1. Chỉ còn món cơm chiên nữa là hoàn tất bữa ăn chuẩn bị cho hai chú cháu Bà-la-môn Sonadanda và Anga Ka. Mặt trời ngả bóng nghiêng qua vườn Xoài, chiều dần qua, hai người đi đến chỗ đức Thế Tôn vẫn chưa về. Nàng Sophi lững thững bước ra vườn. Khu vườn rộng hàng mẫu đất, cỏ cây xum xê tốt tươi, lối đi trải đá dọc theo những hồ nước trong, hoa sen đủ màu. Tất cả được cha của Sophi lập ra dành cho hai tôn giả Bà-la-môn. Sophi nhìn xuống hồ sen nhìn nước lung linh phản chiếu gương mặt mình. Nàng biết mình đẹp. Về hai chú cháu Sonadanda và Anga Ka, hai người hoàn toàn xứng đáng hưởng được ân sủng chúng Bà-la-môn dâng lên. Xứ ấn Độ nhiều thành phần giai cấp phức tạp đâu phải ai cũng có được, huyết thông thanh tịnh bảy đời để giữ bản sắc nòi giống, nhan sắc tươi đẹp nói năng trang nhã, thông hiểu ba tập Vệ Đà cùng những chú, thuật, y học, giới hạnh, trí tuệ sáng suốt. Đó là năm đức tánh để trở thành tôn giả Bà-la-môn được chúng tôn kính. Vì vậy các tôn giả Bà-la-môn người nào cũng đẹp trai, nhất là chàng thanh niên Anga Ka khôi ngô tuấn tú có khuôn mặt sáng như vầng trăng, nước da trắng (một phần do ít ra ngoài nắng). Sophi lại nhìn bóng của mình trên mặt nước lung linh, bỗng dưng Sophi tự cảm thấy e thẹn về sự so sánh giữa mình với Anga Ka. Chắc là tình cảm, sự chăm sóc của Sophi dành cho Anga Ka các chúng biết. Cha của Sophi chắc cũng biết, sự giàu có của ông sẽ làm hết cho con. Khi Bà-la-môn không có hưởng đặc ân của chúng dành cho, thì đã có Sophi, khu vườn này là góc vườn địa đàng. Mặt trời từ chiếu xiên rồi ngả dài xuống đất hắt hiu vài tia nắng cuối cùng. Sương mù, rồi bóng đêm từ từ dâng lên. Sophi sốt ruột đi ra, đi vô cho đến khi Sonadanda cùng các chúng xuất hiện ở cổng. Sophi mừng rỡ chạy ra, nhiều người hợp thành một đoàn đi yết kiến đức Thế Tôn về nhưng Sophi chỉ hỏi Bà-la-môn Anga Ka. Nhưng Anga Ka đâu. Bà-la-môn Sonadanda và các chúng chẳng những không biết mà sắc mặt có vẻ trầm tư khác với lượt đi. Linh tính báo cho Sophi biết việc này liên quan đến việc các chúng đi gặp Sa-môn Gotama. Người đã dạy điều gì để mọi cái hàng ngày quen thuộc bỗng dưng đổi khác.2. Khi đức Thế Tôn còn tại thế ngài luôn có những cuộc tranh luận, đối thoại cùng với các môn phái khác. Đức Thế Tôn không tranh thắng, không dạy thẳng mà thường đưa ra các câu hỏi khơi gợi những gì người khác có. Một ngày, đức Thế Tôn cùng đoàn Tỳ Kheo du hành đến xứ Ương Già thành Cam Pà. Chưa ai được thấy đức Thế Tôn nhưng tiếng đồn theo gió loan truyền. Đây là bậc chánh đẳng, chánh giác, bậc vô thượng tri thức không cùng, lo liệu mọi thứ cho thế gian. Bậc tự thắng mình. Tự thân chứng ngộ. Các bậc sơ thiện, trung thiện, hậu thiện gặp đức Thế Tôn chứng ngộ theo. Đức Thế Tôn hoàn toàn xứng đáng để được mọi người trọng vọng. Nhưng khi Bà-la-môn Sonadanda và Anga Ka khởi xướng đi thăm ngài thì các chúng Bà-la-môn, hai trăm người, lại quỳ xuống ngăn cản.- Hai tôn giả không được đến đó, để chúng tôi đi.- Vì sao?- Vì hai tôn giả là bậc trưởng thượng đệ nhất, đệ nhị. Tôn giả Sonadanda lớn tuổi hơn Gotama… Bà-la-môn lớn mạnh, đi đến đó danh tiếng sẽ hao tổn, ngược lại danh tiếng Sa-môn Gotama lại tăng trưởng. Đây là đất của Bà-la-môn không thể để việc như vậy xảy ra. Giữa hai bậc tôn sư với nhau thì chẳng có gì, phía dưới chúng xảy ra lắm chuyện Bà-la-môn Sonadanda hỏi các chúng:- Một người trẻ mà thông minh sắc sảo chẳng lẽ để cho đám trẻ thôi, bọn già chúng ta không thể tới trò chuyện à? Chúng Bà-la-môn không đáp được nhưng vẫn không bằng lòng nên Sonadanda tiếp tục hỏi:- Có phải phụ mẫu của Sa-môn Gotama là bậc đế vương, huyết thống trong sạch thanh tịnh bảy đời như chúng ta không? Sa-môn Gotama xuất gia từ bỏ hết cung son điện ngọc, những thứ trên mặt đất có thể nhìn thấy, lại cả những gì nằm ngầm dưới mặt đất. Sa-môn Gotama còn trẻ, nói năng thông suốt làm đẹp lòng người. Ai giữ giới hạnh, có đầy đủ thiện đức bằng Sa-môn Gotama. Thử hỏi ta có thể diệt trừ được tham dục, diệt được mọi xao động tâm hồn như Gotama?...“Này các bạn, Sa-môn Gotama chủ trương về nghiệp, về hành động, rất là thiện chí khi đối diện với chúng Bà-la-môn của ta. Một người như thế chẳng đáng gặp gỡ lắm sao?”.Đến lượt chàng trai trẻ Bà-la-môn Anga Ka tiếp lời thầy, cũng là chú của mình. – Hiện nay Sa-môn Gotama đang ở trên đất ta, nghĩa là khách của ta. Đã là khách thì phải được kính trọng. Tại sao ta không đến thăm để tìm sự thân thiện, đến nghe những lời tao nhã, chân thực, thẳng thắn. Mấy ai được nghe điều chân thực, thẳng thắn.Hai trăm chúng nghe nói vậy thôi không cãi nữa, lặng lẽ nối đuôi phía sau Bà-la-môn Sonadanda và Anga Ka.Bên bờ hồ thành Cam Pà, đức Thế Tôn đang ngồi giữa các Tỳ Kheo, đại chúng ngài biết hết mọi chuyện.3. Càng đi gần tới, tâm trí Bà-la-môn càng khởi điều lo lắng. Dù sao là bậc tôn sư cũng phải biết giữ gìn uy tín. Đặt một câu hỏi thế nào đây. Nếu mà Sa-môn Gotama trả lời “Này, không thể hỏi như vậy”, hội chúng khi ấy nghĩ về ta như thế nào. Trong số hai trăm chúng thế nào cũng có người nghĩ, “Đệ nhất Bà-la-môn mà ngu si, bất tài, không thể đặt một câu hỏi cho chín chắn”. Danh tiếng ta sẽ bị giảm bớt. Mà danh tiếng giảm bớt thì hội chúng bớt cúng dường.Sau khi hai người chào hỏi giới thiệu tuổi tên giòng họ. Bà-la-môn Sonadanda chưa biết mở đầu buổi chuyện trò thế nào. Đức Thế Tôn lập tức tuỳ thuận mở lối bằng chính pháp truyền Bà-la-môn nằm ngay trong ba cuốn Vệ Đà.- Này Bà-la-môn, cần có bao nhiêu đức tánh để trở thành một Bà-la-môn chơn chánh?- Bà-la-môn Sonadanda nghe hỏi như học trò đi thi trúng tủ, lập tức Sonadanda ngồi thẳng lưng.- Tôn giả Gotama, trở thành Bà-la-môn chơn chánh để được cọng trú cùng Phạm Thiên cần phải có năm đức tánh.- Này Bà-la-môn, trong số năm ta có thể bỏ qua một, chỉ còn bốn mà vẫn là một Bà-la-môn chơn chánh chứ?- Tôn giả Gotama, có thể được, bỏ nhan sắc đi. Vì huyết thống trong sạch, thanh tịnh là đủ. Nhan sắc cũng không cần khi người ta đã thông hiểu Vệ Đà, đầy đủ giới hạnh.- Này Bà-la-môn, trong bốn đức tánh có thể bỏ ra một nữa?- Tôn giả Gotama, có thể được. Có thể bỏ chú thuật. Vì chú thuật làm được gì khi Bà-la-môn huyết thống thanh tịnh, thông hiểu Vệ Đà, có giới hạnh, trí tuệ.- Này Bà-la-môn, có thể bỏ nữa chỉ còn hai thôi?Bà-la-môn như bị Sa-môn Gotama dồn tới chỗ rốt ráo không trả lời được thì bị chúng chê cười. Mà trả lời lập tức phá vỡ hết những gì thuộc về Bà-la-môn. Nhưng chân lý không có giới hạn cho những ai khao khát theo đến kỳ cùng ngọn nguồn. Ngửa mặt lên trời kêu cứu Phạm Thiên, nhưng từ trên thinh không vọng xuống tiếng trả lời: “Chỉ có ngươi, ngươi cứu lấy ngươi thôi”.- Tôn giả Gotama. – Bà-la-môn Sonadanda ngập ngừng. – Huyết thống trong sạch năm đời mà chi khi không tinh thông Vệ Đà, không có giới hạnh, trí tuệ.- Lành thay tôn giả Sonadanda.Nghe đức Thế Tôn khen, chúng Bà-la-môn nhao nhao lên phản đối:- Này Sonadanda đừng nói vậy, khinh bác nhan sắc, khinh bác chú thuật còn được, đến khinh bác thọ sanh, huyết thống nữa thì còn gì Bà-la-môn. Như vậy là người ngả theo quan niệm Sa-môn Gotama rồi.- Vậy thì đến lượt ta – đức Thế Tôn chậm rãi lên tiếng – nếu như Bà-la-môn Sonadanda không phải là bậc đa văn, không phải là nhà bác học, đức độ cao dày để biện luận cùng ta. Thì để ta, ta sẽ biện luận cùng các người.Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Sonadanda vội vã đứng lên.- Sa-môn Gotama hãy im lặng. Để tôi sẽ trả lời với các chúng mà vẫn không xa chánh pháp Bà-la-môn.Lúc bấy giờ thanh niên Bà-la-môn Anga Ka đang ngồi trong hội chúng. Bất ngờ Sonadanda chỉ Anga Ka.- Này các bạn hiền giả, có thấy cháu tôi, thanh niên Bà-la-môn này không?- Tôn giả Sonadanda, điều đó có nghĩa gì?- Có phải Anga Ka đẹp trai, khôi ngô tuấn tú không? Có phải Anga Ka tinh thông Vệ Đà, lễ nghi, ngữ pháp, văn phạm, y học, chú thuật. Có phải Anga Ka huyết thống thanh tịnh đến bảy đời tổ phụ không vết nhơ nào không. Này các chúng, ta có khinh bác nhan sắc, huyết thống, chú thuật bao giờ. Nhưng bắt đầu từ sự trong sáng thiện sanh kia, Anga Ka lại đi nói láo, uống rượu, đi làm tiền, đi quyến rũ phụ nữ. Thay vì tất cả thiện sanh kia dâng lên cọng trú với Phạm Thiên. Có thể bỏ huyết thống, nhan sắc ra khỏi năm đức tính được không? Ta chỉ thí dụ như vậy. Chỉ là thí dụ... Các chúng có hiểu không?Chúng Bà-la-môn nghe nói quay đầu nhìn về Anga Ka khiến chàng thanh niên mắc cỡ nhìn xuống. Vì sao chú của mình mà nhè mình đem ra làm thí dụ, trong khi chú là đệ nhứt đứng đầu hội chúng, mình là người đệ nhị kế thừa. Chẳng lẽ vì sự chăm sóc có phần đặc biệt của Sophi dành cho Anga Ka? Bấy lâu nay chàng thanh niên bối rối không biết bằng cách nào để cho Sophi đừng tuyệt vọng.- Này các Bà-la-môn nghe tôi đây, với một Bà-la-môn có đức độ cao dày, giữ giới hạnh, trí tuệ. Có phải đó vẫn là một Bà-la-môn chơn chánh mà không cần ba điều kia.Bầu không khí lắng dịu. Đức Thế Tôn hoan hỉ tiếp tục:– Này Sodadanda. Còn lại hai đức tánh có thể bỏ một mà vẫn trở nên chơn chánh không?- Tôn giả Gotama, lần này thì không thể được.- Thật như vậy Sodadanda, không thể bỏ được. Chỗ nào có giới hạnh chỗ đó có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ đó có giới hạnh. Gốc là ở đây. Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh. Ngược lại, giới hạnh có trí tuệ trở nên “giới hạnh” hơn. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.Nhưng thế nào là giới hạnh, là trí tuệ? Đức Thế Tôn chưa kịp nói thì trời đã xế chiều, đã đến giờ cầu nguyện buổi tối, hội chúng cần phải trở về cho kịp. Chưa nghe nói hết đến rốt ráo, khi hội chúng đi được nửa đường, Bà-la-môn Anga Ka đi chậm dần lùi về phía sau và một mình. Khuất dạng lối mòn rẽ vô rừng.4. Suốt đêm Sophi không ngủ. Nàng nghiêng người lăn qua bên trái, bộ mặt khôi ngô tuấn tú của Bà-la-môn Anga Ka hiện lên. Nghiêng bên phải, vẫn gương mặt ấy. Ghét nhau mà sống chung một nhà, thương nhau mà phải xa nhau thuộc nhóm đệ nhất khổ. Sa-môn Gotama dạy như thế. Qua ngày hôm sau, Bà-la-môn vẫn chưa về. Bấy giờ một con chim bay ngang qua vườn, con sóc chạy qua gây tiếng động sột soạt, Sophi cũng tưởng đó là bước chân Anga Ka lập tức đưa mắt nhìn ra cửa. Ngày thứ hai hồn vía Sophi như bị ai bắt, bỏ ăn nằm dài. Các chúng Bà-la-môn hoảng hốt nhận ra Sophi ngã bệnh. Trong khi ấy, trong khu rừng ở ngôi đền hoang, Bà-la-môn Anga Ka cũng đang sầu héo rầu rĩ. Lũ khỉ chuyền trên cành ngơ ngác nghe kẻ lạ mặt xâm nhập vương quốc của mình than thở.Ta là Bà-la-môn có đủ năm đức tính, luôn hướng về Phạm Thiên cọng trú. Ta là đệ nhị được chúng tôn kính, cúng dường. Tại sao chú Sonananda lại đem ta ra giễu cợt. Đã đành đó là thí dụ, tại sao các con mắt chúng Bà-la-môn quay lại nhìn ta chầm chập. Hay là bấy lâu các chúng hiểu rõ ta mà ta lại không hiểu mình?Hoàn toàn bất ngờ, ngài Bà-la-môn Sonananda một người đa văn, quảng bác tinh thông cũng không lường được sức mạnh tinh thần. Nhưng ở ngoài thành Cam Pà, đức Thế Tôn lại thấy. Thế gian đầy dẫy sức mạnh từ sự hiểu lầm.Thanh niên Bà-la-môn vốn học qua y thuật, biết rõ đặc tính cây cỏ, các loại dược thảo để làm phép hoặc để chữa bệnh. Bất ngờ Anga Ka hái loại nấm màu đỏ, phát sáng bóp nát đắp lên khuôn mặt. Trưa ngày hôm sau, gương mặt Anga Ka biến đổi mọc ra những mục cóc u nần. Lúc này vô tình Bà-la-môn Anga Ka giống như những người chủ trương sống loã thể, người ngồi trên bàn chông, đứng một chân, nhịn đói, những người kỳ dị đầy rẫy ở ấn Độ. Hình thức ép xác để tập trung cho linh hồn thông với cõi Phạm Thiên. Anga Ka nghe lòng hân hoan, phấn khởi. Khi còn khuôn mặt cũ, sự hân hoan càng làm Anga Ka trở nên đẹp hơn, trẻ trung. Lần này ngược lại, nó làm cho Anga Ka già đi, xấu xí hơn, giống như nàng Đông Thi bắt chước Tây Thi nhăn mặt. Chia nhau lùng sục khắp nơi, vào rừng các chúng Bà-la-môn đã gặp Anga Ka trong trạng thái như vậy. Người có khuôn mặt như thế đứng đầu các chúng Bà-la-môn, đứng trước bàn thờ làm chủ tế lọng trọng được. Cũng may, tâm trí Anga Ka hướng về Phạm Thiên lúc này không mảy may băn khoăn một ngày về. Các chúng Bà-la-môn thoát khỏi bối rối. Họ trở về Sophi thương Anga Ka vô cùng nhưng Bà-la-môn đã có quyết định như vậy đành chịu. Dần dần Sophi hết bệnh nhưng tâm trí trĩu buồn thường dấu mặt mình sau tấm mạng chả khác gì một tín đồ đạo Hồi. Gia đình mấy lần toan dùng của hồi môn cưới chồng cho con gái, ngặt nỗi Sophi giờ đây nào thấy ai khôi ngô bằng Anga Ka?5. Ba năm sau đức Thế Tôn du hành trở lại thành Cam Pà. Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng ta đức Thế Tôn lập tức kêu Tỳ Kheo Anan lên.– Này Anan, ta còn nợ xứ này một việc.- Bạch Thế Tôn đó là việc của Bà-la-môn.– Tỳ Kheo Anan sợ đức Thế Tôn mệt vì còn phải thuyết giảng nhiều, nên lên tiếng can.– Này Anan, khi gặp một người té giếng, kẻ đứng trên bờ có nên hỏi anh từ đâu đến, anh con cái nhà ai không. Thêm nữa, Anan, một thường dân có chuyện tìm đến nhà vua và nhà vua tìm đến dân vì điều đó, việc nào khiến rường mối bền vững hơn? Chưa kể, ngày ấy chúng Bà-la-môn đã tìm tới ta, nay cũng là lúc đã tới nhân duyên ta phải trả lễ.Đức Thế Tôn một mình đi đến chỗ Anga Ka. Trước khi vào rừng Ngài nhờ một thợ săn thổi cho một hồi tù và. Anga Ka nghe tiếng tù và, chạy ra.- Này Anga Ka, ta đến thăm ngươi đây. Mấy năm giới hạnh ngươi gặp được Phạm Thiên chưa, nói thật cho ta nghe?- Tôn giả Gotama, chưa gặp.- Như vậy các vị Bà-la-môn, huyết thống bảy đời thanh tịnh, tinh thông Vệ Đà khác đã gặp được chưa?- Tôn giả Gotama, theo tôi, họ vẫn chưa gặp, nhưng đều dạy đây là chánh đạo, thực hành theo sẽ gặp Phạm Thiên.- Anga Ka này, hãy thành thật. Ngươi nghĩ thế nào, chưa gặp Phạm Thiên mà đưa ra lời dạy có hợp lý chăng?Bà-la-môn Anga Ka trả lời “không”. Đức Thế Tôn nhìn Anga Ka gương mắt thoáng rung động, biểu lộ tâm thức bắt đầu tò mò.- Tôn giả Gotama, vậy có biết Phạm Thiên chăng.- Này Anga Ka, biết, lòng hâm mộ có thể nối dây liên lạc từ nơi xa; cảm, biết khác với gặp, nghe Anga Ka, mà ta đang hỏi ngươi?- Tôn giả Gotama, vậy tôi được phép nói, Phạm Thiên là người tự tại, không có dục ái, không sân si tâm, không nhiễm tâm.- Hoá ra ai cũng biết Phạm Thiên đó, Anga Ka. Tỉ như tiếng tù và, thổi lên ai cũng nghe. Anga Ka nghe, nhiều người khác cũng nghe. Đâu phân biệt kẻ giàu, người nghèo, người có nhan sắc, người xấu xí tật nguyền.Biết đức Thế Tôn nói gì, Bà-la-môn lúc ấy mặt mũi đỏ bừng, đấy là lần chứng ngộ đầu tiên của Anga Ka. Đức Thế Tôn lặng lẽ quan sát những gì đang diễn ra trong tâm thức người Bà-la-môn trẻ tuổi này.- Tôn giả Gotama, ngài nói không có đường dẫn đến cọng trú Phạm Thiên?- Anga Ka này, nói không có đường nhưng lại là có đường đấy. Ta không dạy gì cao xa cho người hành trì đâu. Tới lúc Anga Ka hãy trả lời câu hỏi của ta: Với một người ung dung tự tại, tâm định tĩnh, không phiền não dục ái, sầu hận. Có phải người ấy khởi đầu từ việc biết như thật “Đây là khổ”, biết như thật rốt ráo “Đây là nguyên nhân”. Biết như thật “Đây là sự diệt khổ”, nhận ra sự thật “Đây là con đường diệt khổ”.- Tôn giả Gotama, rồi sau đó?…- Đừng nôn nóng Anga Ka, hãy như đứa trẻ tập bò, đứng dậy tập đi, bước tới đâu người hiểu tới đó. Ta nói trước thì đó là kinh nghiệm của ta đâu phải của người. Nhưng ta có một thí dụ cuối cùng: Một thanh niên đi hỏi vợ, bao nhiêu cô gái không chọn lại chấm một cô gái xấu xí. Chẳng những hai vợ chồng đầm ấm hạnh phúc mà bà con, họ hàng bên chồng trước đó sống không hoà thuận, nay trở lại hoà thuận người ta quên mất xấu xí của cô, ngưỡng mộ cô như kẻ có nhan sắc. Chắc chắn người biết điều này, nhưng vì sao vậy Anga Ka. Cũng như đối với ngươi, chừng nào ngươi lôi cuốn được mọi người, biến đổi được hoàn cảnh chung quanh như cô gái kia. Tìm sự tối thắng, thâm dịu tưởng ở đâu xa, kết quả quá trình tu tập nào ngờ đơn giản vậy đó Anga Ka.Đức Thế Tôn nói xong, Bà-la-môn chấp tay xá: “Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama. Lời của tôn giả như ngọn đèn rọi vào bóng tối để cho những ai lạc đường quay về, mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử.Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Sau đó đức Thế Tôn mới thong thả nói:- Này con, muốn cắt đứt nghiệp bên ngoài không phải lúc nào cũng cắt được. Mọi thứ nghiệp bên ngoài cần phải được sắp xếp ổn thoả, lúc đó con tu mới không bị quấy rối.Bà-la-môn nghe mà không hiểu, giây lát chợt quỳ xuống đảnh lễ:- Bạch Thế Tôn, bấy lâu con bối rối định để mọi chuyện chìm trong lãng quên. Sự thật thì chú Sonadanda của con đã già. Rồi hội chúng, nhất là nàng Sophi đang sầu héo… Cũng tới lúc con phải trở về rồi. Chỉ xin đức Thế Tôn nhận cho con điều này, rồi đây khi gặp lại nếu con ở trong hội chúng đang ngồi xe thì hạ cán roi ấy là đã xuống xe, nếu ngồi trong xe con vẫy tay ấy là đã vái chào. Vì nhị Bà-la-môn mà đi tôn kính kẻ khác lập tức người sẽ phỉ báng con. Mà sự cúng dường lại tuỳ thuộc vào danh tiếng…”.Đức Thế Tôn mỉm cười, hoan hỷ chấp nhận lời giao ước.°Lời cuốiTrong cuộc đời của đức Phật đây cũng là trường hợp đặc biệt. ở trong hội chúng, gặp Phật, Bà-la-môn Anga Ka không đứng dậy đảnh lễ. Nhưng về sau, hội chúng Bà-la-môn do đệ nhất Anga Ka lãnh đạo, lại trở thành môn phái của đạo Phật. Và phái này không còn xem nhan sắc là một trong những tiêu chuẩn nữa, nhưng một khuôn mặt đức độ, thánh thiện, hướng người người nghĩ tới điều lành, trong sáng, xa rời dục ái vẫn là tiêu chuẩn của một tôn giả Bà-la-môn chân chính.Ngô Khắc Tài - Hội Nhà văn Việt Nam