Tập Truyện ngắn
Thơ núi Tà Lơn

Ðêm đó, đã quá mười một giờ. Khách du ngoạn trên cầu chữ Y đã thưa thớt. Quá nực nội không ngủ được, tôi đi rong đi rểu trên cầu chờ mong một làn gió mát. Cảnh vật hầu như im lặng, chiếc xích lô máy vượt qua rồi mất hút. Tôi thơ thẩn ngắm ánh đèn điện nơi xa rồi cúi đầu theo dõi đường nước đen ngòm phía dưới.
Một chiếc tàu hiện ra đằng kia, loại tàu kéo ghe. Tàu chạy chầm chậm vì nước đổ ngược. Tàu chạy dưới gầm là chuyện thường nên tôi không muốn để ý. Vì vậy tôi hơi ngạc nhiên khi thấy người khách bên cạnh cứ nhìn mãi chiếc tàu. Tàu đã khuất dạng, khách lặng lẽ thở dài.
Tôi tò mò nói để gỡi chuyện:
- Tàu dòng ghe gì vậy bác?
- Ghe chở than. Bảo đảm than Cà Mau. Hồi nãy tôi thấy rõ ràng than gốc lớn bằng cây cột nhà.
Sực nhớ lại, ở Sài Gòn cột nhà bằng cây không có thứ nào to bằng gốc cây đước Cà Mau như khách đã nói, tôi mỉm cười:
- Sài Gòn có hai thứ cột. Cột gạch thì mỗi bề ba tấc. Cột cây dầu thì chừng một tấc vuôgn. Ðằng nầy gốc than có khác.
Khách nhìn tôi với đôi mắt sáng rực:
- Ông anh nói đúng. Gốc đước hầm than lớn bằng cây cột nhà miệt dưới.
Tôi hỏi:
- Miệt nào?
Khách ra vẻ bực bội:
- Thì miệt Cà Mau, tôi nói nãy giờ. Xin lỗi ông anh có biết miệt đó không?
Tôi trả lời rằng biết. Khách chưa tin nên gạn hỏi:
- Cũng là ở Cà Mau nhưng làng của ông anh cách làng tôi hai ngày đường. Ðể tôi hỏi câu này: Tam Giang ở đâu?
- Dạ Tam Giang ở chỗ sông cửa Lớn đổ ra cửa Bồ Ðề. Từ Tam Giang tới mũi Cà Mau chừng ba mươi cây số.
Khách vỗ vai tôi, mời hút thuốt rồi hỏi tiếp:
- Tại sao kêu là xóm Năm Căn?
- Tôi nghe nói hồi xưa, nơi đó có năm miệng đáy. Sông sâu, nhiều sấu người ta không đóng cột xuống sông. Cứ neo sáu chiếc ghe cách khoảng đồng đều nhau. Giữa hai chiếc ghe, họ giăng miệng đáy. Căn có nghĩa là gian, là miệng...
Ông Tư đến Sài Gòn độ hai mươi năm rồi. Ðiều ân hận nhất của ông là không được dịp trở về quê cũ.
- Cha mẹ tôi mất hết rồi, còn người anh hiện giờ trên năm mươi tuổi đã có cháu nội ở Tam Giang. Anh tôi là người lang bạt kỳ hồ. Năm đó anh bỏ nhà trốn nợ tận núi Tà Lơn bên Cao Miên. Không hiểu ảnh làm gì ở bển, không hiểu ảnh tới núi không. Năm sau, ảnh trở về với cái quần xà lỏn dính da. Hỏi công chuyện làm ăn, ảnh cười. Lúc uống rượu, ảnh đọc thuộc lòng vè gọi làvè Tà Lơn.
Ông Tư nhướng mắt như hỏi tôi biết bài vè đó chưa. Tôi trả lời chưa biết. Ông đọc cho tôi nghe một hơi.
Tà Lơn xứ rày tạm con ở.
Làm lưới chài ngày tháng náu nương.
Gởi thơ về cho cha mẹ tỏ tường.
Cùng huynh đệ đặng cho hãn ý.
Kể từ thưở bôn trình vạn lý.
Ðến bây giờ hơn bảy tháng dư.
Nghiêng mình nằm nhóo tới mẫu từ.
Ngồi chờ dậy ruột tằm quặn thắt.
Nhớ huynh đệ lụy tuôn nước mắt.
Cam phận em ruột thắt từng hổi.
Vận bất tề nên phải nổi trôi.
Thời bất đạt nên con xa xứ.
Tôi hỏi:
- Bài về ai đặt ra. Cảm động quá. Ai lại không từng sống trong cảnh cô độc, xa nhà vì sinh kế.
Ông tư đáp:
- Của tác giả vô danh, phần đầu tả tình, phần sau tả cảnh tiếp theo như vầy:
Xứ lạ lùng con có một mình.
Cơn nguy hiểm lấy ai phò trợ.
Bởi thiếu thốn bao nhiêu đồng nợ,
Nay thân con phải chịu hoành hành.
.............
Việc ăn ở nhiều nỗi đắng cay,
Vái trời phật xin về quê cũ.
Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú,
Dế ngâms ầu nhiều nỗi đa đoan.
Ngó dưới sông con cá mập lội dư ngàn,
Nhìn trên suối sấu nằm như trăm khúc.
Tôi cật vấn ông:
- Nhớ hơi quá. Không lẽ núi Tà Lơn âm u nguy hiểm như vậy.
Ông Tư cười:
- Có tích mới đặt tuồng. Còn nữa...
Nay con tới nguồn cay nước đục,
Loại thú cầm trông thấy chỉnh ghê,
Giống chằng tinh lai vãng dựa xó hè.
Con gấu ngựa tới lui gần xó vách.
Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc,
Lũ heo rừng chạy giỡn bát loạn thiên.
Trên chót núi, nai đi nối gót,
Cặp giả nhân kêu tiếng rảnh vang.
Ngó sau lưng, con kỳ lân mặt đỏ như vàng,
Nhìn phía trước, ông voi đen huyền như hổ.
Hướng đông bắc, con công như tố hộ.
Cõi tây nam, gà rừng gáy ó o...
Bài vè Tà Lơn, ông Tư đọc còn dài lắm. Ðoạn sau tả các loài ong độc, loài rắn, loài kiến hùm. Tóm lại, toàn là loài thú dữ ở trong sở thú Sài Gòn. Chấm dứt bài còn mấy chữcẩn ký nay thì. Ông Tư Khuyên tôi nên chép bài đó để học thuộc nằm lòng, xem như lá bùa hộ mạng. Ông còn khoe nhờ ông mà bài vè này được phổ biến khá sâu rộng trong xóm nhỏ.
Ông nói:
- Khi quá vui thì mình đọc nó để cho tâm hồn bình tĩnh trở lại! Nhớ tới công lao cực nhọc của ông bà khi xưa. Khi nào túng tiền, mình nhớ xứ Cà Mau, bài vè này sẽ gợi chút ấm áp. Cũng như trời lập đông, mua chút rượu để mà uống.

*

Hai ba năm sau.
Từ ngày dời nhà lên vùng Phú Nhuận, tôi không còn hoàn cảnh thuận tiện để thăm viếng ông Tư, hoặc lên cầu chữ Y hóng mát nữa.
Thỉnh thoảng gặp dịp đi qua, ghé hỏi thăm thì ông không có ở nhà. Mãi đến buổi chiều nọ, trời chuyển mưa to, tôi chạy ghé vào nhà ông. Bà vợ ông nói:
- Ôi thôi! Hơi đâu mà hỏi tới ổng. Só là người anh ruột của ổng chết từ hai tháng nay. Ổng buồn, ổng uống rượu, tối ngày không nói không rằng. Hồi nào hễ rảnh là ổng đi đằng xóm dạy thiên hạ học bài vè thơ Tà Lơn. Ai không học thì ổng giận. Bây giờ ổng thủ khẩu như bình. Ai nhắc lại thơ Tà Lơn, ổng day mặt chỗ khác. Chú em nghĩ coi! Anh của ổng, năm nay già sáu mươi tuổi. Ðời người hưởng được bao nhiêu năm như vậy nghĩ cũng là thọ. Tội tình gì mà quá than khóc! Hôm trước, ổng biểu tôi vay nợ để ổng về Cà Mau. Chừng chạy đôn chạy đáo mượn được tiền, ổng không thèm về. Khó hiểu quá.
Tôi hỏi:
- Ổng đâu rồi, tôi muốn gặp để thăm. Hèn lâu không gặp.
Bà đáp lại:
- Chú em cứ lên cầu Chữ Y, chạng vạng là có mặt ổng ở trển tới khuya. Ổng dòm trời, dòm đất. Mấy ngày đầu, tôi sợ ổng buồn rầu mà tự tử...
Ðường lên cầu Chữ Y chiều hôm đó cũng rộn rịp ngựa xe như năm nào, đèn điện sáng rực lên, từng đoàn người đứng cười cười nói nói dựa theo lan can. Tôi đi suốt đầu này qua đầu kia, tìm ông Tư. Ông đứng đó, kìa. Mái tóc bạc phếu, khác hẳng ngày nào. Mắt ổng nheo nheo nhìn về phía chợ Sài Gòn, môi ổng mấp máy.
Nói với ai? Nói chuyện gì hở ông lão? Tôi muốn hỏi lớn như vậy. Phải chăng là đoạn thơ Tà Lơn“Nhớ huynh đệ lụy tuôn nước mắt, cảm phận em ruột thắt từng hồi, vận bất tề nên phải nổi trôi?”hay là đoạn“Cõi tây nam gà rừng gáy ó o, hướng đông bắc, con công kêu tố hộ?”
Nhưng mà thôi. Tôi đành đứng lại, không dám khuấy sự yên lặng của ông. Nhìn chung quanh rõ ràng cầu Chữ Y này cao quá, cao bằng cái nhà lầu hai tần. Gió trên cầu giống như gió núi Tà Lơn, đem lại cho người đời đôi phút tiêu diêu thoát tục? Tại sao lòng ông Tư lại chứa chất nhiều bí ẩn như thế? Bài thơ núi Tà Lơn do một nông dân vùng Cà Mau soạn ra tại sao lại đủ khả năng quyến rũ, trở thành một món nợ đối với ông lão ở kinh thành ánh sáng này như ông là một?
Có lẽ nhờ mang nặng khối nợ đó nên ông không nhào đầu xuống sông khi ý nghĩ tự tử len lỏi vào tim óc. Ðêm đó, mãi đến mười giờ khuya mà ông còn đứng tren cầu cúi xuống dòng sông đen thui, lốm đốm những bọt nước trắng.

Xem Tiếp: ----