Mẹ tôi đã thề không bao giờ đến ở trong ký túc xá nữa, nhưng hoàn cảnh không cho phép mẹ giữ trọn lời thề của mình. Do đó buộc lòng mẹ quyết định đổi đến thành phố khác. Dù sao mẹ con tôi cũng cần một nơi tạm trú. Hóa ra ký túc xá này còn tệ hơn nơi chúng tôi đã ở trước kia. Ở đây thiếu sự thân ái, buồn tẻ như đưa đám, và nặng mùi ẩm mốc khó ngửi. Nói chung, không khí nặng nề u ám dễ gây cho người ta sự thối chí. Ngay nền nhà dưới chân mẹ con tôi là người thủy thủ tàu buôn đã về hưu có chứng ho muốn vỡ phổi. Ông già là người thân thiện luôn chào hỏi khen ngợi mẹ tôi khi chúng tôi đi ngang qua căn phòng tăm tối mà ông đang ngồi hút thuốc sát mé giường. Lúc ban ngày tôi thương hại ông, nhưng đêm về khi nằm trăn trở lo lắng cho số phận đen đủi bấp bênh của mình trong những ngày sắp đến, mẹ con tôi nghe sự im lặng dâng cao bao trùm niềm thống khổ, chúng tôi ghét ông thậm tệ. Nhất là tôi.
Mẹ tôi tự an ủi đây chỉ là thời gian tạm bợ mà thôi, không bao lâu nữa chúng tôi tuyệt đối sẽ thoát khỏi cảnh này. Ðể chứng tỏ cho tôi, và có lẽ cũng cho riêng bản thân mẹ, thiện chí của mình, mỗi ngày chủ nhật vào giờ ăn sáng, mẹ miệt mài trên từng trang báo, khoanh tròn các ô quảng cáo cho thuê nhà. Rồi ghi xuống hàng chữ 'đúng nhu cầu.' Tôi khoái cung cách đầy tự tin và sốt sắng của mẹ. Ðiệu bộ ấy cho tôi có cảm tưởng nhu cầu của mình ít ra có chút ý nghĩa với cuộc đời chung quanh, và bản thân mình cũng là phần tử đáng kể trong xã hội. Khuôn mặt mẹ đăm chiêu như đang tính toán. Mẹ so sánh giá cả các căn nhà, và loại ra những căn đắt giá hoặc rẻ nhất. Khi tìm được năm hoặc sáu căn vừa ý, mẹ gọi hỏi nếu người ta còn mở cửa cho xem. Có thể nói, chúng tôi dành cả ngày đi xem hết căn này đến căn khác.
Thật ra chúng tôi chưa mướn được căn nào cả. Chủ nhà đòi tiền tháng đầu và tháng cuối, cộng thêm tiền đặt cọc để họ lau chùi sang sửa. Tôi biết phải chờ thêm một thời gian nữa mẹ tôi mới có đủ khả năng. Thế là cứ đến chủ nhật, mẹ tôi lại tiếp diễn, lật báo, khoanh tròn, ghi chú, gọi diện thoại, đi xem nhà, và tôi bị lôi kéo theo. Mẹ con tôi cứ đi xem và chẳng quyết định được gì, tuồng như đi tham khảo thị trường. Ở vị trí của người đi mua sắm đôi khi rất thú vị. Tôi hạnh phúc trong vai trò của người biết mình đang cần gì, muốn gì và có thể mua mang về. Mặc dù chỉ đi ngắm nhìn, nhưng tôi thoải mái vui vẻ, vì có gan ngắm nhìn rờ mó đã đời mà không cần phải mua.
Mẹ tôi càng không phải là người khách hàng thích tính toán thiệt hơn, đi thẳng đến bảng giá, lắc đầu hoặc than phiền giá cả với người đi mua chung quanh. Mẹ tôi không có hứng thú về giá cả. Nói cho cùng, mẹ đâu có tiền để quyết định sự đắt rẻ. Mẹ thích đi phố, đóng vai người mua vì mẹ thấy thoải mái tự nhiên và muốn tìm hiểu về sản phẩm. Nhân viên bán hàng tiếp đãi mẹ một cách cực kỳ kiên nhẫn. Tỷ như, góp ý khi mẹ con tôi xem xét bộ vali bằng da, dẫn giải về chiếc tivi màn ảnh rộng hoặc chọn hộ tấm thảm Ðông Phương. Ði xem thảm không phải là điều nhẹ nhàng dễ chịu vì người bán hàng làm việc vô cùng cực nhọc. Họ phải ra sức kéo lê lết từng tấm thảm nặng nề vắt cao nghều nghệu cho khách xem. Nhìn họ đổ mồ hôi, thở hào hển, xiểng niểng bước chân dưới sức nặng của tấm thảm, tôi tưởng chừng khuôn mặt của họ muốn xơ ra như những sợi bố bện trên tấm thảm vô hồn kia. Khách hàng đôi lúc phải trơ trẽn làm mặt dầy, như mẹ con tôi chẳng hạn. Biết chắc một điều, mình chỉ đi xem đã đời, mà chẳng bao giờ mua.
Khi có thời trang mới về, mẹ tôi thử hết bộ áo này đến chiếc váy kia để tôi nhìn ngắm. Xưa kia mẹ tôi từng một thời làm người mẫu, cho nên mẹ biết cách đi đứng nhún nhảy, làm dáng trước tấm gương, biết bước tự nhiên, dừng lại bất chợt, nghiêng đôi vai, lắc nhẹ một bên hông, hoặc liếc ngang liếc dọc ra chiều có ai gọi tên mình. Khi mẹ nhìn tôi, tôi gật gù với nụ cười, cái nhún vai, hoặc khe khẽ lắc đầu. Tôi biết mẹ đẹp hoàn toàn trên mọi phương diện, nhưng trong vai trò một vị giám khảo tôi bắt buộc phải có chút khắt khe kỳ thị.
Khi chúng tôi đi xem nhà, mẹ thường mặc bồ đồ đầm màu xám. Phần mình, tôi mặc bộ đồ tây khá bảnh baọ. Chiếc áo len thêu hàng chữ "Vòng Tay Bác Ái" trước ngực, cổ hình chữ V, và thắt thêm chiếc nơ thật trịnh trọng. Mấy ngày qua chúng tôi xem các căn nhà trong khu đại học. Ba căn đầu tiên khá thích hợp cho mẹ con tôi, nhưng đến căn thứ tư thì thật tồi tệ. Người đàn bà cuối cùng sống trong căn nhà ấy bày bừa hoang tàn chẳng khác nào thú dại nơi hang động hoang sơ. Chủ nhà đã bỏ công dọn dẹp, nhưng chẳng vớt vát gì. Căn nhà xông lên mùi thịt thối rữa, dù cửa sổ đã mở toang và gió lồng lộng. Mọi nơi mọi phía đều nhớp nhúa. Chủ nhà tiết lộ rằng người đàn bà ấy bị khủng hoảng tinh thần sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Hắn đề nghị sơn lại căn nhà và lót thảm mới, nhưng lộ vẻ nản chí chẳng sốt sắng, đang thao thao bất tuyệt đột nhiên im bặt khi trông thấy vẻ thờ ơ nơi mẹ con tôi. Hắn tự hiểu cá không cắn câu, nên chẳng buồn để lại danh thiếp của mình. Còn vài căn nhà nữa nhưng mẹ tôi chừng đã mệt mỏi. Mẹ hỏi tôi muốn ra bến tàu hóng gió, đi về, hoặc dạo phố. Mẹ cố gắng tạo vẻ tự nhiên, nhưng tôi biết mẹ đang bực dọc. Tôi thật sự chưa muốn về nên gợi ý muốn tham quan khu đại học. Mẹ liếc ra đường.
- Ðằng nào mình đã đến đây, phải đi cho biết chứ!
Mẹ con tôi đi dọc hàng phong bên đường. Lá rụng bị gió cuốn thổi xoáy vào chân chúng tôi. Mẹ vòng tay ôm lấy người, cúi xuống đất.
- Phải sống có ý chí và niềm tin nghe con. Không vì bất kỳ điều tại bị nào cả.
Lời mẹ nói làm tôi khó chịu, nhưng tôi biết mình chẳng làm điều gì sai nên tôi yên lặng, không trả lời trả vốn. Mẹ bảo:
- Không cần biết chuyện gì xảy ra, con không được bỏ cuộc nửa chừng. Không được đổ cho hoàn cảnh. Con nghe mẹ nói hay không?
- Dạ.
Một nhóm người Hoa từ phía sau mẹ con tôi đi lên. Khoảng mười, mười hai người thanh niên nói chuyện thật sôi nổi. Khi qua mặt chúng tôi, họ còn cười nói ròn rã như nước chảy róc rách quanh hòn đá. Chúng tôi đi theo bọn họ đến đầu đường cái, và băng qua con lộ dẫn đến trường đại học. Mẹ con tôi lang thang qua từng khu lầu cho đến khi trời bắt đầu tối và gió thổi mạnh. Ðây là ngày đầu tiên trời trở lạnh từ hôm chúng tôi dọn về nơi này. Hôm nay tôi không chuẩn bị ăn mặc ấm, nhưng tôi không dám cho mẹ biết vì tôi chưa muốn về trong lúc này. Trước đến nay, tôi chưa hề đặt chân vào trường đại học, và tôi thật lòng muốn so sánh sự thật của nó với những ý nghĩ mà mình từng hình dung trong đầu. Những dẫy lầu cổ kính bằng đá, các lối đi có hình vòng cung và cửa sổ vòm cao. Thảm cỏ xanh mướt và các dây leo đã ngã sang màu đỏ. Trên dẫy lầu hướng tây, mặt trời le lói những chiếc lá tim tím lấp lánh khi gió thổi. Có tiếng reo hò từ sân vận động đưa sang. Tôi thầm nghĩ đến một cuộc đấu tài đấu sức đang diễn ra. Qua tiếng hò reo tôi phấn khởi nghe vô cùng thân thuộc. Thâm tâm tôi lưu luyến gắn bó nơi chốn này. Các sinh viên đi qua, tôi tưởng chừng họ nhìn tôi như một người anh em của họ trong 'Vòng Tay Bác Ái,' nếu không phải vì người đàn bà đang đi bên cạnh tôi, vì bàn tay quá đỗi nặng trĩu đang đặt trên vai tôi.
Mẹ tôi vô tình chẳng để ý. Có lẽ mẹ vui trở lại. Mặt mẹ ửng hồng vì gió lạnh và vì kỷ niệm của thời học ở Yale và Trinity tìm về. Ngày ấy mẹ thường được vé đi xem đấu bóng cà na từ người bạn gái có kép là cầu thủ. Mẹ cũng từng cặp bồ với một cầu thủ người Mỹ chính gốc, tại Yale, tên Dutch Diefenbacher. Mẹ nói qua giọng hờ hững.
- Anh ấy cầu hôn với mẹ.
- Ông ta thật sự ngỏ lời với mẹ sao?
- Hắn tặng mẹ một chiếc nhẫn mua từ cửa hàng của ông ngoại, nhưng mẹ không nhận. Mẹ còn bảo, tôi không thể lấy một người lớn tuổi như anh.
Mẹ tôi cười lớn sau câu nói. Tôi ngắt lời:
- Thật sự có chuyện ấy? Một người Mỹ trắng chính gốc, xuất thân từ Yale cầu hôn với mẹ và bị từ chối?
- Dĩ nhiên!
Sao mẹ không lấy ông ấy.
Chúng tôi dừng lại bên cạnh chiếc máy nước ngập đầy lá. Mẹ nhìn lom lom vào mặt nước.
- Mẹ không hiểu. Thuở ấy, mẹ quá trẻ và Dutch không phải là người nổi bật. Anh ta tử tế dễ thương, nhưng cù lần. Quá cù lần.
Mẹ thở dài, thốt lên như quát.
- Trời ơi, anh ta chán ngấy chịu sao nổi.
Tôi bảo:
- Nếu là con, thì con sẽ lấy ông ấy.
Thật sự trước đây tôi không hề biết điều này. Không thể tưởng tượng, một nữ sinh đua đòi như mẹ tôi mà có thể để vuột mất của tôi một người cha Mỹ trắng chính gốc, xuất thân từ Yale. Nếu không giờ này tôi đã giàu sụ, biết đâu còn có người ăn kẻ ở, và mọi việc sẽ hoàn toàn khác hẳn.
Mẹ con tôi đánh vòng quanh bùng binh và đi ngược trở lại. Khi ra đến đường mẹ hỏi tôi còn muốn xem thêm căn nhà nào nữa. Mẹ do dự:
- Dù sao đã đến đây...
Tôi thấy lạnh nhưng đã lỡ im lặng ngay phút đầu nếu bây giờ than van này nọ e kỳ. Mẹ chận hai cô gái lại hỏi thăm đường đi. Trong lúc họ chỉ dẫn mẹ, tôi cúi nhìn uyển sách đang chưng bày trong tiệm nhỏ ngay đó, vờ như mình chỉ vô tình đứng gần người đàn bà không quen thuộc đang lạc đường chẳng tìm được lối ra.
Buổi tối trời trong. Ánh sáng toả yếu và dần tắt. Mẹ con tôi đi qua vài con phố, đến dẫy nhà xưa cửa sổ còn sáng. Gió thổi sau lưng chúng tôi. Tôi bắt đầu run rẩy, nhưng dấu không cho mẹ biết. Lẽ ra tôi đã nói từ sớm, nhưng tôi ngu ngốc không chịu nói, cho nên bây giờ chỉ biết che đậy cái lạnh của mình bằng mọi cách. Chúng tôi dừng lại trước căn nhà tầng trên tối đen. Tôi ngập ngừng:
- Tối quá mẹ ơi.
- Tối gì tối, căn nhà mình xem ở tầng trệt mà, lo gì.
Mẹ tôi bước đến mái hiên trong khi tôi đứng chờ ngoài ngõ. Tôi nghe tiếng chuông và thấy cửa sổ lay động. Mẹ quay lại khi một cánh cửa hé mở và người đàn ông thò đầu ra ngoài. Bóng ông ta thật to choáng hết khung cửa. Mẹ tôi lúng túng:
- Xin lỗi, lẽ ra tôi nên gọi trước.
- Thưa bà cần chi?
Ông ta lộ vẻ khó chịu, nhưng khi mẹ tôi nhìn ông thì ông dịu giọng. Mẹ tôi nói về căn nhà. Mẹ khe khẽ.
- Có lẽ tôi đến hơi muộn.
Mẹ tôi phân trần vì mãi xem chung quanh trường nên quên cả giờ giấc. Mẹ nói và nói, nhưng vẫn đứng yên tại chỗ không nhúc nhích nửa bước, như khẳng định nếu chẳng xem được nhà thì chẳng chịu cáo lui. Tôi tự tin, bước đến. Người đàn ông nhìn chúng tôi qua chiếc gọng kính màu đen, giọng nói thoảng chút thân thiện.
- Dù sao bà đã đến đây, xin mời.
Vật đầu tiên đập vào mắt tôi là ngọn lửa. Tôi để ý đến mọi vật chung quanh như bàn ghế, tủ nẻo, tranh ảnh, nhưng thật ra cặp mắt cứ chỉa thẳng vào ánh lửa. Ngọn lửa đang reo vui trong lò sưởi. Có đứa con gái nằm sấp trước vùng ánh sáng lung linh, bàn chân trần giơ lên cao, lắc nhè nhẹ, một tay chống cằm. Cô bé đang đọc sách. Khi chúng tôi bước vào, cô cố đọc thêm một phần, đoạn chồm dậy chào khách rất lễ độ.
- Chào bác, chào anh!
Cô bé không hẳn là người đẹp. Ngược lại, to thô, mang đôi kính tương tự người đàn ông. Quan sát khách lạ, cô chớp mắt liên hồi. Tôi thấy dễ chịu với cô bé ngay lập tức, khác hẳn vẻ xe lạ hờ hững lúc tôi gặp con gái đẹp. Tôi cười tươi, tự nhiên:
- Chào em!
Tôi bước đến gần ngọn lửa và ngồi xuống đưa lưng vào, gập hai tay ra sau. Tiếng người đàn ông trả lời mẹ tôi:
- Vâng, căn nhà này đầy đủ tiện nghi lắm thưa bà.
Gian phòng thật rộng, to nhất so với những căn nhà tôi đã xem qua. Chắc mẹ con tôi chẳng có đủ khả năng để ở căn nhà này, nhưng tôi không màng quan tâm đến điều ấy.
- Ðể tôi gọi nhà tôi.
Người đàn ông bảo thế, nhưng vẫn ngồi y nguyên tại chỗ nhìn mẹ tôi. Mẹ mĩm cười với ông, rồi gật gù một mình như trầm tư mặc tưởng tính toán trong đầu.
- Căn nhà thật ấm cúng. Sao ông bà nỡ bỏ đi.
Ông ta không trả lời câu hỏi của mẹ tôi, đưa mắt nhìn đứa con gái đang nhặt vật gì dưới nền thảm.
- Chúng ta chuẩn bị cho một vài thay đổi, phải không nào cô bé?
Ðứa con gái gật đầu không đáp và chẳng nhìn lên. Người đàn bà từ phòng bên cạnh bước vào, tay cầm một khay bánh. Bà ta ốm và cao, với mái tóc muối tiêu cột đuôi ngựa. Trên mặt có rãnh nhăn sâu bên má chảy xuống hai khoé miệng. Bà hướng về phía chúng tôi, chậm rãi từng bước rất nhẹ, và đặt khay bánh trịnh trọng lên chiếc bàn con.
- Quý vị đến đúng lúc dùng bánh đặc biệt của giáo sư Avery.
Thoạt đầu tôi cứ tưởng bà ám chỉ công thức làm bánh, nhưng khi ông chồng vội vàng nhào đến, và vốc đầy một tay thì tôi chợt hiểu. Chẳng những ông là giáo sư Avery, mà bánh kia dành cho ông. Tôi e ngại khi thò tay lấy bánh, trong khi cô bé tự nhiên nhón hai ba chiếc. Khi ăn, người đàn bà thả tay ra sau giáo sư Avery và tựa vào người ông. Hình ảnh ấy gợi cho tôi quan hệ đầm ấm giữa chồng và vợ như màn kịch diễn thật xuất sắc trước khán giả và ngôi nhà ấm cúng này là nơi người ta âu yếm trìu mến nhau. Nhìn bà giáo sư trong niềm hạnh phúc thật đơn thuần tôi thật sự vui dùm bà. Mẹ tôi xin phép xem qua căn nhà.
- Nếu ông bà không ngại, tôi có thể xem chung quanh?
Giáo sư Avery ra dấu cho con gái đưa mẹ con tôi đi xem các căn phòng còn lại. Thêm những phòng to rộng, hai gian có lò sưởi. Sau một lúc chúng tôi trở lại phòng khách và cùng ngồi xuống quanh ngọn lửa. Giáo sư Avery và vợ ngồi trên chiếc trường kỷ, mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế ngựa đối diện với họ, cô bé và tôi nằm dài dưới nền nhà. Cô bé mở quyển sách, chân giơ lên cao đong đưa nhịp nhàng trong khoảng không. Mẹ tôi và bà giáo sư bàn bạc với nhau về căn nhà. Tôi đưa mắt chăm chú vào ngọn lửa. Tiếng động chung quanh hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi. Mẹ tôi kể cho bà giáo sư về chuyến tham quan khu đại học. Mẹ khen ngợi ngôi trường đẹp. Giáo sư Avery ngắt lời:
- Ðẹp? Theo bà, đẹp chỗ nào?
Mẹ tôi im lặng.
- Có lẽ bà muốn nói về các dẫy lầu, phòng ốc...
- Thưa vâng, trường lớp, khuôn viên. Nói chung, toàn bộ thiết kế...
Giáo sư Avery lên tiếng:
- Giả tạo như cảnh trong phim trường.
Bà vợ đỡ lời:
- Ý của giáo sư muốn nói, trường đã quá chú trọng đến hình thức bên ngoài.
Giáo sư Avery nói:
- Họ chỉ để tâm vào đó mà thôi.
Mẹ tôi nhỏ nhẹ:
- Ðiều ấy thì tôi không rõ, tôi không phải là chuyên gia về kiến trúc. Tôi chỉ có cái nhìn đơn giản, quang cảnh nơi đây thật đẹp
- Trông như các trường đại học khác mà thôi. Họ kinh doanh ngành giáo dục. Tất cả chỉ là sư giả dối từ đầu đến chân. Nổi tiếng một cách giả dối. Họ chỉ biết sơn phết bằng vật chất bên ngoài mà không chú tâm vào thực chất tinh thần.
Một phút trước đây giáo sư rất im lặng, nhưng khi bắt đầu mở miệng thì ông nói không ngừng. Và tôi chẳng muốn ông ngừng. Giọng ông nói làm tôi ngột ngạt, như khi đi xe mà bị ngồi phía sau trên đoạn đường dài thăm thẳm. Ðến lúc này, bà giáo sư đành lên tiếng phụ họa theo lời chồng phát biểu. cô bé trăn trở cạnh tôi. Cô ngáp dài và lật trang sách. Trong lò sưởi, củi vang tiếng nổ lách tách nho nhỏ, chẳng khác nào con chó già nua đang bẻ mình vươn vai.
Giáo sư hăng say diễn thuyết. Mẹ gọi tên tôi. Mẹ ngồi yên không thêm bớt tiếng nào nữa cả, chỉ khẽ gọi tên tôi. Giáo sư vẫn nói tuồng như chẳng nghe. Ông nghiêng người về phía trước, ngón tay nhịp nhàng đưa theo lời nói, đôi kính lắc lư theo chiếc đầu gật gù. Tôi nhìn mẹ mình ngồi bất động, khuôn mặt lạnh lùng không cảm giác. Ðó là thái độ chịu đựng của mẹ khi bị gài cứng ngắt trước người bán hàng dai dẳng, hoặc nhà truyền giáo kiên trì không chịu bỏ cuộc. Tôi biết mẹ muốn tháo lui. Nhưng tôi chưa muốn về và tôi cũng quên hẳn đấy không phải là nhà mình. Sự ấm cúng bên ánh lửa hồng tỏa ấm lòng tôi và giọng giáo sư đều đều ru ngủ trong cảnh êm đềm của một gia đình hạnh phúc. Tôi cố quên đi sự thật trước mắt. Họ đâu phải có máu mủ họ hàng với mình, và chẳng bao lâu nữa họ sẽ rời bỏ căn nhà và nơi chốn này. Song, tôi lại tô đậm vẽ hồng thêm thắt họ vào câu chuyện thêu dệt của mình, bất kể một điều rất vô lý là họ còn có cuộc đời riêng của họ.
Tôi hoàn toàn không hiểu việc gì đã xảy ra sau đó, vì tôi không còn gặp lại họ thêm lần nào nữa. Ðến bây giờ, sau nhiều năm trôi qua, tôi ngồi đây suy nghĩ vẩn vơ, giáo sư Avery bị từ chối quyền cư trú trong khuôn viên trường đại học. Ðây không phải là ngôi trường đầu tiên đối xử bất công với ông, cũng không hả(n là ngôi trường cuối cùng. Tôi hình dung sự tranh đấu của ông từ một trường kém phẩm vị này đến một trường khác. Qua mỗi lần bị từ chối, tinh thần chống đối và đời sống nội tâm của ông càng dâng cao. Ðồng nghiệp của ông, những con người có đầu óc hạn hẹp và trái tim không rộng mở chế nhạo ông là kẻ hay gây hấn, tạo sự phiền hà và nhàm chán. Họ ám chỉ dè bĩu sự thanh cao của ông, cho rằng để che đậy phần thiếu sót, yếu kém trong phạm vi chuyên môn của mình. Qua năm này tháng nọ ông cứ thuyên chuyển hết trường nọ sang trường kia. Bà giáo sư đành an ủi vết thương lòng của ông, cuộc sống nội tâm có chiều sâu của chồng mình bằng sự chung thủy tận tụy khó ngã gục của bà, và đương đầu với nỗi khổ tâm của chồng về cuộc sống vật chất ngày càng lấn lướt bằng các khay bánh ngày càng đầy và nhiều hơn. Bà tin tưởng ở chồng mình. Niềm tin của bà, trong bất cứ nguyên do nào cũng đều đáng được tuyên dương. Bà luôn nghĩ rằng niềm vui đơn thuần của mình, như người bạn cũ thân thiết, như cõi riêng bất khả xâm phạm, như cuộc sống đâm chồi bám rễ từ cộng đồng xã hội, tất cả đều là vật hy sinh không phải cho lẽ phải sự thật, cho điều cao cả mà cho phù du ảo mộng, cho ích kỷ và sự kiêu căng tự mãn. Lẽ tất nhiên, đâu phải người đàn bà nào cũng có thể sâu sắc thấu hiểu được những điều như thế.
Có thể nói, phần mất mát ấy thuộc về cô bé. Cô phải được tuyên dương anh hùng. Cô đâu có quyền lựa chọn nguồn gốc của mình, làm con của họ. Chẳng bao lâu, cô sẽ hiểu rõ những điều bất như ý trong đời mình. Tất cả đều bắt nguồn từ thất bại của cha mẹ. Ai có thể hiểu điều thua thiệt cay đắng ấy rõ ràng hơn cô bé? Bối cảnh còn đây. Giáo sư Avery bị lên án về con người quá thật của ông, bà giáo sư bị lên án về con người tế nhị điềm đạm của bà. Chuyến thăm nhà từ Barnard hoặc Reed, hoặc bất cứ nơi nào học bổng đưa đẩy cô bé, từ thành phố xa xôi nơi cô làm việc. Tất cả diễn ra như màn kịch có tuồng tích lớp lang. Lời giận dữ thầm thì to nhỏ trong gian bếp, tiếng la mắng bên bàn ăn, hoặc cuộc khởi hành trong sương sớm. Tất cả lập đi lập lại nhiều năm, và chắc chắn chẳng phải là điều vĩnh viễn. Cô bé cố tạo sự bình yên bên cha mẹ. Thậm chí cô còn mang niềm vui thay thế lòng bất mãn oán hận của mình, bao chuyến dời đổi không ngừng, cuộc sống lặng câm của cha mẹ, và bản chất độc lập khác người của họ trong một xã hội mập mờ đầy khó hiểu. Cô chẳng thể làm gì khác hơn là yêu thương cha mẹ mình. Ai có thể yêu mến họ hơn cô bé\?
Bằng cách này hay cách khác, tôi đã lồng họ vào nhân vật trong câu chuyện của mình, mặc dù chẳng biết rõ họ là ai. Chỉ biết, ngay đêm ấy tôi mơ màng tưởng tượng mình là một phần tử của gia đình họ, khi chúng tôi chỉ là những người hoàn toàn xa lạ. Trải qua bốn mươi lăm phút vỏn vẹn trong ngôi nhà ấy, vừa đủ cho tôi thấy ấm áp cõi lòng và quên hết mọi sự trên đời.
Mẹ gọi tên tôi một lần nữa, nhưng tôi vẫn không nhúc nhích cục cựa. Thông thường, chẳng cần mẹ kêu réo, tôi đã chuẩn bị khi biết mẹ muốn ra về, chẳng phải vì tôi ngoan ngoãn vâng lời. Chỉ vì tôi khoan khoái mang đôi chút hãnh diện khi muốn chứng tỏ mình có nề nếp. Nhưng lần này, nghe tiếng mẹ gọi tôi chỉ đưa mắt nhăn nhó. Thấy tôi ngồi lỳ, mẹ từ từ đứng dậy. Tôi đọc được sự ngạc nhiên trong mắt mẹ. Mọi người đứng lên theo mẹ, ngoại trừ tôi. Khi mẹ ra gần đến cửa, tôi mới vội vàng bật dậy ấp úng chào từ giã trong họng, và chạy theo. Giáo sư Avery tiễn mẹ con tôi ra tận bên ngoài. Mẹ ngập ngừng.
- Ðến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đây là một ngôi trường tuyệt đẹp.
Ông cười thật lớn. Chẳng hiểu vì hoan hỉ hay chua chát.
- Cho là thế. Ðẹp với nó thôi chứ đẹp với ai.
Ông chờ mẹ con tôi ra đến đầu ngõ mới quay trở vào tắt đèn, đóng cửa. Tôi nghe tiếng cửa đóng sầm sau lưng. Mẹ tròn mắt.
- Thế là sao?
Tôi nhún vai chẳng trả lời.
- Con có sao không?
- Không sao cả mẹ ơi,... chỉ lạnh tí mà thôi.
- Lạnh? Sao suốt buổi ngậm câm không nói?
Mẹ cởi áo khoác đưa qua tôi.
- Nè!
- Con không sao mà...
- Mặc vào!
- Thật mà, con không sao hết.
- Mặc vào, đồ ngốc!
Tôi khoác chiếc áo. Hai mẹ con đi một đoạn, tôi bảo:
- Dị quá mẹ.
- Rồi sao? ai cười?
- Con thấy kỳ.
- Biết kỳ hở? Cả buổi tối mi dở dở ương ương.
- Con không mặc lên xe đâu nhé.
- Ai bảo mi mặc lên xe?
Tôi kéo cổ áo lên cao, và so vai.
- Còn lạnh hở?
- Tí ti.
Tôi rùn mình, lạnh như chưa bao giờ biết lạnh, và đổ lỗi cho mẹ đã bắt tôi rời ngọn lửa hồng. Tôi hiểu không phải do lỗi của mẹ, nhưng tôi muốn đổ cho mẹ, cho ngọn gió thổi lên mặt tôi rát buốt và cho mọi điều không tên tuổi lẽ ra đừng nên xảy đến.
- Sang đây, con!
Tôi nhích ra xa, mẹ kéo tôi đến gần, và chà xát bàn tay của mẹ lên cánh tay tôi. Tôi né ra ngoài, nhưng mẹ giữ tôi lại, và tiếp tục vuốt tay tôi. Tôi thấy dễ chịu. Mẹ chợt hỏi:
- Nè con! con nghĩ sao về ngôi trường này? thành thật nhé.
- Con thích nơi này.
- Mẹ nghĩ... ngôi trường rất khá.
- Con cũng vậy.
Mẹ tôi lẩm bẩm.
- Lão kiêu căng, như mắng vào mặt người ta.
Giờ tôi đã có lò sưởi riêng cho mình. Nơi tôi ở, mùa đông thật dài và thật lạnh. Gió thổi bần bật, giạt tuyết qua hai bên lối đi. Căn nhà trở mình kêu kèn kẹt, cửa sổ đóng đầy sương và đá. Sau bửa ăn tối, tôi chất củi nhóm lò. Các con tôi nôn nóng chờ đợi. Sau đó chúng ngồi ngắm ngọn lửa bằng đôi mắt tôn sùng chiêm ngưỡng. Nhà tôi bước vào trìu mến nhìn ánh lửa hồng. Nàng cầm quyển sách và nằm xuống chiếc ghế dài, nhưng chẳng đọc. Tôi cũng thế, quyển sách nằm chơ vơ bên cạnh tôi. Tôi ngắm ngọn lửa, ngắm ánh sáng lung linh thay đổi trên từng gương mặt thân yêu của mình. Tôi khoan khoái trong sự đầm ấm ngọt ngào của gia đình. Tuy nhiên sâu xa trong tâm hồn, tôi nghe vướng víu thoáng lo âu, sợ niềm hạnh phúc này sẽ tan biến, như có tiếng gọi từ đâu bất ngờ đánh thức cơn mơ choàng dậy.

Xem Tiếp: ----