Nhà thằng Chiến, thằng bạn thân nhất của tôi lúc còn học Mạc Đĩnh Chi nằm ngoài mặt tiền con đường gì tôi cũng không nhớ tên, chỉ biết đi hướng về Lái Thiêu gần bên cây cầu tên là Giao Khẩu. Thật ra đây là nhà bên vợ của nó, ngày xưa lúc còn đi học, nó không phải là học sinh giỏi, nhưng trong xã hội hôm nay, kết quả của sự học tập thường không phải là thước đo cho cuộc sống kinh tế sau nầy. Lấy vợ, về ở bên nhà vợ, thằng Chiến đã nhìn ra vị thế thuận lợi của miếng đất nhà cha mẹ vợ nó nếu được khai thác để buôn bán vật liệu xây dựng... Và trong đà thi đua xây cất nhà của mọi người, không mấy chốc khu nhà ở của gia đình bên vợ thằng Chiến đã là một địa điểm buôn bán vật liệu xây dựng bề thế nhờ bên hông giáp bờ kinh cha mẹ vợ nó đã cho người ta thuê để bốc dỡ cát từ ghe chài lên cho xe tải mọi nơi trong thành phố về lấy. Với tài tháo vát, nói năng,giao thiệp, thằng Chiến đã là con cưng của gia đình bên vợ nó. Khách hàng cũng rất thích mua hàng của gia đình nó vì được giao tận nơi nếu gần hay chỉ tính tiền xăng nhớt chút đỉnh nếu xa, vì nó có sắm sẳn hai chiếc xe ba gát gắn máy với hai người lái xe giao hàng cho khách ăn lương tháng. Thằng Chiến mới có một đứa con trai tên Nhân, năm nay khoảng 4 tuổi và khỏi nói cũng biết nhóc tì ta là cục vàng của gia đình nầy rồi. Thằng Chiến hẹn tôi 9 giờ sáng hôm nay sẽ đưa tôi đến tiệm hủ tíu cá, nghe nó nói ở đâu trên Quận Gò Vấp đường LQ Đ thì phải, mà theo lời nó về VN mà không ghé vô đó là chết nửa cuộc đời nên tôi cũng muốn thử coi như thế nào. Tôi đến nhà nó cũng đã hơn 10 giờ, vì không đến trể không phải người Việt Nam kia mà, hơn nữa vì đêm qua đi chơi về quá khuya thì dậy trể là lẽ đương nhiên, nhưng lý do chánh là tôi cũng muốn để cho nó sấp xếp công việc buổi sáng của nó đâu ra đó rồi có lôi nó đi suốt ngày cũng không sợ mặt vợ nó đen. Tôi chạy chiếc Honda 50cc vào chổ để xe chưa kịp khoá, thì thấy Xuân, em vợ của thằng Chiến đi ngang qua tôi: - Anh Bình, anh Chiến đang ở trong nhà đó, thằng Nhân nó bị té... Tôi chưa kịp hỏi gì thêm thì Xuân đã đi nhanh ra phía trước hỏi to: - Mấy anh thấy anh Lực đi giao hàng về chưa vậy? Có tiếng ai trả lời đâu đó: - Chưa thấy cô Xuân ơi. Tôi bước đến bên Xuân: - Thằng nhỏ có sao không Xuân? Xuân không trả lời câu hỏi của tôi: - Anh vào nhà đi, anh Chiến cũng đang có ý chờ anh đó... Tôi bước vào trong. Mọi người trong nhà thằng Chiến hầu như đều có mặt. Thằng Chiến ngồi trên ghế, ôm Nhân trong lòng, vợ nó ngồi bệt dưới đất đang xoa dầu chổ mắt cá chân thằng nhóc mà lúc nầy đang sưng thật to và thằng nhóc khóc đã không thành tiếng. Ba vợ nó thì đứng vuốt tóc thằng nhỏ vổ về "nín, nín đi con, giỏi Ngoại thương... mai Ngoại dắt con đi ăn hủ tíu bò viên...", còn Má vợ nó thì đang làu bàu mắng vợ nó " tao không biết bây tối ngày lo làm cái gì á, có thằng nhỏ không coi chừng, để cho nó té, sao không giết nó luôn đi..." Thằng Chiến ngước đôi mắt buồn bả nhìn tôi: - Nó đi trợt chân, té từ trên thang lầu, cũng may chỉ bị trặc mắt cá chân thôi... Nghe thằng Chiến nói với tôi như vậy, Má vợ nó quay lại trợn mắt: - Vậy chứ mầy còn muốn sao nữa... Thằng Chiến cúi đầu, nín khe. Tôi biết Má vợ thằng Chiến rất hiền lành và tốt bụng vì nóng ruột thằng cháu cưng mới nặng lời như vậy nên bước tới đở lời cho nó: - Nếu cháu Nhân chỉ bị trặc mắt cá chân thì thật may mắn lắm rồi đó Bác, bây giờ nên đưa cháu vào bệnh viện gấp để Bác sĩ sửa lại khớp cho cháu, để lâu không tốt... - Bác đã biểu con Xuân đi kêu thằng Lực rồi, không biết nó kêu chưa mà tới giờ cũng chưa thấy mặt tụi nó. - Thằng Lực đi giao gạch cho người ta rồi, bộ thằng Hồ đi không được sao? Ba vợ Chiến xen vào. - Thôi, thằng Hồ chạy xe ẩu lắm không được đâu. Má vợ nó cải. - Nhưng hai Bác định đưa cháu vào nhà thương nào? Tôi hỏi - Tao định đưa nó tới Ông ĐYS TrQC... nghe người ta nói ông ta giỏi về mấy vụ nầy lắm. Thằng Chiến trả lời tôi thay cho Ba Má vợ nó. Ngày còn ở VN tôi cũng thường nghe nói về Ông ĐYS nầy, nhưng ông ta hay như thế nào và hiện tại ở đâu thì tôi mù tịt. Vừa lúc đó thì một thanh niên lực lưởng, da mặt sạm đen đi vào: - Dạ Ông Bà, Cậu Tư kiếm con hả? Mọi người sáng mắt lên khi thấy anh ta, và Chiến nói ngay: - Lực à, ra lấy xe chở tao đưa thằng Nhân đến Ông TrQC nắn cái chân cho nó ngay đi. - Chân nó bị gì vậy Cậu Tư? - Nó bị té xuống mấy bậc thang nên bị trặc mắt cá... - Nhưng.... - Biểu thì mầy đi ngay đi, còn ở đó mà nhưng với nhị... Má vợ Chiến gắt. - Nhưng... con đâu biết ông Tr QC gì đó ở đâu chứ... Lực nói. - Mầy chạy vô chổ nhà hàng Á Đông trong Chợ Lớn đó, rồi hỏi người ta chỉ cho. Ở đó ai mà không biết ông ta chứ. Ba vợ Chiến nói. - Dạ. Lực ra nhà xe, lấy chiếc Dream 100 của Chiến đẩy ra cửa đề máy chờ Chiến. Chiến xốc thằng Nhân lên định bồng ra xe. Thằng nhỏ có lẻ lại bị đau nên khóc thét lên. Chiến dổ con: - Ráng chịu đau chút đi con... Ba đưa con đi ông thầy nầy hay lắm sẽ hết đau liền à... Thằng nhỏ không biết vì đau thiệt hay muốn được chìu thêm, chẳng những không nín mà khóc lớn hơn và cái chân không bị đau lại chòi lia lịa vào hông ba nó... Tiếng khóc của thằng Nhân và cảnh tượng chạy ra chạy vào của Xuân cùng những thành viên khác trong gia đình Chiến đã gây chú ý cho hầu hết những khách đến mua vật liệu xây dựng hôm nay, trong đó có một thanh niên trạc chừng 20 tuổi, tóc để dài hình như cả năm rồi chưa đi hớt, mặc bộ đồ kaki lính còn dính bê bết xi măng, đang xếp gạch lên chiếc xe ba gát của anh ta gần bên Lực đang ngồi trên chiếc Dream đợi Chiến. - Thằng nhỏ bị gì mà khóc dử vậy anh? anh ta gợi chuyện với Lực. - Nó bị té trặc mắt cá chân. Lực trả lời anh ta. - Trặc mà có bị gảy xương không? - Tao cũng có biết đâu, mà mầy hỏi chi vậy? Cậu thanh niên cười thật hiền: - Nếu bị gảy xương thì em không biết, chứ chỉ bị trặc khớp thì em có thể chỉ giúp người sửa dùm. - Mầy lại muốn nói Ông TrQC chứ gì. Lực hỏi. - Em đâu biết ai là TrQC chứ, chú Ba Lành cũng ở gần đây thôi... mới tuần trước em đi đá banh bị trặc mắt cá, chú ấy sửa cho em, chỉ một ngày là hết à... - Mầy nói thiệt hay nói chơi mậy? Lực trợn mắt. - Em gạt anh làm gì chứ. Nói xong hắn kéo quần lên cho Lực coi cái mắt cá bình thường của hắn rồi nói thêm: - Vậy mà tuần trước nó sưng còn to hơn cái tô nữa, em nằm liệt một chổ có đi làm được đâu. Vừa lúc đó thì Chiến bồng thằng Nhân đi ra. Lực nói ngay với Chiến, khi Chiến xốc thằng Nhân lên ngang bụng mình để định ngồi lên xe: - Cậu Tư, có thằng nầy nói, nó biết Chú Ba Lành gì đó biết sửa chân trặc hay lắm nè... Tôi và Chiến cùng ngó theo tay chỉ của Lực vào anh chàng thanh niên, mà lúc nầy đang nhìn lom lom vào mắt cá chân của thằng Nhân bầm tím, sưng vù... tôi nghe hắn lẫm bẫm: - Giống y như tui mà... Không để cho Chiến phải hỏi, Lực tóm tắt mẫu đối thoại vừa rồi giữa hắn và gã thanh niên cho Chiến nghe và thêm: - Em nghĩ Cậu Tư thử đưa cháu đến Chú Ba Lành gì đó xem sao, biết đâu... Chiến bán tín bán nghi, quay sang gã thanh niên: - Em... Gã thanh niên cười thật hiền: - Dạ, em tên Hấu... Chiến thân thiện: - Hấu biết thầy trị chân trặc mắt cá à, chỉ dùm anh đi, tôi nghiệp thằng con anh, nó khóc từ sáng đến giờ... - Chú Ba Lành không có làm thầy gì đâu, tại nhà em ở gần nhà chú, thấy em bị sưng chân không đi làm được, chú sửa dùm... chứ trước giờ em không thấy chú trị cho ai hết á... - Vậy nhà chú Ba có gần đây không cháu? Ba Má vợ của Chiến cũng đã được Lực thuật lại câu chuyện, và Má vợ Chiến sốt ruột xen vào. - Dạ, bên xã Đông Thạnh đó Bác... Hấu trả lời. - Vậy cháu có thể hướng dẩn ba nó đưa nó đến nhờ chú Ba sửa dùm cái chân nó không? - Dạ được chứ... nhưng... - Nhưng... sao hở cháu? - Dạ, tại cháu đang đi lấy gạch về cho chú Hai Kỳ... - A, Hai Kỳ đang lảnh xây nhà cho Ông Trưởng Phòng Thuế đó hả? Ba vợ Chiến hỏi Hấu. - Dạ đúng đó Bác. - Vậy chú em mầy khỏi lo, việc nầy để tao... 500 viên gạch thẻ hả, được... Rồi ông quay sang thằng Hồ, cũng đang đứng đó: - Hồ, bây lo đưa gạch đến cho anh Hai Kỳ, nói với ảnh là hôm nay tao nhờ thằng Hấu giúp dùm ít việc... ảnh có cần gì cứ nói với bây, à mà nhà ông Trưởng Phòng bây biết chứ? - Dạ biết... Hồ đáp lời Ba vợ Chiến xong quày quả đi lo công việc vừa được giao. Chiến hỏi Hấu trong khi thằng Nhân vẫn còn tức tưởi trên vai: - Mình đi được chưa? - Dạ được anh? Chiến quay sang tôi: - Mầy chở em Hấu nha Bình. Từ nãy giờ tôi đã nghe hoàn toàn câu chuyện, và tôi cũng hiểu được sự nhẹ dạ cả tin của dân tộc tôi về những lời truyền miệng, khi gặp chuyện không may dù lớn dù nhỏ. Thằng nhỏ bị té trặc mắt cá chân, sao không đưa vào bệnh viện, lại muốn đưa đến một ĐYS và bây giờ lại là một chú Ba Lành nào đó, qua lời một thanh niên chưa từng quen biết, chỉ vì anh ta khẳng định, anh ta cũng bị trặc mắt cá và chú Ba Lành đó đã trị lành cho anh ta, nhưng con cưng của người ta, mình mà ý kiến nầy nọ, có gì chạy về Mỹ không kịp nên tôi lặng thinh, xuôi xị: - Thôi, để em Hấu chở tao cho chắc ăn... Tôi đẩy chiếc Honda của tôi lên trước mặt Hấu... hắn cười nói với Chiến khi Lực lại đề máy chiếc Dream: - Vậy anh chạy theo em nha, vái trời bi giờ cho có ổng ở nhà... Gã thanh niên tên Hấu nầy coi vậy mà cũng tốt, có lẽ hắn biết tôi sợ cái dòng xe cộ đông đúc mà lưu thông vô trật tự nầy hay chờ Lực vì sợ thằng Nhân bị dằn đau không dám chạy nhanh hay sao, mà hắn chạy thật từ tốn hiếm thấy ở những thanh niên tuổi hắn mà lái xe gắn máy. Qua khỏi cầu Ba Thôn hướng về xã Đông Thạnh, Hấu chợt hỏi tôi: - Anh ở nước ngoài về phải không? - Sao em biết? - Nhìn anh biết liền... hắn cười tiếp: - Bây giờ, con trai nhà giàu không ai đi loại Cub 50 nầy nữa... - Nhưng anh có giàu đâu... - Ừ, nhưng em không biết nói sao nữa... và em thấy hình như anh không tin những gì em nói lúc nãy phải không? - Sao em lại nói vậy? - Cảm giác thôi... vì em cũng như anh, không bao giờ nghĩ là chú Ba chữa lành được cái chân em... nhưng khi chân em lành hoàn toàn chỉ trong vòng một ngày em không tin cũng không được... Hấu chợt thấp giọng: - Nghe người ta nói chú ấy có bùa Lỗ Ban đó anh. - Bùa Lỗ Ban? Tôi lập lại. - Ừ, nhưng mà... hắn bỗng đổi giọng: - Qua bưu điện xã Đông Thạnh, rẽ vào con đường đất đỏ kế bên khoảng 5, 6 trăm thước là tới nhà chú Ba... Và có lẻ để tôi không hỏi gì thêm, Hấu rồ ga phóng nhanh hơn... Tôi ngoái lại phía sau thấy Lực cũng tăng ga để giữ nguyên khoảng cách. Hấu chậm lại khi rẻ vào con đường đất đỏ bị cơn mưa ngày hôm qua chưa khô nên khá trơn, hắn nói: - Em nghĩ giờ nầy chắc chú Ba về rồi. - Sao em biết? Tôi lấp lững hỏi Hấu, khi ba tiếng "bùa Lổ Ban" tôi nghe Hấu nói lúc nãy đang khơi dậy trong tôi biết bao nhiêu hiếu kỳ, để ký ức đưa tôi về với những lõm bõm do người đời thêu dệt mà tôi nghe được về nó lúc còn ở quê tôi. - Em thấy hai lằn bánh xe và dấu móng ngựa in trên đường còn mới nên chắc chú Ba đánh xe về rồi. - Chú Ba làm nghề đánh xe ngựa hã? Tôi ngạc nhiên hỏi Hấu vì thời đại bi giờ mà vẫn còn xe ngựa lưu thông hay sao. Hấu cười như hiểu ý tôi: - Xe ngựa của chú Ba đắt khách lắm đó, chú chuyên chở rau quả tươi cho bạn hàng từ tận trong rẩy xa, nơi mà xe hơi không vào được, đưa ra các chợ, mà hầu hết là mối quen không hà. - Ồ, vậy sao, mà gia đình chú có đông người không? Thằng Hấu chưa trả lời tôi thì đã quẹo xe vào một căn nhà. Nói là nhà cho oai vì nó thật đúng như lời miêu tả của nhà văn Bình Nguyên Lộc về cơ ngơi của những người dân quê tay lấm chân bùn: nhà tranh vách đất trống trước dột sau... Trước nhà có một cây xoài gốc thật to, lên cao khoảng ngang bụng thì phân làm hai nhánh, và hai nhánh nầy lên cao thì ngã la đà như hai chiếc lọng để che trên mái nhà thay vì lên đường thẳng như những cây xoài thường thấy. Một người đàn ông đang trút cỏ tươi từ trong bao ra máng cho con ngựa nhốt trong chuồng bên hông nhà. - Chú Ba... Hấu gọi lớn khi còn chưa tắt máy xe. Người đàn ông xoay người lại nhìn lên, hơi thoáng ngạc nhiên khi thấy Hấu và thêm mấy người lạ, vội lau hai tay bên hông, đi ra. Tôi, Chiến và Lực đều cúi đầu, còn nghe Hấu nói nhỏ "Chú Ba có một mình hà": - Chú là Chú Ba... chào Chú... - Hấu, mấy Cậu nầy là... Hấu mau mắn: - Chú Ba, mấy anh nầy... Trong lúc Hấu vắn tắc giới thiệu cũng như ý định của chúng tôi cho chú Ba Lành nghe,(phải, người đàn ông đó là chú Ba Lành ) tôi có dịp nhìn kỷ hơn con người của chú. Chú có vẻ đã ngoài 50, mặc quần đùi đen gần tới gối, chiếc áo cánh sát nách bằng vải trắng đã ngã vàng với hai cái túi lớn đong đưa không biết đựng gì bên trong, tôi đoán chắc là thuốc rê, để lộ đôi tay gân guốc với bắp thịt nổi vòng đen sạm. Khuôn mặt thật hoà nhã dễ tạo cãm tình với chòm râu chớm bạc và đặc biệt là chú Ba Lành vẫn còn bới củ tỏi. Nghe Hấu nói vừa xong, chú Ba Lành cười sỡi lỡi: - Ô, vậy hã, để coi nè... à, mấy cậu vô nhà ngồi chơi, uống nước... Hấu, mầy vô bắt ấm nước dùm tao chút nha, tao cũng mới về có nước nôi gì đâu... - Dạ, chú để con... Hấu nói xong chạy vào nhà sau, và chúng tôi theo chú Ba Lành vô nhà. Đi ngang với Chiến, chú Ba Lành nhìn thằng Nhân nghẹo đầu trên vai Chiến, nước mắt vẫn chưa khô, chú cười bẹo má nó: - Nhìn cái mặt nầy là biết quậy quá cở thợ mộc rồi, khóc cái gì chứ, một lần cho biết sợ nha con. Nhà chú Ba Lành không có cửa, bên trong chỉ có bộ ván ngựa, nhưng ván ngựa thường có 3 tấm, của chú chỉ có 2 tấm lại loang lổ vết mọt ăn, vài cái ghế đẩu, một cái ghế xếp và một cái vỏng treo tòn ten giữa hai cây cột... Nhưng đặc biệt trên tấm vách bằng gổ lành lặn một bên nhà, chú Ba Lành treo hai cây đờn kìm và cò mà cán đờn lên nước bóng lưỡng, chứng tỏ chúng được xữ dụng thường xuyên. Mời chúng tôi ngồi xuống ghế, chú Ba Lành lấy trong chiếc vỏ bình bằng quả dừa khô cắt ngang, ra chiếc bình trà cũng đã mẻ miệng đưa cho Hấu vừa đi lên: - Mầy lấy nước mưa nấu pha trà đó uống mới đã nha Hấu. Hấu dạ và đi ngay, hình như hắn đã quen thuộc với sinh hoạt của chú Ba Lành. Thằng Hấu đi rồi, chú Ba Lành lấy dưới sàn ván ra một cây mát vót (loại dao lưởi dài khoảng 1 gang rưởi, cán dài khoảng 2 gang rưởi để cặp vào nách khi làm việc, bén ngót, thường dùng để chẻ lạt...) và 1 ống tre khô dài độ 1 gang. Chú ngồi trên bộ ván chẻ ống tre lấy 1 thanh bề ngang độ 1 lóng tay và chuốt thanh tre nầy thành hình như 1 cái đục. Chú vừa làm việc nầy vừa nói với chúng tôi về đủ thứ chuyện, mà tuyệt nhiên không hề đá động gì đến chuyện chữa trị cái chân trặc cho thằng Nhân mà lúc nầy có lẽ vì mệt đã ngủ thiếp trên vai ba nó. Chú Ba Lành ngắm nghía cái đục cây và gật gù tỏ vẻ hài lòng cũng vừa lúc thằng Hấu xách bình trà lên với bốn cái ly. Nó rót trà ra ly, mùi trà bốc lên thơm ngát. Chú Ba Lành bưng ly trà lên mời chúng tôi: - Các cậu uống thử xem, trà nầy tui ướp đó... không có bán ngoài tiệm đâu... Và thật tự nhiên chú từ tốn thưởng thức ly trà thơm bốc khói, trong lúc tôi, mà chắc cả thằng Chiến từ sáng giờ chưa có gì vô bụng nên bỗng thấy cồn cào. Chú Ba Lành cười: - Thử đi, bảo đảm không có xót ruột đâu... hì hì, các cậu sáng giờ chưa ăn gì phải không... thui ráng chút về ăn luôn nha... uống trà đi, để nguội không ngon... Tôi bưng ly trà lên, mùi thơm của nó thật là dể chịu, thử một ngụm, chất trà chát chát, đăng đắng, nong nóng qua cổ họng nồng lên mủi để lại chút vị ngòn ngọt khiến các mạch máu như dản ra, lượng máu lưu thông đưa oxy đến các tế bào nhanh hơn làm con người thật dể chịu... nhìn qua thấy Chiến cũng nhìn lại tôi như cùng cảm nghĩ... Chú Ba Lành chợt đứng lên đi ra ngoài nhìn trời rồi trở vô nói với Chiến: - Cậu có thể đưa cháu về nhà được rồi. Chiến ngạc nhiên: - Ủa, chú Ba chưa làm gì cho thằng nhỏ hết mà. Chú Ba Lành cười: - Xong rồi, còn làm gì nữa chứ... Cậu cứ đưa cháu về nhà nghỉ đi, nó mệt rồi đó. Tin tôi đi... rồi chú quay sang tôi: - Còn Cậu, nếu muốn thì ở lại chơi, hì hì, chắc Cậu cũng biết chơi cổ nhạc... Tôi tròn xoe mắt: - Sao chú Ba biết? - Tôi đoán vậy khi thấy cậu nhìn mấy cây đờn của tôi, cậu đờn hay ca... - Dạ, ca... Chú Ba bật cười lớn: - Hà hà hà... vậy được quá... chú Ba chưa nói gì thêm thì thằng Hấu xen vào: - Anh ấy ở nước ngoài về đó chú Ba... - Thì đã sao... Thấy chú Ba Lành đã chuyển đề tài qua tôi, Chiến đành phải bồng thằng Nhân cùng Lực ra xe về. Trước khi Lực cho xe chạy, chú Ba Lành bỗng nghiêm sắc mặt nói với Chiến: - Tôi giúp Cậu chữa cái chân cho thằng nhỏ là thường tình, Cậu đừng nghĩ sẽ mang ơn hay đền đáp gì cả, an tâm đưa cháu về nghỉ đi, ngày mai nó sẽ khỏi thôi. Chú Ba Lành chấm dứt câu nói và vổ nhẹ vào vai Chiến. Tôi nói vói theo khi thấy Chiến còn ngoái cổ lại nhìn tôi: - Chút nữa về tao sẽ ghé mầy. Tôi thấy Chiến gật đầu. Trở vào nhà, chú Ba Lành đến bên vách lấy cây đờn Kìm xuống, so lại dây và dạo một khúc hơi Bắc. Tiếng đờn Kìm của chú thật mướt, mênh mông, trải dài như cơn gió nhẹ đang miên man qua khu vườn trồng bắp hai bên đường... Chú chợt dằn cái song loan xuống bàn chân: - Ê, chú em mầy... - Dạ, cháu tên Bình... - Hì hì, vậy Bình, mầy chào tổ bản Lưu Thủy đi nha... chơi dứt bản nầy là vừa đúng giờ đó. Đúng giờ gì chứ, tôi chưa hiểu như thế nào, thì chú Ba đã nhịp song loan làm tôi phải vô ngay... Bèo nước tương phùng, người cùng sở thích gặp nhau... khỏi nói rồi, tôi hát hăng lắm, nên nếu chú Ba không gỏ song loan dứt bài Lưu Thủy, tôi dám qua luôn bài Phú Lục... Dứt bản Lưu Thủy, chú Ba buông đờn đứng dậy: - Tới giờ rồi. Chú cầm chiếc đục bằng tre khô mà chú chuốt khi nãy vói tay xuống sàn ván lấy thêm chiếc vồ bằng cây sao đi ra ngoài sân, đến trước gốc cây xoài... cắm chiếc đục vào khe hở giữa hai nhánh, dùng chiếc vồ đập mạnh lên đầu chiếc đục "bốp"... Tôi há hốc mồm nhìn chiếc đục tre dưới sức đập của chiếc vồ trong tay chú Ba, tôi nghĩ là nó sẽ gãy vụn vì cây xoài dù sao cũng cứng hơn nó nhiều. Nhưng không, nó cắm thật ngọt vào cây xoài chổ phân nhánh hơn quá nửa, và giữa trưa trời lặng gió mà tôi thấy hai nhánh của cây xoài rung lên, cành lá khua xào xạt. Thằng Hấu đứng ngoài sau tôi, buột miệng: - Thằng nhóc chắc té đái trong quần quá... Chú Ba đưa chiếc vồ cho nó cười: - Đem vô nhà dùm tao đi... Nó là con nít, đái ra quần cũng có chi là lạ, mầy lớn đầu rồi mới đáng nói chứ... Tôi thấy mặt thằng Hấu đỏ gay, bỏ đi vào nhà, ngượng nghịu: - Chú Ba nầy.... Chú Ba Lành móc trong túi áo lấy bịch thuốc rê mở ra, trong bịch thuốc của chú có thêm một cái hộp thiếc nhỏ, chú mở hộp thiếc nầy lấy một điếu thuốc rê mà chú đã vấn sẳn khi rổi rảnh, đưa lên môi, bật quẹt đá ( loại hộp quẹt có vỏ bằng nhôm, người bình dân rất ưa dùng) mồi và rít một hơi dài, mắt nhìn vào chiếc đục tre. Nhìn theo ánh mắt chú tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy chiếc đục tre hình như đã trồi lên. Lúc nãy rỏ ràng tôi thấy nó ngập xuống thân cây xoài hơn quá nửa mà sao bây giờ đã cao hơn và chú Ba Lành gật gù có vẻ hài lòng. Tôi chưa kịp hỏi, thì chú Ba Lành ném điếu thuốc đang hút dở, đến cầm lấy chiếc đục tre cũng vừa trồi lên hết khỏi thân cây xoài. Tôi nhìn xuống chổ chú Ba đóng chiếc đục tre khi nãy, vỏ cây vẫn liền trơn, không một dấu trầy. Tôi đưa tay sờ vào chổ đó, liền lặn không có lổ hổng nào mà... - Chú mầy sẽ không thấy gì đâu... tốt, tốt lắm, thằng nhóc hết rồi... hì, hì... chút nữa về chú mầy ghé nhà nó, nói ba má nó pha nước muối âm ấm bóp cái chân nó cho mau tan máu bầm nha... bi giờ thì nó đi đứng bình thường được rồi đó... Chú Ba nói xong, cầm chiếc đục tre đi vào sau bếp ném nó vào lò lửa đang đỏ than hồng, ngọn lửa bùng lên, chiếc đục tre cháy rụi. - Bình, mầy ca giọng cũng rong quá hén,ở bên đó có chơi đờn ca không? Chú Ba đã đổi đề tài khi tôi vẫn còn bán tín bán nghi với những sự kiện mà tôi vừa chính mắt thấy nên ấp úng: - Dạ, dạ... cũng có nhưng... - Hôm nay tao bận chút việc, vậy ngày mai nếu rảnh xế xế chú mầy ghé tao đi, tụi mình làm một bửa cho đã... - Dạ... tôi khoái chí nhận lời ngay. - Ê, Hấu thui sẳn hôm nay mầy nghỉ làm đi ngọ (°) với tao luôn đi Hấu. - Đi ngọ ở đâu vậy chú Ba? - Thì nhà anh Hai Đạt chứ đâu. Ngày mai chôn rồi, hôm nay là ngày chót giúp cho ảnh luôn đi, tội nghiệp bà già ảnh lúc sanh tiền cũng thích nghe, hôm nay mình chơi một bửa để bả đi cho yên lòng, hai ông già Năm Ri và Sáu Mèn giờ nầy chắc đã vào đó, chút mầy về xách cây gi-ta của mầy theo nha. Quay sang tôi chú nói: - Thằng Hấu chơi gi-ta cũng khá lắm. Giờ nầy, thiệt tình tôi muốn chạy về nhà Chiến ngay, để coi thằng Nhân như thế nào, nên sẳn đó từ giả chú Ba Lành: - Thưa Chú, vậy cháu xin phép về, mai cháu ghé. - Ừ, nhớ nha... Tôi bật chống chiếc Honda của tôi xuống, ngồi lên yên đạp máy chào chú Ba và Hấu lần chót, trước khi chạy đi tôi còn nghe Hấu nói theo: - Anh Bình nhớ ngày mai tới chơi nha... Tôi đưa tay lên vẩy vẩy cho Hấu biết là mình sẽ y hẹn. Ra đường lớn, tôi nhìn đồng hồ tay thấy đã hơn 2 giờ trưa, nhưng trước những việc xảy ra, sự hiếu kỳ, thắc mắc đã làm tôi không cảm thấy đói. Tôi về đến nhà Chiến khoảng mươi phút sau đó... Chiến đón tôi ngay trước cửa với nét mặt vui vui: - Mầy về sớm vậy? chú Ba Lành... - Chú ấy bận đi công việc, chân thằng nhỏ sao rồi mậy? - Mầy vào coi đi... Chiến nói xong đi trước... Thằng Nhân đang ngồi ăn cơm, xung quanh nó mọi người trong nhà Chiến đều đủ mặt... Vừa thấy tôi, Má vợ Chiến nói ngay: - Cháu Bình nè, Chú Ba nào đó, hay quá đi, chân thằng Nhân đã hết đau, nó đi được hai ba bước rồi nên mới chịu ngồi ăn cơm đó. Chiến nói với tôi: - Lúc nãy mới về tới nhà, thằng Nhân đang ngủ trên vai tao, chưa kịp để xuống nó bỗng khóc thét lên kêu " đau quá", mà mắt vẫn nhắm, đái cả lên người tao, và tao cảm giác như có gì đó đè nó xuống vai tao, cái chân bị trặc của nó thì ngay đơ còn chân kia thì đạp lia lịa... nhưng chỉ trong tíc tắc thì người nó dịu nhỉu như cũ, và chổ mắt cá chân bị sưng xẹp xuống thấy rỏ. Vào đặt lên giường thì nó ngủ khò, khoảng 1 giờ sau tỉnh dậy, nó tuột xuống giường và bước đi được mầy ạ... Thiệt tình, nếu không phải con tao, nói ra không ai có thể tin được. Tôi bước đến nhìn xuống chổ mắt cá chân của thằng Nhân. Thằng nhỏ chắc đã hết đau nên đưa thẳng cái chân ra: - Con hết gồi... làm mọi người ai cũng cười. Quả nhiên mắt cá chân nó đã xẹp lại bình thường tuy vẫn còn bầm. Tôi nói với Chiến: - Chú Ba nói, bà xã mầy pha nước muối âm ấm xoa vào chổ bầm cho mau tan, chú nói nó cứ đi đứng bình thường không có gì đâu. Bà xã Chiến nghe tôi nói, đựng dậy: - Vậy để em đi làm ngay xoa cho nó. Tôi vừa định đem những chuyện mắt thấy tại nhà chú Ba Lành kể cho mọi người nghe, thì Ba vợ Chiến cười lớn: - Thôi mình ăn cơm đi, vừa ăn vừa nói... nãy giờ cả nhà cũng có ý định chờ cháu Bình về ăn luôn... Xuân ơi, dọn cơm lên đi con... Bữa cơm gia đình Chiến hôm đó hình như mọi người ăn nhiều hơn vì quá trể hay vì vui bởi cục vàng của họ (thằng Nhân) khỏi bệnh và vì một câu chuyện gần như là huyền thoại lại xảy ra ở thời đại vệ tinh nầy. Ba vợ Chiến chép miệng: - Bùa Lỗ Ban, thuở nhỏ tao cũng có nghe Ông Bà mình nói, được truyền trong giới thợ mộc, và nghe nói có giúp người mà cũng có hại người nữa... Má vợ Chiến hốt hoảng: - Hại người, mà hại làm sao? Ba vợ Chiến cười: - Ối, hơi đâu mà bà lo, hại là khi nào bà cất nhà cất cửa, người ta mới ếm được chứ... mà tui cũng nghe nói thui, chứ có thấy bao giờ đâu nà. Tôi hoàn toàn đồng ý với Ba vợ Chiến, vì quả thật tôi cũng có nghe Bùa Lỗ Ban chỉ được truyền trong giới thợ mộc, nhưng tôi thấy Chú Ba Lành không có vẻ gì là hành nghề thợ mộc, nhất là với một con người hiền lành, chất phát yêu thích nhạc cổ truyền như chú không thể nào có hành động hại người được. Tôi nghĩ, sẽ hỏi chú Ba khi có dịp. (° đi ngọ: đi đàn ca để chia sớt nỗi buồn phiền của gia đình có tang chế, thông thường chỉ chơi nhạc cổ truyền. )Cơm nước xong, Chiến rủ tôi trong khi vợ nó và Xuân đang dọn dẹp chén dĩa trên bàn: - Bình, tao với mầy ra đây uống cà phê đi. Tôi chưa trả lời vì thoáng thấy ánh mắt vợ nó lườm nó thì Xuân nhanh nhẩu: - Cà phê ngoài tiệm dở òm sao mấy anh thích uống không biết nữa... Chiến cười nheo mắt nhìn tôi: - Thì cũng tùy tiệm chứ, nhưng cô an chí tôi không dạy hư thằng Bình đâu. Cô em vợ Chiến đỏ hồng đôi má, biết mình lỡ lời nên ôm mâm chén đi nhanh ra sau bếp. Tôi cũng có nhiều việc muốn nói thêm với Chiến nên đồng ý: - Ừ, đi thì đi... "Đi uống cà phê" ở Saigon bây giờ đã là một cụm từ ai muốn hiểu như thế nào cũng được... theo biết bao thay đổi của Saigon cả về phương diện đạo đức và con người, nên sau khi vắn tắt cho Chiến biết chú Ba Lành có hẹn tôi ngày mai trở lại nhà chú đờn ca chơi và Chiến đồng ý cùng đi, chúng tôi đã bị cuốn vào dòng chảy của một Saigon thác loạn sắp vào đêm. Tôi và Chiến đến nhà chú Ba Lành cũng đã gần 3 giờ chiều như chú đã dặn sau khi ghé chợ mua thêm trái cây. Chiến có mang theo ít đồ nhậu và một lít đế Gò Đen loại thượng hạng, mà nó nói là do một người thân biếu cho Ba vợ nó, nhưng Ông già không uống để dành, hôm nay tặng lại chú Ba Lành uống lấy thảo, sau nỗi vui mừng thấy thằng Nhân đã hoàn toàn bình phục chỉ trong vỏn vẹn một ngày. Trước sân nhà chú Ba đã có vài chiếc Honda lẫn xe đạp. Hấu chạy ra đón chúng tôi: - Chú Ba và các chú bác có ý chờ các anh đó. Hắn đón lấy túi trái cây, đồ nhậu và chai rượu trong tay tôi, khi Chiến dựng, khóa xe. Tôi hỏi Hấu khi nghe trong nhà có giọng nữ đang ca: - Mấy chú bắt đầu lâu chưa vậy Hấu? - Mới chào sân bài Lưu Thủy đó anh... anh vào đi, bài Lưu Thủy "Xữ Án Tô Đắc Kỷ" là bài ruột của chị Tư Én đó... Hấu ôm đồ đi nhanh vào sau bếp mà tôi thấy có thấp thoáng vài bóng người nữa, sau khi cười bằng đuôi mắt với tôi. Đã quá trưa trời dịu nắng, cơn gió nhẹ đầu thu lướt qua cành lá hàng cây quanh nhà xào xạt, giọng ca người con gái cao vút, nhẹ nhàng, oán than thân phận dùm cho một nhân vật dù có dù không, hoà trong tiếng đàn khi khoan khi nhặt, thật làm dịu lòng người... Tôi cùng Chiến bước vào nhà, khi nghe tiếng song loan đôi nhịp dứt bài Lưu Thủy... Chú Ba Lành buông chiếc đờn kìm xuống ván, mấp mấp điếu thuốc rê trên môi kêu tôi: - Vào đây Bình... Quay sang Chiến chú tiếp: - Chú em mầy khỏi nói, tao biết thằng nhỏ hết rồi chứ gì... hì hì, chú mầy biết đờn ca không? - Dạ, không biết, nhưng cháu biết nhậu và biết nghe... Chiến vui lây trong cái chất phát của chú Ba Lành. - Hà hà vậy được rồi... chú chỉ tay vào người đang ôm cây đờn guitar trạc tuổi chú: - Ổng là Năm Ri... và người đang kéo đờn cò già hơn, tóc bạc trắng, móm sọm: - Ông già đó là Sáu Mèn... quay sang tôi, chú nói: - Nó là thằng Bình mà hôm qua bên nhà Hai Đạt tôi có nói với hai anh đó. Tôi cúi chào hai ông bạn của chú Ba, chưa kịp nói gì thì chú Ba Lành đã tiếp: - Còn con nhỏ đó là con gái của anh Năm đây... Tư Én, Tư Nhạn gì đó, nhưng cho chú mầy biết, con nhà tông, thượng thừa thất thập nhị huyền công đó nha...hì hì... Trước khi bước vào nhà chú Ba, giọng ca của cô gái đã cuốn hút lấy tôi và khi vào trong, mái tóc dài đen mượt xoả xuống bờ vai, khuôn mặt không điểm trang bình dị, đôi mắt tròn long lanh chất phát, khiến người nhìn vào không khỏi nao nao... nhưng nghe chú Ba Lành nói "thượng thừa thất thập nhị huyền công" gì đó khiến tôi không khỏi lại nhìn vào cô gái. - Chú Ba nầy... Cô nói nhỏ và cúi xuống so dây chiếc đờn tranh để trên ván trước mặt cô. Chú Năm Ri hỏi tôi: - Nghe anh Ba nói, chú em mầy biết chơi bài bản hả, học ở đâu? và bên đó có chơi thường không? - Dạ, cháu đi chơi học ở bạn bè và các chú các bác, trước khi qua Mỹ, còn ở bên đó cũng có chơi, nhưng hiếm lắm vì người biết ca và biết đờn bài bản rất khó gặp nhau... -Được rồi, biết tới đâu làm tới đó... chú Ba Lành xen vào và chú ôm cây đờn Kìm lên: - Hồi nãy con Tư mở đầu bài Lưu Thủy rồi, Bình mầy tiếp bài Phú Lục đi, rồi sau đó muốn chơi gì thì chơi... Tư, mầy đờn tranh đi để anh Sáu hút thuốc... Trong giới chơi đờn ca nhạc tài tử, người cùng lúc biết đờn và ca đã hiếm lại biết thất thập nhị huyền công tức biết hết thập loại bài bản cổ nhạc lại càng hiếm hơn. Bây giờ trước mặt tôi người đó lại là một cô gái xinh đẹp, khiến tôi nửa tin nửa ngờ nên tôi đã đem hết công lực thi thố... và tôi nghĩ mình cũng không làm chú Ba Lành thất vọng khi giới thiệu tôi, khi tôi dứt bài Phú Lục và nghe chú Sáu Mèn gật gù: - Cũng được... và chú nâng cây đờn cò lên rao: - Ca Hạ đi... Thiệt tình mà nói, chơi bài bản tôi thích nhứt là dòng nhạc lễ nầy, nên chú Sáu Mèn rủ ca Hạ khác gì trúng tủ, nhưng tôi mại hơi: - Dạ... nhưng để cô Tư... Chú Sáu Mèn cười lớn: - Nó ca thì tụi tao nghe hoài, hôm nay để nó đờn đi... Phải nói ca bài Ngũ Đối Hạ (người trong giới chỉ nói tắt là bài Hạ) với một dàn đờn hùng hậu tranh,kìm,cò,guitar thì còn hứng nào hơn, nên tôi đâu từ chối nữa, và qua tiếng nhạc mênh mông réo rắt tôi như muốn vẻ lại trận chiến hào hùng của Gia Cát Khổng Minh giúp Châu Du đốt chiến thuyền của Tào Tháo trên sông Xích Bích... Tôi ca vừa dứt bài Hạ thì Chiến, Hấu và bốn người nữa, hai nam hai nữ, mà sau đó tôi được giới thiệu là hai cặp vợ chồng, anh Nam chị Liễu, anh Sơn chị Bê, đã dọn lên trái cây, đồ nhậu, bánh mì, để vừa đờn ca vừa lai rai. Người đi chơi đờn ca thật là giản dị, ai có gì mang theo nấy, rồi cùng ăn uống vui chung với nhau. Chiến khui chai đế Gò Đen đưa cho chú Ba: - Ông già cháu gởi chú Ba uống lấy thảo, chú thữ xem... - Cha thơm dữ bây... anh Sáu vô trước đi... Chú Ba Lành cười khà, rót rượu ra chiếc chun nhỏ Hấu vừa đưa cho chú, trao cho chú Sáu Mèn. Chú Sáu Mèn vô xê ngay, khà một tiếng, gắp miếng chả chiên đưa cay xong, liền xốc cây đờn cò: - Sẳn rượu ngon hì hì, vợ chồng thằng Nam bây với thằng Hấu làm một màn "tống tữu Đơn Hùng Tín" đi... - Còn đứa nào làm Tần Quỳnh? Chú Năm Ri vừa rao Bắc vừa hỏi. - Để con. Anh Sơn, chồng chị Bê mau mắn. - Ừ, được đó nè vô.... chú Ba Lành gỏ song loan. Buổi đờn ca thật náo nhiệt và vui vẻ, mọi người đều giãn dị chân thành như phong cách của dòng nhạc cổ miền Nam. Hấu tuy còn trẻ nhưng ngón đờn guitar của hắn thật mướt, nghe hắn rao đờn, nếu có chút máu văn nghệ không thể nào không muốn vô vài câu vọng cổ, đặc biệt là hắn có giọng ca hài bão đãm nghe không cười không lấy tiền. Tôi đã may mắn có được dịp chứng tỏ lòng ngưởng mộ của mình với cô Tư Én (Hấu nói cô tên thật là Yến, nhưng ở nhà kêu trại ra thành Én, lâu ngày thành thói quen luôn ) khi chị Bê vừa ca dứt bài "Men rượu Sa Kê" và chú Ba Lành đề nghị: - Con Tư bây để đờn tranh cho Ba bây đi, thằng Hấu gi ta, bây ca luôn bài "tống tữu Ô Hắc Lợi " đi. - Nhưng... cô Tư Én ngập ngừng. - Thì bây làm một mình có chết con ma nào đâu. Chú Ba Lành cười. Tôi buột miệng: - Nếu là bài của SG Viễn Châu thì cháu biết. - Cái bài vô "Đêm nay rượu tiển sao cay đắng" đó... chú Ba Lành quay sang tôi. - Vậy đúng rồi... tôi nhìn Tư Én lúc đó cũng đang nhìn tôi: - Tôi làm Ô Hắc Lợi nha... và tôi thoáng thấy Tư Én cười. Bài ca "Tống tữu Ô Hắc Lợi" nầy, Ông cụ tôi rất thích nên trên xe tôi có cái băng cassette thu bài nầy để khi Ông cụ lấy xe tôi đi, Ông cụ nghe... tôi nghe ké nhiều lần nên thuộc lòng, không ngờ hôm nay lại được hát nó chung với người mình cũng muốn làm quen. Chú Ba Lành vừa đạp song loan dứt bài ca đã cười ha hả nhìn chú Năm Ri: -Tụi nó làm cũng giống Ô Hắc Lợi với Phi Long quá chứ há... Ê, Bình, tao thấy mầy hát với con Tư xứng đó nha, ở bên đó có chơi vui như vầy không? Tôi chưa biết phải trả lời sao với chú Ba thì chú Năm Ri hỏi tôi: - Chừng nào thì cậu trở về bển? - Dạ thứ ba tuần tới. - Ối, chuyện về ở tính sau... chú Sáu Mèn xen vô... bây ca "Tứ Bữu Liêu Thành " đi. Nhìn tôi ngẩn người ra, chú Năm Ri nói: - Mấy bài đó chắc nó không biết đâu... rồi chú quay sang tôi: - Gần đây, nhạc giới trong nước đã ra công sưu tầm cũng như cải biên bài bản cho phong phú thêm kho tàng âm nhạc nước nhà. Cặp Tứ Bữu Liêu Thành và Ngũ Châu Minh Phổ là một điển hình. Rồi chú nói thêm: - Bài Tứ Bữu Liêu Thành đã có từ lâu, do cố nhạc sĩ Ba Chột ở Bạc Liêu sáng tác, bài Ngũ Châu Minh Phổ do cố GS Nguyễn Văn Thinh sáng tác khoảng 2,3 thập niên gần đây để đối lại bài trên, nhưng thời gian qua ít có người chơi vì khó quá... mãi đến sau nầy mới được phổ biến rộng rãi cùng với sự ra đời thêm những bài "Hận Nam Quan" của NS Năm Vinh, "Ngũ Khúc Long Phi" của NS Mười Phú...mà cách thức chơi cũng giống giống như vậy... Rồi chú kêu Tư Én: - Con ca bài Tứ Bữu Liêu Thành đi... Lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe những dòng nhạc chuyển cung thật lạ qua tiếng đờn điêu luyện của các chú Ba Lành, Năm Ri, Sáu Mèn cùng giọng ca của Hấu, Tư Én vợ chồng anh Nam anh Sơn... mà càng về đêm càng thấm thía... để cuối cùng thì chú Ba Lành chép miệng: - Tụi tao cũng có một cặp Lưu Thủy Bắc Oán Ai và Phú Lục Bắc Hạ Nam Oán... đờn mầy nghe thử nha Bình... - Nhưng chưa có bài ca mà chú Ba... Tư Én xen vô. Chú Ba Lành cười: - Thì tao nói đờn mà, chứ có biểu mầy ca đâu. Nói xong chú đưa cây đờn Kìm và song loan cho chú Sáu Mèn và đón cây đờn cò từ tay chú Sáu: - Anh Sáu cầm cốt đi, chứ chổ chuyển hơi Hạ tui còn lạng quạng lắm... Tôi như bị thu hồn vào trong tiếng nhạc... từ cặp Lưu Thủy, Phú Lục hơi Bắc hùng hồn, dưới sự biến cãi của các chú, tôi nghe như tất cã hĩ nộ ái ố của con người đều được diển tả rành mạch... tiếng đàn dứt rồi mà người nghe vẫn còn lâng lâng... - Hay quá... và trong một phản xạ tự nhiên tôi nói với chú Ba Lành: - Chú Ba đưa cháu bài nhạc đi, để cháu viết lời ca... - Ha ha, vậy thì còn gì bằng, phải không anh Năm, anh Sáu...? chú Ba Lành khoái chí khi có người thưởng thức công trình của các chú... Chú Năm Ri quay sang hỏi Tư Én: - Con có đem bài nhạc đó theo không vậy? - Dạ không tía à... hay để con về lấy... - Khuya rồi còn về lấy cái gì chứ, để bửa khác đi... tía con bây thiệt tình... Giờ tao thấy cũng nên tan hàng để thằng Lành còn lo kiếm cơm chứ... Chú Sáu Mèn cười nhìn Tư Én, sau khi bưng chun rượu uống một hớp... Chú Năm Ri cũng cười theo: - Ừ nhĩ, mình ham chơi quá quên mất giờ giấc... chú quay sang tôi: - Hay hôm nào cậu ghé anh Ba đi, rồi tôi biểu con Tư đem ra đưa cho cậu. Chú Ba Lành nói: - Hôm nay là thứ sáu, mai thứ bảy tôi bận đi qua Dĩ An có chút chuyện, chiều chủ nhựt Bình mầy ghé tao đi... ủa mà thứ ba mầy dìa Mỹ rồi làm sao... Tôi chưa kịp nói gì thì chú nói luôn: - Ừ, mà có sao đâu, về bển viết xong gởi về cũng được mà... hà hà...như vậy đi nha... Tôi chỉ biết "dạ" và khi chia tay cùng mọi người, tôi vui lắm khi cầm dùm Tư Én chiếc đờn tranh cho cô ngồi vững phía yên sau chiếc Honda của chú Năm Ri và nhận lại nơi cô nụ cười với lời hẹn tái ngộ chiều chủ nhựt. Riêng việc muốn hỏi chú Ba Lành về bùa Lỗ Ban, hôm nay tôi không có cơ hội... nhưng tôi nghĩ, tôi còn gặp chú ngày chủ nhựt nữa kia mà... Chiến và tôi trở lại nhà chú Ba Lành xế chiều ngày chủ nhựt như đã hẹn. Tôi định đi một mình thôi, nhưng Chiến đòi đi theo vì hắn cũng như tôi thật muốn được nghe chú Ba Lành nói do đâu mà chú chửa cái chân trặc của thằng Nhân (đến hôm nay thì nó đã bình phục hoàn toàn)mà không hề đụng chạm gì đến thằng nhóc cả. Hơn nữa hình như hắn ta cũng thích cái phong cách chơi đờn ca tài tữ điệu nghệ, bình dân của chú Ba và các bạn của chú. Còn tôi, ngoài những chuyện đó, dòng nhạc bài Lưu Thủy Bắc Oán Ai cùng người con gái đờn tranh thật tự tin, thoải mái khi kéo mấy con nhạn để chỉnh dây lúc đang hoà tấu (người nhạc sĩ đờn tranh chứng tỏ tài nghệ của mình cao thấp là những lúc như vậy) khi bài nhạc qua khúc chuyển đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên, và tôi rất muốn gặp lại. Có lẽ vì nôn nóng chúng tôi đến hơi sớm, nhà vắng hoe, con ngựa cũng không có trong chuồng. Chiến dựng xe nhìn vào trong nhà nói với tôi: - Chắc chú Ba đánh xe chưa về. - Tao cũng nghĩ vậy, nhưng hôm đưa thằng Nhân lên sớm hơn giờ nầy mà chú đã về rồi mà, hay là hôm qua chú đi Dĩ An, gặp độ trên đó rồi. Tôi cười trả lời Chiến. - Mầy thiệt tình, chú ở trên đó, mối chở hàng cho người ta chú bỏ cho ai chứ, hơn nữa chú đã hẹn với mình mà, thôi, tao với mầy ngồi đây chờ chú Ba đi. Không lẽ cả hai đều ngồi lên 1 chiếc Honda, vì nhà chú Ba không có cửa, nên tôi thấy ngay chiếc võng trong nhà chú: - Tao thấy vô nhà chú đưa võng đợi chú có lý hơn đó Chiến, nhà chú không làm cửa thì chú đâu ngại người ta vô lúc chú vắng nhà chứ. Chiến cũng thấy bộ ván ngựa, vào ngã lưng 1 cái chắc là đã lắm,hơn nữa Chiến cũng muốn mang túi đồ nhậu Chiến đem theo vô nhà, nên chống xe lên, nhưng còn ráng nói: - Đời bây giờ, đây là lần đầu tiên, tao thấy một căn nhà không có cửa thiệt là lạ quá. Một cái bịch nylon, 1 cái lon... người ta còn lượm, huống chi nhà chú... Tôi cắt ngang lời Chiến: - Ừ, tao cũng đang thắc mắc như mầy vậy, hay là chú quen biết hết với các tay giang hồ nên họ hỗng dám vào. Chiến cười trừ: - Tao làm sao mà biết chứ. Hai đứa chúng tôi từ từ đi vào nhà chú Ba. Từ chổ đậu chiếc Honda đến trước nhà chú Ba khoảng hơn 5 thước, nhưng quái lạ, tôi và Chiến bước hoài mà không tới được, cứ chúng tôi bước 1 bước thì cảm giác như căn nhà lui ra 1 chút và khoảng cách 5 thước đó cứ giữ nguyên không ngắn lại chút nào. Buổi xế trưa tuy có gió nhè nhẹ, nhưng hai đứa chúng tôi tháo mồ hôi... Chiến buông túi đồ xuống đất, quay sang tôi run giọng: - Bình, sao kỳ vậy, nãy giờ hình như tao với mầy chỉ dậm chân tại chổ thui hà... Tôi cũng đang hoang mang chưa kịp trả lời Chiến thì nghe tiếng vó ngựa trên đường. Chú Ba Lành đang đánh xe về nên tôi nói lãng: - Chú Ba về kìa... Tôi quay nhìn ra con đường đất đỏ, nuốt nước miếng để cố dằn những nhịp tim đang rối loạn của mình. Nếu tôi không phải là người trong cuộc thì làm sao tôi có thể tin được một chuyện hoang đường như thế lại xãy ra ban ngày ban mặt. 5 thước đi hoài không tới, mà khi bước thì có cãm giác như mình đang mộng du. Chú Ba Lành ghìm cương cho con ngựa bước chầm chậm vào sân nhà. Chú nhảy xuống dừng nó lại và nói lớn với chúng tôi: - Tao bận chở thêm một chuyến cho người quen nên về trể chút, tụi bây tới lâu chưa vậy? Sao không vô nhà ngồi cho mát... rồi chú như sực nhớ ra: - À, mà... Tôi và Chiến đang chờ chú nói tiếp, nhưng chú đã nói tránh đi: -... chờ tao chút nhen. Ê, Bình, đem những đồ nầy vô bếp đi, hôm nay gặp mấy thứ rau tươi, tao làm món nầy đải mầy và thằng Chiến, mầy ăn xong bảo đảm về bên đó còn thèm hì hì... Chú cười hà hà khi tôi bước đến đón lấy một cái rổ lớn đựng bên trong toàn rau mà tôi biết tên một số như bông súng, càng cua, đọt xoài, lá hẹ... vài bắp chuối hột và hai con cá bông lau thiệt bự đã làm sạch... - Món gì vậy chú Ba? Tôi hỏi chú, bưng rổ rau và nhìn vào trong nhà.... hồi nãy tụi cháu... - Hà hà... bi giờ thì tụi bây vào được rồi, không có gì đâu... Chú cười lớn và tiếp: - Mắm kho và rau, mầy và thằng Chiến ăn được không? Nghe mắm kho tôi đã ứa nước miếng, chưa kịp trả lời chú thì nghe tiếng Chiến: - Cháu ăn mắm không được, nhưng nuốt được hà chú Ba ơi... ây da, chú Ba biết nấu mắm hả? Hắn mạnh miệng, nên tôi nghĩ hắn cũng đã hoàn hồn như tôi. - Biết cái mốc xì họ, nào phải tao nấu đâu, nó kìa... Theo ngón tay chỉ của chú, tôi và Chiến nhìn ra đường thấy cô Tư Én lái chiếc Honda chạy chậm chậm chờ Hấu đạp xe đạp phía sau... Chú Ba tháo hàm thiếc cho con ngựa, dắt nó vô chuồng... Tôi và Chiến dè dặt bước vào nhà chú Ba... bình thường mà, căn nhà đâu có thụt lùi như lúc nãy, tôi vừa đặt rổ rau xuống chiếc bàn nhỏ sau bếp thì cô Tư Én và Hấu cũng vừa vào đến trước sân. Vừa tháo cây đờn tranh của Tư Én đang đeo trên lưng xuống (°) Hấu gọi tôi, khi thấy tôi và Chiến đang nhìn ra: - Anh Bình, đem dùm em cây đờn của chị Tư vào nhà đi, để em phụ chị ấy chút. Tôi đi ra nhận cây đờn tranh từ tay Hấu, trong lúc Hấu xách chiếc giỏ của Tư Én để trước xe Honda, cho Tư Én chống chiếc xe lên. - Cũng may khi nãy về ngang chợ, gặp chị Tư, nên mang dùm chỉ cây đờn, chớ để chỉ vừa mang đờn vừa đi chợ chừng nào cho xong... Hấu cười lớn khi dứt câu nói. Cô Tư Én cũng cười khi thấy tôi nhìn cô: - Thì cũng phải xong thôi, chỉ mua ít đồ gia vị, Hấu làm như đi chợ cho tiệc tùng gì lớn lắm vậy... và cô nhìn sang tôi: - Hai anh tới lâu chưa vậy? - Cũng vừa mới tới... Vừa lúc đó thì có tiếng chú Ba Lành: - Tụi bây coi con Tư cần gì thì phụ nó nha, tao xách nước cho, sẳn xối mấy gàu cho mát cái đã... - Nước trong lu còn đầy chú Ba ơi, không cần xách thêm đâu. Hấu vừa cùng chúng tôi vào nhà vừa trả lời chú Ba Lành, khi thoáng thấy chú cầm chiếc gàu đi ra cái giếng sau nhà. - Vậy khoẻ... chú Ba Lành cười lớn. Tự nhiên, tôi thấy nơi chú Ba Lành cái cá tánh bộc trực chất phát của người nông dân đồng bằng Nam Bộ quê tôi, thường được thể hiện thật rỏ nét trong tác phẫm của các nhà văn trước 1975 như Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên... và không biết có phải cùng chung cám nghĩ với tôi không, mà tôi thấy cô Tư Én mĩm cười. - Chú Ba vui tánh quá phải không cô Tư? Tôi gợi chuyện. - Chú ấy là sư phụ của em mà, còn anh thì sao? vui tánh hay khó tánh đây? Tôi ngẩn người, chưa kịp trả lời sao với sự dạn dĩ của cô gái, thì cô đã cùng Hấu đi vào nhà bếp, mà trước khi bước Hấu còn nhìn tôi nhe răng cười: - Hì hì, nhưng khó tánh cở nào gặp chị Tư thì cũng... hì hì hì.... Tôi cầm cây đờn tranh của Tư Én đem vô nhà trên mà lòng bỗng nao nao, câu hỏi của cô tuy tôi chưa trả lời, nhưng tôi biết chắc một điều, dù người nào có khó tánh cách mấy đi nữa, mà nhìn vào đôi mắt đó, đôi mắt tự tin pha một chút gì kiêu hảnh, thì cũng không còn gì để khó. Đặt cây đờn tranh lên bộ ván ngựa tôi đi ngay xuống nhà bếp. Thằng Chiến coi vậy mà cũng nhanh nhẹn, hắn hầu như đã lặt xong rổ rau. Vừa thấy tôi hắn cười lớn: - Mầy sướng thiệt nha Bình, cô Tư nói hôm nay mầy đặc biệt không phải làm gì cả, a lê, đi lên nhà trên, không được xuống đây. - Vậy khoẻ... tôi chợt buột miệng nói lại lời của chú Ba lúc nãy, nhưng: - Em nghĩ anh không khoẻ chút nào đâu... cô Tư bưng trên tay một thau nước nhỏ bước vào, và cô tiếp: - Bài nhạc Lưu Thủy Bắc Oán Ai khó lắm đó, em hy vọng anh viết kịp bài ca để hát vào ngày giổ Tổ, chú Ba sẽ vui lắm... Cô đặt thau nước xuống chiếc bàn nhỏ, cắt chanh nặn vào quậy đều, lấy bắp chuối hột lột bỏ mấy lớp lá già bên ngoài và thoăn thoắt bào vào thau... - Giổ Tỗ ngày nào hở cô Tư? Tôi hỏi. - Em không nhớ chính xác ngày nào, nhưng... - Khoảng đầu tháng 9 dương lịch đó anh... Hấu bưng chiếc rổ nhỏ đựng hai con cá bông lau đã khứa sạch sẽ bước vào tiếp lời Tư Én. - Được rồi đó Hấu, em nhúm lửa lên cho chị đi. - Xong ngay. Trong lúc Hấu loay quay chổ hai cái cà ràng để nhúm lửa thì tôi nhẫm tính: - Còn hơn hai tháng mà... - Coi vậy chứ nhanh lắm đó anh. Hấu vừa thổi lửa vừa trả lời tôi. Vừa lúc đó, nhà trên có tiếng chú Ba Lành gọi tôi: - Bình ơi, để trong đó cho tụi nó đi, mầy ra đây. - Dạ, cháu ra ngay, chú Ba... Tôi vừa xoay lưng thì nghe tiếng Tư Én: - Chú Ba, cuốn tập nhạc con để trong cây đờn của con đó. - Tao biết rồi. - Ê, Bình, bưng dĩa mồi nầy lên để chú Ba lai rai trước đi... Chiến gọi tôi. - Ừ... Đón dĩa thịt quay từ tay Chiến, tôi đi lên nhà trên khi tiếng đờn Kìm của chú Ba Lành như thúc giục. (° ngày nay, VN có bán bao đờn tranh bằng da, có dây đeo, như đeo ba lô, nên người xữ dụng đờn tranh khi di chuyển bằng xe Honda chỉ cần bỏ cây đờn vào bao đeo lên lưng rất tiện, tuy có hơi nặng chút. )Nắng đã nhàn nhạt trên sân, cơn gió nhẹ chớm Thu đã xua đi cái oi nồng làm không gian như dịu lại... tiếng đàn Kìm của chú Ba như thêm vào dòng nước mát và trong phút chốc trước mắt tôi hiện lên bức tranh nơi chôn nhau cắt rốn với con kinh Thầy Tùng dừa nước rợp lá xanh, lã mình theo cơn gió cùng cánh đồng lúa vừa trổ đồng đồng... Chú Ba Lành tươm tất hơn trong bộ bà ba trắng, củ tỏi vấn chặt sát vào ót, bộ râu chắc vừa được chải nên mướt rượt, đang lim dim thả hồn theo dòng nhạc hơi Bắc hùng hồn. Đặt dĩa thịt quay xuống ván, tôi vừa kéo ghế ngồi, thì chú Ba nhịp song loan đôi chấm dứt bài nhạc. Tôi vừa định lấy chai rượu đế hôm rồi còn để sát trong vách rót ra chun cho chú, thì chú ngăn lại: - Thôi, hôm nay tao không uống đâu, uống một hồi quên hết ráo sao chỉ cho mầy được... nè, cuốn tập nhạc của con Tư đó, mầy coi sơ đi chổ nào không hiểu thì tao đờn cho mầy nghe... Tôi cầm lấy cuốn tập 100 trang, bìa được bao bằng giấy dầu cẩn thận, mở ra, nhìn dòng chữ ghi đậm thật lớn "Nhạc tài tữ Nam Bộ" và bên dưới là tên của chủ nhân "Võ Hồng Yến". Những trang kế, được ghi chép thật đầy đủ những bản nhạc chuyển cung mà thật tình trước giờ tôi chưa từng được thấy. Chú Ba Lành đã đờn từng bản cho tôi nghe, giảng giải cho tôi những nét đặc biệt của mỗi bản, phân tích chổ hay dỡ... để cuối cùng chú nói nhờ đờn những bản nhạc nầy chú cải biên cặp Lưu Thủy, Phú Lục thành Lưu Thủy Bắc Oán Ai và Phú Lục Bắc Hạ Nam Oán và chú hy vọng nhóm nhạc của chú sẽ thuyết phục được các nhạc sĩ khác chấp nhận chơi hai bài nầy nhân dịp giổ Tổ sắp đến, nếu có bài ca minh hoạ. Mãi mê với dòng nhạc, chú Ba Lành cũng như tôi đã không thấy nắng đã tắt và mùi mắm kho thoang thoảng, nếu cô Tư Én không đi lên: - Chú Ba ơi, mắm kho nguội hết rồi, mình ăn cơm đi nha. Ngữi được mùi thơm của mắm kho tôi đã thấy cồn cào trong bụng, chú Ba Lành chắc cũng vậy nên chú cười ha hả: - Cha, mắm thơm dữ bây, được, được, dọn lên đi, ăn no rồi, mình đờn ca chứ ... ủa mà tía bây đâu, sao tới giờ chưa thấy mặt ổng vậy? - Hồi sáng con có nghe ổng nói, ổng đi thăm ai bên cầu chữ Y chắc về không kịp đó chú Ba. - Anh Sáu Mèn cũng vậy, hôm đó tao có mời, nhưng ảnh nói cũng bận không xuống được... thôi hôm nay, mình có bao nhiêu chơi bấy nhiêu, dọn lên đi... - Có ngay, có ngay... tiếng của Chiến và Hấu thật vui vẻ... Quả thật từ trước giờ tôi chưa từng được ăn bửa mắm và rau nào ngon miệng hơn hôm nay. Bên Mỹ lâu lâu mẹ tôi cũng có kho mắm, vì tại nơi tôi ở hầu hết thực phẫm của VN đều có bán, nhưng thường cái ngon của mắm bên đó không được trọn vẹn vì sau bữa mắm ngon miệng cả tháng sau nhà vẫn còn mùi... Chú Ba Lành nói với tôi, hôm nay chú không uống rượu, nhưng với Chiến và Hấu thì không nghe chú nói, nên khi bửa cơm vừa xong thì ba người đã ngà ngà, nhưng có lẽ nhờ vậy mà buổi đờn ca hôm nay trong nhà chú cũng sôi nổi không kém gì hôm trước. Chúng tôi đã không nhịn được cười khi Hấu nhại giọng Bắc để hát bài "Hận Nam Quan" của nhạc sĩ Năm Vinh theo lối hát chầu văn, mà khi buông đờn xuống chú Ba Lành đã nói: - Anh Năm mà nghe mầy hát bài của ảnh như vậy, ảnh không gỏ cán đờn vô óc o mầy mới là chuyện lạ nha Hấu. Hấu cười hề hề, gải tai: - Hi hi có mặt ổng, con đâu dám hát chú Ba... và hắn nhìn Tư Én nói ngay: - Chị Tư nè, chị hát lại bài "Dạ Cổ Hoài Lang" đi... Tư Én buông đờn tranh nhìn lên, thì tiếng guitar của Hấu đã réo rắt mời mọc, chú Ba cũng vừa nâng cây đờn Kìm lên, thì Chiến xen vào: - Hay Bình mầy với cô Tư hát cái bài gì hôm rồi đó... - Thì sau bài Dạ Cổ đi mà... anh Chiến nghe chị Tư ca bài nầy bá chấy bù chét luôn... Không biết phải như lời Hấu nói không, có điều tiếng ngân í i của Tư Én đã chấm dứt bài Dạ Cổ mà hình như có ai đó cứ ước mình là người mang "Báu kiếm sắc phong lên đường" nếu chú Ba Lành không kêu hắn về thực tại khi chú để cây đờn Kìm xuống, bưng chun rượu lên, khà một tiếng: - Mầy, quê ở đâu vậy Bình? - Dạ, cháu ở Mỷ Tho, chú Ba... - Mỷ Tho?... chú Ba Lành hỏi lại... mà chổ nào? - Dạ, làng Long Hưng đó... Chú Ba Lành đột nhiên thấp giọng: - Mầy có biết chợ Xoài Hột không? - Dạ biết chứ... Chú Ba Lành chậm rải móc gói thuốc rê, trong chiếc hộp thiếc nhỏ đã không còn điếu nào, nên chú xé cuồn giấy quyến từ từ vấn điếu khác: - Không ngờ tao với mầy là người đồng hương... - Chú Ba là người Mỷ Tho à? Chiến xen vô... - Ừ. Chú bật hộp quẹt châm điếu thuốc rít một hơi, tôi cho đây là một cơ hội hiếm có: - Chú Ba à, cháu nghe người ta nói chú Ba biết bùa Lỗ Ban phải không? Chú Ba Lành quay nhìn tôi, cười mĩm: - Ai nói với mầy vậy?... vừa hỏi chú vừa đưa mắt nhìn Hấu và cô Tư Én làm cả hai đồng thanh: - Tụi con không có nói nha... Chú Ba Lành cười dễ dãi: - Hà hà, tụi bây nói cũng có sao đâu chứ, vì ai tin bây... nhưng mà, trên đời nầy chuyện gì cũng đều có đầu của nó. Tao biết, thằng Bình mầy đã sống ở nước ngoài, những gì mầy thấy, mầy không tin thì mầy cho là mê tín. Nhưng quả thực, ông bà ta ngày xưa đã có thể làm những chuyện mà người tây phương với máy móc hiện đại cũng không thể làm được... tao nói cho tụi bây biết, đúng, những gì tụi bây thấy hổm nay là tác dụng của bùa Lỗ Ban đó. Chú Ba rít một hơi thuốc rê, nói tiếp mà không hề để ý đến những đôi mắt đang trợn tròn xoe của chúng tôi: - Nhưng tao học bùa Lỗ Ban là chuyện vạn bất đắc dĩ và chỉ để hộ thân, đây là lần đầu tiên tao trị cho thằng Hấu cũng như con của mầy... (chú nhìn sang Chiến), vì giữa thời đại nầy mà nói chuyện bùa ngãi thì chỉ có chuốc lấy phiền toái vào mình. Tôi buộc miệng: - Sao lại phiền hở chú Ba? Chú Ba Lành thở dài, cúi mình dán cái mẫu thuốc rê vào phía dưới bộ ván ngựa: - Dân mình còn nghèo khổ, bệnh tật, thường rất tin tưởng vào thần quyền, nếu họ biết tao, họ không kéo đến đây mới là chuyện lạ, rồi chánh quyền chịu để yên cho tao à... Chú bổng nhiên bật cười: - Hà, hà, như vậy rồi thì giờ đâu mà đờn ca chứ, tụi bây nghĩ phải không? Cô Tư Én rụt rè xen vô: - Nhưng nếu chú Ba trị được bệnh cho người ta, thì cháu nghĩ chú Ba cũng nên làm lắm chứ, chú đã nói dân mình còn nghèo khổ, giúp cho họ không tốt sao? - Tao đã nói, tao học bùa chỉ là bất đắc dĩ thì làm sao có đủ khả năng để trị bệnh chứ, hơn nữa muốn điều khiển được họ ở bậc cao phải tu luyện chuyên cần, đó là chưa nói có lúc phải làm những việc trái lương tâm, nếu không thì mạng mình giữ còn không xong lấy đâu lo cho người khác chứ. Nghe chú Ba Lành nói, càng lúc tôi càng mù tịt, nhưng tôi linh cảm được rằng biết bùa Lỗ Ban, nhưng xữ dụng được nó không phải là chuyện đơn giản. Tôi chưa kịp hỏi chú Ba linh cảm của mình có đúng không, thì Chiến đã hỏi: - Chú Ba học bùa ở đâu mà chú lại nói là bất đắc dĩ? Và nếu xữ dụng bùa mà nguy hiểm như vậy thì chú có sao không khi chửa cho Hấu và thằng con của cháu? - Chuyện tao học bùa thì dài dòng lắm, còn chửa cho thằng Hấu và con của mầy, cũng như chuyện hai đứa bây đã thấy lúc ban chiều là chuyện nhỏ vì tao có đủ khả năng, và tao cũng biết có bao nhiêu đó mà thôi. Rồi không để chúng tôi hỏi gì thêm, chú Ba bưng chun rượu Hấu vừa rót đầy uống một ngụm: - Bùa Lỗ Ban là con dao hai lưởi... người biết nó nếu đã lục căn thanh tịnh, đạo cao đức dầy, tâm linh trấn áp được quỉ thần, hành xữ nó để cứu nhân độ thế thì đúng là tạo phúc cho người, còn nếu không thì nó sẽ có tác dụng ngược và nạn nhân của nó sẽ vô cùng thê thãm. - Tại sao lại như vậy, chú Ba có thể nói cho tụi cháu biết được không? Tôi hỏi chú Ba Lành. - Người luyện bùa Lỗ Ban, sẽ tùy theo thời gian tu luyện, tâm tánh bản thân mà mỗi chữ bùa vẽ ra, sẽ sai khiến được quỉ, thần hoặc tiên làm công việc mình muốn... nhưng phần lớn chỉ sai khiến được quỉ mà thôi vì ai cũng muốn thành đạt nhanh và khó thoát ra khỏi hai chữ danh và lợi... - Quỉ...! Cả mấy đứa chúng tôi đều kêu lên. - Phải, vì là quỉ nên khi chúng làm việc, chúng luôn luôn yêu sách và yêu sách nầy phải được thoả mãn. Tôi và Chiến cùng nhớ lại lời ba vợ nó nói: - Ếm người ta? - Đúng vậy. Chú Ba Lành gật đầu. Tôi ngập ngừng: - Chú Ba thì sao? - Tao không học bùa Lỗ Ban để hành xữ nó vì danh vì lợi, mà là để giải căn cho ân nhân của mình nên từ đầu Tổ sư gia Hiệp Ẫn chỉ truyền cho tao những chữ bùa tiếp cận với thần mà thôi. Thấy bốn chúng tôi há hốc mồm im lặng, chú Ba Lành mĩm cười: - Tụi bây muốn nghe lắm phải không? hà, hà, ừ, đây cũng là một câu chuyện quê hương mình để thằng Bình mầy, khi về bên đó... biết đâu... gặp họ....