Làm người ai chẳng muốn giàu sang, thích trẻ đẹp mãi, nhưng nếu chỉ thế thôi thì viết làm gì? Truyện tôi muốn viết là những chuyện trái tai gai mắt gặp trong cuộc sống hay trong khi làm việc. Đôi lúc tôi nghĩ làm linh mục hay các nhà cố vấn tinh thần chắc nhức đầu lắm khi nghe thiên hạ xưng tội hay kể lể những phiền toái trong đời. Đôi khi, việc mình ngớ ngẩn không biết gọi nói chuyện không đúng nơi đúng lúc cũng làm người khác khó chịu, bởi vì người ta không được huấn luyện về cố vấn.
Hôm nọ, chỉ còn năm phút nữa là tôi có thể tắt điện thoại để đi khò, điện thoại bàn reo lên. Nhấc ống nghe và tự giới thiệu, tôi nghe bên kia đầu máy nói, "Có cuộc gọi 911 khẩn cấp ở Oakland, tiểu bang California, bạn có nhận dịch không?" Chuyện khẩn cấp, mỗi một giây một phút giá ngàn vàng, một mạng người có thể tuỳ thuộc vào phút ấy trong những trường hợp như nhồi máu cơ tim, có ai mà dám chối từ dù chỉ còn một hai phút làm việc." Please, put them on, I'm happy to help!" Xin cứ tự nhiên nối cầu giây điện thoại đi, tôi sẵn lòng giúp.
Nhân viên trực máy khẩn cấp tóm tắt và nói với tìm hiểu xem người này có việc gì, ở đâu, cần xe cứu thương hay cảnh sát? Khi được nối điện thoại với người Việt gọi 911, tôi chỉ nghe tiếng khóc hu hu nói lấp bấp chẳng ra đâu vào đâu cả, có lẽ người thân bị nhồi bắp cơ tim, hay đau tim, hay bị tai nạn xe hơi..." Interpreter, find out what's going on quickly!" Thông dịch viên, tìm hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra...
"Xin quý vị ngừng khóc, và nói cho chúng tôi biết quý vị cần xe cứu thương, hay xe cứu hoả hay cảnh sát. Quý vị khóc lóc, chúng tôi không hiểu quý vị ở đâu, có chuyện chi, làm sao chúng tôi giúp quý vị được! Xin quý vị ngưng khóc, nói ngay cho chúng tôi rõ chuyên quý vị cần!"
" Hu hu, cậu làm ơn nói với chính quyền can thiệp giùm bác, ông xã nhà bác hơn bảy mươi rồi, làm như thời mạt pháp sao đó, già sinh tật, hai bác về lo đám cưới cho thằng con trai trên bốn mươi. Ổng bỏ ra Nha Trang chơi một tuần với đứa con gái trẻ nào đó, ổng gặp trên mạng."
Sợ nói nhiều mà không dịch cho nhân viên trực máy, tôi tóm tắt nội dung để người ta khỏi lo gởi xe cứu thương hay xe cứu hoả.
"We're sorry to hear that but what do you want us to do? Do you have options? Are you looking for counselling, a divorce, a separation, a new living arrangement?" Chúng tôi chia buồn cùng bác, nhưng bác muốn chúng tôi làm điều gì? Bác có cách nào, lựa chọn nào không? Bác tim tư vấn, ly dị, ly thân hay một cách sống khác?
Bà cụ vừa khóc vừa trả lời:
"Tôi muốn chính quyền can thiệp để chồng tôi về đường ngay nẻo chính, chúng tôi đã sống chung gần 50 năm rồi."
"Xin lỗi bác, chính quyền, cảnh sát không thể can thiệp vào chuyện gia đình riêng tư của bác, trừ khi có chuyện hành hung, đánh đập. Chúng tôi có thể cho bác số điện thoại những cơ quan tư vấn, những hội thiện nguyện giúp những người có những chuyện tương tự như bác để giúp đỡ nhau, hay điện thoại các cơ quan tôn giáo, nhà thờ hay chùa chiền trong vùng."
"Tôi chỉ muốn cảnh sát đến khuyến cáo chồng tôi thôi!"
"Điều đó, cảnh sát không thể, không có quyền can thiệp vào, bác ạ!"
"Vậy xin người nào tới đưa ông xã tôi về đường ngay nẻo chính. Ai đời sắp xuống lỗ rồi còn vớ vẩn với đúa con gái đáng tuổi con tuổi cháu? Ổng còn khoe con đĩ nói ổng còn trẻ, còn gọi anh xưng em, chiều chuộng ổng đủ thứ, làm ông sống như thời hai mươi, nên bây giờ ổng hành hạ tinh thần tôi, nói rằng ổng chẳng cần tôi, tôi muốn đi đâu thì mặc..."
"Xin lỗi bác, chúng tôi không biết bảo sao, bác nên tìm gặp những người bạn, những người trong chùa chiền, trong nhà thờ giúp thôi. Chứ các cơ quan nhà nước, tiểu bang không thể và không được phép can thiệp vào chuyện riêng tư trừ khi chính bản thân ông xã bác yêu cầu. Chúng tôi xin lỗi bác, đây là các số điện thoại nhà thờ, chùa chiền, hộii tương trợ trong vùng bác có thể liên lạc xem sao nhé....
Sau khi cho các số điện thoại xong, tôi còn nghe tiếng khóc. Tôi tưởng như tiếng khóc của Mẹ tôi, dù rằng chẳng bao giờ bố tôi làm Mẹ muộn phiền, dù chỉ một chút mảy may nào đó. Tôi cám ơn Thượng Đế đã cho tôi sinh ra trong một gia đình đầy ắp thương yêu, lúc nào cũng tương kính nhau, chứ không ăn cháo đá bát, bỏ già ham trẻ, ham tiền bạc hơn nhân nghĩa... Tôi hiểu rằng khi người ta nghèo ở một xã hội không có lối thoát, nơi không còn dạy dỗ nhân lễ nghĩa trí tín, oán nghiệp hay thưởng phạt đời sau, nơi nhan nhãn có những người nói một đàng, làm một nẻo hằng ngày, nơi những nhà giáo mối lái học sinh vị thành niên cho khách, hay người ta dễ bị đẩy vào con đường sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi, trộm cướp, lường gạt, vào cái nghề không cần vốn liếng, chỉ cần nhắm mắt, dạng chân mặc tương lai tới đâu thì tới, miễn là hôm nay có tiền, quần áo se sua với bạn bè... Chẳng cần phải săn tìm đâu xa nơi các chuyện lạ bốn phương, cứ lên mạng lưới tin học đọc tin tức ở quê nhà, bao nhiêu bất công uất ức đang diễn ra hằng ngày, chắc chắn rồi cũng sẽ có một ngày một người Việt cũng sẽ viết lên một bi hùng truyện hoành tráng như tác phẩm của Alan Paton, người Nam Phi, "Khóc Lên, Hỡi Quê Hương Yêu Dấu!
Tôi nhớ câu Alan Paton viết, "God forgives... Who am I not to forgive?" "Thượng Đế tha thứ... Tôi là ai mà không thứ tha?" Vâng, tôi là ai mà kết án, tôi chỉ mong mọi người nhìn lại lịch sử của dân tộc mình, một ngàn năm Bắc thuộc, 80 năm bị Pháp đô hộ không huỷ diệt được tinh thần của tổ tiên ông bà dân tộc mình, mà ông bà còn tìm được cái hay, cái tốt của Trung Hoa của phương Tây để thăng tiến con người, phát huy Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của Khổng Tử, học hỏi được pháp luật, quyền tự do dân chủ, đầu óc khoa học thực nghiệm của Tây phương, thì không cớ gì lại bị hủ hoá một cách mau chóng trong bước quanh lịch sử này, tôi nhớ mang mang câu nói của một thiền sư nào đó luôn luôn nhắc, "This is only temporary!" (Đây chỉ là tạm thời thôi!" trong bất cứ tình huống nào. Vâng, thời gian quá độ này chỉ là tạm thời thôi, tạm thời thôi, mọi sự rồi sẽ qua đi, hồn Việt tộc vẫn còn, anh linh tổ tiên vẫn còn là đuốc sáng soi đường cho dân Việt ở trong nước và khắp nơi trên thế giới.
Nguyên Đỗ

Xem Tiếp: ----