Em ngồi đó, trên chiếc ghế xích đu cha làm riêng cho em, với dáng dấp một cô gái tuổi mười lăm, cái tuổi giữa trẻ con và người lớn. Bảo em là người lớn cũng đúng vì em có thể xác một thiếu nữ dậy thì, hứa hẹn những nét thướt tha, yêu kiều thừa hưởng của mẹ, người đàn bà một thời là hoa khôi của làng. Gọi em là trẻ con cũng không sai vì đã mười lăm mùa xuân hưởng cái hạnh phúc tồn tại trên cõi nhân gian này như một con người mà trí óc em vẫn là một đứa bé lên năm. Bởi thế, mọi người gọi em là “Nhỏ mát” hay “Nhỏ tâm thần kinh” thay cho cái tên hơi khó gọi của em đối với những người dân ở chốn quê mùa này: Hoài Vũ! Em không biết giận hờn về chuyện đó nhưng cũng chỉ trả lời khi người ta gọi đúng tên em. Đây là điều duy nhất em có thể làm cho mẹ vui nên dù trí óc trẻ thơ em cũng biết giữ gìn niềm hạnh phúc hiếm hoi này. Dù mẹ - đối với em - là tất cả những gì ghê gớm và đáng sợ. Em nhận biết điều đó qua ánh mắt hận thù, căm ghét và những lằn roi đau tái tê người. Tại sao mẹ ghét em như thế? Em không hiểu được. Mà em cũng không cần hiểu. Cha thương em - như thế đã đủ rồi. Có lần người ta bảo em giống mẹ đẹp quá! Em về hỏi mẹ. Mẹ nạt đùa: “Giống thằng cha mày ấy, đồ nợ đời báo oán”. Nhưng cha đen lắm, không trắng như em. Chân mày cha rậm rì, xếch ngược còn chân mày của em mảnh mai, uốn tròn như ngọn cỏ. Bàn tay cha to bè như nải chuối, bàn tay em trắng nuột, thon gầy. Còn nữa, hàm râu cha rậm rì và đôi môi thô dày như tượng ông ác trong chùa nhìn dễ sợ. Mà cha dễ sợ thật. Người trong làng ai cũng sợ cha. Một lần có người chòng ghẹo em vô phước để cha bắt gặp đã bị một trận đòn tơi tả. Đến khi em sợ quá la lên: “Cha... cha đừng đánh nữa, tội nghiệp mà!” thì cha mới dừng tay. Thế nhưng cha lại sợ mẹ vô cùng. Bao nhiêu yêu thương cha dành cho em thường là những khi không có mẹ. Em còn nhớ lần xẩy tay để rơi búp bê xuống ao, mẹ lấy dây trói em vào cột nhà rồi bỏ đi. Cha đi làm về cũng không dám cởi trói cho em nhưng em biết cha thương em nhiều lắm. Không món đồ chơi nào trẻ con hàng xóm có mà em không có. Không điều gì em thích mà cha không chìu chỉ cần em vòi vĩnh khi không có mẹ. Có một lần cha uống rượu say làm em sợ, sợ lắm nhưng sau đó cha lại chìu chuộng, vỗ về em hơn. Hôm nay cha không có nhà. Nhiều người lắm đến bắt cha đi rồi, mới hồi sáng này thôi. Em lao ra ôm chầm lấy cha giành lại nhưng mẹ quát lên: “Mày ngồi yên đó, ngồi yên đó cho tao. Nghe chưa hả. Trời ơi!”. Thế là em ngồi đây, từ khi ông mặt trời còn treo trên đỉnh đầu và bây giờ bóng em nghiêng dài xuống thềm nhà. Em nghe đói lắm nhưng không dám gọi mẹ cho ăn. Mọi ngày cha vẫn làm cơm cho em. Bây giờ cha đi rồi. Con đói lắm, con sợ lắm. Về với con cha ơi!
Trời đã chuyển sang chiều, ánh nắng nhạt dần theo từng cơn gió nhẹ, những đám mây bỗng từ đâu kéo đến như bị chi phối bởi một quy luật vô hình nào đó. Và mưa! Những hạt mưa đầu mùa gợi nhớ. Người đàn bà ngồi trong nhà nhìn ra, cặp mắt đỏ mọng không làm giảm được nét yêu kiều phong vận. Ánh mắt người đàn bà nhòa đi vì những giọt mưa hay vì dòng lệ đã bị kìm nén theo thời gian giờ đây có dịp tuôn trào. Mình phải làm gì bây giờ? Cái tâm hồn trẻ nít trong hình hài mười sáu tuổi kia giờ đây không còn là món nợ đời báo oán nữa mà trở thành một câu hỏi nặng nề. Con mình đấy! đứa con ngây ngô dở dại của mình, đứa con rứt ruột của mình, đứa con khốn khổ của mình. Nó nào có tội gì đâu mà trời cao lại hành hạ tai ác thế. Không! Không phải tại trời, tại mình thôi, tại mình tất cả. Ngày xưa chính vì mình căm hận người đàn ông đó mà không muốn sinh con cho hắn. Mình không muốn đứa con này ra đời nên đã đến tìm bà mụ Tư lạy lục xin một thang thuốc trục thai. Hậu quả là nó sinh ra dở điên dở dại. Chẳng lẽ bây giờ mình lại... Trời ơi! Phải chi…? Phải chi mình đừng sinh ra trên cõi đời này, phải chi trời chỉ nắng đừng mưa. Cơn mưa đầu mùa ngọt ngào năm nào gieo vào lòng cô nữ sinh lớp mười nỗi thương nỗi nhớ. Lúc ấy nàng cũng chỉ là cô bé mười sáu tuổi vừa mới chớm yêu, tình yêu đầu đời thiết tha si mê cuồng nhiệt. Vũ ơi! Em đã yêu anh biết chừng nào, em đã nuôi biết bao là ước mơ, hi vọng. Cả trong giấc mộng em cũng thấy mình được sánh vai anh trong áo cưới thiệp hồng. Vậy mà trời ơi! Em đã phụ anh để về với người mười sáu năm qua em gọi là chồng. Vũ ơi, cơn mưa của đời em. Anh khổ đau, anh tuyệt vọng em đều biết nhưng anh đã ra đi rồi sao còn trở lại. Anh tha thứ cho em để làm gì, anh rộng lượng bao dung để làm gì cho đời em chất chồng thêm oan nghiệt. Bây giờ em không biết phải làm sao... Còn anh, anh ở đâu, sao anh đi đâu mất biệt mà không ở bên em trong giờ phút khó khăn này. Vũ ơi!
Người đàn bà quay đầu nhìn vào trong nhà, tiếng khóc thút thít của đứa con gái làm cắt ngang dòng hồi tưởng. Mình phải làm gì đây? Không. Không thể để thứ nghiệt chủng đó sinh ra đời. Người đàn bà cắn răng đến bật máu, hai bàn tay nắm chặt lại như để tăng thêm sức mạnh, tăng thêm quyết tâm mà quyết định một điều khủng khiếp. Chị bước vào trong nhà nắm tay đứa con, lôi đi.
Nhà bảo sanh Mẫu Tử hôm nay vắng khách đóng cửa sớm. Bà mụ Tư ngồi buồn nhìn những hạt mưa đầu mùa rơi tí tách, khẽ rùng mình. Cảm giác lành lạnh, sờ sợ làm bà rởn ốc. Những người độc mồm độc miệng bảo nhà bà âm khí nặng nề. Rằng bà giết người nhiều quá nên nhà bà toàn oan hổn uổng tử. Rằng bà thất đức nên không có con, ông chồng khuyên bỏ nghề mà bà không nghe nên đã đi tìm người đàn bà khác. Nhưng bà đều bỏ ngoài tai. Trong cõi đời này mấy người có can đảm bước qua miệng lưỡi thế gian, mấy người có can đảm dám làm dám chịu? Mấy người coi trọng tình máu thịt hơn tiền tài, danh dự? Vì vậy đừng nói ở vùng quê xa đường xa chợ này mà còn có cả những người từ phố thị phồn hoa phải tìm đến bà, coi bà là hiện thân đức phật quan âm cứu độ. Rất nhiều cặp vợ chồng muốn mẹ tròn con vuông phải nhờ đến tay bà. Và cũng không ít cô con gái dậy thì mới chớm yêu, những thiếu phụ nhẹ dạ lỡ làng khi chồng đi vắng xa nhà, và cả những bậc cha mẹ vì một lý do nào đó không muốn đứa con của mình chào đời đều tìm đến bà nhờ giải quyết hậu quả. Căn bản bà Tư không xem những bào thai chưa thành hình kia là một con người. Bà nghĩ rằng việc bà làm chính là giúp đỡ cho người ta khi hoạn nạn. Không phải sao, nếu không có bà, Cô Út Hồng, tiểu thư con ông Cả Thinh đã phải uống thuốc rầy tự vẫn vậy mà sau khi tìm đến bà một tháng đã lên xe hoa về làm vợ cậu Lâm con chủ tiệm vàng Hưng Thạnh, bây giờ nghiễm nhiên thành mệnh phụ phu nhân. Không có bà mợ Tư Hải sẽ ra sao khi cậu Tư đi làm ăn xa hai năm trời về nhà thấy vợ mình mang ba lô ngược. Còn bao nhiêu người nữa. Mấy chục năm làm mụ, bà đã đỡ cho bao nhiêu đứa trẻ ra đời và giết đi bao nhiêu đứa bà cũng không còn nhớ. Mấy chục năm bà chưa bao giờ có cảm giác lạ lùng như ngày hôm nay. Bỗng bà nghĩ đến lúc đóng cửa nhà bảo sanh Mẫu Tử. Ài! cái ngày đó chắc không còn lâu nữa. Cũng phải thôi, bà đã già rồi, mắt mờ tay yếu đâu còn thời bắt mạch là biết cái bầu bao nhiêu tháng. Khám sơ qua là biết đứa trẻ nằm ngược hay nằm xuôi. Nói hai ngày sanh là thằng nhỏ không dám ở trong bụng hai ngày rưỡi. Mình già thật rồi, bà Tư bỗng cảm thấy cô đơn đến lạ lùng. Gió ngoài trời đột nhiên thổi mạnh, những tia sét đâu từ tận trời cao xé nát màn đêm thành vô vàn đường cong ngoằn ngoèo kỳ dị. Ầm... ầm... hàng loạt tiếng sấm vang rền muốn nổ tung màn đêm. Từ trong những âm thanh hỗn loạn đó bà mụ Tư mơ hồ nghe tiếng ai réo gọi, âm thanh ai oán, khổ đau, giận dữ, mê trầm, quái dị như từ cõi chết vọng về...
Người đàn ông dựa vào song sắt nhìn ra màn mưa ngoài trời. Đôi mắt dưới hàng chân mày rậm rì trông đỏ au, dài dại, như chứa đựng một nỗi đau khổ cùng cực. Bỗng từ hai hốc mắt khô khốc ấy đôi giọt lệ chầm chậm lăn ra từ từ trượt trên đôi gò má sần sùi. Khi hai giọt lệ chảy đến cái cằm râu ria lởm chởm đột nhiên người đàn ông rống to lên một tiếng kinh hoàng rồi ngã xuống sàn xi măng lạnh ngắt. Tiếng rống hóa thành tiếng khóc tồ tồ. Nước mắt không còn từ giọt mà trào ra thành dòng xối xả như mưa ở ngoài trời. Đôi cánh tay vạm vỡ liên tục đấm vào ngực bình bình như một bậc khổ tu trong giờ hành xác. Trong tiếng mưa gió, tiếng côn trùng rỉ rả, âm thanh của tiếng khóc nghe ghê rợn làm sao. Không biết qua bao nhiêu thời gian chỉ biết khi dòng nước mắt cạn đi, quánh đặc lại lợn cợn và ánh lên màu hồng của máu thì tiếng khóc trở thành tiếng khàn khàn khản đặc, nhỏ dần rồi tắt hẳn. Người đàn ông mê đi. Trong cơn mê ông ta thấy trăm ngàn loài quỷ dữ đang cào cấu thân xác ông, từng đợt lửa hỏa ngục thiêu đốt tâm can ông. Ông kinh hoàng la hét, van xin nhưng lũ quỷ kia càng thích thú, càng cào cấu ông dữ dội hơn. Đúng vào lúc ông không còn chịu đựng được nữa bỗng một đứa bé gái xinh đẹp như thiên thần xuất hiện lao vào bọn quỷ dã man kia. Bọn quỷ buông ông ra và xúm vào ngấu nghiến, hành hạ đứa bé. Bỗng ông chợt thấy mình hóa thành một con quỷ dữ trong số đó. Ông kinh hoàng la lên: “Không... đừng... con của tôi... trời ơi!”. Người đàn ông từ từ tỉnh lại. Ông vẫn nằm trên sàn xi măng lạnh ngắt, thân thể rã rời không còn chút sức lực. Một ngón tay nhút nhích cũng không nổi nhưng ông thấy mình tỉnh táo lạ kỳ. Tại sao? ông tự hỏi. Sai lầm bắt đầu từ đâu? Ai mới là tội nhân của tấn thảm kịch này. Có phải chính là vợ ông như ông vẫn nghĩ. Từ lâu ông chìm đắm trong kết luận này và chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về mọi chuyện. Có phải ông đã sai khi biết nàng không yêu ông nhưng ông đã bằng mọi thủ đoạn để cưới được nàng. Biết nàng yêu người khác nhưng ông cứ nghĩ mọi chuyện sẽ dần quên lãng theo thời gian và bằng sự chăm sóc chìu chuộng của mình ông sẽ cảm hóa được nàng. Nhưng mọi chuyện đều không diễn ra như ông nghĩ. Trong đêm tân hôn ông chỉ chiếm được một thân xác hoàn toàn trơ lạnh, hơn nữa là một thân xác không còn trong trắng. Ông đau buồn, uất ức, nghi ngờ, ghanh tỵ, ghen tuông. Rồi đứa con gái ra đời đem lại cho ông niềm an ủi nhưng khốn khổ thay con bé xinh đẹp như thiên thần lại dở ngây, dở dại. Dù sao thì nàng cũng sinh cho ta một đứa con! Điều này làm cho ông càng yêu nàng hơn. Biết nàng lấy tên người yêu cũ để đặt cho con ông cũng bằng lòng. Sự nhịn nhục lâu ngày làm cho ông trở nên bé nhỏ và sợ hãi trước nàng. Thôi thì ông đem hết tình yêu thương đổ trút vào con bé, chuyện ghen tuông, nghi ngờ muời mấy năm ngỡ đã qua đi. Nhưng không. Cách đây vài tháng người tình của nàng xuất hiện và nàng bỏ đi theo hắn suốt một tuần. Khi trở về nàng đặt thẳng vấn đề với ông là nàng muốn ly dị và dắt bé Hoài Vũ ra đi. Ông hết quát nạt rồi dịu ngọt, hết năn nỉ rồi hăm dọa nhưng nàng vẫn không lay chuyển. Ông như chết cả cõi lòng, bảo nàng: “Cô muốn đi đâu thì đi nhưng con Vũ để lại cho tôi. Cô có yêu thương gì nó đâu mà đòi bắt nó!”. Nàng bật cười khinh khỉnh: “Ông tự soi gương nhìn lại mình đi. Ông từ hình dáng đến tâm hồn xấu xa như ác quỷ lại có thể có đứa con xinh đẹp như vậy sao! Hắc hắc. Đừng có mà nằm mơ!”. Ông nghe đầu mình kêu một tiếng “Bùng” như sét đánh. Mọi thứ xung quanh ông như nổ tung hết thảy. Cổ họng ông chỉ gừ gừ lên mấy tiếng: Được... được... Rồi chạy ra khỏi nhà như ma đuổi.
Đêm đó ông không biết mình về đến nhà vào lúc nào. Chỉ biết là ông rất say. Trong cơn say ông nhìn thấy người đàn bà đang ngồi trên giường giương mắt nhìn ông như thách thức. “Hà... Hà... Được. Nàng muốn rời khỏi ta ư. Trước khi nàng rời khỏi ta, ta cũng phải chiếm hữu nàng lần cuối cùng. Ha... Ha... nàng hét lớn lên nữa đi, hét nữa đi. Cho đến lúc này ta vẫn còn là chồng nàng, không phải sao, không phải sao...”. Người đàn ông chồm lên như thú dữ ngấu nghiến đôi môi từng cất lên giọng hò ngọt lịm trong đêm hội làng làm ông mê mẫn. Tay ông vung lên. Soạt... soạt... chiếc áo bị xé rách làm lộ ra gò ngực thanh tân biết bao lần ông rình trộm khi nàng tắm dưới bến nước bên cạnh gốc đa cổ thụ. Dưới sức mạnh phũ phàng, người phụ nữ nhắm nghiền đôi mắt không còn dãy dụa la hét nữa. Bàn tay cuồng bạo của người đàn ông tiếp tục lần xuống... lần xuống... Khi mảnh vải cuối cùng rơi ra người phụ nữ vùng mở mắt. Đôi mắt xinh đẹp ngây thơ đang nhìn ông đầy hốt hoảng. Người đàn ông thoáng sững sờ: “Thì ra là mày! Tại sao là mày? Không... Không... Mày không phải là con tao... Tao không có đứa con nào hết. Mẹ mày không sinh con cho tao thì mày... Thì mày... Thì mày...”. Đôi mắt ngây thơ nhắm lại và hai giọt nước mắt trào ra. Đôi môi run run khẽ rên lên một tiếng: “Cha”.

*

Đứa trẻ đã nằm yên trên gường ngủ thiếp đi. Gương mặt bầu bĩnh hơi nhợt nhạt, những cọng gân xanh dưới cần cổ đập liên hồi, ngực nặng nhọc phập phồng hơi thở, cái bụng hơi lùm lùm vạt áo nhô lên. Bà mụ Tư kéo cái mền đắp cho nó rồi quay sang người đàn bà:
_ Bây giờ thì ổn rồi. Con bé đã ngủ yên. Tại cái thai nó hành thôi. Trời ơi! hồi nãy cô kêu cửa làm tôi sợ hết hồn... tưởng là...
_ Dạ thưa bà... Con muốn nhờ bà một chuyện...
_ Chuyện con nhỏ hả. Không sao đâu. Cái thai khỏe lắm. Chỉ là mẹ nó còn nhỏ tuổi quá. Để tôi cho vài thang thuốc dưỡng thai là êm thôi.
_ Dạ... dạ không... thưa bà. Con muốn nhờ bà... bỏ cái thai đó đi.
_ Hả...? Cô nói cái gì. Cái thai lớn vậy... Không, tôi không làm đâu.
_ Dạ... Xin bà làm phước...
_ Không, dứt khoát không.
_ Chuyện đến nước này con cũng không còn sợ xấu hổ gì nữa đành nói thật cho bà biết. Cái thai đó là do... ba ruột của nó...
_ Trời ơi! Cô nói cái gì hả? Các người... Các người... Loạn luân... Loạn luân hết rồi!
Ngoài trời mưa đang dần tạnh nhưng cơn bão trong nhà thì mới bắt đầu nổi lên theo tiếng kể rì rầm, ngắt quãng bởi từng cơn sụt sùi, nức nở của người đàn bà. Đã lâu lắm rồi chị chôn chặt lòng mình. Bây giờ bao nỗi niềm, bao đau khổ như cơn lũ tràn ra khỏi con đê bị vỡ. Phải. Từ ngày cha chị làm ăn thất bại nợ nần chồng chất phải thắt cổ tự vẫn, mẹ chị đau buồn lâm bệnh nặng, người yêu đi du học ở phương xa thì chị hoàn toàn trở thành người chịu ơn, kẻ phụ thuộc rồi sau khi mẹ qua đời thì chị trở thành vợ của người đàn ông ấy. Trước đêm tân hôn chị mới vô tình phát giác ra chuyện làm ăn thua lỗ của cha chị là do bàn tay hắn thao túng thì mọi ơn nghĩa biến tan đi chỉ còn lại sự hận thù. Chị đã tìm cách phá cái thai đi để khỏi phải sinh con cho hắn nhưng không ngờ cái thai không phá được. Con chị sinh ra đời dở ngây dở dại làm chị hối hận vô cùng. Nhưng niềm hối hận không bằng lòng căm thù. Thấy hắn yêu thương đứa con hết mực chị trả thù hắn bằng cách ngày ngày giày vò con bé cho hắn đau khổ dù lòng chị càng khổ đau hơn. Có người mẹ nào không thương con, nhất là đứa con ấy lại bất hạnh tật nguyền bệnh hoạn. Mỗi lần cầm roi đánh nó chị cảm thấy như cầm dao đâm ngược trái tim mình. Nhưng thấy hắn vì chuyện ấy mà đau khổ thì chị lại hả hê. Chị sống trong tâm trạng mâu thuẫn ấy suốt mười mấy năm ròng. Cho đến ngày gặp lại người yêu cũ, anh ấy vẫn chưa lập gia đình, vẫn chờ đợi và giang rộng vòng tay đón chị. Anh sẵn sàng đưa chị và bé Hoài Vũ ra đi, bằng lòng xem nó như con ruột. Chị còn cần gì hơn, chị cảm thấy đời mình như có mùa xuân trở lại. Thế nhưng hắn vẫn không buông tha cho chị. Hắn nhất quyết không cho chị đưa bé Hoài Vũ ra đi. Trong niềm uất ức vì sự bất lực của bản thân lòng chị lại nảy ra một kế. Hắn rất ghen tuông. Thế là chị giả vờ cho hắn biết bé Hoài Vũ không phải là con của hắn. Chị đoán không sai. Gã đàn ông trước sự thật phũ phàng đó đã lao ra khỏi nhà như một kẻ điên. Lòng chị lóe lên một tia hy vọng. Chị vội vàng chạy đi tìm anh để báo tin mừng. Chị định gặp anh một chút thôi rồi trở về nhà đưa bé Hoài Vũ ra đi. Nhưng cơn mưa ập đến và niềm vui sắp được giải thoát cộng với vòng tay ấm áp nồng nàn của anh đã níu chân chị lại.
_ Bà ơi. Con hối hận quá! Phải chi hôm đó con trở về nhà thì đâu đến nỗi. Mà hắn... hắn thực không ngờ còn hơn loài cầm thú... Trời ơi! khốn nạn thân con tôi. Bà ơi, con đã nói hết, nói hết rồi. Bà phải giúp con bà ơi...
Bà mụ Tư đờ người ra như bị trúng phong. Tất cả những gì người đàn bà này kể thật quá sức tưởng tượng của bà. Mấy chục năm làm người và hơn phân nửa thời gian đó làm nghề đỡ đẻ bà từng chứng kiến biết bao điều ngang trái, éo le nhưng chưa bao giờ bà gặp một trường hợp như thế này. Mẹ thì hành hạ con để trả thù chồng. Cha thì cưỡng dâm con gái để trả thù vợ. Tất cả mọi khổ đau họ đổ lên đầu cái sinh linh khờ khạo bé bỏng tội nghiệp kia. Tội lỗi của họ dẫu phật bà lượng cả bao dung cũng không tha thứ được. Bỗng bà mụ Tư giật mình. Tấm thảm kịch này cũng có một phần tội lỗi của bà. Đứa trẻ kia bị tâm thần không phải là do thang thuốc trục thai của bà gây ra hay sao? Bà mụ Tư rùng mình ớn lạnh. Thì ra không phải lúc nào bà làm chuyện đó cũng đều là cứu giúp người ta. Thì ra cái gì gọi là hiện thân của phật bà cứu độ mọi người chỉ là dối người gạt mình mà thôi. Thì ra cái đám người độc mồm độc miệng kia cũng có phần nói đúng. Bây giờ bà muốn chuộc tội cũng muộn rồi và bà cũng không có cách. Đối mặt với người mẹ này bà không biết nên căm ghét hay thương hại. Chấp nhận lời yêu cầu của cô ta ư? Phá một cái thai lớn thế mà thai phụ lại là một đứa trẻ con bị tâm thần, một chút xíu hy vọng thành công cũng không có. Còn bằng ngược lại để cho đứa trẻ kia sinh ra đời nó sẽ như thế nào? Cho dù là nó vẹn nguyên lành lặn không tật nguyền gì cũng không tâm thần như mẹ nó thì đời nó sẽ ra sao? Nó sẽ gọi cha nó bằng gì? Người đời sẽ nhìn nó bằng cặp mắt như thế nào? Với một cái quá khứ như thế nó làm sao ngẩng mặt lên để sống. Miệng đời. Hừ! Miệng đời giết người ta thì dễ, giết người ta thì nhiều chứ cứu người ta thì khó, thì ít lắm. Chẳng lẽ bà sống chưa đủ để hiểu điều đó hay sao? Trong lúc bà mụ Tư quay cuồng với bao suy nghĩ thì người đàn bà chợt nín khóc. Chị ta ngước lên nhìn bà Tư sòng sọc rồi bất chợt không một tín hiệu nào báo trước, nhào tới bên đứa trẻ đang ngủ say trên giường giơ tay cật lực bóp cổ nó, miệng gào lên: “Là các người hại con tôi. Hắn... hắn hại đời của nó! Còn bà... bà làm cho nó thành dở điên dở dại. Còn tên kia, lúc yêu thương thì hứa hẹn đủ điều, khi xảy ra chuyện thì trốn đi mất biệt. Các người chết đi... Chết đi... Chết hết đi...”
Bà mụ Tư hoảng hồn lao tới bằng tất cả sức lực già nua kéo người đàn bà ra khỏi đứa bé. Chị ta gào lại lên: “Là tôi... là tôi hại con tôi rồi. Trời phạt tôi đi... đánh tôi đi...!”. Rồi như để ông trời dễ trừng phạt mình, chị điên loạn xô tung cửa lao ra ngoài trời mưa gió.
Nhân thả người nằm trên thảm cỏ đưa mắt nhìn tấm bảng đề Mẫu Tử Am, chờ đợi. Đây là tấm bảng thứ mấy rồi Nhân không nhớ nữa. Thiên hạ bao la không ngờ Mẫu Tử Am lại nhiều như vậy. Không biết lần này có gặp nàng không? Ông trời cắc cớ chi làm vậy. Tại sao cho Nhân gặp nàng một lần rồi không thể nào quên. Mình nhớ nàng bởi điều gì nhỉ? Là ánh mắt bảy phần ngây thơ ba phần ngây dại hay chất giọng thanh tao đong đầy nỗi sợ hãi từ muôn ngàn kiếp trước. Ngày đó, Nhân là một sinh viên y khoa năm thứ tư rất thích khoa tâm thần học. Trong một lần nghỉ hè về quê dã ngoại đã gặp nàng. Nàng thực sự đẹp quá chừng nhưng cái làm Nhân chú ý chính là vẻ ngây dại của nàng. Sắc đẹp của nàng lẫn nỗi hiếu kỳ nghề nghiệp đã thúc đẩy Nhân tiếp cận nàng. Trong lúc đang say sưa nói chuyện với nàng để tìm hiểu bệnh tình thì cha nàng xuất hiện và một trận đòn phũ phàng đổ ập xuống người Nhân. “Cha... cha đừng đánh nữa, tội nghiệp mà!” Giọng nói của nàng, ánh mắt của nàng ghi sâu vào tâm khảm của Nhân. Nhân tự nhủ với mình sau khi ra trường sẽ trở lại tìm nàng để chữa bệnh cho nàng. Nhưng hỡi ơi! Vật đổi sao dời, ngày Nhân trở lại ngôi nhà nàng đã trở thành một bãi cỏ hoang vu. Chiếc ghế xích đu nàng thường ngồi đã mục gãy xiêu vẹo bao phủ đầy những loại dây leo. Nhân hỏi thăm những người xung quanh thì được nghe một câu chuyện đau lòng kinh khiếp. Sau tấn thảm kịch đó xảy ra cha nàng đã cắn lưỡi tự sát trong tù. Mẹ nàng trở nên điên loạn đi đâu mất tích. Còn nàng, có người bảo nàng lang thang xin ăn đầu đường xó chợ và sinh con trong một đêm mưa gió rồi hai mẹ con đều chết. Người khác lại kể rằng nàng sinh con trong một cánh đồng hoang, đang lúc đứa bé chào đời thì bị sét đánh nhưng hai mẹ con không chết mà điều kỳ diệu xảy ra. Tiếng sét cộng với tiếng khóc trẻ thơ làm bừng dậy linh thức của người mẹ và nàng hết bị tâm thần sau đó bồng con đi tu. “Tu ở đâu?”. Nhân hỏi. “Thì Mẫu Tử Am chớ đâu”. “Mẫu Tử Am ở địa phương nào?”. “Ai biết. Chỉ biết ở đó trẻ con rất được thương yêu và sung sướng”.
Quân Tấn

Xem Tiếp: ----