Quân Y Viện…, ngày… tháng… năm 197… Thanh Hương thương nhớ, Lần em ra thăm anh gần đây nhứt, tính đến nay đã hơn một tháng dài rồi. Ngày tháng nằm ở bệnh viện sao mà dài đằng đẵng quá em ơi. Vậy là trong bộ đồng phục xanh xám của quân y viện, anh nằm ở đây đã bốn tháng rồi đó, khiếp thiệt! Thế mà so với những ngày anh về phép với em thì nó lại qua cái vèo. Nhớ lần đầu em đến thăm anh tại giường bệnh, em đã khóc ngất lên khi ôm đôi chân quấn đầy băng trắng của anh. Không biết nói sao, anh nằm yên mà nghe em khóc, và anh cũng khóc thầm theo. Tiếng khóc em như nói với anh là em yêu anh lắm, nhứt là vào lúc này. Qua tiếng khóc rấm rức, giọng em thiết tha “Mình sẽ là mãi mãi của nhau… của nhau… nghen anh!” – Anh nghẹn lời “Cám ơn em… Cám… cám ơn… em nhiều… nhiều lắm! Anh yêu em lắm… Yêu em mãnh liệt lắm… Thanh Hương ơi…!”. Thế rồi chúng mình im lặng bên nhau rất lâu, cái im lặng không nặng nề mà sâu lắng vô cùng, im lặng mà nói với nhau rất nhiều. Anh chợt nghĩ chúng mình đang có cùng một tâm một ý với nhau, phải vậy không em!? Khi chia tay, anh thắt tặng em hai con hạc giấy bằng trang bìa nhiều màu xé ra từ cuốn báo Chiến Sĩ Cộng Hòa -- con lớn là anh con nhỏ là em. Đôi hạc ấy có còn tươi tắn không em? Ở cuối giường anh nằm, trên giá treo mùng, cũng có hai con hạc giấy giống như thế đang đong đưa trong làn gió thoảng từ cái quạt trần. Ngắm chúng đong đưa bay lượn anh thấy lòng mình vui vui thơ thới… Rồi anh lại nhớ tới em. À… Những lần hành quân qua làng anh vẫn thường hay thắt hạc giấy cho mấy em bé trong làng đó em. Anh đã kể em nghe rồi đó. Đêm đó, anh bị vướng trái mìn claymore do địch gài trên lối vào sào huyệt của chúng. Thoạt đầu, tai anh nghe “Tưng…!” một tiếng thiệt khô và gọn do tiếng nổ quá gần nên màng nhĩ căng ra, anh thấy hằng ngàn hằng vạn ngôi sao bay chấp chới trước mặt. Anh cảm thấy hai chân mình âm ấm rồi nóng dần, anh khụy xuống, thiếp đi. Khi tỉnh dậy mới hay mình đang nằm ở Trạm Xá Trung Đoàn. Cặp chân đau nhức, gần như tê hẵn đi. Vết thương tương đối nặng nên quân y chuyển anh lên Bệnh Viện Sư Đoàn. Mặt trận ngày càng đánh lớn, thương binh chuyển về đây ngày càng nhiều nên họ lại chuyển tiếp anh về Quân Y Viện này. Kết quả chụp X - quang cho biết hai chân anh không bị gãy nát xương, chỉ toét phần thịt, bị nhiễm trùng nặng, sưng tấy lên và bọc nhiều mủ thôi. Nghĩ lại, cũng may, nhờ đứng hơi gần trái mìn, góc tạt của nó thấp nên mấy chục viên bi sát thương đó chỉ găm từ bắp vế anh trở xuống thôi, nếu đứng xa hơn trong tầm góc tạt cao tới ngực tới đầu thì anh đã… ngủ yên với giun dế rồi. Còn Trung Úy Hòa -- bạn học cũ của anh hồi ở Đại Học Khoa Học, lớp Toán Đại Cương -- thì trước đó, ngay chiều hôm đó nó đạp trúng quả mìn con cóc nên bị cụt mất chân phải từ bắp đùi – “Thôi… Đừng kể nữa anh… Em sợ lắm! ” – “Ừ… Thì thôi… Anh không kể nữa! Mà em cũng đừng khóc nữa… Khóc nữa anh đau lòng lắm. Can đảm lên em!”. Em biết không, cả tháng nay anh tập co duỗi đôi chân để khỏi bị cứng đơ rồi sẽ thành tật, không đi đứng được. Bác sĩ nói mỗi lần tập phải rán đau thêm một chút thì mới mau bình phục. Có lúc anh phải rướm nước mắt vì rán sức và đau quá đó em. Bây giờ thì anh đang tập đi bằng đôi nạng gỗ. Anh đã đi được một nửa chiều dài của căn phòng này rồi, mồ hôi trán vã ra, tim nhồi dồn dập vì mệt, nhưng anh mừng lắm, em à! Thằng Hòa cụt chân nằm cạnh đó, thấy anh đi được nó mừng quá, khóc òa lên. Có lẽ nó cũng vừa chợt nhớ đến cái chân phải của nó bị bỏ lại ngoài chiến trường. Nó mếu máo cười to lên như điên, nói “Ha ha…! Hùng ơi! Tao bây giờ là bại tướng cụt chân rồi. Ha ha…! Tao là bại tướng cụt chân rồi! Hùng ơi!”. Rồi nó vịn thành giường lảo đảo gượng đứng dậy, hát … Anh trở về nhìn nhau xa lạ, anh trở về dang dở đời em. Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen, cố quên đi một lời trăn trối… Em ơi…! (Kỷ Vật Cho Em - Linh Phương - Phạm Duy) Em có cảm nhận được điều này không, khi một bại tướng cụt chân thứ thiệt cất tiếng hát bài này bằng chính con tim của mình thì sẽ xuất thần hơn và hay hơn bất cứ một danh ca nào khác trên trái đất này. Trung Úy Hòa bây giờ là thế đấy, em à! Anh chợt rùng mình, quăng cặp nạng, nhào tới ôm chầm lấy nó, nói trong cơn xúc động “Hòa… Hòa…! Tao đây… Hùng đây…! Tao sẽ không tập… sẽ không tập… đi nữa!”. Nó tát vào mặt anh, mắng “Đồ ngu… Mày là thằng ngu…! Thế còn Thanh Hương của mày, mày bỏ cho… chó nó gặm à…!” -- xin lỗi em, vì quá xúc động nên nó nói bậy như thế -- “Hùng… Mày còn nước còn tát. Còn tao… Tao hết nước rồi… Tao hết nước rồi! Đây nè… Mày thấy rõ chưa…!”. Bên giường đối diện với anh, Thiếu Úy Bình Địa Phương Quân nằm đó với cánh tay phải cụt tới cùi chỏ. Có lẽ anh ta vô đây trước anh, quen rồi nên trông tỉnh lắm. Bình thường hay hát bài này mà anh nghe dường như nó đang nói với ai Xếp áo thư sinh vui bước đăng trình mười sáu tròn trăng … … … Nhưng em ơi… Khi non nước đang còn mịt mờ bên phương nớ chuyện đó đừng mơ… (Mười Sáu Trăng Tròn - Trần Thiện Thanh) Tuần qua, ông Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn cùng thuộc cấp và mấy em học sinh trong thị xã đến Quân Y Viện thăm và ủy lạo thương bệnh binh. Cũng như các thương binh khác, anh được Tướng Tư Lệnh thay mặt Chính Phủ và Quân Đội gắn lên ngực mình tấm Chiến Thương Bội Tinh với Ngôi Sao Vàng. Tay nâng niu tấm huy chương, anh nghe mặt mình nóng rang lên. Các em học sinh đến tận từng giường bọn anh mà thăm hỏi an ủi cám ơn tặng quà và hát cho bọn anh nghe. Phái đoàn ủy lạo đã khóc khi Trung Úy Hòa cất tiếng hát bài Kỷ Vật Cho Em, một bài hát đã nói lên hết tâm sự của nó. Đến bên giường anh là một nữ sinh có nét hao hao giống em -- cũng có mái tóc dài dợn sóng như em, cũng thắt bando màu xanh lá cây như em -- là màu xanh của hy vọng và của thanh bình như em thường nói với anh đó. Anh yêu cầu cô ấy hát bài này mà có lần anh đã hát cho em nghe Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi! … … … Anh xúc động hát theo Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn Bạn anh đó đang say ngủ yên Xin cám ơn! Xin cám ơn! Người nằm xuống … … … (Một Mai Giã Từ Vũ Khí - Ngân Khánh) Ở cạnh giường bên kia, giữa hai học sinh một nam một nữ, Thiếu Úy Bình đứng nghiêm, áp sát cùi chỏ của cánh tay cụt vào màng tang mình trong tư thế chào Quốc Kỳ, rồi hát, giọng hát nó nghe thiệt hùng tráng Này công dân ơi… Quốc Gia đến ngày giải phóng Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống … … … Công dân ơi… Mau hiến thân dưới cờ Công dân ơi… Rồi nó nghẹn lời, giọng lạc đi, từ hai hốc mắt trủng sâu của nó hai hàng nước mắt chảy dài xuống trên đôi má hóp của mình. Mọi người lại rơi nước mắt theo. Em nè… Anh sẽ tập đi nhiều cho thiệt vững mà không thấy mệt. Khi ấy anh sẽ nhắn em ra, rồi mình sẽ đi dạo biển với nhau bên đôi nạng gỗ của anh. Biển ở đây đẹp lắm em ơi… Có nắng vàng cát trắng… Có sóng xanh gió mát thổi vi vu qua rặng dương liễu xanh rì… Và còn có nhiều thứ lắm cho mình vui vầy hạnh phúc bên nhau đó em. Thôi nha, lâu ngày cầm lại cây viết anh mỏi tay lắm rồi. Vẫn là lời chúc em luôn vui vẻ bình an. Anh của em, Xích Hùng Lê Huy (Los Angeles, Aug. ’10)