“Bóng tối cùng sự yên tĩnh mênh mông đó, há chẳng phải là ân sủng mà trời cao ban tặng cho những cặp tình nhân? Tình yêu là một đóa hoa kỳ dị, không cần đến ánh nắng mặt trời, cũng không cần đến những giọt mưa, mà vẫn nở ra những cánh hoa diễm lệ trong bóng tối.” 這無邊的黑暗与靜寂,豈非正是上天對情人們的恩賜?愛情是一种奇异的花朵,它并不需要陽光,也不需要雨露,在黑暗中,它反而開放得更美麗。(Giá vô biên đích hắc ám dữ tĩnh tịch, khởi phi chính thị thượng thiên đối tình nhân môn đích ân tứ? Ái tình thị nhất chủng kỳ dị đích hoa đóa, tha tịnh bất nhu yếu dương quang, dã bất nhu yếu vũ lộ, tại hắc ám trung, tha phản nhi khai phóng đắc tiện mỹ lệ. -Tuyệt đại song kiêu, chương 124). Bắt gặp một cuốn sách hay trong đống sách cũ bày bán sale off sẽ đem lại cho ta sự thích thú hơn là tìm thấy nó trong thư viện lớn. Tìm được một mạt vàng trên đống sỏi đá, có lẽ ta còn sung sướng hơn là tìm thấy được một viên kim cương trong tiệm kim hoàn. Đọc sách cũng vậy. Tình cờ đọc được một đoạn văn hay trong một tác phẩm bình thường của một nhà văn không đặc sắc, lắm khi ta lại thấy thích thú vô ngần. Chính sự bất ngờ đó đem lại niềm hứng thú. Đó cũng là cảm giác của tôi, khi đọc được đoạn văn trên trong Tuyệt đại song kiêu. Trong tác phẩm này, một tác phẩm cũng bình thường như bao tác phẩm khác của mình, Cổ Long đã có nhiều câu văn mô tả về phụ nữ cực kỳ tinh tế. Từ tàn nhẫn đến thiết tha, từ ngộ nghĩnh đến chua cay. Song chính đoạn văn trên, theo cảm nhận của riêng tôi, mới thực sự là diệu bút. Thiết Tâm Lan yêu thiết tha Tiểu Ngư Nhi vì tình, song chỉ yêu Hoa Vô Khuyết vì nghĩa. Trong trận đấu quyết định một mất một còn mang tính định mệnh giữa Hoa Vô Khuyết và Tiểu Ngư Nhi, Thiết Tâm Lan đã chủ động tìm đến Hoa Vô Khuyết để yêu cầu vị truyền nhân duy nhất của Di Hoa Cung này đừng giết Tiểu Ngư Nhi, và điều đó có nghĩa là y phải chết! Chính bản thân Thiết Tâm Lan cũng quyết định dùng cái chết để tạ lòng tri kỷ. Vì Thiết Tâm Lan và Hoa Vô Khuyết, mà Cổ Long đột nhiên đã có một đoạn văn xuất thần. Một người con gái, trong đêm khuya, khẩn cầu một người yêu mình phải chết để cứu một người mình yêu, rồi quyết định tự vẫn để tạ lòng tri kỷ, cũng là một chi tiết rung động lòng người. Bút lực Cổ Long không đủ sức để diễn đạt sự thăm thẳm của những diễn biến trong tâm hồn, khi con người, vì Tình Yêu, tự nguyện đối diện với Cái Chết bằng tất cả sự hân hoan và cay đắng, song cảnh tượng Thiết Tâm Lan nửa đêm tìm đến Hoa Vô Khuyết để thỉnh cầu và bày tỏ nỗi lòng cho nhau trong đêm khuya thật là cảm động. Nói đến “màu tình yêu”, thì chắc hẳn người ta sẽ nghĩ đến bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ: Màu thời gian không xanh Màu thời gian tím ngát Hương thời gian không nồng Hương thời gian thanh thanh Có nhiều người bông đùa thường bảo “màu tình yêu” chính là “màu thời gian tím ngát” đó. Mà màu tím lại là “màu nho”, theo cách nói lái tinh nghịch của người dân xứ Quảng! Còn Cổ Long lại như muốn đồng hóa tình yêu với bóng tối! Người ta thường nói bóng tối đồng nghĩa với tội lỗi. Song với Cổ Long lại khác. “Bóng tối cùng sự yên tĩnh mênh mông đó, há chẳng phải là ân sủng mà trời cao ban tặng cho những cặp tình nhân? Tình yêu là một đóa hoa kỳ dị, không cần đến ánh nắng mặt trời, cũng không cần đến những giọt mưa, mà vẫn nở ra những cánh hoa diễm lệ trong bóng tối.” Người cầm bút, trong những phút linh cầu, đôi khi viết được những câu văn xuất thần, mà bản thân họ cũng không ngờ tới. Chỉ với câu văn này, Cổ Long như muốn vượt ra khỏi dòng văn chương võ hiệp truyền thống. Song đáng tiếc đó chỉ là cái bước hụt hơi, vì dường như Cổ Long không đủ nội lực để đi tiếp! Gérard de Nerval – nhà thơ kỳ diệu của nước Pháp, người đã sống cùng với tình yêu như là một điều huyền nhiệm - đã có một khổ thơ tinh tế: C'est peut-être la seule au monde Dont le coeur au mien répondrait Qui venant dans ma nuit profonde D'un seul regard l'éclaircirait? Em là người duy nhất trong đời Mà trái tim hòa nhịp tim tôi Em về trong bóng đêm thăm thẳm Ánh mắt bừng lên nét rạng ngời. (Une allée du Luxembourg) Tôi muốn bạn đọc hiểu nghĩa “nuit profonde” (bóng đêm thăm thẳm) theo nghĩa bóng tối của những buổi hẹn hò. Để cảm nhận thêm sự mênh mông trong câu văn Cổ Long. Và từ đó ta sẽ nghe ra sự đồng vọng mênh mông trong câu thơ Huy Cận Bóng đêm toả không lấp niềm thương nhớ Tình đi mau, sầu ở lại lâu dài Ta đã để hồn tan trong tiếng thở Kêu gọi người đưa tiễn nỗi tàn phai. (“Bi ca”- Huy Cận) Ngày mai, trong trận đấu Hoa Vô Khuyết sẽ tự nguyện chết để Tiểu Ngư Nhi được sống. Thiết Tâm Lan cũng sẽ chết theo Hoa Vô Khuyết. Họ tỏ tình với nhau trong đêm tối cuối cùng, và trong bóng tối, hai linh hồn sẽ hợp nhất, để tình yêu nở ra những cánh hoa kỳ dị. Họ muốn tìm đến nhau trong tình yêu và cõi chết. Câu văn lạ lùng của Cổ Long dành cho cặp tình nhân đó làm tôi đột nhiên nhớ lại câu văn tuyệt diệu của Novalis, nhà thơ lãng mạn Đức, được các nhà phê bình đánh giá là thuộc số ít nhà thơ biết được “sự huyền bí của tình yêu”, (le mystère de l'Amour ). "L’union conclue aussi pour la mort, ce sont des noces qui nous donnent une compagne pour la Nuit. Dans la mort est l’amour le plus doux ; la mort est pour qui aime une nuit nuptiale: un secret de mystères très doux." Tôi xin dịch trên tinh thần mở rộng câu văn của Cổ Long: “Sự hợp nhất đó cũng là để kết thúc trong cõi chết. Đó là những cuộc hôn phối đem lại cho chúng ta một người bạn nữ đồng hành trên đường về Đêm Tối. Trong cõi chết kia vẫn tồn tại một tình yêu dịu ngọt nhất trên đời. Đối với kẻ đang yêu thì cái chết là đêm tối của cuộc hôn phối: đó là sự bí ẩn của điều huyền mật dịu dàng”. Có những bản nhạc như Senenade của F. Schubert, có những câu thơ như ‘Bi ca” của Huy Cận, ta chỉ có thể cảm thụ được chiều sâu của nó trong bóng đêm yên tĩnh. Bóng tối sẽ khép lại ngoại cảnh để mở rộng con đường đi vào nội tâm, khiến tình cảm con người mênh mông hơn nhiều lắm. Và câu văn của Novalis cũng như của Cổ Long ta cũng nên cảm nhận trong cái “bóng đêm thăm thẳm” của Nerval! © 2007 talawas