bạn trong sở đi chơi ở Hàng Khay và nhìn chung quanh mình. Bỗng anh ta thấy một cặp khoác tay nhau đi ở giữa đám tây đầm, mà người đàn bà thì tuyệt: một phần người ở trong lụa, một phần người ở trong nhung và còn lại thì ở trong ngọc, vàng. Chính thế! Người đàn ông đó là Hải vậy.Hôm khác một người bạn đi làm một việc mà người đàn ông, suốt một đời, thế nào cũng phải làm một bận: vào một tiệm nhảy, uống một ly rượu mạnh, gái nhảy dập dìu. Các bà sang trọng dắt tay chồng đi lượn theo điệu kèn.- Tôi nhìn cẩn thận lắm. Tôi không lầm: người đàn ông đó chính là Hải vậy.Lại có một người trẻ tuổi nọ, một buổi trưa mùa rực ra Đồ Sơn để tắm. Trong khi anh ta đương di chân xuống cát để giết chết những con dã tràng, một người bạn níu anh ta lại:- Anh! Anh có thấy con Trâm với thằng Hải không?- Có! Khỉ ạ! Tôi bảo nó: “Thế nào, anh không đi làm à?” Nó trả lời tôi: “Chán chết!”Cũng có hồi mà không ai gặp Hải và Trâm đâu cả.Những người nào đã thấy họ, lúc ấy mới lên tiếng rằng:- À! Các bác ạ, tôi cứ quên mãi, bây giờ có nói thì mới lại sực nhớ ra. Con Trâm, con Trâm nó vẫn cứ quấn lấy thằng Hải của chúng mình như thể con móc rách. Tôi thấy thế bèn hỏi Hải xem đến hôm nào nó mới lại đi làm, thì con đĩ ngựa ấy nó cướp lời mà trả lời thế này: “Gớm! Sao bác ác thế? Bác định để cho em trơ trọi một mình hay sao?”- Không, không, Trâm ơi, Hải đời nào lại để cho Trâm trơ trọi một mình cho Trâm buồn.- Ừ, nếu mình không muốn thấy tôi buồn thì từ giờ chiều chiều mình phải dắt tôi đi chơi mát lấy không khí. Như thế, chúng ta sẽ ăn được và ngủ ngon.Trâm là một người đàn bà nói là làm luôn. Nàng nhanh nhẹn lắm, nói thì ít nhưng mà nói đâu ra đấy.Cuộc đi chơi của họ giản dị lắm. Một người đứng đắn đến đâu mà thấy họ đi như thế cũng không thể bảo là chướng mắt.Họ đi và họ nhìn chung quanh họ. Rất nhẹ nhành. Trâm thỉnh thoảng mới chêm vào một câu:- Mình ạ, lắm lúc nghĩ cho thực kỹ thì Hà Nội cũng có nhiều cái lạ lắm.Nàng ghì lấy tay Hải, đi sóng đôi với chàng.Một lát sau:- Nói đến những cái lạ, em mới sực nhớ ra. Ở kia anh ạ, có một đôi dép đỏ, gót cao trông thực lạ lắm. Mình cứ tưởng tượng nếu đi vào thì mát lạnh cả chân.- Ơ, em thích à? Bao nhiêu?- Ui giời, đắt lắm! Thôi, mua làm gì cho tốn tiền. Thế nhưng mà nhân tiện ta đi qua đây, chúng ta cũng cứ thử vào xem sao. Anh chưa đói chứ? Em chắc anh mà trông thấy đôi dép đi thì “mê tít cù lỳ” đi ngay...Chàng là một người lịch thiệp:- Anh đã thích thì ắt em phải thích. Không thích thì em cũng phải chiều anh mua đôi dép này.- Gớm! Mình... sao mình tình tứ thế? Ừ thì mình mua đi, cần gì!Những buổi đi chơi sau, Hải nói trước:- À này! Có hàng bán coóc-sê đẹp chưa này. Em có muốn mua một chiếc không? Mua đi, rồi chúng mình đi ăn.- Thôi, tôi lạy mình. Mình phí phạm quá. Đi ra đàng này, đi.Bởi vì Trâm đã cho là phí phạm, Hải mua ngay cái coóc-sê đắt tiền nhất cho mà xem.- Không sợ, không sợ. Cái tình ở với nhau là quý, chứ đồng tiền anh không cần!Trâm đánh đu vào tay Hải:- Mình ơi, mình yêu quý ơi... Mình yêu em lắm nhỉ, em sẽ đền cho mình nhé...Những câu chuyện của Trâm và Hải nói trong những buổi đi chơi mát đại khái đều như thế cả. Nói xong rồi, tiền trả rồi, họ lại đi như không có gì xảy ra.Vào hồi đấy, Hà Nội có những ngày rất đẹp, không nắng, không mưa, không gió - những ngày êm dịu, đi ngoài đường mà tưởng như là ở trong nhà. Người ta không thấy mặt trời. Chỉ ở trên ngọn cây cao lắm mới có gió gieo vào những lá cây xanh rờn: người ta bảo đó là mùa thu sắp tới. Đi quanh quẩn và đi bước một ở giữa sự vật mà người ta trông thấy là một sự việc rất nên thơ.- Cửa hàng ở bên trái, cửa hàng ở bên phải, cửa hàng ở trước mặt, cửa hàng ở sau lưng. Chúng ta lại xem đi.Hải đã nói đúng. Hà Nội có lắm cửa hàng thực. Những cửa hàng ấy phần lớn là để cho đàn bà dùng. Hình như bởi tại đàn bà thấy nhiều sự cần dùng hơn đàn ông. Có thứ dù bằng lụa vạch tím trông rất đẹp; có những quần đùi nhỏ bằng bàn tay nó làm cho bà có cảm giác rằng trước khi bà mặc nó, bà không biết một vài đức tính của bà; có thứ nhẫn đeo vào ngón tay một tí thì thấy mình có giá trị nhiều hơn lên. Ngoài những thứ ấy ra, về riêng phần Hải, Hải lại thấy những cửa hiệu ấy có những ca vát tốt khác hẳn những “ca vát rayonne” chỉ có đồng hai một cái. Có những thứ lược bằng sừng mà trong suốt như thuỷ tinh; có những thứ “eau de cologne” để xức tóc bởi vì lúc nằm giường hay lúc đi lại tóc cũng phải cho thơm và mượt.Chứ không ư? Người đàn ông, ở ngoài phố cũng cần phải ăn bận cho xứng đôi với vợ hay nhân tình...Thật là một thời kì đẹp đẽ nhất trong đời người. Chân thì đặt ở giữa đất Hà Nội mà mắt thì mở to nhìn ánh sáng, Hải thấy mình ít ra cũng là một kẻ có nghĩa lý trên trái đất, có đâu như những bè bạn của chàng, mới đi hát được dăm bảy chầu chay rồi về ăn cơm với rau cải mà đã tưởng là sống một cách “ông hoàng” lắm.Hải đã biết: trong bọn bạn làm cùng sở với chàng, cũng có lắm người đủ ăn, không đến nỗi nheo nhóc lắm. Có người bây giờ thỉnh thoảng đi xem hát; có người mỗi khi mùa xuân đến lại xin nghỉ phép một buổi để đi hội Lim chòng ghẹo đàn bà, con gái ở Chợ Dầu, Đình Bảng. Có người mỗi khi lĩnh lương, lại chơi ngông, cổ động bạn hữu chung tiền lại để đi nhảy đầm đến một giờ sáng mới về; có người lấy vợ lẽ, cô dâu giấu mỗi chỗ mà lại có con, mỗi khi có xu thì lại ra những hiệu tạp hóa mua một cái vú bò cho con ngậm; có người vì một sự tình cờ, một bữa ở sở ra gặp một người đàn bà trẻ tuổi rồi cùng với người ấy, cả đêm hôm ấy đi đâu không biết...Bao nhiêu người... bao nhiêu chuyện!Nhưng bao nhiêu người ấy, sao cho bằng Hải được? Hải đã bỏ xa họ quá. Chỉ dăm bảy năm của Hải bằng anh em sống cả một đời người: Hải đã đi xa hơn nhà hát, Hải đã đi xa hơn cả Chợ Dầu, Đinh Bằng, Hải đã đi xa hơn tiệm nhảy đầm, Hải đã đi xa hơn tiệm tạp hóa, Hải đã đi xa hơn sự tình cờ, Hải đã đi xa hơn cả bất cứ đâu nữa.Hải đi xa vậy và hình như sẽ không ngừng lại bao giờ. Anh em trong sở, thấy thế đem ra bàn luận:- Nói láo. Rồi nó cũng phải có ngày ngừng lại chứ!- Chưa chắc.- Ừ, anh bảo nó ngừng lại thì nó ngừng lại ở chỗ nào?- Chỗ chết!