"Phải mất cả đêm mới tới được Curatu", Dax nói. "Chúng ta có thể ở chỗ anh vài giờ. Tại sao không nghỉ đêm ở đấy rồi sáng mai chúng ta lên đường?" Amparo nhìn cha thăm dò. Ông gật đầu. "Một đề nghị hay. Ở đấy các con thoải mái hơn. Mai cha gặp các con ở Curatu". "Tốt. Anh sẽ đi kiếm Mèo Bự". Nhưng chẳng ai thấy Mèo Bự đâu cả. Người bán bar trong khách sạn còn nhớ anh ta đã rời đi với một người lính gần như ngay khi Đại bàng đến. Người lính đã quay lại, nhưng Mèo Bự thì không. Người lính đang ngồi bên chiếc bàn trong phòng. Đấy là Ortiz, và anh ta đang ngủ, hai tay khoanh trên bàn. Dax lắc, và anh ta nhìn lên, còn gà gật vì rượu. Không, anh ta không nhớ đã mất hút Mèo Bự ở đâu. Có một căng tin, và ở đấy có mấy phụ nữ. Cả hát lẫn múa, nhưng rồi họ bỏ đi. Đấy là lúc anh ta và Mèo Bự đường đi đôi ngả. Dax nhún vai. Mèo Bự chắc đã kiếm được một người đàn bà và sẽ chỉ lê chân về vào sáng hôm sau. Anh cười thầm. Có đôi điều chẳng bao giờ thay đổi cả. Amparo đợi trong xe. Hai người lính đã sẵn sàng ở hàng ghế trước. "Xe sẽ chẳng bao giờ lên được núi đâu", Dax nói. "Không có đường, chỉ có những lối mòn hẹp cho xe kéo. Còn nếu đi xe hơi thì chúng ta phải đi quá nửa đường về Curatu trước khi rẽ ngược trở lại". Amparo như ngần ngại. Dax cười "Em đã thay đổi. Còn nhớ xưa kia em đã cuống quýt để được trèo lên lưng ngựa thế nào không?" Cô bước ra khỏi xe. "Thế thì kiếm ngựa cho em đi", giọng cô thoáng chút bẳn gắt. "Em sẽ sẵn sàng sau khi thay quần áo khác". Dax đi vòng khách sạn, đến tàu ngựa, dắt ra con của mình và con của Mèo Bự. Anh cười thầm. Mèo Bự sẽ nổi sung, nhưng đấy là lỗi của hắn. Anh dẫn đôi ngựa ra cổng trước. Màn đêm bắt đầu buông. Khi đi ra từ sau toà nhà, anh thấy cậu bé đứng đấy, tay dắt con ngựa của mình. Anh gần như đã quên khuấy cậu ta. "Ông đã sẵn sàng đi chưa ạ?" cậu ta hỏi, đi theo anh. "Rồi". Họ dừng lại trước nhà Thị trưởng. Dax nhìn xuống cậu bé. "Cậu muốn chào tạm biệt cha cậu không?" Cặp mắt sẫm màu của José như vô cảm. "Tôi đã chào tạm biệt cha tôi rồi". Trời đêm trong sáng và ánh trăng làm cho con đường cũng dễ đi như ban ngày. Họ đi theo hàng một. Dax dẫn đầu, theo sau là Amparo và cuối cùng là cậu bé. Đến đỉnh núi, Dax dừng lại, quay nhìn xuống thị trấn. Nhà cửa rực rỡ trong ánh đèn và trong đêm rừng tĩnh lặng, tiếng nhạc đâu đó thảng hoặc vẳng lên. Dax cười "Đêm nay chắc Asiento không ngủ". "Em cũng đoán thế". Những đám lửa ở phía bắc thị trấn bắt mắt anh. "Anh không hiểu là lửa gì thế nhỉ?" Amparo không trả lời. "Đấy là lửa của trại lính", José nói. "Tại sao cậu biết?" Dax hỏi. "Chúng tôi thấy khi đi vào. Vì thế mà cha tôi đã đưa hầu hết người của ông trở lại rừng núi". Dax nhìn cậu bé một lát rồi quay sang Amparo. "Để làm gì?" Cô nhún vai, lảng tránh. "Cha không bao giờ đi đâu mà lại không có tuỳ tùng". "Anh tưởng họ đã vào thị trấn với ông chứ?" "Cha em bảo họ là cánh du kích của Guiterrez". Dax quay người trên yên. "Em mệt", chợt Amparo nói. "Chúng ta ngồi đây suốt đêm để nói chuyện à?" Cô quay ngựa lại, bắt đầu đi xuống. Dax liếc lại Asiento rồi quay sang cậu bé. José thản nhiên nhìn anh. "Đi thôi". Họ theo Amparo xuống núi trong đêm, vượt qua một thung lũng rồi qua những cánh đồng đến trang trại của Dax, đến nơi thì cũng đã nửa đêm. Trên suốt dọc đường, họ chỉ trao đổi vài lời. Dax đưa Amparo về phòng. Mặt cô tái xanh, ủ dột, và chợt anh thấy thương cô. Làm con gái của Tổng Thống ắt không phải là công việc dễ dàng và dễ chịu nhất trên đời. Anh đưa José vào phòng ngủ từ hồi nhỏ của mình rồi xuống dưới nhà, châm điếu xì gà nhỏ, chậm rãi hút. Có những câu hỏi làm anh phiền muộn, những điều mà lẽ ra Amparo phải trả lời. Nhưng còn đủ thời gian cho họ, vào sáng hôm sau. Ngày hôm nay đã qua, anh nghĩ thế. Nhưng anh nhầm. Anh ngủ chừng được vài giờ thì bị tiếng vó ngựa đánh thức. Thoạt tiên, anh chỉ uể oải trở mình trên giường, cho rằng Mèo Bự đã làm ồn một cách không cần thiết. Rồi anh nhẩy khỏi giường, đến bên cửa sổ. Có hai con ngựa lao vào cổng chính. Anh nhận ra thân hình nặng nề của Mèo Bự trên một con, nhưng không nhận ra ai trên con ngựa kia. Dù là ai thì người đó cũng đang như gục trên lưng ngựa, hai tay bám lấy quả táo yên, và như chỉ đủ sức để không văng ra khỏi yên. Dax vội vã chạy xuống gặp họ. Mèo Bự rời khỏi yên, và người kia quay lại khi Dax chạy tới. Khuôn mặt người ấy tái nhợt, sầu muộn với những mảng máu khô, đông cứng. Dax trân trân nhìn Đại bàng, nỗi kinh ngạc làm anh bất động. "Giúp tôi đưa ông ấy vào nhà" Mèo Bự nói một cách cộc cằn. "Bọn lính không còn xa lắm đâu". Như một cái máy, Dax đưa tay ra đỡ tên cướp già mới nhẹ bẫng và mỏng manh biết bao. "Chuyện gì xảy ra thế?" "Tôi đã bảo anh là có quá nhiều lính mà" Mèo Bự nói. "Còn bao nhiêu nữa ở ngoài Asiento". Tên cướp già húng hắng ho, máu phùi bọt qua miệng khi họ đặt ông xuống chiếc ghế băng, cạnh cầu thang. Trang trại bắt đầu thức giấc. Một người đàn bà đi ra từ dẫy phòng sau bếp. "Lấy nước và khăn!" Dax ra lệnh. Anh nhìn Mèo Bự. "Bảo một trong những người của tôi đi đón bác sĩ". Mèo Bự chạy ra khỏi nhà. Đại bàng ho và nhăn nhó vì đau khi cố nói một điều gì đó. Dax lấy chiếc khăn ẩm từ một trong những người đàn bà, lau mặt cho ông. "Đừng cố nói, chúng tôi đã đi đón bác sĩ". Đại bàng nhăn nhó. "Để làm gì?" ông hỏi trong tiếng khò khè. "Tôi đã chết rồi". "Ông sẽ không chết". "Tôi đã cảnh báo anh là Guiterrez sẽ giết tất cả chúng tôi". "Đấy không phải là Guiterrez". "Đó chính là Guiterrez", Mèo Bự từ cửa nói vọng vào. "Chúng ta ngu, ông già đúng. Giờ hắn là trùm mật vụ của Tổng Thống". Dax chằm chằm nhìn hắn. Có tiếng chân trên cầu thang trong nhà. Amparo đang đi xuống thang. Mặt cô trắng bệch, ủ dột. Dax thoáng thấy bóng José phía sau cô, rồi biến mất. "bọn họ phục kích khi toán cướp rời thị trấn để về núi". Ánh mắt Dax từ Mèo Bự hướng sang Amparo. "Em đã biết chuyện này?" Amparo không đáp. Cô nhìn xuống ông già, cặp mắt vô cảm. "Ông ta chết rồi à?" Dax nhìn xuống. Mồm Đại bàng há hốc, cặp mắt ông trừng trừng nhìn lên, nhưng không còn sinh khí nữa. "Ông chết rồi". Một tiếng thét phát ra từ phía cầu thang. Dax xoay người khi cậu bé lao toàn thân vào Amparo. Với con dao trong tay, thằng bé tựa như một mũi dao. Như cái máy, Dax gạt Amparo sang bên, và cô ngã xuống khi Dax khuỵ một gối, và con dao trong tay cậu bé rơi xuống sàn. Anh đá con dao ra. Cậu bé bất động trong tay Dax, cặp mắt đầy nước. "Mày nói dối! mày biết tất cả!" "Tôi không biết" Dax nói, giúp cậu bé đứng lên. "Tôi không biết. Hãy tin tôi đi". "Đừng đụng vào tao!" José thổn thức, hẩy tay anh ra. "Đồ dối trá! Đồ phản bội!" nó chạy ra phía cửa. "Tao sẽ giết mày vì chuyện này!" nó biến mất trong bóng tối và một lát sau thì có tiếng vó ngựa lao đi trong đêm đen. Mèo Bự trân trân nhìn theo. "Nó trở về với núi rừng". "Cứ để cho nó đi", Dax nói rồi quay lại Amparo, cô vẫn nằm ườn trên sàn. "Để anh đỡ em dậy". "Đừng động vào tôi!" cô nói, chợt hung dữ. "Anh không thấy tôi đang mất máu à?" Anh nhìn xuống cô, mắt thao láo. Nửa dưới chiếc áo ngủ của cô đẫm máu. "Cái gì thế này?" Cô nhìn anh, trong cặp mắt lẫn lộn cả giận dữ với đau đớn. "Anh là một thằng ngu tội nghiệp! Anh không thấy à? Tôi đang mất con!" Cảm giác bệnh hoạn dâng lên. Anh đã xuất hiện như một thằng đại ngu trước tất cả mọi người. Với cả mớ kiến thức, với tất cả nghiệm sinh, với những gì anh đã học được từ thế giới bên ngoài, song rõ ràng anh chỉ là đứa con nít trong tay họ. Chẳng ai là không dối trá anh, chẳng ai là không sử dụng anh. Kể cả Amparo. Có nhiều tiếng chân ngựa ở bên ngoài rồi tiếng của những gót ủng nặng nề trên hành lang. Anh quay ra khi những người lính ập vào. Những bộ quân phục xanh, đỏ đầy nhóc. Một lát sau, Guiterrez lách qua những người lính, sợi dây bạc lóng lánh trên ngực bộ đồng phục. Cặp mắt tròn, nhỏ nhưng sáng quắc của hắn lướt qua Dax, qua thi thể Đại bàng rồi đến Amparo, vẫn nằm dưới sàn, nhìn họ. Không cần bảo hắn cũng biết tên cướp già đã chết. Cặp môi hắn mím chặt khi nhìn Dax "Thằng bé đâu?" "Nó đi rồi". Guiterrez chòng chọc nhìn anh. "Tao không tin mày". Rồi hắn nhìn Mèo Bự "Bắt thằng này!". Giọng Dax làm cho những người lính bất động. "Không!" có một thứ ánh sáng nhảy múa trong cặp mắt Guiterrez. "Tổng Thống sẽ không vui đâu, thưa ông. Người đàn ông này đã giúp tên cướp đi trốn". "Tổng Thống có thích hay ở thì mặc xác ông ta!" Một nụ cười lạnh lẽo, mờ nhạt thoáng trên môi Guiterez. "Chính lời mày đã bộc lộ tội phản quốc của mày!". Hắn rút súng ra chĩa vào Dax. "Bắt cả hai!" Những người lính xô lên để tóm Dax, nhưng trước khi họ xáp tới, anh đã kịp hất con dao mà cậu bé đã để rơi trên sàn lên. Guiterrez nhẩy lùi lại, tựa lưng vào tường. Hắn nhìn chòng chọc vào cặp mắt Dax. "Tao đợi giờ phút này đã lâu", hắn khẽ nói, nụ cười đanh lại trên môi khi hắn nâng khẩu súng lên. "Tao cũng thế!" Cánh tay Dax vẩy ra như một vệt sáng mờ và nụ cười của Guiterrez biến thành một biểu hiện kinh ngạc khi cán con dao chợt xuất hiện giữa cổ. Khẩu súng rời khỏi khi hắn gắng đưa cả hai tay hắn chưa lên được bao nhiêu thì thân hình hắn đã đổ ụp xuống. Những người lính tóm lấy Dax một cách thô bạo. Anh vặn người, cố thoát ra, nhưng họ giữ anh chặt cứng. "Thả anh ấy ra!" giọng Tổng Thống dội vào, vang và đanh. Ông đi qua họ mà không hề liếc mắt tới những người đàn ông đang nằm trên sàn. Ông quỳ xuống bên con gái. Họ trao đổi một lời thì thầm, nhưng quá nhanh nên Dax không nghe được. Rồi Tổng Thống từ từ đứng lên, vẫn quay lưng về anh. "Con đã làm tốt, con trai ta". Ông nói, cặp mắt xám xanh vô cảm. "Ta, đích thân ta đến để giết Guiterrez vì tội vi phạm lệnh ân xá!" Chương 10 Trụ sở ở New York của công ty Tàu biển Hadley nằm ở rìa khu tài chính, nhìn sang công viên Battery, trong một toà lầu cổ, tầng mười chín, dãy phòng ở trên mái bằng đã được sửa thành các văn phòng của ông Hadley. Đấy là một căn lớn, gồm năm phòng, trong đó có một nhìn ra hướng tây, xung quanh là kính để có một bức tranh toàn cảnh từ mọi hướng. Phía nam là tượng thần Tự Do và cảng, phía bắc và phía đông là những ngọn tháp của toà nhà bang New York, tổ hợp Rockefeller và cột tháp của toà nhà Chrysler mới hoàn thành. Các phòng khác gồm một phòng họp đồng thời cũng là phòng ăn riêng, một phòng bếp được trang bị đầy đủ, một phòng ngủ lớn và một phòng tắm. Marcel đang đứng bên cửa sổ, quay lại khi Hadley bước vào. "Xin lỗi vì đã để ông phải chờ" ông già nói. "Cuộc họp ban giám đốc lâu hơn chúng tôi tưởng". "Không sao, ông Hadley. Thế tôi mới có dịp ngắm cảnh đẹp". "Đẹp đấy" Hadley nói không chút xúc cảm khi ông đi đến sau bàn, ngồi xuống. Bằng vào cái cách ông nói, Marcel không hiểu ông già đã thực sự nhìn qua cửa sổ lần nào chưa. Hadley không lãng phí thời giờ chút nào. "Tin tức của tôi ở Âu Châu cho biết chiến tranh chỉ còn là vấn đề tháng, thậm chí có thể là một đôi tuần nữa thôi". Marcel gật đầu. Chưa có gì để anh nói cả. "Đại diện của Hoa Kỳ ở Âu châu sẽ trở nên khó khăn". Hadley nói tiếp. "Nhất là Tổng Thống lại tuyên bố sẽ ngả về phía Anh Pháp. Ông đã hứa với họ mọi trợ giúp cho những thiếu thốn vì chiến tranh. Như vậy có nghĩa là ở Mỹ, một số quyền lợi của Âu châu cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự". Marcel lại gật đầu. Anh bắt đầu hiểu câu chuyện tiếp theo. "Chúng ta vẫn dành bao nhiêu tàu cho việc buôn bán đường ấy nhỉ?" Hadley chợt hỏi. Marcel nghĩ một lát. Có chín chiếc đang đi biển, nhưng bốn chiếc thì lại chở hàng đến các nhà kho riêng của anh ở Brooklyn. "Năm. Và tất cả sẽ ở New York vào cuối tháng này". "Tốt. Ngay sau khi xuống hàng, mọi tàu bè mà chúng ta có đều phải đưa đến Corteguay. Nếu chiến tranh nổ ra, bất cứ con tàu nào từ đây đi Âu châu cũng đều là mồi ngon cho tàu ngầm Đức". Ông cầm một tờ giấy trên bàn lên xem. "Ông có tin tức gì mới về Dax không?" "Tổng Thống báo với tôi rằng anh ta vẫn ở Tây Ban Nha. Những thoả thuận với Franco đã gần như hoàn tất". "Chúng ta phải báo cho anh ta rằng những thoả thuận này phải được hoàn tất càng sớm càng tốt. Tôi đã quyết định anh ấy sẽ là đại diện của chúng ta tại Âu Châu khi chiến tranh nổ ra". Marcel nhìn ông. "Làm sao ông biết là Dax sẽ nhận? dù sao thì anh ấy cũng có làm việc cho chúng ta đâu". Thoáng phiền muộn trên mặt Hadley. "Tôi biết, nhưng thế mới thực tiễn. Dax đại diện cho một quốc gia hoàn toàn trung lập. Anh ta được tự do ở Âu Châu, dù chiến tranh có lan tới đâu đi nữa". Marcel lặng thinh. Anh bắt đầu hiểu người Mỹ. Giờ thì anh hiểu những sản nghiệp lớn đã được xây dựng như thế nào. Chiến tranh hay hoà bình thì doanh nghiệp kiếm tiền cũng không chấp nhận bất kỳ trở ngại nào. "Ông đã nói chuyện với Tổng Thống về việc ấy chưa?" "Chưa. Tôi để ông nói. Cuối cùng thì ông ấy mới là đối tác của ông, chứ không phải của tôi". Vẫn còn sớm khi Marcel rời văn phòng của Hadley. Anh nhìn đồng hồ. Vẫn còn thì giờ để đến Brooklyn trước bữa ăn trưa đã hẹn vào lúc một giờ. Anh đứng trên lề đường, vẫy taxi. "Nhà ga Bush ở Brooklyn". Anh trễ nải nhìn qua cửa khi chiếc taxi bon bon đến cầu Brooklyn. Người Mỹ thật khác với người Âu châu. Họ mãn nguyện, an toàn sau những đại dương. Chiến tranh có nổ ra cũng chẳng đụng được đến họ. Chiến tranh thì cũng chỉ là một cái gì đó để đọc lướt trên các tờ báo, nghe qua radio giữa chương trình "Amos & Andy" và "chương trình tạp kỹ của Fleischmann" hoặc xem trên cuốn phim thời sự trước bộ phim truyện mới nhất của Clark Gable. Tất cả những huênh hoang khoác lác, những đe doạ, những gầm rú của Hitler chẳng bao giờ thực sự đến được họ cả. Âu châu ở nửa bên kia của thế giới. Nóng ẩm của đầu tháng Tám ập vào cửa chiếc taxi. Ngay cả những luồng gió cũng không cứu vãn được cái nóng như thiêu đốt trên vỉa hè. Sau khi qua khỏi cầu, chiếc taxi luồn lách trong trung tâm Brooklyn. Ngược lên đại lộ Flastbush, qua phố fulton chật cứng người đi mua sắm và những đường sắt nền cao, rồi rẽ vào đại lộ thứ Tư tới Bay Ridge. Bầu không khí chỉ dịu đi khi họ tới gần vịnh. Marcel bảo người tài xế đợi. Anh ta lẩm bẩm điều gì đó về sự thiết thòi trong khi chờ nhưng Marcel kệ. Một người đàn ông ngồi sau một chiếc bàn cũ, đọc báo. "Chào ông Campion". "Chào Frank. Ổn cả chứ?" "Ổn cả. Ông Campion" người gác cửa đứng lên. Giờ thì ông ta đã quen với những cuộc viếng thăm này. Marcel có thói quen xuất hiện vào những giờ trái khoáy. Chẳng thể biết là bao giờ, thậm chí có khi vào nửa đêm. Như thường lệ, ông ta theo sau anh vào kho. Marcel đứng ngay cửa, nhìn. Khu kho chiếm nguyên một khối nhà trong thành phố, và từng dẫy bao đường chất cao ngất, gần chạm dàn phun cứu hoả trên nóc nhà. Anh cười thoả mãn. Đã hơn một năm kể từ khi Marcel nẩy ra ý tưởng này. Vào ngày ba tháng chín, khi bốn con tàu thả neo ngoài cảng phía trước nhà kho, thì thế là xong. Ngăn kho cuối cùng sẽ đầy ắp và anh chỉ còn chờ đợi. Cuộc chiến sắp nổ ra ở Âu châu sẽ giải quyết hết. Còn nhớ, ở cuộc chiến tranh trước, anh chỉ là đứa con nít. Có hai thứ gia đình anh không bao giờ đủ - đường và xà phòng. Anh vẫn nhớ có lần cha anh đã phàn nàn là ông phải trả hai mươi franc cho vài lạng đường đỏ, và họ đã phải dè xẻn nó để dùng cho hơn một tuần. Đấy chính là khởi nguồn của ý tưởng. Đường. Cái gì ở Mỹ cũng ngọt cả. Nước uống có gaz, chocolate, kẹo, bánh, thậm chí cả bánh mì. Mọi người đều dùng đường thả sức, như của trời cho. Bao giờ cũng đủ đường, kể cả chiến tranh hay không. Và người ta sẵn sàng trả giá. Giờ thì riêng anh đã có bốn dãy nhà kho đầy ắp đường. Có lẽ anh là người duy nhất làm thế. Anh quản lý các con tàu. Chính anh mới có thể cung cấp những tờ vận đơn giả để đánh lạc hướng các quan chức hải quan, những người rà soát mọi con tàu vào cảng. Nhưng phải tốn tiền. Rất nhiều tiền. Hơn cả số tiền Marcel có. Cứ như thể những người sản xuất đường đã biết được ý đồ của anh. Anh đã phải trả món tiền thưởng hai mươi phần trăm trên mỗi bao một trăm bảng để đảm bảo là đường chỉ bán cho anh. Một khoản tiền nữa cho các sĩ quan trên những con tàu của anh, những người hiểu rất rõ bản chất đích thực của hàng hoá. Ngay cả việc thuê dãy nhà kho một cách kín đáo cũng làm anh phải tốn hơn hàng ngàn đô la so với giá thị trường. Những con số loé lên trong đầu Marcel. Gần tám triệu đôla ném vào đây mà hầu hết là vay, và nếu không phải là Amos Abidijian thì anh chẳng bao giờ có. Marcel không hề ảo tưởng về lý do Abidijan cho anh vay tiền. Không phải vì anh sẵn sàng đưa những con tàu của mình như là vật ký quỹ - Abidijan thừa tàu. Thậm chí ông chẳng buồn hỏi Marcel cần tiền làm gì. Amos chỉ quan tâm đến một điều. Đó là lấy chồng cho co con gái lớn. Abidijan có năm cô con gái cả thảy, mà cô cả còn ở nhà thì các cô em chớ hòng chuyện về nhà chồng. Có cơ họ sẽ chẳng bao giờ lấy chồng được cả, bởi vì không ai cầu hôn Anna một cách nghiêm chỉnh, mặc dù kèm theo là khoản hồi môn đáng kể. Mối bất hạnh đích thực là ở chỗ trong cả đám con gái, Anna giống bố nhất. Cô vừa lùn vừa đen, và đám lông tơ dầy ở môi trên như ẩn hiện một bộ ria mép mà dù có điều trị điện phân đến bao nhiêu đi nữa cũng không xoá được một cách thoả mãn. Và không một thơ may nào, bất kể ra giá bao nhiêu, có thể giấu được những đường nét vuông chằn chặn như nông phu của vóc giáng cô. Hầu như cô đã thu vào mình toàn bộ những nét xấu xí của gia đình. Nghĩ rằng đàn ông không dành cho mình, cô lao vào doanh nghiệp của cha và làm việc ngay tại văn phòng của ông. Chính ở đấy Marcel đã gặp cô. Anh đã đến gặp cha cô theo hẹn, nhưng phải chờ. Anh vừa ngồi xuống thì Anna bước vào. "Xin lỗi ông Campion", cô nói với giọng khàn, như giọng đàn ông "Cha tôi sẽ đến trễ một chút". Marcel đứng lên. Đây chính là lúc để thể hệin xã giao theo kiểu Goloa đích thực. Nhưng đối với Anna tội nghiệp, người không có kinh nghiệm và không quen với bất cứ sự quan tâm nào của cánh khác giới, thì hào hoa phong nhã kiểu Goloa chỉ như một thứ lãng mạn và trước khi Marcel nhận ra điều đó thì anh đã lâm sự rồi. ăn trưa, rồi ăn tối và cuối cùng là những buổi tối ở nhà Amos. Và chấm hết bằng những ngày cuối tuần tại nhà ở nông thôn của họ. Mặc dù Marcel chưa bao giờ nói về tình cảm của mình với cô nhưng ít nhiều cả hai đã được gia đình và dư luận chấp nhận rằng họ đi với nhau. Đấy là bối cảnh vào lúc Marcel tiếp cận cha cô để vay tiền, vào hơn một năm trước đây. Anh đã toan vay tiền của Hadley, nhưng lại thôi. James Hadley có một thứ đạo lý kỳ quặc. Thực ra, chẳng có cái gì trong kinh doanh mà ông ta không làm, nhưng đây là một việc khác. Những từ xấu xa như "đầu cơ" và "chợ đen" là nguyền rủa đối với ông. Bất cứ điều gì ông làm đều phải phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng. Còn nếu như ông có lãi, thì càng nhiều càng tốt. Và thường thì ông có lãi. "Tôi cần bốn triệu đô la", Marcel nói với Amos. "Có lẽ tôi…" "Khỏi nói thêm" Amos ngăn anh, rồi với cuốn séc. Marcel nhìn ông sửng sốt "Nhưng..ông không muốn biết tiền dùng vào việc gì à?" Amos lắc đầu, cười "Tôi không cần. Cuối cùng thì cũng là ở trong gia đình cả, phải không?" Mồm Marcel há hốc. Rồi anh như tỉnh lại "Nhưng sắp tới, tôi có thể cần thêm". Amos xé tờ séc thật điệu đàng, đưa cho Marcel. "Khi nào anh cần thêm, cứ bảo". Marcel hỏi mượn thêm hai lần nữa. Lần nào tờ séc cũng được ghi theo yêu cầu và không kèm một câu hỏi nào. Nhưng bây giờ thì sắp xong rồi. Chỉ một chút nữa thôi là Marcel có thể trả hết nợ nần. Ngay sau khi trả nợ, anh sẽ tuyên bố vị thế của mình một cách rõ ràng cho mọi người biết. Chỉ còn là vấn đề thời gian.