Sơn nhìn theo bóng lưng thon gầy của người đàn bà trẻ vừa bước ra khỏi phòng mạch, cánh cửa gỗ màu nâu sẫm khép lại, chặn đứng tầm mắt chàng. Dựa người ra ghế, Sơn xoay trở để tìm một tư thế ngồi thật thoải mái, đó là thói quen của chàng khi cần phải suy nghĩ cặn kẻ một điều gì. Tựa hẳn đầu vào thành chiếc ghế da êm ái, khép nhẹ mắt lại, ánh mắt thăm thẳm của người bệnh nhân vừa rồi hiện rõ trong trí chàng, nó giống như ánh mắt mà từ hai mươi năm nay và có lẽ cho đến suốt đời chàng sẽ chẳng bao giờ quên được. Và nó làm Sơn chợt hồi tưởng lại chuyện của hai mươi năm về trước, về chuyến vượt biên định mệnh và hãi hùng đã đưa cậu bé Sơn, mười lăm tuổi đi tìm tự do... Cuối năm tám mươi, sau năm năm sống và hiểu rõ cái được gọi là "ưu việt" của chế độ cộng sản, ba mẹ Sơn quyết định tìm đường cho anh em Sơn vượt biên. Chiếc ghe nhỏ chiều dài tám mét mang theo gần sáu mươi nguời rời Việt Nam vào một đêm khuya tại Rạch Giá. Ba ngày đầu tiên, ngoài những cơn say sóng làm mọi người nôn mửa, khó chịu, tất cả đều hình như rất suông sẻ, thuận lợi. Chiếc ghe đưa mọi người ra đến hải phận quốc tế mà không gặp một trục trặc nào. Biển vào tháng Sáu thật lặng, ghe của Sơn lại may mắn có một ông tài công giỏi, ông nói với mọi người rằng ông sẽ đánh một vòng lớn để tránh vịnh Thái Lan và đi thẳng về hướng Mã Lai, tuy sẽ mất thì giờ hơn nhưng chắc ăn là sẽ không gặp hải tặc, và nếu đúng như dự tính, ghe sẽ tấp vào bờ biển Mã Lai vào ngày thứ năm. Ngày thứ ba, sau cơn say sóng, Sơn đã bắt đầu tỉnh táo, nhìn mặt biển phẳng lặng, chàng nghĩ thầm, nếu không kể đến sự chật chội vì ghe chở hơi đông người thì chuyện vượt biên đâu đến nỗi ghê gớm như người ta đã kể lại, Sơn và mọi người đi chung ghe đều chủ quan, cho rằng chuyến đi của họ thật là may mắn. Ngày thứ tư, vẫn là một ngày tốt, biển êm, sóng lặng, mọi người ăn uống và nói chuyện vui vẻ, chỉ còn hai mươi mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, tương lai sáng lạn trước mặt đang chờ đón mọi người. Và rồi... tai họa đến vào lúc không ai ngờ nhất, vào buổi trưa, Sơn nghe ông tài công đang ở trên mui la lên rằng có một chiếc tàu đánh cá đang tiến về phía chiếc ghe nhỏ của họ, rất có thể là bọn cướp biển. Mọi người nhốn nháo lo sợ khiến chiếc ghe mất thăng bằng, chồng chềnh nghiêng qua nghiêng lại như sắp lật. Có tiếng ai đó la lớn kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh kẻo lật ghe, mọi người yên lặng được một chút, nhưng rồi đâu lại vào đấy, tình trạng hổn loạn như không thể nào kiểm soát nổi. Cuối cùng, chiếc tàu lạ đã cập sát vào ghe họ, điều xấu nhất đã đến, quả thật là chiếc tàu đánh cá của bọn hải tặc Thái Lan. Những việc xảy ra sau đó thật là tàn nhẫn so với đầu óc non nớt của một cậu bé mười lăm tuổi như Sơn, và cũng là một vết khắc khá sâu trong lòng chàng cho mãi tận đến bây giờ. Ánh mắt của một bé gái khoảng mười hai, mười ba tuổi quay lại nhìn những người đàn ông như cầu cứu một cách tuyệt vọng trước khi bị bọn cướp lùa sang tàu của chúng làm Sơn thật đau lòng vì tội nghiệp, cô bé kia cũng khoảng tuổi em gái của Sơn, may mà mẹ chàng đã sáng suốt không cho nó đi theo hai anh em chàng, nếu không thì giờ này... Sơn lắc đầu không dám nghĩ tiếp. Hình như câu thành ngữ "họa vô đơn chí" rất đúng nếu đem áp dụng vào chuyến vượt biên của Sơn, trong vòng chưa đến hai ngày, trước khi tấp được vào Mã Lai, chiếc ghe định mệnh của họ đã bị thêm ba lần cướp nữa. Mọi người đặt chân lên Mã Lai trong tình trạng tàn tạ và tơi tả, Sơn thấy cô bé có ánh mắt tội nghiệp kia được người ta khiêng lên và đưa luôn vào bệnh viện, từ đó cho đến lúc đi định cư, Sơn không hề gặp lại cô bé ấy, dù chỉ một lần, nhưng cái ánh mắt vừa buồn bã, vừa tuyệt vọng kia không hiểu tại sao lại cứ ám ảnh Sơn một thời gian dài sau đó. Sơn không hiểu tại sao cùng là con người mà người ta có thể đối xử với nhau một cách tàn tệ như vậy, Sơn và những người đi vượt biên đã vì những con người xấu xa của một chế độ mà trốn chạy, ra biển lại gặp những kẻ xấu hơn, không có một chút lòng thương hại cho những người trong cơn hoạn nạn. Và trong ý nghĩ của Sơn lúc đó, chàng thật muốn làm một cái gì để xoa dịu nỗi đau của những người khốn khổ. Sau khi được Canada nhận cho sang định cư, Sơn đem ý nghĩ này nói với ông anh của chàng, anh của Sơn đã lắc đầu khuyên chàng nên thực tế, chuyện bất công tồn tại trên đời rất nhiều, những người khổ sở trên thế giới này cũng không phải là ít, với sức mọn của một mình Sơn, hay kể cả hai anh em chàng cũng chẳng có thể cứu vớt được hết mọi người. Sơn đã suy nghĩ rất nhiều, lời của anh chàng cũng không hẳn là không đúng, nhưng không vì vậy mà Sơn từ bỏ lý tưởng của mình. Cuối cùng, sau khi suy nghĩ cặn kẽ, Sơn quyết định học ngành y, chàng nghĩ rằng nếu không xoa dịu được tất cả nỗi đau của nhân loại, thì ở cương vị thầy thuốc, ít ra Sơn cũng sẽ xoa dịu được phần nào nỗi đau vì bệnh tật của một số người. Sau đó, Sơn nghe theo lời khuyên của một ông thầy dạy khoa tâm lý ở đại học, chàng chuyển sang học về tâm lý, mong rằng có thể xoa dịu và chữa trị nỗi đau tinh thần cho những người đau khổ cần đến sự giúp đỡ của chàng. Từ khi ra trường, tuy không dám tự nhận mình là một bác sĩ tận tụy và tài giỏi, nhưng thật sự Sơn đã chữa trị lành bệnh cho rất nhiều người. Thật ra không phải Sơn hay hơn người khác, nhưng chàng đã làm việc không những bằng những điều đã học được, mà còn dùng cả tấm lòng và trái tim bao dung để nghiên cứu và chữa trị cho những bệnh nhân của chàng. Chẳng thế mà hôm trước, Nga, một nữ đồng nghiệp và cũng là đồng hương, đã nhờ chàng tiếp tay dùm một ca khó, một nữ bệnh nhân mà Nga sau một thời gian cố gắng chữa trị đã bó tay. Người bệnh nhân đó chính là người đàn bà vừa rời khỏi phòng mạch, là người có ánh mắt đã gợi cho Sơn nhớ lại những kỷ niệm đau thương của chuyến vượt biên, nhất là cô bé tội nghiệp năm nào. Như bị thúc giục bởi ánh mắt đau khổ kia, Sơn ngồi thẳng dậy, mở computer, tìm đọc hồ sơ của nguời bệnh nhân này, Sơn tự hứa sẽ cố gắng giúp đỡ bằng hết khả năng của chàng. Và rồi Sơn như bị cuốn hút vào những dòng chữ tóm tắt một cách chi tiết về bệnh lý do Nga đã ghi lại thật cặn kẻ và tỉ mỉ. Những chi tiết quan trọng đã xảy đến trong quá khứ gây nên căn bệnh tâm lý của Hà, tên người bệnh nhân, làm Sơn ngờ ngợ. Sao lại có nhiều sự trùng hợp kỳ lạ như thế này, cái ánh mắt thật quen thuộc kia, chuyện gặp hải tặc bốn lần trong chuyến vượt biên năm tám mươi, tất cả đều tương tự như chuyện của cô bé tội nghiệp trong chuyến vượt biên của chàng năm nào, chẳng lẽ... Năm năm sau... Tiếng cười trong trẻo của bé Lâm hòa với giọng cười to sảng khoái của Sơn khiến Hà đang làm bếp phải quay lại nhìn. Hai cha con đang chơi game ở phòng khách, nhìn Sơn say sưa chơi với con, Hà chợt cảm thấy thương chồng quá đỗi. Không biết bao nhiêu lần Hà thầm cám ơn số mệnh đã đưa Sơn đến để cứu vớt và giúp đỡ cuộc đời nàng thoát khỏi tình trạng bế tắc. Hà còn nhớ rõ, năm năm trước, lúc bắt đầu đến cho Sơn chữa bệnh, tâm trạng của nàng vừa đau khổ, vừa tuyệt vọng. Hậu quả của việc bị những tên cướp biển làm nhục khi còn quá nhỏ đã gây cho Hà một căn bệnh tâm lý khá nghiêm trọng, nàng sợ hãi và mất hết cảm giác khi bất cứ người đàn ông nào muốn gần gũi nàng. Vì vậy, đã hơn ba mươi tuổi mà Hà vẫn không thể lấy chồng. Bạn bè khuyên Hà nên tìm một bác sĩ tâm lý để chữa trị, và họ giới thiệu Nga cho nàng. Khi Nga chuyển hồ sơ của Hà qua cho Sơn, nàng thật ngại ngùng, căn bệnh của Hà có một nguyên nhân thật nhạy cảm và tế nhị, làm sao Hà có thể nói hết mọi cảm giác và suy nghĩ thầm kín của mình với một người đàn ông, dù biết rằng ông ta là bác sĩ đi nữa. Nhưng Hà thật sự đã lầm, Sơn có một phương pháp làm việc thật nghiêm túc và đặc biệt khiến Hà không hề cảm thấy e ngại khi nói chuyện bệnh trạng với chàng. Cảm tình dành cho Sơn ngày một tăng dần theo thời gian và Hà biết rằng mình đã đem lòng yêu chàng bác sĩ trẻ tuổi đầy nhiệt huyết kia, nhưng Hà biết tình yêu của mình là một tình yêu vô vọng vì căn bệnh tâm lý của nàng vẫn không khá hơn dù rằng Sơn đã dùng mọi cách để chữa trị, vả lại, mặc cảm tự ty đè nặng lấy Hà, không bao giờ nàng nghĩ rằng Sơn lại có thể yêu được một người con gái với một quá khứ bi thảm như Hà và lại đang mang một chứng bệnh tâm lý gần như bất trị. Nhưng rồi có một ngày, Sơn nói với Hà rằng chàng chính là một trong những người đi cùng với Hà trong chuyến vượt biên không may mắn đó, và Sơn đã tỏ tình, Hà còn nhớ, hôm đó nàng đã gục vào vai Sơn và khóc nức nở, như chưa bao giờ được khóc từ ngày thảm kịch kia xảy đến với nàng. Những ngày sau đó, căn bệnh của Hà hình như thuyên giảm bớt, tảng đá đè nặng trong lòng nàng từ hai mươi năm qua như nhẹ đi một nửa. Rồi cho dù với sự phản đối của Hà vì căn bệnh chưa lành hẳn, Sơn cũng nhất định tổ chức đám cưới. Sau ngày cưới, với lương tâm của một bác sĩ, và tình yêu của một người chồng, Sơn đã cố gắng chữa trị căn bệnh của Hà. Kết quả là hai năm sau, bé Lâm ra đời, và căn bệnh của Hà cũng đã hoàn toàn bình phục... Sơn bước vào bếp đi đến bên Hà, chàng ôm eo nàng âu yếm hỏi:-Sao? Chiều nay em định làm món gì để thết đãi các cô chiêu cậu ấm bạn của công tử nhà mình đây?Hà nhìn chồng:-Anh khéo bày cho con hư, mới có ba tuổi đầu mà đã biết tổ chức sinh nhật mời bạn bè...Sơn cười dễ dãi:-Tuổi thơ là tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, ngày xưa mình sống trong hoàn cảnh thiếu thốn đã đành, bây giờ có điều kiện sao không cho con mình được sung sướng chứ... Hà cảm động tựa hẳn vào người Sơn, chàng lúc nào cũng có một trái tim thật bao dung và nhân hậu. Sơn xiết chặt vợ, cảm thấy hạnh phúc thật trọn vẹn. Tiếng bé Lâm léo nhéo ngoài phòng khách:-Ba ơi, ra chơi với Lâm đi, Lâm không thích chơi một mình...Sơn thì thầm:-Có lẽ đã đến lúc bé Lâm cần một đứa em để chơi chung rồi, em nghĩ sao?Hà nhụi đầu vào vai chồng:-Anh thì chỉ như vậy...-Xấu chưa kìa, đã làm mẹ rồi mà còn mắc cở...Hà chưa kịp nói gì thì lại có tiếng bé Lâm:-Ba ơi, mau lên, Lâm sắp thua rồi...Sơn bước đi rồi còn quay lại nheo mắt trêu Hà:-Vậy... hẹn tối nay nghe?Montreal, cuối Đông 2006Phạm Lệ An