Hắn cười đến phun cả những hạt cơm quý giá cuối cùng ra khỏi cửa miệng, kèm theo một cơn ho sặc sụa đến vã mồ hôi. Mặt hắn đỏ bừng, tay không ngừng giơ lên đập đập vào ngực, mắt mở to nhìn mụ chủ quán cũng đang cười rũ rượi. Sau một hồi thở hổn hển, hắn nói, giọng lơ lớ (Trung không ra Trung, Bắc không ra Bắc), nhưng cũng khá dễ nghe: “Người đẹp cho xin ly nước uống coi. Sau này lúc tôi đang ăn, làm ơn đừng kể những chuyện này, có ngày giết người đấy!”. Mụ chủ dáng người phốp pháp, đẫy đà, gương mặt đầy đặn, ưa nhìn, nhún nhẩy rời quầy hàng, trên tay cầm một ly nước đá, không biết rót từ đâu, trên môi treo nụ cười toe toét, để lộ hàm răng vàng khè như bị đóng phèn từ lâu lắm. Đặt ly nước trước mặt hắn, mụ “lúng liếng” ánh mắt, liếc hắn qua mái tóc bù xù có lẽ được chải từ thế kỷ trước, giọng mơn trớn: “Khổ chưa. Ai biểu nghe. Nghe ai biểu cười, lại còn đổ thừa người ta nữa chứ!” Vừa nói, mụ vừa cố ưỡn ngực, để hai “quả núi” đồ sộ của mình chạm vào vai hắn. Khi đạt được ý đồ, lại khúc khích cười, nghe như cô gái mười tám, lần đầu tiên chạm vào tình nhân. Hắn cũng chẳng vừa, biết rõ tỏng của mụ nên nghiêng vai một chút, cho việc “va chạm” ra dáng ra vẻ. Tay này cầm ly nước, tay kia tiện thể thò ra phía sau, béo vào cái mông to tướng, đầy mỡ kia một cái thật mạnh cho bõ ghét. Hắn vẫn thường làm thế. Ngay lập tức, mụ ngún ngoẫy, miệng tru tréo điệp khúc muôn thuở, “Ui da, đồ quỷ, Hư quá nha!”. Rồi ưỡn ẹo quay lưng bước vô, để lại phía sau tràng cười hô hố, nham nhở của hắn. Xỉa răng xong, hắn ngó mụ chủ theo cái cách cực kỳ không giống ai: mắt híp lại, môi dưới trề ra, rồi cất giọng rề rà: “ Ghi sổ nha người đẹp!”. Mụ nguýt rõ dài: “Biết ngay mà!”. Rồi chậm chạp lấy cái sổ ra, viết viết gạch gạch cái gì trong đó. Ai mà hứng thú cho người khác thiếu nợ, bất quá, so với nhiều người khác, hắn lại có một chút đặc biệt ( “núp” sau bộ dạng sốc xếch dơ dáy không sao che giấu được). Chính “chút đặc biệt” này đã cuốn hút mụ; hoặc giả, cũng chỉ mình mụ cảm nhân được nó. Hắn thoáng nhìn là biết ngay cái sổ nợ của mình. Tính ra, đã nửa tháng rồi mình chưa tính tiền cơm. Chà, hơn trăm chứ chẳng ít. Nhưng cũng chẳng biết làm sao. Thằng cha quỷ thầu keo phát ớn, lương bổng hứa tuần trả một lần, rốt cuộc hai tuần chẳng có xu nào. Cũng may “dụ” được con mụ này, nếu không chắc đói sớm. Nghĩ đến con “mụ”, hắn lại liếc nhìn một cái, cảm giác rạo rực tự dưng dáy lên, khiến hắn phải hít một hơi thật sâu để kìm lại. Còn chút nước trong ly, hắn uốn cạn rồi bước vội ra cửa, bên tai vẫn loáng thoáng nghe được cái giọng chì chiết của mụ. Không biết đang chửi ai nhỉ! Nhưng chửi ai cũng mặc. Cái nghèo đã đeo từ đời tằng tổ nhà hắn. Ai nói, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời cái gì, láo toét!. Nhà hắn cứ “trung thành” với sự nghèo. Đất không có đến một mét vuông để cặm dùi, chỉ biết hết thuê rồi mướn. Mà cái dòng thuê, mướn thì bao giờ mới khá. Có lần hắn giận quá, bỏ lại mái nhà sụp xệ (tối ngủ có thể ngắm trăng) cùng mấy đứa em nheo nhóc để vào đây lập nghiệp. Nói “lập nghiệp” cho oai, chứ thật ra làm công trày da tróc vảy, cặm cụi từ sáng tới tối, mà chẳng thấy dư đồng nào. Lắm lúc hắn muốn điên lên được, qua năm bước sang cái tuổi bốn mươi, già tới nơi mà sự nghiệp là con số không to tướng. Nhìn quanh quất giữa cái chốn “tiền bạc đầy đường”, người khôn biết cách lượm, kẽ khờ chỉ có nước ngó chơi này, hắn không biết mình được xếp vào hạng nào. Tối tới, mượn cái ghế nhựa của con mẹ bán xôi, hắn ngồi coi “bà con” đi qua đi lại. Quần là áo lụa, đủ thứ đủ kiểu nhìn mà hoa cả mắt. Có quý bà áo dài tới chân, mắt ngó lên trời, nói một câu trề môi mười lần; quý cô thì quần cụt cỡn, khoe cái đùi trắng như trứng vừa bốc vỏ, vừa đi vừa lắc cái mông đầy đặn của mình để thiên hạ nhìn “rớt con ngươi” ra ngoài! Đôi lúc hắn tập làm người khôn, mong có tiền để lượm. Nhưng căn mắt ra nhìn, đường đầy người, xe ì ầm, chỉ thấy mắt nổi đom đóm, lỗ tai lùng bùng; lật đật trả ghế đi vô. Buổi tối lại là một nổi khổ tế nhị khác. Con người mà, ham muốn là tất nhiên rồi. Ở cái tuổi của hắn, không ham muốn chắc chỉ khi bị bệnh. Hắn có lúc cũng mong mình bị bệnh quách, để khỏi phải hứng chịu cảnh thâu đêm dày vò này. Nhưng bất quá, một đêm vài tiếng để ngủ, may mắn cái mệt cũng giúp hắn chợp mắt được một ít. Thi thoảng, trong giấc mơ chập chờn, hắn thấy mụ chủ quán. Quái thật, cái thân hành đồ sộ như thế, đi vào giấc mơ của hắn lại dịu dàng, mềm mai làm sao. Và mỗi lần như thế, máu trong người hắn lại chảy mau hơn, tim đập nhanh, hơi nóng cứ ràn rạt ràn rạt tuôn ra từ khoan bụng dưới, bò tứ tung như con sâu đang trườn mình, mang theo cảm giác nhồn nhọt, ngứa ngáy. Rốt cuộc, bản năng trong người hắn bị đánh thức một cách vội vã, có cái gì đang căng ra dần, đến mức muốn vỡ tung. Giấc mơ hắn luôn dừng lại ở đó, giống như diễn biến tất yếu của một quá trình thụ động. Cả ngày khuân khuân vác vác, nghề phụ hồ nắng mưa chẳng dám rên một tiếng. May trời bão, thì được nghỉ. Nhưng khổ nổi, nghỉ lại không có tiền. Thế mới khốn. Hôm đó, đúng lúc có áp thấp nhiệt đới, thằng chủ thầu đội áo mưa tới, đem theo niềm hân hoan ít ỏi cho đám làm công cơ cực, lương của hai tuần làm việc. Hắn cầm tiền trong tay, đếm tới đếm lui, suy nghĩ cách tiêu xài khoa học nhất. Nghĩ chán lại nhớ đến khoản nợ chổ mụ chủ quán. Đành vậy, quan hệ lâu dài mà, phải tạo uy tín chứ. Hắn học được đạo lý này từ lúc chập chững bước chân tới đây. Cũng chả phải lời hay ý đẹp gì, chẳng qua là câu cửa miệng của mấy kẻ “cấp cao cao” mà hắn nghe lỏm được. Lập tức hắn chạy vọt qua quán cơm, nằm trong con hẽm cách chỗ hắn làm chừng vài trăm mét. Mưa chỉ còn lắt rắt, nhưng nước dưới chân đã ngập quá mắt cá. Ngoài đường vẫn tấp nập “quần chúng”. Đây lại là một chuyện hay ho khác của chốn này. Mưa bất kể lớn nhỏ, người ta vẫn cứ ra đường. Và mưa bất kể lớn nhỏ, đường cứ bị ngập. Hắn lội bì bỏm, trong phút chốc, cảm thấy vô cùng đắc ý. Không phải đắc ý vì chuyện vừa lĩnh lương, mà vì chuyện được lội bộ trong nước thế này. Rốt lại, chốn này cũng có quá nhiều chuyện chẳng ra gì! Hắn vừa đi vừa ngước mặt lên trời, hứng những giọt mưa càng lúc càng yếu dần, rồi giơ tay vuột một cái. Cảm giác sảng khoái lan nhanh đến tận mang tai. Lấp ló quán cơm bình dân trong con hẽm cụt đầy nước đen thui. Mùi hôi không biết từ đâu xộc vào mũi khiến hắn phải nhíu mày. Hắn thấy con bé phụ bán cơm đang lúi cúi khiên xô nước vừa hứng được lên, mặt đỏ lựng vì phải dùng quá sức. Xem ra cái xô to gấp ba nó. Hằn hùng dũng bước tới, “ Để anh khiên cho!” Cô bé ngước lên, ánh mắt to tròn đầy hơi nước: “Ủa, hôm nay sao chú tới sớm thế, chưa có cơm đâu!”. “Lại “chú”, kêu “anh” cho nó thân mật”, vừa nói, hắn vừa ngoác miệng ra cười, mắt không bỏ lỡ cơ hội trượt dài trên thân hình “đầy đủ điện nước” của con bé. Không biết mụ chủ quán “lượm” ở đâu về mà xinh xắn ra phết! Chỉ có tội, cái chân bị tật, phải đi cà nhắc. Hắn chưa bước tới, đã nghe giọng mụ chủ ở trong quán ràn rạt vọng ra, làm mất cái “không khí trong mưa” vô cùng lãng mạn này: “Con quỷ cái, mày vô duyên vừa chứ. Cái gì mà chưa có cơm. Mang xô nước vô đây coi. Làm gì cũng chậm như rùa!”. Hắn nhăn mặt, thoáng thấy cô bé liếc xuống đất, cả người hơi run lên, quần áo ướt sũng, chắc đã phải dầm mưa từ sáng sớm. Không hiểu sao hắn cười hết nổi, bước vội tới xách xô nước đem vô quán, con bé lẽo đẽo theo sau. Đặt xô nước gần đóng chén, cái giọng ưỡn ẹo quen thuộc của mụ chủ lại vội tràn vào lỗi tai hắn: “Trời, hôm nay không làm sao mà qua sớm thế! Cơm hãy còn chưa chín!”. Thế mới bảo, mụ vừa chửi con bé xong vì câu nói này, thế mà mụ lập lại chẳng chút ngượng mồm. Chủ và tớ quả thật có khác! Có rất nhiều câu, chỉ có chủ được quyền nói, tớ thì không; nhưng không có nghĩa là trình độ của “chủ” cao hơn “tớ”! Hắn lại nhìn con bé đang loay hoay với đóng chén bát chất cao như quả đồi, miệng cười nhăn nhở: “Nhớ người đẹp quá, bỏ việc chạy qua nè!”. Thừa biết là câu nói xạo hai trăm phần trăm, như mụ vẫn tỏ vẻ khoái chí, cái dáng thiếu thốn đàn ông ấy cứ rừng rực tuôn ra. Hắn hít môt hơi, bước tới quầy hàng, làm cái động tác hào hoa nhất của một người đàn ông: trả tiền, rồi tới bàn dành cho khách ngồi, chân vắt ngang, tay chống cằm. Gớm, lại tập tành kiểu cách của các vị “cấp cao cao”. Chỉ tiếc, nơi này “quá thấp”, đến nổi cái “phong thái” rạng ngời kia khiến mụ chủ bụm miệng không kịp, cười sặc đến rung rinh cột quán: “Trời, suy tư gì vậy?” Suy tư? Hắn có đang suy tư chăng? Chắc là không. Nhưng một chút cảm xúc dĩ nhiên là có. Nghe mụ cười, hắn chẳng buồn phản ứng. Thoáng mệt mỏi, chán chường lan ra, cơ thể hắn giống như đóng băng. Cái cảnh mẹ cặm cụi làm cỏ mướn, cha bệnh phong thấp không đi nổi; mấy đứa em, đứa làm rẫy, đứa chăn bò thuê làm tim hắn buốt lạnh. Rốt lại, tiền bạc vẫn quá quan trọng. “Nè!” Mụ chủ quán không biết lúc nào, bước đến bên cạnh hắn, “Sao vậy? Có bệnh hoạn gì không?” Vừa nói, mụ vừa giơ tay sờ vào trán hắn. Bàn tay no tròn lướt ngang mắt hắn lại phảng phất mùi sườn heo nướng. Ừ, dù sao mụ cũng có tay nghề. Nghe nói, kể từ ngày chồng mụ lao mình vào xe lửa, mụ vẫn ở vậy chăm sóc cái quán. Cũng loáng thoáng có vài vụ ông này ông nọ, nhưng chẳng thấm thá gì với cái tuổi “bên kia sười núi” của mụ. “Âm ấm, chả sao!” Mụ cười hi hi, rồi hơi hạ giọng: “Hay là đang thiếu cái đó!”. Dĩ nhiên, hắn hiểu “cái đó” là cái gì? Ừ, mình cũng đang thiếu “cái đó” thật, nhưng thiếu tiền nhiều hơn. Hắn nhếch mép như thể trả lời, ánh mắt khẽ rớt trên gương mặt trắng bệch “thịt thà bồng bềnh” của mụ. Có một thoáng hồng lấp ló trên gương mặt ấy. Không phải chứ? Mụ cũng biết mắc cỡ sao? Chưa bao giờ hắn bận bịu nghĩ về mụ, ngoại trừ trong mơ. Nhưng hiện tại, dường như hơi hướng đàn bà trong mụ ràn rụa phủ lấy hắn, khiến đầu óc hắn có chút mờ mịt! Đàn bà tóm lại vẫn cứ là đàn bà! Mụ đứng đó, tần ngần một chút, rồi lặng lẽ trở lại vị trí của mình. Hắn tuy không nhìn theo, vẫn đoán được có cái gì trong mụ đã tỉnh thức. Tối. Sau một ngày rả rích, rốt cuộc ông trời cũng cho nhân gian chút vui vẻ. Mưa tạnh. Nướt rút. Nhưng một thứ vẫn nằm chình ình ra đó. Rác. Ôi, nhắc tới ba cái thứ ấy, bào ngư, vi cá nuốt cũng chẳng trôi. Có mùi chuột chết lượn lờ trong không gian, hòa lẫn vào chút tanh tưởi từ miệng cống. Một “hương vị” thật khó diễn tả. Hắn khịt khịt mũi. Bán xôi cũng bày đặt nghỉ. Nhưng cũng may, với khung cảnh này, ai mà dám ghé mua. Không còn ai cho mượn ghế, hắn đành đứng. Đường tấp nập người. Chợt hắn nghe ai đó chửi rủa nhau bằng những lời “cực kỳ hoa mỹ”: “Đ.M, mày có giỏi thì đi kiếm tiền nuôi cả nhà, con này khỏi phải cả ngày long nhong ngoài đường bán vé số. Đàn ông gì mà như cục cứt, chỉ giỏi đánh đập vợ con. Mẹ, người ngoài nói tới một tiếng là vãi đái ra quần. Nếu không phải con này dẹo tới dẹo lui, dụ mấy ông già, mày chỉ có nước cầm lon…”. “Mày nói cái gì? Đồ quỷ cái…”. Có tiếng nồi niêu xoang chảo va vào nhau, tiếng la hét, sau cùng là tiếng khóc rền rĩ. Là vợ chồng bà bán vé số, thuê phòng ở con hẻm đối diện. Một tuần, ba bận gây lớn, bốn bận gây nhỏ. Lúc đầu khi hắn mới tới đây, cũng lật đật chạy qua xem. Nhưng ngày này tiếp ngày nọ, riết rồi quen. Vợ chồng mà, đánh nhau đầu giường, cuối giường huề. Nhưng cứ chí chóe kiểu này, thật sự làm phiền lối xóm. Hắn thấy mỏi chân, ngồi xổm xuống. Thèm thuốc quá, lại ngại qua đường mua. Ai đó tò mò, đứng lại coi. Một người đứng lại, thì vài người cũng bắt chước. “Văn hóa” chốn này là thế. Thích coi chứ không thích can ngăn. Tiếng bóp kèn tin tin vang lên in ỏi. Tiếng người sau chửi người trước cản trở giao thông. Hắn vẫn cứ ngồi, chả buồn nhúc nhích, thậm chí sẳn sàng “hiến máu” cho lũ muỗi đang o e rình mò. “Ê”. Mùi đàn bà xộc vào mũi hắn một cách bâng quơ. Hắn quay đầu lại. Mụ chủ quán đang đứng dựa vào cột điện, cách chỗ hắn ngồi chưa tới nữa mét. Hôm nay, mụ “chơi” nguyên bộ đồ đầy hoa với cỏ bó sát người, lồ lộ dưới ánh đèn thân hình phì nhiêu. Những đường cong như ngọn đồi nhấp nhô phía chân trời phút chốc toát ra một sức hút kỳ lạ. Hắn không phải hạng ham “ăn mỡ”, nhưng con sâu đáng ghét trong hắn vẫn cứ ngọ ngoạy. Mụ vẫn cười, có điều không quá “um sùm” như trong quán cơm: “Sao ngồi một mình, buồn thế”. Hắn đứng dậy, nghe chân tê hẳn vì máu lưu thông không đều. “Còn người đẹp, đi đâu đây? Ra góp vui à? Đừng dựa vào cột điện, coi chừng bị điện giất chết oan mạng đấy”. Vừa nói, mắt hắn vừa trườn lên mụ không chừa chỗ nào. Quái, trông mụ hấp dẫn đáo để. Hắn nuốt vội ngụm nước miếng, không biết tiết ra từ lúc nào. “Ôi, ngày nào chả thế? Có gì mà coi.” Thân mụ rời khỏi cột điện. Cũng biết sợ! Thời buổi này, đụng vào bất kỳ chổ nào ở ngoài đường đều có thể rời bỏ thế giới tươi đẹp này một cách thật bật ngờ mà…. “không rõ nguyên do”. Rồi mụ rủ hắn ra công viên dạo, hít một chút không khí trong lành. Ra công viên ư? Hít “không khí trong lành” ư? Có nhiều chuyện để làm đây? Không có lý do gì để từ chối “người đẹp”. Công viên cách công trình hắn làm chừng vài trăm mét, có điều phải quẹo qua một ngã ba mới tới. Bình thường, đối với việc “dạo công viên” mất thời giờ này, cho tiền hắn cũng chả thèm làm. Nghe nói, nơi này được làm cho trẻ em vui chơi. Nhưng hắn ra tới nơi, thấy toàn thanh niên choai choai tụ năm tụ bảy, bàn tán ì xèo! Một cu cậu cố biểu hiện mình, nẹt pô ầm ầm rồi hí há cười như thằng khùng không hơn không kém. Vào sâu hơn, hai dãy ghế đá được đặt dọc theo lối nhỏ ngoằn ngoài, luồn lách giữa những cây tùng xum xuê. Hầu như ghế nào cũng có người ngồi. Có cặp tình nhân nhìn hắn và mụ. Cô gái kê miệng sát lỗ tai anh chàng, thì thầm to nhỏ cái gì đó, rồi cả hai cười khúc khích. Chắc cô bé ngạc nhiên, giữa chốn lãng mạn sao lại xuất hiện một đôi dị hợm! Hắn chẳng bận tâm, mụ lại càng không hề để ý. Còn một cái ghế trống, mụ lặng lẽ ngồi xuống. Hắn cũng líu ríu ngồi theo. Không hiểu sao, hắn thấy hồi hộp quá; chẳng phải vì những xung động bươn bã giữa khoan bụng, mà vì luồng cảm xúc lạ lẫm đang hoành hành trong từng tế bào ham muốn. Hắn ngửi thấy mùi nước hoa hơi nồng thoát ra từ cơ thể mụ, pha lẫn một chút mùi sườn heo nướng. Chắc là cảm giác, chứ chiều mụ không bán, sao lại có mùi này. Hơi lạnh từ ghế đá len qua lớp vải mỏng te, sờ soạng mông hắn, rồi lần mò theo sóng lưng, vuốt ve làn da sần sùi. Kìm không được, hắn rùng mình một cái. Mụ hơi quay lại, ngó hắn cười nhỏ: “Lạnh hả?” Mụ không nói thêm câu, “sao yếu dữ vậy!”, nhưng hắn vẫn thấy ý này lấp lánh trong đáy mắt mụ. Tự dưng máu từ đâu dồn dập tụ trên mặt hắn. Hắn vội nặn một nụ cười, nhưng chắc méo mó lắm: “Đâu phải. Tại ngồi gần người đẹp nên vậy đó!”Câu nói lấp liếm không đâu vào đâu, nhưng đủ khiến mụ thích chí cười khe khẽ. Cái dáng vẻ cười tự nhiên ấy khiến hắn ngẩn ngơ. Thấy hắn hau háu nhìn, mụ chợt im lặng. Có một chút bối rối trong lúc mụ liếc mắt ra xa. Gió rít qua kẽ lá, vài giọt nước rớt xuống chổ hắn ngồi, có giọt rơi lên má mụ. Hắn nhìn thấy, rất muốn giơ tay lau giúp, nhưng có cái gì ngăn lại. Thật chẳng hiểu nổi, sao mình tệ thế nhỉ! Mụ bổng hờ hững: “Ông thầu của anh kỳ này sòng phẳng quá chứ. Mưa gió cũng tới phát lương!”. Miêng nói, tay xoa xoa lên mặt ghế. Hắn lại chẳng để ý mấy. Nhắc tới “ông thầu” đúng là đã “rà trúng đài”. Một chút lúng túng ngay lập tức biết mất. Hắn “phan” ào ạt những nhận xét vô cùng hay ho về “ông chủ” của mình. Nào là, nói tới khứa đó, tôi ói ba ngày ba đêm; Lúc làm việc, tôi chả thèm ngó khứa bằng nửa con mắt; khứa đó mà sòng phẳng, xe tông tôi chết liền…. Giọng hắn lúc trầm lúc bổng, mường tượng một nghệ sĩ cải lương đang lên câu vọng cổ dài thậm thượt. Nhưng như thế có khi lại hay, mụ nghe mà cười nghiêng ngã. Sau một hồi trò chuyện (chủ yếu là hắn nói!), mụ chợt hỏi, “Anh có vẻ để ý con Mỹ. Lúc nào ăn cơm cũng nhìn nó chầm chầm!”. Hắn hơi chột dạ, mụ này tinh mắt gớm. Hắn vội cười hì hì: “Người đẹp nghĩ sao mà nói vậy. Con bé ấy đáng tuổi con tôi đó. Tại thấy nó có tật ở chân, nên tội nghiệp thôi”. Hắn giải thích ư? Ngay bản thân hắn cũng không rõ. Có điều, tận cùng trong hắn, dường như đã nghĩ như vậy. Mụ có vẻ chẳng mong đợi lời này của hắn, chỉ thỏ thẻ: “ Con bé ấy tội nghiệp lắm. Nhà nghèo, lại bị tật. Đi xin việc làm khắp nơi, có chỗ nào mà thèm nhận. Nghe nói ba nó là thương binh gì đó, chắc bị dính chất độc hồi còn chiến tranh, mới sinh ra con như vậy”. Hắn nghe có chút kinh ngạc. Thường ngày mụ chửi con bé như chửi chó, mà bây giờ lại tỏ vẻ thương lắm. Chắc là vờ vịt gì đây. Hắn lén liếc mụ, chỉ thấy nét mặt đầy cảm xúc, ánh mắt dờn dợn nét buồn; quả thật không nhìn thấy chút giả dối nào. Lòng dạ con người khó đoán quá. Lòng dạ đàn bà lại càng mơ hồ. Hắn không bận tâm đến nguyên nhân con bé có tật, vì ở quê hắn, bị như thế khá nhiều. Báo chí cũng đăng tải tùm lum. Những cuộc đấu tranh dài đăng đẳng để đòi công lý ở xứ người có vẻ còn lâu lắm mới đến hồi kết thúc. Ôi trời, đây là chuyện của các vị “cấp cao cao”, mình hạng nào mà lo tới nhỉ? Hắn nhếch mép vì “mớ bòng bong” vừa rồi. Lại nghe mụ thở ra: “Có lần, tôi thấy nó đi lang thang ngoài đường, hỏi ra mới biết, mẹ nó bị bệnh nặng, cần tiền, cần việc làm. Nó năn nỉ mãi, tôi thấy cũng cần người nên cho nó vào giúp việc”. Hắn “à” một tiếng, trong lòng chẳng biết nên vui hay buồn; dường như một chút xót xa đang lặng lẽ đâm chồi. “Anh có biết vì sao chồng tôi chết không?” Mụ chợt hỏi một câu mà hắn không bao giờ ngờ tới. Trời, mụ này bày vẻ, sao lại hỏi mình câu vớ vẩn này. Hắn chẳng biết gì, chỉ nghe nói chồng mụ tự tử. Chọn kiểu “hi sinh” bằng cách lao vào xe lửa, nếu không có quyết tâm cao độ, đừng hòng làm được. Có lần, hắn nghe con mẹ bán xôi kể trong lúc vắng khách, chồng mụ tinh thần có vấn đề, nếu không muốn nói là bị điên. Còn nguyên nhân bên trong như thế nào, chả ai biết. Hắn thì “đèn nhà ai nấy sáng”, tìm hiểu chi cho mệt. Bất quá, hiện tại hắn nghe ra giọng mụ đầy tâm trạng, nên có chút tò mò. Mụ không đợi hắn trả lời, đã tiếp: “Chồng tôi tự tử chết. Nằm ngang đường ray”. Hắn buộc miệng: “Cái này thì tôi biết! Còn nghe nói ông xã cô bị…”. “Bị diên phải không?”. Mụ cười, nụ cười héo hắt: “Phải, anh ấy bị bệnh. Đàn ông, theo anh cái gì quý giá nhất?”. Hắn ngẩn người, mụ này lại chơi mình rồi. Thấy hắn chẳng phản ứng, mụ thở dài: “Đàn ông lúc nào cũng coi trọng chuyện sỉ diện. Nào là phải kiếm nhiều tiền; nào là phải được bạn bè này nọ. Còn nữa….chuyện đó cũng phải thể hiện phong độ nữa?”. “Chuyện đó”, ôi mẹ ơi, mụ chuẩn bị kể kinh nghiệm “phòng the” để khích thích mình. Hắn nhìn mụ, mái tóc hơi lòa xòa vì gió. Giọt nước vẫn còn đọng trên má, ánh mắt mơ hồ xa xăm. Bất giác hắn thấy cụt hứng vô cớ. Mụ hơi cuối đầu: “Chồng tôi không còn khả năng của một người đàn ông”. Vậy là bất lực rồi. Hắn lại “à” một tiếng, không lẽ chồng mụ vì chuyện này mà tự tử. Ừ, tuy rất mất mặt, nhưng làm gì đến nổi tìm cái chết. Mụ lại nói: “Phải, chuyện đó có gì to tát. Mua thuốc uống cũng trị được. Nhưng anh ấy làm như mất tất cả, suốt ngày lầm lầm lì lì, rồi uất ức mà tìm cái chết”. Hắn thấy vai mụ run lên, không biết vì lạnh hay vì lý do nào khác. Hắn chợt nghĩ, có khi do mụ quá “đòi hỏi”, hoặc thường nặng nhẹ khi chồng không làm mình thỏa ý. Ngoài đường hằng hà phụ nữ như thế. Cố khoác cho mình bộ mặt đức hạnh, nhưng với “chuyện ấy” lại vô cùng “tham lam”, không hề quan tâm đến cảm giác của bạn đời. Nhưng đàn ông thì đã tốt lành gì? Trông mụ có vẻ đang chìm đắm với quá khứ não lòng của mình, hắn muốn nói gì đó để an ủi hoặc chuyển sang đề tài khác. Đắn đo “lựa lời” mãi, khốn nổi thường ngày rất hay ho, nhưng khi đụng chuyện, một chữ cũng không “gặn” ra. Đang mày mò, hắn thấy mụ lại đưa mắt ngó ra xa, tia nhìn phảng phất nổi đau từ kiếp nào còn vương lại. Mụ nói, giọng bàng bạc hơi gió: “Có điều, người đầu tiên phát hiện anh ấy bất lực không phải là tôi”. “Là sao?” Hắn bật hỏi trong kinh ngạc. Chưa bao giờ hắn bỏ tâm trí để nghe mụ “trút bầu tâm sự”, hay nói đúng hơn, những ý nghĩ “đen tối” cứ đua nhau bừng dậy, khiến hắn không đủ tỉnh táo để “đánh giá vấn đề”. Nhưng lời vừa rồi của mụ tựa một cú “gõ”, gõ vào “cõi người” của hắn. Mụ cười khẽ, hắn thấy giọt nước thứ hai trên má mụ: “Anh ấy bao một con khác bên ngoài, không biết đã bao lâu rồi. Chuyện này chỉ chấm dứt khi anh ấy không còn khả năng của một thằng đàn ông. Hôm đó, nó đã chửi thẳng mặt anh ấy. Và trời xui đất khiến, tôi đã vô tình nghe được…”. Hắn nghe mà ngẩn mặt ra. Thì ra chồng mụ “yếu mà bắt chước người ta ra gió”, rốt cuộc rước cái nhục vào thân, đến nổi phải chọn cái chết để lẫn tránh. Và người bất hạnh có khi lại là mụ. Có tiếng mưa lắt rắt va trên tán lá rộng. Trời lại mưa. Các cặp khác đang lục đục đứng dậy. Họ chắc đang “rất giận ông trời”, chỉ biết cản trở. Còn hắn, lúc ra công viên mang theo quá nhiều hưng phấn, tựa hồ những giấc mơ sắp thành hiện thực. Để rồi bây giờ, trong lòng trống rỗng, mọi xung động dừng lại ở nổi khó chịu không rõ ràng. Mụ im lặng, hắn cũng im lặng nốt. Gữa họ dường như có một chút khoảng cách. Mưa lớn dần. Hắn thấy giọt nước trên má mụ từ từ lăn xuống. Mụ ngó hắn: “Mình về thôi”. Về ư? Ừ, chứ biết thế nào được. Mụ lặng lẽ đứng lên, dáng người đồ sộ thoáng chốc bổng trở nên mềm mại trong mắt hắn. Thế đấy, đằng sau mỗi người đều có những câu chuyện. Con bé có, mụ chủ quán có, và hắn, hắn cũng có. Số phân đôi khi quá nghiệt ngã, buộc con người phải đứng trước những thách thức tưởng chừng không một sức mạnh nào có thể giúp họ vượt qua, nhưng rồi họ vẫn đứng đấy. Con bé vẫn lê cái chân tàn tật quần quật kiếm tiền, mụ chủ vẫn lúng liếng ánh mắt mỗi khi có anh nào cười cợt; hay thậm chí là con mẹ bán xôi, vợ chồng bà bán vé số…Họ là ai trong chốn phồn hoa này nhỉ?! Hắn nhếch mép. Dường như đâu đó từ không gian vô tận vọng đến tai hắn một âm thanh quen thuộc. Tiếng thở dài.