Ông hội đồng Tần khi trở về già sống quanh quẩn trong gian phòng thiếu cửa sổ, suốt ngày sờ mó mấy cái tô, cái chén đời Khang Hy, Càn Long. Và mỗi đêm, trước khi ngủ, ông mở tủ sắt, đem ra chiếc hộp nhỏ cẩn xả cừ.
Sau khi đóng kín cửa phòng, ông từ từ mở nắp hộp, kiểm soát một lần chót mấy viên ngọc xanh, ngọc vàng, ngọc tím. Ông nâng một viên ngọc trắng tuyệt, tròn như chiếc nhẫn, để gần dod6i mắt tèm hem. Trong kho tàn của ông chỉ món ấy là quý nhứt.
Tục truyền đó là viên ngọc phòng thân của tướng Tôn Thất Hiệp - vị quan võ đàng cựu, thuộc hoàng tộc - được lệnh vua Tự Ðức kéo binh từ Bình Thuận tới đánh chiếm đồn Khải Tường - Ngoại ô Sài Gòn – Ðã lọt vào tay thực dân Pháp.
Trong một trận xung phong mãnh liệt, tướng Tôn Thất Hiệp tử thương. Nhiều người tỏ vẻ bi quan, cho rằng viên ngọc ấy chẳng có giá trị, thay vì hộ vệ chủ, nó trở thành sát chủ.
Tuy nhiên nhờ viên ngọc phòng thân ấy mặt của ông Tôn Thất Hiệp vẫn tươi rói, xác ông cứ điềm nhiên như người đang ngủ mê. Mãi đến bốn ngày sau, quân sĩ liệu chừng vị tướng soái khó bề hồi sinh nên đành tẩn liệm di hài, chở về Huế để mai táng. Một gia đình quí tộc ở An Nhơn đã thừa chơ hội lén trộm viên ngọc ấy.
Rồi kẻ trộm đã khoét vách vào phủ thờ của kiến họ nói trên. Dịp may. Ông hội đồng Tần mua lại với giá cao, tương đương với một trăm giạ lúa vào khoảng năm 1940.
Bàn tay ông hội đồng đặt nhẹ viên ngọc quý ấy lên miếng gấm lót đáy hộp. Ông gật đầu, mỉm cười một mình với hy vọng xa xôi. Vài năm nữa, trước khi mãn phần, ông sẽ nuốt viên ngọc vào bụng (nếu đeo trước ngực thì biết đâu có kẻ sẽ đánh cắp). Xác của ông nhờ vậy mà bền vững với thiên thu...
Ngoài cửa có tiếng động.
Ông hội đồng giựt mình, nghĩ đến trường hợp bọn gian phi xông vào nhà, cướp giựt mấy món cổ ngoạn.
Ông hỏi:
- Ai làm gì vậy?
Người lão bộc nói khàn khàn:
- Thưa ông, khách tới.
Giọng của lão bỗc vẫn tự nhiên. Nhưng ông hội đồng nghiêm mặt, chưa vội tin.
Như đoán được ý của chủ, người lão bộc lại lên tiếng:
- Thưa ông, ông chủ Hai ở Hà Tiên mới tới.
Ông Hội đồng vững bụng, bước lại mở cửa thật nhanh. Ông chủ Hai vốn là người bạn cố tri của ông. Từ Hà Tiên, ông bạn già chịu khó tới đây, ắt có chuyện quan trọng, lý thú.
- Ông anh ở Hà Tiên mới tới hà? Chờ tôi một chút.
Giọng ông chủ Hai trả lời:
- Tôi đây mà! Xe đò hư máy, bể vỏ nên tới trễ. Tôi lật đật lại đây...
Ông hội đồng vặn cái hột xoài ngay ở khoá rồi bước ra:
- Mời ông anh lại xa lông uống nước trà, chờ bầy trẻ lo cơm nước.
Chủ Hai lẩm bẩm nhìn xéo về phía người lão bộc:
- Ồ! Ðể ông già này xuống bếp lo cơm nước. Tôi hơi mệt muốn nằm trong phòng cho ấm cúng hơn. Vả lại, công việc này hơi dài dòng...
Cửa phòng khoá chặt trở lại như trước. Ông hội đồng đề phòng“tai vách, mạch rừng.” Ðôi bạn già nheo mắt:
- Chuyện gì dài dòng, quan trọng dữ vậy? Uống tách nước trà này rồi ông anh nói cho tôi nghe gấp. Chuyện ở Hà Tiên hả?
Ông chủ Hai cười khẽ:
- Tôi đố ông anh đoán ra. Bạn già với nhau, giống nhau ở điểm đó...
- Ðiểm gì? Nói mờ ớ hoài. Thôi, tôi chịu thua. Chắc là tôi chén đời Khang Hy.
- Trật rồi. Món đồ quý giá vô ngần, đông tây kim cổ...
- Chắc là ông đã gặp một viên ngọc quý giá?
Ông chủ Hai gật đầu lia lịa:
- Ông anh đoán tài tình lắm. Người ta vừa điềm chỉ cho tôi một viên ngọc trường sinh kỳ kiệu. Ông anh chẳng bao giờ nghĩ tới công dụng lạ lùng của nó. Công dụng rõ rệt, thiết thực không phải mơ hồ như mấy loại ngọc kỵ phong, kỵ thuốc độc hoặc bắn không lủng da thịt.
Bàn tay ông hội đồng Tần mải mân mê điếu thuốc Gò Vấp vấn chưa xong. Vừa rồi, ông chủ Hai cố ý hài hước, nhắc đến viên ngọc phòng thân của tướng Tôn Thất Hiệp. Ðể chứng tỏ sự hiểu biết khá rộng rãi của mình, ông hội đồng Tần cố vận dụng trí nhớ, nói thao thao bất thuyêt về con đường gay go mà mấy nhà chơi đồ xưa đã trải qua. Ngọc quý ở Việt Nam gồm nhiều loại...
Nào là ngọc như ý, loại đá cẩm thạch màu xanh, chạm nổi hình con giao long, hình dáng ngọc như ý giống như cây cù ngoéo để các vị vua chúa dùng gãi ngứa sau lưng.
Nào là ngọc lam quỳnh, tròn cỡ ngón tay cái, trong ruột khét bộng, chứa thuốc độc. Thời xưa, các vị đại thần hoặc sứ giả thường đeo nó ở ngực, phòng khi cần hy sinh, giữ tiết tháo. Gặp trường hợp khẩn cấp, các ngài đem viên ấy ra, mở nút mà uống để quyên sinh thung dung trực nghĩa.
Sau rốt, ông hội đồng Tần lắc đầu:
- Thôi, tôi chịu thua ông anh. Viên ngọc quý mà ông anh nói tới thuộc vào loại gì? Tôi suy nghĩ không ra. Ai có loại ngọc đó? Liệu chừng họ bán cho tôi không?
Ông chủ Hai bắt đầu trình bày:
- Gần đây mấy ông Tây tới núi Ba Thê để bòn vàng tại gò Óc Eo, đền vua hồi xưa, cách đây mấy ngàn năm.
- Tôi biết tin tức đó rồi. Sao nữa?
- Ở núi Ba Thê, người ta tìm trong ngôi mộ xưa, gặp viên ngọc trường sinh.
Ông hội đồng Tần hơi thắc mắc:
- Ai dám bảo đ3m giá trị của viên ngọc đó. Nếu trường sinh thì tại sao chủ nhân lại chết trong ngôi mộ cổ đó?
- Xin ông hội đồng bớt nóng nảy. Ở xóm Lê Trì, có người Miên đi núi Ba Thê để bón vàng. Năm sáu ngày liên tiếp, anh ta chẳng gặp móng gì ráo. Ðến chừng nghe đồn rằng thiên hạ đã gặp một ngội mộ xưa, anh ta đến quá trễ, chỉ còn lượm được viên ngọc màu trắng, lọt trong lòng ngực của người chết. Chắc chắn xưa kia viên ngọc được chủ nhân đeo trước ngực, đến chừng thịt nát thì nó lọt vào trong.
Cúi cùng, anh nọ lượm viên ngọc, đem về xóm Lê Trì, bỏ lăn lóc trong cái chén trên bàn thờ.
- Rồi làm sao ông anh gặp? Nó trường sinh ở điểm nào?
- Một người hương ấp ở Lê trì lên Hà Tiên làm công tại lò vôi của ông Bang Sầm đếnmách bảo riêng cho tôi hay. Lập tức, tôi đến nơi xem tận mắt.
Nó tròn cỡ ngón tay cái, khuyết một bên nhưng điêù ấy không quan hệ. Thấy viên ngọc nó có tì vết, móp méo, tôi xin phép chủ nhà đi rửa ráy cho sạch.
Trời ơi! Nó cứng hơn đá. Tôi mài thử vào nắp lu. Nắp lu bị hao mòn. Tôi rưới nước vào, hy vọng rằng làm viên ngọc sẽ mềm “ăn” vào chất nhám. Nhưng tôi thất vọng, đem trả cho chủ. Chập sau, tôi nằm ngủ dưỡng sức, chờ chuyến xe lôi để về Hà Tiên. Ngủ xong, tôi thúc dậy.
Ông hội đồng tần chẳng còn bình tĩnh được nữa.
- Chuyện ngủ, chuyện thức của ông sao mà dài dòng vậy? Thế gian này ai ngủ mà không thức, trừ người chết.
Ông chủ Hai cười dòn:
- Cái việc thức giậc của tôi thật là mầu nhiệm, phi phàm, đáng giá ngàn vàng. Sau khi thức, tôi đi rửa mặt. Tôi đứng bên cạnh lu nước, cầm cái gáo dừa. Bỗng nhiên, hai chân tôi ngứa ngáy khó chịu. Tôi dòm xuống, thấy một bầy kiến lửa; nó bụ vàng lườm ngay chỗi tôi mài thử viên ngọc lúc nãy, nó sắp hàng bò tới bò lui, từ nắp lu tới ngoài vườn. Kiến lửa ơi là kiến lửa. Tôi sanh nghe, trở về nhà mượn viên ngọc của gia chủ để trong chén rồi rót nước mưa vào. Rõ ràng hạt ngọc méo mó nọ có chất ngọt, uống vào thì mát mẻ, bổ khỏe như nước dừa xiêm Bến Tre.
- À! May quá...
Sau bữa cơm thịt gà xé phay, ông chủ Hai và hội đồng tần nằm kề nhau, rù rì như dod6i tri kỷ quá tương đắc. Lát sau, chủ Hai ngủ khò. Nhưng ông hội đồng Tần khó dỗ giấc ngủ. Lâu lâu, ông đánh thức người bạn già, dọ hỏi về cách thức ngoại giao với người chủ viên ngọc, phỏng định giá cả. Rốt cuộc, hai người đồng ý tranh thủ thời gian lên đường vào ngày mai, theo chuyến xe đò sớm nhứt.
*
Ông hội đồng hỏi:
- Nhà của nó ở đâu? tới hay chưa? Nó tên gì? Nó giàu hay nghèo? Tôi hồ nghi nó sẽ làm giá thật cao. Hoặc có kẻ nào đến đó phổng tay trên thì mình hụt đỏi.
Chủ Hai gật đầu từng chập:
- Ðừng lo xa. Bữa hổm, tôi căn dặn kỹ lưỡng rồi. Chủ nhà là người đã từng chịu ơn tôi hồi chầu xưa.
Hai người qua cây cầu khỉ, đến miếu ông Tà rồi theo đường mòn giữa hai hàng tre già mát rượi. Ông hội đồng vô cùng sung sướng, vì mình như kẻ“đạp tuyết tầm mai” mùa đông. Ông tưởng tượng đến những giờ phút mãn nguyện khi“viên ngọc nước dừa” nọ lọt vào tay mình. Chắc chắn là vị thuốc bổ khoẻ cứ mỗi buổi trưa nóng nực, ông chỉ cần bỏ viên ngọc vào chén, đổ nước lạnh vào để bào chế ra thức nước dừa, hiếm có nước cam lồ thứ thiệt.
- Ðây rồi. Nhà này – ông chủ Hai vừa nói vừa nắm tay ông hội đồng.
Sau vài câu xã giao thường lệ, ông chủ Hai đi thẳng vào vấn đề:
- Chú em? Cục ngọc bữa trước còn không?
Chủ nhà lặng thinh, gài nút cổ áo cho ra vể khiêm tốn, lễ phép. Ðôi mắt ông hội đồng Tần cứ nhướng lên, hướng về phía bàn thờ đê tìm cái chén to, trong đó có viên ngọc quí giá. Lạ quá. Mái nhà thấp chủn, trời tối om om. Cái lư nhang nằm đó trơ trẽn. Có tiến thằn lằn chắt lưỡi. Dưới bếp, mùi mắm bò hóc xông lên, khó thở.
Hồi lâu, chủ nhà mới khai khẩu:
- Cục ngọc nào? À, tôi nhớ rồi. Phen đó tôi đã thuât đầu đuôi cho ông nghe đó hả? Rồi chủ nhà nhìn về ông chủ Hai:
- Ờ... Ờ... để coi. Một người bạn của tôi mượn nó, đem về Mỹ Lâm. Tôi chờ ông lâu quá. Vài ngày nữa, chắc người bạn đem về đây...
Ông Hội đồng Tần hỏi gắt:
- Vài ngày là bao lâu?
- Dạ, đường xá xa xôi...
Ông hội đồng nghĩ đến thủ đoạn làm già nên mở lời:
- Trời! Sao không để dành cho tôi xem. Tôi biết mà“ngọc lành chờ đợi giá cao,” người xưa thường nói. Tôi đến đây xem thử và sẳn sàng chuộc nó với bất cứ giá nào. Ông chủ nhà cứ nói thiệt đem cho tôi xem thử liền bây giờ. Tôi là bạn thân của anh chủ Hai chớ nào phải kẻ xa lạ mà ngại ngùng.
Chủ nhà như không lưu ý đến lời thỉnh cầu tha thiết ấy. Ông ta thong thả xuống nhà bếp, thúc hối vợ con bắt gà làm thịt, đãi khách qúi.
Ông chủ Hai gật đầu:
- Thiệt mất công quá. Dường như chủ nhà muốn đãi khách để tống khứ, phải không ông anh? Hay là mình đi qua Mỹ Lâm, cách đây chừng chục cây số thôi.
Rồi ông gọi chủ nhà:
- Tại sao chú không chờ tôi tới?
- Dạ, tôi không ngờ. Người bạn nọ dường như muốn xem thử để... so sánh.
Ông hội đồng trố mắt:
- So sánh cái gì? Người đó cũng có một viên ngọc khác nữa à? Bòn ở núi Ba Thê?
Chủ nhà thở phào, nhẹ nhõm:
- Dạ... anh bạn đó tiểu nhântìm vàng ở núi Ba Thê một lượt với tôi. Anh ta ghé nhà người quen để ăn cơm. Ăn cơm xong, trời sẫm tối, chuyển mưa đông. Vì nóng lòng muốn tới núi Ba Thê cho kịp với thiên hạ, anh bạn bất chấp mưa gió, đội nón lá, mặc áo tơi ra sân. Bỗng đâu, anh ta thấy nhiều tia sáng chóp loè, từ dưới đất chớp ngược lên trên trời. Ảnh đi phăng tới, gặp trong bụi tre gai một viên ngọc. Quí giá vô song...
Chủ Hai nói:
- Ủa! Mầu nhiệm quá vậy? Nó quý như viên ngọc nước dừa không?
Chủ nhà nheo mắt:
- Dạ, thứ khác. Tại gọi là“ngọc chớp”!
Miệng ông hội đồng Tần há hốc: dè đầu ở thế gian này còn nhiều loại ngọc kỳ dị, có công dụng thiết thực hơn ngọc lam quỳnh, ngọc như ý mà ông gìn giữ trong cái hộp cẩn xa cừ. Ông hỏi gắt:
- Nó chớp thiệt hay không?
Chủ nhà mỉm cười:
- Dạ, chớp thiệt. Tôi xin lấy một thí dụ. Từ khi gặp viên ngọc chớp, gia đình người bạn tôi sanh thêm tật ăn cơm chiều hơi trễ nải. Cơm dọn ra, gia đình ngồi chung quanh mâm, không cần đốt đèn cho sáng. Vì họ để cục ngọc đó ở mâm. Ánh sáng do viên ngọc đó chớp ra... nào kéo ngọn đèn con cóc!
Hôm sau, hai người cám ơn gia chủ, lên đường tìm ngọc nước dừa và ngọc chớp ở tận Mỹ Lâm, theo địa chỉ rõ rệt.
Người chủ nhà ở Mỹ Lâm tỏ vẻ thản nhiên, chẳng thèm mời hai ông khách quí vào nhà. Vừa cắt cỏ cho trâu ăn, ông ta vừa nói:
- Anh sui của tôi ở chợ Rạch Giá tới đây, mượn hai viên ngọc đó đem về coi chơi.
Nhà anh sui dễ kiếm lắm. Tại xóm Bánh Tằm, Cầu Ðúc, hỏi tên Năm Hến.
Nỗi thất vọng hiện rõ rệ trên gương mặt ông hội đồng Tần. Thế rồi, ai lo phận nấy. Mối tình tri kỷ dường như sứt mẻ. Ông hội đồng cảm tạ chủ nhà rồi day qua ông chủ Hai:
- Cám ơn anh bạn đã có công điềm chỉ. Coi bộ gay go quá. Thiệt là“kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc kè, cắc kè là mẹ kỳ nhông...”
Ông chủ Hai nói, giọng buồn buồn: - tôi nói bằng sự thật. Tiếc vì tuổi già sức yếu, công việc làng xã còn bề bộn. Tôi cần về Hà Tiên, ông anh chịu phiền vậy...
Hội đồng Tần nói gắt:
- Tôi đi tới cùng cho biết đá biết vàng. Một mình tôi, tôi đi. Thử xem thời thế ra sao?
Ðây, chợ Rạch Giá, xóm Bánh Tằm, gần Cầu Ðúc, nhà lão Năm Hến. Trước còn bỡ ngỡ, sau đến chỗ thân mật. Ông hội đồng nài nỉ hết lời:
- Giấu giếm làm gì? Tôi muốn coi cho biết mặt hai viên ngọc đó chớ chẳng muốn mua hoặc tịch thâu. Tội nghiệp tôi. Phen này mà thất bại ắt thiên hạ cười dữ lắm.
Lão Năm Hến lắc đầu:
- Uổng quá. Ðối với tôi, hai viên ngọc đó cũng qúi những gìn giữ mà làm gì? Ðời này, ngoài chợ bán thiếu gì nước xá xị, nước dừa tươi. Ðường phố sáng trưng bao nhiêu đèn điện. Tôi cất hai viên ngọc chớp và ngọc nước dừa đó trong cái hộc tủ. Mấy đứa cháu nội của tôi đi học về, lục lạo, lúc tôi ngủ trưa. Tôi hỏi lại mới hay ràng tụi nó dùng ngọc mà bắn“cu li,” rớt xuống kinh xáng trước nhà từ lâu rồi!
Bỗng dưng ông hội đồng Tần cười ha hả. Chẳng lẽ đi năn nỉ mấy đứa cháu nội của lão Năm Hến này. Rõ ràng là kẻ thất phu, giá áo túi cơm đang đùa giỡn với ông từ mấy ngày qua. Khó sống quá. Ông hội đồng tự so sánh với một sứ giả thời xa xưa. Nếu có đem theo kiểu hột ngọc đựng thuốc độc, chắc là ông đã uống để quyên sinh, giữ giá trong tiết sạch. Ông nhớ tới cái hộp cẫn xa cừ ở trong phòng. Hay là chủ Hai đã dùng quỉ kế, bày chuyện cho ông đi xa nhà -điệu hổ ly sơn - để thừa cơ hội ấy bó trí tên lão bộc làm nội ứng. Chẳng lẽ chủ Hai lại tàn nhẫn đến thế. Ôi thôi, cái nghề sưu tầm đồ cổ ngoạn mục để làm của riêng, để sống dai, sống khoẻ, để cái xác của mình chết khôn, không bao giờ hôi thúi... là cái nghề bạc bẽo, tuyệt vọng vậy thay!
Ông đứng dậy, nói với Năm Hến:
- Biết tôi cười chuyện gì không?
Lão Năm Hến trợn mắt:
- Làm sao tôi biết được? ông cười cho cái lão, người đời muôn sự của chung hả? Tôi ăn học ít oi lắm.
- Ha ha... Tôi cười vì tôi sẽ làm giàu to.
Lão Năm Hến chưng hửng;
- Ông nói điều gì? Tôi chưa hiểu?
Hội đồng Tần lại mở gói thuốc Gò Vấp hút phì phà, nhìn dòng nước cuồn cuộn dưới kinh, chảy vội vào chân Cầu Ðúc ra biển gần đó.
- Tôi sẽ xin phép quan chánh tham biện chủ tình đấu thầu khúc kinh xáng trước mặt nhà này. Tôi mưới người ta đắp đập ở hai đầu kinh, chận lại đừng cho nước chảy, uổng lắm.
Lão Năm Hến trợn mắt:
- Bộ ông muốn tát nước lên để tìm hai viên ngọc chóp, ngọc nước dừa? Tốn kém lắm. Vô ích. Như mò kim đáy biển.
Ông hội đồng lắc đầu, buồn dùm cho những kẻ phàm tục:
- Mò lên làm chi. Tôi để nó nằm tại đó. Viên“ngọc nước dừa” sẽ pha vào nước. Tôi múc nước lên vô chai, đậy nút bán hàng vạn chai, cạnh tranh với“xá xị,” “li mô nách.” Còn viện“ngọc chớp” thì cứ chớp hoài suốt đêm, gió thổi không tắt, tốn xăng nhớt chạy máy. Công ty nước ngọt và công ty nhà đèn của Tây phải phá sản vì tôi cạnh tranh với họ mà.
Bầu không khí trở nên trầm lặng. Lát sau, lão Năm Hến nói một câu xa xôi để đuổi ông khách lẩm cẩm nọ:
- Vậy thì đâu có gì lạ. Nước dưới sông bao giờ cũng ngọt xớt, nước Hậu Giang chảy về đây mà. Còn ban đêm, bữa rằm, trăng sáng soi bất cứ nhà ai. Ôi thôi! để tôi lo làm ăn... Ai mà rảnh rỗi như ông!