Phần thứ Ba
Chương 23

Ba tháng qua. Sau khi nước rút hết ra hoặc bị mặt trời hút khô đi, thì này đây, hạn hán đã bắt đầu báo trước cái tai hại đáng kinh hoàng của nó. ở ngoài đồng, ở trong làng, ở sườn đê, ở các gò đồng, ở bờ rào, ở chỗ nào cũng vậy, chỉ là cái màu trắng xóa của đất phù sa. Cỏ chưa biết bao giờ mới kịp mọc. Mặt đất phô ra cái quang cảnh trơ trẽn đáng giận như một người đàn bà mà lại không có tóc dài trên đầu. Sự xúc phạm, sự phá hoại của nước lụt đã là đầy đủ. Cây cối chết vì úng thủy, giơ thẳng lên không gian những cành khẳng khiu không lá, như những cánh tay của bọn hành khất, trông rõ tang thương. Những bụi tre chỉ còn gốc đã ngả ra màu củi khô. Bao nhiêu làng, bị lấy mất lđá tre xanh trong lúc hộ đê, để phô ra những túp nhà lá điêu tàn, xiêu vẹo mà nước lụt điểm ngang ở chỗ giữa vách. Người nghèo cố đào ngoáy xoay xỏa trên mặt đất cũng không kiếm ra cái gì ăn được, ấy là đất tốt mầu vô cùng. Trong suốt một tỉnh, chỗ nào cũng đầy ra những ăn mày, hoặc là trộm cướp tứ tung. Nhà nước ước chừng số dân đói tổng cộng là hai vạn bẩy nghìn rưởi người. Trong một tháng trời, đã có hai lần phát chẩn của ủy ban Cứu tế, mỗi lần một đầu người được hai bát gạo. Mỗi lần có chẩn tế, bọn cùng dân lại kêu la rằng những đứa to đầu hơn họ - ý nói bọn lý dịch vậy - đã ăn chặn mất của họ, vậy mà kỳ trung thì cũng chẳng người nào được một bữa cho no nê!
Chính phủ có bỏ tiền ra cho dân vay để mua mạ cấy tái giá, nhưng dân vay được chỉ là hạng có tư sản, ruộng ít ra cũng từ một mẫu trở lên. Kẻ có một vài sào thì Nhà nước không cho vay tiền, - và giá có cho vay thì họ cũng chẳng có cơm đâu mà chờ được cho đến ngày cày mạ thành cây lúa. Bọn dân cùng ấy bỏ làng đi tha phương cầu thực, sẵn sàng giơ sống lưng và hai bàn tay ra xin việc để kiếm mỗi bữa một hai xu, bất cứ việc gì cũng làm. Người ta thấy trên những bước đường thiên lý hàng đàn hàng lũ những dân vong gia, trai tráng mà đã gầy còm, hoặc già nua mà vẫn hăng hái, vừa đàn ông vừa đàn bà, kẻ liềm, kẻ đòn gặt, đi xin việc ở những người không có thừa việc. Là vì trong cả một tỉnh, đã hơn một tháng nay, trời không đổ xuống một giọt mưa. Cái số người được hưởng kết quả của mạ cấy tái giá thì thật hiếm lắm. Hạn hán! Thật thế, trong khoảng một trăm ngày thì, một nửa, cả tỉnh ủng sũng những nước, mà nửa về sau thì đất khô, cỏ héo, ánh nắng mặt trời gay gắt thiêu đốt cỏ cây, vạn vật, để lộ cái trắng lấp lánh trên mặt đất phù sa. Có làng chỉ còn một cái ao con, đã cạn đến đáy, chỉ còn một vũng nước nhỏ, mà ăn đấy, tắm giặt đấy. Có khi ta trông thấy các giống chim muông sã cánh, há hốc mỏ để cái lưỡi thè lè ở giữa, dáng điệu thất vọng vô cùng, bay hàng giờ mà không kiếm được một giọt nước nào. Hai vạn tám nghìn người đã đói trong ngót hai tháng trời trên mặt nước. Bây giờ hai vạn tám nghìn người lại khát nữa, trên mặt đất khô, hoàn toàn đất khô. Trong bốn mươi ngày rồi! Nắng tháng năm...
Mà tháng năm là tháng đóng thuế! Nhà nước, như một kẻ mù và điếc, không trông thấy gì cả, không nghe thấy gì cả, bằng sự mẫn cán của bọn quan lại, bèn muốn thuế má ổn thỏa trót lọt cũng như mọi năm... Công quỹ đã bỏ ra ngót vạn bạc cho dân vay mua mạ. Như vậy, phải đóng thuế. Sự mẫn cán của các quan lại đổ vào đầu bọn lý dịch. Bọn này cầu cứu đến tuần đinh, lính tráng, lính lệ, lính khố xanh, lính cơ... Chạm đến đục, thế là những cảnh tượng thằng thúc, dọa nạt, chửi bới, bắt trói, đánh đập, khóc mếu, cầm cố, bán chác, trốn tránh... Cha bỏ con, vợ mất chồng. Và trộm cướp và án mạng, v.v... Những tấm thảm kịch lục- cá- nguyệt lại diễn đi diễn lại và, lần này, bi thương thảm đạm hơn nữa! Trống thúc ban ngày, mõ giục ban đêm. Đóng thuế! Đóng thuế! Nhưng mà dân không có tiền! Cuộc chiến tranh giữa dân và bọn thu thuế thật là ghê gớm. Kẻ bại trận, trong hàng lý dịch thì đành đem triện đồng trả quan trên. Nhưng không phải có bao nhiêu lý dịch từ chức hết cả. Cho nên có rất nhiều kẻ bại trận trong hàng dân đen. Cái điều dĩ nhiên, cái sự không thể tránh được là một khi dân gian đã chết đói dở vì không tiền mà còn bắt họ phải chi tiền, tất nhiên họ phải kêu ca. Người ta không thể làm cách nào khác, nếu không tụ họp nhau, bàn luận cách đối phó với thuế má mà người ta coi như một cái tai vạ. Từng nhà một, người ta họp nhau trên đường cái quan. Nhân lúc phong trào đình công và biểu tình đương lan khắp ba kỳ, bọn dân bị lụt và bị hạn hán cũng làm một cuộc quần chúng vận động. Giáo Minh đã sống chung những nỗi khổ của bần dân. Chàng đã ở làng với mẹ, giữa hồi nước lụt, rồi nắng héo cây, gẫy cỏ, để thay cho Phú dạy học ở Hà Nội. Cụ Cử có chừng năm sào ruộng xưa nay vẫn cho cấy rẽ cũng có đủ hột gạo ăn quanh năm. Cụ không được Nhà nước cho vay tiền mua mạ cấy tái giá. Tuy vậy, khi nước rút, Minh cũng có mua mạ. Nhưng trời nắng. Ruộng của mẹ chàng cũng khô nẻ cả, mạ đem về đành để đun bếp. Thấy dân tình đói khổ quá, chàng bèn nghĩ cách cùng họ chiến đấu trong vòng pháp luật...
Người ta thấy chàng lên tiếng biện bác hoặc bàn soạn trong các đình làng. Người ta lại thấy chàng đi đi lại lại kiểm điểm cắt đặt cái lũ sáu trăm con người đã xếp hàng hai dài trên con đường cái quan. Những người làng cùng với Minh thì có từ anh Hai Cò, nghèo nhất làng, cho đến ông chánh Mận giàu nhất làng, nhưng bị nước lụt và hạn hán phá sản. Ông lý trưởng đã đem triện lên trả quan trên. Ông chánh hội đứng trung lập. Những người khác thì hùa nhau theo số đông. Minh mừng thầm, thấy dân quê đã giác ngộ, đã khá hơn trước nhiều lắm. Bữa ấy, còn bốn hôm nữa thì hết hạn đổ thuế. Thế cho nên những kẻ nào không có gì là vật quý giá đem ra bán nữa, hoặc có mà bán không ai mua, hoặc không được kết quả tốt trong cái sự cam tâm bán vợ đợ con, những kẻ đã trù trừ mãi sau những buổi họp kín ở các đình làng, bèn quả quyết rủ nhau lên đường cái quan...
Sáu trăm người! ấy là không kể những kẻ nhút nhát muốn đòi bú mà không dám khóc, chỉ đứng xem dưới ruộng đất nứt. Minh, ông chánh Mận, một viên chánh tổng, và ba viên cánh hội làng nào không biết, ấy đó, bộ tham mưu của cuộc biểu tình đồng hành. Khi xem chừng không còn người nối đuôi vào cái đám rước của những kẻ đói khát ấy nữa, bộ tham mưu chia tay nhau ra dặn bảo những khẩu hiệu mà ai cũng phải hô, những lệnh mà ai cũng phải tuân theo. Được có người biết phương pháp chỉ bảo cho, dân gian ai nấy vâng lời tăm tắp, nức lòng phấn chấn. Thẳng tiến! Lệnh đi đã hô rồi. Sáu trăm người bị lụt và bị hạn ấy lên thẳng tỉnh lỵ, vào dinh ông Công sứ đệ đơn xin khất vụ thuế tháng năm. Cứ hai người một hàng... Những cái chân không dẫm đất lạch bạch cũng là một thứ nhạc binh hùng vĩ. Hàng đầu là một ít đàn bà và trẻ con. Rồi đến những kẻ trai tráng, những ông già. Đây là một bác khán thủ có nhà ngói, cây ít, mà nước lụt đã làm cho điêu đứng trôi mất con, trôi mất nhà. Kia là ông lý cựu mà hạn hán đã làm cho tiêu diệt nốt những cái lực mà ông cố gom góp được sau vụ vỡ đê. Nay người đàn bà quần áo lôi thôi lốc thốc gánh hai đứa con bằng hai cái thúng, vì người chồng, từ khi đi phu hộ đê, thì không thấy về nữa. Nọ là ông lão chưa được miễn thuế, người đã có một đứa con chết cho Pháp quốc, và một đứa nữa, chết cho sự hành hung của một ông tây đoan trong một cuộc khám rượu lậu ở làng... Trong sáu trăm người ấy, người nào cũng có nhiều sự phẫn uất phải giấu kín và một điều muốn kêu ca. Trong sáu trăm người ấy thì không mấy ai có một bộ quần áo lành lặn, và tất cả đều có những nét mặt đau khổ, tê tái. Đạo binh những người thất nghiệp, vong gia. Đạo binh những kẻ đói khát không sợ vào tù. Một đàn những con cừu biết kêu to khi thấy người muốn cạo hết cả len, dạ. Giữa buổi trưa, trời nắng chang chang...
Đạo binh bệ rạc rầm rộ cứ thẳng đường tiến bước. Khi đến đầu tỉnh thì đã ba giờ chiều. Người hai bên hàng phố đổ ra xem đông. Những chiếc ô tô hàng phải đỗ lại, bị nghẽn. Trong nháy mắt, cả một nơi tỉnh lỵ hơn ba chục phố, dân gian xôn xao đón cái tin phi thường: Biểu tình! Hai tiếng ấy làm nao nao quả tim của kẻ bàng quan. Nhà đương chức tưởng chừng như sắp có phiến loạn. Một toán lính khố xanh chừng bốn chục người do một viên đại úy chỉ huy, ra đón đường dân quê. Khi trông thấy lính, bọn này dặn nhau rằng sẽ quả quyết bước lên trên sự đe dọa và khoanh tay lại để tỏ rõ cái ý muốn để nguyên trật tự. Một viên đội khố xanh đứng dạng chân giữa đường giơ hai tay ra ngăn, thông ngôn cho mấy câu gắt của viên quan Tây.
-Đứng lại! Quan trên hỏi những người này ở đâu đến, muốn gì?
Những người đứng gần hàng đầu nhao nhao đáp:
- Chúng tôi là dân bị lụt đến tòa sứ xin khất thuế.
-Không được! Quay lại, không có quan trên sẽ ra lệnh bắn!
-A- lê Đờ- mi tua!... Hích...!
Dân biểu tình vẫn đứng nguyên chỗ. Ai nấy khoanh tay. Bốn chục lính khố xanh lắp đạn vào súng lách cách. Bỗng thấy một lời hô to trong hàng ngũ của dân quê:
-Anh em cứ khoanh tay mạnh bạo mà tiến! Có các tiền họ cũng không bắn chết được ngần này con người.
Sáu trăm người như một con rết không bò trong một phút, lúc ấy lại động đậy cái đầu. Viên đại úy hô:
“Phơ!”
Tức thì mấy chục tiếng súng nổ. Ai cũng giật mình nhưng không ai ngã. Thì ra đó là súng bắn chỉ thiên mà thôi! Đám dân biểu tình, một phen hiểu ra, lại càng phấn khởi. Người ta trông thẳng tòa sứ mà tiến, để lại bên đường ông quan binh mặt đỏ gay gắt đương quát tháo bọn lính ngẩn ngơ...
Cổng tỉnh vượt qua, lính tráng cũng vượt qua được, cuộc thắng thứ nhất ấy như là một cuộc toàn thắng chung kết, lần đầu tiên những cái tay khoanh khoanh trước ngực mà lại chẳng chịu thua những cái súng trường. Khi dân quê tụ họp đen nghịt cả cái sân tòa sứ thì lính tráng, và những ông phán hấp ta hấp tấp, chạy ngược chạy xuôi... Hồi lâu mới thấy ông tổng đốc bước ra thềm đá, mặt tái xanh lại như chàm đổ. Sáu trăm bàn tay nắm chặt, giơ lên cao. Sáu trăm cái mồm nhất loạt, đều hô nhịp nhàng:
- Chính phủ Bình dân vạn tuế!
Ông tổng đốc bèn ngẩn mặt ra như người bằng gỗ. Cái lối chào ấy, khẩu hiệu ấy, ông chỉ thấy trong các nhật báo nói về người Hà Nội, Sài Gòn, ở những nơi đã văn minh... Bây giờ tỉnh này! Dân quê, thật ông không bao giờ lại tưởng đến một cuộc cách mệnh như thế.
- Ởđâu kéo đến thế này? Biểu tình à? Đã có luật pháp nào dong cho các người biểu tình? Có muốn ngồi tù không?
Ông tổng đốc nói hống hách thế xong để ngẩn mặt ra lần nữa, vì sáu trăm cái mồm đồng thanh:
-Bẩm quan lớn, vâng! Sáu trăm người này đều cũng muốn ngồi tù!
- Ờthế các anh kêu xin cái gì?
- Chúng tôi là dân bị lụt và bị hạn hán, tình cảnh khốn khổ quá đỗi, không thể đóng thuế được chỉ xin quan trên hoãn thuế! Hoãn thuế!
Quan tổng đốc khoanh tay ngẫm nghĩ trên thềm đá. Dân cũng khoanh tay đứng đợi dưới sân. Hồi lâu quan tuyên bố:
-Được! Đơn xin đâu, đưa cả ra đây, bản chức nhận đơn!
Có chừng sáu bẩy lá đơn đưa lên tận tay. Quan nhìn thì lá nào cũng đặc những chữ ký.
- Thôi, ta nhận đơn rồi để ta xét cho. Các người giải tán đi! Ai về nhà người ấy!
Sáu trăm người nhao nhao:
-Bẩm xin quan lớn trả lời cho thì chúng tôi sẽ giải tán.
- À! Các người nhầm! Ta sẽ đưa đơn lên quan công sứ chứ ta không có quyền. Để ta nói hộ cho.
Cứ giải tán đi.
-Bẩm dân chúng tôi chờ quan công sứ trả lời.
-Quan công sứ đi vắng.
-Bẩm thế chúng tôi xin chờ đây mãi, chờ khi nào quan sứ về.
- Tối hôm nay chưa chắc quan sứ đã về. Chờ vô ích.
Cả cái đám dân ấy lại cùng một câu:
- Thế thì chúng tôi xin ngồi lại trong sân này đến sáng mai.
Nói xong, sáu trăm người lặng lẽ ngồi xổm xuống sân tòa sứ, đều đặn đến nỗi ta trông như một đoàn học sinh tập vận động, mà ngồi xuống khi nghe thấy một tiếng còi, mặc lòng lúc ấy dân quê không ai thổi còi. Thấy tình hình nghiêm trọng, quan tổng đốc cau mày, cắn môi... Rồi quay vào công đường, biến mất sau một cái trấn phong vải xanh lơ. Mười phút sau quan tổng đốc cùng ra với quan sứ. Trông thấy quan thủ hiến, sáu trăm người lúc ấy lại đứng lên với những quả đấm giơ cao. Độ chừng mươi người chào bằng tiếng Pháp:
“Vive le Front Populaire!”
Kế tiếp những câu:
“Chính phủ Bình dân vạn tuế!”
cũng như lớp trước. Quan công sứ giật mình lên, tưởng như đương ngủ mê... Ngài thấy cả xứ Đông Dương đã nhuộm màu đỏ, và người Pháp tưởng chừng không ở được nữa! ấy đó, khi nước Pháp có ông Blum có ông Moutet, ông Godart, thì lợi cho nước Pháp là như thế! Xưa nay ngài quen trông thấy người bản xứ, nhất là dân quê, chỉ biết chào bằng cách thì thà thì thụp nếu ở trong công đường, hoặc gập gẫy lưng vái dài, khi ở ngoài đường trông thấy ô tô quan trên...
Vậy mà bây giờ họ hô khẩu hiệu bình dân, họ chào theo kiểu cách mệnh! Tuy nhiên ngài cũng cố bình tâm nghe quan tổng đốc thông ngôn cái nguyện vọng của đám dân biểu tình... Rồi ngài tuyên bố là chính phủ bảo hộ bao giờ cũng săn sóc đến dân quê. Lời ngài nói uyển chuyển và trơn tru như nước chẩy, lại có những cử chỉ mềm mỏng điểm xuyết vào nữa... Ngài tuyên ngôn là vì hết lòng thương xót đến nông dân cho nên mới trích tiền công quỹ cho dân vay mua mạ cấy tái giá, nay nông dân không thấy mưa thì nên lễ cầu đảo đi, chứ ngài cũng không biết thế nào... Người dân có bổn phận đóng thuế. Chính phủ đã cho dân vay tiền lúc vỡ đê nay dân nên biết giữ cho đủ bổn phận, đừng nghe bọn phiến loạn nhà nghề chúng xúi giục, và không được phép hơi một tí họp nhau biểu tình như thế. Lần này là lần đầu thì ngài tha cho, nhưng lần sau còn thế nữa, chính phủ sẽ quyết thẳng tay trừng trị. Còn về nguyện vọng của dân thì ngài chỉ có thể đáp rằng việc xin hoãn thuế đến vụ tháng mười thì để ngài trình lên quan Thống sứ chứ ngài không có quyền. Ngài hứa sẽ hết lòng phân bầy mọi lẽ giúp cho. Tuy nhiên vì việc cấp bách, thì ngài cũng rộng lòng gia hạn cho dân thêm nửa tháng nữa để cho dân có thời giờ chạy tiền đóng thuế, cái việc đáng lẽ phải xong vài hôm nữa thôi. Sau khi nghe quan tổng đốc tuyên ngôn rành mạch như thế, dân quê tuy không được hoàn toàn hài lòng nhưng cũng không đến nỗi thất vọng. Một lần nữa người ta lại chào theo kiểu bình dân. Trước khi ra lệnh cho sáu trăm con người ấy giải tán đi, quan công sứ còn ngọt ngào tươi cười mà tuyên ngôn rằng dân biểu tình nên chọn lấy một số người đại biểu phòng khi ngài có muốn hỏi han điều gì hoặc là muốn truyền xuống dân gian thì tiện lợi nhanh chóng hơn cách tư giấy mà theo phương diện cai trị. Tức là đám dân ấy tiến cử ngay bộ tham mưu của họ một cách ngây thơ nhất đời. Sáu người đại biểu trong số đó có ông chánh Mận và giáo Minh.