Đến lúc bao nhiêu của cải chắt chiu dành dụm, từng ngày từng ngày mang ra tằn tiện đong đo những lon gạo đầy đá sạn bông cỏ may với giá hạng bét, từng chút mắm muối để dành ăn mà sống cũng cạn kiệt. Chị nhìn hai đứa con ốm o khẳng khiu nước mắt không sao ngăn lại nổi, thì cứ khóc, khóc cho hả hê khóc thiệt ngon lành. Dòng nước mắt đâu có vơi đi những cho chị chút nào sự lo âu khắc khoải từng đêm nằm thao thức ôm con, lòng chị cứ quặn thắt từng khúc ruột. Ngày mai mình phải làm gì? chị tự hỏi rồi chính chị tự nhìn ra hoàn cảnh của mình hiện tại mà lo âu trong bóng đêm, chị nhìn hai đứa con bên cạnh, giấc ngủ thơ ngây của con lại vực dậy với thân xác của chị cũng đã cằn cổi theo tháng ngày một niềm an ủi. Chị nhìn ra bên ngoài thấy tình trạng thê thảm của bao nhiêu người cũng đang gánh chịu chứ đâu phải chỉ riêng chị. Vốn liếng với đồng lương của chồng có bao nhiêu đâu mà để ra ngoài buôn bán kiếm sống. Chồng chị chỉ là một hạ sĩ quan trong quân đội với đồng lương chính phủ, chị giỏi thu vén dành dụm đâu có đáng là bao, rồi tới ngày tiễn chồng  ra ngồi chòm hỏm kiểu nước lụt ở nơi trụ sở phường khóm để tập trung cùng bao nhiêu số phận của người lính thua trận được khoác vào chiếc áo nguỵ quân nguỵ quyền khác, ngồi nghe những kẻ chiến thắng bảo đi một tuần lễ học cho thông chính sách của đảng rồi sẽ trả về nhà. Không biết khi con người ta rơi vào tận cùng của sự tuyệt vọng thì người ta ngây thơ và dễ tin hay sao. Thế là anh an ủi vợ con yên tâm " chắc họ đưa đi cao lắm là một tuần hoặc mươi ngày là cùng ". Chị dầu có sắc sảo hiểu biết cách mấy trong lúc này đầu óc cũng mù mờ cũng tin vào những lời hứa hẹn thật hết sức man trá để rồi anh ra đi biền biệt nơi đâu cũng không hề biết.
Mãi năm sau được tin anh đang cải tạo ở một nơi đèo heo hút gió, chị phải băng ngàn vượt suối để tìm đến, mang cho anh một ít lương thực mà chị và hai con đã gói vào đó biết bao tình thương yêu nhớ nhung. Ngày gặp lại anh chị khóc cũng không dám, hai anh chị nhìn nhau đôi tròng mắt đỏ hoe, anh căn dặn đừng đi thăm anh nữa cố gắng thay anh nuôi con, anh chỉ sợ chị có mệnh hệ nào thì con cái phải bơ vơ. Anh nhìn sâu vô mắt chị bảo " anh sẽ không sao ".Với sự canh gác chặt chẻ, anh chị chỉ biết nhìn nhau cho đến khi những giây phút thăm viếng phù du trôi qua. Trên đường về nhà thế là nước mắt chị cứ trãi dài theo trên lối đi và chỉ một tháng sau chị được biết thêm tin tức về anh đã bị đưa đi cải tạo một nơi khác. Nơi hình như không có loài người sinh sống.
Rồi chị vâng lời anh lo chăm sóc con cái trong cái thế giới hổn mang đầy sự nghi kị, tráo trở lọc lừa.Có cô bạn chí thân cũng không đủ khả năng để giúp chị trong lúc này " lá rách đùm lá nát" cũng đều xác xơ như nhau. Đất nước đang đưa những kẻ bại trận đi tới khúc quanh vô cùng nghiệt ngả, chị đã có lúc nghỉ quẩn mua thuốc rầy về thuốc chết hết ba mẹ con cho xong, chị nghẹn ngào trong tiếng kêu bi thương " trời ơi sao mà khổ quá vậy trời!...". Tiếng kêu than trong đêm thâu uất ức nảo nùng, rồi từng ngày qua đi và chị phải trân mình ra đi trong mưa đêm để bán cho xong những chiếc bánh hầu mong kiếm chút tiền lời mang về nuôi con,hay chạy đưa hàng họ trên chiếc xe đạp cà rịch cà tàng từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, từ Chợ Lớn qua Phú Lâm, nơi đâu chị cũng cố đạp xe bằng chút sức mong manh giữa cơn nắng cháy da thiêu thịt,công sức chị bỏ ra cũng  chỉ đủ đong vài lon gạo nuôi con từng ngày,hình ảnh của anh luôn hiện ra trong những lúc chị gần như muốn buông xuôi tất cả, khi chiếc xe đạp ngừng lại sau một ngày làm việc, thì toàn thân chị run lập cập trên đôi chân như hai óng sậy chị hổn hểnh ngả quị xuống ngay bậc thềm nhà.
Sức khoẻ chị mỗi ngày mỗi yếu, tin tức về anh thì thật mơ hồ nhưng cho dầu nếu chị có biết, chị cũng không có đủ khả năng để đi thăm nuôi chồng đang bị cải tạo. Chị thấy có lổi với anh và sống trong lòng cứ luôn tự trách. Khổ cực nuôi con đã bào mòn thân xác, đau khổ vì không lo được gì cho chồng khiến cho chị đã bị bệnh bao tử, căn bệnh không làm chị chết nhưng đã làm khổ chị suốt mấy năm dài đăng đẳng với nỗi nhớ thương về anh.
...
Mười lăm năm sau chị bàng hoàng khi được nhận được giấy tờ bảo lãnh của anh gửi về để lo cho chị và hai con qua nước Mỹ .Trong thư anh chỉ nói ngắn gọn không đủ bù đắp cho sự khao khát nhớ nhung của chị trong suốt thời gian qua, chị mừng mừng tủi tủi, tâm trạng hổn loạn hoang mang, nhưng với giác quan bén nhạy của người đàn bà chị đã có cảm giác nghi ngờ một điều gì đó, nhưng tất cả là một tương lai mở ra trước mắt đầy hy vọng, chị dẹp bỏ mọi nghi vấn để sống và chờ ngày ra đi đoàn tụ với chồng.
Đón chị ở phi trường là một người đàn ông thật lạ đang dương cao tấm bảng viết tên của chị, những phút giây hồi hộp khi phi cơ vừa hạ cánh vẫn kéo dài cho tới khi chị cùng hai con bước ra bên ngoài vẫn còn hiên rỏ trên gương mặt tái xanh khô héo. Chị ngỡ ngàng cùng hai con bước tới chổ người đàn ông lạ mà khi trên đường về được biết tên là Kính. Người đàn ông cho biết là bạn của chồng chị và sẽ thay mặt để đưa chị cùng hai con đi làm đủ mọi thủ tục khi đến nơi đây. Chị là người đàn bà ít nói,trước người đàn ông lạ chị lại càng ngại ngùng không dám hỏi gì thêm, chỉ nghe ông Kính nói là chồng chị đang bận bịu chuyện làm ăn nên chưa gặp chị ngay bây giờ được.
Trong một căn biệt thự được nằm trên triền núi, nơi khu vực của những căn nhà trị giá trên bạc triệu, bên ngoài mùa thu đã bắt đầu với những chiếc lá vàng thi nhau rơi rụng phủ ngập cả không gian. Trong khung cửa người đàn ông trong chiếc xe lăn thật mệt mỏi với căn bệnh âm ĩ kéo lê theo số phận của ông, những ngày tháng bị đày đoạ trong lao tù, trong rừng thiêng nước độc, ông đã mang số mạng ra đánh một ván vài định mệnh, ông đã trốn thoát khỏi nhà tù hắc ám, né tránh tất cả mọi liên hệ, sống chui nhủi ở những nơi bãi rác hôi hám với ý chí nung nấu phải tìm cách ra khỏi cái đất nước đang nằm trong tay kẻ thù, ông đi lang thang như một kẻ hành khất,nước mắt ông đã khô, có nhà mà không dám trở về thăm vợ con vì sợ họ bị liên luỵ, có quê hương mà sao quá mờ mịt. Một tình cờ đầy sự ân sủng của thượng đế, một hôm ông lang thang ngủ ngay khu vực được người ta bỏ vàng ra mua để đưa người vượt biên. Thế là trong lúc đưa người ông vô tình được kéo lên tàu. Gã hành khất lang thang đâu ai biết là một hạ sĩ quan trong quân đội, lại là người đứng ra quyết định cho những sinh mạng trên chiếc tàu mong manh khi bị lạc mất phương hướng giữa biển khơi. Trước sự quả quyết của viên hạ sĩ quan mọi người đặt hết niềm tin và con tàu đã được đưa vào bờ một cách an toàn.
Định mệnh lại thêm một lần nữa đã mang người thiếu nữ đi chung một chuyến tàu đến gần bên ông. Người đàn ông trong phút giây yếu lòng đã bị cột ràng vào hệ luỵ, ông làm sao mà có thể quên vợ con cho được, nhưng người đàn bà bên cạnh vì quá yêu ông đã trở nên  ích kỷ, tìm đủ mọi cách để ông chỉ thuộc về bà. Họ được đưa qua Mỹ, cùng nhau lo toan cuộc sống nơi đất lạ, ông đã có thêm một đứa con, đứa con  là sợi dây cột chặt đời họ lại với nhau. Rồi cũng có những xung đột xảy ra trong gia đình khi ông có ý muốn bảo lảnh vợ con qua và lần nào ông cũng chán chường với những luận điệu của người vợ, buồn bã và bệnh hoạn đã làm cho ông chán nản mọi thứ để mặc cho vợ muốn làm gì thì làm, mãi cho tới khi người vợ đang chung sống với ông phát hiện ra căn bệnh của ông đã không còn hy vọng. Bà mới hé mở trái tim để cho ông làm cái việc mà đúng lý ông phải làm từ lâu. Khi có một niềm hy vọng thì căn bệnh của ông như đứng lại để đợi chờ người vợ và hai đứa con tội nghiệp đang còn ở lại bên kia bờ đại dương.
Cánh cửa phòng hé mở, người đàn bà dáng dấp sang trọng bước vào đi đến ngồi đối diện với ông, bà nói
_ chị đã qua tới, mình có muốn cho chị gặp không?
Ông đưa đôi mắt lờ đờ, căn bệnh tiểu đường đã huỷ hoại gần như toàn bộ trên thân xác của ông.
_ thôi hãy để cho chị mang theo hình ảnh ngày xưa của anh như vậy tốt hơn
Người đàn bà quì xuống dưới chân ông nước mắt ràn rụa
_ em xin lỗi mình là em đã sai rồi, em ích kỷ vì quá yêu mình mà ra cả, em là tội nhân nặng lắm mình cứ chưởi em đi.
Ông đưa tay ra để  vuốt lên mái tóc của bà ra điều tha thứ, bởi cái sản nghiệp có được hôm nay, để cho ông được an nhàn gần hết cuộc đời cũng có một đôi tay của bà năng nổ gầy dựng, bà đã không chê bai khi ông lếch thếch như một con chó hoang không nơi nương tựa, khi ông chỉ còn một thân xác tàn tạ mất hết ý chí hồi sinh. Bà đã đến thật đúng lúc để vực ông trở dậy, cho nên trước những hành động ích kỷ hẹp hòi bà cũng chỉ là một người đàn bà đáng thương mà thôi.
Chỉ hai tháng sau ông qua đời, bà hứa với ông là vẫn không cho người vợ và hai đứa con biết tin. Bà đã giao hết trách nhiệm cho chú Kính lo toan mọi thứ cho cuộc sống của những người vừa qua nơi đây. Nhưng bà không bao giờ có thể che giấu hay ngăn ngừa nổi tâm linh của một con người.
Một năm sau ngày giổ đầu của chồng, bà cùng con đi viếng mộ. Sau khi bày biện mân quả vái lạy, bà cầm trong tay bó nhang lớn để đi thắp chung quanh ngôi mộ của chồng như một hành động thân tình với những người khuất mặt khuất mày. Mộ ở Mỹ thường nằm sát xuống mặt đất, bà đứng lên sau khi thắp cho những ngôi mộ phía trước và hai bên, bà bước lui sau ngôi mộ của chồng, bà đã đứng chết sửng khi trên tấm bia đá tấm hình của người đàn bà mà chú Kính đã rữa thêm mang về cho bà một tấm để biết mặt vợ con của chồng mình. Trên bia mộ khắc ngày chết chỉ sau ngày chồng bà qua đời chỉ đúng một tháng.
Lúc họ còn sống bà có thể cản ngăn, nhưng bà cũng không thể cản ngăn được tấm lòng của chú Kính, người đã không thể nhẫn tâm giấu mãi những tình huống đau thương. Chú Kính đã cho người vợ đau khổ biết hết sự tình, chị vẫn luôn là một người đàn bà nhận mọi thua thiệt về mình, chị đã cảm thông và tha thứ cho lổi lầm của anh như chị đã tự cởi bỏ ra niềm tự trách bấy lâu nay. Chị đã thanh thản không còn dùng chút hơi sức mỏi mòn để cố níu giữ lại thân xác của mình nữa, chị đã buông tay theo anh về bên kia thế giới, có lẻ họ còn có rất nhiều điều cần phải nói cho nhau...
Mầu Hoa Khế Aug9.2010

Xem Tiếp: ----