Chiều nào cũng vậy, đi học về là cu Tiến lại rủ thằng Thanh sang nhà ông Tư Vạn để nghe ông kể chuyện.
Má nó nói ông ấy bị điên đấy, nghe làm gì những chuyện nhảm nhí của ông ta. Nhưng những chuyện ông ấy kể thì nó chẳng thấy có gì là điên cả mà còn văn chương đáo để!
Ông Tư Vạn ở trong một căn nhà housing một phòng của Chính Phủ. Căn nhà quá cũ, nằm trong khu housing cũng quá cũ kỹ không biết có từ thời nào. Dân sống ở đây chủ yếu là dân Châu Á và Châu Phi.Mùa Đông, nhà nào nhà nấy vợ chồng con cái cứ ru rú trong nhà, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm.Không khí ở đây buồn tẻ và ảm đạm lắm. Nhưng căn nhà nhỏ bé của ông Tư Vạn thì lúc nào cũng thấy hé mở, khói nhang bay ra ngoài kéo theo cái mùi thơm tâm linh huyền bí.Nó gây sự tò mò chú ý của mọi người trong đó có lũ trẻ con. Một vài người đã tò mò vào nhà ông để xem ông sinh hoạt hàng ngày thế nào. Gian phòng khách quá nhỏ, thế mà ông đã giành hẳn một chỗ trang trọng nhất để đặt một bàn thờ khá đầy đủ và chi tiết theo phong tục của người Việt Nam.Chính giữa bàn là di ảnh của một người con gái trông khá đẹp. Nét thanh tú đã hiện lên khuôn mặt khiến cho những ai nhìn thấy cũng bị cuốn hút bởi một cái gì đó hấp dẫn, quyến luyến và có cảm tình ngay từ cái nhìn lần đầu tiên ấy. Đôi mắt sâu, lanh lợi,hàng chân mày cong và kéo dài ra đuôi mắt.Nhưng đôi mắt trong sáng kia lúc nào cũng nhìn thẳng vào ai đang nhìn nó. Đôi mắt như đang còn sống, đang van lơn, cầu xin, đang gởi gắm một nỗi niềm oan khuất khiến cho ta thấy xót xa. Và từ đó, hình ảnh người con gái đọng lại trong ta, ở lại với ta vĩnh viễn tại một cõi xa xôi lắm -đó là cõi tâm linh.
Thấy cánh cửa hé mở, Tiến và Thanh đẩy cửa bước vào mà quên gõ cửa làm cho ông Tư Vạn hơi ngỡ ngàng. Ông chẳng nói chẳng rằng, lầm lũi đi quanh bàn thờ,ông dừng lại và thắp nhang cắm vào bát nhang dù trong đó vẫn còn nhiều nén nhang chưa cháy hết. Miệng ông lẩm bẩm cái gì đó nghe không thành tiếng. Đôi mắt ông đờ đẫn nhìn vào bức ảnh như van xin tha tội! Ông lại đi loanh quanh, lại thắp nhang, lại ngồi xuống, lại đứng lên,lại lẩm bẩm. Mặt ông ngơ ngác như kẻ thất thần. Khuôn mặt và những cử chỉ ấy khiến cho những người ở đó nói ông là một người điên. Hễ ai hỏi,thì ông chỉ khóc mà không trả lời. Những giọt nước mắt cứ theo nhau rơi lã chã, miệng mím lại và ông khóc không ra tiếng. Từ đó một số người đã gọi ông là ông Tư Điên.
Thấy ông Tư Vạn ngồ xuống cạnh hai đứa có vẻ thân mật và bình thường nên thằng Tiến nhanh nhẩu hỏi:
-Người trong tấm hình là ai vậy ông Tư? Ông Tư Vạn chưa kịp trả lời thì thằng Thanh lại hỏi tiếp:
- Ông Tư ở có một mình sao, ông Tư không có con hả?
Ông Tư Vạn ngước nhìn bàn thờ và lau nước mắt.Khuôn mặt ông lúc này lanh lợi hơn và ra chiều suy tư lắm, trông ông có vẻ như đang đang suy nghĩ về một điều gì đó quan trọng lắm và xa xôi lắm...Và câu chuyện được quay trở về hơn hai mươi năm về trước...
°
Vào một ngày đầu tháng 9 năm 1976, tại cuộc họp đầu năm của Trường phổ thông trung học Tương Lai, ông Hiệu phó của trường giới thiệu: Thưa các thầy, các cô! Năm học năm này của chúng ta bắt đầu bằng một sự kiện rất mới mẻ và vui vẻ đó là thầy Phan Bá Vạn được điều động về làm Hiệu trưởng của trường chúng ta bởi quết định số 567/QĐUB,tôi xin đọc. Thầy Hiệu phó vừa dứt tiếng thì tiếng vỗ tay râm ran ra chiều phấn khởi lắm.Tiếp đó lời phát biểu của thầy Vạn:
" Tôi rất lấy làm may mắn được làm việc với các thầy các cô. Tôi còn trẻ, kinh nghiệm chưa có là bao,năng lực còn yếu nhưng tôi hy vọng chúng ta sẽ hoàn thành được nhiệm vụ năm học bằng sự đồng cảm thương yêu nhau,tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết, thương yêu học sinh hết mình và tận tuỵ với nghề một cách trọn vẹn! "
Cô Mai ghé sát tai cô Thuý nói nhỏ:
- Được đấy, khiêm nhường, còn trẻ nhưng trông khá đĩnh đạc lại đẹp trai nữa không biết cô nào sẽ rơi vào tầm ngắm đây.
-Thì cứ từ từ hồi sau sẽ rõ.
Ngân Hạnh được thầy Hiệu phó giới thiệu phát biểu trong buổi ra mắt của thầy Hiệu trưởng. Là một cô giáo trẻ nhất trường,đầy tự tin và năng động hoạt bát nhưng hôm nay lại có vẻ lúng túng hai tay luôn làm những động tác thừa thãi. Mất cả vài phút cô mới bình tĩnh và nói nhưng giọng vẫn còn run run:
" Em rất vui trong buổi họp mặt đầu năm hôm nay, nhưng vui hơn cả là trường ta có một thầy Hiệu trưởng mới, trẻ em hy vọng trường ta sẽ thành công về mọi mặt trong năm học này.Chúc các thầy cô vui vẻ ạ! ". Rồi cô vội vàng chạy về chỗ. Cả phòng họp vang lên tiếng cười vui và dí dỏm.
Những ngày đầu năm học ở một trường PTTH khá bận rộn. Công tác làm vệ sinh xung quanh trường được phân công cho khố 11 và 12.Khối lớp 10 thì làm vệ sinh các phòng học.Sân bóng truyền được vẽ lại và thay lưới mới.Sân bóng rổ ở sân sau cũng được làm mới lại. Thư viện của trường thì sắp xếp lại các kệ sách và bổ sung thêm nhiều sách mới.Các tổ chuyên môn của trường thì bận rộn phân công giờ dậy. Tổ văn phòng và giáo vụ lo sắp xếp thời khoá biểu.Công việc tuy bận rộn nhưng khá vui và hào hứng.
Những ngày tiếp theo giành cho các tổ chuyên môn hoạt động.Các
tổ chức trong nhà trường cũng được kiện toàn và đi vào hoạt động.
Thầy Vạn là người khá chu đáo trong công tác tổ chức. Hoạt động của nhà trường sớm đi vào nề nếp.Ai cũng thấy mình bận rộn nhưng rất hài lòng về phương pháp làm việc của thầy Vạn.
Thấm thoát vậy mà đã hơn nửa Học kỳ 1. Công việc thăm giờ dự lớp cứ quay như mòng mòng.Lại còn thêm một đợt thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi và thi đồ dùng dạy học của Ty tổ chức.
Hôm nay có một giờ dạy mẫu của tổ vật lý.Cô giáo Ngân Hạnh được tổ cử dạy mẫu. Vài ngày trước đó cô đã soạn giáo án theo mẫu mới của Bộ Giáo dục. Cô đi hỏi hết từng người trong tổ về cách vào bài, phương pháp diễn giải và các câu hỏi phát vấn cho phù hợp với ba đối tượng học sinh trong lớp.Thế mà hôm nay cô vẫn thấy hồi hộp và có chút ít lo sợ, lúng túng. Ngồi dự giờ ở dưới lớp nhưng thầy Vạn cứ nghĩ gì đâu đâu. Nghe giọng nói của Ngân Hạnh thầy Vạn vừa ý lắm.Một cái giọng trong trẻo rõ ràng, lời giảng thật rành mạch.Cổ tay khi viết phấn thật là dịu và điệu đàng. Trình bầy bảng khoa học, chữ viết đẹp...Thầy nhớ cái hôm gặp gỡ để bàn công tác thanh niên trong trường trước ngày Đại hội. Sự thực thì thầy có nói gì đáng để cho cô ấy buồn đâu. Thầy chỉ nói hoạt động đoàn thể là để thúc đẩy chuyên môn.Vậy mà cô ấy lại cho là thầy coi nhẹ công tác thanh thiếu niên, chỉ thấy chuyên lù lù trước mắt còn thì đoàn thể ở mãi đâu đâu. Tranh qua cãi lại,dẫn đến bất đồng ý kiến chưa đi đến kết luận thì Ngân Hạnh bỏ ra về mà không nói với thầy một câu.Từ đó đến nay hai người trông thấy nhau là mặt cứ vác lên và lạnh như hai tảng nước đá.Cho đến hôm nay, ngồi dự giờ của Ngân Hạnh thầy thấy như ân hận tiêng tiếc cái gì đó. Thầy ước vẩn vơ giá đừng có chuyện bữa trước...
Thói thường ở đời, không ưa thì dưa có giòi. Ấy thế là hai người lúc nào cũng như quân hằn quân thù. Để ý từng li từng tí lẫn nhau. Họp hội đồng thì đốp chát lẫn nhau ra mặt. Ăn cơm buổi trưa thì mỗi người một bàn. Thậm chí có bữa cô đang ngồi ăn thấy thầy Vạn ngồi xuống bàn là cô chuyển đi bàn khác. Thầy Vạn thì cố ý làm lành nhưng bộ mặt của Ngân Hạnh thì lúc nào cũng như đưa đám. Mọi người trong hội đồng cũng thấy điều đó. Họ xì xào với nhau thật lảng nhách. Ở đời mà, yêu nhau lắm thì cắn nhau đau. Hồi trước hai người thân mật lắm kia. Bây giờ họ quay lại với nhau một góc 180 độ đấy.
Bẵng đi một thời gian. Chả ai để ý chuyện hai người. Ai cũng vùi đầu vào chuyên môn và lo làm đồ dùng dạy học để dự thi.
°
Năm học kết thúc. Mọi người rất bận rộn. Một số đi coi thi trường khác mới về trường. Cuộc họp hội đồng này cũng khá quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm bàn giao lại sổ sách và học bạ cho văn phòng nhà trường. Xét duyệt lần chót học sinh lưu ban và thi lại.
Nhưng sôi nổi nhất vẫn là xét duyệt thi đua và khen thưởng đối với giáo viên. Không khí cuộc họp như căng ra. Chả thấy ai cười nói như mọi khi. Nhưng sự chú ý bây giờ lại tập trung vào việc Ngân Hạnh không được lao động tiên tiến năm học này.
-Tôi hỏi thật thầy- Ngân Hạnh nói giọng run run- Chỉ tiêu lên lớp học sinh lớp tôi đạt tiêu chuẩn của Ty. Công tác Đội: xây dựng phong trào khá sôi nổi, góp phần thúc đẩy học tập được Huyện Đoàn công nhận. Về chuyên môn tôi không vi phạm gì mà còn tham gia nhiều đợt thao giảng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Nói đến đây Ngân Hạnh cảm thấy thỏa mãn lắm rồi. Nhưng vẫn cảm thấy chưa đầy đủ. Cô lại đứng lên nói tiếp.
-Còn vấn đề quan hệ nam nữ ư? Tôi không có tội gì hết.
Tôi là con gái lớn, chưa chồng, anh Tuấn ở Trường Thống nhất Nha Trang chưa vợ. Chúng tôi có quyền yêu nhau theo pháp luật. Sẵn đây tôi cũng thông báo cho thầy biết tôi đã yêu anh Tuấn. Và anh ấy sẽ là chồng tôi. Chúng tôi đang chuẩn bị làm đám cưới.
Nói đến đây Ngân Hạnh tự nhiên oà lên khóc như có vẻ ân hận vì mình đã lỡ lời. Còn Thầy Vạn thì hết sức ngạc nhiên và vẻ mặt có vẻ hơi sường sượng. Cả hội đồng nhìn nhau ngơ ngác và cười rộ lên. Ngân Hạnh ngồi lau nước mắt. Trong đầu bao nhiêu ý nghĩ chạy quanh. Phải cho chả biết tay. Mình với cậu Tuấn nào đó có gì đâu. Mà cái tên Tuấn mình nghĩ bừa ra vậy thôi. Mình chỉ có mình chả thôi mà. Mình yêu chả thực sự nhưng hai bên chưa kịp nói ra lời với nhau thôi. Thì cũng từ cái hôm chết tiệt mình và chả tranh luận và bất đồng ý kiến về công tác Đội trong trường học. Con gái có cái tệ thật, yếu đuối trong tình yêu. Sao không nói huỵch tẹt ra. Nói tất tần tật ra có hơn không. Nhưng mà không được. Mắc cỡ chết. Mà tình yêu phải tế nhị chứ. Nghĩ vậy Ngân Hạnh tự an ủi mình là phải bình tĩnh. Còn trong lòng Vạn thì lại nghĩ khác. Thầy cũng yêu Ngân Hạnh nhưng chưa dám nói ra. Bây giờ nghe Hạnh nói vậy Vạn không biết phải làm như thến nào đây.
Vậy là hết hy vọng rồi sao. Mà cũng tại mình cả sao không nói ra ngay từ đầu cho khỏi rắc rối. Còn chuyện lao động tiên tiến là chuyện của tổ chuyên môn họ bình bầu. Vạn cũng thấy hơi bất công, nhưng không nên can thiệp. Vì như vậy họ sẽ coi thường mình. Hình ảnh của Ngân Hạnh thì chẳng khi nào rời khỏi trong đầu Vạn. Một người con gái vừa vào độ chín. Hạnh thon người, cao ráo. Mặt lúc nào cũng rạng rỡ. Ít khi thấy cô buồn. Đôi mắt đen láy, sâu lúc nào cũng ưa nhìn ra xa xăm. Miệng lúc nào cũng rất tươi, luôn cười duyên, rất duyên. Bờ vai tròn lẳn. Ngực căng phồng. Cô rất nhanh nhẹn. Tháo vát trong mọi công việc, nhưng hơi có chút tự hào. Cái bàn tay thon và đẹp. Đặc biệt cái cổ tay khi viết bảng, nó dịu dàng, mềm mại đến nao lòng. Vậy mà giờ này... Vạn không dám nghĩ tiếp.
Hôm nay lại có cuộc họp hội đồng nhà trường. Nội dung chính là công tác Hè. Đây là một cuộc họp xét và cử giáo viên đi tham gia công tác xoá mù chữ ở miền núi. Vì rất tế nhị trong việc xét hoàn cảnh của mỗi giáo viên nên Vạn đã tranh thủ bàn bạc trước với công đoàn nhà trường.
Ngân Hạnh là một trong những người được cử đi tham gia xoá mù ở huyện Khánh Vĩnh. Tuy nhiên hoàn cảnh của Hạnh cũng quá neo đơn. Ngân Hạnh là con gái duy nhất trong gia đình, sống với mẹ. Mẹ Hạnh lại bị bệnh khớp đi lại rất kó khăn. Hạnh còn đứa em trai đang học cấp ba. Ít khi nó ở nhà vì bận rộn học hành. Chợ búa một mình lo tranh thủ ngoài giờ dậy. Nhưng Ngân Hạnh lại nghĩ, có thể Vạn không ưa Hạnh mấy, vả lại vừa đấu đá trong cuộc họp vừa qua mà đẩy Hạnh đi miền núi cũng nên. Ấm ức như vậy nên Hạnh cũng chẳng cần xin xỏ làm gì cho phiền phức.
Tất cả những giáo viên tham gia xoá mù đã có mặt đầy đủ ở địa điểm tập trung. Nhiều giáo viên và học sinh có mặt ở đó để tiễn chân trong đó có cả Vạn. Ngân Hạnh và Vạn không nhìn nhau. Thỉnh thoảng người ta bắt gặp hai người nhìn trộm nhau.
Xe chuẩn bị chuyển bánh. Tiếng cười nói, chúc tụng râm ran.
Xe đi một quãng khá xa người ta còn thấy những người đưa chân còn đứng đó và vẫy tay cho tới khi đoàn xe đi khuất.
Tới trưa thì xe đến địa điểm tập trung. Mỗi trường đều có người tiền trạm ra đón. Nhận chỗ ở và nghỉ ngơi rồi chuẩn bị ăn trưa. Chiều họp đoàn để phân công địa bàn công tác. Trường PTTH Tương Lai được phân công tác ở xã Khánh Bình. Địa bàn của xã khá phức tạp. Nhiều buôn ở cách xa nhau. Buôn nọ cách buôn kia bằng những con suối. Trời không mưa thì các suối cạn. Trời mưa thì nước dâng lên đáng ngại. Đi lại vô cùng khó khăn. Những lớp học đều nằm ở các buôn. Lớp thì có sẵn do giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá xây dựng từ trước. Những giáo viên lên đợt này chủ yếu là đi vận động học viên tới lớp. Một số thì đứng lớp phụ với giáo viên chuyên trách. Ngân Hạnh được phân công đi xuống các buôn để vận động người đi học. Hàng ngày cô vừa đi vừa về cả gần chục cây số.
Không khí ở nơi đây trong lành một cách lạ. Duy chỉ có sinh hoạt của đồng bào Thượng thì còn quá lạc hậu. Chỗ ăn chỗ ở còn luộm thuộm và không mấy vệ sinh. Những đứa trẻ thì trần trụi, tồng ngồng cứ loanh quanh mấy chỗ đàn hát của các thầy cô Chúng có vẻ lạ lẫm với cảnh sinh hoạt như thế này lắm. Chính nhờ những sinh hoạt này mà buôn làng vui nhộn hẳn lên.
Đoàn công tác đến tuần thứ ba thì thầy Vạn lên thăm. Mọi người vui ra mặt. Riêng Ngân Hạnh thì còn ấm ức về chuyện từ phiên họp hội đồng bữa hổm. Cô không mấy vui nhưng trong lòng thì luôn nghĩ tới Vạn. Đôi lúc cũng thấy xót xa về hành xử và lời nói của mình hôm đó. Còn thầy Vạn lắm lúc cũng muốn nói vài câu làm quen nhưng lại thôi.
Bữa cơm trưa hôm nay khá vui và ngon miệng vì thầy Vạn đã mang theo nhiều đồ ăn tiếp tế cho đợt công tác. Đặc biệtc có nhiều trái cây khá hấp dẫn. Cơm xong, khoảng ba giờ chiều thì mọi người tủa đi các buôn để công tác. Thầy Vạn đi theo nhóm của Ngân Hạnh vào buôn Kar Ra.
Họ đi được khoảng một tiếng thì trời kéo mây. Không mấy chốc bầu trời đã đen kịt, mây đen vần vũ. Gió rít lên từng cơn. Bầu trời như thấp hẳn xuống. Cây cối nghiêng ngả như người say. Những đám lá khô bốc lên từ mặt đất bay ào lên theo chiều gió. Bụi bốc lên mù mịt. Hơi đất xông lên nóng hầm hập. Mưa trút xuống như thác đổ. Những giọt mưa đan chéo nhau quất qua quất lại theo chiều gió mà ào ào đổ xuống đất. Con suối trước mặt nước dâng lên thấy rõ. Người từ các rẫy chạy mưa về buôn ào ào. Lũ trẻ con lùa bò về chạy như vịt. Chúng vừa chạy vừa vuốt mặt cho nước mưa khỏi vào mắt. Ngược với dòng người chạy về buôn Kar Ra là các thầy cô từ buôn Kar-Ra chạy về chỗ ở của đoàn. Đã có những quy định khi thấy mưa to thì mọi người từ các buôn bên kia suối phải nhanh chóng rút quân về bên này để tránh nước suối dâng lên không có đường về. Thầy Vạn cùng chín cô giáo từ buôn
Kar-Ra đã chạy kịp tới cầu. Cây cầu duy nhất để lưu thông giữa buôn Kar-Ra và bản thượng (nơi đoàn ở) quá đơn sơ. Đó là một cây gỗ ngoằn ngoèo dựa trên những trụ hình chữ A. Tay vịn cũng quá đơn sơ, mỏng manh. Một, hai, ba, bốn, năm cô đã qua khỏi cầu. Cô Mai là người thư sáu đi gần hết cầu thì bị té. Nhưng cô gượng lên được và đã lên được bờ. Nước suối càng ngày càng dâng cao. Mưa như trút nước. Cây cầu đã ngập dễ đến gang tay.
Cô Thuý cô Vinh cứ lùa chân dưới mà tìm chỗ bám. Nhưng thật may họ chỉ trượt chân ngay chân cầu và đã được mọi người xúm lại kéo lên. Ngân Hạng đang chơi vơi giữa cầu. Cô run lắm nhưng cố bình tĩnh. Vạn là người sau cùng bước lên cầu, chờ cho mọi người qua hết đã. Con suối đẹp như thơ bỗng chốc hoá thành dòng sông mênh mông. Nước chảy xiết, bọt tung lên trắng xoá. Như một con bạch tuộc khổng lồ đang giãy chết. Phía thượng nguồn có những khúc cây khô đang theo dòng chảy xuống. Năm sáu khúc cây như kết thành bè mà lao thẳng vào cầu. Trụ cầu bị cây xô ngã và cuốn đi. Người ta chỉ còn nghe một tiếng thét kêu cứu của Ngân Hạnh. Cô bị hất tung và bị nước cuốn đi. Vạn nhẩy xuống lao theo cô. Người nào người nấy trên bờ mặt cắt không còn tí máu.
Nhanh trí, Vạn bám theo các khúc gỗ mà bơi theo hướng của cô. Vạn theo kịp Ngân Hạnh, anh kịp nắm được cánh tay cô. Cứ thế mà lôi cô đi theo dòng chảy. Các khúc gỗ như bị vật cản phía dưới nên trôi chậm lại. Vạn ôm ngang người Ngân Hạnh lái khúc gỗ vào eo suối phía trước có bụi cây. Vạn la thật lớn "Em trườn người tới bám vào bụi cây!". Trong khi đó đồng đội đã đến kịp để dìu cô lên. Hàng loạt các khúc gỗ phía thượng nguồn lại ào ào trôi xuống. Chúng xô mạnh vào khúc cây mà Vạn đang bám. Bị mất đà nên anh bị chúng cuốn đi theo dòng chảy xiết về phía hạ nguồn.
Ngân Hạnh được đưa vô nhà. Được thay quần áo khô, xức dầu nóng. Người cô mềm như cọng bún, mắt nhắm nghiền. Cô được đưa đi cấp cứu ở bện viện huyện Khánh Vĩnh.
Trời tối sập. Công việc tìm kiếm Vạn rất khó khăn. Lãnh đạo
đội xoá mù chữ đã báo cáo với công an, huyện đội và y tế để phối hợp tìm kiếm. Nhiều tốp được phân công rải ra hai bên bờ suối để đi tìm.
Mãi bẩy giờ tối người ta mới tìm thấy anh. Anh bị móc vào một cành cây. Phía trước là một tảng đá lớn cản anh lại. Anh bám vào tảng đá để leo lên nhưng vì đuối sức anh ngất đi. Mưa đã tạnh, nước cạn dần. Anh đươc đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Khánh Hoà. Một vài người đi theo xe về bệnh viện tỉnh.
Ngân Hạnh từ lúc vào viện mắt nhắm nghiền. Dáng chừng như mệt lắm. lúc hé mắt tỉnh dậy đã thấy hai đồng nghiệp bên cạnh. Cô chỉ hỏi nhỏ anh Vạn đâu rồi, có sao không. Vì chỉ mất sức và bị chấn thương nhẹ nên hôm sau gia đình đón cô về nhà chăm sóc.
Vạn bị chấn thương sọ não. Tuy không nặng lắm nhưng cũng hôn mê từ bữa đó tới giờ. Bác sỹ cho thở oxy và truyền dịch dinh dưỡng. Ngân Hạng đã tỉnh hẳn. Lòng trống trải. Chả nghĩ tới cái gì khác ngoài Vạn. Thì ra một con người chỉ biết hy sinh vì người khác mà bất chấp mọi nguy hiểm. Nhớ lại cái hôm kinh hoàng đó đến bây giờ vẫn còn thấy sợ. Rầm một cái. Nhịp cầu bị cuốn phăng. Mình bị cuốn theo dòng nước. Trong đầu chỉ nghĩ tới cái chết. Một bàn tay nào đã nắm lấy cánh tay mình dìu đi theo dòng chảy. Rồi cánh đó ôm ngang thân mình. Nếu có bị chết thì cũng được chết trong vòng tay của anh! Bây giờ không biết anh ra sao. May quá. Mấy cô bạn đang đến thăm mình. Thế là biết tin anh rồi.
Từ hôm vào viện đến nay Vạn vẫ trong tình trạng hôn mê. Đầu và mặt quấn băng. Chỉ thấy hai con mắt. thật tội nghiệp cho anh. Mấy hôm nay túc trực tại bện viện là thầy giáo ban đêm, cô giáo ban ngày. Em trai của Vạn thì ở thường xuyên. Bà mẹ già thì lúc nào cũng khóc khi trông thấy anh. Hôm nay đã là ngày thứ tư rồi. Tim mạch đã ổn định. Huyết áp bình thường. Các vết thương tiến triển tốt. Hôm nay mọi người đều ở trường để chỉ đạo học sinh làm công tác hè ở địa phương. Chỉ có Hạnh là người duy nhất ở lại với anh. Cô lau mặt cho anh. Cô đang lau tay thì thấy ngón tay của anh hơi nhúc nhích. Mừng quá đi kêu bác sĩ mà suýt nữa bị té. Ngồi bên cạnh anh, cô nắm lấy bàn tay của anh. Bác sĩ tới khám sơ, cô hỏi nhỏ " Tình trạng bệnh nhân thế nào, thưa bác sĩ?" Tiến triển khá tốt. Chỉ từ giờ tới chiều hoặc chậm nhất là ngày mai anh ấy sẽ tỉnh. Cô là vợ anh ấy hả. Hạnh đỏ mặt chỉ cười mà không nói. Cảm giác mới lạ và sung sướng chạy khắp người cô. Khi Vạn cục cựa đầu và mắt hé mở thì người đầu tiên mà anh nhìn thấy là Hạnh. Trong giấc mơ gần kề lúc tỉnh thì anh cũng đã gặp người con gái ấy. Hạnh không dời tay anh. Bốn mắt họ không dời nhau.
Hạnh phúc khó tả dâng tràn. Đỡ anh ngồi dậy tựa lưng vào thành giường. Cô lau mặt cho anh bằng khăn ấm. Tất cả những cử chỉ âu yếm đó được mẹ của anh ghi lại bằng đôi mắt đã già nhưng không thiếu một mảy may. Cùng lúc đó thì một số giáo viên ở trường cũng vừa tới.Họ rất hạnh phúc khi nhìn thấy cử chỉ âu yếm của hai người.
Họ trao nhau những lời yêu. Bao ngọt, đắng của cuộc đời từ đó hai người cùng nhau chia sẻ. Ngầm nghĩ ở trong lòng, Hạnh thấy vừa ý vì đã tìm đúng nơi trao thân gởi phận. Cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Còn chàng thì rất vừa lòng vì chọn cho cụ một nàng dâu ngoan hiền. Còn luận bàn về công dung ngôn hạnh thì quá tuyệt. Từ đó hai người cứ quấn quýt lấy nhau như đôi uyên ương. Cả trường ai cũng thấy hai người quá đẹp đôi và hạnh phúc.
Mẹ Vạn rất yên tâm vì anh đã chọn cho mẹ một nàng dâu hiền như mong muốn. Còn mẹ của Hạnh thì quá vui khi có được một chàng rể thảo. Cả trường ai cũng vui vì thấy công việc đầu năm học đều đã đi vào nề nếp.
Chiều nọ hai người dắt nhau đi biển Nha Trang. Lúc hoàng hôn xuống, biển vô cùng đẹp. Anh kể cho em nghe sự tích những con sóng bạc đầu vì thương nhớ. Anh chỉ cho em biển nơi xa bao quanh hòn Yến hòn Rùa. Những mảng sóng lănn tăn những vàng là vàng khi ánh hoàng hôn chiếu xuống. Ôi đẹp biết bao biển Nha Trang. Biển của sự yêu thương và lòng thương nhớ. Biển của bình yên và sự sống. Em có nghe biển hát? Biển đang hát đó em. Những cơn gió nhẹ đang lướt trên đầu ngọn sóng như những phím đàn, mang những âm thanh ngàn đời của biển vào đất liền mà ta quen gọi là biển hát. Anh và em đang lạc vào một thế giới âm thanh huyền ảo, một bản giao hưởng vĩ đại, đang ngày đêm cất lên bản tình ca bất tận: Bản tình ca tình yêu và cuộc sống. Đứng trước biển mình thấy thiêng liêng quá phải không em? Mình thề trước biển đi em! Thề sẽ yêu thương nhau trọn đời, không bao giờ rời xa nhau nghe em? Mãi mãi như những con sóng xô vào bờ cát, mãi mãi như những cơn gió chạy trên đầu ngọn sóng...Biển cứ mênh mông, thăm thẳm, vô biên và bất tận như tình yêu bất tận của chúng mình. Nếu mai kia lời thề không trọn vẹn anh sẽ nguyền cùng biển mà mang theo đi hoà trong sóng biển để về chốn vĩnh hằng!
Họ ngồi thật lâu để ngắm biển. Họ trao nhau những nụ hôn đằm thắm. Họ đang sống trong giây phút, hạnh phúc như chưa từng được hạnh phúc.
Dễ đến năm ngày nay không thấy mặt hai người đến trường. Nhiều tin đồn khác nhau về họ. Trường đã cử người tới cả hai nhà để hỏi tin tức thì đều nhận được tin trả lời là không biết. Sáng ngày thứ bẩy thì có tin đưa đến trường là hai người đã vượt biên. Quả nhiên chuyện đó là sự thật. Họ đi từ biển Đại Lãnh. Xe chở họ đi là của một hãng Thuỷ sản. Hai người không dám lên xe cùng một lúc.
Ngân Hạng đón và lên xe tại Suối Dầu. Vạn thì đến điểm hẹn ở Mã Vòng ngay đầu thành phố Nha Trang. Tới giờ hẹn mà xe chưa tới. Quá sốt ruột. Thỉnh thoảng cứ phải nhìn lén đồng hồ. So với giờ hẹn thì xe đến chậm mất năm phút. Chỉ có năm phút thôi mà anh thấy như là cả ngày vậy. Và sợ nhất là gặp người quen. Và chỉ cần nghe ai hỏi đi đâu vậy? là đã thấy muốn rụng tim rồi, biết trả lời sao đây. Bước lên xe nhanh và gọn, anh không dám nhìn Hạnh tuy nhiên đã liếc thấy nàng. Xe vào thành phố, tạt vào một cây xăng. Đón thêm năm ba người và quay đầu xe đi ngược lại về phía Sài Gòn. Tới cây dầu đôi rẽ phải qua cầu Mới theo cải lộ tuyến đi về hướng bắc. Vừa tối, xe tới Đại Lãnh. Xe dừng lại, khách tủa vào các quán ăn để ăn tối như các xe khách vẫn dừng như vậy. Quanh quẩn cũng đã có năm bẩy xe khách đang dừng cho khách ăn uống.
Cái đi bắc, cái vào nam. Cảnh ồn ào đã giảm đi rất nhiều sự lo âu của những người đi trên chiếc xe đặc biệt này. Trời tối hẳn. Theo ám hiệu, họ dời khỏi đây và im lặng đi ra các ghe đã chờ sẵn. Các ghe này nguỵ trang như những chiếc ghe đi câu mực ban đêm. Ghe chở họ ra khơi, nơi có cái tầu lớn đang neo lại đợi họ. Nhanh chóng và im lặng mọi người đã được lên tầu hết. Những chiếc ghe đưa họ đi quay lại và tản ra như những chiếc ghe đi câu mực.
Đúng 12 giờ đêm tầu của họ ra tới hải phận Quốc Tế. Tính mạng của họ từ giờ phụ thuộc hoàn toàn vào viên Trung uý Hải quân đang lái tầu và viên Đại uý Hải quân đang cầm trong tay chiếc hải bàn. Một tấm hải đồ đã cũ, nó dường như được gấp đi gấp lại nhiều nên đã quá cũ. Viên Đại uý cầm đèn pin rọi trên tấm hải đồ và nói nho nhỏ với người lái tầu. Mọi người trong tầu gần như nín thở. Tính mạng của họ giờ này phụ thuộc vào con tầu mà tính mạng của con tầu thi lại phụ thuộc vào người lái nó. Bởi vậy những con mắt họ không rời khỏi người lái tầu và viên đại uý. Có thể nghe được tiếng thở của mọi người.
Con tầu quá nhỏ so với biển cả mênh mông.Lúc này chỉ còn nghe thấy tiếng sóng vỗ và nhìn bầu trời đầy sao. Trong lòng họ lúc này là cầu mong sự bình an. Đâu đây những tiếng cầu kinh nho nhỏ và tiếng niệm Phật A di đà. Chẳng có một ai dám nghĩ tới cái thế giới bên kia bờ Đại dương và hăm hở như lúc mới hẹn nhau và chờ đợi một chuyến đi. Họ đang nghĩ nhiều tới số phận của họ và những người thân còn ở lại quê nhà. Sóng vỗ vào thành tầu nghe rõ mồn một. Nước văng lên tung toé bắn vào cả trong khoang. Một vài người đã không chịu nổi sự chao đảo của con tầu và bắt đầu nôn oẹ. Họ truyền tay trao cho nhau những gói thuốc chống say sóng. Mùi dầu nóng đủ loại nghe cay cay, nồng nồng hăng hắc át cả mùi tanh của nước biển. Khi trời sáng vẫn chỉ thấy biển bao la và nơi giao hoà giữa biển và trời. Họ nhìn khắp nơi trên biển để mong tìm được một con tầu nào đó cứu được sinh mạng của họ. Dù làm đủ mọi cách để liên lạc bằng tín hiệu kêu cứu, nhưng tất thẩy đều vô vọng. Mọi người cũng bắt đầu bi quan và thất vọng.
Vạn ôm Hạnh vào lòng hôn nhẹ lên mái tóc cô. Dù trong tâm trạng thất vọng như mọi người nhưng cả hai vẫn thấy những tia hy vọng len lỏi trong họ và họ cảm thấy hạnh phúc. Họ luôn nghĩ về nhau. Về những ngày ở trường. Về những gì đã xẩy. Về những cảm giác hạnh phúc mà họ đã có trong những ngày gần nhau. Hôm nay là ngày thứ tư trên biển. Sức khoẻ của mỗi người giảm đi thấy rõ. Những đứa trẻ thì hầu như chúng nằm liệt trong lòng bố hoặc mẹ. Lương thực dự trữ trên tầu bắt đầu cạn. Đặc biệt là nước ngọt thì còn quá ít. Đã bắt đầu phải chia nhau và ưu tiên cho người già và con nít.
Trời bắt đầu tối. Cảnh đen tối, bao la lênh đênh trên mặt nước lại hiện ra. Trùm lên mỗi người một sự sợ hãi và thất vọng. Và hầu như đã cướp đi gần hết hy vọng của họ về một bến bờ xa lạ. Viên Đại uý nói nho nhỏ đủ cho người lái tầu nghe:
- Phía trái ở kinh độ X có một chấm đen.
- Tôi nhìn thấy rồi.
- Nhưng chắc đây chỉ là chiếc tầu nhỏ, theo kinh nghiệm thì đây chỉ là chiếc tầu đánh cá của ngư dân.
- Chắc hẳn là gần bờ rồi!
Mọi người đàn ông trên tầu không bỏ qua những chi tiết mà họ nói với nhau. Họ cũng mừng lắm và càng chú ý theo dõi chấm đen trên biển. Mỗi lúc chấm đen mỗi gần. Bây giờ họ có thể hình dung ra nó là một chiếc tầu. Càng lúc chiếc tầu đó càng gần họ. Bấy giờ có người đã reo lên nho nhỏ " Có tầu rồi, may quá chắc họ vớt mình nên mới đến gần như vậy." Trên chiếc tầu kia,những chiếc thuyền cao su được tung xuống nước. Nó áp sát thuyền của họ. Những dây neo của nó đã được cột chặt vào thuyền của họ. Những người đàn ông mặt bịt kín, ló hai con mắt đỏ lòm đữ tợn nhẩy lên thuyền của họ. Tay chúng cầm mã tấu sáng loáng khua loạn xạ. Thì ra đây là bọn hải tặc. Mọi người trên tầu mặt cắt không còn một giọt máu. Có người đã cứng miệng không nói được. Chúng lục soát và lấy hết mọi tài sản mang theo của mỗi người. Chúng ra hiệu là mọi người giơ tay lên để cho chúng lục soát trong người. Vòng vàng, nữ trang, đồng hồ... chúng vơ vét không chừa một mảy may nào. Mọi người chứng kiến đầy đủ những chi tiết cướp bóc của bọn chúng. Nhanh nhẹn chuyển hết những thứ đã cướp được về tầu. Chúng quay lại tầu. Mọi người rùng mình nghĩ tới những chuyện kể về những vụ cướp bóc và hãm hiếp trên biển. Vạn ôm chặt lấy Hạnh. Cô gục đầu vào ngực Vạn cho yên tâm và cũng dấu đi gương mặt trẻ trung động lòng những con thú dữ. Chúng hùng hổ tiến đến chỗ mọi người, họ đang co rúm lại để tự bảo vệ. Lục lọi trong đám đông hễ thấy đà bà con gái là chúng nắm tay lôi ra. Mấy người bị chúng lôi ra thấy già quá, chúng xô té ngã và có người đã rớt xuống biển. Ông kia cố ôm chặt đứa con gái 15 tuổi của mình đã bị chúng đâm chết và xô xuống biển. Một thằng nhào tới chỗ Vạn, nó đấm vào mặt anh và cướp đi người yêu của anh. Trong lúc níu giữ để giành lại người yêu tay anh chỉ còn lại được một vạt áo của cô. Bọn cướp giở trò dã man ngay trước những người thân của họ. Trong lúc hoảng loạn chỉ còn nghe thấy tiếng kêu ai oán và yếu đuối -Ba ơi cứu con! Anh ơi cứu em!. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau phải chứng kiến bọn quỷ sống hành hạ người thân của mình ngay trước mắt mình. Có người thấy cả vợ và con bị bọn quỷ hành hạ. Tuyệt vọng đến tận cùng đã nhẩy xuống biển. Vạn như quặn xé trong lòng nhắm mắt lại chịu đựng. Khi vừa mở mắt thì cũng vừa lúc chúng đẩy Hạnh xuống biển. Anh lao người theo thì người đàn ông đã kịp ôm anh lại. Chú phải sống mà trả thù cho cô ấy chứ! Chúng đã chặt dây neo và dong thuyền. Cảnh tượng đau thương trên chiếc tàu này thật là kinh khủng. Thức ăn, đồ uống không còn.
Đồ đạc bị cướp sạch. Tiếng khóc oán hờn nổi lên. Tiếng cha mẹ khóc con, tiếng vợ khóc chồng. Tiếng chồng khóc vợ. Ai oán và căm hờn tràn đầy mặt biển. Viên Đại uý đã bị chúng đâm chết và hắt xác xuống biển khi chống trả ngay từ phút đầu tiên. Mọi người trên tầu bây giờ như gà con lạc mẹ. Người lái tầu cũng bị thương nhưng anh đang gắng gượng để đưa con tầu tiếp tục đi. Một số người đàn ông còn sống sót cũng đang ở bên anh cho anh bớt cô quạnh. Bừng sáng, họ lạc vào một hòn đảo. Tầu bị sóng đánh tơi tả,lại hềt dầu, hết mọi thứ. Mọi người còn lại trên tầu đều như cái xác không hồn. Ngư dân ở đảo này đã cho họ ăn và uống. Đưa họ lên một chiếc tầu khác và chở đến một đảo khác cũng khá xa nơi đây. Sau này mọi người mới biết là đảo Palawan thuộc địa phận của Philippines.
Được tiếp nhận vào trại ti nạn theo sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Họ được phục hồi về thể xác. Nhưng tinh thần thì quá khủng hoảng. Một vài người đã bị điên. Suốt ngày cứ kêu tên người thân đã mất. Vạn thì ngơ ngẩn như người mất hồn. Trong đầu anh lúc này rỗng không, chỉ còn lại hình ảnh Hạnh ngày đêm vơ vẩn trong đó. Anh chả thiết sống. Nếu không có Hạnh trong đời thì cuộc sống của anh hoàn toàn vô vị. Và anh lại bất chợt nghĩ tới lời thề trước biển Nha Trang giữa anh và Hạnh.
Nhờ có chút ít tiếng Anh nên anh đã làm thông dịch cho mấy trung tâm ở trong trại. Lúc thì ở trung tâm phát thực phẩm. Lúc thì ở trung tâm tư vấn gia đình. Qua nhiều lần thanh lọc, anh được nước thứ ba nhận cho nhập cư là Hoa Kỳ.
Anh được chuyển về vùng 11 của trại tị nạn "Philippines Refugee Processing Center Morong Bataan". Trong thời gian tạm dung tại nơi đây anh cũng là thông dịch viên cho các chương trình học Anh ngữ, học văn hoá Hoa Kỳ,...Nhờ những công việc bận rộn hàng ngày đã làm anh nguôi ngoai bớt ám ảnh trong những ngày vừa rồi. Thỉnh thoảng những người quen cũng vẫn thấy anh ngơ ngác như người mất hồn. Trong anh hiện tại chả có gì ý nghĩa với cuộc đời. Sống cũng như người đã chết.
Anh được một tổ chức bất vụ lợi của Phật Giáo bảo trợ nên anh đã rời khỏi Philippines đúng thời gian mà Liên Hợp Quốc quy định. Vài ngày sau anh đã làm xong các giấy tờ cần thiết cho người mới ngập cư. Anh được hưởng trợ cấp tám tháng. Trong khi đó anh có thể đi học thêm tiếng Anh và đi làm bán thời gian. Cuộc sống của anh lúc này quá đơn lẻ và buồn chán. Nhiều bạn bè khuyên anh đi học lại ở một trường Đại học. Anh cứ nghĩ học cũng chẳng để làm gì.Thế là anh xin đi làm tại hãng sản xuất đồ nhựa. Công việc cũng không đến nỗi vất vả. Nhưng những dằn vặt trong tâm tư khiến anh càng ngày càng xa sút. Anh luôn nghĩ anh đã có tội với Hạnh rất lớn. Chỉ có một lần một anh báo tin này cho gia đình anh và bên gia đình Hạnh biết. Từ đó anh không dám liên hệ nữa. Bởi vì anh không muốn nhắc lại chuyện đau buồn này thêm một lần nữa. Anh im lặng lập một bàn thờ ngay trong phòng ngủ. Anh đốt vạt áo của Hạnh thành tro. Bỏ vô trong một cái hũ rồi khằng kín lại. Anh coi đây là kỷ vật có một không hai của Hạnh đối với đời anh. Đây là phần máu thịt của người vợ chưa cưới của anh: Ngân Hạnh.
Bữa nọ anh bị xỉu tại chỗ làm. Được cấp cứu vào bệnh viện. Anh phải ở lại đó hai ngày. Ra viện anh cũng chẳng khoẻ gì mấy. Được mấy người cùng chung cư chăm sóc. Anh chẳng muốn ăn uống gì ráo.
Hãng cho anh nghỉ việc. Từ đó anh có nhiều biểu hiện của một người mắc chứng tâm thần. Ban đầu là mất trí nhớ. Sau có biểu hiện nói năng vu vơ và hay nói những câu vô nghĩa. Cười và khóc một mình....Anh được đưa sang trung tâm khám nghiệm của Bộ Y tế. Kết luận của Trung tâm Y khoa: Anh mắc chứng tâm thần.
Anh được hưởng chế độ người bệnh. Và về ở khu housing này. Người quen không có. Những người lạ vì thấy anh có những cử chỉ không bình thường thì gọi anh là người điên. Từ đó cái tên ông Tư Điên là cách gọi đối với ông.
Chiều nay lúc thằng cu Tiến và thằng Thanh đến ông đã tỉnh táo hơn nhiều. Câu chuyện làm cho Cu Tiến và thằng Thanh vô cùng cảm động. Nó lại thấy ông đi loanh quanh và lạ thắp nhang.
Ra khỏi nhà ông Tư mà chúng nó cứ cảm giác là đôi mắt cô con gái trên bàn thờ nhà ông Tư cứ còn nhìn chúng!....
Gia đình Cu Tiến và thằng Thanh đã mua nhà và dời đi nơi khác. Chúng ít có dịp trở lại đây để thăm ông Tư. Rồi càng ngày chúng càng phải lo chuyện học hành nhiều hơn nên cũng quên bẵng ông Tư.
Tiến và Thanh bây giờ đã lớn. Đó là hai chàng trai khá bảnh bao. Các cậu đều có trong tay tấm bằng cử nhân. Một học về Computer và một học về ngành Xã hội. Tình cờ chúng gặp nhau ở một quán cafe Việt Nam ở phố Việt. Chuyện trò hồi lâu và chúng nhắc tới ông Tư. Biết đâu bây giờ ông đã khoẻ mạnh bình thường.
Thế là các cậu quyết định đi thăm ông Tư. Tới nơi được những người ở đây cho biết ông đã qua đời cách đay hai năm. Hài cốt hoả thiêu xong đem tro rải xuống biển cùng với hũ tro vạt áo của cô Hạnh theo tâm nguyện của ông. Di ảnh thì mang về Chùa Long Vân để thở. Hai cậu thẩn thờ, buồn rười rượi. Họ lái xe lên Chùa Long Vân để được nhìn lại di ảnh người quá cố.
Đặt trên bàn thờ dĩa trái cây. Tay họ run run thắp nhang, mắt nhìn vào di ảnh hai người. Lòng họ xót xa cho số phận một khiếp người. Họ lại bất chợt nhìn thấy đôi mắt trong sáng kia lúc nào cũng như đang nhìn thẳng vào ai đang nhìn nó. Đôi mắt như đang còn sống, đang van lơn đang cầu xin, đang gởi gắm một nỗi niềm oan khuất...
Bùi ngùi ra khỏi cổng Chùa lòng họ nặng trĩu.
Trời lạnh. Gió nhẹ. Những bông tuyết bay lơ lửng....
Seattle, một ngày đầu 2010.
Andy Tran PBH

Xem Tiếp: ----