KBC. 4100, ngày... tháng... năm... Mận mến, Nhận được thư này chắc là Mận ngạc nhiên lắm phải không!? Vậy mà thoắt cái Thái đã khoát áo lính được hơn ba tháng nay rồi, tháng ngày qua nhanh quá, Mận há! Thư này Thái viết từ trường Bộ Binh Thủ Đức trên đồi Tăng Nhơn Phú đó Mận à! Tên cái đồi này đâu có lạ gì với đám thanh niên và học sinh sinh viên mình phải không. Mận ơi, lẽ ra là Thái viết thư này cho Mận ngay từ mấy tuần đầu Thái đến trình diện Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ ở đường Lê Văn Duyệt nhưng cứ chần chừ hoài. Chần chừ vì Thái thấy mình lúc này nó... “sao sao” ấy. Hơn nữa nếp sống mình bị thay đổi quá đột ngột, từ một “tên học trò chân chỉ hạt bột” trở thành “chú lính mới tò te” với mái tóc húi cua như chú vịt con trông... ngố lắm. Tiếp đến là hơn hai tháng học... làm lính ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung ở Hốc Môn -- cái lò luyện thép đó mà. Hai tháng học làm Binh... Ba này – chớ chưa được gọi là Binh Nhì nữa à – đã làm cho chú lính nhí Thái này bị tối tăm mặt mũi, bị ngơ ngác khờ khạo và xác xơ đến tội nghiệp... Mà cũng xui là Thái bị lọt ngay vào cái tiểu đoàn mẫu... hắc hám quá trời quá đất -- Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ với câu hát được đổi lời chút ít là “Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ sống dại sống khùng... ”, thay vì “Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ sống mạnh sống hùng...”. Tốt nghiệp... Binh Nhì xong, Thái và các bạn đồng khóa được chuyển về Trường Bộ Binh Thủ Đức – dĩ nhiên cũng là cái lò luyện thép, nhưng cấp cao hơn -- để tiếp tục học làm quan... nhí -- tức là Chuẩn Úy... Sữa đó, Mận à. Nhớ lại, vào năm đó, tình cờ hai đứa mình quen nhau ở quán chè vĩa hè đường Trần Bình Trọng -- Chợ Quán. Và cũng thật tình cờ là tụi mình lại cùng học chung năm dự bị Toán Lý Hóa Đại Cương trong cái giảng đường Đại Học Khoa Học to lớn rộng thênh thang ấy. Bất ngờ, Mận gợi ý là trong hai đứa mình đây, hễ ai đến trường trước là phải “xí” chỗ cho người đến sau. Thấy... “trúng ý” mình, Thái đồng ý ngay. Ngu gì không đồng ý phải không! Vậy là ngày nào Thái cũng “tình nguyện” hí hửng đến trước rồi đặt sách để “xí” chỗ cho hai mình. Và hình như ngày nào Mận cũng... cố tình đến... muộn. Ơ... Mà biết đâu Mận cũng đến sớm, nhưng lại núp ở đâu đó để... rình xem Thái có... chịu khó đến sớm không nè! Nhớ lại mà thấy vui chi lạ, Mận há! Mấy năm gần đây, một số sinh viên thân Cộng và tay sai Việt Cộng nằm vùng như Lê Hữu Bôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Luật Sư Ngô Bá Thành... đã “xuống đường xách động đấu tranh phản chiến”. gây xáo trộn ở hậu phương, làm suy giảm tinh thần chiến đấu của chiến sĩ mình nơi tiền tuyến. Thế rồi bất ngờ biến cố Mậu Thân nổ ra, giao tranh ác liệt xảy ra khắp nơi, bom đạn nổ ầm ầm gieo tang tóc chết chóc cho dân lành vô tội. Đó là do lũ giặc Cộng tráo trở nuốt lời cam kết hưu chiến ba ngày Tết cho người dân yên lòng ăn Tết. Chúng trắng trợn tấn công hầu hết các thành phố miền Nam. Nhưng cuối cùng thì chúng cũng bị quét sạch ra khỏi các thành phố thân yêu của mình. Khi tình hình lắng dịu, các trường Trung và Đại Học toàn miền Nam đều rầm rộ nô nức tham gia chương trình Huấn Luyện Quân Sự Học Đường với mục đích là tập cho học sinh sinh viên quen dần với tình trạng chiến tranh, để khi cần thì sẵn sàng lên đường nhập ngũ tòng quân, đánh giặc giữ nước. Kể Mận nghe, hồi đó trong “đội quân học trò” ấy, Thái thấy mình oai lắm trong bộ đồng phục ka-ki vàng có cầu vai với cái mũ ca-lô đội nghiêng nghiêng một bên đầu coi thấy ngầu hết xẩy luôn. Mà không ngầu sao được vì nhớ có lần Thái rủ Mận đi ăn kem ở công trường Mê Linh có tượng Hai Bà Trưng tại bến Bạch Đằng đó, Mận vui vẻ nhận lời ngay vì có... lính ngầu làm gác-đờ-co cho, sợ gì, phải không! Suốt mấy tuần tập làm lính đó, các sinh viên sĩ quan – tụi mình gọi là Cấp Trưởng -- từ quân trường Thủ Đức đến huấn luyện cho sinh viên nhà trường. Mấy ông sinh viên sĩ quan này ông nào ông nấy đen như cột nhà cháy mà lại rắn chắc khoẻ mạnh lắm -- tụi Thái gọi là mấy ông Thần Nước Mặn -- nghiêm dễ sợ, có cạy môi cũng chả thấy chút nụ cười mím chi nào hết, mặt mày lúc nào cũng lạnh như tiền. Ăn nói gãy gọn dứt khoát – “Một là một, hai là hai”. Cứ luôn lập đi lập lại câu “Thi hành trước, khiếu nại sau”. Thật đúng là phong cách nhà binh. Mới đầu Thái cũng “hầm” trong bụng lắm chớ, vì “nó” ngang ngang ngược ngược làm sao ấy, nhưng đó là kỷ luật quân đội mà, mình phải răm rắp thi hành thôi. Nếu không thì sẽ xài đến kỷ luật – “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” mà. Các bộ môn quân sự đều được huấn luyện cấp tốc. Nào là tập thao diễn cơ bản sao cho các động tác đều phải rập ràng đồng loạt; vừa đếm nhịp đi đều bước vừa hát những bản hùng ca theo nhịp quân hành. Nào là tập tháo ráp súng, tập bắn súng với đạn mả tử là loại đạn giả dùng để huấn luyện. Lâu dần học sinh sinh viên cũng quen đi. Riết rồi Thái mê... lính hồi nào hổng hay đó, Mận à! Và những bài hùng ca đã cuốn hút Thái vào nhịp quân hành, tưởng như mình đang ở trong một đoàn hùng binh nào đó Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan trai Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi (Lục Quân Việt Nam – Văn Giảng) Niên khóa 67 – 68 này, ngay tại Đại Học Khoa Học này nhóm sinh viên thân Cộng của Miên Đức Thắng ra tranh cử vào Ban Đại Diện Sinh Viên với liên danh của Phạm Hào Quang. Kết quả, được sự ủng hộ hết mình của Giáo Sư Khoa Trưởng Nguyễn Chung Tú và đa số sinh viên trong trường, liên danh của Phạm Hào Quang đắc cử. Nghe nói, niên khóa sau nhóm của Miên Đức Thắng chạy qua “núp bóng” bên Đại Học Vạn Hạnh. Có lần đại đội Thái được xe GMC chở đi tập bắn đạn thật ở trường Bộ Binh Thủ Đức. Khi đoàn xe lăn bánh trực chỉ về đồi Tăng Nhơn Phú, cả đại đội khoái quá cất tiếng hát vang Ngày bao hùng binh tiến lên Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành (Xuất Quân -- Phạm Duy) Trước nguy cơ “Nước mất nhà tan” này và thấm nhuần lời dạy của các bậc tiền nhân mình “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, cũng như bao thanh niên sinh viên học sinh khác, Thái cùng một số bạn học đã ngoéo tay nhau và đồng lòng lên đường nhập ngũ tòng quân, diệt Cộng để cứu nước và giữ nước. Bây giờ, trên đồi Tăng Nhơn Phú này, trong cái lò luyện thép KBC.4100 này, những môn mình mà đã được huấn luyện nói trên chỉ là những món “ăn chơi”, chỉ là “đồ bỏ”, chẳng có nhằm nhò gì hết so với mấy món “ăn thiệt” đầy mồ hôi nước mắt và “bả xác” ở đây. Trong một bài ca quân hành mà bọn Thái thường hát có câu Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt bổ máu Cố lên…! Cố lên…! Dù nhọc nhằn…! Đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh...! Một... Hai... Ba... Bốn...! Một... Hai... Ba... Bốn...! (Quân Trường Vang Tiếng Gọi -- Trầm Tử Thiêng ) Mận biết không, ngay ở giây phút đầu tiên nhập vào trường lính này, tại Vũ Đình Trường bọn Thái được (bị?) các Cấp Trưởng dạy cho bài “Huấn nhục trăm cay ngàn đắng” -- đó là bài học vỡ lòng nhập môn, Mận à! Huấn nhục là cái môn “hành xác” để luyện tập sức chịu đựng dẻo dai về cả thể xác lẫn tinh thần cho khóa sinh sĩ quan, với mục đích là tạo cho người sĩ quan chỉ huy trong tương lai biết chịu đựng và nhẫn nhịn trong mọi hoàn cảnh. Có hơn một ngàn lẻ một chuyện huấn nhục “Khóc không ra nước mắt mà cười thì lại ra nước mắt” này, để Thái sẽ kể cho Mận nghe nghen. Cứ mỗi lần chấm dứt một buổi học ngoài bãi trở về doanh trại, như để mừng là mình đã... chiến thắng một ngày một buổi “hắc ám” dưới nắng mưa bão bùng, tuy rất mệt mỏi nhưng các khóa sinh vẫn cất tiếng hát vang Kìa đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng Cùng nhau hòa khúc hát thành công Lớp áo xanh phai màu Thấy phất phơ ngang đầu Ngọn cờ tung bay cuối phố (Bài Ca Chiến Thắng – Minh Duy) Có một chuyện vui vui thế này. Khi ăn trong “nhà bàn” khóa sinh cũng phải tập sao cho nhất cử nhất động phải rập ràng đồng nhất. Cứ hai cặp đứng đối diện nhau thành một ca-rê và chờ lệnh Cấp Trưởng cho phép “Ăn trong vòng... hai phút". Trời đất...! Hai phút qua cái xoẹt thì ăn làm sao và... ói làm sao đây...!? Và cũng vì cái “ca-rê bốn người” này mà “KBC bốn ngàn một trăm” được đổi thành “KBC bốn người một mâm”, đâu có sai chút nào phải không Mận!? Quên nữa... Nãy giờ say sưa miệt mài viết thư cho Mận mà quên nói hôm nay là chủ nhật, vì chẳng có ai đến thăm nên Thái ở lại phòng với vài ba người bạn cũng “mồ côi” như mình, rồi buồn buồn viết thư cho Mận đây. Mấy tháng trời nay chẳng có ai lên thăm Thái ở Vườn Tao Ngộ ở Quang Trung hay Khu Tiếp Tân ở Thủ Đức gì hết. Thì Mận cũng biết rồi, Thái là... “Con Bà Phước” mà. Thấy mấy khóa sinh có người nhà hay người quen người yêu lên thăm mặt mày hí hửng, cười nói vui vẻ mà Thái nghe mình buồn... thúi ruột đó Mận à! Đã vậy Thái lại còn phải nghe đi nghe lại hoài mấy câu hát thở than này Sao em không đến chiều nay thứ bảy Sao em không lại đường vắng em đi Sao em không lại... Sao em không lại... Quân trường riêng tôi đứng đây đếm từng chiếc lá thu bay (Sao Em Không Đến – Hoàng Nguyên) Ôi... Giá gì có một thứ bảy hay chủ nhật nào đó Mận đến thăm Thái vì Tôi mong em đến tuần sau thứ bảy cho tôi không còn tìm áo ai bay cho tôi không còn đếm bước âm thầm Những chiều em không đến thăm Vì tôi biết tôi còn có em (Sao Em Không Đến – Hoàng Nguyên) Thôi... Thái dừng bút nghen. Mến thư, Thái Lê Huy