Gần bốn thế kỷ nay kể từ ngày tác phẩm Nhà quý tộc tài ba Đôn Kihôtê xứ Mangcha, ra đời cho đến nay, nhân dân thế giới vẫn không hề mệt mỏi ngợi ca Mighen đê, một nhà nhân văn vĩ đại, một nhà văn thiên tài từng có công định hình một thể văn chương tiểu thuyết. Bằng việc khám phá ra tính cách và đưa tính cách vào truyện kể, ông đã làm cho truyện kể trở thành tiểu thuyết. Từ đó đến nay, tiểu thuyết không ngừng được các thế hệ nhà văn sử dụng, cách tân và hoàn thiện trong từng thời đại. Mighen đê Xecvantet sinh ngày 9/12/1547 tại thành phố Ancala đê Hênarêt, gần thủ đô Mađrit, trong một gia đình quý tộc đã sa sút. Cha ông làm nghề thuốc, tần tảo kiếm sống cho bảy người con. Trong hoàn cảnh kinh tế gieo neo, lại không sống ổn định ở một nơi nào, Mighen đê Xecvantet chỉ có thể học hết bậc trung học. Nhưng khác với mọi thanh thiếu niên khác, Mighen đê Xecvantet là một người chịu học và chăm đọc sách. Ông còn hơn nhiều người khác ở chỗ ngay từ bé đã được chu du khắp vùng Caxtida, trung tâm văn hóa của Tây Ban Nha thời đó. Ông sống trong thời kỳ tiểu tư bản chủ nghĩa nhiều biến động, trong đó, sự thay đổi các giá trị đạo đức và tinh thần là tiêu biểu nhất. Ông đã sống hết mình cùng với thời đại. Có thể kể ra đây các sự kiện quan trọng của cuộc đời Mighen đê Xecvantet. Năm 1569, ông san Ý phục vụ giáo chủ Hulio Aquavia. Năm 1570, ông đi lính phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha đồn trú tại Ý. Năm 1671, trong trận thủy chiến Lepangto, ông bị cụt tay. Năm sau lành bệnh, ông lại phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha, có mặt ở nhiều nơi trên đất Ý: đảo Xixin, đảo Xecdenha; ở các thành phố: Phlorenxia, Henova Napolet, Milan và Roma… Ngày 26/9/1575, ông trở về Tây Ban Nha nhưng ở ngoài khơi thuyền của ông bị hải quân Angie tấn công, ông và các đồng đội của mình bị bắt làm tù binh. Trong thời gian bị cầm tù, ông tổ chức bốn lần Vượt ngục nhưng không thoát. Gia đình phải bỏ tiền nhờ vả nhà thờ can thiệp chuộc ông về. Năm 1580, ông trở về nước, làm một số công việc vặt vãnh như tiếp lương và thu thuế cho triều đình. Nhiều lần phải vào tù oan. Ngày 23/4/1646, ông qua đời tại thủ đô Mađrit. Một cuộc đời biến động trong một xã hội đảo điên. Một tâm hồn cao thương, một tấm lòng đôn hậu đối lập với thói sống vụ lợi, thấp hèn. Một cuộc đời như vậy sẽ thắp sáng mãi mãi ngọn lửa nhân văn. Đó chính là ngọn nguồn không bao giờ cạn kiệt cho sáng tác văn học của Mighen đê Xecvantet. Ông để lại di sản văn học bao gồm thơ ca, kịch bản và tiểu thuyết. Có thể dẫn ra đây một số tác phẩm văn xuôi của ông: Galatea (tiểu thuyết in năm 1585), Nhà quý tộc tài ba Đôn Kihôtê xứ Mangcha (tiểu thuyết phần một và phần hai in năm 1605 và 1645) và Những truyện mẫu (tập in năm 1612) và tiểu thuyết Những công việc của Pecxilet và Xihixmunda (in năm 1617 sau khi ông qua đời). Đám cưới giả và truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó là truyện vừa mà chúng tôi rút trong tập truyện mẫu gồm mười một truyện. Truyện này được Mighen đê Xecvantet hoàn thành theo như lời nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha – Amexua, vào khoảng 1603 – 1604 tại thành phố Vadadolit, khi nhà văn có mặt tại đây để hầu kiện. Vốn là người trung quân ái quốc nhất mực: ở nơi trận tiền dũng cảm chiến đấu, dù bị cụt tay vẫn ở lại quân ngũ, khi rơi vào tay quân Angie vẫn bất khuất không đầu hàng, bốn lần vượt ngục mà không thoát. Nhưng khi về nước, dù có thư riêng đề nghị triều đình đặc sủng vẫn cứ phải đi làm một nhân viên tiếp lương cho hạm tàu và quân đội rồi đi thu thuế, thu tô với biết bao cực nhọc. Thế nhưng triều đình vẫn cầm tù ông, vẫn đưa ra tòa xét xử ông. Cám cảnh cho thân mình, Mighen đê Xecvantet đã sáng tác tác phẩm này nhằm phơi bày thực trạng xã hội trong tấn bi hài kịch do những tên bợm sắm vai chính. Đám cưới giả và truyện về cuộc trò chuyện của hai con chó là một bộ nhị bình rất lý thú. Bức thứ nhất là cảnh đời được nhìn dưới con mắt người. Bức thứ hai mang màu sắ huyền ảo: cảnh đời người dưới nhãn quan hai con chó. Hai bức tranh này liên hoàn với nhau, bổ sung cho nhau nhằm làm nổi bật thực trạng xã hội Tây Ban Nha thời kỳ tiền tư bản: một xã hội trong đó những giá trị tinh thần và đạo đức đang thay đổi và đảo lộn. Trong Đám cưới giả, chúng ta thấy thầy quàn Campuxano, một tên đại bợm, trổ hết mánh khóe đã lừa được Donha Extephania vừa đẹp lộng lẫy vừa đài các và nề nếp, lạo có của hồi môn. Chúng ta thấy Extephania, một cô gái đại bịp, cũng trổ hết mưu ma chước quỷ lừa được thầy quản, một công tử hào hoa phong nhã lại giàu có. Người nọ ảo tưởng ở người kia sẽ đem lại cho mình một kho của cải giàu sụ và chắn tín rằng mình đã nắm phần thắng qua đám cưới được tổ chức công khai và trọng thể tại nhà thờ lớn. Nhưng có ngờ đâu, và đây là đoạn mở nút của tấu hài kịch, vợ chồng Donha Giementa, vốn là chủ đích thật của ngôi nhà kia, trở về đúng lúc đôi trai gái đại bịp kia đang hưởng tuần trăng mật. Lúc đó Donha Extephania lộ nguyên hình là một cô gái nghèo rớt mồng tơi và thầy quản cũng chẳng khá hơn chút nào. Trong truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó cho thấy một tấn bi kịch rộng lớn hơn, trong đó có các tên bợm của đù mọi tầng lớp người sống trong xã hội ấy: bọn ăn trộm thịt nơi lò mổ, bọn trương tuần và cảnh sát đồng lõa với bọn trộm cắp và gái điếm đã cùng nhau cướp bóc của cải của khách vãng lai, bọn chăn cừu giết cừu ăn thịt song lại đổ tội lên đầu lũ chó không chịu canh giữ thú dữ, bọn lính vô công rỗi nghề kiếm sống bằng nghề diễn trò, bọn thương nhân gian giảo nhưng hợm mình khoe mẽ, bọn quý tộc ngu ngốc nhưng hống hách, bọn người Mo chăm chỉ làm ăn nhưng kiệt sỉ, bọn người tốt bụng nhưng sống trong ảo tưởng như nhà giả kín thuật, nhà thơ, nhà toán học và quân sư của triều đình… Mỗi nhân vật ấy là một cảnh đời nực cười đến rơi lệ vì đằng sau nó lấp lánh tư tưởng nhân văn của nhà văn thiên tài Mighen đê Xecvantet. Đám cưới giả và truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó là một truyện viết theo lối một chuyện bao gồm nhiều chuyện. Có thể nói chuyện lớn, chuyện bao quát là chuyện về cuộc gặp gỡ giữa thầy quản Campuxaho và cử nhân Peranta. Trong truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó có rất nhiều chuyện nhỏ hơn về các cảnh đời được dẫn bởi con chó Becganxa. Con chó này là một kẻ bợm nghịch. Trong một xã hội toàn những tên bợm ngịch, toàn những kẻ mưu cầu cuộc sống bằng mẹo vặt và thủ đoạn thấp hèn thì chó theo hầu chủ cũng bợm nghịch mà thôi, điều này không có gì khó hiểu. Becganxa có đầy đủ tư chất của một tên bợm nghịch: tìm mọi cách để được chủ yêu nhưng khi không có lợi cho bản thân thì nó liền bỏ chủ ngay. Nhờ việc thay thầy đổi chủ này, becxanga có được điều kiện chu du hắp thiên hạ. Sống bên cạnh dủ mọi loại người trong xã hội và do đó nó có thể kể lại đủ chuyện trên đời. Nếu Becganxa là con chó trong thời thực sự nếm trải mọi mùi đời thì Xipiong lại là con chó thông thái đã kịp thời đưa ra những nhận xét mang triết lý sâu sắc. Cũng như vậy, nếu thầy quản Campuxano là kẻ lăn lóc với đời, nếm trải đủ mùi đời thì cử nhân Peranta là một người học vấn đã kịp thời đưa ra đúng lúc những tục ngữ dân gian, những cách ngôn, châm ngôn của các thi sĩ và triết gia nhằm làm nổi bật bài học đạo lý cần phải có cho người đời. Đám cưới giả và truyện về cuộc nói chuyện giữa hai con chó thuộc loại truyện du đãng (novela picaresca) Tây Ban Nha rất thịnh đạt trong thế kỷ 17. Ngày nay, truyện du đãng không còn nữa nhưng nhân vật của nó, những tên bợm nghịch (picaro) vẫn còn lại và đang tác oai tác quái trong đời sống chính trị ở các nước chậm phát triển và phụ thuộc Mỹ La tinh. Đó là những Quốc trưởng, những Tổng tống độc tài từng được tái hiện trong tiểu thuyết hiện đại Mỹ La tinh. Thư ngài Tổng thống lại nói về phương pháp, Mùa thu của ngài trưởng lão, Ta đấng tối cao… Dịch tác phẩm này, chúng tôi hy vọng đáp ứng nhu cầu muốn hiểu biết của độc giả về truyện du đãng, một thể loại văn chương rất thịnh đạt trong văn học Tây Ban Nha thời đại phục hưng, cho đến nay vẫn chưa được biết đến ở Việt Nam. Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1986 NGUYỄN TRUNG ĐỨC