BECGANXA: Để trả lời câu hỏi của đằng ấy “làm thế nào tìm được chủ mới”, tớ xin nói thế này: như đằng ấy biết, đức khiêm tốn là cơ sở và lá cốt lõi của mọi đạo đức tốt và nếu không có nó thì không thể thành người được. Đức tính khiêm tốn sẽ giải hòa mọi bất đồng, sẽ chiến thắng mọi khó khăn và sẽ dẫn dắt chúng ta đi tới vinh quang. Tính khiêm tốn biến kẻ thù thành bạn hữu, làm nguội đi cơn tức khí của kẻ đang giận dữ và làm cho kẻ kiêu ngạo bớt thói khoe khoang khoác lác. Khiêm tốn là mẹ đẻ của đức tính biết nhường nhịn và là chị em của đức tính hiền hòa. Tóm lại, nếu có đức tính khiêm tốn ở trong mình thì mọi thói xấu sẽ không thể giở trò gì được, cho dù chúng có điều kiện tốt để hành động, bởi những mũi tên tội ác của nó đều bị bẻ gãy hoặc mài cùn mũi nhọn. Tớ biết cách sử dụng đức tính khiêm tốn trong việc đi tìm kiếm ông chủ mới. Trước hết tớ quan sát và nhận định thật tỉnh táo xem cái nhà tớ định vào kia có đủ sức nuôi tớ không và có chỗ ở cho một con chó lớn như tớ không. Sau đó tớ mon men đến bên cửa ra vào và khi có người lạ bước vào nhà, tớ phải đoán xem có đúng là người lạ không, và lên tiếng sủa. Khi nhìn thấy ông chủ đi đến lập tức tớ cúi đầu, ve vẩy cái đuôi rồi tớ đến gần ngài và thè lưỡi liếm giày cho ngài. Nếu người ta lấy gậy đánh tớ thì tớ nai lưng ra chịu đòn và sau đó vẫn điềm đạm hòa nhã nựng kẻ đã nên tớ. Vì tớ biết không một ai nhẫn tâm lại một lần nữa nhìn tớ chịu đòn và nhìn tớ nựng dù mới bị đánh xong. Chính bằng cách này, sau hai lần chịu đòn dũng cảm, tớ được ở lại nhà này. Tớ phục dịch họ chu đáo, họ cũng quý mến tớ không một ai đuổi tớ nếu tớ không từ biệt họ, hay đúng hơn, tớ không bỏ nhà để lại ra đi một lần nữa. Có lẽ tớ đã tìm được chủ nếu như vận rủi không đeo đuổi mình. XIPIONG: Theo cái cách thức đằng ấy vừa kể, tớ cũng đã tìm kiếm các ông chủ của mình và tớ có cảm tưởng hình như họ đọc được tâm tư chúng mình thì phải. BECGANXA: Nếu tớ không nhầm thì chúng ta đồng quan điểm trong vấn đề này. Về vấn đề này tớ sẽ nói với đằng ấy vào lúc thích hợp như tớ đã hứa. Bây giờ mời đằng ấy nghe điều xảy ra với tớ sau khi bỏ đàn gia súc để ra đi. Tớ trở lại Sevida. Như tớ đã nói, Sevida là nơi dung thân của những người nghèo và nơi ẩn nấp của những người bị ruồng bỏ. Sevida không chỉ dung nạp những người nghèo khổ, nó cũng không vồ vập đón tiếp những ông tai to mặt lớn. Tớ mon men đến cửa ngôi nhà lớn của một thương gia. Tớ làm như đã nói và chẳng bao lâu tớ được dung nạp ngay. Người ta thu dụng tớ, ban ngày xích tớ lại một chỗ, ban đêm thả tớ ra. Tớ chăm chỉ và nhanh nhẹn phục vụ chủ nhà. Tớ sủa bọn người lạ mặt và gầm gừ đối với bọn người ít quen biết. Về ban đêm, tớ không ngủ mà đi lại lùng sục khắp các xó xỉnh từ ngoài vườn đến các hành lang. Tớ không chỉ trông coi nhà chủ mà còn trông coi luôn thể các nhà hàng xóm. Ông chủ rất hài lòng trước việc tớ làm và ra lệnh đối xử tốt với tớ, cho tớ bánh mì và những khúc xương ném từ bàn ăn của ông xuống chỗ tớ và tớ bày tỏ lòng biết ơn rất nồng nhiệt khi nhìn thấy chủ, nhất là khi thấy ông từ xa, tớ uốn éo nhãy cẫng lên mừgn rỡ đón ông. Vì thấy tớ biết thể hiện niềm vui sướng trước mình, ông chủ liền ra lệnh thả tớ ra để tớ được tự do đi lại cả ngày lẫn đêm. Vì thấy được tự do, tớ liền chạy đến bên ông, lượn vòng bên ông mà không dám liến mõm lên tay ông vì lúc ấy tớ nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn của Edop nói rằng khi con lừa ngu ngốc bắt chước con chó cưng của chủ liếm tay chủ, liền bị chủ ra lệnh cho tay chân nện cho một trận nên thân. Tớ có cảm tưởng rằng câu chuyện ngụ ngôn này muốn dạy cho chúng ta cần phải biết xử sự đúng lúc và đúng chỗ, không nên làm bừa theo mốt những người khác và mang vạ vào thân. Ví như một người lùn thích hợp với việc đóng vai hề, làm một ông phỏng, chơi trò kéo tay hoặc bắt chước tiếng chim hót hay các cử chỉ khác nhau của con vật và của con người. Anh ta chỉ nên làm những việc ấy, anh ta sẽ trở nên nổi danh và được công chúng tin tưởng, bằng không, nếu anh ta lại đi sắm vai một ông lớn trong xã hội loài người thì anh ta sẽ thất bại. XIPIONG: Đủ rồi, Becganxa ạ. Đằng ấy cứ như thể mà nói vì đằng ấy đã nắm được kỹ thuật kể chuyện rồi đấy. BECGANXA: Có lẽ vì đằng ấy hiểu tớ nên những người kia cũng hiểu điều tớ nói. Tớ cũng chẳng biết mình có đức tính gì quý không, nhưng mà tớ cảm thấy thật là khó hiểu khi tớ thấy một công tử đóng vai hề. Hình như ông ta biết làm xíêc và không một ai lại có thể uốn éo múa điệu dân vũ Chacona (một điệu vũ Tây Ban Nha) khéo như ông ta. Tớ quen một công tử được mọi người ca ngợi lắm. Theo lời cầu khẩn của một gã thầy tu, công tử đã cắt thảm đen phủ lên một nấm mồ. Làm ra vẻ quan trọng, công tử mang những miếng giấy bị cắt này đến cho các bạn mình xem và các bạn công tử thấy chúng giống như những lá cờ và cảnh cướp phá của quân địch được phủ lên mổ mả ông cha công tử. Vậy là tớ xin tiếp tục câu chuyện nhé. Thương nhân này có hai người con trai: một đứa lên mười hai, đứa kia khoảng mười bốn, cả hai cùng đi học chữ ở trường tiểu học Giêsu. Hai cậu này học rất oia: có gia sư, có tiểu đồng đi theo mang hầu sách vở và cả cái gọi là vademecum (tiếng La tinh nghĩa là cái cặp sách). Cứ nom họ đi học với vẻ đài các phong lưu: đi cáng khi trời nắng, đi xe khi trời mưa, tớ lại càng khâm phục và đánh giá cao cái cung cách giản dị mà người cha sử dụng mỗi khi ông ta ra chợ để buôn bán. Người cha khi ra đi chỉ mang theo một thằng hầu người da đen và đi trên chiếc xe xoàng xĩnh. XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nên nhớ rằng việc khoe của và thế lực của ở những người con chứ không phải ở chính bản thân mình, đó là tập quán của các nhà buôn thành Sevida và có lẽ ở cả các thành phố khác. Bởi vì các nhà buôn chỉ thật sự hùng mạnh ở cái bóng của mình chứ không phải ở ngay chính bản thân mình. Vì lẽ đó, họ thường đối xử với nhau một cách khiêm nhường, còn tâm sức họ lại giành để chăm nom các việc khác. Vì biết chắc rằng họ sẽ mất mạng ngay tức khắc nếu họ để lộ lòng tham và của cải của mình, họ chăm chút con cái, họ còn cho con cái ăn diện cứ như thể còn lo chạy cho con mình một số tước hiệu và một số phù hiệu để chưng lên ngực, khiến cho họ khác hẳn với con thứ dân và giống y hệt con cái nhà quyền thế. BECGANXA: Đó chính là lòng tham nhưng là lòng tham cao thượng. Vì với thứ lòng tham này, bọn họ hành động cốt để địa vị xã hội của họ ngày một cao sang hơn mà không phương hại đến người khác. XIPIONG: Đằng ấy nên biết rằng hãn hữu lắm hặoc chẳng bao giờ họ thực hiện mục đích của mình mà lại không làm hại người khác. BECGANXA: Chúng mình đã thỏa thuận với nhau rằng chúng mình không làm cái việc đi đả kích người khác kia mà. XIPIONG: Đúng thế, nhưng tớ có đả kích ai đâu. BECGANXA: Bây giờ tớ khẳng định điều tớ nhiều lần đã nói. Một tên nói xấu tồi tệ vừa làm thiệt mạng mười người có dòng giống quý phái và nói xấu hai mươi người tốt. Ấy thế mà có ai chửi bới về cái việc y vừa nói một điều tệ hại làm ảnh hưởng xấu đến người khác thì ngay lập tức y sẽ chối là y không hề nói gì và nếu người ta có nói gì thì y im lặng. Quả có thế, Xipiong ạ, kẻ nào muốn kéo dài cuộc nói chuyện trong hai giờ đồng hồ mà không động chạm tới việc đả kích hay nói xấu người khác thì hẳn anh ta phải là người biết nhiều và thận trọng lắm đấy. Bởi vì cứ xem như tớ đây, vốn là con vật, khi tớ nói với tất cả lý lẽ của mình thì ngôn từ của tớ toàn là những lời đả kích ào đến lưỡi mình như thể muỗi sa xuống rượu. Vì thế tớ nói rằng chúng ta thừa kế những lời đả kích và cả những việc làm tồi tệ của cha ông chúng ta mà chúng ta uống phải chúng từ ngay trong sữa mẹ. Này nhé, đằng ấy cứ để ý kỹ mà xem: khi một đứa trẻ con được cuốn tã lót rút cánh tay ra khỏi chiếc tã thì nó giơ lên với ý định trả thù một ai rồi. Và khi nó nói từ đầu tiên trong lúc tập nói là từ con đĩ thì nó đã dùng từ này để gọi mẹ nó hay gọi bà vú em của nó. XIPIONG: Đúng thế đấy, anh bạn ạ. Tớ thú nhận rằng tớ cũng phạm nhiều khuyết điểm và tớ thành tâm mong rằng đằng ấy tha lỗi cho tớ, như tớ đã nhiều lần tha lỗi cho đằng ấy. Chúng ta hãy cùng nhau thề độc từ đây trở đi chúng ta sẽ không đả kích, không dùng lời lẽ cay độc nữa. Bây giờ xin đằng ấy cứ tiếp tục câu chuyện của mình đi. Hình như đằng ấy đang kể đến chuyện bọn con trai nhà buôn nọ đi học ở trường Giêsu rồi. BECGANXA: Khi đề cập tới bất kỳ chuyện gì tớ đều nhắc nhở mình rằng không được đả kích người khác. Nhưng việc này đối với tờ khó lòng mà làm được. Bởi thế tớ nghĩ rằng mình phải học tập cách làm của một gã hay thề thốt. Anh này vốn là người hay ân hận và cứ mỗi bận phạm vào một khuyết điểm nào đó, anh ta liền thề, anh ta tự véo vào bắp tay rõ đau, miệng hôn xuống đất để thề rằng sẽ không vấp phải khuyết điểm ấy nữa. Tớ cũng vậy, cứ mỗi lần tớ đả kích ai thì tớ chợt nhớ ra là mình phạm vào điều tự thề thốt, thế là tớ cắn vào đầu lưỡi để nhắc nhở bản thân sẽ không được vi phạm vào lời thề thồt nữa. XIPIONG: Đó chính là biện pháp hữu hiệu. Đằng ấy mà áp dụng biện pháp này thì tớ mong rằng đằng ấy sẽ cắn đầu lưỡi mình nhiều lần đến mức cụt mất lưỡi. Do vậy đằng ấy sẽ không thể đả kích được nữa. BECGANXA: Nếu không đến cái mức ấy thì chí ít tớ cũng biết tránh xa thói xấu và ông trời cũng sẽ thổi bay những tội lỗi của tớ. Bây giờ tớ xin kể tiếp câu chuyện của mình. Có một ngày hai cậu con trai ông chủ tớ bỏ quên cặp sách ở ngoài sân. Vì hồi ở lò mổ ấy tay chủ cũ dạy tớ cách mang sọt đựng thịt, tớ liền cắp cái cặp được mệnh danh là vademecam và tớ đi sau họ với ý định sẽ không buông ra chừng nào chưa đến trường học. Sự kiện này diễn ra y như tớ mong đợi: các cậu chủ thấy tớ miệng cắp cặp sách liền sai một tiểu đồng đến giằng lấy nhưng tớ không chịu buông ra. Mõm tớ cứ ghì chắc lấy quai chiếc cặp sách cho tới khi tớ bước vào lớp học cùng với họ. Bọn học trò thấy vậy cười rộ lên. Cậu lớn đến bên tớ và thế là tớ lễ phép đặt cái cặp sách vào tay cậu, sau đó tớ lui ra phía cửa lớp, ngồi chống hai chân châm chú nhìn thầy giáo đứng trên bục giảng bài. Tớ không hiểu giáo dục có sức mạnh gì mà chỉ với việc được gần gũi nó ít nhiều tớ đã thích thú tình yêu thương, thích thú mục đích cuộc đời, và những biện pháp mà những người cha và các thầy giáo dạy cho bọn trẻ nhỏ để chúng như cây non sẽ vươn thẳng mà đón lấy ánh sáng của đạo đức chứ không bị cong queo khi chúng đi theo con đường vô đạo đức. Tớ thích thú ngắm nhìn các thầy giáo nhẹ nhàng trách cứ chúng, có lúc trừng phạt chúng. Nhưng thường thường các thầy lấy gương tốt mà khuyến khích chúng, lấy phần thưởng mà cổ vũ chúng, lấy lẽ phải mà khuyên bảo chúng rồi cuối cùng các thầy vẽ ra cho chúng thấy cái xấu, thấy tội lỗi là đáng sợ, nhưng đồng thời các thầy cũng vạch ra cái đẹp, cái cao thượng của đạo đức để chúng noi theo nhằm một phần rửa sạch thói hư tật xấu, một phần giúp chúng yêu quý đạo đức để trở thành những người có giáo dục. XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nói chí lý lắm. Tớ nghe nói về đám người quý hóa này và tớ thấy không mấy ai trên thế gian này bì kịp họ về mặt cẩn thận và không mấy người trong số những người dẫn đường, hoặc chỉ lối con đường lên thiên đường sánh kịp họ. Các thầy giáo này quả thật là tấm gương để ta thấy phẩm giá con người, để ta thấy đức tính cẩn trọng có một không hai và cuối cùng để ta thấy đức tính khiêm tốn sâu sắc. Những đức tính đó là nền tảng để xây dựng vững chãi tòa nhà hạnh phúc của đời mình. BECGANXA: Đúng như đằng ấy nói. Và để tiếp tục câu chuyện của tớ, tớ xin kể, các cậu chủ rất thích ngày nào tớ cũng mang vedemecum cho họ. Tớ rất sẵn lòng làm việc đó. Với công việc này, tớ sống rất đế vương và còn hơn thế là đằng khác, bởi vì đó là cuộc sống khá là nhàn hạ nhờ bọn học trò thường xuyên thích trêu chọc và đùa nghịch với tớ. Tớ để cho họ thọc tay vào mõm tớ, để cho những đứa nhóc con hơn trèo lên lưng tớ. Khi chúng đánh rơi mũ, tớ nhặt đưa tận tay chúng với tất cả niềm vui thích. Bọn họ cho tớ ăn thả sức. Bọn họ thích thú nhìn ngắm tớ khi họ ném cho tớ những hạt quả óc chó hoặc quả phỉ thì tớ như con khỉ đập vỡ sọ ra, bỏ vỏ ăn cùi. Điều đó giống như một bằng chứng chứng thực cho con người thông minh hoạt bát của tớ, nên họ mang cho tớ rất nhiều dưa góp đựng trong một chiếc khăn và tớ ăn món dưa góp như người ăn vậy. Tóm lại, tớ sống cuộc sống của một học trò không đói, không ghẻ lở, có thể nói rằng đó là cuộc đời hạnh phúc. Cuộc đời học trò mà không đói, không ghẻ lở thì đó là cuộc đời sướng như tiên bởi vì trong cuộc sống ấy có cả hai thứ cùng song hành: đạo đức và sở thích. Chàng trẻ tuổi cứ việc học hành và chơi nhởi cô tư lự. Nhưng rồi người ta cũng cướp đi cuộc sống vinh quang và thanh nhàn ấy của tớ. Các thầy cô giáo thấy rằng nửa giờ nghỉ giải lao, bọn học trò không ôn bài mà lại đi nô đùa với tớ nên đã ra lệnh cho cậu chủ của tớ từ hôm sau trở đi không được mang tớ đến lớp nữa. Các cậu chủ nghe lời thầy để tớ ở nhà và lại giao tớ gác cửa. Nhưng người ta lại không thả rong cho tớ được tự do cả ngày lần đêm mà lại xích cổ tớ, đồng thời cho tớ nằm trên manh chiếu đặt sau cánh cửa. Ôi, Xipiong thân mến, đằng ấy có biết từ cuộc đời tự do bay nhảy chuyển sang cuộc đời tù túng thì khổ biết nhường nào không? Này nhé, khi một người quen sống trong túng thiếu và đau khổ mãi sẽ làm quen với túng thiếu và đau khổ hặoc liều chết quách đi cho rồi, đó là một nhẽ. Nhưng đang sống trong thiếu thốn và khổ đau, bỗng nhiên người ấy được sống trong no đủ, trong hạnh phúc và vui thú để rồi sau đó lại rơi tõm xuống cảnh sống bần hàn, bất hạnh thì đó là một nỗi đau nhức nhối mà nếu chưa chết luôn thì chẳng qua họ còn bị trời đầy đọa cho đau khổ hơn nữa mà thôi. Tớ lại trở về với khẩu phần ăn của một con chó, trở về với những khúc xương do cô da đen ném cho, nhưng ngay cả những khúc xương cũng bị những con mèo, vốn nhanh nhẹn lại không bị xích cướp mất nếu như cái xương ấy không rơi trong tầm tay tớ. Xipiong thân mến, hãy để cho tớ được triết lý nhé, nếu như lúc này mà không triết lý về những sự kiện từng xảy ra với tớ đang trở lại tươi mới trong ký ức thì tớ thấy rằng câu chuyện do tớ kể lúc này sẽ không được hoàn chỉnh và nó cũng chẳng phải là kết quả của một quá trình tìm tòi và suy nghĩ. XIPIONG: Becganxa ạ, tớ xin nhắc lại đầng ấy là thế này, cái sở thích được triết lý ấy vừa trở lại với đằng ấy liệu có phải là ý định của quỷ dữ không đấy? Bởi vì sự công kích không có thứ vải nào thật tốt để che đậy tâm địa xấu xa đâu. Một người công kích phải hiểu rằng tất cả những điều y nói ra đều là những tư tưởng vĩ đại của nhà hiền triết và hiểu rằng việc nói xấu tức là chửi bới thiên hạ, việc phát hiện những thiếu sót của kẻ khác là một việc làm cao thượng và không có cuộc đời của bất cứ một người đả kích nào lại không đầy rẫy những thói hư tật xấu. Nếu như đằng ấy đã hiểu điều ấy rồi thì xin cứ thả sức mà triết lý. BECGANXA: Xipiong ạ, đằng ấy đã có thể tin rằng tớ còn đả kích mạnh hơn nữa vì tớ đã có ý định ấy rồi. Vì cả ngày nhàn rỗi, và như đằng ấy biết, khi nhàn rỗi thường hay suy nghĩ vẩn vơ, nên tớ liền điểm duyệt lại trong ký ức mình một số câu la tinh học lỏm được khi tớ đến trường cùng với các cậu chủ, lập tức tớ thấy đầu óc mình sáng láng ra nhiều và tớ quyết định sẽ sử dụng chúng vào những dịp cần thiết, nhưng không phải như những kẻ dốt nát mà hay sính chữ. Có một số nhà thơ trong lúc nói chuyện xổ ra những câu la tinh ngắn và khó hiểu khiến cho những ai không biết tiếng la tinh liền nghĩ họ là những nhà thông thái lắm, nhưng thật ra họ không biết phát âm chuẩn một danh từ, cũng như không biết chia một động từ. XIPIONG: Tớ còn biết trong số những người thật sự biết tiếng la tinh có những kẻ thiếu thận trọng, đến mức trước mặt bác thợ giày và bác phó cạo, họ cứ thao thao bất tuyệt xổ ra hàng tràng tiếng la tinh. BECGANXA: Vì thế chúng ta cùng đi đến kết luận này, kẻ nói tiếng la tinh trước mặt người không biết nó cũng đáng khinh như kẻ nói la tinh mà không hiểu gì cả. XIPIONG: Nhưng cũng còn một điều cần lưu ý đằng ấy, có những người không thích nói tiếng la tinh nên đã bị coi là người ngu xuẩn đấy. BECGANXA: Đúng thế đấy. Không ai có thể nghi ngờ điều ấy được. Bởi vì trong thời thống trị của người La Mã, ai cũng nói tiếng la tinh như tiếng mẹ đẻ của mình. Trong số họ có những người đần độn không nói được tiếng la tinh nên bị coi là người ngu si. XIPIONG: Vậy thì Becganxa ạ, cần phải thận trọng khi dùng tiếng la tinh trong lúc nói tiếng Tây Ban Nha và trong cả khi nói tiếng la tinh. BECGANXA: Quả nhiên là như vậy vì rất có thể nói những điều lẩn thẩn trong tiếng la tinh cũng như trong tiếng Tây Ban Nha. Tớ từng thấy những ông cử văn chương ngớ ngẩn, những nhà ngữ pháp lẩn thẩn, những nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha chúng ta đã lạm dụng tiếng la tinh trong lời văn của mình khiến cho cả thiên hạ nổi giận, không chỉ một lần mà nhiều lần rồi. XIPIONG: Thôi, ch1ung ta hãy dừng lại ở đây và đằng ấy hãy bắt đầu triết lý đi. BECGANXA: Tớ nói rồi. Những lời triết lý ấy tớ vừa nói xong mà. XIPIONG: Đằng ấy nói gì nhỉ? BECGANXA: Chính là thói rởm đời của những người nói tiếng la tinh và những người nói tiếng Tây Ban Nha. Cái thói rởm đời ấy đã được tớ gợi ra và đằng ấy kết luận. XIPIONG: Đằng ấy gọi cái việc đả kích là triết lý sao. Becganxa ạ, đằng ấy đã tán thành cái mặt tồi tệ của việc đả kích và đã gọi nó bằng một cái tên mà đằng ấy thích. Tớ nghĩ rằng chính cái tên do đằng ấy đặt ra này sẽ có ngày nó hại chúng ta vì người ta sẽ gọi chúng ta là những kẻ đê hèn, cũng có nghĩa là những con chó độc miệng hay chỉ trích. Hãy coi trọng cái mạng sống của mình mà câm mồm đi thì hơn, Becganxa ạ và xin đằng ấy hãy kể tiếp đi. BECGANXA: Tớ phải bắt đầu kể tiếp như thế nào đây? XIPIONG: Nghĩa là tớ muốn đằng ấy kể ngay vào câu chuyện, chứ không nên triết lý lòng thòng. BECGANXA: Được rồi, tớ sẽ kể như đằng ấy muốn. XIPIONG: Cái lối nói năng lòng thòng dây cà ra dây muốn ấy là khuyết tật của kẻ nói rằng việc gọi tên các sự vật bằng chính tên của nó không có gì là thô thiển và xấu xa cả. Anh ta nghĩ ngoài cái cách ấy ra không còn cách nào khác. Nhưng anh ta không biết rằng vì để gọi đúng tên sự vật, nhiều khi phải nói quanh co, vòng vèo và chính cái việc này khiến lỗ tai khó chịu khi phải nghe. Lời nói hay bao giờ cũng thể hiện tư chất cao thượng của kẻ nói và viết nó. BECGANXA: Đằng ấy nói đúng và tớ tin đằng ấy. Tớ xin tiếp tục câu chuyện. Tớ không bằng lòng trước việc người ta không cho tớ đến trường học và cướp đi của tớ cuộc sống vui tươi và phong phú trong những ngày theo các cậu chủ đến trường. Và để đổi cuộc sống tự do của học trò lấy cuộc sống nghèo hèn của người đàn bà da đen, tớ buộc phải sống yên ổn và nhàn tản trong một khuôn khổ nhất định mà sợi dây xích cho phép. Cũng như tớ, Xipiong ạ, đằng ấy nên sáng suốt mà nhận ra cho rõ chân lỳ này: vận rủi ro bao giờ cũng theo đuổi kẻ bất hạnh đến cùng cho dù y chạy tới tận cùng trời cuối đất. Tớ nói điều đó là vì người đàn bà da đen phải lòng một thanh niên da đen, người cũng làm đầy tớ cho gia đình này. Anh thanh niên da đen được phép nằm ngủ ở ngoài phòng khách, ngay sau cửa ra vào. Giữa phòng đợi và phòng khách còn có một hành lang. Cô gái da đen phải ngủ trong phòng xép trên tầng gác. Vì thế hai người này chỉ có thể gặp nhau vào ban đêm mà thôi. Và để gặp được nhau, bọn họ phải ăn cắp hoặc làm chìa khóa cửa giả. Đêm đến, cô da đen lén xuống cầu thang, quẳng cho tớ miếng thịt hoặc mẩu bô để bịt miệng tớ lại. Sau đó cô ta mở cửa cho anh thanh niên da đen đợi sẵn. Tớ lặng im tạo điều kiện cho họ gặp gỡ nhau và lấy đi rất nhiều thứ của chủ nhà. Mấy ngày đầu, quà biếu của cô da đen đã nuốt chửng lương tri của tớ và tớ cảm thấy rằng nếu không có quà biếu của cô da đen thì bụng tớ lép kẹp. Và từ con chó săn linh lợi hoạt bát tớ trở thành con chó béo nùng nục mà chẳng được tích sự gì. Nhưng, cũng may mà tớ là một kẻ có tư chất đứng đắn, tớ vẫn muốn làm hết phận sự của mình đối với chủ vì chính ông ta là người cho tớ chỗ ngủ, cho tớ miếng bánh ăn hàng ngày. Tớ muốn làm điều đó như tất cả những con chó ngoan nết, những con chó được mệnh danh là những kẻ biết hàm ơn và cả những con chó ăn cơm chủ phải phục vụ chủ. XIPIONG: Đúng thế đấy, Becganxa ạ. Tớ muốn đằng ấy cũng học triết học đi, vì từ môn khoa học này ta biết được những lẽ phải nằm ngay trong sự thật khách quan và cả trong sự hiểu biết chính xác. Đằng ấy cứ tiếp tục câu chuyện của mình đi. BECGANXA: Trước tiên tớ muốn đằng ấy hãy giải thích cho tớ biết triết học là gì, nếu đằng ấy hiểu. mặc dù tớ gọi ra cái danh từ này nhưng thật ra tớ không hiểu và tớ chỉ lờ mờ cảm thấy đó là một cái gì rất quý giá. XIPIONG: Được rồi. Tớ xin giải thích thật ngắn gọn nhé. Danh từ này được ghép bởi hai từ Hy lạp, filoa có nghĩa là tình yêu và sofia có nghĩa là khoa học. Vậy thì filosofia có nghĩa là tình yêu khoa học và filosofo có nghĩa là người yêu khoa học. BECGANXA: Ôi, Xipiong, đằng ấy thông thái quá. Quỷ sứ nào dạy đằng ấy những điều lý thú ấy? XIPIONG: Becganxa ạ, quả thật đằng ấy ngây thơ quá đấy. Chuyện giản đơn này bọn học trò cũng biết và hơn nữa còn có những kẻ làm ra vẻ ta đây biết tiếng Hy Lạp mà thật ra không biết gì, cũng như những kẻ làm ra vẻ ta đây biết tiếng la tinhmà thật ra chẳng biết gì, bọn họ cũng biết ý nghĩa của từ triết học. BECGANXA: Đó chính là điều tớ nói và tớ muốn tất cả bọn người ấy đều phải bị đưa lên cối ép, ép cho thật mạnh để vắt ra điều chúng biết. Nếu không làm như vậy e rằng chúng vẫn dùng bộ quần áo lộng lẫy, tức là cái thứ tiếng Hy Lạp và la tinh giả vờ ấy, để lòe bịp thiên hạ, như những người Bồ Đào Nha vẫn đang lòe bịp những người da đen ở Ghine. XIPIONG: Becganxa ạ, bây giờ thì đằng ấy có thể phải uốn lưỡi nhiều lần và tớ cũng có thể đả kích. Bởi vì cho đến lúc này tất cả những điều chúng ta trao đổi với nhau đều là những lời đả kích. BECGANXA: Quả vậy, tớ không buộc mình phải làm cái việc một người tên là Coronda, người Tirio đã làm. Tớ nghe người ta nói rằng, ông này đặt ra luật không một ai được mang theo vũ khí vào tòa thị chính của thành phố, nếu ai không tuân theo lệnh này sẽ bị mất mạng. Một ngày nọ, chính ông ta quên mất điều luật do mình ban bố nên đã đeo kiếm bước vào tòa thị chính. Người ta liền nhắc nhở ông bằng cách đọc lại và dùng chính thanh kiếm ấy chém vào ngực ông ta. Như vậy Coronda là người đầu tiên đặt ra luật và vi phạm luật và cũng là người đầu tiên phải chịu hình phạt. Điều tớ nói không phải là tớ đặt ra luật mà là để hứa rằng khi nào đả kích, tớ phải cắn đầu lưỡi để suy tính cho hết nước đã. Nhưng bây giờ sự thể khác xưa rồi. Hôm nay luật được chế định ra, ngày mai nó liền bị phá bỏ và hình như thế mới phù hợp với thực tiễn. Bây giờ ai đó đã hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm còn lớn hơn nhiều. Ca ngợi kỷ cương là một việc, thực hành kỷ cương ấy lại là việc khác, và quả nhiên từ nói đến làm bao giờ cũng có khoảng cách. Mong rằng quỷ dữ chết đi cho rồi, vì tớ chẳng muốn mỗi khi nói cứ phải cắn đầu lưỡi để suy nghĩ cho chín chắn. Tớ cũng chẳng muốn tuôn ra những lời nhã nhặn ở đằng sau tấm mành này, nơi tớ chỉ làm cái việc ca ngợi cái quyết định cao thượng của mình mà chẳng được ai chứng kiến. XIPIONG: Theo như điều cậu nói, Becganxa ạ, nếu đằng ấy là người hẳn đằng ấy sẽ là một tên đạo đức giả và tất cả những lời và việc đằng ấy nói và làm đều là những lời nói suông, là sự lừa bịp và dối trá, được cái áo đạo đức che ngoài. Và rồi đằng ấy làm cốt để người ta ca ngợi như tất cả những tên đạo đức giả khác đã từng làm. BECGANXA: Bây giờ tớ không biết lúc ấy tớ sẽ hành động như thế nào. Có điều tớ biết chắc là lúc này tớ không muốn cứ phải cắn đầu lưỡi trước khi nói, rằng tớ không muốn nói thoải mái vì còn biết bao điều cần phải nói, tớ không biết đến khi nào nói hết và hơn nữa tớ sợ rằng khi mặt trời mọc chúng ta vẫn ở trong bóng tối, vẫn chưa nói hết chuyện với nhau. XIPIONG: Thôi, điều tốt hơn hết ta nên phó mặc cho ông trời. Đằng ấy hãy tiếp tục câu chuyện của mình và hãy đi vào mạch chính của chuyện, chớ có sa lầy vào những đoạn bình luận ngoại đề. Nếu làm được như thế thì dù câu chuyện có dài đằng ấy vẫn kết thúc nhanh được. BECGANXA: Vậy là do tớ đã tận mắt nhìn thấy bọn người da đen hèn đốn này lạm dụng lòng tin của chủ để ăn cắp nên tớ đã quyết định bằng tất cả các biện pháp tốt nhất phải ngăn cản việc làm hèn hạ ấy. Quả nhiên là tớ đã làm được. Tớ bước ra với mưu đồ được chuẩn bị sẵn. Cô gái da đen xuống cầu thang để hú hí với anh thanh niên da đen kia mà lòng cô ả đinh ninh những miếng thịt, những mẩu bánh, những mẩu bơ mà cô ả quẳng cho tớ sẽ bịt miệng tớ… Ồ, Xipiong ạ, của đút có sức mạnh ghê gớm, nó có thể làm được tất cả đấy… XIPIONG: Đúng thế, chúng có sức mạnh ghê gớm. Xin đằng ấy hứng chí vừa thôi để còn tiếp tục câu chuyện. BECGANXA: Tớ nhớ rằng khi tớ theo các cậu chủ đến trường học có một câu tục ngữ la tinh nói rằng: Habet bovem in lingua (trong lưỡi có con bò. Có thể dịch tương đương với thành ngữ tiếng Việt – nén bạc đâm toạt tờ giấy). Các cậu ấy bảo nó là một câu châm ngôn. XIPIONG: Ờ, thế là đằng ấy đã trở thành một nhà la tinh học trong một giờ xúi quẩy rồi đấy. Làm sao đằng ấy chóng quên điều chúng ta vừa nói về những kẻ sính chữ trong khi nói tiếng Tây Ban Nha thường đế thêm tiếng la tinh vào lời ăn tiếng nói của họ thế nhỉ? BECGANXA: Nhưng câu thành ngữ la tinh này được tớ sử dụng rất đúng chỗ. Đằng ấy nên biết rằng những người Athen thường dùng đồng tiền vẽ hình một chú bò mộng và khi có một viên quan tòa nào đó không nói được, hoặc không làm được cái việc cần phải làm cho đúng với lẽ phải và công lý vì y bị mua rồi thì người Athen nói: “Trong lưỡi có một con bò” XIPIONG: Đằng ấy áp dụng sai câu thành ngữ la tinh ấy rồi. BECGANXA: Điều ấy chưa đủ sáng tỏ sao khi quà biếu của cô gái da đen đã chẳng bịt miệng tớ trong rất nhiều ngày, khiến tớ không muốn sủa khi cô ta xuống cầu thang để hú hí với người yêu hay sao? Vì thế tớ nhắc lại rằng của đút có sức mạnh ghê gớm. XIPIONG: Tớ chẳng đã trả lời rằng của đút có sức mạnh ghê gớm rồi sao. Và nếu bây giờ không phải là lúc chúng mình khề khà bàn tán về nhân tình thế thái thì chúng mình có thể kể ra hàng ngàn trường hợp cụ thể minh chứng cho điều nói rằng của đút có sức mạnh ghê gớm. Hơn thế nữa, nếu trời cho chúng ta có điều kiện thời gian có lẽ tớ cũng kể cho đằng ấy nghe những chuyện tương tự trong cuộc đời tớ. BECGANXA: Cầu Thượng đế sẽ thỏa mãn nguyện vọng của đằng ấy. Bây giờ xin đằng ấy lắng tai nghe nhé. Cuối cùng ý định tốt đẹp của tớ đã từ chối của đút của cô gái da đen. Một đêm trời tối như mực, cô gái ấy mò mẫm xuống cầu thang để đi tìm thú vui với anh thanh niên da đen như lâu nay vẫn làm. Tớ lẳng lặng xông đến cô ả vì tớ không muốn làm kinh động người nhà chủ, và chỉ loáng mắt tớ đã xé toang chiếc áo vá đớp vào đùi cô ta một miếng. Vết cắn ấy làm cho cô ả phải mất tám ngày nằm liệt giường mà giả vờ bị bệnh nhưng không ai biết bệnh gì. Cô ả khỏi đau. Rồi một đêm khác, cô ả lại mò mẫm xuống cầu thang đi tìm thú vui và thế là tớ lại tiếp tục cuộc chiến với người hầu gái nhưng lần này tớ không cắn mà chỉ cào khắp người cô ả làm như thể gái cào. Các cuộc ẩu đả giữa chúng tớ với nhau rất thầm lặng và bao giờ tớ cũng là người chiến thắng, còn cô gái chẳng những bị đau mà còn ngày một kém vui hơn. Nhưng cơn giận dữ của ả lại được thể hiện rõ ở bộ lông và sức khỏe của tớ. Cô ả cướp đi của tớ mẩu bánh và cả những mẩu xương thừa. Tớ bị đói và do đó lông tớ cứ rụng dần, xương hóc của tớ cứ bày ra. Nhưng dù cô ả cướp đi của tớ miếng ăn vẫn không thể cướp đi tiếng sủa của tớ. Nhưng ả da đen vẫn không chịu dừng cuộc chiến nơi đây mà còn đi xa hơn nữa. Cô ta muốn kết liễu đời tớ luôn một thể nên đã mang cho tớ một con bọt biển rán giòn và một miếng bơ. Tớ biết ngay mưu mô quỷ quyệt của ả. Tớ thấy cái món ăn ấy còn nguy hiểm hơn cả bả chó vì ai mà ăn nó sẽ bị trướng bụng và thế là rồi đời. Tớ cảm thấy mình khó mà đối mặt với một kẻ thù đê hèn như vậy và tớ thấy tốt hơn cả là phải bỏ đi nơi khác cho khuất mắt. Một ngày nọ, tớ được tháo xích và thế là chẳng cần phải cáo từ ai, tớ liên đi thẳng ra ngoài đường. Đi được khoảng trăm mét, vận xui khiến tớ gặp được cảnh sát trưởng mà tớ từng nói ở đầu câu chuyện này. Ông ta vốn là bạn chí thiết của Nicolaten Romo, chủ cũ của tớ. Người này nhận ngay ra tớ và gọi đúng tên tớ trong khi tớ cũng vừa nhận ra được ông ta. Tớ cũng có quen biết ông ta và khi ông ta gọi tớ, tớ liền chạy đến lòng đầy mừng rỡ, ngẩng cổ nhìn ông ta. Ông ta nói với hai người đi theo: “Con chó này rất được việc đấy, nó là của một người bạn chí thân tên là Nicolaten Romo. Nào, chúng ta hãy đem nó về nhà”. Hai người hầu cận rất thích thú, bảo rằng nếu là chó ngoan nết thì rất được việc cho tất cả mọi người. Bọn họ muốn dựng đứng tớ dậy để ôm về nhà nhưng ông chủ tớ bảo rằng không cần phải làm thế vì tớ quen biết ông ta, tớ sẽ đi theo ngay. Tớ quên mất chưa nói với đằng ấy rằng khi tớ bỏ trại chăn nuôi đi thì tớ được một người di gan đã gỡ lấy chiếc vòng cổ để bán đi, do đó khi về thành phố Sevida, tớ không đeo vòng cổ. Ông chủ mới này liền đeo vào cổ tớ một chiếc vòng làm bằng đồng thau sáng bóng. Xipiong ạ, giờ đây tớ cho rằng đó chính là cái vòng luẩn quẩn tượng trưng cho số phận tớ: hôm qua tớ là anh học trò, hôm nay tớ là anh lính hầu. XIPIONG: Cả thiên hạ đều như thế chứ đâu chỉ có một mình đằng ấy. Tớ thấy đằng ấy chẳng việc gì phải ca thán quá đáng về sự thăng trầm của số phận mình mà như thể giữa thằng hầu nơi lò mổ và thằng hầu trong trại lính có sự khác nhau nhiều lắm. Tớ không thể chịu những lời ca thán về số phận của những người có khát vọng trở thành vương tôn công tử mà chẳng thành. Họ có quyền gì để mà chửi bới số phận kia chứ. Họ đã nguyền rủa số phận bằng bao lời thậm tệ. Họ thi nhau chửi bới chẳng qua là để cho những ai nghe những lời nguyền rủa sẽ nghĩ rằng một ngày nào đó những người giàu có cao sang sẽ phải sống một cuộc đời bất hạnh như bọn họ. BECGANXA: Đằng ấy nói chí lý lắm. Tớ xin tiếp tục câu chuyện của mình. Ông chủ của tớ chơi thân với một thầy thư lại. Cả hai cùng sống với hai ả đàn bà thân phận hèn mọn thôi. Hai người đàn bà này có gương mặt phúc hậu nhưng lại sống buông thả và ranh ma. Hai người này làm công việc của cái lưỡi câu và chiếc cần câu để cho cảnh sát trưởng và thầy thư lại thả sức câu trên cạn theo cách thức của họ. Hai người đàn bà ăn diện đẹp mắt nhưng chỉ thoáng nhìn biết ngay họ là gái làm tiền. Họ thường xuyên lân la ở các nhà trọ của du khách. Khi thấy ở Calit hay ở Sevida có hội chợ, họ liền hí hởn tin chắc rằng họ sẽ kiếm được nhiều lời. Không một du khách nào không bị họ bám lấy. Khi thấy có du khách nào giàu có lại tỏvẻ mến mộ sắc đẹp của mình, lập tức hai người đàn bà này mật báo cho cảnh sát trưởng và thầy thư lại biết khách sạn nào du khách đến trọ. Thế rồi trong lúc du khách đang say sưa hú hí với hai người đàn bà thì cảnh sát trưởng và thầy thư lại ập tới bắt quả tang họ, khép họ vào tội trai gái tư thông bất chính, dọa sẽ bỏ tù du khách. Nhưng chẳng bao giờ du khách chịu ngồi tù vì họ không muốn để mất danh dự. Du khách đưa tiền ra để mọi chuyện êm đẹp. Cụ thể, đã xảy ra chuyện này: ả Colindre, đó là tên của ả nhân tình cảnh sát trưởng, lăn xả vào tán tỉnh một du khách. Ả ta hẹn với du khách là sẽ cùng ăn tối, rồi cùng đến ngủ qua đêm tại một nhà trọ. Sau đó Colindre mật báo cho cảnh sát trưởng biết và khi hầu như đôi trai gài vừa cởi xong xống áo thì cảnh sát trưởng, thầy thư lại, hai lính lệ và tớ cùng ập vào phòng bắt quả tang bọn họ làm chuyện bất chính. Đôi trai gái lúng túng. Thấy vậy, cảnh sát trưởng liền cường điệu thêm tội lỗi của họ, ra lệnh cho họ mặc quần áo để về đồn. Du khách sợ xanh xám cả mặt mày. Làm bộ thương người, thầy thư lại tham gia ý kiến, rồi lạy lục cảnh sát trưởng giàm hình phạt từ tù ngồi xuống nộp tiền phạt một trăm đồng rean. Du khách nhờ đưa giúp chiếc quần để ở dưới đuôi giường để lấy tiền nộp phạt. Nhưng mọi người tìm không thấy chiếc quần và sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó. Bởi vì ngay từ khi bước chân vào phòng, mũi tớ đã ngửi thấy mùi thịt lợn rất ngon khiến cho bụng tớ đã cồn cào lại càng thêm cồn cào. Tớ khịt mũi đánh hơi và thấy thịt lợn để ngay trong túi quần. Đích thị là một miếng giăm bông ngon tuyệt đang nằm trong túi quần. Để chơi khăm du khách, tớ cắp luôn chiếc quần ra ngoài đường cái rồi ngay tại đấy tớ để cả tâm hồn vào việc xơi ngon lành miếng giăm bông. Sau đó tớ trở lại căn phòng thấy người khách lạ đang dở khóc dở mếu nói rằng hãy trả lại ông ta chiếc quần vì trong đó ông ta có để năm mươi đồng escuti d’ oro in oro (tiếng la tinh nghĩa là escudo bằng vàng). Thầy thư lại nghĩ rằng Colindre hoặc hai tên lính đã ăn cắp rồi. Cảnh sát trưởng cũng nghĩ vậy, liền gọi riêng từng người đến hỏi. Không ai chịu nhận và ai cũng đổ tội cho quỷ dữ. Thấy cảnh tượng ấy tớ động lòng thương. Tớ vội trở ra chỗ vừa ăn giăm bông để nhặt chiếc quần đem về trả lại du khách. Tìm đâu cũng không thấy chiếc quần, tớ liền nghĩ rằng có ai vừa đi qua thấy chiếc quần đã nhặt đi rồi. Vì biết chắc rằng du khách này không có tiền nộp phạt, cảnh sát trưởng thất vọng. Nhưng cảnh sát trưởng vẫn chưa chịu về tay không nên đã nghĩ rằng có thể bắt chủ nhà trọ phải nộp tiền phạt thay cho du khách. Ông ta liền cho đòi chủ nhà trọ đến. bà chủ đến trong tư thế ăn mặc hở hang, hầu như khỏa thân. Vì đã nghe rõ tiếng ca thán của du khách, thấy Colindre đang ở trần khóc lóc, thấy bọn lính đang vơ vét, thấy cảnh sát trưởng đang nổi cơn lôi đình và thầy thư lại mặt đang hầm hầm giận dữ, bà chủ không thể ghìm lòng mình được nữa. Đúng là như thế! Đúng là chuyện đã xảy ra như thế khi ở đây tiếng người ồn ào khiến cho tình hình đã rối ren lại càng thêm rối ren hơn. Lúc này bà chủ nhà trọ nói: “Thưa thầy cảnh sát trưởng và thầy thư lại, các thầy đừng nên đối xử với tôi như vậy vì tôi hiểu rõ mọi chuyện ở đây. Các thầy đừng có ăn nói hống hách trước mặt tôi. Các thầy nên ngậm miệng lại và cút đi. Nếu không tôi mà nổi đóa lên thì các thầy đừng có trách. Tôi sẽ đưa ra ánh sáng tất cả bọn trộm cắp trong chuyện này. Tôi biết rất rõ bà Colindre là ai rồi và tôi biết rằng bà ấy là kẻ đồng lõa với thầy cảnh sát trưởng. Các thầy đừng để tôi phải nói ra hết thì dơ lắm. Tốt hơn hết là các thầy trả lại cho người khách lạ này số tiền bị mất và đừng có mà động chạm tới tôi vì tôi là một người đàn bà chính chuyên, có chồng hẳn hoi, được cưới cheo tử tế với a perpenan rei de memoria (tiếng la tinh nghĩa là giấy giá thú). Lạy chúa tôi, tôi hành nghề này với lương tri trong sạch và cái nghề này chẳng làm thiệt hại cho ai. Nhà trọ của tôi có biển treo đàng hoàng, cả bàn dân thiên hạ ai ai cũng nhìn thấy. Đừng có mà sinh sự với tôi vì lạy Chúa, tôi cũng biết phủi cho người mình hết bụi. Tôi là người để cho các cô gái kia theo lệnh của tôi mà mang người tình đến đây. Bọn họ có chìa khóa phòng trọ và tôi chẳng phải là người tò mò để mà rình rập xem trai gái họ làm gì!”. Các ông chủ của tớ cứ đứng đần ra nghe bài “diễn văn” của bà chủ nhà trọ mà sửng sốt trước tất cả những điều bí mật trong đời tư của mình bị bà ta đưa ra ánh sáng. Nhưng các ông chủ tớ vì thấy không có thể noi tiền của bất kỳ ai trừ bà chủ nhà trọ cứ một mực ra lệnh đưa bà ta về giam trong nhà tù. Bà chủ nhà trọ lu loa kêu trời bất công đã để cho cảnh sát trưởng muốn làm gì thì làm trong lúc ông chồng hiệp sĩ của bà ta vắng nhà. Người khách lạ thì gào rống lên đòi trả lại số tiền năm mươi đồng escuti d’ oro in oro. Đám lính lệ cãi lại rằng họ không nhìn thấy quần áo của người khách lạ vả lại Chúa không cho phép họ làm điều bất lương ấn. Thầy thư lại vẫn ngậm miệng suốt từ nãy giờ liền cùng cảnh sát trưởng khám xét quần áo của Colindre vì thầy nghĩ có thể cô ta cầm số tiền năm mươi đồng escuti d’ oro in oro, vì cô ta vốn có thói lần hầu bao của những người ăn nằm với mình. Colindre nói rằng người khách lạ kia say rượu và số tiền năm mươi đồng escuti kia là không có thật, chẳng qua vì say rượu nên lão đã bịa ra. Quả thật khung cảnh trong phòng lúc này hỗn loạn tiếng gào thét, tiếng thề thốt. Không có cách nào có thể dẹp được cảnh ấy và quả nhiên nó sẽ không lặng đi nếu viên thiếu úy Asixtente lúc ấy không kịp thời bước vào phòng. Viên thiếu úy này đang làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ các khách trọ trong nhà trọ này, nghe thấy tiếng người cãi lộn đã đến đây. Thiếu úy hỏi nguyên nhân sự cãi lộn này. Bà chủ nhà trọ liền nói mạch lạc và đầy đủ chi tiết nguyên nhân cuộc cãi lộn. Bà ta nói nữ thần Colindre (lúc này đã ăn mặc tử tế) là ai, tố cáo quan hệ bất chính giữa ả với cảnh sát trưởng, tố cáo hành động trộm cắp của bọn lính lệ vừa mới đây ở ngay trong phòng này. Bà ta tự thanh minh cho mình rằng với tình cảm cao thượng chẳng bao giờ bà ta để cho đám đàn bà bị tình nghi vào trọ ở nhà này. Bà ngợi ca đức ông chồng như một vị thánh và bảo một cô hầu gái chạy ngay về phòng ngủ của mình để lấy tờ chứng chỉ của chồng mình để ngài thiếu úy xem. Bà ta bảo viên thiếu úy hãy xem rồi sẽ biết rằng một người đàn bà có người chồng rất danh giá như thế thì không thể làm chuyện xấu xa được. Rằng nếu bà ta dùng nhà này để chứa chấp trai gái làm điều bất chính thì quả thật bà ta là con người xấu xa đến mức không thể tưởng tượng được và Thượng đế sẽ trừng phạt bà ta thật nặng. Bà ta thề rằng Chúa trời sẽ chứng giám cho bà ta xem bà ta có định kiếm lời và kiếm cơm trong cái nghề làm chủ nhà chứa không. Viên thiếu úy điên ruột vì bà ta nói quá nhiều đã ngắt lời bà ta: “Bà chị ạ, quả thật là tôi tin rằng ông chồng bà chị có chứng chỉ hiệp sĩ như bà chị đã nói. Thật ra ông ta là một hiệp sĩ chủ nhà chứ”. “Và là một nhà chứa rất danh giá” – bà ta đế thêm vào – “Và người danh giá sao lại không có bạn trong thế gian này nhỉ?”. “Không, điều tôi muốn nói không phải là thế đâu bà chị ạ. Tôi bảo bà chị hãy ăn mặc cho tử tế để đi vào nhà giam”. Cái lệnh này mới tai ác làm sao, vừa nghe xong bà chủ nhà trọ nằm lăn ra sàn nhà, tự cào móng tay vào mặt và gào toáng lên. Nhưng mặc cho chủ nhà trọ ăn vạ, viên thiếu úy vẫn bình thảnh và kiên quyết thi hành bằng được lệnh của mình: đưa chủ nhà trọ, du khách và Colindre về nhà giam. Sau đó tớ được biết rằng du khách chẳng những mất năm mươi đồng escuti mà còn phải trả thêm mười đồng lệ phí nữa. Bà chủ nhà trọ phải nộp một khoản tiền lớn hơn. Colindre cứ tự nhiên qua cửa chính mà ra đường hưởng quyền tự do của mình. Vào ngay ngày được trả tự do ấy, Colindre đã mồi chài được một thủy thủ làm công cho vị du khách kia. Ả lại mật báo cho cảnh sát trưởng và thầy thư lại để bọn họ đến lột tiền anh ta. Xipiong ạ, đằng ấy thấy đấy, từ lòng ham muốn của tớ đã nảy sinh bao chuyện kỳ quái. XIPIONG: Không, đằng ấy phải nói là từ lòng tham của các ông chủ đằng ấy thì mới đúng kia. BECGANXA: Đằng ấy hãy nghe tớ kể tiếp. Trong những chuyện tớ sắp kể ra tớ còn đả kích mạnh hơn nữa. Dù sao đi nữa tớ cũng đã trót đả kích cảnh sát trưởng và thầy thư lại rồi. XIPIONG: Nhưng xin đằng ấy nhớ cho là việc nói xấu một cá nhân không phải là không thể đồng nhất với việc nói xấu tất cả các tay cảnh sát trưởng và thư lại. Bởi trên thực tế có rất nhiều thầy cảnh sát trưởng và thầy thư lại rất tốt, rất chân thật và công bằng. Họ là bạn của mọi thú vui mà không hề làm thiệt hại tới người thứ ba. Đúng là trên thực tế, không phải tất cả các thầy thư lại đều thích gây sự, đều lộng hành, đều mưu mô bới móc đời tư người khác để tố giác họ trước pháp luật mà trục lợi, đều kết bè kết đảng với cảnh sát trưởng để làm trò. “Ngài hãy mọc râu cho tôi, tôi sẽ mọc tóc cho ngài”. Đúng là trên thực tế không phải tất cả các tay cảnh sát trưởng đều giao du với bọn du đãng, đều có nhân tình để sử dụng vào các vụ lừa đảo và trấn lột người khác. Trên thực tế có rất nhiều, rất nhiều hiệp sĩ thật sự là hiệp sĩ ngay từ trong bản chất con người họ, rất nhiều người trong số họ không sống buông thả, trác táng, không tồi bại như những kẻ đi lại các nhà chứa lấy vũ khí đe dọa các khách lạ và nếu thấy bắt nạt được họ là chúng làm tan nát cuộc đời họ. Đúng là trên thực tế có nhiều hiệp sĩ đáng kính trọng, họ là quan tòa và là luật sư khi cần thiết và khi họ muốn. BECGANXA: Ông chủ của tớ còn dữ tợn hơn. Ông ta có con đường riêng của mình. Lúc nào ông cũng tự hào là người dũng cảm có nhiều chiến tích hiển hách. Ông khoe khoang lòng dũng cảm của mình mà không hề lo cho sự an toàn tính mạng của bản thân. Nhưng việc làm ấy khiến ông nhiều phen bị hao tiền tốn của. Một ngày nọ, một mình ông đánh nhau với sáu tên du thủ du thực ở ngay cửa ô Heret. Tớ đành chịu không thể giúp ông một tay vì tớ bị dây thừng buộc ở mõm rồi. Bao giờ cũng vậy, ban ngày người ta lấy thừng buộc mõm tớ lại, ban đêm mới cởi ra. Tớ cứ đứng ngây người ra hào hứng xem trận đấu không cân sức trong đó chủ tớ được dịp phô bày toàn bộ lòng dũng cảm của bản thân. Trước sáu lưỡi kiếm múa lượn vù vù của sáu tên du thủ du thực, ông cứ lăn xả vào đánh chúng, làm như thể sáu lưỡi gươm kia chẳng khác gì sáu thanh kiếm gỗ. Thật là kỳ thú khi đứng xem sự hoạt bát của con người ông trong lúc đánh nhau: nào đâm, nào đỡ, nào rình miếng và con mắt linh lợi đầy cảnh giác khiến cho ông không bị một nhất kiếm nào đâm phải. Cuối cùng ông đã đọng lại mãi trong tình cảm thán phục của tớ, của tất cả những ai đứng xem vì họ biết rằng ông đã lôi được cả sáu tên du thủ du thực từ cửa ô Heret ra đến cổng trường Maexe Rodrigo, tức là đi xa khoảng trăm bước chân. Ông giam chúng trong trường rồi quay lại thu chiến lợi phẩm gồm ba cái túi vải. Ông mang chiến lợi phẩm về cho viên sĩ quan giúp việc xem. Nếu tớ không nhầm thì đó là cử nhân Sacmiente de Vadadret, một người nổi tiếng với việc phá hoại trại giam Sauxeda. Ông chủ tớ đi đâu là được dân chúng ở đấy nhìn theo rồi chỉ trỏ mà lòng đầy thán phục như thể họ muốn nói rằng: “Người kia là người với hai cánh tay vạm vỡ của người vùng Andaluxia đã một mình đánh nhau với sáu tên du thủ du thực đấy”. ban ngày chúng tôi đi loanh quanh khắp thành cốt để dân chúng ngắm nhìn và ngợi ca. Ban đêm chúng tôi đến tiệm Triana trên một đường phố ngay cạnh phố Molina de la Ponvora. Ông chủ bảo tớ canh chừng xem có ai nhìn thấy thì bảo cho ông biết, còn ông bước vào ngôi nhà, sau đó tớ cũng theo vào luôn. Trên sân sau một ngôi nhà này, chúng tôi gặp những thanh niên lực lưỡng, khỏe mạnh, không mặc áo măng-tô, cũng không đeo kiếm, tất cả đều phanh cúc áo. Chúng tớ còn thấy một người – có lẽ là chủ ở đây, một tay cầm cốc rượu còn tay kia cầm cái bình to đựng đầy rượu ngầu bọt, đang mời tất cả cùng uống. Hầu như vừa mới nhìn thấy ông chủ tớ thì tất cả bọn họ đều dang rộng hai cánh tay chạy đến với ông, ôm hôn và chúc rượu ông. Ông chủ tớ hỏi thăm tất cả bọn họ và còn hỏi thăm nhiều người khác nếu ông thấy họ có những điểm gần gũi mình, miễn sao tất cả đều là bạn, đều tôn trọng nhau và không làm hại người khác. Bây giờ tớ muốn kể cho đằng ấy nghe về việc họ nói chuyện với nhau, về bữa cơm tối họ cùng ăn, những vụ ăn trộm họ tiến hành, những lời bàn tán về người đàn bà mà họ có quan hệ, những người đàn bà họ được ân ái. Về những lời tán tụng của người này dành cho người kia, về những người dũng cảm hiện vắng mặt trong cuộc hội ngộ này nhưng được họ nhắc đến tên tuổi và chiến tích. Về nghệ thuật đấu kiếm được người ta bàn đến đúng lúc mà giữa bữa ăn có người đã đứng dậy khoe mấy miếng mỡ trước những miếng chém hoặc đâm cũng bằng tay, về ngôn từ hết sức cay độc họ dùng trong những lúc nói, và cuối cùng về vóc dáng của cá nhân người chủ ngôi nhà mà tất cả mọi người đều phải kính nể, coi như cha đẻ của mình. Nếu nói tất cả những chuyện ấy thì có khác gì tớ lạc vào một mê cung khó có thể tìm được lối ra khi muốn ra. Cuối cùng tớ hiểu được rằng vị chủ nhà vẫn được gọi tên là Monipodio, là người che chở cho bọn trộm cắp và là chỗ dựa cho bọn du thủ du thực. Cuộc thương lượng lớn của ông chủ tớ đã giành được thắng lợi: trước tiên ông làm mọi người hâm mộ và vị nể, sau đó là việc ông rút lui an toàn và cuối cùng ông để lại những chiếc túi của sáu tên du thủ du thực ở đây. Ông chủ tớ đã dùng chúng vào việc trả tiền cho bữa ăn tối của tất cả những ai có mặt. Bữa ăn tối kết thúc vào lúc trời sắp sáng và ai nấy cũng hể hả ra về. Vào lúc ăn tráng miệng, ông chủ tớ được tin về một tên du thủ du thực lạ mặt vừa mới tới thành phố này. Họ bảo rằng có lẽ y là người dũng cảm hơn bọn họ và vì ghen tức mà họ mách cho ông chủ tớ biết. Ông chủ tớ định đến hôm sau sẽ lột hết tiền của y ngay trong lúc y còn trần truồng trên giường nằm trong nhà chứa. Còn nếu như y vẫn mặc nguyên quần áo thì sao? Trong thái độ của ông chủ, tớ thấy rất rõ ngài đang run sợ. Nhưng xin đằng ấy hãy bình tĩnh và bây giờ hãy nghe một chuyện đã xảy ra với ông chủ tớ mà tớ không hề thêm bớt một tí nào. Có hai tên trộm đã đánh cắp được một con ngựa quý ở Antekere. Chúng mang nó đến Sevida và để có thể bán nó trót lọt và dễ dàng chúng dùng một thủ đoạn mà theo tớ vừa khôn khéo vừa thận trọng. Chúng đến trọ tại các nhà trọ khác nhau. Một đứa đến công đường kiện rằng Pedro de Losada nợ y bốn trăm đồng rean chưa trả, và để làm bằng chứng, y trình lên một văn tự có chữ ký của Pedro de Losada. Thiếu úy Axixtente phán rằng tên Losada kia phải công nhận văn tự cùng chữ ký là của y và nếu y thừa nhận đó là văn tự do y làm thì sẽ tịch thu tài sản hoặc sẽ bị bỏ tù. Ngài giao việc kiểm tra này cho ông chủ tớ và thầy thư lại bạn thân của cảnh sát trưởng. Tên ăn trộm liền dẫn họ đến nhà trọ của tên kia và ngay lập tức y thừa nhận chữ ký của mình và thú nhận món nợ chưa trả được, rồi y chỉ con ngựa quý là tài sản duy nhất của mình mà nhà chức trách có thể tịch thu được. Vừa nhìn thấy con ngựa, ông chủ tớ nổi máu tham ngay và nói rằng sẽ mua nó nếu tên kia chịu bán. Tên ăn trộm bất chấp pháp luật đã nhận bán ngay. Con ngựa được đem bán đấu giá và người đặt cao nhất là năm trăm đồng rean lại chính là người được ông chủ tớ bố trí trước. Thật ra con ngựa này có thể còn được trả giá cao gấp đôi nhưng vì cần phải bán vội nên nó chỉ được giá ấy thôi. Kết quả của vụ mua bán này là, tên ăn trộm đi kiện thu lại được tiền nợ vốn y không hề có, tên bị cáo nhận tờ thanh toán nợ vốn y không cần và ông chủ tớ có được con ngựa. Nhưng con ngựa này còn làm hại ông hơn cả con ngựa Sedano (một con ngựa trong huyền thoại Tây Ban Nha, nếu ai cưỡi nó thì sẽ bị thiệt mạng) đối với chủ nó. Bọn ăn trộm liền chuồn đi nơi khác. Sau hai ngày lo sửa sang lại yên cương và bổ sung những thứ trang bị mà con vật còn thiếu, ông chủ tớ ngạo nghễ cưỡi ngựa tiến ra quảng trường Phrangxixco, một quảng trường gồ ghề những mô đất và xoàng xĩnh hơn cả quảng trường ở các làng quê. Mọi người tấm tắc khen ngợi và chúc mừng ông chủ tớ mua được con ngựa quý giá quá hời, bởi vì họ khẳng định rằng con ngựa này nếu mua đúng giá phải hết một trăm năm mươi đồng ducado. Còn ông chủ tớ lượn đi lượn lại quanh con vật mà hết lời ca tụng những ưu việt của nó như thể ông đang đứng trên sân khấu ngắm một bài tráng ca. Trong lúc mọi người xúm quanh con vật thì có hai người đàn ông tư thế chững chạc, ăn mặc sang trọng bước tới. Một người lên tiếng nói: “Ôi, lạy chúa! Con ngựa ki đích thị là con Piedehiero, con ngựa của tôi vừa bị mất trộm ở Antekera cách đây mấy hôm”. Những người đi cùng với ông (vốn là bốn thằng ở) đều đồng hành khẳng định rằng đúng thế, rằng nó là con ngựa Piedehiero rồi, đúng là con ngựa của ông chủ bị người ta ăn trộm rồi. Ông chủ tớ đứng thẫn thờ đầy ngạc nhiên. Người chủ cũ cứ nhận con ngựa này là của mình. Ông chủ tớ cứ nhận nó là của ông. Hai bên tranh cãi nhau, cùng đưa ra những bằng chứng nhưng người chủ đích thực của con ngựa đã đưa ra những bằng chứng đúng đắn và xác thực hơn cả. Cuộc tranh cãi kết thúc có lợi cho người chủ con ngựa, còn ông chủ của tớ bị tước mất con ngựa. Ông chủ tớ hiểu ra rằng mình đã mắc bợm bọn ăn trộm và thán phục mưu mẹo của chúng. Chúng đã biết lợi dụng bàn tay những người thừa hành pháp luật để bán trót lọt của ăn cắp. Còn hầu như cả thiên hạ đều lấy làm hả lòng hả dạ vì thấy lần đầu tiên hành động đê hèn của ông chủ tớ đã bị lộ tẩy. Nhưng nỗi bất hạnh của ông ta không dừng lại ở đây. Một đêm, đích thân thiếu úy Axixtente đi tuần vì trước đó có người báo cho ngài biết tin: bọn ăn trộm đang hoạt động tại các xóm ở khu Xăng Hulian. Vào lúc đi đến một ngã tư đường, đoàn tuần tra đêm thấy có một bóng đàn ông đang chạy. Lập tức thiếu úy Axixtente thả tớ ra, chỉ cái bóng người đang chạy kia, xuỵt cho tớ đuổi theo; “Kẻ trộm, Gavilang! Gavilang! Bắt lấy kẻ trộm”. Vì đã ngấy những trò ranh ma của ông chủ và vì để thi hành mệnh lệnh của ngài Axixtente, tớ đã đuổi theo cái bóng kia mà đó đích thực là ông chủ của tớ và tớ không để cho ông ta kịp đề kháng, đã vật đổ ông ta xuống đất. Nếu như người ta không đến kịp, không kịp lôi tớ ra thì tớ đã trừng phạt đích đáng ông ta. Bọn họ phải vất vả lắm mới lôi ra được. Bọn lính lệ muốn trừng phạt tớ và có lẽ muốn giết tớ nữa chứ chẳng đùa. Bọn họ dùng gậy gộc sắp sửa đánh tớ thì thiếu úy Axixtente ngăn họ lại, nói: “Không được ai đánh nó vì con chó này đã làm theo mệnh lệnh của ta”. Thiếu úy đã hiểu được âm mưu thâm độc của bọn lính. Còn tớ, tớ cũng hiểu rồi. Thế là một ngày nọ tớ chẳng thèm từ giã một ai, theo một chỗ tường thủng chui ra khỏi trại lính, đi thẳng một mạch ra cánh đồng đến một địa điểm cách Sevida chừng bốn dặm. Vận may của tớ muốn tớ gặp một đoàn quân đang tập trung ở đây để chuẩn bị đi đến thành Cactahena, người ta đồn vậy. Trong đội quân này có bốn tên du thủ du thực vốn là bạn chí cốt của các bạn ông chủ cũ của tớ. Và người lính đánh trống lại là một lính lệ trong công đường của thiếu úy Axixtente và là một người hay tếu giống như tất cả các tay lính đánh trống khác mà thôi. Tất cả đều nhận ra tớ. Tất cả đều nói chuyện với tớ, làm như thể tớ biết nói tiếng người. Trong số họ, người lính đánh trống thể hiện rõ nhất lòng ưu ái và mến một tớ nên tớ quyết định lúc nào cũng ở bên ông ta. Nếu ông ta muốn đưa tớ đến Ý hoặc Phần Lan, tớ cũng đi vì tớ nghĩ, và có lẽ đằng ấy cũng nghĩ như thế, rằng quả là chí lý câu tục ngữ này: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, có nghĩa là việc đi lại các miền đất khác nhau và giao du với đủ mọi hạng người sẽ làm cho ta khôn ra nhiều. XIPIONG: Becganxa ạ, điều đó rất đúng. Tớ nhớ rằng tớ nghe ông chủ cũ của tớ, một người rất tốt, nói rằng sở dĩ Ulise, người Hy Lạp nổi tiếng, được gọi là người cẩn trọng vì ông ta đã đi khắp các miền đất đai và giao tiếp với đủ hạng người và một số dân tộc khác. Vì vậy tớ hoàn toàn tán đồng ý định của đằng ấy, sẽ đi đến nơi nào mà họ đưa đằng ấy đến.