Khi về đến lãnh sự quán thì tôi không còn thì giờ để tự xỉ vả nữa. Tôi len qua đám đông các nhà báo với một lời cộc lốc "Không bình luận" và cuối cùng cũng vào được nhà. Mèo Bự và một trong những thư ký lại phải đứng chặn cửa cho đến khi nó được khóa cẩn thận. "Gọi cảnh sát" tôi ra lệnh. "Đề nghị họ giữ cho tiền sảnh thông thoáng". Tôi quay sang Mèo Bự. "Đi với tôi". Cô thư ký ngước lên, một biểu hiện như thoát nạn trên mặt. "Nhiều cuộc gọi lắm" cô nói. "Tổng Thống đã cố liên hệ với ngài. Cả Bộ Ngoại giao ở Washington nữa…" "Mang danh sách vào văn phòng tôi" tôi dập cửa lại, hỏi Mèo Bự. "Có tồi tệ như truyền hình nói không?" Mèo Bự nhún vai, mặt dửng dưng. "Ai mà biết được? chẳng ai nói sự thật vào thời điểm này cả. Nhưng chắc chắn là không tốt". Tôi gật đầu. "Girlado vẫn ở đây chứ?" "Anh ta ở trên gác theo dõi radio". "Bảo anh ta xuống đây". Mèo Bự rời phòng và tôi cầm danh mục các cuộc điện thoại từ cô thư ký. "Nối cho tôi với Tổng Thống". Tôi nói trước khi nhìn danh mục. "Vâng, thưa ngài". Tôi ngồi xuống, xem các lời nhắn tin. Cứ như thể lần đầu tiên thế giới bỗng biết về Corteguay. Mọi người đều gọi điện đến, từ Liên Hợp Quốc, các sứ qúan đến các toà báo. Không chỉ Bộ Ngoại giao gọi đến mà cả Thượng Nghị sĩ và hai Hạ nghị sĩ, những người đã có mặt trong bữa ăn tối ở Washington. Chuông điện thoại reo và tôi cầm lên. Giọng Tổng Thống cục cằn và giận dữ. "Anh đi quái đâu thế? Tôi đã cố kiếm anh suốt đêm!" Tôi chẳng có lý do gì để đưa ra cả. Tôi lặng thinh. "Nếu anh ở đây thì tôi đã bắn anh rồi!" ông la lên. Đã quá đủ đối với tôi. ăn nói kiểu này cũng chẳng đi đến đâu cả. "Tuần sau hãy bắn. Nghĩa là nếu chúng ta còn đến ngày ấy. Trong khi đó thì cho tôi biết tình hình thực sự là thế nào?" Tổng Thống lặng thinh, rồi điều tôi vừa nói như đã ngấm vào ông. Giọng ông bình tĩnh hơn. "Hỗn loạn, nhưng tôi nghĩ là chúng ta có thể trụ được nếu phần còn lại của quân đội còn trung thành". "Họ có sẽ trung thành không?" "Tôi không biết" ông nói, và lần đầu tiên tôi nghe sự mệt mỏi trong giọng ông. "Một vài người trong họ tôi nghĩ là sẽ đi với tôi đến chết. Vasquez, Pardo, Mosquera đều đã đem các trung đoàn của họ theo bọn phiến loạn rồi. Những người khác mà tôi tưởng sẽ bỏ tôi đầu tiên, như Zuluaga và Tulia, thì lại vẫn ở với tôi. Bây giờ thì tất cả còn tuỳ thuộc vào chúng ta giữ được niềm tin của họ vào thắng lợi được bao lâu". "Chúng ta sẽ thắng?" tôi hỏi. "Nếu có trợ giúp và nếu chúng ta có thể trụ được đủ lâu. Tôi có cảm giác là bọn phiến loạn đã quyết định tấn công ngay vì chúng biết là súng đạn đã bị ngăn chặn. Nếu đợi lâu hơn thì hậu cần của chúng có thể teo lại. Đối với chúng thì bây giờ hoặc là không bao giờ". Mới mỉa mai làm sao, tôi nghĩ. Chính điều tôi từng hy vọng đạt được bằng vào cái chết của Marcel đã dẫn đến kết quả hoàn toàn ngược lại với điều tôi hoạch định. "Ông cần sự giúp đỡ gì?" "Bất cứ cái gì có được. Đề nghị mọi người… - Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ, bất cứ ai…chúng ta cần người, vũ khí, tiền, bất cứ cái gì họ cho. Giờ thì họ phải nhận ra rằng nếu họ không trợ giúp chúng ta thì sớm muộn cũng nguy hại đến chính họ". 'Họ có thể muốn biết sự nguy hại cụ thể là thế nào, từ ai?" tôi nói. "Họ nghi ngờ cách nói chung chung ấy". "Sẽ có một danh mục trong telex cho anh trong vòng một giờ nữa. Đại bàng, Mendoza…" "Mendoza thoát à?" "Phải, Mendoza cạo ria nhẵn nhụi và đi qua cảnh sát của ta như thể vô hình. Bọn họ thì quá bận bịu với cô gái của anh". "Cô gái ổn chứ?" "Cô ta an toàn" ông trả lời cụt ngủn. "Phản ứng ở đấy ra sao? Anh nghĩ chúng ta có thể trông vào sự giúp đỡ nào không?" "Tôi không biết. Còn quá sớm để biết được. Tôi có quá nhiều cuộc điện thoại mà không trả lời xủê được". "Thế thì bắt đầu đi!" "Báo chí đang la thét đòi một tuyên bố" tôi nói. "Họ có in bài diễn văn của tôi không?" "Có. Tôi cũng nghe trích đọan trên truyền hình". "Thế thì đấy là t cô những gì họ cần biết vào lúc này". Giọng Tổng Thống thoáng vui. "Tôi sẽ cho anh biết khi có các tuyên bố khác". Tôi đặt điện thoại xuống. Mèo Bự và Giraldo bước vào. "Thế nào?" Mèo Bự hỏi. "cho đến giờ thì ổn". "Ngài cần gặp tôi, thưa ngài?" Giraldo hỏi. "Phải. Anh nói là đã tốt nghiệp lái máy bay nhỏ. Anh có thể lái chiếc Beechcraft hai động cơ không?" "Được ạ". "Tốt". Tôi nhìn Mèo Bự. "Đưa anh ta ra sân bay và để anh ta kiểm tra máy bay của tôi. Nếu anh ta lái được thì tôi muốn cả hai đưa nó đến Florida". "Tôi bay được ạ". "OK. Tôi muốn anh đưa nó đến sân bay Broward ở Fort Lauderdale, ngoại vi Miami, bởi nếu anh đến Miami thì sẽ thu hút quá nhiều sự chú ý. Khi đã đến đấy thì gọi về, báo cho tôi biết. Tôi có thể cần về Corteguay ngay. Pan American đã đóng cửa các chuyến bay của họ rồi". "Thưa vâng" Giraldo nói. Anh ta quay ra ngay. "Anh là một thằng ngốc nếu anh đi lúc này". Mèo Bự huỵch toẹt. "Anh chẳng làm được gì cả". "Tôi không định đi bây giờ. Tôi chỉ muốn có chiếc máy bay ở đấy trong trường hợp phải đi". "Thế thì anh lại càng ngốc hơn. Điều tốt nhất anh có thể làm là ở đây. Anh sẽ chỉ bị giết mà thôi". Có thể anh đúng. Nhưng ở đây không còn gì nữa để tôi làm. Đã từ khá lâu, tôi đã phớt lờ mọi sự thể. "Nếu là cha tôi thì ông đã đi lâu rồi" tôi nói. Mèo Bự lặng lẽ nhìn tôi. Có nhiều lúc tôi không thể hiểu anh nghĩ gì, và đây là một trong những lúc ấy. Cuối cùng, anh nhún vai, mặt vẫn dửng dưng. "Nếu anh thích thế". Tôi nhìn cánh cửa khép lại rồi nhìn xuống danh sách nhắn gọi điện thoại, cầm máy lên rồi bảo cô thư ký lần lượt gọi lại. Tất cả đều thông cảm với tình hình nhưng chẳng ai sẵn sàng giúp đỡ một cách cụ thể cả. Tất cả họ đều xem và chờ. Tổng thư ký Liên HỢp Quốc là người lịch sự nhất, nhưng cũng rất rõ ràng – không phải là vấn đề của Hội đồng Bảo An. Đây chỉ là chuyện nội bộ, và họ không có quyền xâm phạm vào công việc nội bộ của bất cứ quốc gia nào. Nhưng ông cho là tôi có thể phát biểu tại Đại hội đồng, nếu như có được sự nhân nhượng cần thiết từ các thành viên mà bài phát biểu của họ đã được lên lịch cho cuộc họp ngày mai. Và đấy là tất cả những gì ông có thể, ông cũng không thể hứa hẹn gì hơn. Bộ Ngoại giao thì chỉ muốn bàn về biện pháp đảm bảo an toàn cho công dân Mỹ ở Corteguay. Họ đã có một khu trục hạm ngoài khơi sẵn sàng đưa công dân Mỹ đi, nếu cần. Còn tôi thì đảm bảo rằng các biện pháp đề phòng đều đã được tiến hành và họ sẽ được thông báo khi cần những hành động tiếp theo. Các quốc gia Mỹ La tinh đều thông cảm, nhưng họ cũng đang gặp những vấn đề tương tự. Còn Âu Châu thì chỉ tò mò, đến mức có thể dự vào bất cứ trò chơi quyền lực nào, thì chỉ đơn giản coi đó như một cuộc đấu tranh giành giật ảnh hưởng giữa phương Đông và phương Tây. Khi tôi cảm thấy họ ủng hộ chúng tôi, thì cũng là lúc thấy họ sẵn sàng đi với cánh phiến loạn, nếu cần. Chỉ chắc chắn là họ không muốn dính líu vào bất cứ cuộc đụng độ nào. Còn đối với các quốc gia mới trỗi dậy ở Phi Châu và Á Châu thì vấn đề của chúng tôi là ca6u chuyện tương tự và là bản sao của những vấn đề mà chính họ đang phải đương đầu. Cuối cùng là Thượng nghị sĩ, người nói thẳng vào vấn đề. "Tôi muốn gặp ông ngày mai. Ông tới được không?" "Tôi xin lỗi. Tôi đang chờ để đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào chiều mai". Thượng nghị sĩ ngập ngừng. "Ông nói chuyện với Hạ nghị sĩ nào chưa?" "Chưa. Tôi không đủ thì giờ trả lời hết các cuộc điện thoại". "Không cần nữa" ông nói "mai chúng tôi sẽ đến đấy. Ông có thể lẻn vào nhà cô em tôi mà không bị theo dõi không?" "Tôi sẽ thử xem". "Mấy giờ?" "Càng sớm càng tốt, khi không mấy nhà báo còn tỉnh táo". "Ăn sáng vào sáu giờ được không?" "Tốt, tôi sẽ ở đấy". Tôi không hiểu Thượng nghị sĩ đang toan tính gì. Ông còn có thể làm được gì khi chính phủ ông đã gạt phắt tôi? Không thể có được câu trả lời ngay, vậy là tôi lại nhấc điện thoại lên. Mèo Bự bước vào khi tôi đang đợi cuộc gọi kế tiếp. "Vì sao tôi lại phải đi với Giraldo? Tôi hiểu gì về máy bay máy bò đâu?" "Nhưng anh có thể trông chừng nó". Mèo Bự lặng thinh. "Anh không tin anh ta à?" "Tôi không biết. Nhưng tôi không thử vận nữa. Chiếc máy bay đó là cách duy nhất mà chúng ta có để về nhà, nếu phải về". "Tôi làm gì nếu anh ta phá hoại nó khi đang ở trên trời?" Tôi nhìn anh, dứt khoát. "Cầu nguyện" và nói thêm khi chuông điện thoại reo. "Tạm biệt". Chương 28 Tôi đi được mà không bị dòm dỏ gì, bằng cách ra cửa tầng hầm của lãnh sự quán rồi qua một con hẻm, tới chung cư bên cạnh. Từ đấy, chỉ vài phút là đến nhà cô em gái Thượng nghị sĩ. Vậy là tôi đi bộ tới đại lộ Madison, rồi vẫy taxi. Trong đêm, tôi đã nói chuyện hai lần với Tổng Thống. Tin tức không sáng sủa gì. Các bọn cướp ở miền Bắc đã áp tới cách Curatu bốn mươi dặm, và đã chiếm được thị trấn cửa ngõ trên đường xuống phía Nam. Tổng Thống đã phải đưa lực lượng dự bị tới Santa Clara với lệnh "trụ lại hay là chết". Mà Santa Clara chỉ cách Curatu có mười tám dặm, ngay phía bên kia sân bay. Có một tin là tốt, song chỉ bởi nó không tồi. Các trung đoàn đào ngũ ngả theo bọn cướp ở miền Nam bị bao vây, mà rõ ràng là do tình trạng hỗn loạn hơn là vì bị tấn công, các đại tá cãi lộn tùm lum, vậy mà quân chính phủ vẫn chẳng đạt được thắng lợi đáng kể nào. Nhưng ít nhất thì điều này cũng giữ chân các toán phiến loạn không tiến sát thêm tới Curatu và nhập với các đồng bọn của chúng ở miền Bắc. Một khi chúng làm được điều này thì Curatu sẽ bị cắt đứt và chiến cuộc coi như chấm dứt. Cô em Thượng Nghị sĩ đưa tôi vào nhà. Mặt cô thật nghiêm trọng. Giống ông anh, cô không mất thì giờ cho những lễ nghi. "Họ đang đợi ông trong phòng ăn". Thượng nghị sĩ ngồi ở đầu bàn, còn lại ngồi dọc theo hai bên. Có một người trong đó tôi không mong đợi. George Baldwin, lãnh sự quán Mỹ ở Curatu. Không hiểu sao ông ta lại ở đây. Thì ra tuần trước ông ta đã ở Washington, để cung cấp kịp thời những thông tin mới nhất. "Chúng tôi chờ đợi một cái gì đó tương tự lâu rồi" ông ta nói "nhưng không ai biết là khi nào". "Cho phép tôi?" Tôi với bình cà phê. Thượng nghị sĩ rót đầy ly cho tôi. "Thưa, nghe nói các vị muốn gặp, tôi đã đến đây". "Tất cả chúng tôi ở đây" Thượng nghị sĩ không hề ngập ngừng "đều thấy mình đã làm một điều thật bất công với ông. Vì thế mà có thể dẫn đến một sai lầm tai hại". Tôi tò mò. "Điều gì đã dẫn ông đến kết luận ấy?" Thượng nghị sĩ liếc Baldwin rồi quay nhìn tôi. "Chúng tôi đã cho là ông dính líu tới cái chết của Tiến sĩ Guayanos. Tuần trước, Baldwin trở lại đây, và đã làm rõ tất cả". "Đúng thế" Baldwin nói "Theo một nguồn tin đáng tin cậy, thì Mendoza đã giết ông ấy". "Mendoza?" "Chắc chắn. Mendoza nhận ra nếu Guayanos được Tổng Thống chấp nhận yêu sách thì quyền lực và ảnh hưởng của hắn sẽ chẳng mấy chốc mà tiêu tan. Vậy là Mendoza giết Guayanos, và tin rằng mọi người sẽ quy cho hoặc là ông, hoặc là Tổng Thống đã ra cái lệnh ấy. Còn hắn bị trúng đạn là bởi khi đã nằm xuống đất thì một viên đạn bật tường đã cắm vào cánh tay hắn". "Ai nói cho ông biết?" Tôi hỏi. "Chúng tôi có các nguồn của mình. Mà ở New York thì các nguồn thông tin của chúng tôi tốt hơn của ông". Tôi không cãi lại được điều đó. Thật chua chát là Beatriz vừa đổ lỗi cho tôi đã gây nên cái chết của cha cô lại vừa giúp kẻ giết người trốn thoát. Tôi quay sang Thượng nghị sĩ. "Điều này thật tốt. Tôi rất biết ơn vì được biết các vị đã thay đổi thái độ". Nhưng họ hiểu rằng điều tôi không nói ra còn quan trọng hơn, là họ đang chuẩn bị hành động gì. Thượng nghị sĩ tự lãnh trách nhiệm trả lời. "Chúng tôi, kể cả George, sẵn sàng thúc đẩy một sự xem xét tức thời đối với khoản cho Corteguay vay". Tôi tỏ ra bình thản. "Cảm ơn. Tôi không ở vị trí để khước từ, nhưng cảm nghĩ của tôi là như thường lệ, chính phủ của các vị quá chậm trong việc đưa ra một sự giúp đỡ có ý nghĩa nào". Thượng nghị sĩ hỏi "Chúng tôi có thể làm gì để giúp đỡ?" "Ông hãy đề nghị chính phủ của ông gửi quân đội đến để vãn hồi trật tự. Không phải để đảm bảo ngôi vị Tổng Thống, mà là tạo cho nhân dân một cơ hội bầu ra chính phủ của chính mình trongmt cuộc bầu cử khách quan". Thượng nghị sĩ như bị sốc. "Ông biết là chúng tôi không thể làm vậy! Cả thế giới sẽ chỉ trích chúng tôi vì sự can thiệp này". Tôi lặng lẽ uống hết ly cà phê. "Xin các vị hãy tự hỏi mình câu này. Suốt ngần ấy năm, các vị làm cái gì nếu không phải là can thiệp? Bằng cách chẳng làm gì cả, bằng cách không công nhận chính phủ của chúng tôi, cho đến khi nó thực sự không thể bỏ qua, và bằng cách dành cho một khoản vay chỉ với điều kiện là chính tôi chiếm đoạt được quyền lực...các vị không cho đấy là can thiệp à?" Tôi không chờ họ trả lời, đứng dậy. "Cảm nghĩ của riêng tôi, thưa các vị, là các siêu cường trên thế giới này – kể cả các vị, Nga và Trung Hoa – liên tục can thiệp vào công việc nội bộ của các láng giềng nhỏ hơn. Cho dù động cơ thật cao thượng của các vị mà tôi sẵn sàng thừa nhận, thì nó cũng không là cái gì ngoài sự can thiệp". Họ im lặng. Rồi George hỏi "Tình hình sáng nay ra sao?" "Không tốt" tôi trả lời. "Quân chính phủ đang tử thủ ở Santa Clara, ngay phía bên kia sân bay, cách Curatu mười tám dặm. Cảm ơn quý vị đã xem xét". Thượng nghị sĩ tiễn tôi ra. "Tôi xin lỗi, Dax. Nhưng điều ông muốn là không thể, mà ông hẳn đã biết. Chúng tôi không dám đưa quân đội vào nước ông, cả khi chính phủ ông đề nghị. Toàn thế giới sẽ lên án chúng tôi có một hành động đế quốc." "Các vị sẽ làm vào một ngày nào đó" tôi nhìn thẳng vào mắt ông "bởi sẽ phải đương đầu với thực tiễn rằng các vị thực sự chịu trách nhiệm đối với những gì đã xảy ra trong vùng ảnh hưởng của mình. Lần này các vị không làm, có thể cả lần sau nữa. Nhưng rồi các vị sẽ phải làm". "Tôi mong là không" Thượng nghị sĩ trả lời nghiêm chỉnh. "Tôi không thích phải đưa ra một quyết định như thế". "Một trong những biểu hiện của quyền lực là nghĩa vụ đưa ra quyết định". Một cái nhìn lúng túng trong mắt ông. "Cá nhân tôi mắc sai lầm, Dax. Tôi xin lỗi". "Có lần cha tôi bảo rằng sai lầm là khởi đầu của kinh nghiệm, và kinh nghiệm là khởi đầu của sự thông tuệ". Chúng tôi lặng lẽ bắt tay và tôi trở về với sự huyên náo của lãnh sự quán. Khi vào đến văn phòng, tôi thấy một tin nhắn trên bàn. Máy bay đã hạ cánh an toàn ở Florida. Sau bài diễn văn của tôi, thoảng có tiếng vỗ tay lẻ tẻ một cách lịch sự, nhưng nó như vọng từ các hành lang công cộng chứ không từ các hàng ghế đại biểu. Tôi rời bục, đi xuống bàn của mình, nghe tiếng đập dòn tan của chiếc búa tuyên bố kết thúc hội nghị. Nhiều người đang ra khỏi phòng lớn. Có sự lặng lẽ khác thường thay vì tiếng bàn tán râm ran mỗi khi tan họp. Thảng hoặc có người dừng lại trước bàn tôi, và như có nói điều gì đó. Nhưng hầu hết đều lặng lẽ đi qua và tránh ánh mắt tôi. Tôi mệt mỏi ngồi im trên ghế. Chẳng hay ho gì. Tôi lại thất bại. Tôi có thể nói được cái gì vbz người đã quá hiểu nội tình để có thể thay đổi những ý kiến đã hình thành một cách ổn định trong đầu họ? tôi không phải là người có khả năng ăn nói, một người có thứ ngôn từ láng cóong và hừng hực hùng biện. Tôi đã nói cả nửa thời gian với những lời lẽ thậm chí chẳng thuyết phục nổi chính đôi tai mình? Trước khi tôi trở lại phiên họp chiều hôm đó, tin tức cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Có nghĩa là tin tức tôi có được hầu hết đã phát trên radio hoặc truyền hình. Suốt cả ngày, tôi không thể nối điện thoại với Tổng Thống. Và ngay trước khi tôi rời lãnh sự quán, đài phát thanh thông báo rằng cuộc chiến đang xảy ra quanh Santa Clara và các lực lượng chính phủ đang rút lui. "Một diễn văn hay" tôi nghe được giọng nói quen. Đó là Jeremy Hadley. Cặp mắt anh đầy thông cảm. '"Anh có nghe à?" "Từng chữ một. Tôi ở ngoài hành lang. Rất hay". "Nhưng không đủ" Tôi ra hiệu về phía các đại biểu đang ra về. "Hình như họ không nghĩ thế". "Họ cảm nhận được" anh nói. "Đây là lần đầu tiên tôi thấy họ ra về trong lặng lẽ như thế. Không ai là không cảm thấy từ đáy tim mình cảm giác hổ thẹn". Tôi cười cay đắng. "Hay ho gì đâu. Mai là họ quên béng ấy mà. Nó chẳng là cái gì ngoài vài ngàn từ sẽ được chôn trong cả tỉ ngôn từ đang chất đống trong lưu trữ". "Anh nhầm" Jeremy lặng lẽ nói. "Nhiều năm sau người ta sẽ nhớ điều anh nói hôm nay". "Nhưng không phải hôm nay. Mà đối với Corteguay thì hôm nay mới quan trọng. Có thể nó không có ngày mai". Tôi nhét xong giấy tờ vào chiếc cặp da rồi đóng lại với một tiếng cách như sự chấm hết. Chúng tôi đi giữa hai hàng ghế. "Giờ thì anh tính sao?" Tôi dừng lại nhìn anh. "Về nhà". "Về Corteguay?" Tôi không trả lời. "Ở đấy anh làm được gì?" giọng anh lo lắng. "Đã hết rồi". "Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi biết một điều. Và vì thế mà tôi không thể ở lại đây hay bất cứ đâu khác. Tôi không thể sống được với ý thức rằng lần này, chỉ một lần này thôi, tôi lại không làm điều mà tôi có thể". Có một sự khâm phục kỳ lạ trong mắt anh. "Tôi càng tưởng là hiểu anh hơn thì lại càng điều hiểu anh hơn." Tôi quay nhìn căn phòng mênh mông mà trống rỗng. Vậy mà biết bao hy vọng của con người đã sinh ra ở đây. Và biết bao hy vọng, giống như tôi, đã tắt. Đôi điều tôi nghĩ ắt cũng xuất hiện trong đầu Jeremy, vì khi quay lại tôi thấy mặt anh buồn rượi. Anh đưa tay ra và tôi cầm tay anh. "Bằng ngôn ngữ của anh, Dax" anh nói, "tạm biệt".