Sau sáu tiếng lơ lững trên bầu trời , chiếc máy bay đáp cánh xuống phi trường êm thắm. Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng tôi đến thăm nước Pháp, lần đầu đám cưới tổ chức bên gia đình chồng và đây là lúc về chơi hè! Sau khi qua khỏi cửa quan thuế và lấy lại hành lý, vợ chồng tôi đón xe taxi vào trung tâm thành phố hoa lệ nổi danh trên thế giới, thành phố mà những năm trước đó tôi mơ ước được một lần đặt chân đến. Một là để thăm lại những người quen biết trong chuyến vượt biên năm '80 và hai là thấy tận mắt những kỳ quan, thắng cảnh thường đọc trong sách vở thời niên thiếu và nhiều nhứt là vì những lời kể trong những bức thư bay bướm nét chữ ...! Trên những tuyến đường xa lộ tấp nập, chằn chịt chồng chất lên nhau, tôi thấy Paris vào mùa này khác xa với những ngày lạnh ẩm ướt, thấm tận vào da thịt trong chuyến thăm viếng vào mùa đông năm rồi. Nhưng tôi vẫn nghe nói mùa hè vào trung tuần tháng 7 đến cuối tháng 8, Paris vẫn có thể nóng đến khó chịu vì bị ô nhiễm không ít! Đó là chuyện khám phá sau này , ở đây tôi chỉ nhắc đến một ngày không như những ngày khác.... - Em ơi, chiều nay anh phải đi giảng thuyết một đề tài về toán học. Nếu em muốn thì đến đó cùng anh, nhưng nếu không, em vẫn có thể đi dạo quanh vài con phố gần đây chờ anh về rồi mình đi ăn cơm tối! Tôi tiến đến gần chồng hơn và đưa tay vuốt nhẹ vào chiếc cravate mà chàng vừa thắt xong,đôi tay tôi dừng ở giữa lồng ngực chàng, tôi vọc vọc lớp lụa mịn màng, óng lên những màu sắc thật đẹp mắt, và nói: - Anh còn nhớ một người mà Ba và Măng em thường nhắc là " vị cứu tinh " của em không? - Nhớ chứ , may là anh tốt số và nhanh chân, bằng không... Chàng chưa nói hết câu thì tôi đã đấm nhẹ vào nơi có tiếng đập thình thịch đều đặn của chàng,nơi mà đôi lần tôi có cảm giác như tiếng gọi từ miền xa hun hút vọng về, một điệp ngữ xưa ơi là xưa và vẫn mới ơi là mới, một điệp ngữ của những kẻ đang yêu thương nhau, họ thích và nghe không bao giờ chán ' anh yêu em '! Tôi so sánh như vậy vì có bao giờ chàng thốt lên ba chữ cải lương dễ thương ấy với tôi đâu! Trời ơi, ' ông giáo già' của tôi khi thấy yêu vợ lắm là chỉ biết ôm chầm lấy vợ rồi hôn nồng nàn lên gương mặt bướng bỉnh không được đẹp của tôi và tôi thường mong muốn, mơ ước khi nhìn những gương mặt khả ái của cô bạn này, hay cô bạn kia rồi nghĩ: phải chi mình có chút gì giống gương mặt đó! Tôi đưa tay lên bịt chặt lại đôi môi chàng và nói: - Thôi, thôi, anh đừng có hát bài nhạc cũ rích nữa! Em sẽ phone thử xem có gặp đươc ảnh không, dù gì kỳ rồi đã hứa là lần sau sẽ đến thăm gia đình hai bác của ảnh. Ba, Măng có dặn em chuyển lời hỏi thăm đến đôi bạn già trước khi mình lên máy bay đó, anh không nhớ sao?! - Hừ, cô còn giả vờ nữa, muốn gặp lại người xưa thì cứ tự nhiên, anh đâu có cấm đoán mà em phải đưa chuyện nhờ vã của Ba Măng em vào đây! Nhưng làm gì thì làm, đừng để mất phương hướng nhứt thời đó, anh không dễ tha thứ và nhớ rất dai! Chàng vừa đổi giọng Bắc lai, pha Nam giá sống, hài hước chọc ghẹo tôi và còn tặng thêm cái nhìn hàm ý ghen tuông làm tôi bật cười khanh khách, tôi cũng không chịu thua nên chêm thêm dầu vào lửa: - Ôi, thân này ví xẻ làm đôi.... Tôi chưa nói hết câu là đã bị chàng xô té nhào xuống nệm, nhanh chóng hôn lên đôi má đỏ hồng lúc ấy và vực tôi dậy: - Bao nhiêu đó đủ cho sáng nay, anh sẽ đòi nợ em sau, giờ thì mỗi người đi lo công việc của mình! Nhưng nhớ đừng về quá trễ vì em biết anh xấu tính khi đói bụng! Tôi lườm chàng, thòng cho một câu: - Anh đã quen chờ em hồi còn đính hôn, giờ đã là vợ chồng thì ráng tiếp tục chờ đi , không nên thay đổi tính kiên nhẫn và lòng kiên cường rất đáng ca ngợi đó....! Nói xong tôi chạy vụt vào phòng tắm với tiếng cười giòn rã và đóng nhanh cửa lại... - H. tìm kiếm ai ở hướng đó vậy? Tôi giựt mình đánh thót và quay người lại đúng 180° , trước mặt tôi là một người đàn ông cao lớn với bộ đồ veste vừa vặn, nâng lên thêm gương mặt phải thành thật mà nói là rất đẹp mắt đối với riêng tôi. Dù đã biết là anh T. cao hơn những người đàn ông Việt nam bình thường,vậy mà hôm nay tôi vẫn còn ngạc nhiên trước chiều cao hiếm thấy đó! Ngày trước khi còn sống tạm chờ ngày lên đường đến quê hương tạm trú , trong trí nhớ tôi là một anh T. với quần áo rất đơn sơ giản dị, da đen ngâm vì những cơn nắng cháy của miền biển, tóc dài đến vai hơi bồng, hơi gầy nên cái chiều cao quá khổ càng lêu khêu hơn! Ừ, dáng dấp hippie lỡ thời của ngày xưa giờ là một dạng người đạo mạo, tươi rói sức sống... Tôi đang miên man với những ý nghĩ trong đầu thì giọng nói trầm ấm của anh T. lôi tôi về thực tại: - Anh có được phép hôn chào Madame cho đúng lễ nghi không vậy? Anh T. vừa hỏi, vừa nhìn tôi một cách rất tự nhiên , tôi lính quýnh lên vì câu hỏi lịch sự không kém phần tế nhị đó và chưa kịp phản ứng thế nào thì đã thấy mình nhận được ba cái hôn trên đôi má ! - Hồi nảy làm gì mà H. nhìn anh trân trân vậy, không nhận ra anh sao, bộ già hơn nhiều phải không? - Đâu có, tại em hơi ngạc nhiên vì cả mấy năm trời anh T. chỉ gởi vỏn vẹn một tấm hình nên em thấy hơi khác chút thôi ; trí nhớ lúc nào cũng hay phản bội ta mà! Tôi vừa cười vừa biện hộ cho chính mình. - Ông xã của H. đâu, không đến cùng H. để gặp anh sao? - Dạ, ảnh phải đi công việc trọn buổi sáng nay và ngày mai là Ba mẹ chồng em sẽ đến đón và đưa tụi em về Normandie rồi anh! Nếu anh T. đưa em về lát nữa thì thể nào cũng gặp ảnh đó! - Ừ, anh cũng muốn gặp người ta của H. để biết nhau chứ, bây giờ H. muốn đi đâu? - Em không biết, nhưng đến chỗ nào yên tĩnh chút và còn ghé thăm hai bác của anh nữa chi? - Được, vậy để anh làm tài xế sáng nay cho đến trưa còn việc đến thăm hai bác của anh thì chắc H. không có đủ giờ đâu, vì hai bác ở ngoại ô của Paris, khá xa, thôi để anh chuyển lời hỏi thăm cũng đủ rồi H. à! Anh T. nhanh nhẹn mở cửa xe và chờ tôi ngồi gọn gàng trên băng ghế xong mới khép cửa xe lại! Chúa ơi, thêm một điểm cho cung cách lịch sự của người khác phải mà tôi rất để ý vầ ông anh này Tây dễ sợ! Anh T. loanh quanh, luồn lách chiếc xe thật tài tình vì tôi thấy giòng xe của Paris mà phát ngán, người và xe ở đâu mà đông và tấp nập vô cùng! - Thường ngay anh rất ít khi lái xe vào những nơi này, vì nó rất đông du khách, hôm nay đặc biệt đâm đầu vào để cho ít ra H. cũng được viếng Paris một chút xíu với anh! .... Không biết đến bao giờ mình mới gặp lại hở H.? Một ngày nào đó anh sẽ nói với H. là đã bao năm rồi... và anh rất mong có ngày H. sẽ qua thăm thành phố anh đang sống, chỉ cần vài ba tuần là H. sẽ đi thăm được khá nhiều nước của Châu- âu rồi đó! ... Đôi khi đứng trước những thắng cảnh đẹp nổi danh của Paris mà lòng anh chùng xuống vì những nỗi buồn vô cớ, rồi lại bật cười lên vì sự ngớ ngẩn của chính bản thân....! H. mau lớn đi rồi anh em mình gặp nhau tại Paris, chắc sẽ vui lắm phải không H.?! Nhưng anh sợ lúc đó ta mất hết những gì ta có hôm nay! .... Ngồi đối diện nhau trong một quán ăn Việt Nam tại quận 13, anh T. ngó thoáng qua thực đơn rồi xếp nhanh lại, nói với tôi: - H. muốn dùng gì để anh gọi cho. Tôi đọc tới đọc lui, lật qua lật lại quyển thực đơn, cuối cùng đặt nó xuống bàn và thở dài ( đây là điểm yếu của chính bản thân tôi, rất ghét phải chọn lựa dù ở bất cứ thể loại nào). Dưới ánh mắt chờ đợi của anh T., tôi chỉ biết cười trừ: - Anh T. muốn gọi gi đều được hết, nhưng chỉ một món thôi vì em không đói lắm đâu! - Vẫn thói quen cố hữu là giao hết trách nhiệm cho người khác hả H.? Tôi biết đó chỉ là một nhận xét rất chính xác của anh T. nhưng mặt tôi lại đỏ bừng lên, và như để trốn tránh cái gì đó khó diễn tả bằng lới, tôi đưa mắt ngó ra vỉa hè. Hiểu được sự im lặng bất thình lình ấy, anh T. quay vào bên trong gọi người tới đặt thức ăn. H. thương mến, H. quên anh rồi phải không H.?! Nếu anh không lầm thì đã có 18 tuần 4 ngày rồi H. không có thư cho anh. Anh cũng thế, giận H. nên anh cứ chờ thư của H. mãi đến hôm nay. Cuối cùng rồi anh lại ngồi cặm cụi viết thư cho nhỏ,..... anh có cảm giác nếu không thì anh sẽ vĩnh viễn mất H., một ngừời em gái mà anh rất thương mến ..... Nhưng đó không phải là anh thua nhỏ mà chỉ là nhường vì anh lớn hơn nhỏ nhiều.... Thôi mình huề đi H. nha, bộ H. đang cười và cho là anh có bộ mặt chai phải không, mặt anh không chai mà chỉ dày thôi! Viết thư cho anh đi H., mỗi tuần chỉ có hai ngày về lại Paris là mỗi tuần anh mong đợi vô cùng nhận được tin tức bên ấy. Ngày lại ngày, tháng lại tháng... anh mệt mỏi quá H. ơi! - Ở ngoài đó có gì lạ mà Madame nhìn đến quên luôn anh vậy? Tiếng của anh T. lôi tôi về với thực tại, cũng đúng lúc người ta mang thức ăn tới, tôi ngạc nhiên nhìn tô phở được đặt trước mặt mình, chưa kịp mở miệng thì anh T. đã đưa tôi đôi đủa và : - H. ăn thử đi, họ nấu không đến nỗi tệ món này tại đây . Rồi kể cho anh nghe chuyện gì đã xảy ra từ khi hết thư đi tin lại hơn hai năm qua đi! Anh vẫn còn cảm giấc hụt hẫng khi nhận được thiệp mời đám cưới của H.và C. cho đến giờ.... Tôi nói hấp tấp như muốn ngăn chặn lại con sóng vỡ bờ của ngôn ngữ, mà tôi đoán đang bắt đầu vực dậy trên bờ môi anh T.: - Anh T. không ăn gì ? Buổi ăn trưa của anh chỉ là ly cà phê thôi sao, dễ nuôi quá vậy! Còn anh? Nếu em không lầm thì anh đã xong việc học hành và chừng nào mới chịu gởi thiệp báo tin vui cho tụi em đây? - Đừng có đánh trống lãng, anh vẫn vậy, đã tìm được việc làm thích hợp theo ngành học, riêng những chuyện khác thì... lở dở hết rồi! - Tụi em quen nhau rất tình cờ .....