Nếu người đàn bà sinh ra chỉ để làm bạn với bếp núc, thì cái câu “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” chẳng là vô nghĩa lắm?
Không, giang san đôi gánh nặng, trách nhiệm gái trai chung, nếu tài lực và tâm đức cho phép thì đối với nhân quần xã hội, người đàn bà cũng phải có một phần nhiệm vụ như người đàn ông vậy.
Và nếu quốc gia, xã hội mà đòi hỏi, thì người đàn bà cũng phải vứt chỉ kim mà đứng dậy, đạp gai góc để lên đường.
Trong lịch sử nước nhà, hai bà Trưng, một bà Triệu, há không là tấm gương sáng nghìn thu cho nữ nhi ta đấy ư?
Sống dưới bàn tay sắt của thực dân Pháp trên 80 năm, người dân ta đã chịu đựng biết bao nỗi tủi nhục đau thương, và qua đấu tranh mà trên hoang đảo, giữa Côn Sơn, đã có biết bao nhà ái quốc sống trong cảnh lao tù đày đọa. Hơn thế nữa, đã có biết bao người khẳng khái bước lên đoạn đầu đài, đem xương máu mà đền ơn sông núi.
Chính khí không tiêu ma, hồn dân tộc vẫn luôn luôn âm thầm ngấm cháy, và trong đám chí sĩ, nhân dân ấy, người ta vẫn thấy có bóng hồng thấp thoáng vào ra.
Hai chị em cô Bắc, cô Giang há không là hình ảnh của hai chị em bà Trưng đấy ư?
Nhưng trong bóng tối dễ chi đã hết người trung ái, đầy bầu máu nóng thương nước, thương dân.
Cô Lệ Hằng, nhân vật chính của Bóng Người Xưa, là điển hình của loại nhân vật cao thượng ấy trong thời Pháp thuộc. Là một cô gái có sắc, có tài, lại có lòng yêu nước, cô phải làm thế nào để thực hành chí nguyện của cô?
Thế là cô tham gia vào một đảng chống Pháp và lãnh nhiệm vụ kinh tài. Chồng cô, Anh Kiệt, một tư sản chỉ biết có tiền; cô, một nhà ái quốc chỉ biết có Đảng của cô, thì tất nhiên cô phải đem hương sắc của mình trao cho Anh Kiệt, vì lấy đồng tiền của Anh Kiệt trao cho Đảng.
Sự hi sinh của cô đáng quí đáng mến, mà cách hành động của cô lại cũng đáng ghi đáng chép. Nhưng Anh Kiệt tuy chỉ là người làm tiền, với cô lại là người chồng chung thủy. Bên tình, bên nghĩa, cô phải làm sao? Và làm sao trong tình thế ấy, người bạn trăm năm của cô khỏi phải vì cô mà mang họa?
Trăm năm ân ái, không một tiếng giã từ, để bốn mặt phong ba khỏi phải liên lụy đến người bên gối, chước “kim thiền thoát xác” đã giúp cô trọn vẹn một gánh nghĩa tình.
Nhưng cốt chuyện đáng quý ấy không phải đến đây là dứt. Ta thấy cái cao quý của người đàn bà Việt Nam ở nhân cách cô Thúy Ái, một nhân vật chính khác.
Về sống bên chồng giữa một không khí không chút thuận lợi, thế mà ngày một ngày hai, với cử chỉ đoan trang mà điềm đạm, với đức độ bao dung mà khiêm tốn, cô đã chinh phục được tất cả người quanh cô.
Và cái đáng quý nhất là một khi biết được hành tung và tâm chí của Lệ Hằng, cô tình nguyện đóng vai tiếp tế mà không một chút ghen tuông, ganh tị.
Hơn thế nữa, cô còn tự vận dụng tài sức của mình để làm ra của, chứ không khoanh tay ngồi dùng của sẵn của chồng. Một tấm gương hoạt động cho các bà chủ gia đình ở chốn gác tía lầu son.
Giờ đây, nước nhà đã độc lập, công cuộc kiến thiết bắt đầu, người như cô Lệ Hằng cần phải ra mặt góp sức với nhân dân, và người như Thúy Ái phải trở thành một gương mẫu chung cho cả thế hệ.
Đó là điều tác giả hằng mong mỏi.
T. L (1956)
Chương 1
Thúy Ái chăm chú đọc báo. Cả tuần lễ nay, ngày nào nàng cũng bỏ tiền ra mua một tờ báo, mặc dù túi tiền nàng đã gần cạn và nàng cũng không thích đọc báo mấy.
Nàng chỉ cốt đọc ở chỗ rao tìm người với hy vọng họa may tìm được chỗ làm chăng.
Thúy Ái mồ côi cha mẹ từ lúc bé, được một bà cô nuôi cho đi học. Nhưng Thúy Ái cũng khổ sở lắm mới học đến bậc trung học.
Buổi sáng, Thúy Ái đi chợ về nấu ăn, đến chiều mới được cắp sách đến trường và tối lại thì phải giặt áo quần, ủi đồ đạc. Đến khuya, Thúy Ái mới học bài được.
Thúy Ái cực nhọc nhưng được học, nàng vẫn cho mình là sung sướng hơn các bạn. Bạn bè của nàng nhiều người còn đủ mẹ cha, thế mà vì cảnh nghèo cũng không sao được như nàng.
Cô của Thúy Ái là một người đàn bà không chồng, tánh tình hết sức khó, ở vừa lòng bà cô không phải là việc dễ. Không ngày nào Thúy Ái không nghe cô la rầy việc này, chê bai việc nọ. Trong nhà chỉ có hai cô cháu mà vẫn cứ ồn ào, cũng lại tánh hay nói, mà lại nói dai, của bà Lợi, cô nàng.
Bà Lợi lấy việc nuôi cháu làm một cái ơn lớn, cho nên gặp ai quen biết đến thăm, bà cũng khoe:
- Đó, các chị xem tôi nghèo như thế này mà tôi vẫn phải nuôi nó. Bên phía ngoại của nó thiếu gì người giàu mà có ai nghĩ đến nó đâu.
Những lúc nghe bà Lợi nói như thế, Thúy Ái buồn lắm. Sự thật bên ngoại của nàng chẳng còn ai cả.
Bà Lợi đem Thúy Ái về nuôi thì bà bớt ngay đứa ở giúp việc. Thúy Ái còn nhớ rõ lúc về ở với cô, nàng mới có tám tuổi, thế mà không có việc gì nàng không làm. Quét nhà, xách nước và đi chợ. Cực nhọc suốt ngày thế mà Thúy Ái vẫn chăm chú học hành, trong lớp nàng vẫn được sắp vào hàng giỏi.
Đến lúc Thúy Ái được mười sáu tuổi, cái tuổi mà bạn bè đã lo chưng diện, lo làm tốt, thì Thúy Ái vẫn áo vải, quần vải, đầu tóc rối bù và mặt mày lem luốc.
Chỉ những lúc đi học, Thúy Ái vì sợ cô giáo quở mới chải qua mái tóc và rửa mặt sạch sẽ.
Nhiều lúc vừa rửa chén xong, Thúy Ái vội vàng ôm cặp chạy đến trường cho khỏi trễ. Vào sân trường, thấy nàng đầu tóc rối, các bạn xúm lại, người chải đầu kẻ kẹp tóc cho nàng.
Một vài bạn nói:
- Thúy Ái, mày làm gì mà tanh ói vậy? Đi ra rửa tay đi, lát nữa vào lớp cô phạt chết.
Thúy Ái vội vã chạy ra chỗ máy nước và chà rửa đôi bàn tay còn rịn mỡ.
Nhiều bạn thấy Thúy Ái như thế hết sức thương hại, nên hễ có cái lược, cây kẹp dư là cho Thúy Ái.
Nhưng nhiều bạn lại khinh khi nàng nghèo, ganh ghét nàng học giỏi.
Đừng nói bạn bè, đến các cô giáo, thấy bề ngoài lôi thôi của Thúy Ái, không có cảm tình với nàng chút nào…
Chống trả với bao nhiêu cam khổ về vật chất lẫn tinh thần, thế mà Thúy Ái năm nay đã đậu được bằng Trung học phồ thông và định tìm một việc làm để khỏi phải nhờ vả vào người cô nữa. Thúy Ái còn nuôi mộng là làm có tiền sẽ giúp đợ bà Lợi.
Nhưng đời có lắm chuyện éo le khó hiểu. Bà Lợi ở vậy không chồng đến nay đã ngoài bốn mươi tuổi, ai cũng tưởng bà không còn nuôi mộng lập gia đình nữa.
Thế mà vừa rồi bà bỗng gặp lại Võ, một người bạn trai, quen với bà từ lúc còn thơ ấu, rồi cái ý lập gia đình và mối tình già bỗng sống lại trong lòng bà. Bà thu xếp đi theo ông Võ, vì ông này làm ăn ở một tỉnh vùng Cao Nguyên.
Trước khi đi lấy chồng, bà vui vẻ nói với Thúy Ái:
- May quá, cháu đã đậu được bằng này bằng nọ với người ta rồi, nếu không, đi xa, cô cũng ân hận. Cháu có định đi xin việc làm chưa? Cái nhà này giờ đây cô sẽ phải trả lại cho người ta.
Nghe cô nói, Thúy Ái cảm thấy từ nay nàng phải lăn lộn với đời, không chỗ nương tựa. Nhưng lòng Thúy Ái vẫn vững vàng vì tin vào mảnh bằng cấp cỏn con kia để mưa lấy cái sống.
Bà Lợi gửi Thúy Ái ở nhà một người bạn và cho nàng một số tiền nhỏ… Oâng Võ thấy Thúy Ái sắp sửa đi làm mà không có một bộ đồ nên thân, liền bỏ một số tiền cho Thúy Ái may sắm vài bộ đồ.
Thế rồi bà Lợi theo ông Võ phiêu lưu trên vùng Cao Nguyên với một mối tình già mà mới.
Thúy Ái đi kiếm việc làm…
Suốt tuần nay, mặc dù không tiền, Thúy Ái cũng phải bỏ tiền ra mua báo hằng ngày để xem có ai cần dùng người làm không…
Hôm nay, cũng như mỗi ngày, Thúy Ái chỉ thấy đăng tên các người tìm việc, nào tú tài tìm chỗ dạy tư, nào sinh viên tìm chỗ dạy thêm… Không có hãng nào cần dùng người cả.
Thúy Ái lắc đầu tỏ vẻ thất vọng.
Từ nhỏ ở với cô, tuy không có lấy một ngày sung sướng, nhưng cuộc sống được no đủ ngày hai buổi, chỗ ở cũng tử tế. Nay mới dọn lại ở với người hàng xóm, chỗ ngủ chỉ là một chiếc ghế bố kê bên mái nhà trên, Thúy Ái không được yên lòng vì nhà bà hàng xóm lại là nhà nuôi cơm tháng, kẻ ra người vô rộn rịp.
Cũng may vì Thúy Ái tuy là một thiếu nữ xuân xanh đương thì nhưng thiếu ăn, thiếu mặc, không biết trang điểm, nên không có gì đáng cho ai chú ý. Nhờ thế mà Thúy Ái cũng tạm yên.
Ngồi trên ghế đá ở công viên, Thúy Ái đưa mắt nhìn những kẻ qua lại. Người nào cũng có vẻ thảnh thơi sung sướng, hình như họ không có việc gì lo nghĩ cả… Các cặp thanh niên nam nữ thì nói cười không ngớt, họ có bao giờ để ý đến Thúy Ái, một thiếu nữ thất nghiệp, mồ côi, đang khao khát tìm một chỗ làm để yên thân…
Thấy các cô vú em trẻ tuổi nhí nhảnh nói cười, Thúy Ái bỗng có ý so sánh cuộc đời nàng với họ. Thì ra mảnh bằng cấp mà nàng đậu được với bao công lao khó nhọc, không đem đến cho nàng sự no ấm cơm áo. Một ý nghĩ vút ra trong đầu óc Thúy Ái:
- Hay là ta xin vào giữ con cho các gia đình giàu có?
Vừa có ý nghĩ ấy, nàng lại giật mình tự nhủ:
- Từ hồi nào ta có quen với cái nghề ấy đâu. Làm sao mà được…
Thúy Ái lại đưa mắt nhìn các thiếu nữ giữ em đang ngồi thêu, may trên các chiếc ghế, thỉnh thoảng ngừng tay lại nhìn lũ trẻ đang chơi với sỏi, với cát ở công viên.
Thúy Ái thấy công việc họ cũng không có gì nặng nhọc. Một người chỉ giữ một đứa trẻ, công việc ấy thảnh thơi lắm.
Thúy Ái rụt rè đứng lên, đi lại ngồi gần một chị đã hơi lớn tuổi. Do dự một hồi, Thúy Ái mới hỏi được:
- Chị giữ em mỗi tháng được bao nhiêu tiền, chị?
Người đàn bà ấy nhìn Thúy Ái, và qua cặp mắt của chị, có lẽ chị tưởng Thúy Ái cũng hạng người như mình, nên hỏi:
- Chị ở tỉnh lên định tìm việc làm phải không?
Thúy Ái gật đầu. Chị ấy liền nói:
- Giữ em cho giỏi, nghĩa là biết nuôi sữa bò, biết săn sóc em, thì cao tay lắm mỗi tháng được bảy trăm đồng. Còn giữ em lớn thì độ năm trăm là nhiều…
Thúy Ái thật thà:
- Cơm áo của chủ phải không chị?
- Cơm của chủ, chớ áo quần thì mình may lấy mà mặc. Chủ có cho quần áo cũ thì mình lại mất công sửa, chớ lợi lộc bao nhiêu. Bộ định tìm chỗ giữ em phải không? Bây giờ tìm việc cũng khó lắm, chủ người ta sợ các người giúp việc rồi.
Thúy Ái không hiểu mới hỏi:
- Tại sao họ sợ hả chị?
- Chớ không nghe những chuyện người giúp việc ăn cắp đồ của chủ rồi trốn đi đó sao? Vì vậy, muốn tìm một chỗ giữ em, phải có người quen biết tiến dẫn, hoặc bà con quen thuộc bảo lãnh.
Thúy Ái thở dài nói:
- Vậy à?
Người đàn bà nọ càng tin chắc Thúy Ái đang tìm chỗ giữ em và lại không quen với ai cả, nên mới tìm đến làm quen với chị. Chị liền nói với Thúy Ái:
- Chị muốn tìm chỗ giữ em à? Đã làm đâu chưa?
Thúy Ái đáp:
- Chưa làm đâu cả, mà tôi cũng không quen với ai. Chị xem bộ tôi có thể giữ em được không?
Người đàn bà ấy nhìn Thúy Ái rồi nói có vẻ thành thật:
- Chị hiền lành quá, có lẽ người nào cần giữ em cũng bằng lòng mướn.
Thúy Ái mỉm cười chua chát. Có lẽ nàng đang nghĩ với sức học của nàng mà đi giữ em thì cũng hoài công ăn học thật đấy, nhưng chưa tìm ra đâu một chân thơ ký thì đi giữ em đỡ cũng chả sao. Huống nữa, Thúy Ái không muốn ở cái nhà trọ ấy nữa. Lôi thôi và không ngăn nắp gì, chỗ ở như thế có thể đưa nàng vào con đường hư hỏng.
Thúy Ái lại vơ vẩn nghĩ đến các bạn tốt số hơn nàng. Nhiều người sức học kém hơn nàng, thế mà nhờ người này, người nọ có thế lực, mà nay nghiễm nhiên có chỗ làm rất tốt.
Ơû đời chỉ có vây cánh là được. Giờ đây Thúy Ái thử đóng một vai phụ xem sao… Khi mình chưa có tài, khi thiên hạ chưa biết tài của mình, mình phải đóng tạm một vai phụ trên sân khấu đời chớ sao? Đợi ngày mai sáng lạnh, mình sẽ bước lên một địa vị cao hơn, khi ấy tha hồ mà múa nhảy, mà thi thố tài năng, mà làm việc ích nước lợi dân.
Nghĩ thế, Thúy Ái thấy lòng bớt chua chát, và vui vẻ nói với chị đàn bà nọ:
- Chị Hai à, chị nhắm có chỗ nào thiếu người, chị chỉ giùm em một chỗ giữ em hay làm bồi, chị nhé. Em không bao giờ dám quên ơn chị.
Trong lúc Thúy Ái năn nỉ chị đàn bà nọ, thì một người giữ em khác ở đằng chiếc ghế kia, vội vã đi lại và hỏi:
- Việc gì thế chị Hai?
Thúy Ái cười vì nàng cũng vừa gọi người đàn bà nọ bằng chị Hai… Nàng không biết tên mà vẫn gọi được đúng.
Chị Hai nói:
- Chị này ở dưới tỉnh mới lên, đang tìm một chỗ giữ em, chị Sáu ạ. Chị có quen ai thì chỉ giùm.
Thúy Ái khiêm nhượng nói:
- Chị Hai cứ gọi em bằng em Ba đi, em còn nhỏ, đáng là em của hai chị cả mà.
Chị Sáu nói:
- Được, để chị chỉ cho em một chỗ hết sức tử tế. Nhưng được chỗ làm đừng quên ơn chị nhé.
Thúy Ái vui mừng nói:
- Không bao giờ em quên ơn hai chị đâu.
Chị Hai cười hỏi:
- Đãi mỗi người mấy tô mì nhé?
Thúy Ái cười:
- Mấy tô cũng được.
Chị Sáu phanh phui:
- Chị Hai à, cái mụ Năm thế kia mà xấu ghê. Hôm trước đưa con bé vào làm cho bà kỹ sư, mỗi tháng sáu trăm, tháng đầu chị ta ăn mất lương của con nhỏ.
- Tiền nước mà! Thiên hạ người ta ai mà chả ăn tiền đầu như thế. Chỉ bọn mình, cứ làm công không, nhưng ở đời giúp đỡ nhau bước đầu mới quí…
Chị Sáu nói với Thúy Ái:
- Bà bác sĩ ở gần chị đang cần người làm việc lặt vặt trong nhà. Bà ấy hết sức tử tế nhưng lại hết sức kỹ lưỡng. Người nào làm với bà mà tính nết lôi thôi, bà không mướn. Ơû với bà có phòng riêng ngủ và đi đâu phải xin phép. Bà chỉ có hai cô con gái đã lớn nhưng còn đi học…
Thúy Ái hỏi:
- Bà ấy làm bác sĩ hay chồng là bác sĩ?
Chị Sáu cười:
- Chồng bà làm bác sĩ chớ. Đàn bà được mấy người làm bác sĩ.
Thúy Ái cãi:
- Nhiều lắm chớ. Cả mười mấy bà bác sĩ ở đây, chị không biết sao… Đàn bà đời bây giờ học cũng giỏi lắm.
Chị Hai nói:
- Phận mình giữ em chỉ biết việc giữ em, ai học giỏi họ nhờ.
Thúy Ái ngao ngán: “Họ hẹp hòi đến thế à!”. Chưa chi mà họ đã quơ Thúy Ái vào bọn với họ. Thúy Ái liền nói:
- Chị em học giỏi, mình cũng được thơm lây.
Chị Hai và chị Sáu hình như còn hoài nghi về câu nói của Thúy Ái.
Chị Sáu nói:
- Thôi, chúng mình về sớm một tí nhé, tôi đưa em Ba đây vào giới thiệu với bà bác sĩ Công…
Thúy Ái đứng lên hỏi:
- Chị Hai cùng về không?
Chị Hai ngáp một cái và nói:
- Ừ, cùng về cho vui, về dỗ em ngủ rồi còn phải giặt đồ cho em nữa.
Thúy Ái theo hai người ra khỏi công viên Tao Đàn… Đi một lát đến một biệt thự trên đường Nguyễn Du, chị Sáu ngừng lại nói:
- Thôi chị Hai về trước nhé! Tôi vào đây… May quá, bà bác sĩ kia rồi.
Chị Sáu gọi Thúy Ái, mặc dù Thúy Ái đang đi sát sau lưng chị:
- Mau lên em.
Bà bác sĩ đang đứng ngắm đàn gà tây, thấy chị Sáu liền hỏi:
- Chị Sáu, chị đi chơi?
Chị Sáu lanh miệng:
- Tôi đưa người đến giúp việc cho bà.
Mặt bà bác sĩ tươi lên, bà nói:
- Thế à?
Rồi nhìn Thúy Ái, bà bác sĩ hỏi:
- Em này phải không?
Thúy Ái ngượng nghịu đáp:
- Dạ.
Bà bác sĩ quả thật là con người dễ gây thiện cảm. Bà nhìn Thúy Ái, rồi nói:
- Chắc từ hồi nào đến giờ em chưa đi làm với ai?
Thúy Ái nói:
- Dạ, em chưa đi làm với ai cả. Em vừa nghỉ học…
Thúy Ái nói lỡ câu ấy xong, nàng giật mình. May sao bà bác sĩ lại không nghe.
Bà bác sĩ nói:
- Công việc ở đây cũng không có gì… Chỉ dọn dẹp sao cho sạch sẽ, coi sóc quần áo cho hai cô con qua, và may chút ít. Em biết may, thêu thùa gì không?
Thúy Ái đáp:
- Dạ, em biết thêu, may và đan nhưng không đẹp lắm.
Bà bác sĩ nói:
- Thế thì tốt. Em muốn mỗi tháng bao nhiêu?
Thúy Ái thấy bà bác sĩ ăn nói dễ thương nên nói:
- Bà gọi cháu bằng con… Cháu cũng đáng tuổi con bà. Bà muốn cho bao nhiêu cũng được.
Bà bác sĩ hết sức bằng lòng, bảo:
- Con ở đây, bà cho con mỗi tháng sáu trăm đồng.
Chị Sáu chen vào:
- Ơû đây thì khỏi lo áo quần, đồ cũ của các cô đây bận không hết.
Bà bác sĩ ngắm Thúy Ái rồi nói:
- Con nhỏ này vóc vạc bằng con Kim Chi của tôi. Con Ngọc Diệp thì hơn…
Bà xoay lại chị Sáu:
- Cám ơn chị nhé! Vài bữa chị lại đây tôi thưởng chị.
Chị Sáu cảm ơn rồi cúi chào đi ra. Bà bác sĩ xoay lại Thúy Ái:
- Con tên gì?
- Dạ, con tên Ba.
- Con về lấy đồ rồi sang đây ngay con nhé! Hôm nay tốt ngày lắm, đừng để ngày mai không nên. Aø, con ở gần đây không?
Bà thấy Thúy Ái cầm tờ báo, liền hỏi:
- Con biết chữ à?
- Dạ! Con mua báo đọc để tìm chỗ làm…
- Bà thiếu người chớ bà không dám rao lên báo đâu. Rao lên báo rồi người ta kéo lại đông, người nào cũng quá lanh lẹ, bà không dám dùng. Thôi, con về lấy đồ. Con ráng làm cho thật thà, để nhờ cậy về sau.
Thúy Ái dạ, rồi cáo từ lui ra.
Chiều hôm ấy, Thúy Ái xách một cái giỏ nhỏ, đi làm cho bà bác sĩ.
Thấy Thúy Ái lại, bà hết sức vui mừng, gọi con:
- Kim Chi ơi! Con ra đưa con Ba và chỉ phòng cho nó, con nhé.
Một thiếu nữ mặc đồ bà ba trắng chạy ra, nhoẻn miệng cười với Thúy Ái rồi bảo:
- Đi theo tôi.
Thúy Ái đi theo Kim Chi, trong lòng hết sức vui vẻ. Nàng không ngờ ái nữ của một bà bác sĩ mà lại ăn mặc giản dị như thế, chỉ một bộ đồ bà ba vải, chân đi đôi dép Nhật, tóc để dài không uốn, mặt mày không son phấn.
Kim Chi lại vui vẻ hỏi:
- Chị mới đến làm? Chị tên là Ba phải không?
Thúy Ái mỉm cười:
- Dạ, em là Ba.
- Chị mấy tuổi?
- Em mười tám tuổi.
- Thế chị bằng tuổi tôi.
- Cô gọi em bằng em, đừng gọi bằng chị.
Kim Chi làm thinh một lát rồi nói:
- Bằng tuổi nhau thì gọi bằng chị, gọi bằng em, mẹ rầy, chị ạ. Chị Ngọc Diệp gọi chị bằng em được. Chị Ngọc Diệp lớn hơn chị ba tuổi.
Kim Chi chỉ căn phòng phía sau cho Ba – từ nay chúng tôi tạm gọi Thúy Ái bằng Ba vậy – và nói:
- Phòng chị ở giữa, tuy không mát mẻ bằng phòng ngoài, nhưng được yên ổn, mẹ tôi bảo thế, cho nên bắt chị bếp phải dọn ra ngoài, nhường căn này cho chị, căn trong của chị giặt đồ.
- Đến ba người ở sao cô?
Ba người. Khi trưa này mẹ bảo chị còn nhỏ, phải để chị ở phòng giữa cho kín đáo. Phòng ngoài gần gara ồn ào… vả lại phía ấy có anh tài xế.
Ba thầm cám ơn bà bác sĩ đã lo cho nàng một cách chu đáo. Ba thấy mình đang được một nơi yên ổn để nhờ tấm thân qua những ngày mưa gió. Có lẽ nàng không đến nỗi tủi nhục vì cảnh đi ở đợ.
Kim Chi chỉ một cái tủ nhỏ đã cũ và nói:
- Chị sắp đồ vào đây rồi đi tắm rửa cho sạch sẽ. Hôm nay chị chỉ đến cho được ngày tốt, chớ mẹ tôi bảo để chị nghỉ…
Nói xong, Kim Chi đi ra, để cho Thúy Ái sắp đặt trong phòng. Bản tánh sạch sẽ, Thúy Ái thay áo, đi mượn thùng nước và lau chùi gian phòng, tủ giường. Đâu đó sạch sẽ, Thúy Ái sắp đặt lại cho vừa ý rồi đi tắm, và ra trình diện với mọi người trong nhà.
Ngọc Diệp nhìn Thúy Ái rồi nói với mẹ:
- Trông Ba có vẻ một nữ sinh hơn là một đứa ở.
Kim Chi nói:
- Em cũng nghĩ như vậy. Chị bước vào gian phòng Ba mà xem. Chị ấy dọn dẹp mỹ thuật lắm. Em thấy như chị ấy có mang theo một chồng tập và sách nữa.
Bà bác sĩ nghe thế, hỏi:
- Thế à? Hay trước kia nó cũng là con nhà khá giả, bây giờ nghèo phải đi làm mướn?
Ba mẹ con đang nói chuyện thì một chiếc xe hơi chầm chậm chạy vào nhà.
Ngọc Diệp nói lớn:
- Ba đã về kìa…
Thúy Ái nghe nói, chạy lại đứng bên bà bác sĩ.
Oâng bác sĩ thấy Thúy Ái lạ liền hỏi:
- Cháu nào đây?
Bà bác sĩ giới thiệu:
- Đây là con Ba, mới đến xin làm thế cho con Phụng ngày trước.
Oâng bác sĩ vui vẻ nói:
- Ráng làm cho giỏi nghe con.
Ba cúi đầu vâng dạ…
Từ nay, Thúy Ái đã là người giúp việc đắc lực của bà bác sĩ.
Thúy Ái dọn dẹp đâu đó gọn gàng, sạch sẽ. Thúy Ái thêu bao gối, may màn cửa, vá áo quần. Mỗi việc của Thúy Ái làm đều tươm tất, bà bác sĩ hết sức vừa lòng. Thúy Ái sắp đặt lại hai tủ áo quần của Ngọc Diệp, Kim Chi, cái nào cũ để ra cũ, mới để ra mới. Ngọc Diệp và Kim Chi đã xem Thúy Ái như một đứa em, một người bạn.
Ngoài những giờ làm công việc của nàng, Thúy Ái lại còn giúp chị bếp giặt đồ để gây cảm tình.
Đến anh tài xế là người cau có khó tánh mà Thúy Ái cũng ở vừa lòng anh ta.
Mới trong vòng một tháng mà Thúy Ái đã gây được nhiều cảm tình.
Ngọc Diệp và Kim Chi đi học về thì Thúy Ái đã dọn sẵn quần áo cho thay và lo sắp đặt sách vở đâu vào đó…
Tối lại không có việc gì làm, Thúy Ái mượn báo về phòng đọc, và nàng cũng đọc sách nữa…
Oâng bác sĩ một hôm nói với bà:
- Tôi xem con Ba không phải là đứa đi ở đâu. Bà hỏi xem thử nó là con cái nhà ai…
Bà bác sĩ liền nói:
- Tôi cũng hỏi nó nhiều lần rồi. Lần nào nó cũng trả lời là nó mồ côi cha mẹ từ thuở bé, được một bà cô nuôi nấng và cho đi học chút ít. Nay vì bà cô đi lấy chồng và theo chồng lên vùng Cao Nguyên làm ăn nên nó bơ vơ phải tìm chỗ làm.
Oâng bác sĩ nói:
- Thật thế à! Sao bộ nó đàng hoàng không ra đứa đi ở mướn. Tôi không bao giờ thấy nó ngồi lê đôi mách, cười cợt với ai cả… Mặt mày nó cũng sáng sủa, có thua con mình đâu… Bà dặn hai con nên tử tế với nó.
Kim Chi ở ngoài bước vào thình lình giữa khi cha mẹ nói chuyện, nghe câu được câu mất, nhưng cũng hiểu cha mẹ đang nói chuyện về Ba, liền hỏi:
- Chị Ba không phải biết đọc, biết viết mà thôi đâu ba ạ, chị ấy có lẽ học giỏi hơn thế nữa… Vừa rồi mẹ cho chị lãnh tháng lương, chị đi mua ba bốn quyển sách… Con không thấy chị may áo quần…
Bà bác sĩ nói:
- Vậy sao?
Oâng bác sĩ liền nói:
- Đâu, con gọi nó lên đây cho ba hỏi thử.
Kim Chi không đi liền mà còn nói:
- Hôm nọ con ngồi tỏ ý lo ngày mai sẽ bị phạt vì chưa thêu xong miếng đồ may để chấm điểm, thì chị Ba liền nói: “Cô đưa tôi làm cho…” Con không tin Ba làm được. Thế mà Ba làm được… Như thế tỏ ra Ba có học ít lắm cũng là ban Trung học. Lại hôm khác, con làm bài toán không ra, Ba đi ngang thấy con vẽ hình, đứng lại tò mò xem rồi đưa tay chỉ: “Sao cô không vẽ thử đường này…” Con trố mắt nhìn Ba kinh ngạc, thì Ba bỏ đi, không dám đứng đó nữa.
Bà bác sĩ thúc:
- Con đi gọi Ba lên đây.
Kim Chi đi ra và một lát sau vào cùng với Ba.
Oâng bác sĩ nói:
- Con ngồi xuống đây cho ông hỏi chút chuyện.
Ba lo sợ ngồi xuống chiếc ghế kê ở góc phòng.
Oâng bác sĩ nói:
- Theo ông thấy thì chắc là con cũng học khá. Sở dĩ con phải đi ở thuê là vì chưa tìm được chỗ nào khác, có phải thế không?
Giọng ông bác sĩ hiền từ khiến Ba cảm động. Ba chưa dám nói thì bà bác sĩ nói:
- Nhiều lần bà có ý nghi và hỏi con về gia thế, lần nào con cũng bảo là mồ côi.
Oâng bác sĩ nói:
- Con cứ thành thật cho ông biết về hoàn cảnh của con. Nếu được, ông sẽ tìm cách giúp con…
Thúy Ái nhìn ông bác sĩ với đôi mắt biết ơn và nói:
- Oâng bà đã thương con mà hỏi thì con cũng xin thành thật mà kể cho ông bà nghe…
Nói xong, Thúy Ái kể hết. Kim Chi ngồi nghe, hết sức cảm động.
Bà bác sĩ nói:
- Con đậu trung học phổ thông thì con có thể tìm một chỗ làm khá chớ.
Thúy Ái nói:
- Con không quen biết với ai cả. Con đi tìm mà không ra… Con lại không muốn ở nơi nhà trọ. Con sợ lắm.
Bà bác sĩ nói:
- Được con cứ ở đây với ông bà. Bao giờ kiếm được chỗ, con lại đi làm…
Thúy Ái nói:
- Oâng bà đã xem con như con cháu thì con ở đây mấy tháng cũng được…
Bà bác sĩ cảm động nói:
- Nhưng đồng lương có bao nhiêu, con cần phải đi làm để cho tương lai. Để rồi có chỗ nào khá, bà sẽ giới thiệu con.
Từ hôm ấy, hai vợ chồng ông bác sĩ đối đãi với Thúy Ái càng tử tế hơn nữa. Kim Chi và Ngọc Diệp càng thân với Thúy Ái hơn, và từ đấy cả nhà ai cũng gọi Thúy Ái bằng tên thật của nàng, chớ không gọi là Ba nữa. Các người giúp việc trong nhà cũng kính nể Thúy Ái.
Một hôm, nhà bà bác sĩ có khách. Oâng bà Trần Trọng Nghĩa ở Nha Trang vào, dắt theo ba đứa con là Trọng Lang, Trọng Minh và Ánh Hoa.
Kim Chi nói với Thúy Ái:
- Oâng bà Nghĩa là bạn thân của ba tôi. Oâng Nghĩa giàu có ở Nha Trang… Năm nào vào độ tháng này, ông cũng vào ở chơi một tuần. Bà Nghĩa tử tế lắm, trước kia bà cũng từng làm cô giáo. Chị có thấy ba đứa con của bà không? Tuy còn nhỏ mà đứa nào cũng lễ phép.
Thúy Ái hỏi:
- Oâng Nghĩa làm việc ở đâu?
- Oâng Nghĩa làm thầu khoán. Bà Nghĩa và ông Nghĩa mới gặp nhau gần đây. Vì thế cho nên họ lớn tuổi mà con cái thì còn nhỏ cả.
- Bà Nghĩa trông đẹp quá nhỉ? Không biết bà bao nhiêu tuổi mà trông trẻ quá?
- Ngoài ba mươi tuổi rồi đấy.
Tối hôm ấy, bà Nghĩa ngồi nhìn Thúy Ái sắp đặt bàn ăn giúp chị bồi trong nhà. Bà lấy làm lạ hỏi bà bác sĩ:
- Chị kiếm đâu ra một em giúp việc mặt mày dễ thương và cử chỉ nhanh lẹ như vậy?
Thấy Thúy Ái đứng đó, bà bác sĩ chưa tiện nói lai lịch của Thúy Ái, chỉ trả lời vắn tắt:
- Cũng nhờ chị Sáu giới thiệu.
Nhưng khi Thúy Ái đã đi xuống nhà bếp để bưng đồ ăn và phụ cho chị bếp thì bà bác sĩ liền kể cho bà Nghĩa nghe về lai lịch của Thúy Ái.
Bà Nghĩa nói:
- Hèn gì mà em trông nó ra vẻ đàng hoàng lắm. Em nói thế này chị đừng giận nhé. Hiện nay em cần một cô giáo để kèm các cháu học hành, đưa các cháu đi chơi. Nếu chị có thể nhường lại cho em cô Thúy Ái này, là may mắn cho các cháu lắm.
Bà bác sĩ vui vẻ đáp:
- Được vậy thì quý biết bao. Vợ chồng tôi cũng đang chú ý tìm cho Thúy Ái một chỗ làm lương tháng ngoài một ngàn, để Thúy Ái dành dụm mà lo cho tương lai.
Bà Nghĩa nói:
- Để mai em bàn kỹ lại với nhà em và sẽ định rõ số lương của Thúy Ái. Chúng em tuy mang tiếng là nhà thầu khoán nhưng không hề bóc lột công nhân chị ạ.
Thế là hôm sau, bà Nghĩa đem chuyện Thúy Ái kể ông Nghĩa nghe. Oâng Nghĩa hết sức bằng lòng, nói:
- Được vậy tốt lắm. Mình cứ giao ba con cho Thúy Ái săn sóc, để mình giúp tôi trong việc làm ăn. Lương tháng mình cứ hỏi lại chị bác sĩ thử phải trả bao nhiêu cho vừa, hay mình cứ hỏi ngay Thúy Ái. Theo ý tôi thì phải trả ít lắm là một ngàn rưỡi… Thúy Ái ăn ở tại nhà mình, xe cộ, giặt giũ khỏi tốn…
- Để em tính lại với chị bác sĩ xem sao.
Bà Nghĩa bàn kỹ với bà bác sĩ và bằng lòng trả Thúy Ái một ngàn rưỡi nếu Thúy Ái chịu nhận đi theo bà ra Nha Trang.
Bà bác sĩ gọi Thúy Ái lên và cho biết ý muốn của bà Nghĩa.
Thúy Ái do dự nói:
- Con rất cám ơn bà đã nghĩ cách giúp con… Nhưng hơn một tháng nay ở đây với ông bà, con được xem như hàng con cháu, đi chỗ khác con thấy bịn rịn quá.
Bà bác sĩ cũng cảm động nói:
- Cháu ở đây thì giúp ích cho bà được nhiều việc, nhưng tương lai cháu sẽ như thế nào? Cháu nên nhận lời bà Nghĩa… Bà Nghĩa là bạn thân của bà và bà Nghĩa cũng tốt lắm cháu ạ. Mỗi năm cháu sẽ lại theo bà Nghĩa vào đây ở chơi với vợ chồng bà… Còn Kim Chi, Ngọc Diệp thì có kỳ nghỉ hè nào mà không ra Nha Trang đâu, chị em lại gặp nhau, có sao đâu mà ngại.
Thúy Ái cũng biết nàng không thể giữ mãi cái địa vị đứa ở, dù ông bà bác sĩ tử tế đến mấy đi nữa…
Thúy Ái còn trẻ, nàng phải nghĩ đến tương lai. Thúy Ái liền nhận lời bà Nghĩa để theo ông bà ra Nha Trang đổi nghề.
Hôm xe ông bà Nghĩa về Nha Trang mang theo Thúy Ái, cả gia đình ông bác sĩ đều tỏ vẻ mến tiếc Thúy Ái.
Kim Chi cầm tay Thúy Ái, rưng rưng nước mắt và nói:
- Chị viết thư về cho chị em tôi nhé!
Thúy Ái cũng gạt lệ nói:
- Thế nào tôi cũng viết thư thăm ông bà và hai cô.
Mọi người bu quanh chiếc xe tỏ vẻ bịn rịn, làm ông Nghĩa chần chờ không dám cho xe chạy.
Bà Nghĩa liền nói:
- Thôi, dù sao thì cũng phải có phút từ biệt… Chúng ta chào anh chị vậy.
Oâng Nghĩa cúi đầu chào ông bà bác sĩ rồi cho xe chạy, Thúy Ái ngoái cổ về phía cửa kiếng ở sau xe mà từ biệt một lần nữa gia đình bà bác sĩ…
Thúy Ái ngậm ngủi nhớ lại những ngày êm đềm mà nàng đã sống bên cạnh bà bác sĩ, một người đàn bà hết sức hiền lành tử tế, so sánh với cô nàng thì thật là một trời một vực…
Nhưng rồi phong cảnh dọc đường đã làm cho Thúy Ái nguôi dần nỗi sầu ly biệt. Lại thêm những câu nói thơ ngây hồn nhiên của Trọng Lang, Trọng Minh, Ánh Hoa, con bà Nghĩa, làm Thúy Ái không sao buồn được nữa.
Ánh Hoa nhìn Thúy Ái rồi hỏi:
- Chị đi với em chị không vui à? Ra biển, em lượm vỏ ốc, vỏ sò cho chị chơi.
Thúy Ái cười:
- Giỏi lắm, nhưng em đã học được chữ chưa?
Ánh Hoa thỏ thẻ nói:
- Em giỏi lắm cơ, mẹ thường khen em học giỏi hơn anh Trọng Lang và Trọng Minh.
Trọng Lang đang ngồi nhìn Thúy Ái nãy giờ mà chưa biết tìm cái gì để nói, nghe Ánh Hoa khoe khoang liền cãi:
- Chà, em Ánh Hoa học giỏi dữ ha, chữ A mà đọc là chư B, giỏi dữ!
Trọng Minh cũng nói:
- Ngày nào em Ánh Hoa cũng trốn ra vườn bắt bướm cả chị ạ, chị đừng nghe lời nó.
Ánh Hoa xịu mặt xuống muốn khóc thì bà Nghĩa vuốt đầu Ánh Hoa và nói:
- Hai anh cứ nói xấu em mãi, em học giỏi lắm đấy. Và từ đây có chị Thúy Ái thì em càng học giỏi hơn nữa. Chị Thúy Ái thương em Ánh Hoa lắm.
Ánh Hoa liền nhảy trên nệm xe và nói:
- Chị Thúy Ái của con, mẹ nhé!
Thúy Ái cũng cười và vuốt ve Ánh Hoa.
Trọng Lang nói:
- Chị Thúy Ái của anh nữa chớ.
Ánh Hoa bỉu môi nói:
- Không cho hùn đâu.
Oâng Nghĩa đang lái xe cũng xoay lại cười vì tiếng “hùn” của Ánh Hoa.
Trọng Minh nói:
- Chị Thúy Ái của chúng ta chớ. Em Ánh Hoa thì có tài giành ẩu.
Thúy Ái nói:
- Em Trọng Minh nói đúng đấy. Chị của cả ba em chớ… Các em học giỏi thì chị đều yêu cả.
Trọng Lang vẫn không rời cặp mắt khỏi Thúy Ái, nói:
- Thế thì em được yêu nhiều nhất rồi, vì em học giỏi hơn hết đó chị Thúy Ái ạ!
Thúy Ái nhìn Trọng Lang với đôi mắt thân yêu. Chính Thúy Ái cũng thấy cảm tình của nàng đã nghiêng về Trọng Lang nhiều hơn cả. Trọng Lang có đôi mắt đen lanh lánh và một vầng trán rộng, cao…
Trọng Lang được cái nhìn đầy thân yêu của Thúy Ái, sung sướng chồm qua mình mẹ và đưa tay ra nắm lấy tay Thúy Ái siết chặt.
Ánh Hoa ngồi giữa Thúy Ái và mẹ, nhảy phóc lên ngồi trên mình Thúy Ái, lấy tay hất tay Trọng Lang và nói:
- Lấy tay đi!
Trọng Minh ngồi phía trước với ông Nghĩa, xoay lại nói:
- Em Ánh Hoa ganh tài lắm.
Ánh Hoa được ngồi trong lòng Thúy Ái, sung sướng mặc cho ai nói gì đó thì nói.
Thúy Ái cảm thấy mình đang sống giữa một bầu không khí êm đềm, và nàng hy vọng rồi đây nàng sẽ không còn thấy đời nàng cô độc lẻ loi nữa.
Xe cứ nuốt đường, mang trên xe mấy tâm hồn trẻ thơ ngây với tâm sự của một cô gái sắp dấn thân vào một cảnh sống mới…
Xe đến Nha Trang, đến biệt thự của ông bà Nghĩa. Thúy Ái và bà Nghĩa lo sắp đặt đồ đạc xuống. Thúy Ái khi vào làm với bà bác sĩ chỉ có mỗi một cái giỏ nhỏ với vài bộ đồ, thì nay mang cả một chiếc rương lớn với một cái bao đầy nhóc áo quần.
Bà bác sĩ đã cho Thúy Ái không biết bao nhiêu đồ cũ của Kim Chi và Ngọc Diệp. Nhờ cách ăn mặc sạch sẽ lại được vẻ mặt hiền lành, Thúy Ái dễ gây cảm tình với mọi người, mặc dù Thúy Ái không đẹp lắm.
Bà Nghĩa dành cho Thúy Ái một cái phòng bên cạnh phòng của hai con trai bà.
Bà nói với Thúy Ái:
- Thế nào Ánh Hoa cũng đòi ở chung phòng với Thúy Ái cho mà xem.
Thúy Ái cười:
- Bà cho Ánh Hoa ở chung với em cho vui.
- Được. Mấy lúc nay nó ngủ với tôi, nhưng nay thế nào nó cũng đòi qua ngủ với Thúy Ái.
Quả thật đúng như lời bà Nghĩa đã tiên đoán, tối hôm ấy Ánh Hoa nói với mẹ:
- Mẹ cho con ở chung phòng với chị Thúy Ái, mẹ nhé!
Bà Nghĩa nhìn Thúy Ái và cười, rồi bà cho kê trong phòng Thúy Ái cái giường nhỏ của Ánh Hoa…