Bút ký của Quân Tấn

*

Tôi biết anh từ khi tôi còn là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Cần Thơ. Anh cũng chưa là một tay sành sỏi trong làng sách cũ. Hôm đó, một buổi chiều hạ mưa rả rích năm một ngàn chín trăm chín mươi bảy, (mùa hè, cũng như nhiều bạn bè sinh viên khác phải bươn chải mưu sinh, tôi không về quê mà ở lại đi vác trái cây mướn ở chợ Cái Răng để kiếm tiền), mới ba giờ hơn mà trời đã sụp tối. Tôi gặp anh ngồi thu lu dưới góc mái hiên của một tiệm vàng, bộ quân phục đã bạc màu hơi nhàu nát. Trước mặt là một mớ sách cũ để trên tấm cao su lót dưới nền xi măng loang lổ, lấm tấm nước, trên tay là một cuốn sách dày cộm. Tôi liếc qua mớ sách: “Rừng Nga” của Lêôpôn; “Đêm Lisbon”, “Thời Gian Để Sống Và Thời Gian Để Chết”, “Khải Hoàn Môn” của Eric Rơmac; “Ba Người Lính Ngự Lâm”, “Hoàng Hậu Macgô” của Alêchxăng Đuyma; tuyển tập Lỗ Tấn; “Đống Rác Cũ” của Nguyễn Công Hoan; “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân; “Bút Máu” của Vũ Hạnh; “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh… với nhiều cuốn sách mỏng nhỏ khác nữa chồng lên nhau nên tôi không đọc được tựa. Tôi nhìn lên tay anh, đó là cuốn “Những Chặng Đường Lịch Sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Mấy cuốn sách khá quá!” Tôi thầm khen. Có lẽ thấy tôi đứng nhìn hơi lâu, anh ngước lên, liếc tôi từ đầu đến chân rồi nói (hơn là lời mời) giọng lơ đãng:
- Sách cũ, bạn!?
- Không! Tôi không mua.
Anh mĩm cười dễ dãi, như là biết trước câu trả lời. Có lẽ nhìn bộ vó của tôi anh biết là kẻ rỗng túi hoặc anh nghĩ tôi không phải hạng người đọc những loại sách này, hoặc đây là một tình huống quá quen thuộc với anh. Tôi cởi chiếc bị trên vai xuống mở dây buộc, lần lượt lấy mấy cuốn sách ra đặt cẩn thận lên góc nilông còn trống. Tôi cất tiếng:
- Nè anh!
- Gì…? Giọng anh kéo dài ra, bất chợt thấy chồng sách của tôi, anh như chợt hiểu:
- Bán sách hả?
- Dạ… không!
- Vậy đem lại đây làm gì?
- Dạ, anh có cầm không?
Anh nhìn tôi như trẻ con lần đầu tiên vào sở thú. Rồi bất chợt, mắt lóe lên một ánh cười tinh nghịch:
- Đưa coi
- ……...
- Ừm, để coi coi: “ Hồng Lâu Mộng” sáu tập; “Đônkihôtê” ba tập; “Vỡ Bờ” hai tập; “Cù Lao Tràm” hai tập; “Ông Cố Vấn” ba tập… Được đó! bán luôn chớ?
- Không, tôi cầm!
- À a a!… chỉa của ông già hả?
- Không, của tôi!
- Thôi được! Bao nhiêu? Cầm bao lâu?
- Hai chục ngàn, mười ngày
- Rồi, xong!
Mười ngày sau, vừa lãnh tiền công xong, tôi chạy ra chỗ anh, nói:
- Rồi, đúng mười ngày, anh cho em lấy lại sách, tiền lời bao nhiêu?
Anh không trả lời, vừa lấy sách đưa cho tôi vừa hỏi:
- Của chú mày thiệt hả?
- Dạ!
- Chú làm…
- Em học đại học. Tôi đáp pha chút kiêu hãnh.
- Thôi, đem dìa đi.
- Nhưng tiền lời…?
- Khỏi, lần sau túng, ra tao!
Chúng tôi quen nhau từ đó.
Cái nghề bán sách cũ có từ bao giờ không rõ nhưng trước đây nó có tên tây: Bán sách xôn, tiếng Pháp có nghĩa là đất, nghĩa là sách để dưới đất bán(?). Theo cách nghĩ thô thiển của tôi nó cũng giống như bán quần áo cũ người ta gọi là bán đồ Si-đa. Cũng giống như bao ngành nghề khác có lúc thịnh lúc suy. Nghề bán sách cũ chết dần ở thời kỳ người ta mãi lo cơm gạo áo tiền. Đến những năm của thập niên tám mươi thì ở Cần Thơ người làm nghề này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Sau đổi mới vài năm, xã hội như được thổi vào luồng sinh khí, khi người ta tạm lo đủ cái ăn, cái mặc, việc đọc sách lại trở thành nhu cầu thiết yếu của con người. Vào những năm đầu thập niên chín mươi, nghề bán sách cũ có cơ sống trở lại và chuyển sang giai đoạn mới. Bán sách cũ thời kinh tế thị trường. Theo quan điểm của triết học đông phương, làm việc gì để thành công, cần phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nghề bán sách cũ cũng vậy. Anh bạn tôi tuy không phải là người có truyền thống làm nghề này nhưng khi bước vào nghề anh chiếm được thiên thời. (Còn địa lợi và nhân hòa của anh tôi sẽ nói sau). “Thời lai đồ điếu thành công dị mà chú em”. Anh cười hệch hạc, cái miệng tênh hênh phô cả răng lợi ra ngoài khi đôi mắt chìm dưới hàng lông mày rậm như thu cả bóng hình, tâm tư người đối diện vào trong ấy. Nụ cười thiệt hiền nhưng cũng thẳm sâu, sự thẳm sâu chất chứa thăng trầm, năm tháng của đời người. Sau này khi đã quen thân, nghe anh tâm sự chuyện đời mình tôi mới phần nào nhận ra cái chiều sâu thẳm ấy. Hình như nó được hình thành bởi sự hòa trộn giữa chất lính và mớ kiến thức tạp học thượng vàng hạ cám từ những cuốn sách anh đọc rồi tạo thành sự trải nghiệm của đời người. Anh vốn xuất thân nhà nông, quê ở Phong Điền, vùng quê cây trái ngọt lành nức tiếng gần xa. Tốt nghiệp mười hai định thi vô sư phạm thì nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Anh đăng ký đi bộ đội rồi qua chiến trường K, xuất ngũ về với tờ giấy thương binh 2/4. Vốn là người yêu sách như tính mạng, nên khi học hết phổ thông anh đã tích cóp được một tủ sách nho nhỏ. Những năm mặc áo lính, dù chiến trường ác liệt cỡ nào, dù đời sống bộ đội khó khăn khổ sở bao nhiêu, lúc nào trong ba lô của anh cũng có vài quyển sách. Xuất ngũ về, buông cây súng ra đôi bàn tay anh chỉ là đôi bàn tay trắng. Không vốn liếng, không nghề nghiệp chuyên môn, nơi cuối cùng anh có thể đến là quán càfê bà Bảy Ú ở đầu đường. Khi đồng tiền cuối cùng của anh chảy theo những giọt cà fê và tan thành khói thuốc Địa Cầu thì tên anh trong cuốn sổ bìa đen của bà Bảy càng kéo dài ra. Nhìn tới, nhìn lui đồ đạc trong nhà, cuối cùng tủ sách đập vào mắt anh. Trong đó mỗi quyển sách là một kỷ niệm, có khi là cả một câu chuyện. Đây là cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” anh mua năm lớp sáu, anh đã đọc nó lần đầu một mạch hết cả cuốn trong một đêm. Sau đó nó trở thành quyển sách gối đầu giường, mỗi đêm anh đều chọn ra một truyện đọc trước khi ngủ, kéo dài suốt khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đây là quyển “Thép Đã Tôi Thế Đấy” theo anh suốt thời quân ngũ. Hơn thế, nó còn vương dấu máu của Mừng, người bạn chiến đấu của anh. Bây giờ sách còn đây bạn anh thì vĩnh viễn nằm lại giữa rừng khộp bạt ngàn… Còn nhiều nữa, anh ngồi soạn ra từng cuốn sách, đôi tay run lên như lúc vẫy tay chào tiễn biệt đồng đội lần cuối cùng. Vậy là, sau một đêm thức trắng, sáng hôm sau anh đi ra chợ Cái Răng ngồi với đống sách dưới mái hiên của tiệm vàng thầm an ủi mình “Thư trung kim ngọc”.
Đó là nơi tôi gặp anh lần đầu tiên.

*

Anh có lần tâm sự: “Làm ăn “địa lợi” quan trọng lắm, chú em mầy! Nó đứng hàng thứ hai trong tam tài chớ bộ giỡn sao. Tao bỏ mái hiên tiệm vàng ở chợ Cái Răng vì nó không “địa lợi”. Trong nghề sách cũ, địa lợi được chọn bởi ba tiêu chuẩn: thứ nhất là gần trường học, nếu là trường Đại học hay Cao đẳng càng tốt; thứ hai là chỗ đó dễ cơ động khi bị công an trật tự đi tuần; thứ ba phải là chỗ có thể che chắn để trời mưa ít ướt, trời nắng bớt nóng. Chú mày thấy không, tay Minh Dũng khoái trường học, lúc đầu y bán ngang trường Lương Thế Vinh, sau đó dời về gần trường Đại Học Cần Thơ. Tay Thiện khoái chỗ mát mẻ, lúc đầu va ém quân dưới gốc bồ đề của chùa Thới Long Cổ Tự dưới cầu Nhị Kiều, tất cả sách vở bỏ lên xe ba gác, khi cần thì thu dọn tốc hành đẩy đi. Bây giờ hai tay đó cũng trở nên đại gia hết rồi, cả hai đều thuê mặt bằng, mở bảng hiệu chính thức đóng thuế cho Nhà nước. Đời tao cái số không ở yên nên địa lợi của tao cũng phải thay đổi hoài không ổn định được, thôi thì nhờ đến nhân hòa vậy!”
Sau khi tôi và anh quen nhau ít lâu, anh có một cuộc gặp gỡ khác. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã làm thay đổi cuộc đời anh. Nhân hòa của anh là một phụ nữ nhỏ hơn anh ba tuổi làm nghề mua giấy vụn và là người mẹ của hai đứa con anh hiện giờ. Chị thuộc mẫu người chịu thương chịu khó, cả nể chiều chồng. Chị ít nói nhưng nói câu nào chắc câu đó không sai chạy bao giờ và làm đồ nhậu rất ngon. Những khi vô được chút mánh còm anh thường kêu chị làm mồi và rủ tôi đến lai rai ba sợi. Uống thì ít nhưng để nghe anh kể lại kỷ niệm thời quân ngũ, rồi quay sang nói chuyện đời thì nhiều. To tát thì chuyện thế giới đầy chiến tranh, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, tham ô, nhũng lạm... “Con người làm một “kẻ phản bội ân nhân”(°), phản bội lại tự nhiên đã ban cho chúng ta quá nhiều diễm phước. Rồi chú em mầy coi, chúng ta đang đào hố chôn mình!”. Nhỏ bé đời thường thì vô khối: chuyện anh em nhà kia thương nhau lắm nhưng khi đất đai lên giá bỗng trở mặt đâm chém kiện thưa. Chuyện cái nhà nghỉ đối diện chỗ anh bán sách ngày nào cũng có mấy cặp học sinh trốn học ghé vào, chuyện… Chuyện gì thì cuối cùng cũng trở về chuyện duyên nợ vợ chồng anh: “Tao với bả gắn với nhau như thể cái nghề sách cũ gắn với cái nghề mua giấy vụn vậy. Không thể thiếu nhau được. Ha hà…!
Thế là qua những lần mua bán làm ăn, người đàn bà đi mua giấy vụn có đôi mắt buồn buồn, có giọng rao ngọt lịm bất ngờ dính chặt vào đời anh, thiêu đốt trái tim lính tráng ngạo đời của anh, chuyện ngỡ như đùa. Nhưng chuyện làm ăn thì hoàn toàn nghiêm chỉnh. Vào thời điểm đó, người mua giấy vụn giá 1000đ - 1200đ/kg về cân lại chủ vựa 1500đ/kg. Nhưng trong một kg đó chỉ cần có một cuốn sách còn tốt bán lại cho chỗ mua sách cũ giá 2000đ là đã có lời. Còn người mua sách cũ mua sách của người bán giấy vụn sẽ rẻ hơn mua lại của khách hàng từ 500 – 2000đ/ cuốn. Lời lãi là chỗ này đây. Hơn nữa, người mua giấy vụn đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thường khi mua được cả lô sách quý của ông bà để lại mà con cháu không biết dùng đem bán hết. Những khi đó anh thường chạy đến tôi: “Chú em mày tới nghen, tao trúng mánh còm, lai rai đỡ buồn”. Anh rủ tôi bằng giọng buồn. Có lần tôi định hỏi anh trúng mánh sao lại buồn, nhưng tôi không hỏi vì sau này tôi biết những khi như thế anh quả là buồn thật.
Lúc này nhu cầu đọc sách của con người là rất lớn. Có cầu thì có cung, những quầy sách cũ mọc lên như nấm sau mưa. Gian hàng của anh vấp phải sự canh tranh. Hai loại sách văn học và quân sự mà anh yêu thích không đủ đáp ứng nhu cầu phong phú của số lượng khách hàng đa thành phần từ học sinh, sinh viên, thầy giáo đến bác chạy xe lôi, xe Honda ôm, các bà các chị ngồi ở văn phòng hay mua gánh bán bưng ngoài chợ… Từ khi cưới vợ, gian hàng của anh phình dần ra, không chỉ có một loại sách văn học mà phong phú hơn nhiều. Ngoài tiểu thuyết, truyện dịch, truyện ngắn, thơ, còn có sách nghiên cứu, lý luận, chính trị, triết học, sách giáo khoa, truyện tranh và đủ loại báo, tạp chí: Mực Tím, Kiến Thức Ngày Nay, Tri Thức Trẻ, tài Hoa Trẻ, Tiếp Thị Gia Đình, Văn Hóa Thông Tin… Cả truyện lá cải cho thuê 500đ/cuốn/ ngày anh cũng có. “Thời buổi kinh tế thị trường chú em ơi, phải cạnh tranh dữ dội lắm mới sống được, cái quy luật nó vậy… Hà!”
Tôi ra trường ôm mộng văn chương, dấn thân vào những cuộc phiêu lưu nên ít khi đến với anh như trước. Tôi ngỡ anh cũng không còn rảnh rang như ngày xưa để bia bọt bình dân tán gẫu chuyện đời. Bỗng trong một lần về thăm thú vườn trái cây Mỹ Khánh tôi gặp lại anh. Mừng không thể tả! Anh đẫy đà hơn xưa. Người cựu binh vỗ tôi một cái gần xệ vai thi sĩ rồi lôi tôi vào quán cóc ven đường. Sau khi đã ngà ngà anh nhất quyết đòi chở tôi về nhà để cho tôi xem “cái gia tài quý báu” của anh. Đây chú em mày nhìn xem, anh mở tủ lấy ra một cuốn sách cầm bằng hai tay đưa cho tôi. Giở trang đầu ra nhìn vào lời đề tặng và chữ ký tôi giật mình. Người đề tặng là một người nổi tiếng tôi vô cùng kính phục nhưng chưa được gặp lần nào vì ông ở quá cao xa. Còn người được tặng tôi cũng vô cùng kính phục và biết khá rành. “Ở đâu anh có?” Tôi thì thào. “Người ta đem bán sách cũ”. “Thiệt?”. “Dóc tao chết liền. Không chỉ bây nhiêu đâu, chú em mày xem, mười mấy năm làm nghề sách cũ tao sưu tầm gần đầy hai tủ. Toàn sách tặng. Tao đóng gáy bao bìa cẩn thận làm của gia bảo”.
Tây Đô đón tôi
Bồi hồi náo nức
Ly rượu đế run lên.
Chiều rạo rực!
Ông khách già hóa trẻ lại mười năm
Bến đò xưa đâu rồi dấu rêu phong
Hay chếch choáng lạc lối về ký ức
Đại lộ Hòa Bình rộng dài xa tít
Ngõ hẻm nào in dấu gót chân quen?
Bạn là khách phương xa mới đến, bạn là cánh chim bạt gió mới trở về, bạn là người từng có nhiều kỷ niệm đã lâu ngày mới có dịp thăm lại đất Tây Đô. Có lẽ, nơi bạn dừng chân đầu tiên là bến Ninh Kiều thơ mộng, bạn ngắm dòng sông Hậu cuộn phù sa đỏ thắm chân tình. Bạn chiêm ngưỡng tà áo bà ba giản dị mà quyến rũ, ngọt ngào như câu hát hay bạn ngồi du thuyền tận hưởng cảm giác bồng bềnh sông nước, thử một lần làm khách thương hồ nghe câu Dạ Cổ Hoài Lang vấn vương lòng người lữ thứ. Bạn đi ăn nem nướng Thanh Vân, thưởng thức trái cây Mỹ Khánh, nếu là dân sành nhậu chắc có lẽ bạn tìm đến đường Trần Văn Hoài nhâm nhi ly rượu đế với cầy bảy món hay bạn tìm đến hẻm công đoàn ăn vịt nấu chao. Bạn đi mua sắm ở MeTro, CitiMax hay CopMax. Sau đó bạn sẽ ngược dòng quá khứ ở bảo tàng thành phố, ngẩn người thán phục kho kiến thức đồ sộ của nhân loại được lưu giữ ở thư viện trung tâm. Bạn là ai? bạn là học sinh, sinh viên hay thầy giáo, bạn là bác sĩ của một bệnh viện vùng lân cận, bạn là kỹ sư xây dựng vừa đi giám sát hay thi công công trình ở một tỉnh xa về, bạn là doanh nhân đang đầu tư nuôi trồng thủy sản ở vùng nước mặn Cà Mau hay Bạc Liêu, bạn là nghệ nhân nuôi trồng hoa kiểng, bạn chỉ là một người nông dân bình thường sẵn dịp đi tham quan hội chợ nông nghiệp quốc tế thường niên… Tôi tin rằng bạn sẽ còn ghé thăm Siêu Thị Sách 97 hay nhà sách Phương Nam, nhà sách Trung Tâm, nhà sách Tây Đô… để bổ sung kiến thức, để tìm một tư liệu cần cho công việc, để chọn một món văn hóa phẩm làm quà lưu niệm. Nếu bạn không tìm được cuốn sách mình cần, hoặc túi tiền không được nặng, vậy mời bạn đến tìm Sách cũ Thiện, Sách cũ Minh Dũng cạnh Trường Đại Học hoặc Sách cũ chân cầu Nguyễn Trãi hay sách giảm giá Kim Hường ở đầu đường 3-2. Nếu bạn thích sưu tầm sách trong một không gian thoáng đãng, bạn muốn tìm lại chút không khí bụi bặm cổ xưa bạn cứ việc thả nhẹ tay ga cho xe chậm lại rồi lượn từ từ sát lề đường những con lộ ở Cần Thơ, bỏ qua hàng áo quần, dép giày giảm giá, đừng dừng chân những quầy quà vặt “cóc ổi mía gim”… Bạn sẽ gặp bên những lề đường có một nhóm đông tám mười người hoặc thưa thớt đôi ba người, nhưng dù đông hay vắng đều im lặng, không ồn ào, ít khi trả giá như những nơi bán loại hàng hóa khác. Họ - những người mua hàng, hoặc ngồi chọn, hoặc say sưa đọc. Vậy là bạn đã đến chỗ mình cần. Chính là một quầy sách báo cũ đấy bạn. Bạn hãy đá thắng, dắt xe lên lề đường và sà vào cùng tham gia kiếm tìm và thử vận may với họ. Có thể bạn tìm được rất nhiều cuốn sách quý, sách mình cần với giá rẻ bất ngờ. Anh bạn tôi cũng bán một quầy như thế. Biết đâu bạn ghé đúng ngay quầy của anh ta thì sao. Cái anh chàng có đôi mắt sâu, cái miệng cười hệch hạc, không bao giờ hét giá kiểu trời ơi, dám bán chịu dù cho bạn lạ hay quen. Nếu tâm đầu ý hợp, sẵn sàng bỏ quầy cho vợ đi lai rai một cốc bia bình dân. Khi men bia lâng lâng lại nói chuyện lính, chuyện đời cả chuyện văn chương nữa. Nếu thấy bạn có thể tin tưởng được, anh ta sẽ cho bạn xem “gia tài bé nhỏ” của anh ta. Số gia tài ấy, biết đâu, ngày nào đó lại trở thành báu vật
Q.T
(°) Kẻ Phản Bội Ân Nhân. Tác giả Tạ Kim Hùng. NXB Công An Nhân Dân năm 1999.

Xem Tiếp: ----