Bên vệ đường chỗ ngã tư rẽ vào khu chợ nhộn nhịp buổi sáng, vị sư với tấm y vàng sẫm quấn ngang thân để hở một bên vai trần cầm bát bình khất thực đứng yên như pho tượng. Thật ra cũng không hẳn bát bình trông giống như cái tráp cơi trầu của các bà già thì đúng hơn nhưng nhỏ hơn đan bằng mây tre có nắp phía trên.Nét mặt sư thật tĩnh, không gợn chút xao động, mặc cho kẻ qua người lại tò mò nhìn, hay vì muốn tỏ chút lòng thành tiến lại gần chắp tay trịnh trọng lạy, sau đó bỏ thức ăn vào cái tráp rồi tự động đậy lại hoặc lẳng lặng luồn đồ vào tay nải ông đeo bên sườn…Nhà sư nhìn thẳng ra phía trước không hề liếc ngang dọc chỉ lâu lâu khép mắt lại. Sáng nay heo may không gian hơi trầm buồn khiến màu cà sa vàng của vị sư nổi bật giữa khung trời nguyên một màu xám trắng. Mưa bụi như màn sương giăng giăng. Mưa dịu dàng, mưa thật nhẹ đến nỗi những người đi bộ cụp những chiếc dù duyên dáng xuống, ngước nhìn lên trời tận hưởng cái cảm giác êm êm như mơn trớn của những hạt nước li ti lất phất bay không thể làm ướt tóc chỉ làm tươi làn da bờ môi mà thôi! vị sư đứng ở vị trí đó bất động đến khoảng gần trưa. Gió thổi hiu hiu. Những làn gió mát từ mặt hồ tràn về làm ông chợt mở to mắt nhìn quanh, đôi chân trần bắt đầu di động, rời khỏi phố chợ đi dọc vỉa hè. Lúc này mưa hơi dày hơn một chút như thể mưa phùn. Những cơn gió cũng mạnh hơn lùa qua những hàng cây, lá rơi lả tả lăn khe khẽ trên mặt đường. Nhà sư lặng lẽ đi, cố gắng tránh không đạp lên những chiếc lá. Vậy mà lâu lâu ông lại giật mình khi nghe tiếng lá khô dòn gẫy nát dưới những bước chân nặng nề của ai đó vô tình giẫm lên. Tuy tuổi còn trẻ nhưng nhờ chất giọng tốt trầm ấm, phong thái đĩnh đạc trang nghiêm, học thức uyên thâm, làu thông kinh kệ lại sinh hoạt nơi trung tâm thành phố nên ông thường làm chủ những buổi lễ lạc tụng niệm,như cầu siêu cầu an... Nơi nào có ông thuyết pháp, phật tử đến rất đông. Quay cuồng với đủ mọi thứ lễ nghi tiếp xúc với quá nhiều người nên mỗi năm ông dành ra một tháng về tu tại một tịnh xá cách thành phố chừng hơn mười cây số, buổi sáng ông đi khất thực đến trưa thì về. Buổi chiều ngồi thiền, đọc kinh và nếu rảnh có hứng lại vẽ tranh. Ông vẽ tranh chân dung hay phong cảnh đều rất đẹp. Đã có người mua tranh với giá rất cao. Tiền bán tranh ông xung vào quỹ của chùa dành để cứu tế thiên tai lụt lội, người nghèo, trẻ mồ côi, già đơn chiếc…Ngày hôm nay là ngày đầu tiên trong năm ông đi khất thực và bây giờ đang trên đường về tịnh xá. Đang đi bỗng có hai chiếc lá cùng lúc lướt qua bờ vai trần của vị sư rồi bay là là, ông để ý nhìn theo, lá này bay trước lá kia lại bám theo rồi vượt lên trên cứ thế lá đuổi lá, xoay tròn xoắn tít lấy nhau, ông mải mê chạy theo cuối cùng khi gần bắt kịp, đôi lá hình như e thẹn sao ấy cuống quýt rơi vèo xuống cái hố bên vệ đường nằm chồng lên nhau im lìm. Vị sư cất tiếng cười. Giọng cười vô tư giòn tan rõ mồn một, vang xa trong không gian tĩnh lặng. Ông đi chậm lại dõi mắt tìm con đường mòn xuyên qua khu rừng lờ mờ trong màn mưa bụi. Hôm qua các vị thiền sư của tịnh xá có ghé qua chùa để đưa ông chìa khoá nhà trước khi họ lên đường đi Miến Điện. Hoá ra năm nay chỉ có ông thiền một mình ở đó! Nghĩ tới đây ông cảm thấy nóng ruột rảo bước nhanh hơn. Đi được một đoạn ông mới biết con đường mòn mọi năm ông hay băng tắt để tới tịnh xá giờ đây nằm trong khu vực của một căn biệt thự vừa mới được sửa sang không ai được bước qua địa phận đã rào kín. Điều này có nghĩa, còn phải đi đường vòng một đỗi rất xa rất lâu đây! Loay hoay một hồi ông không rõ mình đã qua bao dặm dài, đi lộn vào bao nhiêu ngõ cụt phải quay ngược lại, thường cứ rẽ đường tắt là về tới nơi, bây giờ đi ngõ khác lạ quá có cảm giác như đang lạc vào mê hồn trận. Hai bên đường lúc này vắng xe và người qua lại. Mệt quá vẫn chưa thấy tịnh xá đâu ông đứng lại thở dốc…bỗng thấy trước mặt mình không xa một phụ nữ đang quỳ trên đám cỏ. Ông vội vàng để cái tráp xuống rồi lùi lại. Cô ta mặc một áo khoác dài màu xám tro, phần dưới không thấy rõ vì cô ta quỳ, tấm khăn voan tim tím trùm qua đầu quấn quanh cổ. Lâu nay đi khất thực chưa bao giờ ông thấy phật tử quỳ thường họ chỉ đứng, vậy mà người này lại quỳ một cách quá ư thành kính trang trọng khiến vị sư trẻ cảm thấy thật e ngại! Đôi môi hồng nhạt hơi hé mở như đang mỉm cười với ông, cô ta ngước nhìn nhưng ánh mắt giống như đang hướng về một cõi khác,hoặc một khoảnh khắc giây phút tuy đã xa xôi những vẫn đậm nét. Có điều ông đọc được trong ánh mắt ấy không phải sự luyến tiếc nhớ nhung một niềm hạnh phúc đã mất hay một chút dư hương đã phai mờ mà hình như điều gì đó đầy căm phẫn thống thiết. Nụ cười tương phản hẳn với những gì thể hiện qua đôi mắt. Làn môi hồng khi cười làm cho khuôn mặt bừng sáng bộc lộ một sự chào đón khích lệ nếu không nói là sự vui mừng gần như khẩn khoản hướng về ông như thể ông là cái phao cô tình cờ bám được trong cơn bão tố. Lạ quá tại sao ông lại có cảm giác trái ngược khi nhìn vào cùng một khuôn mặt như vậy? Đang hoang mang bỗng người phụ nữ dập đầu xuống lạy rồi luồn tay vào lớp áo trong rút tiền ra, thấy vậy nhà sư kêu lên: _Không tôi không nhận tiền đâu! Chỉ được nhận thức ăn đủ cho một ngày, hãy nhìn vào cái tráp cả cái tay nải này nữa, lẽ ra không được phép nhận thêm, vả lại đã quá trưa, hết giờ khất thực rồi!.Nam mô a di đà phật! Cám ơn phật tử có lòng xin hẹn khi khác vậy! Cô ta ngước nhìn ông, mưa bụi lấm tấm vương vào mảng tóc đen loà xoà trước trán, lấp lánh như những hạt kim cương đính trên khăn voan và tấm áo choàng, khoé mắt đọng nước khiến ông không rõ mưa hay nước mắt đang trào vỡ nhoè ướt làn mi? nàng cất giọng thật yếu phều phào: _Xin thầy nhận cho, con không có sẵn thức ăn gặp thầy bất ngờ con xin cúng dường vậy. Vừa nói cô ta vừa nhoài người ra phía trước mới có thể luồn tay bỏ tiền vào cái tráp được. Một sự thương cảm không đâu len nhẹ vào hồn, nhà sư nghĩ mình sẽ dùng tiền này để cúng ngày rằm tháng bảy vậy nên không phản đối mà đứng lặng chắp tay rôi trịnh trọng cúi xuống khẽ cầm cái tráp lên. Khi ngước mặt nhìn lại, người phụ nữ đã đi một quãng xa. Cô ta đang băng qua cánh đồng cỏ. Cảnh vật xung quanh u tịch. Mưa phùn bay bay, những màn khói từ những đụn lá khô ai đốt còn cháy âm ỉ đâu đó đang lan nhẹ về đây làm cảnh vật trước mắt như nhoà đi. Ông thấy dáng đi của người phụ nữ liêu xiêu trong gió, có khi cô ta hơi khựng lại vội vã giữ chặt lấy mép áo. Giữ bên này thì gió lại thổi tốc bên kia. Nhìn cứ như là những mảnh áo bị thổi bung lên tả tơi trong gió. Hai đầu dải khăn voan lúc nãy buông hững hờ trên bờ vai bây giờ nổi rõ phơn phớt tím trong màu không gian mờ đục. Từ đầu gối trở xuống bị khuất lấp trong cỏ nhìn xa như thể cô ta đang lướt đi chơi vơi trên đồi hoang.Chẳng mấy chốc cô ta đã qua khỏi vùng khói nhoà và đang đứng ở đầu dốc bên kia. Một chiếc xe vespa vàng đậu sẵn từ lúc nào. Cô ta lên xe phóng nhanh rồi khuất dạng. Vị sư tiếp tục đi. Lúc này trời hửng nắng nhẹ và ông đã nhận ra mái ngói đỏ của tịnh xá thấp thoáng sau những hàng cây đang thi nhau trút lá. Gió rừng hun hút thổi, rít lên từng hồi. Mảnh y vàng chập chờn hoà trong mưa lá. Lối đi vào tịnh xá hôm nay không gồ ghề lởm chởm mà đang hoá thân thành sắc vàng mềm mượt cho những bước chân trần âm thầm bước qua. Vị sư đẩy cánh cổng bằng gỗ tiến lên bực thềm. Ông tra chìa khoá mở cửa bước vào nhà. Nhìn đồng hồ trên tường đã gần bốn giờ chiều. Ông để tay nải và cái tráp lên bàn, bước ra phía sau tắm rửa để còn đọc kinh tụng niệm, ăn uống, hôm nay giờ giấc như vậy là quá trễ. Khi trở lại căn phòng lúc nãy ông mở tay nải lấy những đồ khất thực khi sáng gồm mấy cái bánh ú, bánh giò, và một bịch gạo nhỏ. Ông mở cái tráp ra lấy gói xôi, củ khoai bỏ vào cái dĩa rồi bỗng tay chạm phải cái gì kỳ kỳ ông vội cầm lên thì ra một nhành hoa màu trắng nho nhỏ thơm thơm. Lạ quá nhà sư cầm cái trap lên nhìn kỹ chẳng còn gì nữa. Vậy chứ tiền người phụ nữ mới bỏ lúc nãy đâu rồi? Ông kêu lên: Mô phật! Có thể vì đường xa mệt mỏi ông dừng lại nghỉ rồi lịm đi một chút đưa tay hái hoa bỏ vào tráp rồi mơ ngỡ ai bỏ tiền vào cũng nên. Có thể như thế thật sao? Ông nhìn kỹ cành hoa. Cánh hoa thật thân quen, một thời thơ ấu bên hàng rào nhà ông, cũng có loại hoa này nó cũng thường mọc hoang trong rừng. Không thắc mắc ông lên phòng mình ngồi xuống chiếu đọc kinh. Một tay lần tràng hạt miệng lâm râm tay kia gõ mõ. Đang đọc bỗng nhiên ông khựng lại không nhớ là mình vừa đọc gì đang đọc tới đâu không nghĩ ra câu tiếp theo là gì. Tiếng mõ gõ không đúng nhịp nghe trúc trắc rời rạc… Cuối cùng ông bỏ tràng hạt và mõ lên kệ, mở cửa đi ra ngoài hàng hiên đứng nhìn cảnh vật đang dần chìm trong đêm tối. Không khí lạnh từ núi rừng tràn về chợt ông giật mình vì thoáng nhận ra làn hương rất mỏng đang lan toả khiến cho không gian như được ướp hương. Mùi hoa cửu lý hương Ông đóng cửa đi vào. Trên bàn nhành hoa trắng vẫn tươi mơn mởn. Ông thấy lòng bâng khuâng nghĩ về những đêm xưa cùng cha mẹ ngắm trăng soi bên thềm, trăng mơn man những cánh hoa trắng ngần bé nhỏ. Mùi hương như vượt qua không gian mênh mang vô tận, lùi về dĩ vãng xa xôi, Có lẽ vì vậy mà hoa có tên Cửu lý hương. Chắc vậy mà nãy giờ không thể tập trung vào việc gì cả! ông ngồi vào bàn lục gói xôi mở ra nhưng không nuốt trôi cứ nhìn nhành hoa trắng, cuối cùng vị sư chép miệng thở dài rồi cất giọng ngâm: _ "Gió đưa cây cửu lý hương Từ xa cha xa mẹ thất thường bữa ăn Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm” Thế nhưng đúng lúc ngỡ mình nhớ nhà, khuôn mặt người phụ nữ lại hiện ra trong trí làm ông bứt rứt khó chịu. Đôi mắt đầy căm phẫn, buồn vời vợi đến lịm người khiến cho tâm hồn nhà sư thường vẫn bình lặng như nước hồ thu nay rõ ràng đang bị khuấy động. Ánh mắt người phụ nữ ám ảnh đến nỗi ông có cảm giác mình đang bị bủa vây giữa một bể sầu cố gắng thoát ra cố trồi lên nhưng hình như đang bị nhấn chìm…ông phải làm gì đây để thoát khỏi cô ta hay để thoát khỏi ý nghĩ vẩn đục trong lòng? Ngồi bần thần một lúc rồi trong đầu loé lên một ý nghĩ. Tại sao không vẽ? Vẽ để xem cho rõ lòng mình muốn gì? Có can đảm nhìn vào sự thật còn hơn là chạy trốn nó.Phải vẽ lại giấc mơ mới được. Trên đời thiếu gì những cái ta cầm, ta nhìn tận mắt chắc gì đã thật? Có những điều tưởng là mơ là hư ảo lại thật thì sao? Nghĩ vậy nhà sư kiên quyết đứng dậy vào phòng đọc sách của tịnh xá mở hộc bàn lôi màu và cọ, chạy lại kệ sách với tay lên ngăn cao nhất rút xấp giấy trắng cuộn tròn. Vội vàng pha màu căng giấy sửa soạn vẽ. Nhìn khung giấy trắng trước mặt lòng ông có một sự háo hức thật lạ! Rồi như bị thôi miên ông cúi xuống khoa cọ vẽ, hí hoáy say mê, ông cần trút bao điều khắc khoải vào bức tranh này. Đồng cỏ, cái áo, tấm khăn voan… rồi đôi mắt. Mồ hôi li ti bắt đầu rịn ra trên trán mặc dù đêm rất lạnh. Vẽ tới đâu lòng ông như được giải toả tới đó. Cuối cùng vị sư cũng bỏ cọ xuống. Đồng hồ điểm 12 giờ đêm! ông không tin vào mắt mình nữa! Giấc mơ khi chiều đây rồi! ông rùng mình khi nhìn vào mắt người phụ nữ. Có cảm giác như cô ta ở ngay trước mặt ông. Ông lúng túng quay đi miệng lẩm bẩm như để bào chữa mặc dù chẳng có ai để ông phải ngại ngần: “Đợi màu khô đã! Mình đi ngủ thôi!”. Vào phòng không ngủ được ông cứ trằn trọc, không hiểu lòng mình nữa! Tại sao lại mơ thấy phụ nữ cho tiền? Một nhà tu hành như ông đang bị gì vậy? Dân gian có câu” người làm sao chiêm bao làm vậy?” Thật ra từ lâu môn phân tâm học cũng đã giải thích tâm lý con người qua những giấc mơ. Nếu người phụ nữ này là giấc mơ thì con người ông có vấn đề. Có thể tham sân si trong ông còn nặng quá! Bằng chứng là từ khi mơ thấy cô ta tới giờ ông không thể bình yên đọc kinh tụng niệm nữa! Người trong mơ hay người thật đây? Có thể là thật nên trong phút chốc lòng ông mới xao động hoang mang đến vậy chứ? Nhưng nào phải lần đầu tiên ông nhìn hay tiếp xúc với phụ nữ đâu! Sinh hoạt trong chùa giao tiếp với họ hàng ngày, đủ mọi lứa tuổi, biết bao nhiêu người đẹp đẽ kiêu sa ông có bao giờ bị khuấy động sao hôm nay gặp cô ta lại đến nông nỗi này? Từ trong thẩm sâu ông chắc lòng mình không gợn một chút dục vọng nào. Vậy cái gì làm ông cứ nghĩ hoài về người phụ nữ đó? Nói tặng tiền mà lại tặng hoa, có phải vì cô ta có những cử chỉ lạ lùng như vậy nên đã gây ấn tượng với ông?! Vậy nếu cô ta có thật, mình không mơ, ngày mai phải đi tìm xem cô ta ở đâu! Cũng không được! Ông là người tu hành lẽ nào lại cầm hình một người đàn bà đi hỏi khắp cùng thiên hạ? Người cho rồi người đi cớ sao lại nghĩ nhiều đến nỗi buồn khắc khoải trong đôi mắt người ta? Có liên quan gì đến ông đâu? Có thật người buồn người căm hận không hay do ông tưởng tượng? Cô ta nói cho tiền mà lại tặng hoa thì cũng có sao đâu thắc mắc làm gì vớ vẩn. Nghĩ vậy ông nhắm mắt lại trùm mền nhưng hoài vẫn cứ chập chờn không ngủ sâu được ông bực quá đứng dậy vào lại phòng đọc sách. Màu trong bức tranh đã khô. Ông tiến lại gần bức tranh nhưng không dám nhìn kỹ chỉ thoáng qua rồi cuộn tròn tìm một sợi dây cột lại đang loay hoay tìm chỗ để cất bỗng tụt tay sợi dây bung ra bức tranh rớt xuống đất đôi mắt và nụ cười lại hướng về ông. Ông lúng túng vội cầm bức tranh treo vào cái móc trên tường gần đó nhưng lật úp lại. Vừa quay đi, một làn gió lật ngược bức tranh mặc dù các cửa đều đóng kín. Cô ta lại đang hướng về ông. Lúc này nhà sư có cảm giác như mình không thể trốn tránh được nữa. Bỗng trong đầu ông loé lên một ý nghĩ “sao mình không vẽ chiếc xe vespa vàng?” Cứ hỏi ai là chủ chiếc xe này có phải ổn hơn không? Rồi giống như có một lực vô hình nào đó cuốn hút, ông vội vã đi lấy tờ giấy khác loay hoay pha màu cầm cọ lên vẽ một mạch không ngơi nghỉ. Trong trí nhớ ông, chiếc xe vespa đậu xa xa ở đầu dốc bên kia, cánh đồng cỏ gần ngay trước mặt, trời lất phất mưa nhưng khi vẽ ra, màu vàng và kiểu dáng xe lại là điểm nhấn nổi bật đập vào mắt người xem. Ông buông cọ ngắm chiếc xe mỉm cười tự hỏi: Tại sao xe ở xa mà mình vẽ rõ ràng hơn là cây cỏ ở gần nhỉ? Bây giờ ông thấy lòng hơi nhẹ đi một chút nhưng vẫn chưa thể đọc kinh tụng niệm được, ông chờ sáng hẳn, tranh khô là rời tịnh xá, đi đâu ông chưa rõ nhưng chắc chắn ngày mai ông không đi khất thực. Vào 10 giờ sáng nhà sư bước ra khỏi tịnh xá mò mẩm lần theo con đường chiều hôm trước ông đã đi qua, mang theo bức tranh xe vespa vàng. Ông vừa đi vừa để ý xem chỗ nào có hoa cửu lý hương nhưng lại không thấy ông nghĩ có lẽ hôm qua đi vào nhiều ngã rẽ ngõ cụt quá bây giờ tìm không ra. Đi một lúc chợt ông nhận ra bãi cỏ bên kia đường. Lập tức ông cũng băng qua đồng cỏ giống như hôm qua ông thấy người phụ nữ đi.Chỉ một thoáng đã đứng ở đầu dốc, ông vội vã mở tranh ra nhìn khẽ kêu lên:”Y chang chỗ này rồi! Ở đây thì vắng quá phần nhiều chỉ có xe chở khách du lịch chạy qua! ông phóng tầm mắt ra xa hơn. Ở cuối dốc phía trái có một lũng sâu với những mái nhà thấp thoáng giữa những vườn hoa trái, bao quanh sườn đồi là những bãi cỏ lài lài nhìn xa như tấm thảm xanh. Vị sư bước qua đường đi về phía ấy. Vừa đi ông vừa suy nghĩ chả lẽ hỏi người ta về cái xe này à? Có ổn không nhỉ? Chợt có người đang tới gần mừng quá ông lên tiếng hỏi: _ Anh ơi! Cho tôi hỏi xíu anh có thấy cái xe vespa màu vàng này bao giờ chưa? Người này trố mắt nhìn ông với vẻ ngạc nhiên không nói gì tủm tỉm cười khẽ lắc đầu rồi đi tiếp. Vừa đi vừa hỏi gần trưa mà chẳng kết quả gì. Thế rồi cuối cùng có một người thay vì trả lời ông lại hỏi ngược lại: _Chu choa ai vẽ chiếc xe này đẹp quá vậy ta? Mà sao cái xe này trông hổng giống mấy cái xe bây giờ người ta thường đi. Tranh này thầy vẽ a thầy? Hay là thầy vẽ cái nhà con nó nằm ở dưới kia kìa, nha thầy, thầy không lấy tiền công con sẽ cúng dường cho chùa. Ông lắc đầu: _Mô phật! tôi có chuyện cần thiết mới hỏi kỳ lạ vậy, xin bỏ qua cho! Rồi ông quầy quả bước đi. Vị sư không hỏi nữa đứng lại trầm ngâm một lúc rồi trong đầu chợt nhớ lại nếu hồi nãy mình không sốt ruột đi xuống dốc để hướng vào lũng mà đi ngược lên tuy không gặp nhiều người để hỏi nhưng hình như có thoáng thấy túp lều sửa xe và bán xăng lẻ thì phải vì vùng này nằm hơi xa thành phố!, như vậy thì hôm qua và có thể nhiều hôm trước đó người sửa xe bán xăng phải nhìn thấy chiếc xe vàng này, biết đâu cô ta chẳng là khách quen của họ. Nghĩ vậy nhà sư đi ngược lên dốc đi được một đoạn quả nhiên có một chỗ sửa xe. Khi nhà sư đến gần một người đàn ông tóc đã muối tiêu chạy ra chắp tay cúi đầu: _Chào thầy, thầy đi đâu đường này vậy? Thấy điệu bộ ân cần của ông ta nhà sư đánh bạo hỏi: _Tôi muốn hỏi anh đôi điều được không? _Dạ thầy cứ hỏi, có gì vậy thầy? Nhà sư mở bức tranh chìa ra trước mặt ông ta chỉ chiếc xe vespa: _Anh sửa xe bán xăng ở đây có thấy ai đi chiếc xe vespa màu vàng như vầy chạy qua không? Người đàn ông nhìn chiếc xe hơi khựng lại rồi buột miệng thốt lên: _Ồ xe này dường như là xe cô Thư đây mà! Trước đây cổ ở thung lũng Phi Hương phía dưới kia kìa! Nhưng cổ đâu còn ở đây nữa. Cô bỏ chồng cuỗm tiền bán nhà theo người tình dông ra nước ngoài rồi. Hồi đó tôi hay sửa xe cho cổ vì chiếc xe vespa này cũng hay trục trặc màu lại quá độc đáo nên tôi nhớ rõ nó và người chủ của nó nữa. Cô ấy đẹp mà tệ lắm! Nhưng mà chuyện này xảy ra cũng đã gần ba năm rồi!! Như chợt nhớ ra đây chỉ là bức tranh ông ta nhìn nhà sư với vẻ tò mò: _Ủa mà sao giờ thầy mới tìm cô ta? Cổ lừa gì thầy hả? Nhà sư lắc đầu quầy quậy: _Không không phải đâu! Anh nói vậy tôi hiểu rồi cám ơn anh nhiều. Vừa lúc đó có người dắt xe tới sửa nhà sư vội vã chào rồi tất tả đi xuống dốc trở lại, hướng về cái lũng lúc nãy. Vừa đi ông vừa thắc mắc vậy ra cô ta có thật, có thể trốn đi đâu đó bây giờ mới lén lút quay về nên khi nói chuyện giống như mọi người chưa biết sự có mặt của cô ta ở đây. Bây giờ mình đi hỏi tổ trưởng dân phố của cái khu dân cư dưới lũng xem sao. Mải mê ngẩm nghĩ bị lôi cuốn một cách vô thức nhà sư quên không tự vấn tại sao mình lại mất công tìm kiếm một người lạ qua đường như vậy để làm gì, lẽ nào chỉ vì muốn biết chiều qua mình mơ hay tỉnh? Khi vào lũng ông hỏi một thiếu niên vừa đạp xe đi học về: _Con có biết nhà ông tổ trưởng xóm này ở đâu không? Thiếu niên chỉ tay về phía một căn nhà khang trang trước mặt nói: _Dạ thưa thầy nhà ông tổ trưởng đây nè, nhà có cái bảng nhỏ ghi “tạm trú tạm vắng xin khai tại đây!” Mừng quá vị sư đi xăm xăm tới trước căn nhà gõ cửa mặc cho hai con chó lao ra sủa ầm ỉ. Cánh cửa bật mở một người đàn ông ló đầu ra rồi cuống quýt mở to cánh cửa kêu lên: _Mô phật! Sao nhà tôi hôm nay có phúc thế này! Thầy bỏ chút thì giờ quý hoá tới đây hẳn có việc? Mời thầy vào nhà dùng trà đã. Để tránh cho gia chủ hiểu lầm thêm nữa nhà sư nhập đề ngay: _Xin hỏi ông là tổ trưởng khu này phải không? Người đàn ông tròn mắt ngạc nhiên: _Dạ mà sao ạ? Thầy muốn gì cứ nói, tôi biết thầy nhưng chắc thầy không biết tôi đâu! Cách đây một tháng thầy có làm lễ cầu siêu cho đứa cháu bên vợ tôi mới mất vì tai nạn giao thông. Hôm đó thầy làm chủ lễ đó thầy! Nhà sư kêu lên: _Vậy a! Nghe những điều tâm sự của chủ nhà vị sư không ngần ngại nữa trải bức tranh lên bàn rồi hỏi: _Ông có biết chiếc xe vespa vàng này giờ của ai không? Ông tổ trưởng nhìn rồi tấm tắc khen: _Trời! vẽ sao giống y chang như là chụp hình vậy! Chắc bức tranh này vẽ lâu rồi vì cách đây gần ba năm nó là của cô Thư sau đó cổ bỏ chồng theo trai… Vừa lúc đó một người đàn bà từ trong bước ra cầm cái khay trà khẽ khàng đặt xuống bàn rồi cúi đầu chắp tay cung kính chào nhà sư. Người đàn ông ngưng ngang câu chuyện chỉ tay về phía người đàn bà giới thiệu: _Bà xã tôi đó thầy! Rồi ông kéo tay vợ ngồi xuống chỉ vào bức tranh hỏi: _Em nhớ xe này giống xe ai không? Bà vợ buột miệng kêu: _Xe cô Thư chứ còn xe ai vào đây nữa! Dễ gì có xe kiểu này bây giờ, lại màu này nữa! Người đàn bà quay lại hỏi nhà sư: _Ủa mà sao thầy lại có bức tranh vẽ chiếc xe này? Vẽ xe tỉ mỉ như vậy mà lại hổng biết chủ xe là ai sao lạ vậy? Choáng váng vì những câu hỏi dồn dập đầy nghi kỵ mà bản thân mình không tự trả lời được nhà sư ngồi thừ ra nhìn bức tranh không nói năng gì. Người đàn bà hỏi xong biết mình lỡ lời liếc trộm vị sư cười giả lả rồi như để chữa thẹn bà ta bắt đầu kể lể với một giọng điệu đầy cảnh giác: _Ngày cuối cùng tôi gặp cổ cũng là ngày tôi chồng tiền huê xuất cuối cho cổ. Hốt được huê rồi cổ về nhà thu gom tiền bạc gia sản của hai vợ chồng trốn biệt. Thầy biết không cô ta là phật tử đó chứ, người trông rất đẹp đẽ hiền lành vậy mà đùng một cái dám bỏ chồng, ớn ghê nơi, đúng là sông sâu còn có kẻ dò nào ai bẻ thước mà đo lòng người! Vị sư nghĩ thầm: cô Thư! cô Thư! Vậy ra người đàn bà mình gặp hôm qua trên đường về là cô Thư à? Đúng là mình không mơ mà! Gia đình cô ta còn ai ở đây không? Nhà cô ta ở đâu? Những câu hỏi vừa loé trong đầu đã buột ra khỏi miệng nhà sư. Ông tổ trưởng nãy giờ ngồi lặng yên bây giờ mới trả lời: Cô ta mồ côi từ bé là con nuôi bà Tư Hiền trong xóm này, sau khi mẹ mất cổ đi xa một thời gian rồi lại về đây sinh sống lập gia đình. Cổ là gia sư dạy kèm ngoại ngữ. Hai đứa con tui cũng là học trò cổ đó thầy. Thầy có thể cho tôi biết nguyên nhân tại sao không quen cô Thư mà lại vẽ chiếc xe giống thế, thầy vẽ hay ai vẽ? tại sao thầy lại có bức tranh này? Nhà cô ta đã bán trước khi cô ta bỏ nhà ra đi, ở cách đây không xa lắm! Bà vợ lại chen vào: _Cái nhà ấy từ khi hai vợ chồng bán trải qua không biết bao nhiêu chủ rồi! Bây giờ là quán karaokê tụi nhỏ cứ tụ tập hát ầm ỉ suốt ngày. Nghe tới đây nhà sư cảm thấy trong lòng có một mong muốn tới xem bất cứ thứ gì có liên quan tới người đàn bà chủ chiếc xe vespa vàng. Điều này buộc ông từ tốn kể lại tại sao mình phải cất công tới đây hỏi cho ra lẽ mọi nguồn cơn. Khi nhà sư vừa dứt lời hai vợ chồng nhìn nhau ngỡ ngàng không thốt nên lời. Một lúc sau ông tổ trưởng chặc lưỡi nói với nhà sư: _Lạ quá! Lạ quá! Được rồi tôi sẽ đưa thầy qua ngôi nhà cũ của cô Thư. Tôi sẽ tìm cách nói với chủ nhà để thầy vào thăm nhà như nguyện vọng của thầy. Bà chủ nhà cũng vui tính lắm, thấy thầy chắc bả thích lắm đây! Rằm nào bả cũng đi chùa cả! Thôi mình đi nhanh lên kẻo trưa để cho thầy còn về nghỉ. Trên đường đi ông tổ trưởng tiếp tục hỏi: _Thầy nói thầy thấy cổ hôm qua trong vùng này à? Cổ mà về đây bây giờ là cổ gan tầy trời, mang tai tiếng khó sống lắm à nghen. Khôn hồn thì đừng lảng vảng ở đây! Thầy hổng quen biết gì mới thấy cổ chiều qua mà vẽ chiếc xe y hệt mới kỳ! Nhà sư nói: _Tôi vẽ luôn hình dáng cổ mặc dù chỉ mới thoáng thấy cổ chốc lát thôi! _Ủa vậy sao? sao thầy không mang bức hình cho tôi xem luôn! Nhà sư cười gượng: _Xin ông thông cảm tôi là người tu hành mà! Mai tôi đưa ông xem chỉ mình ông xem thôi đấy nhé! Người đàn ông gật gù: _Thầy cứ an tâm. Tôi không nói với ai đâu! Giúp được gì thầy tôi sẽ giúp. Chút nữa qua đó tôi sẽ nói giúp những gì thầy muốn thầy đừng ngại. Trên đường đi nhà sư hỏi: _Tại sao vùng này lại được gọi là thung lũng Phi Hương? _Ông tổ trưởng chỉ tay về phía những lối mòn viền quanh thung lũng nói: À tại vì dọc những con dốc rẽ xuống lũng có nhiều bụi hoa quân tử, lại thêm hoa sứ, hoa ngọc lan được trồng trước cổng những ngôi nhà, mùi thơm đua nhau lan xa phảng phất khắp nơi nhất là những đêm trăng sáng nên mới có tên Phi Hương. Đi được chừng một trăm thước họ phải vượt qua một cái cầu gỗ trước khi dừng lại tại một quán nước có tấm biển ghi: “Karaokê Bích Câu”. Một vài cặp thanh niên đang ngồi kề vai nhau uống nước nghe nhạc. Ông tổ trưởng kêu lên: _Đến rồi! Nhà này hồi xưa là của vợ chồng cô Thư đó! Rồi ông cất tiếng gọi với vào: _ Bà chủ đâu rồi? Bà chủ có nhà không? Từ trong quán một người đàn bà chạy ra kêu: _Ới ời tôi đây! Có gì không bác tổ trưởng? Lại đóng góp tiền gì nữa đây? Rồi chợt thấy vị sư bà khựng lại vội chắp tay vái lia lịa: _Chào thầy có chuyện gì mà nhà con được thầy tới thăm vậy? Không đợi cho nhà sư trả lời ông tổ trưởng kéo bà ra thầm thì một lúc. Người đàn bà chạy lại gần nhà sư ân cần mời: _Xin mời thầy vào nhà chơi. Thầy cứ tham quan nhà con thoải mái. Nghe bác tổ trưởng giới thiệu thì ngoài việc làm lễ cho phật tử thầy còn rành về phong thuỷ lắm nhân đây xin thầy cho con ý kiến để con sửa nhà cho nó thuận nha thầy. Vị sư im lặng ông không để ý lắm về những lời người đàn bà vừa nói. Như có một hấp lực nhà sư xăm xăm đi vòng ra phía sau xem xét trước. Ông đã đi qua cánh cửa ở hông nhà. Người đàn bà và ông tổ trưởng theo sau. Nhà sư bước vào lặng lẽ nhìn căn phòng. Cái bếp mới sửa sang thì phải, còn khang trang tươm tất lắm! Có mấy đứa nhỏ ngồi ăn cơm quanh bàn, nhà sư quay lại nói với người đàn bà: _Xin lỗi bà! Tôi tới làm rộn bữa cơm của cả nhà. Người đàn bà lắc đầu: _Không đâu thầy chỉ có mấy đứa nhỏ ăn cơm sớm để đi học đó mà! Chút nữa mời thầy lưu lại dùng cơm chay với con nha thầy! Vị sư không đáp trả, ông đang hí hoáy đưa tay định mở cánh cửa ra phía sân sau nhưng cánh cửa cứng quá. Người đàn bà vội nói: _Dạ thầy ra cửa hông lúc nãy đi, cửa này đất bị sụt con không mở lâu rồi để khi nào xây lại nhà làm luôn một thể. Vị sư hỏi: _Kẹt dữ vậy sao? _Dạ không! nếu lấy búa đập từ từ cửa vẫn mở ra được thầy chờ con chút. Bà ta chạy đi một lúc rồi trở lại với cái búa trong tay đập mấy nhát liên tiếp, cánh cửa từ từ mở ra. Vị sư đứng từ bực cửa nhìn ra khoảng sân sau. Ông chỉ căn nhà nhỏ cách phòng bếp chừng ba thước hỏi: _Đây là nhà kho a? Ông tổ trưởng vội nói: _Dạ tôi nhớ lúc trước có lần tới gặp cô Thư thì đây mới là nhà bếp đó thầy! Người đàn bà lại tiếp tục giảng giải: _Dạ đúng đó! Khi con dọn về đây chưa có tiền sửa nhà nên để không chỗ đó, mà cửa vào chỗ đó cũng kẹt cứng á thầy! Nhà sư đứng lặng tần ngần không hiểu sao cứ muốn đứng lại đây chứ không muốn tiếp tục xem xét nữa! ông nhìn kỹ cái sân rồi nói: _Chị ơi! Tôi đề nghị chị đổ đất nâng sân lên, đất ở đây bị sụt nhiều để vậy không tốt đâu! Công thợ chừng một ngày tráng nền lại chỗ này giỏi lắm vài bao xi măng chứ nhiều nhặng gì đâu, rồi khi nào có tiền xây nhà sau, đừng đi cửa hông, vào ra cửa này mới đúng. Ông chỉ tay vào cái cửa lúc nãy bà chủ phải lấy búa đập. Bà chủ sốt sắng: _Dạ thầy đã nói vậy chiều nay con cho người đến làm ngay! Chợt nhà sư hơi khựng lại, có mùi hương vừa thoáng qua đâu đây. Ông nhìn quanh ngơ ngác. Thì ra có một bụi cây mọc chồi lên từ một góc sân nứt nẻ. Lẫn trong bụi cây um tùm lốm đốm những cánh hoa nho nhỏ trắng muốt toả hương thơm dịu nhẹ. Ông tiến lại gần nhìn cây cửu lý hương như bị thôi miên. Đúng là loại hoa trong bát bình khất thực của ông đây mà! Khuôn mặt nhất là đôi mắt của người phụ nữ lại hiện rõ lên mồn một. Thấy vị sư cứ nhìn đăm đăm vào bụi hoa bà chủ nói: _Cũng do cái bụi cây này mọc rễ lan ra đâm lên làm nứt nền sân đó thầy! Tại hoa nó thơm quá nên con cứ để. Mai kia làm lại sân con sẽ đưa ra phía trước trồng làm hàng rào, đêm trăng hoa thơm hết biết luôn, khách tới uống cà phê nghe nhạc thưởng hoa lãng mạn hết sẩy! Bà chủ nói xong dường như đắc ý lắm ngửa mặt lên trời cười giòn tan. Vị sư buột miệng nói như một cái máy: _Chị cho tôi một bụi nhỏ về trồng làm cảnh được không? Ông tổ trưởng không đợi bà kịp trả lời sốt sắng nói: _Được rồi cứ để tôi lấy cái xẻng bứng cẩn thận cái rễ về thầy khỏi mất công chăm sóc nhiều. Khi ông tổ trưởng hì hục cắm sâu cái xẻng xuống đất nhà sư nhìn không chớp mắt. Đào được chừng một lúc cái xẻng giống như bị vướng thứ gì không thể đâm sâu hơn ông tổ trưởng rút xẻng ngược trở lại. Một mảnh vải xam xám trồi lên tiện tay ông kéo mạnh, thì ra một vạt áo măng tô có chất liệu cao su nên không tan trong đất và một mảng tóc dài. Ông tổ trưởng rú lên lùi lại, Vị sư vội nói: _Ngưng lại ngay! Tôi nghi ở đây có cốt người, ông mau báo công an đi! Vị sư bỗng dưng thấy lòng nhẹ hẳn đi, tỉnh táo lạ thường không hề có chút ngạc nhiên nào cả! ông vội rút tràng hạt ra lâm râm khấn mắt nhắm lại. Bà chủ nhà quỳ sụp ngay giữa sân khuôn mặt bàng hoàng ngơ ngác nhưng vẫn giữ im lặng không dám lên tiếng. Ông tổ trưởng hớt hải chạy vội đi một lát quay trở lại với hai người công an. Nhà sư xin cáo lui. Ông tổ trưởng và bà chủ năn nỉ xin ông nán lại xem sự tình nhưng ông vội thoái thác: _Bây giờ không phải phần việc của tôi. Tôi về để người ta khám nghiệm xem xét hiện trường. Tôi sẽ cho ông số điện thoại để tiện liên lạc. Nếu cần gì thì cứ lên chùa tôi sẽ nhắn mấy người trên đó giúp đỡ cầu siêu cầu an làm tang lễ đừng ngại… Bởi vì thời gian này tôi không ở trên chùa nếu không tự tôi sẽ làm giúp quý vị. Ông tổ trưởng vẻ mặt đầy xúc động gật lia lịa: _Dạ dạ cám ơn thầy nhiều con sẽ lên chùa làm như lời thầy dặn! Rồi ông tất tả chạy về phía những người công an đang làm việc. Mười ngày sau… Nhà sư bước ra khỏi phòng đọc sách của tịnh thất định kiếm miếng nước uống cho khỏi khô cổ bỗng chuông điện thoại reo vang. Ông vội vã quay vào nhấc máy, chưa kịp cất tiếng hỏi thì một giọng ở bên kia đầu dây đã vang lên: _A lô! Có phải thầy đó không ạ? Tôi đây tổ trưởng tổ 8 thung lũng Phi Hương đây! Xin thầy dành ít phút mở kênh truyền hình địa phương đang phát phóng sự vụ án cô Thư, nhanh nhanh thầy. Thầy ơi! Mai tôi ghé lại xin được mua bức tranh cô Thư đừng bán cho ai hết nghen thầy! vị sư ậm ừ rồi bỏ máy xuống bật TV lên. Âm thanh của TV vang lên trước khi màn hình bật sáng. “Xin mời quý vị theo dõi tiếp cuộc thẩm vấn với tội phạm “. Nghe tới đây ông quay phắt lưng về phía màn hình tránh không nhìn TV, mắt ông nhìn đăm đăm vào bức tranh người phụ nữ, mặc dù vẫn chăm chú nghe. _Anh về miền tây cuối năm 92 phải không? _Dạ chính xác là cuối năm 93 mới thường trú tại đó. Giọng thẩm vấn từ tốn nhưng rõ ràng: _Không phaỉ chúng tôi chỉ nắm chính xác những thông số về nơi anh tới đó thường trú mà còn tạm trú nữa. Tạm trú lúc nào? Đi và về mấy lần? Anh hiểu tôi muốn nói gì chứ? _Dạ _Tại sao bán được nhà hai người lại không dọn đi ngay mà ở lại cho đến khi cô ấy xảy ra tai hoạ rồi anh mới dọn về ở hẳn miền tây. _Tại vì người mua nhà ở xa mua để đó nên bằng lòng cho chúng tôi nán lại cho đến khi mua được nhà mới vả lại người đó không đưa vàng ngay một lúc chỉ mới chồng có 15 cây còn lại năm cây khi nào chúng tôi tìm được nhà dọn ra mới chồng nốt. _Tại sao vợ chồng anh lại quyết định bán nhà? _Tại vì nhiều người nói ngôi nhà chúng tôi ở không có hậu, phong thuỷ không tốt ở đó chỉ có tử mà không có sinh. Vợ chồng tôi lấy nhau ba năm mà chưa có con. Giọng thẩm vấn lúc này đanh lại: _Theo giấy tờ thu thập được ở sở nhà đất thủ tục mua bán nhà đã được hoàn tất trước khi tin cô Thư bỏ nhà ra đi khoảng một tháng. Theo sổ hộ khẩu và lý lịch tường trình ở miền tây anh giải thích tại sao ngày anh tạm trú trùng hợp với thời điểm địa điểm người vợ thứ hai của anh xin tạm trú? Tức là sau khi cô Thư vợ cũ của anh mất tích hai tháng sau đó? Hai người quen nhau trước đó phaỉ không?. _Dạ chúng tôi trong nghề. Tôi là nhân viên tiếp tân cho khách sạn còn cô ấy làm dịch vụ hướng dẫn du lịch. Nhưng lúc đó chúng tôi chỉ coi nhau như bạn. Chỉ thực sự yêu nhau và làm hôn thú một năm sau đó mà thôi! Một tiếng cười nhẹ giọng nói mang một vẻ gì đó rất mỉa mai: _Tôi biết, hai người làm hôn thú đám cưới hợp lệ hợp pháp. Anh có nhắn tin trên báo và truyền hình cả sở công chứng ra hạn trong vòng một tháng người vợ bỏ nhà ra đi của anh phải về làm thủ tục ly dị phải vậy không? Nhưng mấu chốt không nằm ở đây! Theo những tường trình cũ chúng tôi được cung cấp cho biết vợ anh mất tích sau khi thủ tục bán nhà vừa xong. Xác cô ấy đã được tìm thấy trong căn nhà cũ theo kết quả khám nghiệm sọ bị nứt và trong nẹp áo khoác ngoài có giấu một sổ tiết kiệm gởi ngân hàng được bọc nilông cẩn thận nên vẫn còn nguyên vẹn. Ngaỳ tìm được xác cô ấy cũng trùng với ngày cổ gởi tiền ngân hàng10-3 tính đến nay vừa đúng ba năm! Nghe tới đây nhà sư nhìn đăm đăm vào bức tranh chắp tay lại kêu lên:”mô phật!” Cuộc phỏng vấn vẫn tiếp tục: _Theo điều tra thì số tiền huê cô ấy thu được trùng hợp với số tiền gởi ngân hàng. Anh khai với công an lúc đó là vợ anh mang hết tiền bán nhà theo trai vậy sao ở đây chỉ có tiền huê tiền bán nhà đâu? _Dạ có thể cô ấy chuyển ra nước ngoài cho bạn trai Giọng thẩm vấn đanh lại dồn dập: _Bạn trai nào? Tên gì? ở đâu? Vóc dáng ra sao tại sao lại có thể? Một sự im lặng hoàn toàn Đoạn ghi âm bị gián đoạn rọt rẹt rồi lại tiếp tục: _Tại sao anh giết vợ? _Dạ khi bán nhà người ta chồng 15 cây vàng trước, cô ấy và tôi lục đục với nhau nên cô ấy đòi chia đôi số vàng. Ngày hôm ấy cô ta đi suốt ngày. Tôi cạy tủ riêng của cô ta thấy số vàng được chia vẫn y nguyên, lúc đó tôi nghe phong phanh cô ấy sắp hốt huê, nếu không kịp thời lấy lại cô ấy kịp hôt huê rồi tẩu tán đi thì tôi khó mua được ngôi nhà mà tôi nhắm từ lâu. Khi đang mở tủ thì cô ấy về. Hai vợ chồng xích mích cô ấy nhào tới lấy lại số vàng, trong lúc xô xát bị trượt ngã đầu đập vào góc nhọn của bàn rồi va xuống đất nằm bất động. Ngày hôm ấy cô ấy mặc một chiếc áo khoác màu xám, trông thấy máu chảy đầm đìa từ trên đầu xuống tôi bứt một sợi tóc để trước mũi cô ta không thấy lay động tôi nghĩ cô ấy đã chết tôi hoảng quá cố kéo xác cô ấy ra ngoài sân. Trong khi kéo đi áo cô ta móc đâu đó rách nhiều chỗ. Tôi lục túi áo thấy có vài đồng lẻ nên để nguyên cứ thế đào lỗ chôn xác, xoá sạch vết máu rồi tráng xi măng lên trên. Giọng thẩm vấn bây giờ như gọng kìm siết chặt tên tội phạm: _Vậy là anh lấy trọn 15 cây vàng, trình vợ mất tích dọn ra khỏi nhà lấy thêm năm cây còn lại phải không? Khi biết vợ đã hốt huê anh tung tin thất thiệt đồn thổi vợ anh theo trai mang theo hết tiền của, anh chỉ còn năm lạng thôi chứ gì? Rồi nhắn tin trên truyền hình để trong vòng một tháng được ly dị vợ hợp pháp. Đó là ý đồ của anh. Tôi nói có sai không? Lại một sự im lặng _Còn chiếc xe vespa đâu? _Dạ tôi bán cho một người chuyên sưu tầm xe vespa cổ Tới đây nhà sư vội vã tắt tivi. Nhà sư lặng lẽ ngắm bức tranh người phụ nữ quỳ trên bãi cỏ. Tất cả những khắc khoải cách đây không lâu cứ ám ảnh ông giờ đã dứt. Ông nhìn bức tranh với lòng thanh thản không hoài nghi bứt rứt, một cảm giác lâng lâng thật dễ chịu! Ông nghĩ mình đã cảm nhận được một khoảnh khắc đau thương của một người, để rồi vẽ nên bức tranh tuy nhiên ông cũng hiểu mình không có quyền bán cho bất cứ ai. Thế nhưng những cảm xúc khiến ông vẽ nên nó bức xúc vì nó thanh thản nhìn ngắm nó sẽ không phơn phớt thoáng qua sẽ mãi mãi hiện hữu trong tâm hồn cho dù chỉ chút nữa thôi tất cả sẽ thành tro bụi. Nghĩ tới đây ông lấy hai bức tranh mang ra ngoài sân bật lửa đốt. Bức tranh cháy từ từ, rồi tất cả biến thành muôn mảnh nhỏ xam xám rơi tan tác trong không gian. Hai bàn tay nhà sư không còn gì nữa, trống không. Bỗng một cơn gió thoảng mang mùi hương đến. Ông quay người tìm kiếm. Chậu hoa cửu lý hương được bà chủ quán cẩn thận bứng cả cụm vun vào trong chậu tặng ông có duy nhất một cành hoa đang nở. Cánh hoa rung nhẹ long lanh những giọt sương đêm. Nhà sư tiến lại gần nhìn hoa khẽ mỉm cười rồi rút xâu chuỗi hạt nhắm mắt lại lâm râm đọc: A Di Đà Phật từ bi tiếp độ hương linh Phiền não đoạn diệt Vĩnh y khổ ách Âm siêu dương thới Nghiệp chướng tiêu trừ
HẾT