Người ta khẳng định rằng, gã đã chết một cách lãng nhách cách nay cả tháng rồi! Điều này chẳng sao cả, vì dẫu sao gã vẫn thấy mình luôn được tự do chu du đó đây và vẫn có thể nhìn thấy tất cả sinh hoạt của những người chung quanh như mọi ngày, là thú vị rồi!Đặc biệt, báo chí cũng đăng tin rùm beng rằng, gã đã chết một cách cô độc quạnh hiu từ mấy tháng qua, trong một căn hộ cao tầng giữa trung tâm thành phố nhộn nhịp, nhưng không một người thân quen nào hay biết dù họ đang sống gần kề, ngoại trừ một người hàng xóm xa lạ nào đó bất chợt đã phát giác ra sự vắng mặt lâu ngày đó. Điều này có gì mới lạ đâu! Thật sự gã không phải là người Việt Nam duy nhất qua đời tại đây một cách lẻ loi như thế!Thú thật, gã đã quen sống lẻ loi như vậy từ khi bị tai nạn bất ngờ trong nghề nghiệp. Người vợ yêu dấu mà gã tưởng suốt đời luôn chia sẻ vui buồn với nhau đã không ngần ngại nói tiếng chia tay, mặc kệ cho gã nhiều lần lạy lụt van xin. Cuối cùng thì gã cũng đành cho đó là định mệnh dù chẳng bao giờ tin và ngoan ngoãn chấp nhận kiếp sống cô độc ấy. Bạn bè, người thân quen trước đây vẫn cùng nhau chè chén vui say nay cũng dần dần xa lánh và chẳng mấy ai muốn ghé thăm, ngoại trừ bà mẹ già nua đang gần đất xa trời, thỉnh thoảng vẫn lọm khọm chống gậy vượt đường xá xa xôi mang đến vài món ăn nóng mà gã thường chóp chép thòm thèm.Cuộc sống của gã từ lâu đã gắn chặt vào chiếc xe lăn ọp ẹp và tối ngày chỉ biết tâm sự làm bạn với bốn bức tường vô tri trong căn hộ nhỏ hiu quạnh đầy kỷ niệm buồn nhiều hơn vui này. Nó là người bạn duy nhất thật đáng yêu vì lúc nào cũng sẵn sàng che chở nắng mưa cho cuộc đời bịnh tật của gã, mà không một lời thở than trách móc như tiếng gào khóc của người phụ nữ đeo kiếng đen, đang cố tình gây sự chú ý bên cạnh chiếc quan tài lạnh lẽo kia.Tiếng than van lúc thăng lúc trầm lúc sầu bi, nghe có vẻ hờn oán não nề, nhưng thực sự không làm cho gã bùi ngùi tí nào. Gã đã hiểu rõ về người phụ nữ này quá nhiều rồi nên không thấy xúc động gì nữa với những lời ân oán giả tạo trống rỗng đó. Trông bà ta lúc này không khác hơn một người nghệ sĩ dởm luôn thích đóng vai chính dù chẳng bao giờ thành công! Gã đành lòng buông tiếng:- Thôi đi cô! Khóc lóc thương tiếc làm gì nữa khi tình mình đã chết từ lâu rồi! Điều này cô đã hiểu rõ hơn tôi! Những giọt nước mắt này, tôi biết, cô chỉ muốn dành riêng cho cô thì đúng nghĩa hơn! Thà cô đừng đến, có lẽ mọi người ở đây sẽ không thắc mắc gì và buổi tiễn đưa này chắc chắn sẽ nghiêm trang hơn một chút!Người phụ nữ lại gào thét to thêm như nỗi uất hận bấy lâu, nay mới có dịp tuôn trào. Những cặp mắt tò mò như muốn dán chặt vào sự đau khổ của người góa phụ bất đắc dĩ đó!- Cô à! gã thì thầm tiếp: Khi còn bên nhau, cô đã xem tôi chẳng ra gì, ngay cả những lời thề nguyện chung thủy năm xưa cô cũng chẳng màng tới, để chạy theo những đồng tiền và những lời tâng bốc từ những anh chàng ta hay tây trẻ đẹp đáng tuổi con cô. Cô thực sự kinh tởm những ngày đói khổ khi xưa tại quê nhà nhưng luôn đậm đà nghĩa vợ chồng ấm cúng bên nhau, để vui với một cuộc sống mới giang hồ tự do mà cô thường cho là hiện đại, là hợp thời! Không biết, thực sự cô đã có được mấy lần hạnh phúc ấy hay vẫn cứ lận đận săn đuổi những cuộc tình không thực, để níu kéo tuổi xuân vội vã đã qua mau?Người phụ nữ vẫn rên rỉ than van, vài người chung quanh cũng mủi lòng rồi sụt sùi theo lời than thở ấy:-... Anh bỏ đi mà không một lời nhắn nhủ, từ nay Mẹ con em biết sống sao đây?... Em nào gây nên tội tình chi mà trời nỡ đọa đày em bơ vơ nơi đất lạ quê người...Gã bỗng thấy rờn rợn người khi nghe thế! Cả chục năm nay, từ khi gã bịnh tật không còn đi đứng được thoải mái như xưa, có bao giờ bà ta ghé thăm để an ủi hay giúp đỡ gì đâu mà nay bỗng dưng lại đòi được nghe những lời nhắn gởi cuối cùng... để làm chi vậy? Ngoài ra, không cần đến gã, sự thật bà ta vẫn ung dung sống thoải mái tự toại đến ngày hôm nay được cơ mà! Bà ta muốn được nghe gì đây, khi gã chẳng còn gì để nói! Hay là bà ta đang nghĩ đến chuyện tiền bạc hoặc của hồi môn hay gia tài thừa kế như vẫn thường quan tâm? Nói đúng ra, khi còn sống, gã cũng chẳng có gì ngoài số tiền trợ cấp xã hội thiếu trước hụt sau mà hàng tháng vẫn tự nguyện trích ra một phần lớn để giúp đỡ cô con gái, dù đã trưởng thành từ lâu. Vậy mà chẳng biết nghe ai, thỉnh thoảng cô con gái cưng không quên điện thoại tới hỏi thăm bằng những lời hăm dọa chửi bới:-... Ông đẻ tui ra mà vô trách nhiệm! Ông tưởng đồng tiền của ông có thể nuôi sống được mẹ con tui sao? Nói thiệt, không đủ cho tui bao tụi bạn một đêm đi Disco. Có được ngày hôm nay là do một tay mẹ tui hết! Trời phạt ông bịnh hoạn như vậy là rất đúng! Tui thù ghét ông và chỉ mong sao ông chết quách đi cho khỏi xấu hổ với thiên hạ. Ông chỉ là người ăn bám, là gánh nặng cho xã hội, là vật chướng ngại trong cái gia đình này thôi...Chết đi cho mẹ con tui được nhờ!Gã rất đau lòng mỗi khi nghe thế và cảm thấy bất lực xen lẫn nỗi tuyệt vọng về người con gái duy nhất của mình. Nó luôn xem cái vỏ bề ngoài là quan trọng nhất và chỉ biết đem vật chất ra để đánh giá tư cách của con người!Nhớ ngày nào, khi còn bé tí, cô con gái cưng của thủa nào thường nhỏng nhẻo đòi nghe những câu chuyện cổ tích và ước mơ lớn lên sẽ được giống như các cô tiên hiền lành cứu giúp người hoạn nạn. Nay cô tiên đâu chẳng thấy, chỉ thấy người con gái này càng ngày càng dữ tợn và hống hách hơn.Gã chợt chú ý đến đứa bé tóc màu bạch kim mà cô ta đang ẳm theo. Thì ra đây chính là sản phẩm từ người tình của mẹ cô ta ban tặng cho trong một lúc cao hứng nào đó, mà thiên hạ mới đây đã bàn tán sôi nổi. Gã không ngạc nhiên gì khi thấy cô con gái hôm nay bỗng dưng rên rỉ thảm thiết không thua gì bà mẹ:-... Tội nghiệp cho con tôi, chưa biết cất tiếng chào, thì nay ông ngoại đã vội đi mất! Con tôi thật là bất hạnh...Gã nheo mắt cười rồi nói cùng cô con gái:- Này con! Ta biết, con đang vui sướng ở trong lòng nhiều lắm vì lời nguyền cay độc ngày nào nay đã thành sự thật! Ta rất buồn khi thấy con càng trưởng thành càng đánh mất tư cách của mình, để làm chi vậy, ta không hiểu! Tuy nhiên, ta cũng hy vọng rằng, là một người có học thức đàng hoàng và lớn lên trong một xã hội văn minh như thế này, con đừng nên bắt chước và học hỏi những điều xấu từ người mẹ, để tiếp tục làm trò cười cho thiên hạ. Khi còn sống, có bao giờ con lễ phép và đối xử tử tế với ta đâu, thì nay, đừng bắt đứa bé xa lạ kia gọi ta là ngoại của nó! Tội nghiệp nó hay tội nghiệp cho con đây? Con hãy nhớ rằng, nếu sau này, đứa bé đó có lạnh nhạt bỏ rơi con trong hiu quạnh như con đã làm điều đó đối với chính người cha của mình, thì con đừng ngạc nhiên hay thất vọng rồi trách móc và nguyền rủa nó, mà con hãy tự làm điều đó với chính mình...Gã còn muốn nhắn nhủ ít lời nữa, nhưng cô con gái đã vội vã ngoe ngoảy rút lui để tán dóc với vài người bạn đang tíu ta tíu tít khen đứa bé tròn chỉnh trên tay. Gã chỉ biết lắc đầu nhìn theo và mong rằng cô con gái yêu qúy một ngày nào đó sẽ hồi tỉnh lại. Với lối sống buông thả như hiện giờ chắc chắn cô ta sẽ gặp nhiều bất hạnh oái ăm khác, chứ không phải lúc nào cũng đơn giản như kết quả của cuộc tình duyên tay ba quái gở cùng với đứa bé vô tội vạ kia...Bất chợt đám đông bỗng xôn xao hẳn lên rồi dồn về một phía để nhường chỗ cho một người phụ nữ đẫy đà, son phấn loè loẹt vừa xuất hiện và đang đỏng đảnh tiến đến phía quan tài với một vòng hoa to tướng. Những chiếc máy chụp hình lại được dịp chớp chớp liên tục, thật vui! Mọi người trầm trồ vì đã lâu rồi mới thấy được một đám tang lớn không thua ai. Người phụ nữ đó cũng không quên mĩm cười thật duyên dáng trước các ống kính, rồi suốt cả buổi tiễn đưa luôn lập đi lập lại một điệp khúc thương đau với bất cứ ai đứng gần kề:- Thấy ảnh chết cô độc quá, tui đau lòng lắm chứ! Thành thử tui năn nỉ và cho tiền tụi trẻ con lối xóm để chúng chịu cầm nến đứng chung quanh quan tài ảnh lúc tiễn đưa. Làm như vậy là để cho ảnh cảm thấy ấm cúng và không bị lẻ loi trên đường về bên kia thế giới thôi. Còn mấy mấy tờ giấy copy này cũng do tui nghĩ ra đó, bà con đừng có ngại là hát đúng hay sai. Điều này không có quan trọng vì mấy vị khách nước ngoài đến đưa đám có hiểu gì đâu mà mình sợ người ta đánh giá này nọ. Vấn đề chủ yếu là họ thấy ai cũng tham gia hộ tống ảnh bằng những bài thánh ca và đọc kinh trong lúc đưa tiễn là họ phục dân mình có tinh thần đoàn kết yêu thương nhau sát đất liền hà. Tui dám bảo đảm là ảnh cũng mãn nguyện và sẽ được lên thiên đàng bình yên một trăm phần trăm! Riêng tui, hổng phải là muốn chơi nổi gì, nhưng mình giúp cho gia đình người quá cố nở mặt nở mày trong đám tang này cũng là một điều hãnh diện đó! Sau này nếu nhà bà con nào có tiệc tùng vui buồn gì đó thì đừng quên tui nha! Tui thích làm việc phước đức cho con cháu nó được nhờ chứ đâu có đòi hỏi gì nhiều, tùy lòng hảo tâm của gia chủ thôi!... À, cái lẳng hoa này đó hả? Nói thật đó, tui phải ứng trước tiền túi ra mua, không biết chút nữa khi quyên góp được tiền phúng điếu, thân nhân có nhớ thanh toán lại không hay lại để tui lên tiếng nhắc nhở như đám tang ông già mù kỳ vừa rồi thì tệ lắm...Gã giật mình khi nghe giọng nói sang sảng đầy ơn nghĩa đó! Thì ra lại là chị Thảo, người bạn gái thân thiết và cũng là người trước đây từng nài nỉ vợ chồng gã ký nợ nhà Bank dùm cho rồi cố tình xù luôn, để cho vợ chồng gã cắn xé nhau cho tới ngày ly dị. Nay chị ta đang trả nợ cho gã như vậy sao? Gã cảm thấy buồn thật nhiều, vì biết rằng không phải tất cả mọi người đến đây đều với mục đích để tiễn đưa mà còn nhiều mục đích khác nữa. Đúng là chết rồi mà vẫn chưa yên, vẫn còn đang bị người sống lợi dụng tối đa! Tại sao người ta không để cho gã chết một cách cô độc như lúc gã sống? Bây giờ dù có tổ chức bày vẻ đưa đám linh đình to lớn thì chỉ tốn kém tiền bạc và nở mặt nở mày ai đó, chứ đâu có thể làm cho gã sống lại được nữa để mà hưởng ké tiếng thơm cùng mùi vị của mâm cỗ với khói hương đầy bàn kia.Gã lắc đầu ngao ngán rồi tò mò quan sát những khuôn mặt quen thuộc lẫn xa lạ đang hiện diện. Đối với những người chưa bao giờ gặp, gã thầm cảm ơn vì ít ra họ cũng đã dành thời gian quý báu tháp tùng gã đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trong số những người thân quen, gã nhận ra ngay cô em gái đanh đá ích kỷ của mình. Nếu mấy tháng trước cô em vui lòng để cho ông chồng yêu quý chở giúp đi bác sĩ, thì biết đâu, bây giờ gã không phải nằm đây để nghe những lời ân oán kể công này nọ và cô em cũng khỏi mỏi miệng phân trần về trách nhiệm của mình đối với người đã chết!À, còn đây là anh bạn tri kỷ của ngày nào, nãy giờ cứ lăng xăng hết chỗ này đến chỗ kia trông rất tội nghiệp. Gã khâm phục anh ta hết sức vì đã đến tiễn đưa mình về bên kia thế giới bằng một cốp xe chở đầy rau muống tươi mà chút nữa đây sẽ phục vụ cho bà con ngay ngoài cổng nghĩa trang. Thật là một người vì mọi người! Trước đây gã đã từng có cảm giác khôi hài khi chứng kiến những vụ tranh thủ mua bán kiểu cây nhà lá vườn như thế tại các ngày lễ hội hay đám cưới của ai đó, nay không ngờ việc này lại xảy ra ngay tại đám ma của mình. Đúng là một phát minh mới lạ và táo bạo! Biết đâu kể từ nay nó sẽ trở thành một cái lệ ở đây cũng nên! Nếu còn sống, chắc gã cũng mua ủng hộ ngay vài ba ký rau cho đỡ thèm rồi...Thôi kệ! Gã nuốt nước miếng nghĩ thế rồi tiếp tục len lỏi trong đám người đi tiễn đưa, dù bị choáng váng bởi những bộ y phục mang nhiều màu sắc hỗn loạn. Có lẽ đang là mùa hè tươi đẹp nên người ta không thích khoác lên người những màu sắc u tối, dù chỉ trong dăm ba tiếng tại cái nghĩa trang này. Gã tự an ủi mình như thế và chẳng trách móc ai làm chi. Điều làm gã bận tâm lúc này, là xen lẫn với tiếng cầu kinh nghiêm trang của vị Linh mục trẻ, gã vẫn nghe loáng thoáng đâu đó những câu chuyện sôi nổi về đề tài danh vọng, tiền bạc, làm ăn thật hấp dẫn. Ngộ nghĩnh hơn nữa, có người còn đang thắc mắc sẽ được chiêu đãi gì tại bữa tiệc chia buồn với thân quyến chút nữa đây? Điều này gợi cho gã nhớ đến thuở nào tại quê nhà khi một người bạn rủ gã đi đưa đám một người không quen biết với lý do đơn giản là chủ nhà hôm đó có mổ con heo to lắm để thiết đãi... thật là nực cười! Đúng là thế giới muôn màu của người sống! Hên là gã không có khả năng đóng vai làm kẻ đi khóc mướn!Nhắc đến ăn uống gã thấy nhục nhã cho chính mình thực sự! Có lẽ ngoài gã ra, thì bà mẹ gìa nua suốt cả buổi tiễn đưa luôn giữ thái độ im lặng, là người duy nhất biết rõ về nguyên nhân cái chết thật vô duyên này. Gã bị chết vì đói trong bịnh tật! Nói ra thì thiên hạ sẽ cười chê và được mấy ai tin. Nó giống y như là một chuyện hoang đường trong một xứ sở dư thừa vật chất vậy. Tuy nhiên chuyện hoang đường này đã xảy ra đối với chính gã nên mới nhục chứ! Được cái là, bà mẹ già nua luôn hiểu được ý của con mình nên vẫn giữ kỹ sự bí mật này trong nỗi đau khổ dày vò. Hơn bao giờ hết, gã thấy thương mẹ mình vô cùng, người mà suốt cả cuộc đời luôn lo cho từng đứa con, dù nay có người đã về tay tử thần. Không chần chừ, gã tiến đến, ôm vai người mẹ thủ thỉ:- Mẹ ơi! Con thương mẹ và cảm ơn mẹ nhiều lắm. Khi con còn sống, mẹ đã khổ sở vì con nhiều rồi, thì nay không ai được phép đổ lỗi cho mẹ về cái chết của con cả. Anh chị em con, họ đã chạy theo vật chất mà quên hết cả đạo lý làm người. Do vậy, họ sẽ gặt hái được những điều mà họ đã gieo, nếu như không tỉnh lại để làm tròn chữ hiếu đã quên từ lâu. Mẹ đừng buồn nữa và hãy nghĩ rằng số phận của con chỉ có thế thôi để tiếp tục an vui sống với tuổi già hiu quạnh như mọi ngày dù con cháu đầy đàn. Mẹ cứ an tâm đi, dù nay thân xác con không còn nhưng hồn con vẫn luôn hiện diện bên mẹ để làm vơi bớt đi sự cô đơn lạc lõng đó.Gã ngậm ngùi hôn nhẹ lên má người mẹ như thường làm trong mỗi lần chia tay, dù lần ra đi này gã đã để lại thật nhiều mất mát cho người mẹ kính yêu ấy.Tuy không nói ra, nhưng qua ánh mắt đầy sầu muộn đó, gã biết rõ ràng rằng, mẹ mình đã linh cảm được, là bà ta cũng sẽ chết một cách âm thầm cô độc như gã trong một ngày không xa đây thôi. Có gì lạ đâu, vì hiện giờ tuổi đã cao sức đã mòn, bà ta vẫn lặn lội thân cò đi thăm con cháu nhưng luôn bị lạnh nhạt xa lánh hắt hủi. Dù không bị lệ thuộc về vật chất mà còn bị xem như như là gánh nặng cho gia đình, thì một ngày nào đó khi không đi đứng được nữa, có thể chẳng con cháu nào nhớ đến sự hiện hữu của bà ta. Cái chết trong cô độc đói khát tình người như trường hợp của gã lẽ nào lại không lập lại?Cuộc sống chẳng lẽ chỉ là cái vòng lẩn quẩn như vậy mãi sao? Sống thì thù hằn ghét bỏ nhau, nhưng khi chết rồi thì lại bày đặt thương tiếc. Gã không muốn tin điều đó là sự thật! Đúng ra, khi được sống trong tự do sung sướng đầy đủ thì người ta nên mở rộng tấm lòng từ bi ra với nhau nhiều hơn nữa, đằng này ngược lại, người ta chỉ biết sống cho riêng mình và trở nên ích kỷ ngay cả đối với chính họ... Tiền bạc nhiều, danh vọng cao sang cũng đâu có thể mang theo được khi đã nhắm mắt buông tay như gã hiện nay. Cái mang theo được duy nhất là tình người thì hầu như đã khô cạn từ lâu. Gã đã biết sợ cái thế giới đầy dẫy màu sắc lập lòe đó rồi! Cả đời đã mỏi mệt ngụp lặn trong muôn ngàn lời lẽ hoa mộng tâng bốc nhau, nên nay chết đi gã chỉ mong được chút thanh thản bình yên trong thế giới yên lặng trầm tĩnh này. Đừng khóc lóc gào thét thở than luyến tiếc làm chi, đã trễ rồi, có thay đổi được gì nữa đâu.Nơi đây gã cảm thấy hài lòng thật sự vì mọi người đều như nhau, chẳng ai để ý ghanh tị hay hiềm khích nhau bao giờ. Nấm mồ của lão già kế bên dù có lạnh nhạt nhạt khói hương hay cao đẹp hơn của cô gái trẻ mồ côi bị tai nạn nằm đối diện với gã... cũng chẳng làm cho những người đã chết phải bận tâm, vì xác thân này không còn thì những thứ đó có đáng gì đâu. Gã chỉ lo sợ một điều là, một ngày nào đó, người ta lại phá tan đi thế giới yên tĩnh này bằng các bữa tiệc tùng đãi nhau được nôm na gọi là ngày giỗ hay tưởng nhớ vong linh gã... Sợ nhất là lúc bị người sống ép buộc nhận đủ thứ của cải trần gian qua việc đốt vàng mã khói bay mịt mùng, thật ngộp thở. Đúng là chuyện đời thường ở dương trần, họ chẳng hiểu được thế giới của những người ở cõi âm chút nào! Họ đang sống mà không biết thực sự yêu thương nhau, thì làm sao có thể yêu thương được những người đã chết..Bởi vậy, ước nguyện duy nhất của gã là hồn của mình sẽ được tiếp tục đi chu du đó đây, để nhắc nhở cho mọi người một điều đơn giản là, hãy nên sống tử tế với nhau. Nếu được như vậy, chắc chắn rằng một ngày không xa đây, người ta sẽ không còn phải tốn kém tiền bạc và mất thời gian để cúng bái an ủi hay xua đuổi những cô hồn hoang đi lang thang như gã nữa.Màn đêm từ từ buông xuống, một làn gío nhẹ khẽ thoáng qua, vài chiếc lá xanh trên hàng cây cổ thụ già chợt rùng mình rơi rụng, đâu đó trong nghĩa trang yên tịnh này lại lập lòe vài ánh lửa bay chập chờn trong đêm khuya... Phạm minh Châu