Khi thấy đồn người làng đã được “tha phu”, cô Tuất vội vàng ẵm con lên lưng, chạy thẳng một mạch ra gốc gạo. Thấy cô Tuất từ đằng xa, ông lý đã vội từ đống người lố nhố đương đi ấy nhảy xổ ra ngoài hàng ngũ, và vẫy tay gọi cô. Tuất không thấy em đâu, đã có ý lo, hỏi dồn:- Cậu cháu đâu? Thế Phú nó đâu? Hở ông lý?Trước khi nói, ông lý còn giao hẹn:-Bác không được nói gì với cụ nhé? Đã nghe ra chưa?Cô Tuất càng lo sợ hơn nữa, lại hỏi:-Vâng, thế cậu cháu đâu mà bây giờ...Ông lý trưởng giậm chân hai ba lần xuống đất, kêu bình bịch, nhăn nhó nói như gào thét:- Ấy thế mới khổ cho chứ! Bị quan bắt giam rồi! Chỉ được cái bướng bỉnh hão! Đầu bò đầu bướu lắm mới chết!- Chết nỗi, bị bắt ra làm sao?-Bị ông huyện bắt giam tại huyện lỵ chứ còn sao nữa?- Chết nỗi! Vì tội gì thế, ông?-Vì tội xui dân phu biểu tình! Vì tội xui giục dân gian bất tuân thượng lệnh! Khổ thế. Đã bao nhiêu lần tôi khuyên can cậu ấy, mà cậu ấy không thèm nghe. Khốn nạn, biết thế thì vay tiền cho cậu ấy có được không? Sao lại để cậu ấy đi phu đi phen làm gì đến nỗi xảy ra đến thế!Ông lý trưởng nói đến đấy thì phải ngưng lại. Cô Tuất đã lôi vạt áo lên lau nước mắt rồi. Những người làng đã vào làng rồi, chỉ còn trơ dưới gốc gạo có ông lý và cô Tuất với thằng cu Hiền ngây ngô trên lưng mẹ. Cô Tuất sụt sịt:-Giời ơi! Nông nỗi thế này thì tôi biết nói với đẻ tôi ra làm sao?Cảm động, ông lý trưởng nhắc lại:- Ấy đấy! Cho nên tôi đã dặn bác phải giấu cụ. Ấy những người đi phu vừa về đây kia là tôi cũng đã phải dặn kỹ lưỡng lắm. Cụ hỏi cậu Phú đâu thì bảo không biết, kẻo tự nhiên họ cũng vào mách cụ thì cụ đến chết mất.-Liệu có hy vọng được tha không hở ông?- Cái đó cũng chả biết chừng! Nếu cậu ấy mềm mỏng với quan trên thì tội dẫu nặng cũng có khi được tha. Còn bướng bỉnh như cậu ấy thì có khi không có lỗi mà cũng phải tù, phải tội.Cô Tuất lại khóc nức nở:- Thật là nó giết bà cụ nhà tôi đây, ông ạ. Nhờ ông tạt qua vào nhà tôi ông kiếm cớ ông nói dối đẻ tôi hộ tôi! Chứ mà tôi trông thấy đẻ tôi thì nói dối không thoát, thì lại đến khóc nức nở lên mất.Ông lý trưởng đứng ngây người ra một lúc rồi nói:-Hay là tôi nói dối cụ thế này nhé: Tôi bảo rằng cậu ấy còn ham công việc nên ở lại huyện.-Liệu thế đẻ tôi có tin không?- Àphải! Để tôi bảo thế này... Rằng vì biết chữ nghĩa nên cậu Phú được quan trên mượn biên chép công phu phen. Nếu nay mai cậu ấy được tha thì thôi, bằng mà có lôi thôi gì nữa thì ta lại liệu bài chống chế vậy.-Vâng, tùy ông đấy. Ông vào ngay cho, cảm ơn ông.Ông lý trưởng thụt vào trong cổng rồi, cô Tuất để con xuống đất, ngồi phệt xuống gốc gạo.Thằng cu Hiền cứ ôm cổ mẹ mà giãy hai ống chân, miệng “phun mưa”. Cô thấy rằng dễ thường rồi mà cô phải đến lấy kế ông chánh Mận thì mới mong được yên thân. Phú bị bắt, rồi thì... sao nữa! Hay lại mấy chục năm tù? Như vậy thì bà mẹ già kia sẽ ra làm sao? Tuất nghĩ đến gia đình đã chán, đến thân phận lại đáng chán hơn nữa. Cô ôm con, ứa nước mắt, hậm hực... Trong khi ấy, thằng cu Hiền vỗ vào má mẹ, hớp hớp mấy cái, đùn vào đấy một sợi nước bọt nó chảy xuống như một sợi chỉ lòng thòng. ạm con vào lòng. Tuất phân vân lại thấy như thế mà đi lấy chồng nữa thì cô sẽ có tội to. Dù sao nữa, Tuất cũng không thể nào nhẫn tâm dứt tình với con, đem nó về trả lại nhà chồng, chỉ vì muốn no ấm. Cô tự nhủ:“Không thể nào nữa thì cũng cứ đành mang tiếng là ăn hại mẹ vậy”.Một con trâu, bất kỳ, từ sau gốc gạo nhô ra với hai cái sừng như sự khiêu khích, do một thằng bé con vụt đằng sau. Vì lối đi chật hẹp quá, cô Tuất vội vàng ôm con đứng lên. Do thế, vô tình cô rảo bước về nhà, mặc lòng năm phút trước, cô đã định tránh mặt bà Cử trong một lúc lâu nữa. Đương đi được một quãng, thình lình cô gặp ông chánh Mận. Cô vội cúi mặt để khỏi phải chào, nhưng ông chánh lại đứng chắn đường cô, hớt hơ hớt hải mà rằng:- Ấy kìa bác! Này, chết chửa, cậu Phú không biết tại sao lại bị quan huyện bắt bác đã biết chưa?Tuất kinh hoàng không hiểu vì ai mà ông này lại biết chuyện ấy rồi. Cô run rẩy nói:-Xin ông giữ kín chuyện hộ.Nói thế xong cô mới kịp đỏ mặt, khẽ chào ông Mận và cắm cúi bước đi. Khi Tuất về đến nhà thì cụ Cử đương lúi húi dọn cơm. Cái mâm gỗ đã long sơn, những cái đũa tre, bát đàn, và đĩa dưa, bát cà, bát rau khoai lang luộc, đã làm cho thằng cu Hiền vội vàng nhoai từ trên lưng mẹ xuống giường, lân la ngồi gần mâm cơm, rút một chiếc đũa đập vào bát lách cách. Một con mèo già lừ lừ lượn chung quanh thằng cu Hiền mà kêu một cách buồn rầu, thảm đạm. Con vật ấy, cái dấu tích độc nhất của những ngày vui xưa không trở lại, đã làm cho Tuất phải chợt nhớ đến những bữa cơm ngon lành khi gia đình còn nguyên vẹn, trong đó anh giáo Minh vẫn đem cho tất cả mọi người một làn không khí vui vẻ bằng những câu pha trò có duyên. Hồi ấy, không nói gì đến người, cả con mèo cũng đã sống những ngày vinh hiển lắm. Ngày nay, đem so sánh với xưa kia, thì bữa cơm của cả một gia đình cũng không bằng bữa cơm mèo! Tuất thấy mẹ già phải lam lũ suốt ngày để mà ăn uống mỗi ngày hai bữa những bát cơm hẩm với cà thâm, với dưa gần khú như thế, thì đau đớn như kim đâm vào ruột. Nhất là việc thằng cu Hiền thường nhật háo hức đòi ăn cơm và bữa nào cũng ra vẻ được ăn uống rất ngon lành, lại càng khiến cô xót xa thương thân tủi phận lắm. Không muốn phải có những ý nghĩ bi phẫn, Tuất bảo mẹ:-Bà trông cháu một lát để tôi xuống bắc cơm cho.Cụ Cử ngồi xuống giường lôi cháu về lòng đáp:- Ừ, nhân thể tay thì đặt nồi nước vối lên bếp nhé!Tuất chưa kịp ra khỏi thì bà mẹ lại gọi giật lại:- Này! Quái thật! Đã tha phu rồi mà sao cái thằng ông mãnh ấy còn chưa về như thế?Chột dạ, Tuất đứng ngẫm nghĩ một lát, lại hỏi mẹ:- Thế ông lý không nói chuyện gì với đẻ hay sao?- Có, ông ấy vừa ở đây ra xong! Nhưng mà ông ấy nói lúng túng thế nào ấy, tao nghe lõm bõm lắm. Hay là lát nữa, ăn cơm xong thì con sang bên ông ấy hỏi lại đầu đuôi kỹ lưỡng xem sao. Chứ mà không biết tao cứ thấy máy mắt dữ dội, ruột gan cứ như bào thế này này.- Tôi đã gặp ông ấy rồi đẻ ạ. Đẻ cứ yên tâm! Vì Phú nó biết chữ nghĩa cho nên quan trên lưu lại, ý chừng là để biên công xá cho phu phen gì đó thì phải. Chứ nếu không thì nó cũng về chiều hôm nay như mọi người rồi chứ còn gì!Cụ Cử thở dài, chép miệng:- Nào biết có đích thực thế không! Sao tao thấy nóng ruột lắm?- Ấy là tại đẻ cứ hay lo xa, cứ hay nghĩ quẩn chứ gì!Giữa lúc ấy, may sao thằng cu Hiền hết sức nhoai ra, múa cái đũa nghênh ngang định lăn sả vào chỗ mâm cơm miệng kêu thét lên:“Mơm mơm mơm!”. Nhân cơ hội, Tuất không nói gì nữa, ù té xuống bếp. Bữa cơm hôm ấy không ngon lành gì. Cụ Cử uể oải ăn hai lưng. Tuất cũng ăn uống qua loa cho đỡ cồn ruột, và trong khi nhắm mắt nuốt không trôi những thức ăn kham khổ lại còn phải trông nom cho con đừng rút đũa, đừng đánh đổ đánh vỡ, đừng ngồi vào mâm. Mỗi khi bị lôi về lòng mẹ, thằng cu Hiền lại phản đối bằng cách khóc thét lên, và sau khi thấy con quấy khóc, Tuất lại phải thả lỏng nó ra để mà, ba phút sau, lại lôi nó về lòng mình. Con mèo thì cứ chạy lượn quanh mâm cơm mà kêu om xòm, thằng cu Hiền thì cứ vừa và cơm vào mồm vừa để rơi vãi thức ăn tung tóe dưới chiếu. Lặng lẽ, cái tối màu xám đã úp xuống chỗ những gốc tre xanh. Một vài con dơi đã bay liệng tứ tung ở sân, có khi bay cả vào trong nhà.Những con ruồi đã bâu hàng đàn vào các dây thép căng ở sân để cho đàn muỗi bay ra vo vo như tập trận. Đó là những cảnh hoàng hôn lặng lẽ và buồn tẻ ở thôn quê, những cảnh hoàng hôn của những đêm không trăng sao nó làm liệt hẳn cuộc đời đi như vào những giờ chết, và nó làm cho chó cắn ran lên từng hồi như sủa ma vậy. Bị muỗi mắt đốt, chốc chốc thằng cu Hiền lại khóc thét lên. Cụ Cử phải ru cháu bằng những câu hát qua cái giọng ê a của một bà cụ già nghe nó buồn thảm lạ lùng. Sau khi rửa mâm bát, Tuất dọn dẹp bếp nước, rồi lên nhà đốt ngọn đèn dầu con. Đó là những giờ để ngồi quấn những thoi vàng hồ bán được sáu xu một man. Chập tối nào cũng vậy, hai mẹ con đều không thoát qua những phút dài dằng dặc, những phút buồn tẻ ấy nó khiến người ta thấy cuộc đời là không bao giờ thay đổi. Nếu có Phú ở nhà thì thường Phú cũng ngồi vào quấn vàng. Chừng như mệt mỏi vì khóc nhiều quá, thằng cu Hiền, trong cánh tay khẳng khiu của bà lão, được một lúc đã bắt đầu thiu thiu. Ngồi tựa lưng vào cái cột tre, cụ Cử tuy nhiên vẫn cứ hát ru cháu: Của đời “Ông mệ” để cho, Làm không ăn có, của cho cũng rồi! Của rẻ thật là của ôi, Lấy phải dâu dại khốn tôi trăm đường! Củi mục bà để trong rương Ai mà hỏi đến? Trầm hương của bà! Cùng giọt máu bác sinh ra, Khác giọt máu mẹ mà ra khác lòng...Công việc quấn vàng đã thấy chán, những mảnh hồ tẻ đã đóng lại thành một cái bao tay cứng nhẵng ở đầu ngón tay, lại phải nghe những câu hát vô tình mà có vẻ mỉa mai châm chọc ấy, Tuất thấy khó chịu. Thật vậy, những câu phong dao mà cụ Cử hát để ru ngủ cho đứa cháu ngoại, tình cờ lại làm mếch lòng mẹ nó. Trong những câu ngây ngô ấy có tất cả những ý vị mầu mè nói về công việc ông chánh Mận hỏi Tuất, về việc đứa bé chỉ là cháu ngoại, nó khiến Tuất càng phải tủi thân. Muốn cho mẹ đừng ngâm nga nữa, cô nói:- Thôi, nó ngủ rồi, đẻ đặt nó xuống giường đi, đẻ ạ.Vô tình, bà mẹ còn cãi:-Đã đặt cháu thế nào được. Nó vừa chợp mắt đấy mà...Rồi lại điềm nhiên khẽ hát:“Cào cào giã gạo tao xem, Tao may quần áo tao đem cho cào. Canh rau cũng thể canh rau, Để ai cậy thế ỷ giàu mặc ai!”Hốt nhiên thấy đằng xa có tiếng nước réo ào ào. Cô Tuất ngừng tay lắng tai nghe. Cụ Cử cũng thôi không hát ru nữa. Tiếng ào ào mỗi lúc một thấy gần, một thứ tiếng kỳ quái, nhưng nghe mà đáng cho ta phải giật mình, vì tiếng ầm ầm như gào thét, như trời long đất lở. Cô Tuất vừa kịp hỏi mẹ một câu:“Quái lạ, cái gì thế hở đẻ?”thì tự đầu làng, đã thấy tiếng tù và rúc liên thanh. Những tiếng kêu inh ỏi kế tiếp nhau:- Ối làng nước ơi! Lụt rồi, lại vỡ đường vỡ sá rồi!-Ai có của thì mau giữ lấy của! Ai có tính mệnh thì mau giữ lấy tính mệnh!- Ối ông bà láng giềng hàng xóm! Chạy lụt đi! Nước đã đổ về đến chỗ cầu Tréo rồi! Mau mau không thì chết cả lũ.Tuất vùng đứng lên, kinh hãi, thất thanh bảo mẹ:-Giời ơi! Chết rồi đẻ ơi! Lại lụt mất rồi! Làm thế nào bây giờ! Chết chửa làm thế nào hở đẻ?Tiếng kêu của người làng bắt đầu inh ỏi. Tù và của bọn tuần tráng vẫn đổ hồi dài, nhức óc, đinh tai. Tuy trong lúc cuống cuồng cụ Cử cũng còn đủ trí minh mẫn phán bảo con gái:- Thì chạy lụt chứ còn làm thế nào nữa! Cơn ơi! Chết chửa! Ra sân lấy cái chậu thau đồng, mấy cái nồi, mấy cái xanh, đem vào đây không thì trôi hết cả bây giờ.Theo ý mẹ, Tuất chạy đâm bổ ra sân. Cụ Cử cũng ẵm cháu đứng lên giường, lại bảo:- Cái bu gà ở bếp nữa! Thùng khoai bên cạnh bồ trấu dưới bếp nữa! Mau lên, đem cả vào trong này. Trong chớp mắt, cô Tuất lễ mễ khiêng những cái ấy vào trong nhà rồi. Hai mẹ con trợn mắt nhìn nhau lo sợ cuống quít, vì đó chưa phải là phương pháp chạy lụt. Quả vậy, ở nhà ông Nhiêu bên cạnh, còn tiếng quát tháo huyên thuyên nghe rõ mồn một:- Chú hai! Chú ba! Các chú ra cả đây, mau! Lấy thừng buộc cột nhà lại, đóng dăm cái cọc tre ở bốn đầu nhà, mau lên, không có mà nước vào đến nơi thì trôi mẹ nó cả nhà cửa đi bây giờ! Thằng Tẹo đâu? Con đĩ Mô đâu? Em chúng mày đâu? Lên cả nóc hòm mà ngồi! Chết chửa! Thằng Mống đâu? Nó ở ngoài ngõ à? Mau đi gọi nó về ngay, không mà nước cuốn đi thì chết đuối mẹ nó bây giờ! ạ hay! Đã đứa nào đi tìm thằng Mống chưa? Con mẹ đĩ nó thì đi tìm gà, chó, bắt cả vào trong buồng này đi. Vồ đây rồi! Đóng cọc! Hai chú ra đây đóng cọc đã!Tiếng nước mỗi lúc một gần, tù và vẫn rúc liên thanh, tiếng người vẫn kêu inh ỏi...Nghe thấy hàng xóm bàn soạn thế, trông về mình thì... một mẹ, một con, mà lại còn bận ẵm đứa bé. Tuất luống cuống chỉ còn biết luôn miệng kêu trời, vô kế khả thi. Bị đánh thức một cách bất ngờ, con gà mẹ gù gù ra vẻ bất bình trong khi đàn gà con nghển cổ nhìn ngọn đèn dầu, kêu liếp nhiếp. Còn con mèo nó đã nhảy tót lên một chiếc rui nhà, nằm lặng im. Sau một hồi dài những thở dài và chép miệng, cụ Cử chỉ còn biết nói:- Thôi, thì mẹ con ta đành liều với giời vậy! Cũng chả còn biết chạy lụt thế nào nữa! Nếu trôi mất nhà cửa thì âu là mẹ con bà cháu ta trôi theo dòng nước mà thôi...Tuất hãy còn tìm cách an ủi mẹ:- Chả lo đẻ ạ. Vỡ đê cách đây những chục cây số thì con tưởng ngọn nước cũng chả mạnh là mấy mà sợ trôi mất nhà cửa.Trông đến cái hòm có bốn chân cao lênh khênh vẫn dùng làm bàn thờ, trong đó cụ Cử vẫn cất những đồ vật gì có giá trị đôi chút, Tuất lại nói:- Thôi thì mình không bắc được sàn thì đã có cái mặt hòm đây rồi. Hòm gỗ lim nặng, lại kê sát vách, con tưởng khó lòng mà trôi theo dòng nước được! May mà tạm bợ yên thân vì cái hòm cũng nên.Tuất nói đến đây thì nước đã chảy vào sân ào ào. Cũng vào theo dòng nước đỏ ngầu, đó là những mảng bèo Nhật Bản, những rác rưởi bẩn thỉu, những miếng củi tre củi rều nhỏ to đủ hạng, những cái nồi đất đen... Nước xoáy vào đất, xói vào các cột tre, ào ào phá phách bốn bức vách, làm cho cái giại nứa rung động một lúc rồi đổ lật ngửa! Nhanh chân, Tuất nhảy lên giường vì nước đã vào trong nhà. Cả hai gian nhà ấy tròng trành nhưng may sao lại không đổ. Nước dâng lên ngập cái giường một lúc rồi lại rút xuống, rồi lại dâng lên cao, y như ngọn sóng ngoài bãi biển vậy. Tuất vội gài cái bu gà vào trong một gióng tre bên trên bàn thờ, bỏ những cái đồ đồng vào trong hòm khóa chuông. Cụ Cử đứng mãi đã mỏi chân đành chờ cho Tuất thu dọn xong thì trèo lên bàn thờ, nghĩa là lên nắp cái hòm chân vậy. Hốt nhiên một tiếng va mạnh đánh xoảng một cái rất dữ dội, làm cho gian nhà gianh chuyển động như muốn đổ. Đó là một cái chum nước khổng lồ không biết của nhà nào trôi đến đấy, vấp phải cái cột gỗ nên vỡ tan tành ra làm mấy mảnh. Sau cái chum thì lại đến cái chuồng lợn ở sân bị làn nước nhổ lên đẩy ùa vào cho đứng lấp thành một đống tre to tướng ngay trước cửa ra vào. Nước dâng lên ngập cái phản. Trong nhà lúc ấy chỉ còn cái hòm chân là ở trên mặt nước. Bập bà bập bềnh trên giường trên phản, là những mảng bèo Nhật Bản, các thứ lá khô, những thứ rác rưởi có bọt, với đủ trăm nghìn những cái lặt vặt như mảnh bát đàn, mảnh nồi đất, lá tre khô, vân vân...Một thứ mùi hôi tanh khó chịu là ở nước, vì làn nước lụt đã thấm vào những đống nước ao tù bẩn thỉu, những cống rãnh hôi hám, những phân gio ở chuồng gà, chuồng lợn của tất cả mọi nhà trong làng, để hỗn hợp thành một thứ nước có cái mùi lộn mửa, nó xông vào mũi ta, khiến ta choáng váng thấy nhức đầu. Những tiếng ào ào nước réo, những tiếng kêu la gào thét, cha gọi con, vợ réo chồng của người làng mỗi lúc càng huyên náo ghê gớm mãi lên, khiến cho thằng cu Hiền tỉnh ngủ. Nó cũng khóc inh ỏi và làm cho trong nhà có một làn không khí nặng nề những tính chất bi thương. Cô Tuất ẵm con khóc lóc, chẳng biết nghĩ rằng trước một cái thiên tai cho cả mọi người như thế thì cô không nên làm cho mẹ phải loạn mất thần kinh. Cụ Cử nức nở, vật mình vật mẩy:-Giời cao đất dày ơi! Phú ơi là Phú ơi! Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng! Mày chúi mũi mãi vào việc hộ đê để cho đê vỡ thế này! Để cho mẹ mày ở nhà khổ như thế này!Nhưng cụ bỗng phải im, vì một vật gì đen sì, hình như tròn tròn, bị nước xô vào nhà, đẩy vào vách đánh bịch một cái.Rồi một tiếng kêu ủn ủn vang lên. Cô Tuất kinh hãi mở to mắt ra nhìn... Đó là một con lợn con độ hai tháng, không biết của nhà ai, không biết từ đâu trôi đến. Con vật vớ được mặt phản thì ngoi ngóp cố đứng, lại vẫy cái đuôi. Thằng cu Hiền nín khóc, từ cánh tay mẹ cứ muốn nhoai xuống để bắt con vật.