BECGANXA: Những ngày tớ sống với bọn digan, tớ hiểu được những thói xấu, những trò lừa đảo và bịp bợm của họ, cả những vụ ăn trộm mà bọn họ làm ngay từ khi thôi không quấn tã lót và mới chỉ lẫm chẫm biết đi. Đằng ấy đã thấy bọn họ đông đúc, ồn ào có mặt ở khắp đất nước Tây Ban Nha chưa nhỉ? Tất cả bọn họ đều quen biết nhau, đều liên hệ tin tức với nhau và chuyển đổi cho nhau những thứ lấy trộm được. Bọn họ đều phục tùng tuyệt đối một vị hoàng đế của họ mà họ gọi là Bá tước, người này còn có một tên hiệu là Mandonado. Họ gọi như vậy không phải vì ông ta xuất thân từ một dòng họ quyền quý mà chỉ là một thằng hầu cũa một công tử có cái tước hiệu đó. Thằng hầu này yêu một cô digan và cô gái đòi anh ta phải làm một người digan thì cô ta mới đáp lại mối tình của anh ta. Thằng hầu liền làm theo yêu cầu của cô gái và lấy cô làm vợ. Sự kiện ấy làm vui lòng tất cả bọn digan. Bởi thế bọn digan suy tôn anh ta làm thủ lĩnh của mình và đều chia của ăn trộm cho anh ta. Để che dấu cái cuộc sống ăn không ngồi rồi của mình, họ làm nghề rèn sản xuất ra các công cụ tiện lợi cho nghề trộm cắp. Bởi thế, đằng ấy thấy bọn đàn ông đem bán nào kìm, nào mũi khoan, nào búa, còn bọn đàn bà thì đem bán nào là bàn ba chân, nào quạt lò. Bọn đàn bà này đều biết đỡ đẻ và họ đỡ khéo lắm, khéo hơn cả đàn bà Tây Ban Nha. Chỉ một thoáng thôi, chẳng vất vả gì cả, họ đã đỡ xong và họ tắm đứa hài nhi trong nước lạnh. Vì thế mà tất cả bọn digan đứa nào cũng da ngăm đen chứng tỏ rằng họ từng nếm trải mùi cay đắng mà ông trời đã thử thách họ. Có lẽ vì thế mà đằng ấy sẽ thấy bọn họ ai cũng xông xáo, vui nhộn, hay nói bông đùa và nhảy múa rất tuyệt. Bọn digan chỉ lấy người đồng bọn vì họ không muốn những mưu mẹo cũng như những thói tật của mình lộ ra ngoài. Các cô gái digan luôn luôn thờ chồng, giữ gìn thể diện cho chồng và rất ít cô ngoại tình với người khác. Khi họ phải đi ăn xin thì họ pha trò và làm ảo thuật để người ta bố thí chứ họ không van xin. Còn khi họ viện đến tình cảnh nghèo khó thì không một ai tin và cho rằng đó là một lũ lười nhác và không ai đi bố thí cho kẻ lười nhác. Rất ít khi hoặc chưa lần nào, nếu tớ nhớ không nhầm, tớ nhìn thấy con gái digan vào làm lễ kiên tin ở nhà thờ, vì tớ nhiều lần vào nhà thờ xem hành lễ. Những suy tư của họ đều tập trung vào việc nghĩ làm thế nào để lừa bịp người và nên ăn trộm ở đâu. Bọn họ thường khoe với nhau đã ăn trộm ở đâu và làm thế nào để lấy trộm được. Nhờ vậy, một ngày nọ, ngay trước mặt tớ, một gã digan kể lại cho đồng bọn nghe vụ gã lừa và lấy trộm con lừa của một bác nông dân. Gã digan này có một con lừa cụt đuôi và gã làm cho nó một bộ lông dài mượt y hệt đuôi thật. Gã dắt lừa ra chợ và một bác nông dân mua nó với mười đồng ducado. Khi nhận tiền của bác nông dân, gã liền gạ xem bác có mua nữa không vì gã hãy còn một con lừa cùng mẹ với con này nhưng quý hơn con này và gã bán giá cao hơn. Bác nông dân bảo gã là hãy đi mang con lừa ấy đến để bác mua và nhân tiện hãy mang luôn con lừa vừa bán xong đến quán bác trọ. Bác nông dân đi, gã digan đi theo sau. Vì gã đã âm mưu ăn trộm con lừa gã vừa bán xong cho bác nông dân nên ngay lúc đó gã tháo bộ lông giả và thế là con lừa có đuôi trở thành con lừa cụt đuôi. Gã thay chiếc ghế thồ hàng, thay luôn cả hàm chiếc và gã dắt con lừa đến bán cho bác nông dân. Thoạt đầu, bác nông dân cảm thấy nó giống con vừa mới mua nhưng vẫn bỏ tiền ra mua nữa. Khi trở về nhà trọ để trả tiền thuê phòng, bác nông dân chỉ thấy độc một con lừa. Vì thấy con lừa này quá giống con lừa trước, bác nông dân nghi gã digan ăn trộm của mình mất một con nên bác định không trả tiền. Gã digan liền tìm nhân chứng và gã dẫn đến những người từng muốn mua con lừa cụt đuôi và họ làm chứng rằng gã digan đã bán con lừa có lông đuôi dài, khác hẳn con lừa gã bán lần thứ hai. Giữa lúc cảnh sát trưởng đến và y liền đứng về phía gã digan phân xử như sau: bác nông dân phải trả tiền mua lừa cho gã digan. Như vậy là bác nông dân mua một con lừa mà phải trả hai lần tiền. Bọn họ còn kể nhiều vụ trộm, đặc biệt là ăn trộm gia súc và họ tỏ ra là những người lành nghề. Tóm lại, bọn digan là bọn người xấu. Dù có nhiều vị chánh án cẩn trộng đã ra tay trừng trị bọn digan nhưng họ vẫn chứng náo tật ấy, không hề ân hận và sửa chữa. Hai mươi ngày sau, bọn digan này định đưa tớ tới Mucxia. Vì thế tớ lại có dịp đi qua Granada. Tại đây có mặt viên đại úy chỉ huy đoàn quân trong đó có người lính đánh trống vốn là chủ của tớ. Vì quen biết viên đại úy này, bọn digan liền giấu tớ trong phòng trọ. Tớ nghe bọn họ nói chuyện và biết được lý do họ đến Mucxia và tớ hiểu rằng chuyến đi đến Mucxia chẳng tốt lành gì nên tớ quyết định phải chạy trốn bọn người này thôi. Tớ làm theo ý định ấy. Vừa ra khỏi Granada, tớ liền gặp ngay một trang trại của người Mo (cư dân sống ở Bắc Phi, từng thống trị lãnh thổ Tây Ban Nha. Sau khi ách thống trị của người Mo bị người Tây Ban Nha đánh đổ, người Mo vẫn ở lại sinh sống ở đây). Chủ nhà niềm nở đón tiếp tớ và tớ ở lại với ông ta vì tớ thấy hình như ông ta muốn giữ tớ lại để trông nom vườn tược, một công việc theo nhận biết của tớ, sẽ nhẹ nhàng và đơn giản hơn công việc trông nom đàn gia súc. Hơn nữa, trong công việc này, ở đây không có sự mặc cả về tiền lương nên ông chủ người Mo dễ dàng chấp nhận việc nuôi tớ và tớ cũng dễ dàng bằng lòng trông nom vườn tược và yêu quý ông ta. Tớ ở được với ông người Mo này chừng một tháng không phải vì tớ thích cuộc sống này mà vì thông qua việc sống trực tiếp với môt người Mo, tớ muốn biết thêm được cuộc sống, phong tục của tất cả người Mo sống trên đất Tây Ban Nha. Ôi, Xipiong thân mến, làm sao có thể nói với đằng ấy bao sự kiện tớ từng nhìn thấy trong hai tuần. Nếu kể lể chi tiết tớ e phải mất hai tháng. Nhưng quả thật là tớ cần phải kể cho đằng ấy nghe nhưng xin đằng ấy vui lòng với việc tớ nói nét chugn nhất về những gì tớ nhìn thấy và ghi nhận được. Hãn hữu lắm người ta mới thấy một người Mo tin vào luật lệ thiêng liêng của đạo Thiên chúa. Tất cả những người Mo này đều nghĩ cách làm ra tiền và lo tích lũy tiền. Và để có tiền, họ lăn lưng ra làm việc mà không ăn tiêu. Nếu vi phạm quyền lợi của nhau thì họ tự khắc sẽ bỏ tù hoặc đày vĩnh viễn vào trong bóng tối kẻ nào gây thiệt hại. Nhờ cung cách làm ăn lúc nào cũng thu về tiền bạc và không tiêu xài, họ đã ky cóp rất nhiều tiền bạc. Có thể nói họ đã chiếm giữ hầu hết số tiền hiện có trong nước Tây Ban Nha. Tiền bạc là mục đích sống của họ, là cuộc chiến sinh tử của họ, đồng thời tiền bạc cũng là cái dẫn họ đến sự khánh kiệt. Họ đạt được mục đích có nhiều tiền rồi cất giấu tiền, để một ngày đồng tiền nuốt chửng họ. Đằng ấy nên biết rằng người Mo rất đông, ngày nào họ cũng kiếm được nhiều tiền, rồi họ cất giấu tiền của để rồi họ chết dần chết mòn đi. Vì họ ngày một sinh sôi nảy nở nên chỗ để họ chôn giấu của cải cũng ngày một nhiều. Giữa họ với nhau, không bao giờ họ tôn trọng đạo đức, nghĩa hiệp cả. Bọn họ, đàn ông cũng như đàn bà, không bao giờ đến nhà thờ. Bọn họ lấy lẫn nhau, thi nhau đẻ con vì việc sống một cách kiêu hãnh và cách là tăng thêm nhanh chóng nòi giống của họ. Chiến tranh cũng không hủy diệt được họ. Quân đội vất vả nhiều nhưng cũng không tiêu diệt được họ. Bọn họ ăn trộm của chúng ta một cách thật nhẹ nhàng như không. Họ đem tài sản thừa kế của cha ông chúng ta bán lại cho chúng ta và thế là họ trở nên giàu có Bọn họ không nuôi người ở vì họ tự phục dịch lấy và không chịu tiêu tiền cho con cái đến trường học vì khoa học của họ chỉ là thứ khoa học ăn cắp, làm thế nào để ăn trộm của chúng ta càng nhiều càng tốt. Từ nười hai người con của cụ Giado lưu lạc vào đất Hy Lạp và khi bị hoàng đế Moisea đuổi đi, con cháu cụ lúc ra khỏi đất Hy Lạp đã có tới sáu trăm ngàn tráng đinh, không kể đàn bà và trẻ em. Một sự sinh sản ghê gớm đến mức không một sự sinh sản này giống người nào có thể sánh kịp. XIPIONG: Biện pháp để tiêu diệt những đau thương mà đằng ấy chỉ ra đã được người ta tìm kiếm trong bóng tối. Tớ biết rằng những đau thương đằng ấy chưa nói còn khủng khiếp hơn những cái đằng ấy kể ra. Nhưng nước Tây Ban Nha còn có những người thận trọng và lo xa cho rằng Tây Ban Nha đã nuôi trong lòng mình quá nhiều rắn độc như cái bọn người Mo này. Những con người cẩn trọng và lo xa này qua những đau thương sẽ tìm ra lối thoát cho Tây Ban Nha. Vậy đằng ấy hãy tiếp tục câu chuyện của mình đi. BECGANXA: Vốn keo kiệt như tất cả những người Mo keo kiệt khác, ông chủ tớ đem bánh hạt kê và một vài mẩu bánh mì chia ra cho tớ ăn và cả ông ta cũng ăn như vậy. Nhưng cuộc sống khốn nạn này giúp tớ mang vác cả ông trời trên vai một cách nặng nhọc giống hệt trường hợp tớ sẽ kể sau đây. Mỗi buổi sáng thức dậy, cùng với lúc mặt trời hừng đông, một chàng trẻ tuổi đã ngồi ngay dưới gốc cây thạch lựu – trong vườn trồng nhiều cây thạch lựu mà – thoạt mới nhìn tưởng chàng ta là một anh học trò, vận quần áo dạ. Chàng ta đang chăm chú viết trên một chiếc cặp, thỉnh thoảng vỗ tay lên trán rồi cắn móng tay mắt ngước lên nhìn trời xanh. Lần khác, chàng ta lại quá ưu tư đến mức không nhúc nhích tay chân, cũng không nháy mi mắt. Đó là cái cách thức chàng ta đang say sưa tìm ý thơ. Tớ nghe thấy chàng ta đang thầm thì đọc như người niệm chú, rồi bỗng nhiên chàng ta đọc to lên: “Thượng đế muôn năm. Đây là khổ thơ tuyệt mỹ mà ta đã làm được trong đời”. Rồi chàng ta vội vàng viết ngay lên cuốn vở viết tay, lòng đầy hân hoan. Tất cả những điệu bộ ấy giúp tớ hiểu ngay ra anh chàng là một nhà thơ. Tớ liếm chân chàng ta để biểu thị rằng tớ là con chó ngoan nết. Tớ nằm ngay dưới chân chàng ta. Còn chàng ta, yên chí tớ là con chó ngoan, tiếp tục suy tư tìm ý thơ và lời thơ, lại vò đầu bứt tóc, lại húy hoáy viết điều anh chàng vừa nghĩ ra. Giữa lúc ấy, một chàng trẻ tuổi khác bước vào vườn cây. Chàng này điệu bộ hơn, bảnh bao hơn, tay cầ mấy tờ giấy, vừa đi vừa đọc. Chàng này cũng đến bên chàng thi sĩ và nói: “Anh đã kết thúc màn đầu chưa?” – “Bây giờ tôi sắp kết thúc rồi. Đó là một màn tuyệt vời mà tôi có thể nghĩ ra đượcc” – thi sĩ trả lời. “Bằng cách nào hả?” – người mới đến hỏi – “Bằng hình thức này – thi sĩ trả lời – Đức Giáo hoàng mặc phục lễ giáo hoàng cùng với mười hai đức hồng y giáo chủ, tất cả các vị này đều mặc áo màu tím sẫm bởi vì khi xảy ra sự kiện mà vở kịch tôi viết chính là lúc mutatio caparum (tiếng La Tinh), trong đó các đức hồng y giáo chủ không mặc áo màu đỏ mà chỉ mặc áo màu tím thẫm. Tôi nghĩ rằng đây là hình thức thuận lợi để thể hiện sự kiện thật nổi bật trong vở kịch và nhờ vậy tôi sẽ đưa vào những pha gây cười rất tuyệt. Tôi cũng tin rằng tôi không thể sai trong việc để các hồng y giáo chủ mặc áo màu tím sẫm vì tôi đã đọc kỹ các tài liệu y phục thời La Mã” – “Vậy anh bạn muốn ông chủ nhà hát của tôi lấy đâu ra áo thụng màu tím sẫm cho mười hai đức hồng y giáo chủ hả?”, người kia hỏi – “Vậy nếu tước mất của tôi, dù chỉ một chi tiết ấy thôi, th2i vở kịch của tôi còn ra thể thống gì nữa?” thi sĩ trả lời – “Chả lẽ người ta lại bỏ mất cái chi tiết bề ngoài quan trọng này sao. Bạn hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra ở nhà hát kịch khi ột Đức Giáo hoàng cùng mười hai vị hồng y giáo chủ và các vị chức sắc theo sau mà lại không mặc áo màu tím sẫm kia chứ. Lạy chúa, nếu các hồng y giáo chủ mà mặc áo màu tím sẫm như tôi nghĩ thì cảnh tượng sẽ vui và đẹp mắt biết bao, còn đẹp hơn cả cảnh tượng vở Raidele Daraha chứ chả đùa đâu”. Đến đây thì tớ hiểu rõ ràng rằng một người là thi sĩ, một người là kép hát. Kép hát khuyên thi sĩ nên cắt bỏ cái cảnh nói đến các hồng y giáo chủ nếu như thi sĩ không muốn gây khó dễ cho chủ nhà hát dựng vở kịch này. Thi sĩ cảm ơn kép hát về lời khuyên chân thành kia và thi sĩ nói thêm rằng thi sĩ sẽ không bê nguyên xi cuộc hội tuyển cử giáo chủ vốn cùng xảy ra với sự kiện nổi bật à thi sĩ muốn khắc sâu vào tâm trí người xem vở kịch này. Kép hát cười, rồi bỏ đi để cho thi sĩ được yên tĩnh trong lúc sáng tác. Kép hát cũng phải trở về với công việc của mình: học cho thuộc vai mình sẽ sắm trong một vở kịch mới. Sau khi viết thêm được một số câu thơ cho vở kịch tuyệt tác của mình, thi sĩ thong thả lấy từ trong túi quần ra mấy mẩu bánh cứng và khoảng độ vài chục quả nho khô. Cũng chỉ có ngần ấy thôi, thế mà lúc đầu tớ tưởng phải nhiều nho khô lắm, vì tớ thấy túi quần cứ nổi cộm lên. Thi sĩ phủi cho sạch bụi bám vào những mẩu bánh cứng kều, rồi bẻ vụn ra cùng ăn với nho khô, kể cả cuống khô còn bám vào quả bởi vì tớ không thấy ông ấy nhằn bỏ một cuống nào. Thi sĩ ăn nho khô cùng với bánh cứng hy vọng để nuốt trôi bánh nhưng tớ thấy thi sĩ nhai trệu cả răng mà vẫn không nhá vỡ mẩu bánh cứng, buộc phải nhổ đi. Thi sĩ bèn cho tớ những mẩu bánh cứng và trong lúc ném cho tớ, thi sĩ nói: “Tô! Tô! Hãy ăn đi con. Chớ có bỏ phí của trời”. Tớ đớp lấy miếng bánh và nghĩ: “Ôi chao, cái chàng thi sĩ này khiến mình ngạc nhiên biết bao trước những lời người ta vẫn nói rằng thi sĩ luôn luôn được các thần và thần thi ca trên trời che chở và nâng đỡ”. Tóm lại cái phần lớn nhất của nỗi bất hạnh trên đời này là sự nghèo khốn của thi sĩ. Nhưng nỗi bất hạnh còn lớn hơn thế nữa chính lại là cái đói đang cồn cào trong bụng buộc tớ phải ăn món ăn mà thi sĩ không thể nào ăn được. Trong lúc sáng tác vở kịch, thi sĩ không hôm nào không đến vườn nho và do đó tớ không thiếu những mẩu bánh cứng bởi vì thi sĩ chia sẻ với tớ một cách tự nhiên. Sau khi ăn xong chúng tớ đến giếng nước. Tớ thì quỳ chân xuống uống, còn thi sĩ thì lấy tay vốc nước mà uống. Nhưng sau khi sáng tác xong vở kịch, thi sĩ không hề đến vườn nữa. Tớ bị đói bụng khủng khiếp. Vì vậy, tớ quyết định bỏ nhà để đi vào thành phố tìm kiếm hạnh phúc. Người nào đi tìm hạnh phúc người ấy sẽ gặp tớ, tớ nghĩ thế nên đã liều bỏ đi. Vừa bước chân vào thành phố, tớ đã nhìn thấy nhà thơ của tớ từ trong Tu viện thánh Heronimo nổi tiếng bước ra. Khi thấy tớ, thi sĩ cũng dang rộng hai cánh tay về phía tớ và tớ cũng đi về phía thi sĩ, lòng đầy hân hoan được gặp lại thi sĩ. Ngay lập tức, thi sĩ lấy bánh bẻ ra thành từng mẩu và trong lúc nhét bánh vào mõm tớ, thi sĩ cũng liên tục nhét bánh vào mồm mình. Nhờ có những mẩu bánh này, cơn đói không khủng bố cái bụng tớ nữa. Những mẩu bánh mềm mại ngon lành và việc tớ nhìn thấy thi sĩ từ trong tu viện bước ra khiến tớ ngờ rằng thi sĩ cũng có các nữ thần bẽn lẽn như hầu hết các nhà thơ vẫn có. Thi sĩ đứng dậy và đi vào thành phố, tớ cũng đứng dậy đi theo sau và định bụng sẽ nhận thi sĩ làm chủ nếu thi sĩ muốn. Vì nghĩ rằng của thừa của thi s4i cũng đủ nuôi sống mình bởi vì không cái túi nào lớn hơn và tốt hơn cái túi nhân phẩm mà đôi bàn tay hào hiệp của nó không bao giờ keo kiệt. Do đó, tớ không bằng lòng với câu tục ngữ nói rằng kẻ giàu có mà keo kiệt vẫn cho nhiều hơn kẻ rớt mồng tơi. Câu tục ngữ ấy hàm ý rằng kẻ giàu có mà keo bẩn vẫn có thể cho một vài thứ, trong khi đó người nghèo vì không có gì để cho, họ ch3i có thể cho ước mơ hão huyền mà thôi. Chúng tớ đi mãi rồi cũng dừng chân tại nhà một tay chủ gánh hát tên là Angulo – kẻ xấu bụng – không phải là ông Angulo, một diễn viên, một người vui tính nhất lúc ấy và là người có kịch bản. Angulo kẻ xấu bụng tập hợp toàn thể diễn viên lại để nghe vở kịch của ông chủ tớ. Khi đọc đến khúc giữa màn đầu, cứ hai diễn viên một, lần lượt bỏ ra ngoài cho đến khi trong phòng nghe chỉ còn lại chủ nhà, thi sĩ và tớ. Vở kịch nhạt nhẽo đến mức như thế đấy, ngay cả tớ dù có là con lừa trong việc nghe thơ đi nữa tớ cũng biết là vở kịch này đã được quỷ satang sáng tác ra để làm cho thi sĩ bị thất bại ê chề. Nhìn thấy cảnh tượng người nghe thơ mình bỏ ra về hết, thi sĩ giận lắm, chỉ còn biết nuốt nước bọt. Sự thất bại của thi sĩ sẽ đỡ hơn nếu thi sĩ nhạy bén nhận ra rằng trong việc người nghe bỏ ra ngoài ấy có chứa một nỗi bất hạnh đang đe dọa. Rồi quả nhiên mười hai người ngâm thơ của thi sĩ đều trở lại với thi sĩ và chẳng nói chẳng rằng họ dựng thi sĩ dậy, và nếu không vì phải tôn trọng quyền tác giả, chắc chắn họ sẽ nện cho thi sĩ một trận nên thân. Trước tình cảnh ấy, tớ cứ đứng sững người ra chẳng hiểu thế nào. Chủ gánh hát đau khổ. Các diễn viên vui vẻ hớn hở. Thi sĩ lỳ lợm đứng im, bình tĩnh cấm lấy tập bản thảo giấu vào trong ngực, rồi lẩm bẩm nói: “Thật là đàn gẩy tai trâu”. Nói xong, thi sĩ bình thản bỏ đi. Tớ không thể cũng đi theo thi sĩ được. Tớ nhận ra điều đó là vì chủ gánh hát chiều chuộng tớ, khiến tớ phải ở lại với ông ta. Chỉ trong vòng hơn một tháng, tớ trở thành một diễn viên hề đóng vai câm rất thành công. Họ buộc vào cổ tớ một chiếc vòng vàng chóe nhưng kh6ong phải là vàng và dạy tớ làm trò trên sân khấu: đuổi theo những ai mà diễn viên muốn. Vì các vở kịch thường vẫn kết thúc ở cái đoạn mà người ta phải giơ gậy để đuổi đánh một ai đó. Ông chủ gánh hát thường suỵt tớ, thế là tớ đuổi cắn những người nào ông chủ chỉ cho tớ. Tớ diễn trò là để mua vui cho những thằng ngu và để thu nhiều lãi về cho chủ. Ôi, Xipiong thân mến ơi, ai là người có thể kể cho đằng ấy nghe về những gì tớ thấy trong gánh kịch này và trong hai gánh kịch khác. Nhưng nếu không vì phải rút cho thật cô đúc câu chuyện thì tớ sẽ để lại ngày hôm sau khi chúng ta lại có dịp ngồi nói chuyện với nhau. Nào, đằng ấy có thấy cuộc đời của tớ là rất phong phú và đa dạng các sự kiện không? Đằng ấy có phục con đường tớ đi và các ông chủ của tớ không nào? Vậy là tất cả những gì đằng ấy nghe được chẳng bì kịp vào đâu so với những điều tớ đã ghi nhận, đã điều tra, đã thấy ở đám người này. Cuộc sống, phong tục tập quán, công việc, sự nhàn tản, sự ngu dốt và cả sự sắc sảo của con người, cùng hàng loạt các sự kiện trong đó có những chuyện chỉ nên nói thầm vào tai. Lại cũng có những chuyện phải nói to, nói công khai cho mọi người cùng biết và tất cả các sự kiện này cần được nhắc lại để nhớ đời, để giúp kẻ ngu bừng tỉnh trước những ảo ảnh, trước những cái đẹp gải tạo và trước những sự thay đổi. XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy đã chứng minh cho tớ thấy rõ con đường dài mà đằng ấy đã phát hiện ra để mở rộng câu chuyện của mình và tớ thấy rằng đằng ấy nên dừng lại để kể câu chuyện đặc biệt kẻo trời sắp sáng rồi. BECGANXA: Tớ đồng ý với đằng ấy và bây giờ hãy nghe tiếp nhé. Tớ cùng với một gánh hát đến thành phố Cadadolit này. Tại đây, trong khi diễn một vở hài kịch, tớ bị thương suýt mất mạng. Tớ không kịp trả thù kẻ đánh tớ vì lúc ấy tớ vướng dây xích cổ. Sau đó tớ nguôi cơn tức giận nên cũng chẳng muốn trả thù. Bởi vì chỉ ngồi nghĩ đến việc trả thù thì con người mình sẽ tồi đi rất nhiều. Tớ ngán cái nghề diễn trò trên sâu khấu không phải vì phải làm việc mà vì tớ thấy cái nghề này rất dễ bị chửi mắng và đánh đập. Vì tự thương mình hơn là vì hối cải, tớ nhất quyết không trở lại gánh hát nữa và tớ tự tu tỉnh, y hệt những kẻ đã tự tu tỉnh, từ từ bỏ những thói xấu khi bản thân không còn đủ sức để tiếp tục làm càn. Thật tình mà nói, bây giờ tớ tu tỉnh cũng chưa phải là muộn. Vậy là có một hôm tớ thấy đằng ấy mang cây đèn bão cùng đi với ngài Mahude, một con chiên hiền lành, tớ liền nhận thấy đằng ấy có vẻ phấn khởi và đang lo lắng làm tròn bổn phận của mình. Thú thật là tớ ghen với đằng ấy và ao ước được như đằng ấy. Thế là tớ đến bên ngài Mahude ra mắt ngài. Ngay lập tức, ngài nhận tớ và cho tớ làm bạn với đằng ấy và ngài đem tớ về nhà thương này. Tại đây, không ít sự kiện đã xảy ra với tớ và tớ thấy cần phải kể lại cho đằng ấy nghe, đặc biệt là câu chuyện xảy ra giữa bốn người bệnh nằm cạnh nhau mà tớ nghe được. Câu chuyện này ngắn thôi, không làm mất thời gian. Đây, nó như thế này đây. XIPIONG: Cần phải nhanh lên vì trời sáng đến nơi rồi. BECGANXA: Ở phòng cuối nhà thương này có bốn chiếc giường kê sát nhau. Bốn người bệnh nằm trên bốn giường ấy là: nhà thi sĩ, nhà toán học, nhà giả kim, nhà quân sư quạt mo. XIPIONG: Tớ nhớ là mình đã nhìn thấy hạng người lương thiện ấy rồi. BECGANXA: Vậy là có một buổi trưa mùa hè, các cửa đều khép lại hết và tớ nằm hóng mát dưới gầm giường của một trong bốn người ấy. Thi sĩ lên tiếng than vãn về vận may rủi của mình. Nhà toán học thấy thế liền hỏi thi sĩ vì sao lại than vãn. Thi sĩ trả lời: “Làm sao mà tôi lại không than vãn được kia chứ. Vì tôi tâm niệm điều Horaxio (nhà thơ La Mã, tác giả tập “Bàn về nghệ thuật thi ca”) nói trong sách bàn về nghệ thuật thi ca của ông rằng: Một cuốn sách kể từ khi viết hoàn chỉnh mà chưa được mười năm thì chưa nên công bố và tôi không những để hai mươi năm lao tâm khổ tứ để tìm ra tứ thơ, cấu trúc cuốn sách và mười năm tiếp theo để trước tác. Đó là một tác phẩm có tư tưởng lớn, một sự sáng tạo mới mẻ đáng khâm phục, một lối thơ trong sáng trắc việt, một cốt truyện kỳ thú, một bố cục chặt chẽ bởi vì đầu, giữa và cuối ăn khớp nhau. Nhờ vậy tôi đã sáng tạo nên một tráng ca tuyệt vời sung mãn. Thế mà tôi không có duyên may gặp được một vị hoàng thân để gửi tác phẩm của mình cho ngài đọc. Như thế thử hỏi làm sao tôi không ca thán cho vận may rủi của mình kia chứ? Tôi đi tìm mà không thể gặp được một vị hoàng thân thông minh, có tư tưởng tự do và hào hiệp. Thật đáng thương thay cho thời đại chúng ta”. “Cuốn sách ấy đề cập tới vấn đề gì?” – nhà giả kim hỏi. Thi sĩ trả lời: “Nó đề cập tới điều mà giáo chủ Tucpin, giáo chủ của hoàng đế Actut ở Anh quốc chưa viết, cùng với một phụ trương nhan đề Chuyện về lời thỉnh cầu của thánh Brian. Tất cả những điều ấy đều được thể hiện dưới hình thức tráng ca, trong đó có phần được viết theo niêm luật của thơ tám chân và phần khác viết theo lối thơ tự do. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là toàn bộ tác phẩm đều được viết bằng danh từ chứ không hề dùng đến động từ”. “Tôi không hiểu biết gì về thi ca – nhà giả kim nói – và do đó tôi không thể thấu hiểu nỗi bất hạnh của ngài. Nhưng dù nỗi bất hạnh của ngài lớn đến đâu chăng nữa cũng không thể sánh kịp với nỗi bất hạnh của tôi. Câu chuyện là thế này: vì thiếu dụng cụ hoặc giả vì không cò một vị hoàng thân nào hào hiệp giúp đỡ và tạo cho tôi những điều kiện cần thiết cho nghề làm đá giả kim, nếu không thế thì bây giờ tôi sống trên vàng và tôi trở nên giàu có hơn cả hoàng đế Midat (hoàng đế nước Phrigia, người có phép có kỳ tài đụng tay vào vật gì vật ấy biến thành vàng), hoàng đế Greso (hoàng đế cuối cùng của Lidia, người nổi tiếng về giàu có). – “Thưa ngài giả kim, chẳng hay ngài đã thành công trong việc biến sắt thành bạc chưa?” – nhà toán học hỏi – “Cho đến giờ tôi vẫn chưa làm được việc áy – nhà giả kim trả lời – Nhưng tôi biết chắc rằng trên thực tế đã có người làm được. Tôi chỉ còn thiếu hai tháng nữa là chế được đá giả kim, một dụng cụ khẽ chạm vào bất kỳ thứ kim loại nào, trừ vàng và bạc ra, ngay cả với đá, cũng có thể biến chúng thành vàng bạc”. – “Thưa các ngài, kể ra các ngài cũng biết cách cường điệu những nỗi bất hạnh của mình đấy – nhà toán học tham gia câu chuyện. Tóm lại, một ngài có sách không tìm được một vị hoàng thân thông minh, tốt bụng, hào hiệp để gửi sách cho ngài. Một ngài đang ở trong khả năng hiện thực có thể chế ra được đá giả kim mà đành phải bỏ lỡ. Còn tôi, tôi sẽ nói gì về nỗi bất hạnh của mình, Đó là nỗi bất hạnh rất cô đơn đến mức không có chủ đề mà đứng lại. Hai mươi năm ròng rã tôi cứ đuổi theo một cái điểm định hình, chỗ này tôi bỏ lại nó, chỗ kia tôi lại đụng phải nó, dường như tôi đã tóm được nó và bỗng nhiên nó lại ở tít đằng kia. Tôi rất hào hứng đuổi theo cái điểm ấy. Điều đó cũng như thể phép cầu phương một hình tròn xảy ra với tôi: nghĩa là đã có lúc tôi tới một điểm gặp được nó nhưng không hiểu vì sao nó lại không ở trong túi quần mình. Đó chính là nỗi buồn của tôi, một nỗi buồn rất giống với nỗi buồn của Tantalo (theo huyền thoại Hy Lạp, Tantalo là vua Lidia, bị thần Dớt đày xuống xứ Tacta, chịu đói và chịu khát vì tội đã ăn thịt con trai Pelop): ông ta ở gần kề trái cây mà phải chịu chết đói, ở rất gần nước mà chịu chết khát. Có lúc tôi nghĩ mình đã tìm ra được chân lý, nhưng lại có lúc tôi cảm thấyy mình còn xa mới đạt tới nó, cứ như vậy tôi làm việc trong suốt hai mươi hai năm trời mà chẳng đạt kết quả. Lắm lúc tôi thấy việc mình làm chẳng khác gì việc làm của Sisipho. Cho đến lúc này, quân sư vẫn nín lặng nhưng bỗng nhiên ngài lên tiếng nói: “Những lời ca thán ấy cũng chỉ có thể sánh với lời than của Đức giáo hoàng trứ danh, người đã tập trung tất cả mọi nỗi nghèo khó trong cái nhà thương này và tôi xin từ bỏ nghề nghiệp và cả những công việc chẳng đem lại miếng ăn cho chủ nó. Thưa các ngài, tôi là quân sư và tôi đã hiến nhiều mưu mẹo cho nhà vua trong các thời kỳ khác nhau và những mưu mẹo này đều rất ích lợi đối với nhà vua mà không làm thiệt hại bất kỳ một ai. Ngay bây giờ tôi vẫn giữ được một lá đơn trong đó tôi thỉnh cầu đức vua chỉ cho tôi người tôi có thể mách bảo một mưu mô mới do tôi vừa nghĩ ra. Đó là mưu giúp đức vua chấn hưng lại đất nước. Nhưng cũng như những bức thư trước của tôi, có lẽ bức thư này sẽ bị ném vào sọt rác và sẽ ra nằm ngoài bãi tha ma. Xin các ngài đừng tưởng tôi là thằng ngớ ngẩn khi nhìn nhận nó từ góc độ chung nhất. Cái mưu ấy của tôi là thế này: Triều đình ra lệnh cho tất cả thần dân của đức vua, kể từ tuổi mười bốn đến tuổi sáu mươi, đều phải ăn chay mỗi tháng một lần và ngày ăn chay vần phải được chọn và công bố để thần dân đều biết. Và mọi chi tiêu cho việc mua hoa quả, thịt cá, rau trứng và rượu trong cái ngày ăn chay ấy đều được quy thành tiền để nộp cho đức vua, không được thiếu một chinh. Nếu việc chi tiêu tiết kiệm này được thực thi trong hai mươi năm liền thì triều đình sẽ không phải dùng mẹo vặt và quyền lực để cướp bóc của thần dân. Bởi vì nếu người ta tính toán kỹ cũng như tôi đã tính kỹ thì sẽ thấy ở Tây Ban Nha có ba triệu người trong lức tuổi nói trên, không kể người ốm yếu tàn tật, không kể cụ già và em nhỏ. Và tất cả những người trong độ tuổi trên ăn chay thì ít ra trong mỗi ngày ăn chay ấy mỗi người cũng để ra được một đồng rean năm hào, nhưng tôi chỉ tính một rean thôi. Vậy các ngài hãy thử tính mà xem, không ít của đâu. Mỗi tháng Tây Ban Nha có ba triệu đồng rean. Việc ăn chay này chẳng làm thiệt hại tới những người ăn chay bởi vì với việc ăn chay, họ làm vừa lòng Thượng đế và đồng thời lại cung tiến của cải cho đức vua. Hơn nữa, họ lại có thể ăn chay như thế nào đó miễn là phù hợp với hoàn cảnh riêng và có lợi nhất cho sức khỏe của bản thân. Cái mưu này rất trong sạch, không hề gợn một chút bụi bặm và nó sẽ được dân trong các giáo khu làm theo, không phải phiền hà đến các quan thanh tra vốn là những kẻ đục khoét làm cho quốc vương ta ngày vàng suy yếu đi”. Tất cả đều cười ha hả trước cái mẹo vặt kia và cười quân sư lẩn thẩn và ngay cả quân sư cũng cười to tiếng trước câu chuyện mua vui của mình. Riêng tớ, tớ ngạc nhiên và hào hứng nghe họ nói chuyện với nhau và tớ nhận thấy rằng phần lớn những chuyện vui như thế này đều đến nhà thương để rồi tắt lịm đi trong nhà thương. XIPIONG: Becganxa ạ, đằng ấy nói chí phải. Nào, đằng ấy còn kể nữa không đấy? BECGANXA: Còn chứ. Nhưng tớ chỉ kể thêm hai chuyện nữa thôi, vì hình như trời đã sáng rồi thì phải. Có một hôm, ông quản gia của tớ đi xin của bố thí tại nhà quan thanh tra thành phố này, xung quanh chẳng có một ai. Tớ liền nghĩ rằng mình phải tranh thủ lúc chỉ có một mình ngài để trình ngài biết một tin mà tớ nghe lỏm được ở một ông già ốm nằm trong bệnh viện. Ông già nói phải có cách gì để trị bọn con gái giang hồ đã mang tới thành phố này một căn bệnh khó chữa: bệnh giang mai. Trong hai mùa hè vừa qua, các nhà thương chật ních bọn đàn ông bị bệnh giang mai vì họ đi theo bọn gái giang hồ. Bọn đàn ông này đòi cần phải chữa chạy ngay. Tớ định nói cho ngài biết điều đó. Vì nghĩ mình sẽ nói và nói được nên tớ lên giọng tru tréo sủa nghe rất chói tai khiến quan thanh tra nổi giận. Ngài gọi quân hầu đến và chúng lấy gậy đánh tớ tới tấp đuổi tớ ra ngoài. Trong số đó, có một tên lính lệ cầm luôn đỉnh đồng choảng ngay vào sườn tớ, khiến tớ bị thương và cho đến bây giờ trên sườn tớ vẫn còn sẹo đấy. XIPIONG: Thế cậu có ca thán gì không? BECGANXA: Làm sao tớ lại không ca thán được kia chứ, một khi đến giờ tớ vẫn còn đau. XIPIONG: Becganxa này, không một ai nên đến chỗ không được mời và không nên làm việc người ta không cần đến mình. Cậu nên biết rằng lời khuyên răn của người nghèo, dù là tốt đi nữa, sẽ chẳng bao giờ được người ta tiếp nhận và kẻ nghèo đừng bao giờ nghĩ đến việc khuyân răn các ông lớn và các người ngu vì bọn họ cứ tưởng rằng họ hiểu biết tất cả. Sự hiểu biết thông thái của người nghèo bị bóng đêm và mây mỳ của sự túng quẫn và nghèo nàn che tối và nếu như nó bị người ta phát giác thì người ta liền cho đó là những lời lẩn thẩn và họ coi thường nó. BECGANXA: Xipiong ạ, đằng ấy dạy rất phải, từ nay trở đi tớ sẽ nhớ và làm theo lời khuyên của đằng ấy. Một đêm khác ông quản gia của tớ đến xin của bố thí tại nhà một bà quý phái. Bà này đang bế trên tay một con chó bé tí ti đến mức nó có thể trốn vào trong yếm ngực bà. Khi nhìn thấy tớ, con chó con này liền lên tiếng sủa, xông vào và ngoặm cho tớ một phát vào bẹn. Tớ quay lại nhìn bà chủ mà lòng vừa nể vừa giận dữ, lòng tự nhủ lòng: “Nếu tao mà gặp mày ở nơi khác, con chó con hỗn láo ạ, thì hoặc là mày phải thuần phục tao hoặc là tao xé xác mày ra”. Trong hành động hỗn láo của con chó này, tớ thấy ngay cả những kẻ hèn nhát và yếu bóng vía nhất khi có chỗ dựa vữgn chắc thì chúng trở nên bạo dạn và càn quấy, chúng dám ngang nhiên tiến lên đối mặt với những người hơn chúng. XIPIONG: Điều đằng ấy nói chỉ là một trong muôn vàn biểu hiện của cái sự thật này: có một số người núp dưới bóng chủ mình đã ngang nhiên làm điều càn quấy. Nhưng nếu thần chết hoặc một tai nạn bất ngờ nào đó đánh gục cái cây mà họ núp dưới bóng thì ngay lập tức chúng nhận thấy mình là kẻ yếu hèn, kẻ chẳng có sức mạnh gì. Bởi vì, quả không sai là giá trị con người chúng chẳng qua là ánh hào quang mà chủ chúng cho chúng mượn mà thôi. Đạo đức và sự hiểu biết chân chính bao giờ và lúc nào cũng chỉ là một, luôn luôn là một, dù nó trần truồng hay nó được che đậy, dù nó đứng một mình hay nó cùng đứng trong một tập thể. Sự thật chứng minh rất rõ rằng anh có thể chiếm được lòng ngưỡng mộ của dân chúng nhưng trên thực tế anh không đáng được hưởng nó. Becganxa ạ, chúng ta tạm dừng cuộc nói chuyện nhé. Trời đã sáng rõ rồi và đêm nay nếu chúng ta vẫn được nói chuyện với nhau thì tớ sẽ kể cho đằng ấy nghe câu chuyện cuộc đời tớ. BECGANXA: Đúng thế đấy! Đằng ấy sẽ bắt đầu từ đây nhé. Cử nhân Peranta vừa đọc xong bản thảo thì cũng vừa hay thầy quản Campuxano thức dậy. Cử nhân nói: - Dù rằng cuộc nói chuyện này là chuyện bịa và chẳng bao giờ xảy ra trong thực tế, tôi vẫn thấy nó được viết rất hay. Vậy, ngàu quản Campuxano có thể viết tiếp phần thứ hai được rồi đấy. - Tôi cũng nghĩ như thế - thầy quản trả lời – Tôi sẽ hào hứng bắt tay viết nó mà chẳng cần phải tranh luận với quan bác xem cho có nói được hay không. Cử nhân trả lời như sau: - Ngài quản Campuxano ạ, chúng ta sẽ không trở lại tranh luận thêm về vấn đề ấy nữa. Tôi đã hiểu rõ sự sáng tạo tuyệt vời được thể hiện trong bản thảo Cuộc nói chuyện và thế là đủ rồi. Bây giờ lòng tôi sáng láng ra rất nhiều. Chúng ta hãy cùng nhau ra cầu để đứng trên đấy mà ngắm cảnh trí thiên nhiên đi. - Nào, chúng ta cùng đi thôi – thầy quản nói. Và họ cùng nhau ra đi. HẾT