Cứ đến dịp hè, tôi lại tranh thủ đưa các cháu về quê thăm gia đình. Mùa hè miền Trung nóng bức lại còn gió Lào làm cỏ cây khô héo, con người thì mỏi mệt. Đêm đêm, bố tôi lại đem chiếc chõng tre ra sân để mấy ông cháu hóng mát. Chiếc chõng tre không biết có từ lúc nào? Và đây là chiếc chõng tre thứ mấy trong đời mà bố đã làm? Tôi không biết và bố cũng chẳng nhớ. Tôi chỉ biết rằng, tuổi thơ của anh chị em tôi đều gắn với những trò chơi dân gian và vui đùa bên chiếc chõng tre của bố.Cu Tý - đứa con trai đầu lòng 6 tuổi của tôi có vẻ thích thú với chiếc chõng tre của ông nội. Đêm nào cũng vậy, để có được giây phút thư giãn thoải mái sau những ngày hè nóng nực, bố tôi lại đem chiếc “giường đơn di động” ra sân hít thở không khí dịu mát của đồng quê. Giờ đây thôn quê đã có điện, có quạt máy rồi nhưng bố vẫn giữ thói quen ngày trước. Đã mấy lần cu Tý hỏi ông: Ông ơi! Tại sao ở Sài Gòn không có sao mà ở quê nhiều sao vậy? Rồi nó thốt lên: Ôi! Có ông sao đang chạy ở trên trời kìa! Cứ vậy, cháu hỏi, ông đáp. Cả hai ông cháu đều vui. Tý cứ thắc mắc với tôi tại sao nhà mình không có chõng tre như ở quê vậy ba? Cu cậu còn xin ông cho cháu chiếc chõng tre mang về Sài Gòn để nằm. Ông bảo: Nếu mang đi được thì ông cho luôn mấy chiếc.Nhà tôi có 4 chị em. Đứa trước hơn đứa sau hai tuổi. Ngày đó, cuộc sống thôn quê vốn khó khăn nên bố thường tận dụng những thứ có trong vườn để làm ra các dụng cụ phục vụ cho nhu cầu trong nhà. Khi thì chiếc chuồng nuôi thỏ, chiếc bu nhốt gà hay cái rổ, rá bằng tre... Để làm được chiếc chõng tre như ý, bố chọn những cây tre già nhất trong vườn. Phần gốc tre thì bố dành làm chân, mã và thang chõng, phần giữa thì chẻ ra, dùng mác (giống như con dao nhọn nhưng rất dài và sắc hơn dao nhọn) vót nhẵn, sau đó lấy dây mây bện lại làm giát chõng để nằm cho êm lưng. Mẹ bảo: Hồi chưa cưới nhau, bố con đã đục đẽo làm chõng tre hóng mát. Bố mẹ cưới nhau rồi, bố vẫn giữ nguyên thói quen này. Chị em tôi đều lớn lên và đều được trải qua giai đoạn nằm chõng tre như vậy. Bố thường bảo với chúng tôi: Nằm chõng tre tốt hơn nằm võng vì lưng không bị gù. “Triết lý” đó của bố tuy đúng nhưng có lẽ một phần vì không có tiền mua võng nên các con phải nằm chõng tre! Đêm hè, mấy chị em nằm trên chõng tre vừa hóng mát, vừa đếm sao và tranh luận về… vũ trụ bao la.Ngày đó, nhà nghèo miếng ăn còn chưa đủ nên cũng chẳng có tiền mua giường nằm, chiếc chõng tre là nơi ru chị em tôi vào giấc ngủ khi đêm về. Chiếc chõng tre cũng là nơi mấy chị em chúng tôi đã vịn tay vào để tập những bước đi chập chững đầu tiên của cuộc đời. Lớn lên một chút, bố đã phải đục đẽo để làm thêm một chiếc nữa vì chị em tôi tranh nhau nằm. Cũng như những đứa trẻ khác, một buổi đến trường, một buổi chúng tôi phải ra đồng. Đứa bé thì đi chăn trâu, đứa lớn thì đi cắt cỏ, phụ bố mẹ làm ruộng hoặc dọn dẹp nhà cửa. Những lúc rảnh rỗi, chị em tôi lại nằm chõng đọc sách. Trong mấy chị em tôi, đứa nào học tốt, bố dành riêng cho một chiếc chõng tre để học bài. Chỉ có vậy thôi mà chị em tôi đã đua nhau học để được bố “ưu ái” cho chiếc chõng tre.Lớn lên, tôi đi bộ đội và lập nghiệp ở miền Nam, chị và em tôi người ở Bắc, kẻ ở Trung. Lâu lâu chị em tôi mới có dịp hội ngộ vào dịp hè hay ngày tết. Cuộc sống nơi đô thị vốn tấp nập và nhiều việc phải nghĩ, phải làm khiến cho hình ảnh chiếc chõng tre đã nhòa dần trong tâm trí của tôi. Câu chuyện của hai ông cháu đã làm khơi dậy trong tôi biết bao kỷ niệm tuổi thơ về chiếc chõng tre ngày nào.Bố nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi! Chiếc chõng tre bây giờ vừa để bố ngồi hóng mát, đồng thời nó cũng là nơi bày biện bàn cờ, ấm nước chè xanh mỗi khi có bạn tâm giao. Ngày hè, ngày tết, bố lại ngồi trên chiếc chõng tre đón chờ con cháu. Nếu cho tôi một điều ước, tôi chỉ ước rằng: Thời gian quay trở lại để gia đình tôi luôn được quây quần bên nhau, để chị em tôi lại tranh nhau nằm trên chiếc chõng tre của bố.Nguyễn Quế Diệu