Ngày xưa sông Đuống
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì…
Hoàng Cầm
1948
Chập choạng tối, chiến sỹ trinh sát Bùi Tần quyết định vượt sông.
Con sông Đuống lững lờ hiền dịu chảy. Anh nhìn dòng sông lưỡng lự: "Đồng chí có thể hy sinh nhưng không được phép để lại dấu vết" - Sáng nay anh nhận lệnh trực tiếp từ tiểu đoàn, giọng đồng chí ấy chẳng đùa cợt tí nào. Chính anh, anh cũng thấy mình đang thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng.
Anh tới bờ sông, cởi hết quần áo, gom gọn thành một đống đặt trên bờ cát rồi nạy một gốc củi mục chặn lên.
Anh trần truồng, đứng tồng ngồng. Anh nhìn anh. Anh tự thẹn với chính mình? Không! Anh thẹn với trăng. Anh xoa ngực, xoa bụng, theo bàn tay nhìn xuống… Anh giật mình, chỉ có trăng, trăng sáng quá! Trăng ơi, trăng hiền dịu mà cũng thóc mách vô cùng.
Anh tủm tỉm cười rồi bước ra mép nước ngập mình vào lòng sông. Nước sông tháng bảy chảy mơn man nghịch ngợm trên da thịt. Anh bỗng nhớ tới Liên. "Liên ơi, giờ này em ở đâu? Anh của em sẽ về. Em ơi, trăng sáng như thế này em có đợi anh không?..."
Tần vẫy vùng như một con rái cá, mặt nước gợn lên trăng vỡ ra, từng mảnh vàng toả từng vòng, từng vòng trên mặt nước. Anh bơi định vị quan sát. Bên kia bờ là quê anh, vùng tạm chiếm, vùng tề nguỵ. Đêm im lặng như tờ. Có lẽ chúng nó im lặng để phục kích? Rất có thể khi anh vừa áp vào bờ sẽ có họng súng bất ngờ chĩa thẳng vào mặt.
Anh lưỡng lự rồi lần từng tấc nước thăm dò. Vẫn im lặng. Có lẽ chỉ tại mình thần hồn nát thần tính. Anh quyết định bơi về phía khóm lau bờ bên ấy…
Anh cắt nhanh qua các vạt nước rồi ẩn mình trong đám lau chờ đợi. Không gian yên ắng quá, chỉ có tiếng gại cánh của những con châu chấu đồng, và đâu đó có tiếng róc rách của một mạch nước nhỏ ở một thửa ruộng chảy gần.
Mặt sông gần bờ nước gợn lăn tăn, thỉnh thoảng những con cá nhỏ lại nhảy ré lên đớp trăng. Anh biết đấy là những con cá lòng cò. "Bé như chiếc lá răm mà đến là ghê gớm. Thằng chồng bé quắt xà lai còn con vợ thì lúc nào bụng cũng chửa vượt mặt. Bụng chửa như thế thì đứa nào nó còn ve vãn mà thằng chồng cứ phải cặp kè, rõ là của khỉ…". Anh lại tủm tỉm cười.
Mải để ý những con cá, anh không biết có một con thuyền nhỏ đang từ mạn cuối sông, hướng thẳng về phía mình. "Chết cha rồi! Lộ mẹ nó ngay từ lúc vượt sông rồi". Có tiếng gì lách cách. "Mẹ kiếp! Có lẽ chúng nó đang lên đạn. Thế là hết, hết rồi con ơi?... Tim anh đập thình thịch. Anh nén chờ đợi với hy vọng mong manh: con thuyền sẽ vượt qua khóm lau mà không để ý đến anh. Anh từ từ hụp xuống chui vào đám rễ lau, rễ lau rêu nhớt trùm lên đầu, anh rạch đám rễ chỉ để thò hai con mắt quan sát.
Trên thuyền có hai bóng đen, qua hình chòm râu Tần nhận ra một ông già chèo thuyền và dưới khoang hình như có một người con gái. Họ đi đâu khuya khoắt thế này? Nhưng đã chắc gì? Bọn giặc có thể trá hình. Anh định thần chờ con thuyền còn cách năm, sáu sải nước, anh dụng phép nghi binh, bất thần đạp mạnh bùn vọt lên:
- Đứng lại! Đi đâu? Đứng la ại… Chúng bay đã bị bắt!
Vừa quát anh vừa rung khóm lau rào rào, tay chân đạp nước toán loạn. Chiếc đò giật mình chao lạng đi. Ông già run như dẽ, lập cập vội vàng chắp tay lạy như tế sao:
- Lạy quan lớn! Con cắn rơm cắn cỏ lạy các quan lớn.
Ôi té ra là người của ta. Rõ thật, suýt nữa thì răng cắn phải môi, phúc đức may mà không mang theo tạc đạn. Họ mừng vui thoát chết. Anh bám vào mạn thuyền thò cổ lên mặt nước hỏi dồn dập. Ông già bảo "Giặc đã rút về phủ cách đây một tháng rồi".
- Thế ở làng Lim còn có giặc không? - Anh muốn biết tin Liên. Ông già bảo:
- Lim ở gần phủ, chưa yên đâu, chúng nó vẫn đóng ở mấy làng gần phủ, toàn là Tây đen.
Tần nghĩ tới Liên, tới lũ Tây đen đi càn, những con hắc tinh tinh sổng chuồng ấy mà gân cốt rã rời. Bất giác anh tuột tay khỏi mạn thuyền rơi tõm xuống, anh bị sặc nước ho sặc sụa. Anh vội bám vào bơi chèo định thần hỏi.
- Thế cụ ơi, còn ai trên thuyền thế kia?
- Con gái tôi đấy! Đi trốn, tôi đưa cháu đi trốn!
- Chúng nó rút về phủ rồi làm sao còn phải trốn?
- Đồng chí ơi, ngày mai chúng nó lại đi càn, người của mình báo thế. Chúng nó mà vớ được thì chết - Rồi lại bảo - Lạ quá, đồng chí ạ lần trước chín bà làng tôi bị chúng nó hiếp đều có chửa cả, đồng chí bảo có kinh không? May cho bố con tôi, phúc đức cho con Chiu nhà tôi gặp được đồng chí. Ông quay lại gọi con - Chiu ơi, đây là người của ta, con ra đi. Khổ lắm đồng chí ạ, nó mới mười bảy tuổi chứ đã nhiều nhặn gì. Ra đây thầy gửi con đi với đồng chí ấy. Nhanh lên, thầy phải về ngay, bọn Tề chúng nó ập đến điểm tên thiếu cả hai người thì khốn - Ông già dặn dò con một lúc rồi lập cập quay mũi thuyền.
- Nhưng cụ ơi, cô ấy có biết bơi không? - Anh hỏi.
Ông lão không nghe tiếng, chỉ thấy cô gái khúc khích cười. Cô cởi chiếc khăn bụm đầu rồi lội xuống đẩy thuyền cho cha.
- Thôi thầy về đi, thầy cất cái khăn này vào rương của cái Chắt cho con.
Ông già nhìn con lưỡng lự dặn thêm vài câu rồi mái chèo chuệch choạc, con đò quay về phía hạ nguồn. Bóng ông lão mờ dần, mờ dần rồi tan hẳn vào sương đêm. Cô gái đứng im lặng nhìn theo cha hồi lâu rồi bỗng khóc nấc lên,
°
Dưới trăng, dòng sông vắng lặng, chỉ còn có hai người. Tình cảnh của Tần thật khó xử. Anh thì không dám đến gần, cô gái thì đứng quay lưng về phía anh không nhúc 7nhích. Anh trần truồng không một mảnh vải che thân, đành phải giấu ngập mình trong nước chờ đợi. Không gian im lặng quá, chỉ thỉnh thoảng mới có một làn gió u ơ, phảng phất hương lúa đồng phả xuống mặt sông.
Lúc sau, cô gái khoả khoả chân rồi ngượng ngịu quay về phía anh. Anh giật thột ngỡ ngàng. Trước mặt anh là một gương mặt trái xoan nõn nà trên thân hình đầy đặn của gái tơ mới lớn. Một vẻ đẹp toát ra vẻ huyền thoại sương khói như đâu đó từ trong cổ tích hiện ra. Tia mắt của cô chạm vào anh làm mặt anh nóng ran, còn cô thì hướng vội ra chỗ khác.
Lúc sau cô lại khoả chân rồi cúi xuống vẻ bẽn lẽn, tay cô vớt vớt nước té vu vơ.
Không thể dềnh dàng mãi như thế này được, anh giục rất thật thà:
- Đi được rồi chứ?
Cô gái vẫn không nói gì làm anh càng thêm ngượng. Anh tự rủa mình: nói thô thiển quá, thế mà cũng gọi là đã học qua Cao đẳng Thành chung, hay là chiến tranh súng đạn đã làm mình trở nên cục cằn thô thiển đi rồi? Trăng đẹp như thế này. Thôi được, hết chiến tranh mình sẽ viết lại cảnh này và cô ấy sẽ đọc, sẽ hiểu cho mình. Có khi mình trở thành nhà văn cũng nên.
Như đã thoả thuận ngầm, cô gái từ từ bước dần ra chỗ nước sâu. Anh cũng bơi nhích dần ra, rồi hai người bắt đầu vượt sông. Mình cô tròn lẳn, cô bơi giỏi như một con rắn nước. Còn anh, anh cố giữ một khoảng cách bí mật và định đến giữa dòng anh sẽ bơi vượt lên thật nhanh để lấy quần áo mặc vào trước. Mặt sông lặng lẽ, thỉnh thoảng mới có tiếng lóc róc khoả nước. Có lẽ anh cần nói một điều gì để phá đi sự im lặng ngượng ngùng. Anh đánh tiếng:
- Em tên là Chiu à?
Im lặng.
- Hay nhỉ?
Cô vẫn nín lặng, anh ngượng quá lèo thêm: "Có phải như thế không nào?".
- Chẳng giỏi bằng đồng chí bộ đội đâu - Giọng cô nhanh nhanh rất hoạt. Thì ra cô cũng chẳng ít lời gì. Cô hỏi luôn: Thế, đồng chí bộ đội bây giờ cấp gì?
Anh nghĩ tới bộ quần áo bên bờ kia. Đang trần truồng trụi thụi lụi thế này còn cấp với bậc cái khỉ gió. Anh cười tủm tỉm giọng dở đùa "bơi trong nước thì anh chẳng có cấp bậc gì đâu, về khoản bơi anh chỉ đáng là cần vụ của Chiu thôi". Câu nói vô tình tạo ra sự khích lệ bất ngờ, cô liến láu:
- Được nhé! Được nhé, em sẽ đuổi kịp anh cho mà xem.
Anh hốt hoảng vội vàng tăng tốc. Anh cũng là dân sông nước, cô làm sao kịp được. Nước giữa dòng chảy mạnh gặp sức người, cuộn lên rào rào. Không muốn bỏ lại cô quá xa, anh quay đầu lại chờ. Bỗng anh giật thót mình. Ơ hay! Chiu đâu rồi? Anh vội vàng gọi:
- Chiu ơi, Chiu ơi, Chi… i… i… iu…!
Anh không biết cô bị chuột rút, cô đang chới với giữa dòng kêu cầu cứu:
- Cứu! Cư… ứu… em…!
Anh tức tốc quay ngoắt lại, tay quạt nước vun vút, không biết bằng cách nào mà trong chớp mắt anh đã nắm được tóc cô. Nước giữa dòng chảy quá mạnh. Anh đẩy ngược cô lên, nước đẩy bạt lại. Cô bấu chặt vào mặt anh, anh bị níu dúi xuống, nước táp rào rào ngạt thở. Anh cố gỡ tay cô ra. Cô đang hoảng loạn cuống cuồng, tay quều quào bấu víu hú hoạ. Tay cô quờ đúng chỗ khác biệt giới tính sấm sét của anh. Cô đã nhận ra, ôi khủng khiếp, cô đạp mạnh anh ra, vùng chạy. Anh cố giữ chặt nắm tóc, cô giãy đạp kêu thét trong nước:
- Bỏ… ơ… ớ, ớ… ra… ục ục… ú ớ bỏ… ra!
- Đừng! Đư… ừng. Chiu, Chiu ơi! chết mất.
Cô cào, cô đạp, cô cắn. Cô vùng mạnh, mớ tóc đứt trong tay anh.
Anh nhào theo dòng nước chảy xiết nhưng không còn kịp nữa…
°
°
Tần nằm trên bờ cát vật vã hoảng loạn rã rời. Anh nhìn mãi theo dòng sông chua xót. Trăng cuối đêm dòng sông đỏ quạch như dòng máu, chảy mãi, chảy mãi về nơi tít hút mịt mùng. Có mùi gì tanh tanh, anh bất giác đưa tay lên quệt mũi. Một cục máu đen nhầy nhầy, anh rùng mình thấy ớn lạnh. Trăng bắt đầu nhập nhoạng, có những đám mây đen và những tia chớp ở phía xa xa. Mệt mỏi như kẻ bị rút hết xương, anh sờ sẫm lê bước tìm đống quần áo. Bờ sông tối tăm. Cái mô đen đen kia là đống quần áo của anh. Anh đến gần, bỗng anh rợn tóc gáy. Cái gì thế kia? Hai đốm sáng xanh lét đưa đi đưa lại. Anh dừng lại, đôi mắt ma quái cũng dừng lại. Từ chỗ hai đốm sáng xanh lè lại phát ra tiếng kêu khù khù ghê rợn. Ma mãnh oan hồn nào hiện lên doạ nạt anh đây. Anh liều lĩnh bước đến gần thêm, bỗng: phạch, phạch, phạch. Con cú đêm bay dỡ lên tạt sát mặt anh, sà xuống mặt sông. Nó bay sát xuống mặt nước rồi vòng lại, lại sà xuống tạt vào mặt anh mấy lần. Anh vớ gốc củi ném theo. Nó rít lên ghê rợn. Mãi sau từ chỗ nào đó ở phía bờ bên kia tiếng nó vọng xuống mặt nước:
- Cú rù, cú… ú… rù…
°
°
Tôi bỏ nghề dạy học đi đạp xích lô, lúc ế khách thường sang chơi với cụ Bùi Tần. Đó là câu chuyện cụ đang kể với tôi.
Cụ nói tiếp:
- Ghê rợn lắm anh ạ! Hơn bốn mươi năm qua rồi nhưng tiếng cú đêm ấy cứ ám ảnh tôi dai dẳng làm tôi không yên. Cụ Bùi Tần kể với giọng rầu rầu - Tôi đã qua bao nhiêu trận mạc, nhiều lần bới đất vùi xác đồng đội không làm tôi thấy sợ, nhưng cái chết của cô gái và con cú đêm ấy nó là cái gì thì  tôi không thể nào lý giải được. Cụ im lặng một lúc rồi tiếp. Nhưng sự việc cũng không đơn giản đâu chú ạ. Sau đó tôi bị bao nhiêu chuyện rầy rà. Trong chỉnh huấn vì tính tế nhị, người ta bảo tôi quanh co mờ ám về cái chết của cô gái ấy. Người ta lục soát toàn bộ thư từ sổ sách riêng của tôi, bảo tôi có tư tưởng lãng mạn, hủ hoá. Họ kết luận tôi đã hủ hoá với cô gái ấy rồi phi tang. Tôi viết kín tám tờ giấy minh oan. Nhưng chữ nghĩa hại tôi. Tôi ngu: nào là truyền thống đạo đức, nào là quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân. Ngay anh tiểu đội trưởng người Phú Thọ là người rất quý tôi cũng kết luận tôi "Nãng mạng". Năm năm tư anh ấy hy sinh. Khổ! Anh ấy thật thà đọc chữ chưa thạo, tôi vẫn phải viết thư hộ. Sau này tôi phải đưa vợ con anh lên mò tìm hài cốt của anh trong sình lầy. Tôi nhìn vào hai hốc xương sọ, nhớ lại lúc anh trợn mắt lên quát tôi: "Nãn mạng". Thế mà có lúc tôi ốm anh đã bón cháo cho tôi, tôi khóc.
Để cụ bớt u uất, tôi cắt ngang:
- Vâng, thưa cụ, con thì con nghĩ rằng con người phải cao hơn hoàn cảnh. Dẫu sao chúng ta cũng có độc lập. Tự biết hoà nhập với hoàn cảnh thì thế nào ta cũng khá hơn lên. Để hướng cụ sang hướng khác, tôi hỏi luôn:
-Thế sau dạo ấy cụ có tìm được cô Liên không?
- Bà ấy sang Pháp - Bị đưa sang Pháp - bây giờ bà ấy vẫn còn. Còn số tôi kỳ lạ lắm chú ạ. Sau kháng chiến tôi tìm lại ông lão lái đò, rồi sự đời run rủi thế nào tôi gặp được bà Chắt nhà tôi. Cái khăn trong rương của cô Chiu dạo ấy nhà tôi vẫn giữ.
Cụ bà vừa rót nước vào phích vừa bảo tôi:
- Chú thông cảm, ông nhà tôi có tuổi rồi lẩn thẩn lắm. Sống giữa Thủ đô mà hồn vía cứ để đâu đâu - cụ đặt phích nước vào chỗ thuận tay cho chúng tôi rồi ra ngồi ở chỗ cơi trầu.
Cụ ông lặng lẽ hồi lâu rồi tiếp:
- Tôi biết chú, chú thất thế nên đạp xích lô, nhưng chú là người có học. Tôi hỏi chú: văn hoá Người là gì? Khoảng cách giới tính có phải là văn hoá Người không? Người ta hơn con vật là phải biết xấu hổ. Còn hiện thực chú thấy đấy, mấy con ranh nó chào tôi: "Bố ơi, bố có đi với bông hoa nhỏ tí không. Rẻ thôi mà, tàu nhanh năm chục, tàu suốt bảy chục, lương hưu của bố để đâu? Còn ngay bên nhà 92 kia thằng chồng bắt được con vợ đang ngoại tình, nó bắt đền thằng kia hai chỉ vàng rồi hai thằng lại ngồi uống rượu với nhau. Hiện thực nó có lôgic lì lợm của nó. Vô ơn, trơ lỳ, đĩ điếm, ăn cắp, biển lận mà không biết xấu hổ thì mạt vận lắm.
Cụ ngừng lại để thở, mặt nhăn nhúm khổ sở rồi dần dần như mộng du phiêu lãng. Cụ nói nhiều, tôi hiểu được rất lơ mơ. Càng về sau tôi thấy cụ càng lẫn lộn, chả biết cụ nói chuyện ngày nay hay chuyện ngày xưa, nhiều chỗ nghe rất ma quái:
- … Hôm qua, ngứa quá - cụ tiếp - rận rệp đầy người, đã mười một ngày ăn củ rừng, lạc trong rừng khát quá, cắt cái dây moóng chẳng được giọt nước nào. Tôi rã rời chẳng muốn bước nữa. Có tiếng róc rách, tôi rạch dây rừng, mừng quá: Một con suối. Tôi men theo triền đá leo xuống, sắp vục vào dòng nước thì đâu có tiếng nói: "Đừng uống. Đừ…ng uống!". Tôi chững lại, trước mặt tôi không hiểu sao thấy một bà lão đang ngồi trên tảng đá khóc. Dọc suối xác những con dê nằm la liệt. Tôi hỏi: "Các con bà đâu mà bà phải đi chăn dê ở đây?". Bà không trả lời, càng khóc to hơn. Trên đầu quạ đen bay xao xác. Tôi ngược bờ suối đi mãi, càng đi dòng suối càng teo quắt lại, cuối cùng ở chỗ nó mất hẳn lại thấy một lão già. Lão ngồi, hai tay giấu ở sau lưng, lão đang chơi tập tầm vông một mình. Tôi hỏi: "Sao ông lại ngồi ở đây?". Lão bảo dưới âm phủ quỷ sứ không nhận lão nên lão có một đốt xương trắng. Rồi bỗng chốc không thấy lão đâu. Lạ quá! Chỉ có một con chim, hình như con cú bay vèo qua mặt. Tôi bỏ đi tiếp, đi mãi, đi mãi, rừng sáng dần ra, không khí mát mẻ như trong động. Lại gặp một bà lão, bà đưa cho tôi một quả đào. Bà lão nhân hậu trông giống như đức phật bà. Cụ ông lại dừng để thở, đôi tay già gầy guộc chống xuống phản run run. Cụ bà chạy tới ghé vào tai tôi.
- Chú thông cảm, ông tôi bị lẫn, cứ bắt mời chú sang chơi rồi lại thế này, khổ lắm chú ạ.
Tôi lắc đầu thở dài:
- Cụ ông cứ bế quan toả cảng thế này thì hỏng. Cụ mẫn cảm quá nên dễ bị sốc. Thực ra con cũng chẳng biết can thiệp thế nào.
- Phiền chú quá, thời buổi bây giờ ai cũng phải xấp ngửa lo việc làm ăn, ai rỗi hơi mà ngồi nghe chuyện ngày xưa.
Cụ bà ép cụ ông uống một viên xeduxel rồi lại ghé vào tai tôi thì thào:
- Một giờ đêm qua lũ chúng nó đua xe máy, đâm chết người, phố xá rầm rầm. Ông nhà tôi tỉnh giấc trằn trọc, gần sáng vừa thiếp đi lại mơ, choàng dậy cứ bảo có tiếng cú kêu. Khổ quá chú ạ, giữa Hà Nội này thì cú ở đâu?
Tôi bảo tôi hoàn toàn hiểu cho cụ yên lòng rồi ra về. Hôm sau cụ bà nhờ tôi đạp xích lô chở cụ ông ra bến xe đưa hai cụ về quê. Căn nhà của cụ nhượng lại cho người ta được đâu chín chỉ.
Còn tôi, tôi nghĩ kỹ rồi, tôi chả dại gì mà rầu rĩ. Cơ chế thị trường này chậm chạp là hỏng ăn. Tôi vui lắm, tôi vừa đánh xổ số lô tô của Nhà nước thắng luôn "năm chim". Tôi nhảy phốc lên xích lô, tôi cười phớ lớ. Và kia rồi, một cô em váy ngắn thích đi xe cổ điển. Tôigiơ tay, nghiêng mình chào rất đúng kiểu cách:
- Hế… ế… ế lẩu!
Thế là tôi đã biết hoà nhập với đời phải không?
Nam Định 9/1993

Xem Tiếp: ----