Một ngày cuối tháng Tư năm một chín tám ba...
Khanh đưa tay định giữ lại chiếc khăn tơ choàng hững hờ trên cổ nhưng đã muộn, cơn gió lạnh còn sót lại của mùa đông đã cuốn theo chiếc khăn mỏng của nàng. Khanh nhìn theo, chiếc khăn bay là là trong không khí và vướng vào một vật cản nào đó. Khanh bước tới, nàng suýt bật cười khi nhìn thấy chiếc khăn của mình thật vô tình đang quàng ngang mặt một người. Một bàn tay đưa lên gỡ chiếc khăn xuống, nụ cười chưa thành hình trên môi Khanh đã vội ngưng lại vì cái ánh mắt đang chiếu thẳng vào nàng. Trong khoảnh khắc Khanh không thể diễn tả được ánh mắt kia như thế nào, chỉ biết rằng khi nhìn vào ánh mắt đó tim nàng chợt thót lại. Có một cái gì đó khó thể diễn tả bằng lời chứa đựng trong đôi mắt sáng kia, hình như trong đó có một chút nghiêm nghị, một chút soi mói, một chút tò mò và xen lẫn cả một chút chinh phục người đối diện.
Người đàn ông đưa trả chiếc khăn tơ cho Khanh, ánh mắt vẫn nhìn nàng đăm đăm. Khanh đón lấy chiếc khăn từ tay người đàn ông, chớp nhẹ mắt che dấu lúng túng, nói khẽ, cám ơn, và quay đi. Khanh cảm nhận được ánh mắt kia vẫn dõi theo phía sau nàng, Khanh nhủ thầm, người đâu mà khó chịu, cả một nụ cười nhẹ dành cho con gái cũng không có, Khanh đâu có mắc nợ ông ta đâu mà làm mặt khó đăm đăm với nàng như vậy, cái khăn choàng bị gió bay rồi vướng vào mặt ông ta, có muốn trách thì trách cơn gió hay là trách cái khăn chứ sao lại khó chịu với nàng.
Khanh bước lên chiếc xe buýt lớn, chọn một chiếc ghế gần cửa sổ ngồi xuống. Càng nghĩ Khanh càng bực mình, chuyến đi biểu tình tại Washington DC nhân ngày ba mươi tháng Tư năm nay đúng là chuyến đi xui xẻo từ đầu đến cuối, hôm qua lúc bị trể chuyến xe buýt từ Montreal cùng với nhỏ Nga là nàng đã trực giác được là chuyến đi sẽ có nhiều trục trặc rồi, và quả đúng như Khanh nghĩ, có ai ngờ chiếc xe buýt sang trọng như vậy lại có thể bị hư dọc đường, khiến gần ba giờ sáng mọi người mới đến khách sạn. Ngủ chập chờn được có mấy tiếng đã đến giờ phải thức dậy để đi biểu tình, nhỏ Nga tự dưng trở cơn đau bụng không thể đi, đành phải ở lại khách sạn bỏ Khanh đi một mình. Đã cuối tháng Tư mà trời hôm nay bổng dưng trở lạnh, Khanh lại sơ ý không mặc đủ ấm, đứng ngoài trời mấy tiếng đồng hồ, đầu nàng cảm thấy thật váng vất khó chịu, không khéo trở về nhà lại cảm mất.
Vậy mà còn chưa hết xui, cái khăn choàng cổ bay đáp trúng ai không trúng, lại trúng ngay một ông già khó chịu. Khanh chợt mỉm cười với ý nghĩ của mình, thật ra nàng gọi người đàn ông kia là ông già không biết có hơi quá đáng hay không, Khanh bị ánh mắt kia làm bối rối cho đến nỗi nàng không kịp nhìn rõ mặt ông ta xem già hay trẻ, đẹp hay xấu nữa. Khanh lắc nhẹ đầu, mặc kệ người ta, già trẻ xấu đẹp gì cũng không liên hệ đến nàng, cầu mong cho từ giờ đến lúc đi về không bắt gặp lại cái ánh mắt kỳ lạ kia là được rồi.
Hình như có ai đang đứng bên cạnh Khanh, vùng ánh sáng trước mặt bị che khuất, Khanh ngẩng mặt nhìn, tim lại giật thót, lời cầu mong của nàng thật chẳng ứng nghiệm chút nào, người đàn ông khi nãy đang đứng đó, ông ta hơi nghiêng người, tay chỉ vào chiếc ghế trống cạnh nàng, hỏi bằng một giọng trầm ấm:
-Chào cô bé, tôi có thể ngồi đây chứ?
Tuy giọng nói của ông ta khiến Khanh có cảm tình, nhưng cái lối nói kẻ cả gọi Khanh bằng cô bé lại khiến nàng khó chịu, cá tính ngỗ ngáo trong Khanh trở dậy, được, nếu ông ta muốn làm lớn thì Khanh sẽ cho làm lớn, Khanh khoát tay:
-Chú cứ tự nhiên...
Khanh quay mặt nhìn ra cửa sổ giấu nụ cười nghịch ngợm trên môi, ánh mắt sững sốt của người đàn ông khi nghe Khanh gọi ông ta bằng chú làm Khanh hài lòng, ít ra Khanh cũng đã trả được mối thù ông ta dám gọi Khanh bằng cô bé và cái ánh mắt làm Khanh bối rối khi trả lại chiếc khăn choàng cho nàng. Không quay lại nhưng Khanh biết ông ta đã ngồi xuống chiếc ghế cạnh nàng.
Chiếc xe buýt bắt đầu lăn bánh đưa mọi người trở về khách sạn. Khanh vẫn nhìn ra đường, bên cạnh người đàn ông cũng giữ im lặng không nói thêm câu nào. Xe buýt ngừng trước cửa khách sạn, mọi người xuống xe, người cuối cùng cũng đã rời khỏi xe mà người đàn ông bên cạnh vẫn ngồi yên không tỏ vẻ gì muốn rời khỏi chỗ ngồi. Khanh ngạc nhiên quay nhìn, nàng tưởng ông ta ngủ quên, nhưng không, ông ta đang nhìn Khanh, ánh mắt kia bây giờ hình như có một thoáng trêu chọc.
Khanh nhướng mày:
-Đến khách sạn rồi kìa chú...
Người đàn ông vẫn ngồi yên, hỏi tỉnh bơ:
-Cô bé gọi tôi bằng gì?
Khanh dài giọng:
-Thì bằng chú...
Ông ta lắc đầu:
-Tôi nghĩ tôi không đủ già để làm chú của cô, nếu cô không gọi lại cho đúng thì tôi không xuống xe...
Khanh xoay người lại, dựa lưng vào ghế:
-Không xuống thì không xuống, đâu có sao...
Người tài xế chồm ra nhìn về phía Khanh và người đàn ông, ánh mắt tỏ vẻ ngạc nhiên như muốn hỏi tại sao họ không xuống xe, Khanh lì lợm quay mặt đi, người đàn ông thở mạnh, vừa nói vừa đứng dậy:
-Từ trước đến giờ tôi cứ tưởng mình là người lì nhất, hôm nay lại gặp một người lì hơn, coi bộ tôi không muốn chịu thua cũng không được rồi...
Không đợi Khanh trả lời, ông ta quay lưng đi về phía cửa, bước xuống xe và mất hút trong đám đông. Khanh ấm ức, ông ta đã nói chịu thua mà còn cố chê thêm một câu, sao lại có người “ăn thua đủ” với đàn bà như vậy chứ.
Khanh lững thững bước vào khách sạn, mọi người đang tụ tập ở đại sảnh, nhỏ Nga từ đám đông chạy đến bên Khanh, Khanh nhìn Nga:
-Hết đau bụng chưa nhỏ?
-Hết rồi, báo hại tao nằm ở khách sạn từ sáng đến giờ chán muốn chết...
Có tiếng người nói trong loa phóng thanh, Khanh quay lại nhìn, nàng thật ngạc nhiên khi thấy người đàn ông khi nãy đang cầm loa nói với đám đông. Ông ta tổng kết tình hình rằng cuộc biểu tình hôm nay khá thành công, ít ra cũng đã gây được một tiếng vang đối với dân chúng Hoa Kỳ, mặt khác chứng tỏ được sức mạnh và sự đoàn kết của người Việt đang sống tại hải ngoại và gián tiếp cảnh cáo chế độ cộng sản Việt Nam.
Sau đó, ông ta nói lời cám ơn mọi người đã không ngại đường xá xa xôi đến tham dự đông đảo. Khanh lắng nghe tiếng hai người đàn bà đứng sau nàng đang thì thầm nói chuyện, và Khanh biết được ông ta là chủ tịch của cộng đồng người Việt quốc gia vùng Washington tên là Hiển, cũng là một người trong ban tổ chức cuộc biểu tình hôm nay.
Khanh nhìn về hướng người đàn ông, bây giờ nàng mới có cơ hội để nhìn kỹ ông ta, mày sậm, mắt sáng, giọng nói trầm ấm nhẹ nhàng nhưng không kém phần cương quyết và thuyết phục. Nhìn chung, nơi ông ta toát ra cái vẻ rắn rỏi và dứt khoát của một người làm chính trị. Về tuổi tác thì quả thật như ông ta nói với Khanh, ông ta chưa đủ già đến nổi bị Khanh gọi bằng chú, có lẽ ông ta khoảng chừng ba mươi lăm tuổi, tức là lớn hơn nàng khoảng năm bẩy tuổi gì đó.
Nga kéo áo Khanh, nói nhỏ:
-Bộ mày muốn ở lại Washington làm bà chủ tịch sao mà nhìn người ta dữ vậy? Nhưng nhìn kỹ ông ta cũng đẹp trai đó chứ...
Khanh đỏ mặt, lườm Nga:
-Nói bậy coi chừng người ta nghe được đó con khỉ...
Một buổi tối giữa tháng Năm, điện thoại reo, một giọng đàn ông thật lạ tìm Khanh làm nàng ngạc nhiên, người lạ tự xưng là người từ Washington, tự dưng Khanh nghe tim mình đập thật mạnh trong lồng ngực, từ hôm đi biểu tình về đến nay đã hai tuần lễ, Khanh những tưởng người đàn ông có ánh mắt lạ kia đã bị nàng bỏ lại thủ đô của xứ cờ Hoa, nào ngờ có những đêm khó ngủ, ánh mắt kia lại trở về ám ảnh nàng. Hôm nay ông ta lại còn điện thoại đến tìm Khanh, quái thật, làm sao ông ta có được số phone của Khanh nhỉ?
Khanh nghe giọng mình thật lạ:
-Chào chú... Washington...
Có tiếng cười nhẹ, giọng nói trầm ấm như đang rót vào tai nàng:
-Chào cô bé, nhưng tên tôi là Hiển, không phải là... Washington, lại càng không dám nhận vai chú...
Khanh mỉm cười, thì ra ông ta cũng biết pha trò đó chứ, đâu phải khó chịu như ánh mắt của ông ta. Khanh dấm dẳng:
-Ai bảo... gọi tôi là cô bé... nhưng mà... tại sao... ông có số phone của tôi?
Khanh nghe tiếng thở dài bên kia đầu dây:
-Trời, hết chú rồi đến ông... chẳng lẽ tôi già đến vậy sao?
Lần này Khanh cười nhỏ, hỏi trống không:
-Nhưng... tại sao biết số phone của tôi?
-Cô bé quên tôi là ai sao, chỉ cần một cú phone, "lý lịch" của cô bé tôi đã có đầy đủ...
Khanh bĩu môi:
-Lạm dụng chức quyền chứ đâu có gì hay, nhưng mà nếu tiếp tục gọi tôi là cô bé thì có là tổng thống Mỹ tôi cũng không nể mặt đâu nghe...
-Thôi được, đừng giận mà, vậy tôi gọi là cô Khanh được chứ?
Thì ra ông ta thật đã biết khá nhiều về Khanh chứ không phải chỉ nói đùa, Khanh ngập ngừng:
-Nghe tạm được, vậy... tìm tôi có chuyện gì?
-À không, không có chuyện gì quan trọng, tôi chỉ muốn hỏi nước hoa cô dùng tên gì thôi...
Khanh ngạc nhiên:
-Tại sao?
Giọng Hiển thật nhẹ:
-Tại... từ hôm biểu tình đến giờ tôi trót tương tư... mùi thơm của cái khăn choàng, ra tiệm nói cô bán hàng cho thử đủ các loại nước hoa vẫn không tìm ra mùi thơm giống như vậy... cho nên không có cách nào khác... đành đánh bạo hỏi thẳng chủ nhân của nó vậy...
Khanh đỏ mặt, người đàn ông này đúng là không giống ai, kể cả cách làm quen con gái cũng thật lạ. Cũng may mà ông ta không thể nhìn ra nét bối rối của Khanh, nếu không thì thật là quê quá, Khanh vẫn thường tự hào là mình giỏi ứng xử trong mọi trường hợp, vậy mà bây giờ nàng không tìm ra câu nào thích hợp để đối đáp lại cái con người kỳ lạ kia...
Và như thế Khanh quen Hiển, càng hiểu Hiển nhiều Khanh càng thấy nhận xét của mình về Hiển lúc đầu không sai. Hiển thật khác người, từ cách sống, cách suy nghĩ và kể cả tính tình cũng không giống ai. Hiển ấp ủ trong lòng một hoài bão thật lớn, chàng muốn phải làm một cái gì đó cho xứ sở, cho dân tộc, cho những người kém may mắn còn sống lại dưới chế độ cộng sản khắc nghiệt.
Thời gian dần trôi, tình bạn giữa Khanh và Hiển càng ngày càng khắng khít, và từ lúc nào không ai biết, tình bạn đã biến thành tình yêu, Hiển yêu Khanh, yêu luôn cái cá tánh ngỗ ngáo không chịu thua ai của nàng, trong khi Khanh yêu Hiển, cảm thông và chia xẻ những khắc khoải và trăn trở của chàng, và Khanh biết, nàng trực giác ra được rằng một ngày nào đó nàng sẽ mất Hiển, không phải mất vì một người đàn bà khác, mà mất vì lý tưởng của chàng.
Một buổi tối, Hiển kể cho Khanh nghe qua điện thoại về một tổ chức kháng chiến mới thành lập ở Cali, chuyện này Khanh cũng đã biết phong phanh qua báo chí thời gian gần đây. Nghe giọng nói phấn khởi của Hiển, Khanh cảm nhận được ngày nàng phải xa Hiển đã gần kề.
Một ngày tháng Năm, năm một chín tám lăm...
Những luống hoa tulip đủ màu như đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng vàng tươi của một buổi sáng mùa xuân. Mỗi luống hoa mang một màu khác nhau, trắng, đỏ, hồng, vàng... ngoài ra còn có cả những luống hoa được pha trộn bởi hai ba màu, mỗi loại mang một vẻ đẹp khác nhau khiến Khanh say mê nhìn. Trong các loại hoa, tulip là loài hoa Khanh thích nhất, Khanh không hiểu tại sao, có lẽ vì tulip là loài hoa nở sớm nhất trong năm. Mỗi năm, vào đầu mùa xuân, khi trên mặt đất tuyết còn chưa tan hết thì chồi non của những cây hoa tulip đã nẩy mầm. Và lần nào cũng vậy, khi nhìn những mầm non xanh mướt nẩy ra từ mặt đất còn khô cứng vì cái lạnh của mùa đông, Khanh cũng cảm thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên. Những cánh hoa tuy có vẻ mỏng manh nhưng thật sự lại rất cứng cáp và mạnh mẽ, mặc cho những cơn gió lạnh lẽo cuối đông còn sót lại, những đóa tulip này vẫn kiêu ngạo khoe sắc.
Năm nay, Hiển sang chơi đúng vào mùa hoa tulip nên Khanh đưa chàng đi thăm hội hoa ở Ottawa, thủ đô của Canada, quê hương thứ hai của nàng. Hội hoa tulip này theo thông lệ mỗi năm đều được tổ chức vào khoảng giữa tháng Năm, thu hút được rất nhiều du khách ở khắp nơi, tuy nhiên, cũng tùy vào thời tiết, có những năm thời tiết quá xấu, vào ngày hội, khi Khanh đến chỉ xem được... cuống hoa thôi, còn những cánh hoa thì đã bị mưa gió làm rơi rụng vào những ngày trước hết rồi.
Tiếng Hiển vang lên bên cạnh cắt đứt dòng suy nghĩ của Khanh:
- Hoa tulip cũng đẹp đấy chứ, Khanh nhỉ?
Khanh nhìn qua Hiển:
-Anh không biết hoa em thích nhất là hoa tulip sao?
-Thật à? Thông thường con gái hay thích hoa hồng mà...
Khanh lườm Hiển:
-Bộ anh hay tặng hoa cho con gái lắm sao mà rành vậy? Đối với em, hoa hồng chỉ đứng thứ nhì, sau tulip... nhưng mà anh có biết hoa tulip tiếng Việt mình gọi là gì không?
Hiển ngạc nhiên:
-Có tiếng Việt nữa sao? Là em đặt ra à?
Khanh lắc đầu:
-Thật có trong tự điển mà, cái tên tuy đẹp nhưng hơi buồn cho nên em không thích lắm...
-Là tên gì?
-Uất Kim Hương...
Hiển không nói gì thêm, hai người tiếp tục đi dạo bên những luống hoa, Khanh liếc nhìn Hiển, nét mặt chàng có vẻ suy tư, hình như Hiển đang có việc gì dấu Khanh, nàng cảm nhận được là Hiển không vui, một cơn gió thổi qua lạnh buốt, Khanh vừa rên, lạnh quá, vừa thắt chặt cái khăn choàng cổ. Hiển quay nhìn Khanh rồi nhìn vào chiếc khăn trên cổ nàng, chàng nói:
-Nếu hôm đó anh không bị cái khăn choàng của em vướng phải thì mọi chuyện đã khác rồi...
Khanh giận dỗi:
-Anh hối hận đã quen em?
Hiển choàng tay ôm vai Khanh:
-Đừng hiểu lầm ý anh, anh chỉ nghĩ là mọi việc đều do định mệnh sắp đặt...
Khanh nũng nịu tựa đầu vào vai Hiển:
-Mình kiếm chỗ ngồi đi anh, em mỏi chân rồi...
Hiển nhìn quanh, chàng chỉ một cái nhà hàng bên kia đường:
-Chúng ta vào đó được không?
Khanh gật đầu đi theo Hiển, cũng đã trưa nên họ cùng ăn bữa trưa trong nhà hàng. Sau đó, họ đi một vòng thành phố rồi trở về Montreal.
Sáng Chúa nhật, trước khi trở về Washington Hiển đưa cho Khanh một hộp quà nhỏ thắt nơ thật đẹp, chàng nói:
-Tặng cho em...
Khanh đón lấy hộp quà, mở to mắt nhìn Hiển:
-Sao lại tặng quà cho em?
Hiển hơi bối rối:
-Thì... coi như quà kỷ niệm ngày mình đi Ottawa với nhau vậy...
Lắc nhẹ hộp quà, Khanh hỏi nhỏ:
-Em mở ra bây giờ được chứ?
Hiển gật đầu, Khanh hồi hộp mở gói quà, bên trong chiếc hộp nhung xanh là một cây kim cài áo hình một cánh hoa tulip màu trắng thật xinh xắn, Khanh reo nhỏ:
-Dễ thương quá, cám ơn anh. Nhưng trước đây anh đâu biết em thích hoa tulip, anh mới mua sao?
-Ừ, anh mới mua ở Ottawa hôm qua...
Khanh nhíu mày suy nghĩ:
-Sao em không thấy? Có phải lúc anh bảo em chờ anh đi tìm washroom không?
Hiển gật đầu, Khanh ve vuốt mấy cánh hoa màu trắng trên tay, Hiển chợt nói:
-Em không có quà cho anh sao?
Khanh hơi ngạc nhiên:
-Em không có chuẩn bị, nhưng mà anh thích quà gì?
Hiển đáp không suy nghĩ:
-Tặng anh cái khăn choàng của em...
Khanh ngước nhìn Hiển, ánh mắt chàng thật buồn, Hiển nói tiếp:
-Cái khăn hôm đi biểu tình đó...
Khanh đi vào phòng ngủ lấy trong tủ áo cái khăn tơ hôm nào mà nàng đã cất kỹ vào một góc để làm kỷ niệm. Khanh đi trở ra, nàng choàng cái khăn qua cổ Hiển rồi nắm hai đầu cái khăn khẽ kéo mặt Hiển lại gần mình, Khanh nói nhỏ:
-Nếu có thể được, em thật muốn dùng cái khăn này để trói chặt anh vào với em cả đời, nhưng... em biết rằng em không đủ sức cho nên...
Hiển nâng cằm Khanh, nhìn vào mắt nàng, ánh mắt chàng bây giờ tha thiết quá, nhưng vẫn là một ánh mắt buồn, buồn cho đến nổi làm Khanh muốn khóc, chàng thì thầm:
-Cám ơn em, cám ơn em đã hiểu anh...
Mắt Khanh cay, nàng linh cảm được điều gì đó đang xảy ra nhưng Khanh không bao giờ ngờ rằng đây là lần chia tay vĩnh viễn. Những giọt nước mắt bị Khanh kềm lại từ nãy giờ đã tuôn ra khỏi khoé mắt, Khanh khóc và không hiểu tại sao mình khóc, Hiển gạt nhẹ những giọt nước mắt trên má Khanh, giọng chàng thật thấp:
-Đừng khóc, Khanh, nhìn em khóc anh cảm thấy mình thật có lỗi... hãy nhớ rằng lúc nào anh cũng yêu em và chỉ một mình em...
Hiển cúi tìm môi Khanh, nước mắt Khanh vẫn tiếp tục rơi xuống dù nàng đã cố gắng giữ lại, vòng tay Khanh ghì chặt cổ Hiển, nụ hôn dài bằn bặt, mê mãi và hình như mặn đắng vì nước mắt của Khanh.
Nhưng rồi cho dù có quyến luyến nhau như thế nào đi nữa, cuối cùng họ cũng vẫn phải rời nhau, hình ảnh cuối cùng của Hiển mà Khanh còn giữ lại trong trí nhớ là bóng chàng bước đi lầm lũi dưới trời mưa, cái khăn choàng của Khanh trên cổ Hiển bay nhẹ trong gió. Khanh là người không tin dị đoan, nhưng kể từ đó, Khanh không bao giờ tặng khăn choàng cho ai nữa vì nàng tin rằng đó là điềm xấu, sẽ đem đến sự chia ly.
Hiển trở về Washington và một tuần lễ sau Khanh nhận được một lá thư của chàng, lá thư chàng xin lỗi Khanh vì phải bỏ lại nàng để đi thực hiện lý tưởng mà chàng hằng ôm ấp. Trong thư có đoạn chàng viết: "như Khanh biết đó, anh trót mang nặng trong lòng một hoài bão khi lìa xa quê hương, bây giờ đã có cơ hội, anh không thể ích kỷ, vì hạnh phúc cá nhân mà quên đi nguyện vọng của mình. Tuy biết rằng sức mình thật nhỏ nhoi nhưng anh cũng vẫn hy vọng được góp chút sức mọn cho quê hương, dân tộc. Lẽ ra từ đầu anh không nên nói yêu em khi biết mình còn mang nặng trong lòng một lý tưởng, bây giờ chỉ đành xin lỗi em, Khanh ạ, hãy tha thứ cho anh và quên anh đi, chúng ta không duyên nợ, anh mong em tìm được hạnh phúc để anh có thể yên lòng dấn thân thực hiện lý tưởng của mình. Anh không gọi điện thoại cho em để nói câu từ giã dù trong lòng thật sự rất muốn, anh sợ không cầm được lòng mình khi nghe em khóc, cho nên đành dùng lá thư này để nói câu tạ từ. Hãy giữ gìn sức khoẻ Khanh nhé, hình ảnh của em và những kỷ niệm của chúng mình lúc nào anh cũng giữ trong lòng... ".
Nước mắt rơi làm nhoè nhoẹt những dòng chữ trong lá thư cuối cùng của Hiển gửi cho Khanh, sau đó Khanh có gọi điện thoại sang cho chàng nhưng chàng đã cắt đường dây, Hiển thật sự đã ra đi, chàng đã rời xa Khanh mãi mãi...
Từ lúc xa Hiển, Khanh đếm từng ngày... một tháng, hai tháng, rồi một năm, hai năm. Thời gian lẳng lặng trôi... hy vọng của Khanh nói riêng, và của những người Việt tha hương nói chung vơi dần theo năm tháng khi chế độ cộng sản vẫn tồn tại và tiếp tục thống trị đất nước thân yêu của họ.
Khanh trông chờ ngày đêm tin tức của Hiển nhưng chàng vẫn bặt vô âm tín. Không một lá thư, không một lời nhắn, Khanh vẫn mỏi mòn ngóng đợi mà Hiển thì như một cánh chim, mất hút biền biệt ở một phương trời xa xôi nào đó.
Cuối cùng, tất cả nhớ nhung mong đợi đã biến thành nỗi giận hờn và tuyệt vọng, Khanh nghĩ rằng có lẽ Hiển chẳng yêu Khanh như Khanh đã yêu chàng khi chàng ra đi đã lâu mà không gửi về cho nàng một tin tức nào cả.
Thời gian vẫn hờ hững trôi, nỗi nhớ nhung nào rồi cũng nguôi ngoai, nỗi mong chờ nào rồi cũng phai nhạt dần... năm năm sau, Khanh lấy chồng, một năm sau đó, đứa con gái ra đời. Hạnh phúc như đã mỉm cười với Khanh trong gia đình, bên cạnh chồng con.
Mùa hoa tulip, năm hai ngàn lẻ năm...
Khanh dùng khăn lau nhẹ mái tóc dài vừa gội xong còn ướt nước, nàng ủ hết mái tóc vào chiếc khăn rồi quấn quanh đầu. Bước vào phòng ngủ, ngồi xuống trước bàn trang đìểm, với tay bật cái đèn nhỏ, Khanh nhìn mình trong gương, dùng hai ngón tay xoa xoa những nếp nhăn ở đuôi mắt, Khanh nhủ thầm, hình như mình già rồi, thời gian trôi nhanh vùn vụt, mới đó mà con gái nàng cũng đã bước sang tuổi mười ba. Hiển bỏ đi cũng đã gần hai mươi năm.
Khanh lắc nhẹ đầu, cố xua hình bóng Hiển ra khỏi ý nghĩ của mình. Không hiểu tại sao hôm nay Khanh lại nghĩ nhiều đến Hiển như vậy, có lẽ vì chuyến đi ngắm hoa tulip hôm nay ở Ottawa với vợ chồng người bạn của chồng nàng, khiến Khanh nhớ lại lần đi chơi cuối cùng với Hiển.
Khanh mở hộc tủ tìm cái hộp đựng những thứ nữ trang cũ ít khi dùng đến, nàng lấy từ dưới đáy hộp ra cái kim cài áo có hình đóa hoa tulip của Hiển tặng nàng. Khanh vuốt nhẹ những cánh hoa, theo thời gian, cái kim cài áo cũng đã cũ, nuớc sơn trắng ngày xưa đã đổi sang màu ngà. Không biết bây giờ Hiển ra sao, Khanh thở dài, câu hỏi này nàng đã tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần rồi, và bao nhiêu năm qua, Khanh vẫn chưa tìm ra câu trả lời.
Vân, con gái Khanh bước vào phòng gọi:
-Mẹ ơi, ba nói mẹ xuống xem chương trình ca nhạc với ba...
Khanh lại thở dài, đặt cái kim cài áo vào trở lại trong hộp, đóng hộc tủ lại, Khanh nói với con:
-Ừ, Vân xuống trước nói với ba chờ mẹ sấy tóc cho khô rồi xuống liền...
Vân quay lưng, Khanh gỡ cái khăn trên đầu xuống, uể oải đi vào phòng tắm tìm cái máy sấy tóc, không hiểu tại sao hôm nay Khanh không có hứng thú làm gì cả, kể cả xem ca nhạc, là thứ giải trí mà ngày thường nàng rất thích.
Ngồi thu người trên sofa, Khanh lơ đãng theo dõi chương trình văn nghệ trên tivi, người ta tổ chức một chương trình văn nghệ thật đặc sắc để đánh dấu ba mươi năm kể từ ngày chế độ cộng sản áp đặt lên miền nam Việt Nam. Trong suốt chương trình, họ đã giới thiệu và vinh danh những người Việt tài giỏi đạt được nhiều thành công trên mọi lãnh vực từ khắp nơi trên thế giới. Khanh thầm tự hào với những thành quả đạt được của dân tộc mình sau ba mươi năm.
Đưa tay lên che miệng ngáp dài, nàng cảm thấy thật mỏi mệt và buồn ngủ, ngước nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, đã quá nửa đêm, khuya rồi hèn gì mà chẳng buồn ngủ. Chương trình văn nghệ chưa có vẻ gì là sắp sửa kết thúc, vừa định nói với chồng tắt đi ngủ, ngày mai xem tiếp thì một giọng hát cất lên trong tiết mục kế tiếp làm Khanh giật mình, cơn buồn ngủ bay mất, Khanh dán mắt vào tivi, nhìn sững người đàn ông đang ôm guitar vừa đàn vừa hát. Tim Khanh như ngừng đập, phải Hiển đó không?
Người đàn ông hình như có nét hao hao giống Hiển, Khanh cũng không chắc lắm, đã hai mươi năm rồi còn gì, khuôn mặt và dáng dấp của Hiển có thể thay đổi khiến Khanh nhìn không ra nhưng giọng hát thì không thể nào nàng lầm lẫn được, đúng là giọng hát trầm ấm của Hiển, bài hát thật lạ, hình như Khanh mới nghe lần đầu, nói về quê hương và tuổi trẻ, bản nhạc này có lẽ do chính Hiển sáng tác, Khanh nhớ lúc trước mỗi khi Khanh buồn chàng vẫn thường đàn và hát cho Khanh nghe những bản nhạc do chàng viết.
Bài hát chấm dứt, người điều khiển chương trình đang mời người đàn ông bước đến micro để phỏng vấn, Khanh hồi hộp chờ nghe người MC gọi tên người đàn ông xem có phải là Hiển hay không dù trong lòng Khanh đã chắc chắn đó chính là Hiển đến chín mươi phần trăm. Tuy vậy, câu chào của người MC vẫn khiến Khanh giật thót cả người:
-Xin chào anh Đặng Thế Hiển...
Giọng trầm ấm của Hiển hình như vẫn không thay đổi, nụ cười không tròn miệng của chàng cũng vẫn như xưa, chỉ có ánh mắt chàng vì khoảng cách xa quá nên Khanh không nhìn rõ. Trên màn ảnh người ta đang giới thiệu với khán giả một số hình ảnh về những hoạt động của Hiển, thì ra Hiển vẫn chưa từ bỏ lý tưởng ngày nào của chàng, không đủ khả năng chống cộng sản bằng vũ lực chàng đổi sang đấu tranh trên mặt trận văn hóa. Hiển đã cùng với một nhóm bạn trẻ thành lập ra một tổ chức, tập họp tất cả những người trẻ Việt Nam trên toàn thế giới, những người có tinh thần yêu quê hương, có cùng nỗi khắc khoải thương xót cho đồng bào còn ở lại quê nhà, đang sống khổ sở dưới chế độ cộng sản. Họ đã đem tiếng hát và lời ca đi khắp thế giới để kêu gọi sự đồng tình, đánh thức những lương tâm đang ngủ quên, để cùng nói lên tiếng nói tự do, công bằng và bác ái.
Tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường, Khanh cảm động khi nhìn thấy người Việt mình sau bao nhiêu năm cũng vẫn còn tinh thần yêu nước và ủng hộ những người yêu nước. Thật ra tổ chức của Hiển thành lập đã khá lâu rồi, nhưng từ sau khi lấy chồng, Khanh sống khép kín, không còn tham gia những sinh hoạt của cộng đồng cho nên nàng đã không nghe người ta nhắc đến.
Người MC yêu cầu Hiển gửi vài lời nhắn nhủ đến tuổi trẻ Việt Nam trên toàn thế giới, Khanh lắng nghe từng lời của Hiển, giọng nói trầm ấm và nhẹ nhàng nhưng không kém phần cương quyết và thuyết phục của ngày biểu tình năm nào trở về trong trí Khanh, không khí trong cả hội trường chợt lắng đọng, người ta đang nghiền ngẫm những điều Hiển nói, chàng quả thật có khả năng chinh phục mọi người, tự dưng Khanh cảm thấy hãnh diện vì chàng dù rằng bây giờ chàng chẳng là gì của Khanh.
Sau giây phút lắng đọng, mọi người như đang nhốn nháo lên khi người MC xin phép Hiển để được hỏi một ít về đời tư của chàng. Khanh hồi hộp chờ đợi, hơn ai hết, nàng cũng muốn biết cuộc sống hiện tại của Hiển, ngoài những sinh hoạt xã hội, chắc chàng phải có gia đình, vợ con rồi chứ.
Khanh nghe người MC hỏi:
-Tôi nghe các bạn trẻ cùng sinh hoạt với anh nói rằng anh vì theo đuổi lý tưởng của mình mà hy sinh hạnh phúc riêng tư, vì vậy cho đến nay anh vẫn không lập gia đình, xin anh cho biết điều này có đúng không?
Hiển cười nhẹ:
-Tôi thật không dám nhận là mình cao cả đến nỗi hy sinh hạnh phúc riêng tư cho lý tưởng của mình. Tuy nhiên, tôi biết rõ để thực hiện lý tưởng của mình, tôi không thể nào hết lòng yêu thương và có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho người đàn bà ở cạnh mình, chính vì vậy mà tôi không lập gia đình...
Người MC hóm hỉnh ngắt lời:
-Như vậy anh cho phép tôi đại diện quí vị khán giả... tò mò thêm một chút. Như anh nói thì từ trước đến giờ anh đã cố gắng để... không yêu thương ai hết?
Khanh thấy Hiển có vẻ hơi lúng túng với câu hỏi của người MC, hình như cũng nhận thấy giống Khanh cho nên người MC nhanh nhẹn nói:
-Xin lỗi anh, câu hỏi hơi quá tò mò, anh có thể không trả lời cũng không sao...
Hiển hắng giọng, chàng nói:
-Không sao anh ạ, việc này tôi có thể chia sẻ cùng anh và quí vị đây, thật ra cách đây lâu lắm rồi, tôi đã từng yêu thương một người con gái, nhưng cuối cùng, tôi đã vì lý tưởng của mình mà bỏ lại nàng, tôi đã hối hận trong suốt một thời gian dài, cho mãi đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn còn ray rứt...
Ống kính thâu khuôn mặt của Hiển thật gần, có lẽ người quay phim cố tình nắm bắt những cảm xúc trên gương mặt chàng, Khanh đã nhìn thấy ánh mắt Hiển, ánh mắt vẫn như xưa như đang nhìn thẳng vào Khanh, thật gần mà sao muôn trùng xa cách. Có phải chăng Hiển đang nhắc đến mối tình của chàng và Khanh, nước mắt lặng lẽ chảy xuống má. Không khí im lặng, mọi người như đang thông cảm với mối tình ray rứt của Hiển.
Người MC lên tiếng phá tan sự im lặng:
-Người con gái anh yêu năm nào có thể bây giờ đang theo dõi chương trình này, như vậy anh có lời gì muốn nhắn nhủ với cô ta hay không?
Giọng Hiển chùng thấp:
-Cám ơn anh đã cho tôi cơ hội để nói những lời này, thật ra đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi nghĩ bây giờ người xưa có lẽ đang hạnh phúc và vui vẻ trong gia đình êm ấm cho nên tôi không dám gửi lời nhắn nhủ nào cả mà tôi chỉ có một nguyện vọng, mong rằng cô ấy được hạnh phúc và mãi mãi hạnh phúc là tôi mãn nguyện rồi...
Tiếng vỗ tay vang dội, có lẽ mọi người đang cảm động với nguyện vọng của Hiển, Khanh lén dùng tay áo lau nước mắt, nàng muốn nói với Hiển rằng nàng đã hiểu chàng, nàng hứa sẽ trân quí hạnh phúc gia đình mà nàng đang có để giúp Hiển đạt được nguyện vọng duy nhất của chàng. Bây giờ Khanh mới biết, tình yêu của nàng đối với Hiển ngày nào thật nhỏ nhoi so với lý tưởng cao cả của chàng, vậy mà phải hai mươi năm sau Khanh mới thấu hiểu.
Khanh không còn giận Hiển nữa, nàng cầu mong cho chàng sớm ngày hoàn thành lý tưởng của mình, cả một quốc gia, một dân tộc đang chờ những người như Hiển, hy vọng rằng những người bạn trẻ của chàng cũng cùng chung lý tưởng, và như vậy, cái ngày mà tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đang chờ đợi sẽ không còn xa nữa...
Montreal, tháng 4 năm 2006
Phạm Lệ An

Xem Tiếp: ----