Nhà ông Hai Nhứt nằm choi loi ở cuối ấp Cây Dứa, cạnh cây cầu chữ Y bắt qua ngã ba Chờ Đợi. Ông chỉ có một mình không vợ, không con nên cái nhà của ông cũng nhỏ bé cô đơn như chính bản thân chủ nó vậy. Được cái là nền nhà rất cao ráo, tháng tám, tháng chín âm lịch nước nổi lêu bêu cũng không ngập được. Tuy nhiên thứ mà bọn trẻ thích là miếng vườn rộng phía sau nhà ông. Vườn nhà ông trồng đủ thứ cây. Mấy gốc xoài thơm, dăm cây mận da người, chục gốc nhãn da bò, còn có hai cây mít to ở đầu bờ, nơi ông giăng cái võng dù bạc màu cũ kỹ nằm nghỉ mỗi buổi trưa. Đặc biệt, còn một khoảng đất rộng ông không trồng gì hết mà đắp cao ráo, nện dẽ dặt như nền nhà. Đây là nơi chiều chiều bọn trẻ tụ tập lại chơi nhảy dây, nhảy cò chẹp, đá bóng...
Ông Hai Nhứt thường nằm trên chiếc võng dù nhìn bọn trẻ chơi đùa, hoặc kể chuyện đời xưa cho chúng nghe, những lúc vui vẻ ông tham gia làm trọng tài phán xử những đứa chơi ăn gian. Khi chúng ngoan, không phá phách đánh lộn ông Hai còn hái trái cây trong vườn cho nếu đang mùa. Có lẽ vì không vợ con nên ông Hai rất thương lũ trẻ. Bọn chúng có thể đến nhà ông bất cứ lúc nào, đói bụng có thể tự tiện vô bếp lục cơm nguội. Nhưng có một nơi mà ông cấm tiệt không cho bọn chúng bén mảng tới là cái xẻo đất cuối vườn chừng hơn nửa công mọc toàn dứa gai tầng tầng, lớp lớp, âm âm, u u nghe nói toàn chuột rắn ở trỏng thành tinh, còn có chim cú mèo đêm đêm kêu rởn óc.
Cũng lạ, nghe nói nguyên khu đất này ngày xưa toàn hố bom ông Hai đã miệt mài san lấp cả chục năm để có miếng vườn đẹp như bây giờ. Theo lý mà nói phá bỏ nửa công dứa kia hoàn toàn nằm trong sức của ông không hiểu sau ông lại để nguyên như vậy, chỉ chặt bỏ những cây mọc lan ra ngoài.
Thằng Na con anh Sáu Thẹo có lần lén vô xẻo dứa gài bẫy chuột đã bị ông cấm mười ngày không cho tới nhà chơi, dù nó là thằng ông thương nhứt. Có lần nó bị sốt xuất huyết ông đã cõng nó chạy gần chục cây số ra trạm y tế xã, nhưng vì nó bệnh nặng quá phải chuyển ra bệnh viện huyện, không may chiếc tắc ráng nữa đường chết máy ông chụp cây dầm bơi một mạch mười lăm cây số nữa, bác sĩ nói nếu trễ chừng tiếng đồng hồ thì hết cứu.
Ngày thằng Na xuất viện về vợ chồng anh Sáu Thẹo dắt con đến lạy tạ ơn ông Hai và xin ông cho nó gọi là ông nội. Ông mừng chảy nước mắt gật đầu, rồi sai chị Sáu ra chuồng vịt xiêm lựa hai con bự nhất cắt cổ ăn mừng. Bà con lối xóm cũng mừng lây cho ông. Khi rượu ngà ngà, ông Út Chắc chủ tịch hội cựu chiến binh xã cầm tay ông lắc lắc nói: “Anh đúng là già gân nghe anh Hai, ở tuổi anh mà còn cõng nổi thằng nhỏ chạy cả chục cây số rồi còn bơi thêm mười mấy cây nữa chớ. Anh đúng là Hai... Nhứt mờ!”. Bà con cười rần rần. Mặt ông Hai hồng lên, không biết vì ông không quen người ta khen hay vì mấy ly rượu đế, nhưng niềm vui có được thằng cháu nội là có thật nên người ta thấy ông bớt đi vẻ trầm lắng ngày thường. Ông cười hề hề đáp lời ông Út: “Có gì đâu chú, chuyện nhỏ mờ, chú quên tui là lính Năm Lẻ Hai sao, hà hà!”.
 Thấy ông nội nuôi của mình vui vẻ, thằng Na, lúc này người còn xanh lướt, gương mặt còn lấm tấm những vết xuất huyết ra da, bỗng nhiên bạo gan, lém lỉnh hỏi một câu: “Ông Hai... ủa lộn, ông nội ơi! sao người ta kêu ông bằng ông Hai Nhứt vậy? Hai mà còn Nhứt ngộ quá hén!”. Anh Sáu Thẹo xanh mặt, nạt đùa: “Na, không được hỗn!”. Thằng Na hoảng hồn im thin thít. Ông Hai vậy mà không giận còn ôm thằng Na vào lòng, xoa đầu nó: “Con muốn biết hả, vậy con nhờ ông Út trả lời đi, ông Út con biết đó!”. Mọi người thấy ông Hai đồng ý liền nhao nhao bảo: “Ủa, chú Út cũng biết chuyện này hả, kể đi chú Út!”. Thế là bà con ấp Cây Dứa hôm đó được nghe miễn phí sự tích cái tên Hai Nhứt của ông.
Số là những năm đầu mới giải phóng, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, cây kim sợi chỉ cũng khó mua còn vải vóc thì khỏi nói lâu lâu mới có đợt hàng phân phối. Người dân ấp Cây Dứa phải đi từ lúc ba bốn giờ sáng bơi cả chục cây số ra cửa hàng ngoài Ủy ban xã sắp hàng mà mua có khi được khi không.
Vì vậy vải vóc, quần áo lúc bấy giờ là một thứ đồ xa xỉ. Thế mà năm đó một ông Chà-Và da đen thui, tóc quắn lọn ở đâu không biết xuất hiện, quảy một bịt quần áo, vải vóc to đùng đi bán chịu. Bà con mừng quá trời xúm nhau mua. Đúng hẹn một tháng sau ông ta đến thu tiền nợ, thế nhưng thước vải lúc trước ông ta bán mười đồng thì bây giờ ông ta đòi năm mươi đồng. Bà con nói ông ta lật lọng không chịu trả thì ông ta hăm dọa nói rằng ông ta biết bùa Chà-Và, ai không trả ông ta “thư’ cho chết. Thím Ba Đậu, một người đàn bà góa chồng ở trong ấp bảo: “Tui không trả đó, ông ngon thì “thư” coi!”.
Ông Chà-Và lầm rầm niệm chú rồi đưa tay chỉ vô bụng bà Ba một cái, bà té xuống đất ôm bụng la trời, giãy giụa lăn lộn như sắp chết. Bà bò dậy móc ra năm mươi đồng trả cho ông. Ông lấy ra cái hột vịt luộc kêu bà lăn lăn vô bụng. Lăn được vài vòng bà đứng dậy nói hết đau, rồi bẻ cái hột vịt ra thì thấy một cây kim sét ở trong. Bà con ai nấy hoảng kinh hồn vía. Người có tiền thì móc ra trả đủ, nhưng đa phần bà con là dân nghèo lấy tiền đâu mà trả gấp năm.
Chuyện tới tai ông Hai, ông bèn mời ông Chà-Và tới miếu cô hồn ở dốc cầu Chữ Y, rồi mời ông Út Chắc, lúc bấy giờ là trưởng công an xã đến đại diện cho chính quyền, bà con trong ấp cũng tụ tập đủ mặt. Ông Hai lúc này ăn mặt chỉnh tề, chấp tay thưa với ông Chà-Và: “Thưa ông anh, dân ấp Cây Dứa chúng tôi quê mùa chơn chất, không biết có cao thủ bùa phép như ông anh giá đáo, nếu có gì thất lễ ông anh bỏ quá cho. Nhưng ông anh cũng thấy, bà con ở đây còn nghèo khổ quá chừng không cách nào có đủ tiền trả theo yêu cầu của ông anh, không biết ông anh có thể nhẹ tay làm phước cho bà con trả tiền theo giá cũ hay không?”. Ông Chà-Và dứt khoát không chịu. Ông Hai bèn nói tiếp: “Thưa ông anh, tiểu đệ đây lúc nhỏ cũng theo thầy luyện bùa được mấy năm nhưng lâu quá không còn nhớ được bao nhiêu, kẹt cái dù sao tiểu đệ cũng là dân Cây Dứa, vậy tiểu đệ làm gan xin đấu với ông anh một cuộc, nếu tiểu đê thua thì chết chịu, có đại diện chính quyền ở đây làm chứng, ông anh khỏi sợ tù gạc gì. Nếu ông anh thua, xin ông anh để lại bị đồ và bỏ luôn không lấy tiền vải của bà con mua hôm trước!”. Ông Chà-Và bằng lòng, hỏi thi đấu thế nào? Ông Hai bảo mỗi người lấy một cái chén nước “thư” bùa vô rồi đưa cho người kia uống. Ông Chà-Và y lời lấy một cái chén nước vừa niệm chú vừa vẽ lằng ngoằng trên miệng chén rồi đưa cho ông Hai. Ông Hai ực một cái ngon lành như uống rượu đế rồi lấy một cái chén đưa ông kia.
Ông Chà-Và vừa cầm chén lên đưa tới miệng bỗng mặt mày xanh lét, tay run như thằn lằn đứt đuôi, lập bập hỏi: “Cái này là... là gì?”. “Bùa của tui đó” ông Hai trả lời. Ông Chà-Và quỳ xuống lại như tế sao, xin thua không dám uống. Bà con hoan hô rầm trời: “Ông Hai giỏi quá, ông Hai hạng nhứt”, rồi bà con kêu riết thành Hai Nhứt. Đó, sự tích cái tên Hai Nhứt là vậy đó!
Ông Út Chắc dừng lời kể, rồi bưng ly rượu nhấp phân nửa, lấy đũa gắp cái phao câu vịt xiêm chấm nước mắm gừng thong thả thưởng thức mặc cho bà con ấm ức hối thúc rồi quay ra đoán mò.
- Ủa, ông Hai có bùa thiệt hả ông Út?
- Bùa gì mà lợi hại vậy ông Hai?
- Chắc là bùa Cao Miên. Ông Hai hình như có đi oánh giặc bên Miên.
- Không phải đâu. Chắc bùa Tàu. Ông Hai làm lính trinh sát nghe nói hồi trẻ có học võ hẹ với thầy Tàu.
Mọi người nhao lên. Ông Út nhìn ông Hai, ông Hai mĩm cười, gật đầu. Ông Út Giơ tay lên, bảo:
- Mọi người im lặng, muốn biết đó là bùa gì phải hông? thật ra đó không phải là bùa gì hết mà là chén thuốc... rầy! Ha... ha...!
Thì ra ông Chà-Và kia cũng không có bùa phép gì hết, chỉ là thông đồng với thím Ba Đậu để gạt tiền bà con. Sau khi ông ta thua cuộc đã thành thật khai ra và nhận lỗi. Công an xã bắt ông làm bản cam kết rồi tha cho đi. Sáng hôm sau thím Ba Đậu cũng dọn nhà theo ông Chà-Và xuống ghe. Ông Hai đem bị đồ trả lại cho họ và tặng thêm năm lít gạo, chúc họ lên đường may mắn và khuyên họ chí thú làm ăn, đừng giở trò lường gạt nữa. Sau khi họ đi, ông Út hỏi ông Hai rằng có biết đó là chén bùa giả không. Ông Hai bảo có biết gì đâu. “Trời đất, không biết sao dám uống?”. Ông cười hề hề: “Có gì đâu chú, chuyện nhỏ mờ, chú quên tui là lính Năm Lẻ Hai sao!”.
- Ủa, chuyện hay như vậy sao con không nghe nội kể gì hết vậy nội? Thằng Na hỏi ông Hai.
- Chuyện lâu quá rồi con, gần hai chục năm còn gì, lúc đó con còn chưa ra đời. Ông Út con nhớ chớ nội cũng quên không nhớ nữa.
Ông Hai Nhứt trầm ngâm, mắt nhìn hư vô như đắm chìm trong một khoảng không riêng tư, bí mật chỉ riêng ông biết. Ông nhìn xa xa vào xẻo dứa gai sau nhà, tự hỏi: Có phải thời gian là liều thuốc tốt nhất để quên không, chuyện chưa đầy hai chục năm ông không nhớ nhưng chuyện hơn hai chục năm sao cứ vương vấn mãi trong lòng!
Sau cái ngày ông Hai Nhứt nhận thằng Na làm cháu nội khoảng ba năm, cũng là năm bước vào thiên niên kỷ mới, ấp Cây Dứa đang có nhiều thay đổi lớn. Đầu tiên là cây cầu chữ Y được bê tông hóa. Ngã Ba Chờ Đợi được các chuyên gia kinh tế đánh giá là địa bàn có tiềm năng bởi vị trí địa lý thuận lợi, có thể hình thành một chợ đầu mối nông sản. Một con đường nhựa sẽ được mở từ quốc lộ thẳng vào đến cầu chữ Y, rồi điện sẽ về... vân vân và vân vân. Con đường đó chạy dọc theo miếng vườn năm công của ông Hai Nhất, thế là bỗng dưng ông có hàng ngàn mét đất mặt tiền, nghĩa là ông sẽ giàu to. Vậy mà ông Hai Nhất không vui. Mấy tháng gần đây cuộc sống yên tĩnh của ông bị đảo lộn, cứ cách vài bữa lại có người đến hỏi mua đất, riết rồi ông kêu thằng Na viết tấm bảng “KHÔNG BÁN ĐẤT” to đùng treo trước cổng. Vậy mà sáng nay cũng có mấy ông khách bụng bự không thèm đọc tấm bảng xô cửa vô nhà đặt vấn đề với ông là nếu ông không bán miếng vườn đã thành khoảnh thì bán cho họ miếng xẻo dứa gai hoang dại hơn nữa công đó, họ sẽ trả tiền bằng giá như miếng đất vườn. Đến nước này ông Hai không còn chịu nổi, đuổi thẳng cổ họ ra khỏi nhà rồi kêu thằng Na lấy dây buộc cổng lại sau đó ông leo lên võng nằm. Nghĩ lại thấy mình cũng có phần nóng nảy, người ta hỏi mua mình không bán thì thôi, sao lại đuổi người ta.
Chậc, ai biểu họ mua chỗ nào không mua lại hỏi mua ngay cái xẻo dứa gai đó chứ. Ông Hai nghe hai bên thái dương giật giật, cái đầu căng ra, những ý nghĩ hiện lên trong đầu rối lộn tùng phèo như canh hẹ. Bao hình ảnh chập chờn. Ông mơ mơ màng màng thả mình vào dòng hồi tưởng. Ký ức mấy mươi năm trùng điệp hiện về. Ông thấy mình trở lại thành thằng Bé Hai mồ côi mồ cút không cha không mẹ đi ở cho người ta, rồi theo ông thầy Tiều đi sơn đông mãi võ. Trong một lần may mắn cứu được một cán bộ bị giặc truy lùng, anh thanh niên Bé Hai được giác ngộ cách mạng và trở thành anh bộ đội của tiểu Đoàn Năm Lẻ Hai anh hùng. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 chiến sĩ Nguyễn Văn Bé Hai đã trở thành trung sĩ tiểu đội trưởng trinh sát. Tháng 10/1972 đại đội của anh trong một trận đánh phản kích với tiểu đoàn 423 của địch có một chi đội xe bọc thép yểm trợ đã cầm cự suốt bốn ngày với quân địch mạnh và đông hơn gấp bội. Anh đã bị thương vào đùi không kịp rút theo đơn vị phải nằm lại trạm quân y huyện. Tại đây anh đã gặp Dạ, cô y sĩ phó trạm quân y, cũng là người mổ vết thương cho anh. Mười ngày sau khi chân anh còn chống gậy đi tập tểnh thì quân y huyện bị giặc càn, đồng chí trạm trưởng hy sinh. Trạm quân y bị tổn thất nặng nề. Dạ đã cõng anh trong mưa bom bão đạn bất chấp hiểm nguy. Anh đã bao lần bảo Dạ bỏ anh ở lại chạy đi nhưng Dạ không nghe. Cuối cùng sau khi vượt hơn năm cây số đường đồng cô cõng anh tới ngã ba Chờ Đợi này. Thật không ngờ trong lòng xẻo dứa gai bạt ngàn kia lại có một căn hầm, vốn là căn hầm của các cán bộ địa phương. Cửa vào hầm nằm sâu dưới nước. Các đồng chí đã cắt dứa gai thành một đường ngầm bề ngang chừng sáu bảy tấc, vừa thân hình một người, lặn vào chừng bốn năm thước có một chổ trồi lên để thở. Lặn năm, sáu hơi như vậy thì tới cửa hầm. Đây là một gò đất tương đối cao. Hầm tuy nhỏ nhưng khô ráo. Lúc Dạ đưa được anh vào hầm thì vết thương của anh đã vỡ ra, máu chảy ướt đẫm cả bàn chân. Dạ lúc này hoàn toàn kiệt sức dựa vào vách hầm để thở, thấy vậy cũng ráng ngồi dậy băng lại vết thương cho anh. Bên ngoài còn ầm đùng súng đạn, trực thăng của giặc gầm rú trên đầu. Thấy anh có vẻ lo lắng, Dạ bảo: “Anh Hai yên tâm đi, cái hầm này an toàn nhứt ấp Cây Dứa, trừ khi có bom rớt ngay thôi, còn lựu đạn, hay pháo cũng không ăn thua”. Anh trả lời: “Không phải tôi lo chuyện đó, tôi lo cho anh em thương binh nặng còn ở lại trong hầm bí mật ở đằng trạm, còn những người khác nữa, không biết có thoát được không!”. Dạ cũng lặng người đi, lo lắng. Không khí trong căn hầm trầm xuống. Lát sau Dạ hỏi: “Anh Hai có đói không?”. “Đói, bộ cô kịp đem theo cái gì ăn sao?”. Anh nhìn Dạ. Ngoại trừ cái túi cứu thương lúc nào cũng đeo dính bên người, anh không thấy còn gì khác. Dạ cười: “Đâu có, nhưng hy vọng ở đây có cái ăn”. Dạ trườn ra khỏi hầm đưa tay mò xuống nước. Anh la lên: “Cô mò cá hả, tui không ăn cá sống đâu nghen!”. Dạ cười, không nói. Lát sau cô đưa lên ba đòn bánh tét bằng cùm chưn. “Ủa, ở đâu ra vậy?”, anh ngạc nhiên hỏi. “Chắc là lương thực dự phòng của mấy anh cán bộ địa phương, không biết để đây từ hồi nào”, Dạ trả lời tỉnh queo. “Trời đất, để dưới nước vậy hư hết rồi sao ăn được”. “Anh không biết hả, đây là bánh tét không nhưn. Gói thiệt chặt để dưới nước mười bữa nửa tháng cũng không hư. Chỉ là vết thương của anh ăn nếp vô sợ bị cương”. “Cương thì mau lành chớ gì mà lo”, anh cười hì hì. “Vậy anh cắt ra đi, chúng mình ăn. Tui cũng đói rồi”. “Cắt? lấy gì cắt bây giờ, không lẽ lấy dao mổ của cô”. Cô lắc đầu quầy quậy: “Bậy nè! đồ nghề của người ta ai đem đi cắt bánh. Xung quanh anh dao nhóc đó.” Anh nhìn quanh, thấy những cây dứa gai hai bẹ xếp thành hình chữ V, ba cạnh đều có gai nhọn, cứng uốn cong như lưỡi cưa, chợt hiểu ra, liền đem đòn bánh tét đưa vô cạnh bẹ dứa gai cưa lên cưa xuống. Lúc sau đòn bánh tét được cắt rời ra, lá chuối gói hơi tưa tòng không được ngọt như cắt dao, nhưng cũng thành từng khoanh đàng hoàng, bên trong nếp còn dẻo quẹo chưa bị ôi thiu gì hết. Hai người ăn ngon lành. “Không ngờ cây dứa gai xấu xí thấy ghê vậy mà nhiều công dụng quá ta. Chẳng những cản được bom đạn quân thù mà còn làm dao cắt bánh ăn nữa.” Anh cảm khái nói. Dạ bảo: “Chưa hết đâu, anh Hai có ăn bắp hầm không? Người ta lấy bẹ dứa gai cắt làm muỗng để ăn bắp hầm nữa đó.” “Hết chưa?”,
Anh hỏi. “Chưa, cây dứa gai còn một bí mật nữa, không nói cho anh biết bây giờ”. Sau khi ăn xong, Dạ mệt quá ngồi dựa đầu vô vách hầm mà ngủ. Bây giờ anh mới có cơ hội nhìn cô thật kỹ. Mái tóc đen dài bệt đầy bùn đất, lòa xòa hai bên gò má nhưng không thể che được gương mặt trái xoan, hai cánh mũi nhỏ nhắn phập phồng, mệt nhọc, đôi hàng chân mày đen dài hơi ngang ngang, đôi mắt quầng thâm, đôi môi hơi tái của người thường xuyên mất ngủ hơi mím lại, cứng rắn và cương quyết. Nhưng chiếc cằm thanh tú có một đường chẻ nhỏ nhu mì. Tất cả những cái đó làm gương mặt cô toát lên vẻ dễ thương là lạ. Nghĩ đến lúc cô cõng anh chạy dưới làn lửa đạn lòng anh bỗng dậy lên một nỗi niềm khó tả mà hai mươi tám năm làm người anh chưa từng cảm thấy bao giờ...
.......
- Nội, nội ơi, có khách kìa!
Ông Hai Nhứt choàng tỉnh. Tiếng gọi của thằng Na kéo ông trở về thực tại thoát khỏi đoạn phim hồi ức. Ông bảo:
- Nội đã dặn con là trả lời với khách mình không bán đất rồi mà, kêu người ta đi đi.
- Dạ. Không phải khách mua đất nội ơi. Thằng Na phân trần. Người ta nói là bác sĩ gì đó.
- Được rồi, ra nói với khách đợi nội chút.
Thằng Na chạy ra cổng. Ông Hai lấy gàu nước mưa rửa mặt rồi thay bộ đồ tề chỉnh ra tiếp khách. Đoàn khách gồm bốn người, ba nam, một nữ. Tất cả đều còn trẻ. Cô gái trông lớn tuổi nhất, chừng hăm sáu, hăm tám gì đó, có vẻ là trưởng đoàn. Cô lễ phép chào ông rồi nói:
- Thưa bác, chúng cháu là nhân viên y tế đến khám và chữa bệnh miễn phí cho bà con địa phương mình. Vì ấp Cây Dứa chưa có trạm y tế, được biết vườn nhà bác có một khoảng sân rộng nên chúng cháu muốn mượn làm chỗ khám và chữa bệnh cho bà con.
Ông Hai mừng quá, gật đầu lia lịa, đồng ý cả hai tay. Ông bảo thằng Na về nhà gọi vợ chồng anh Sáu Thẹo qua phụ một tay dọn dẹp chỗ nơi cho cô bác sĩ Ngọc và các anh em trong đoàn. Hai ngày liên tiếp sân vườn nhà ông Hai chật ních người, đoàn công tác làm việc bở cả hơi tai nhưng ai cũng vui vẻ nhiệt tình. Bà con ấp Cây Dứa thì khỏi nói nổi niềm vui. Chiều tối hôm thứ hai công việc mới tạm xong, ông Hai kêu chị Sáu bắt cặp vịt xiêm với con gà mái dầu làm tiệc đãi khách để sáng hôm sau đoàn công tác trở về nhiệm sở. Bữa tiệc đầm ấm thân tình. Ông Hai cảm ơn đoàn đã vì dân ấp Cây Dứa cực khổ mấy ngày qua. Bác sĩ Ngọc thưa rằng đây chỉ là nhiệm vụ, không có chi là cực khổ hết. Được chăm sóc sức khỏe cho bà con là mọi người thấy vui rồi. Cô Ngọc còn bảo dân Cây Dứa mình đã chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Hòa bình rồi nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là sức khỏe không được chăm sóc chu đáo. Ở đây cần xây dựng một trạm y tế, cần phải có một bác sĩ. Ông Hai nói rằng có bác sĩ nào mà chịu về nơi vùng sâu nghèo khó này. Cô Ngọc nói nếu có trạm y tế cô sẽ về đây công tác. Ông Hai trợn mắt: “Thiệt không cô bác sĩ, vụ này không có nói chơi được à?”. “Thiệt chớ bác Hai. Cháu nói được là làm được”. Cô bác sĩ trẻ gật đầu rồi nhìn ông, đôi mắt đen tròn dưới cặp chân mày ngang ngang, hai cánh mũi nhỏ nhắn phập phồng, đôi môi mím lại đầy cứng rắn và cương quyết. Một tia chớp lướt qua. Bỗng cô hỏi ông:
- Thưa bác Hai, sao mình ở đây gọi là ấp Cây Dứa vậy?
- Ờ... ờ! Có lẽ vì ở đây có một đám dứa gai có từ rất lâu đời.
- Có phải đám dứa gai sau vườn nhà mình không bác?
- Có lẽ vậy, thời chiến tranh đám dứa gai này lớn hơn rất nhiều.
- Có phải trong đám dứa có một căn hầm không bác?
- Sao... sao cháu biết?
- Mùa hè đỏ lửa 1972 mẹ cháu đã ở trong căn hầm đó hai đêm. Mẹ cháu tên Dạ, ngày đó là trạm phó quân y. Mẹ cháu nói cây dứa gai có một bí mật, đó là lằn gai giữa sống lưng của nó có những gai mọc ngược, có thể làm cho lòng người chảy máu...
Bây giờ thì ấp Cây Dứa không còn cây dứa gai nào cả. Cái loài cây này hình dáng gai góc xấu xí, lại không một chút lợi ích kinh tế nào nên sự tồn tại của nó đã không còn hợp thời. Ngã ba Chờ Đợi đã trở thành chợ đầu mối nông sản trù phú bán mua nhộn nhịp. Ấp Cây Dứa bây giờ có đủ điện, đường, trường, trạm. Trong đó cái đứng cuối là trạm lại có đầu tiên. Trưởng trạm y tế là người quen cũ, chính là cô bác sĩ Ngọc mấy năm trước từng đến khám chữa bệnh miễn phí cho bà con. Dân Cây Dứa khen cô là người nói được, làm được. Trạm y tế được cất ngay trên xẻo dứa gai bịt bùng bạt ngàn đầy kỷ niệm. Người chủ đã hiến miếng đất để xây dựng trạm y tế, hôm khánh thành được phóng viên truyền hình phỏng vấn tại sao ông gìn giữ đám dứa hơn hai mươi năm bây giờ lại cho đốn và động cơ nào ông hiến miếng đất mặt tiền cao giá vậy để làm trạm y tế. Ông trả lời: “Đốn đám dứa tui cũng đau lòng lắm. Dứa cũng như người, cũng có tình.
Thôi thì giữ cũng là tình, đốn cũng vì tình. Còn vụ đất mặt tiền hả? Có gì đâu chú, chuyện nhỏ mờ, chú hổng biết tui là lính Năm Lẻ Hai sao?”.
Q.T

Xem Tiếp: ----