Năm lên chín tuổi tôi mới bắt đầu đi học vỡ lòng. Đó là vào một ngày mùa xuân năm 1951, ba cậu cháu tôi(một cậu út, một đứa em con bà dì và tôi)sinh cùng một năm lại cắp sách đến trường cùng một ngày.Thực ra đó chỉ là một lớp học dạy tư theo hình thức lớp ghép. Trong lớp học ấy có một nhóm mới học vần, một nhóm khác đã tập chép, và cao hơn có nhóm đã học đến tính viết và tính đố...Người thày đầu tiên khai tâm cho tôi là cậu giáo Cúc ở thôn Ninh Xá. Ngày ấy ở vùng tôi đều gọi các ông giáo là "Cậu Giáo" cả. ở làng Ninh Xá lúc ấy có hai "cậu giáo" là cậu giáo Cúc và cậu giáo Tý. Cậu giáo Tý thì dạy lớp ở ngoài đình, thấy có bảng, có bàn ghế cẩn thận. Còn cậu giáo Cúc thì dạy học tại nhà, không thấy có bàn ghế và bảng đen gì cả. Ngoài việc dạy học, chúng tôi còn thấy cậu làm may và cắt thuốc. Nhiều lần đến lớp chúng tôi thấy cậu giáo quàng thước dây ở cổ và đang đo cắt quần áo trên một chiếc bàn rộng. Người cậu giáo cao to, trắng trẻo, gương mặt đầy đặn, có bộ râu con kiến rất ấn tượng và đặc biệt là một nụ cười rất hiền.Học ở Ninh Xá được một thời gian, bố tôi lại đón tôi về học cậu giáo Cương ngay ở làng. Tôi không rõ lai lịch cậu giáo Cương lắm, chỉ qua những câu chuyện của người lớn nói với nhau, chúng tôi biết cậu giáo là người nơi khác đến, lấy vợ người làng Nam Gián Đông. Tôi không có thiện cảm mấy với cậu giáo Cương vì người cậu giáo trông cũ kĩ, thường mặc quần áo "âm lịch" lại ăn trầu, trông miệng lúc nào cũng luôm nhuôm đỏ. Cậu giáo lại mắc chứng "đau bụng kinh niên"(đau dạ dày) nên nước da thường tai tái và gương mặt không mấy tươi tỉnh. Nhưng tôi hãi nhất là cậu giáo Cương rất dữ đòn. Ngày ấy chúng tôi viết bằng bút dông, mực tím tự pha nên rất ít đứa giữ được sạch sẽ. Quần áo sách vở thường bị rây mực, chưa kể có khi còn thò lò mũi xanh quệt ngang tay áo thì trông còn khiếp nữa. Riêng tôi còn mắc cái tội chữ xấu cho nên rất hay bị phạt đòn. Khi thì thước kẻ dần tay, khi thì phải quỳ nền gạch, khi thì bị nọc ra bắt nằm sấp xuống, có người đè đầu và giữ chặt chân tay cho cậu giáo vụt. Tôi bị ăn đòn nhiều nên rất hãi. Có lần, vào mùa xuân năm 1952, lớp học ở đình làng tôi, vừa nghe cậu giáo gọi tôi lên, tôi đã co cẳng chạy biến. Tôi chạy thục mạng như một cuộc thoát hiểm thực sự. Trời lác đác mưa xuân, cánh đồng chiêm làng tôi đường trơn lắm.Nhưng hoảng quá, tôi cứ chạy bừa đi, thỉnh thoảng lại ngã lao xuống ruộng. Tôi định chạy chốn sang ông ngoại ở bên làng Ninh Xá, nhưng không có đò. Thế là cứ lang thang ngoài đê, không dám về nhà. Tối thì tôi tạt vào ngủ nhờ nhà một thằng bạn, ban ngày lại tha thẩn chơi với bọn trẻ trâu. Đến chiều hôm sau thì bố tôi đi tìm, nhưng tôi sợ quá vẫn không dám về. Bố tôi đuổi bắt, tôi lại chạy, đến cổng bốt Tây Đen thì tắc đường. Tôi chạy rẽ xuống bờ sông, chạy ngược lại. Có một người cao to, chột mắt nhìn tôi gườm gườm, quát tôi bắt đứng lại. Thế là tôi nhảy ùm xuống sông. Ông ta bèn lội xuống và kéo tôi lên. Tôi gào khóc dữ dội lắm, cứ vừa gào vừa gọi: "ới ông tây đen ơi, ông bắn chết tôi đi!"...Về sau tôi mới biết, người bắt tôi hôm ấy là ông Tiêu người làng Gốm, và do bố tôi nhờ bắt hộ.Tôi bị "dẫn độ"về nhà, ăn thêm nhiều cái vụt dọc đường đến tóe cả máu chân. Nhưng từ hôm đó tôi nhất quyết không đi học nữa. Tôi ở nhà chăn trâu và bế em. Việc sợ đòn và bỏ học của tôi, làm cho bên ngoại tôi rất lo lắng. Người thì bàn nên cho tôi sang Hải Dương học, người thì bàn nên cho vào vùng tự do. Cuối cùng vào cuối năm1952, bố tôi mua sách vở, quần áo, chăn màn, thuốc men và đưa tôi vào vùng tự do học.Vì là con cháu giáo viên, nên tôi được gửi ngay trong khu tập thể giáo viên của nhà trường. Khu tập thể giáo viên ngày ấy nằm trên sườn đồi ngay cửa con Suối Cẩu. Lúc đầu chỉ là hai ngôi nhà ở ngay trên bờ suối. Về sau có nhiều giáo viên mới về, mới phát rừng và làm thêm một căn nhà nữa trên sườn đồi, cách khu nhà cũ độ vài chục mét. Các thày son rỗi thì ở khu nhà trên, còn các thày có con cháu theo học thì ở khu nhà dưới. Nhà kháng chiến làm theo một lối kiến trúc rất thô sơ. Không thấy có một lỗ đục nào. Cột là những cây to có chạc ba để đỡ xà, còn kèo với kèo và kèo với xà thì dùng dây rừng buộc lại. Trên nóc lợp bằng cỏ tranh hay phên nứa. Quây bốn xung quanh cũng là những phên nứa. Nội thất không thấy có giường tủ gì cả, chỉ có một dãy sàn nứa làm chỗ nằm, thường kéo dài suốt nửa phía trong của ngôi nhà. Nửa phía ngoài là cửa ra vào và một khoảng trống dùng làm bếp đun, bếp sưởi. "Nhà ăn" thì chỉ là một dãy bàn nứa làm ngay ở dưới gốc cây rừng. Đó là những chạc cây chôn chặt xuống đất, có thanh ngang thanh dọc buộc chặt lại với nhau làm khung bàn. Trên đó đặt một phên liếp dài dài như cái phên phơi bánh đa rồi buộc chặt vào khung. Không thấy có ghế ngồi, toàn ăn đứng. Bữa ăn cũng cực kỳ đơn giản. Ngoài món rau cũng có món ăn mặn, sang thì thịt kho đậu, kém, thời ấy trong hơn thì lạc rang mặn. Cũng có thời kỳ khó khăn chỉ toàn thấy ăn mắm tôm mài bác lẫn với củ riềng đào ở trong rừng về. Nước uống thì hay dùng nước lá Đùm đũm, một loại cây leo có gai, quả gần giống như quả dâu, chín lấy ăn được. Cây Đùm đũm leo bám um tùm cùng với những bụi cây rừng ngay bên cạnh khu nhà ở. Khu lớp học thì đặt rải rác trong hai khe Suối Cẩu và khe Lá Lốt. Nhưng Suối Cẩu là khu trung tâm. Lớp học cũng làm theo kiểu nhà kháng chiến. Khác với nhà ở là trong phòng "kê" bàn ghế học sinh: "Ghế băng" được làm bằng một khúc gỗ rừng gác lên hai chạc cây chôn xuống đất."Bàn học sinh" cũng là những cọc cây rừng chôn xuống đất làm khung, rồi đặt lên trên một phên nứa làm mặt bàn. Mỗi phòng học cũng làm ba gian và rải rác mỗi chỗ một phòng.Tuy là lớp học kháng chiến nhưng không thấy có hào lũy, hầm hố như lớp học thời chống Mỹ sau này.Năm 1954, nhà trường còn làm hắn một khu "Nội trú" cho học sinh của hai lớp 5. Các anh học sinh lớp 5 năm ấy lớn lắm, đã vào độ tuổi thanh niên cả, nhiều anh đã có vợ có con. Khu "Nội trú" ấy, nằm sâu mãi tận cùng khe Suối Cẩu. Các anh tự làm lấy nhà ở, rồi phát rẫy trồng sắn, trồng rau. Ngọn nguồn con Suối Cẩu có một đoạn là những khe đá nhỏ, nước chảy trong vắt, mát lạnh. Những ngày đầu hè nắng nóng chạy lên đây, đặt mình nằm xuống khe đá cho dòng nước chảy qua thì tỉnh cả người...Nhưng vào đấy sâu lắm, lại nghe nói có một đôi chăn đất, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện, nên chúng tôi hãi lắm, không mấy khi dám lên đấy tắm... Trong vùng tự do ngày ấy người ta không gọi là Cậu giáo như vùng tạm chiếm, cũng không gọi Thày giáo như thời xưa và ngày nay, mà người ta gọi là Anh giáo. Bây giờ nghe lại thì thấy nó "xách mé" và ngang tai lắm, nhưng lúc ấy nghe mới mẻ và cách mạng lắm.Ở khu tập thể ngày ấy đầu tiên tôi thấy có Anh Cẩn, Anh Rao, Anh Mạo, Chị Thủy; Sau này thì về thêm: Anh Hy, Anh Lâm, Anh Kim, Anh Cảnh, Anh Đạo, Anh Thịnh, Chị Thuần. Không ở khu tập thể còn thấy có:Anh Hoạch, anh Đài, Anh Quát, Anh Tụng... Các "anh giáo", "chị giáo" ngày ấy đều còn rất trẻ, lại được giáo dục theo tinh thần đạo đức cách mạng nên rất gần gũi và tận tình với học sinh. Điều khác biệt rõ nhất mà tôi thấy ở nhà trường trong vùng tự do là hoàn toàn không còn tệ bạo hành học sinh. Tôi không thấy có học sinh bị mắng nhiếc hay đánh đập bao giờ.Nhưng hình thức kỷ luật thì cũng hơi ác.Tôi nhớ có một vụ một anh và một chị ở lớp học sinh lớn yêu nhau và có quan hệ tình dục với nhau. Không may cho anh chị ấy là bị rình bắt quả tang. Ngày ấy người ta gọi việc ấy là tội "hủ hóa" và đã bị kiểm điểm trước toàn trường. Buổi kiểm điểm ấy tôi thấy nó giống như một phiên tòa. Vào một buổi tối, học sinh toàn trường đèn đuốc đông kín cả một vạt đồi. Anh chị ấy bị dẫn ra kiểm điểm. Tôi không nhớ bản án khi ấy tuyên phạt thế nào, nhưng cả hai anh chị ấy đều không học nữa. Có lẽ vì quá xấu hổ. Chị trở về đời thường, sống cuộc đời lam lũ cho đến hết đời. Anh vào bộ đội, sau trở thành Anh hùng phi công. Theo lời kể lại của một số người bạn anh, thì cho đến khi về hưu anh vẫn còn nhớ chị, vẫn hỏi thăm tin tức về "người xưa"!Những ngày đầu vào trong vùng tự do học, nỗi khổ nhất của tôi khi ấy là nhớ nhà. Cứ chiều đến là nhớ nhà vô cùng. Nhớ đến phát khóc lên được. Tiếp sau đó là những trận sốt rét rừng. Tôi bị sốt cách nhật, cứ cách hôm lại lên cơn sốt một lần; bao nhiêu chăn chiếu trùm kín người mà vẫn rét run lên bần bật. Sau cơn sốt người thấy bải hoải và bâng khuâng lạ. Những lúc ấy nỗi nhớ nhà lại kéo đến và tôi chỉ có mỗi một cách là khóc toáng lên và gọi bố. Dễ có đến hàng tháng như thế. Sau này thì không rõ tôi tự nhiên quen đi hay do mải học đàn mà quên cả nhớ nhà. Nhưng có thể là do cả hai. Ngày ấy Chị giáo Thủy dạy lớp vỡ lòng có một cây đàn Măng đô lin. Đầu tiên tôi cũng chỉ ngồi xem và nghe chị giáo đánh. Lại thêm anh Vinh, anh Lập học sinh lớp trên tôi, người Đông Triều, là con cháu của Anh Rao,Anh Cẩn gì đó tôi không nhớ rõ, cũng có đàn An tô và Măng dô. Chiều nào các anh ấy cũng đánh. Thế là từ đó tôi say mê học đàn.Đầu tiên còn mượn đàn của các anh ấy, ghi các nốt Son Phe vào cần đàn rồi tay gẩy, tay bấm: Rế si rế sòn, Rế si si si, Rế son son rề, Son rề son sí la son, son rề son sí la son...Đó chính là son phe của mấy câu trong bài Bóng trăng trắng ngà. Nếu bây giờ cầm đàn thì tôi vẫn đánh được toàn bài. Nhưng lời bài hát thì chỉ còn nhớ lõm bõm: Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thắng cuội già, ôm một mối mơ. Cuội ơi ta nói cuội nghe, ở trên cung quế làm chi. Nó không có nhà gió bay vi vu...(quên). Đó chính là bài tập đàn đầu tiên của tôi. Do say mê tập luyện, lại còn ít tuổi, nên chẳng mấy chốc tôi đã chơi đàn thạo. Nhất là từ khi Anh Lâm về thì chiều nào hai thày trò cũng hòa đàn với nhau. Anh Lâm có bài Quân đoàn 61 đánh rất sôi nổi. Bài nhạc ấy tôi không thấy người ta đánh lại bao giờ. Nó thuộc loại bài hát của một thời thôi chăng? Ngày nay tôi vẫn còn đàn được nhưng lời thì cũng chỉ lõm bõm câu nhớ câu quên.Bạn đàn là học sinh ngày ấy, ngoaì anh Vinh, anh Lập cùng ở trong khu tập thể giáo viên, tôi còn nhớ có anh Tiền, người thôn Vàng Gián. Nhà anh ở mãi đâu bên Bống Báng cơ, nhưng thỉnh thoảng anh cũng vẫn vào chơi đàn cùng tôi. Anh Tiền có nước da trắng và mềm mịn như da con gái. Lại có một cái núm đồng tiền tròn xoe bên má phải, nên tôi hay gọi đùa là chị Tiền. Anh Tiền chơi bài Ngựa chạy cực hay. Hay vì anh học lỏm được ở đâu, hay tự sáng tạo ra được mấy nốt tông rất "ngựa chạy". Tôi cũng chỉ học đàn theo kiểu du kích nghĩa là bắt chước là chính, chứ không được học nhạc lý bài bản gì. Nhưng cứ sử dụng thành thạo được cây đàn là đã vào loại "trình độ" của ngày ấy rồi. Vì thế mà tôi luôn luôn được mời đi biểu diễn để phục vụ bộ đội và dân công...trong những ngày liên hoan mừng chiến thắng. Những tháng ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp ta chiến thắng liên tiếp và vì thế mà những cuộc liên hoan mừng công cũng nhiều nhiều...Cuộc sống trong vùng tự do ngày ấy vui lắm. Ngày nào cũng có một giờ vui sống. Tôi không rõ cái quy định này là của riêng nhà trường hay là một Hương ước của vùng tự do? Chỉ biết ngày nào cũng như ngày nào, cứ từ 6 giờ đến 7 giờ tối là ca hát. Mà toàn là hát đồng ca. Tiếng hát đầu tiên cất lên từ một khe núi, lập tức các khe núi khác hát tiếp theo ngay.Thế là tự nhiên thành một dàn hát đuổi. Tiếng hát cứ nối đuôi nhau chạy quanh rừng núi. Hình như các khe núi cũng ngầm có ý ganh nhau, nên những anh hát sau thường cố gào to hơn những anh hát trước. Nhưng gào to quá thì gẫy, mà gẫy thì lại cười rộ lên.Vui lắm. Cũng toàn là những bài hát quen thuộc cả thôi: Kết đoàn, Nhạc tuổi xanh, Vì nhân dân quên mình, Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Qua miền Tây Bắc... Riêng bài Nhạc tuổi xanh thì về sau thấy cấm không cho hát nữa. Trong thời gian từ khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến khi toàn thắng, rồi những ngày mở hội nghị quốc tế giơ ne vơ bàn về vấn đề Đông Dương...Trong vùng tự do không khí lúc nào cũng hồ hởi. Đến tháng 7 năm 1954 thì có tin đình chiến. Mọi người như nín thở để lắng nghe tiếng loa phát thanh loan tin, và đến khi tiếng loa vừa dứt thì tiếng hò reo nổi lên vang động khắp núi rừng.Hè năm ấy tôi đang học lớp 4 của chương trình 9 năm. Biên chế năm học lúc ấy còn trùng khớp với năm dương lịch chứ chưa biên chế như ngày nay. Vì thế nghỉ hè mới là kỳ nghỉ giữa năm và thời gian nghỉ cũng ngắn thôi. Kỳ nghỉ giữa năm 1954, tôi về nhà không phải đi đêm và luồn rừng nữa. Tôi đi theo con đường chính như ngày nay, cố nhiên vẫn là những con đường mòn men rừng, men suối: từ Suối Cẩu, ra Đồng Trâu, rồi Thanh Mai, Đá Bạc, Hố Sếu...ra Thời Lời, về Bến Tắm, ra Đại Tân rồì theo đường 18 mà đi về Thông lộc, Cổ thành. Năm ấy trời đại hạn, tháng bẩy mà vẫn chưa có mưa. Trên đường về, tôi chỉ thấy có đồng khô và cỏ cháy của một vùng vành đai trắng hoang vu. Tôi không biết gì về công việc chuyển trường sau đó như thế nào. Chỉ biết sau kỳ nghỉ ấy, tôi được báo xuống đình Nội học tiếp chương trình lớp 4. Lớp 4 ở đình Nội ngày ấy do thày Hoạch trực tiếp giảng dạy. Làng tôi có ba người học lớp này và đều trọ cả ở nhà ông Cành. Đình làng Nội lúc đó còn thoáng đãng lắm, một mình biệt lập ra một khu, có một cái sân gạch khá rộng và một rặng nhãn bao quanh. Dưới rặng nhãn có một cái cầu chuôm xây bằng gạch nên rửa chân, rửa tay rất thuận tiện. Sĩ số của lớp cũng khá đông: Chí Linh có, Kinh Môn cũng có, nhưng đông hơn cả là người Nam Sách. Kỷ niệm của tôi về thày Hoạch là một kỷ niệm buồn. Số là vào dịp tết Trung thu năm 1954, thày có giao cho tôi đại diện cho học sinh phát biểu ý kiến trong buổi lễ; nhưng không may đến đúng hôm ấy tôi lại bị đau mắt không đi dự được. Thế là làm nhỡ việc của thày. Thày Hoạch về đã mắng tôi một trận rất gay gắt. Tôi cảm thấy bị mắng oan cho nên rất tủi thân và cứ tấm tức khóc mãi. Từ đó cho mãi đến năm 1968, tôi mới gặp lại thày Hoạch, khi thày chuyển từ Kim Thành về làm Hiệu phó Trường Cấp 3 Nam Sách. Lúc này tôi đã về dạy ở trường này được gần ba năm. Có một lần thày có mời một số anh em, trong đó có tôi, xuống nhà thày chơi. Lần ấy tôi cũng được gặp lại cả "cô giáo Hoạch". Trông cô, tôi vẫn thấy cô không khác mấy so với những ngày còn ở trong Đồng Trâu.Sau tết Nguyên Đán năm ấy(1955), chúng tôi được tham dự một kỳ thi chuyển cấp, cũng tổ chức ở đình Nội. Làng tôi có ba người đi thi, mỗi đứa đút trong cặp một cái bánh chưng tết để làm bữa trưa. Thi xong, về đến giữa cánh đồng làng Nội giáp Kinh Trung, thấy có một đống rạ to, chúng tôi bèn chui vào đó để trú rét và bóc bánh ăn. Đáng buồn là sau đó chỉ có một mình tôi được chuyển lên học ở lớp 5. Lớp 5 ấy đầu tiên học ở đình Miễu, sau mới chuyển về Thiên. Phụ trách lớp duy nhất còn có mình thày Thịnh. Cô Thuần và các thày khác đã chuyển đi đâu tôi không biết. Thày Thịnh, người Hà Nội, thày đã về dạy ở Chí Linh từ những ngày còn ở trong Đồng Trâu. Thày người tầm thước, có nước da ngăm đen, đôi mắt to và hơi nhiều lòng trắng, nhất là những khi thày liếc ngang. Thày nói hơi khó khăn, tiếng đanh đanh và hơi dật cục. Đặc biệt là khi ăn thày nhai rất kỹ. Thày thường ngậm miệng và phúng phính nhai như nhai cơm búng, đến khi thức ăn đã thật nhừ nhuyễn thày mới nhuốt.Thày làm việc gì cũng cẩn trọng. Thày dạy chúng tôi tất cả các bộ môn: từ Văn, Toán cho đến Vạn vật, Cách trí...Hình như thày là người đầu tiên đã phát hiện ra "năng khiếu" viết của tôi và có vai trò như một người định hướng nghề nghiệp cho tôi sau này thì phải? Tôi nhớ có lần thày đã cho chúng tôi làm một bài văn tả cảnh làng mình. Tôi viết về làng tôi thật, tất cả đều thật, về phong cảnh và cả về tập quán: Làng Riêng vào đám đẫy trà/Vừa vào vừa giã vừa ra một ngày. Nhưng có một chi tiết là tôi bịa. Đó là cánh đồng chiêm trũng trước làng tôi, tự nhiên lại biến thành một hồ sen, hoa nở bạt ngàn và hương thơm ngan ngát. Có lẽ chính cái chi tiết tôi bịa ra này đã làm cho bài văn đẹp hẳn lên chăng? Bài văn đó tôi được điểm cao nhất và được thày đọc mẫu trước lớp. Tôi phấn khởi lắm và rất chăm chú học văn từ đó.Sĩ số lớp 5 năm ấy chỉ được hơn hai mươi người mà Chí Linh chỉ có đâu bốn, năm người. Vì thế sang năm học sau, năm 1956, theo yêu cầu của đa số học sinh, Trường cấp 2 Chí Linh chuyển sang bên Nam sách. Tôi không theo trường chuyển sang học ở Nam Sách mà sang xin học ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài thị xã Hải Dương. Ngày tôi vào trường, trời mưa to lắm, phố Quang Trung và phố rẽ vào trường (Trước cổng chùa Quang Hanh), nước ngập cả vỉa hè. Bọn học trò chúng tôi đều phải vừa đi vừa nhấc ống quần, lội lõm bõm vào trường. Đó là một ngày đầu thu năm 1956.Chí Linh 11/2007 Đỗ Đình Tuân