Mười giờ sáng hôm ấy, lúc hai trăm chính trị phạm, do một toán lính khố xanh đi kèm, đáp tàu từ Côn Đảo về Hải Phòng, đáp hỏa xa từ Cảng về Hà Nội, xuống mấy bực đá thềm nhà ga phố Hàng Cỏ, thì có ba chiếc xe hơi kiểu cam nhông của sở Liêm phóng đã sẵn sàng đợi họ. Ngót hai chục tay thợ ảnh và phóng viên các báo xông đến trước mặt họ nhưng phần nhiều bị những viên mật thám Tây và ta xua đuổi đi ngay. Những chính trị phạm bị người ta vội vàng dồn lên ba chiếc xe hơi. Trong nháy mắt, hai trăm con người đã bị lèn chặt, gọn thon lỏn trong ba chiếc xe khổng lồ ghê gớm ấy, đó là chưa kể số lính đi giải họ. Tiếng động cơ ba chiếc xe hơi nổ ầm ầm, rồi ba chiếc xe cùng thẳng tiến về phố Hàng Cỏ, để lại cho công chúng đứng nhìn một ít khói xám khét lẹt của ét xăng...Trong đám công chúng tề tựu lại trước nhà ga lúc ấy, không phải chỉ có toàn một hạng người nhà du, tình cờ gặp cái đáng xem thì dừng chân tại đó. Ngoài số nhà báo và thợ ảnh, lại có cũng ngót hai trăm người, những thân bằng cố hữu của chính trị phạm định đến đón những người sống sót ấy tại cửa ga. Phần nhiều đều không hiểu rằng trước khi được trao trả cho tự do, những tay cách mệnh kia còn phải đến sở Căn cước để nhà chuyên trách có thể xét lại một lần nữa và, cũng một lần nữa, được yên trí là chẳng thả nhầm tù. Họ đi đón như đón người thường vậy. Cho nên khi thấy hai trăm người kia lại bị dồn vào xe hơi giữa vòng vây của lính, cảnh binh, mật thám, thì những người đi đón ấy bàn tán xôn xao, ngơ ngác nhìn lẫn nhau lấy thế làm lạ lùng. Nhưng một viên cẩm sở Liêm phóng, trước khi lên một chiếc xe hơi nhỏ, đã nói với họ mấy câu:“Các người không lo! Những tù nhân này phải giải về sở Căn cước để xét căn cước xong thì được thả ngay”.Thế rồi chiếc xe hơi nhỏ ấy cũng mở máy chạy nốt. Như một đám đông có tổ chức trong đó ai cũng nghe theo một hiệu lệnh, tất cả ngần ấy người đều cùng nhau kéo về phố Hàng Cỏ, chia nhau ra, tản mát, thành từng tốp nhỏ, họp ở giữa cái phố nối tòa án với Công an cục. Đó là người bố, người mẹ, người vợ, người con, người bạn thân, của những chính trị phạm kia. Về hàng bố thì có từ ông già quắc thước, đôi kính trắng trên cái xe nhà sơn đồi mồi cho đến ông già áo lương trắng, khăn nhiễu tam giang, chân giẫm đất một cái quạt gài vào thắt lưng...Về hàng mẹ thì có từ bà cụ tai và cổ tay nặng chĩu những vàng, hai tay chắp sau lưng, mồm phì phào mồi thuốc sâu kèn, lông mày nhíu lại, điềm nhiên, mắt nhìn nghiêng mà nghe người khác nói chuyện, cũng như có những bà già nhà quê, cử chỉ nhút nhát, cái gì cũng hỏi và bạ ai cũng hỏi, quần áo luộm thuộm, hay đặt ngửa cái nón xuống đất để ngồi vào... Những người vợ, những người nhân tình, những bạn hữu, giai và gái của những chính trị phạm kia, hỗn hợp thành một quang cảnh lạ mắt: những cái mặt không phấn sáp, những cái áo the thâm nhũn nhặn trong đám những cái môi hình quả tim, những cái mắt có quầng đen, những cái áo dài lùng thùng màu sặc sỡ; người đàn bà nhí nhảnh vừa đứng đánh phấn dưới gốc cây vừa cười, đi đón người chồng tù bằng cái vui vẻ chợ phiên, với người đàn bà trầm ngâm có đứa con ở nách và đứa nữa ở sau lưng; những ông nho nhã trong quốc phục hủ lậu, đi đón bạn cũ mà vẫn giật mình thon thót vì sợ có thám tử biên tên vào “sổ đen”, với những tay làm báo hùng hổ, liều lĩnh, bặng nhặng chạy đi chạy lại và nói to những lời táo tợn như đã định ra đi với cái chủ tâm khiêu khích... Cả cái đám đông hỗn tạp có đủ các hạng người ấy tỏ ra rằng số chính trị phạm kia, quốc gia và quốc tế, là người của đủ các giai cấp bình dân và quý phái, vô sản và phú hào. Nhưng hiện giờ thì họ ăn mặc như nhau, hoặc gần như nhau. Nghĩa là người nào cũng chân giẫm đất, một cái mũ vô nghĩa lý như một miếng da nát trên đầu, cái quần và cái áo thì không ra màu nâu, không ra màu gio, cũng chẳng ra màu đen, thứ y phục đặc biệt của Côn Đảo, với cái đầu trọc lốc, cái quai hàm tua tủa những râu và ria, những nét mặt hóa ra ghê tởm, hung bạo, gớm ghiếc. Trông thấy những người mà một chế độ lao tù đáng khiếp đảm đã làm cho thần thái có cái vẻ của những quân kẻ cướp, sát nhân, người ta không dám tin rằng đó là những tấm linh hồn đã đau khổ vì tư tưởng quốc gia, xã hội, và ngay chính những thân nhân của chính trị phạm nữa cũng không biết rằng có phải đây là những người của ngày xưa hay không!Từ thềm nhà ga bị dồn lên xe, lại từ xe bị khua vào sân sở Liêm phóng, những chính trị phạm đã gieo vào đầu óc thân bằng cố hữu của họ một mối cảm giác không được tốt đẹp cho lắm. Người ta đã bố trí làm cho một bọn cách mệnh phải có cái vẻ bề ngoài của bọn trộm cắp thường. Bọn phu xe, những hàng rong, bọn trẻ con, khi trông thấy, đã bảo nhau:“Ạ! Ạ! Giải tù! Giải tù ở đâu về! Mà lại là khách, chúng mày ạ!”.Độ một giờ sau, vài ba chục chính trị phạm đã từ sở Căn cước thong dong đi ra. Từ lúc ấy trở đi, họ mới được tự do thật sự. Ấy thế là trước vườn hoa cửa tòa án, người ta xúm nhau từng đám một để tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau. Sự hồi hộp của bao nhiêu quả tim, cái mừng đến ứa nước mắt, bao nhiêu tình cảm vẫn phải giữ ép bấy nay trong lòng của những người đã tưởng không bao giờ gặp mặt nhau nữa, cái cảnh gia đình tan nát được cứu chữa lại, ngần ấy thứ có thể làm cho những viên thám tử lẫn vào đám ấy để nghe ngóng cũng phải cảm động, thấy nao nao cõi lòng. Khi số được ra đã trên một trăm rồi, anh em hẹn nhau rồi dần dần phân tán, người nào về với thân nhân người ấy. Bọn chính trị phạm vì quốc tế thì cùng với một số nhà báo ta khuyên về họp mặt nhau ở báo quán Lao Động là một cơ quan ngôn luận mới ra đời được ít lâu, khuynh hướng về chủ nghĩa xã hội. Vườn hoa tòa án trước tấp nập, từ đây vắng dần. Chỉ còn dăm bảy người đi đón vẫn đứng ngóng ở sở Liêm phóng ra ý chờ đợi. Người chính trị phạm được thả ra cuối cùng là giáo Minh. Khi đến sân tòa án, Minh cũng hơi ngạc nhiên vì không thấy Phú đi đón. Trước khi xuống tàu về nước, chàng đã có gửi về nhà một lá thư. Dọc đường, anh em đồng chí đều biết tin nước lụt ở Bắc Kỳ, Duy có chàng vì sốt rét, lúc nào cũng mê man trong chăn nên không biết. Chẳng kịp để ý đến lời dặn bảo hấp tấp của mấy anh em cũng ra muộn như chàng nên vội vàng thuê xe về ngay tòa báo Lao động, Minh đứng ngơ ngác dạo quanh mấy bước, sợ rằng Phú lúc ấy chẳng hiểu có đứng lẫn vào đám người đi xem xử kiện và hầu kiện đó không... Thì một ông già, một người đàn ông đứng tuổi và một người đàn bà, cả ba cùng là dân quê, chạy lại cùng hỏi chàng rằng “trong ấy” còn bao nhiêu chính trị phạm chưa được tha. Minh lắc đầu, đáp chung:- Tôi ra sau cùng đây! Trong ấy không còn người nào cả!Cả ba người chớp mắt sợ hãi, nghi ngờ nhìn Minh tựa hồ như đó là chàng vừa bông đùa, miệng người nào cũng tròn tròn. Họ lại gặng hỏi lần nữa. Minh đáp như trước. Tức thì ông cụ già dơm dớm nước mắt, hỏi qua cái giọng nghẹn những uất ức:- Thưa ông, hay là cháu nó chết mất ngoài ấy rồi?Người đàn bà quay lại nói với bà lão già ngồi ở một gốc cây, ra ý phân vua:-Hết rồi bà ạ. Tôi vừa hỏi ông đây này! Chú ấy có được tha đâu! Bảo bà thì bà chẳng nghe, bà cứ nhất định bắt đi đón!...Bà lão nhà quê cũng vội đứng lên, cầm lấy nón, chạy đến chỗ Minh, phều phào hai hàm răng móm hỏi:- Thưa thầy, thế ra cháu lại không được tha?Minh thấy câu đáp của mình là rất hệ trọng. Chàng cau mày một hồi lâu rồi nghĩ ra một cách hỏi lại cả mấy người ấy:-Hay là được tha rồi đấy mà không gặp nhau? Những hai trăm con người lố nhố như thế, lại mấy trăm người cũng lố nhố như thế, không trông thấy nhau chăng?Một mối hy vọng bâng quơ chiếu sáng vào mặt cả mấy người...- Ừ, hay là như thế đấy nhỉ?- Ànhưng mà bà cụ đón ai? Ông cụ đón ai? Bác này đón ai?Ông lão nhà quê vội nói:- Tên cháu là Mạch đấy ạ! Lê Văn Mạch!Minh nhăn mặt cố nhớ, lầm bầm:-Lê Văn Mạch... Nhưng quốc sự phạm hay thường phạm?Ông lão nhìn quanh sợ hãi rồi mới khẽ nói:- Cháu bị đi đày vì đảng Việt Nam Quốc dân...- À! Tôi nhớ ra rồi! Có! Chưa chết! Nhưng mà chưa được tha đâu, cụ ạ! Nhưng mà cụ chớ lo, rồi cũng phải được tha như tôi.Bà lão len vào giữa hai người, lại phều phào:- Cháu nó là Vũ Văn Tích ông ạ.Nghe đến cái tên ấy, Minh thấy như có một miếng nước đá chạm vào sống lưng. Cả một tấm kịch đổ máu ở Côn Đảo lại hiện ra trước mắt chàng. Một buổi đi lấy san hô... Ngày hai mươi bốn tháng chạp, trời rét, nước bể như dao cắt vào da thịt... Tám mươi tội nhân hoàn toàn trần truồng trên hai cái sà lan, dưới quyền đánh đập của bốn tên lính mã tà và ba người cai Tây. những cái kẽ đá có ngách, người ta lèn vào bằng bốn chiếc đòn ống. Tám chục người bẩy bốn cái đòn ống ấy để lấy khối an hô đứng trên những mỏm đá mà sóng bể đập vào ùm ùm. Chợt Vũ Văn Tích, đứng trên một mỏm đá có rêu, trượt chân... Tích ngã ngửa, đập đầu vào một tảng đá khác. Một tên mã tà lầu nhầu chửi rủa rồi đến khiêng Tích đặt vào sà lan. Những người khác cứ phải làm lụng như không có sự gì xảy ra cả, và phải mặc cho Tích kêu rên với cái sọ ri rỉ chảy máu, trước sự thản nhiên của bọn gác tù. Ba giờ sau, “kíp” tù ấy lấy được bốn khối san hô lớn và để chết mất một anh em.Xong việc thì Tích chết thật ngay đó. Việc ấy xảy ra đã hai năm nay. Bây giờ, đứng trước một bà lão không biết cái chết thương tâm của con, ngây ngô nhắc lại tấm thảm kịch ấy. Minh bỗng thấy muốn ứa nước mắt. Chàng nuốt sự xúc cảm, nắn cổ mình, nói:- Ờờ! Ờ ờ!...Thấy không cầm được nước mắt, Minh vội vàng cúi xuống gãi chân, và nói:-Anh Vũ Văn Tích cũng chưa được tha như anh Lê Văn Mạch...Chàng chờ cơn xúc động nguôi đi rồi đứng lên, vừa lau nước mắt, nước mũi vừa nói dối:- Ấy tôi mắc bệnh sốt rét, thỉnh thoảng nước mắt nước mũi lại chảy ra ròng ròng như thế này.Minh ngừng lại, nhìn kỹ mặt người bố, người mẹ già, và người chị dâu của hai người bạn đồng chí. Nôn nao cả cõi lòng. Minh còn cố nói dối được bằng mấy câu:- Thôi hai cụ cứ về nhà, yên tâm. Chẳng chóng thì chầy, không ba tháng thì nửa năm, quan trên người ta còn xét dần dần chứ ai cũng tha ngay một lúc thế nào được! Mà bây giờ ở ngoài đã được đối đãi khá hơn trước nhiều lắm.Bà lão mím mồm lại mà nhìn Minh, cái vẻ móm làm cho hai cặp môi biến đi đâu mất, cái cằm thì vều ra. Rồi gật gù cái đầu ra ý tin, lại hỏi:- Thế thì bao giờ cháu được tha hở ông?- Thưa cụ, cái đích xác thì cháu không biết, nhưng thế nào rồi cũng được tha về với cụ, cụ cứ yên tâm. Thôi chào hai cụ.Nói xong Minh vội vàng lôi cái mũ nát nhẽo ở đầu lên và quay đi, biết mình thế là vô tình nhưng dùng dằng thì sợ sự nói dối lại bại lộ, và sẽ làm khổ người khác một cách vô ích. Chàng quay đi một cách nhẫn tâm, tảng lờ như không nghe thấy tiếng gọi “Ông ơi!” của bà lão già, Minh trông đến quang cảnh quanh tòa án vẫn không chút gì thay đổi mới giật mình vì thời giờ đi nhanh. Chàng còn nhớ mới ngày nào bị xích tay dẫn vào đây mà hôm nay, hình như mới có một lát, mà đã bảy năm, không biết nay về Tổ quốc thì xã hội đã thay đổi thế nào, chứ chàng nghiệm rằng sau ngần ấy năm tù tội, cái gan của chàng hình như vẫn giữ được Duy nhất. Minh đương đi lang thang với một cái khăn gói trên vai, còn phân vân không biết nên đến nhà người nào trong họ hàng để biết ngay tin tức về mẹ thì chợt có tiếng gọi bên cạnh:-Minh ơi Minh! Anh Minh đấy có phải không?Chàng nhìn lên...Trên một chiếc xe nhà, một thiếu niên âu phục bảnh chọe đương nghển cổ, một tay ra hiệu cho người phu xe đỗ xuống. Minh không nhận được ra người ấy là ai và đáp:-Phải Minh đây!Người ấy chạy đến bắt tay rất sốt sắng, nói rối rít:-Mới về chuyến tàu sáng chứ gì? Anh không nhớ tôi là ai à? Giáo Quang đây mà? Quang lớp nhì trường huyện Tiền Hải ngày xưa ấy mà!Minh vỗ vai người bạn cũ sung sướng nói:-Gớm, sao mà béo thế? Sung sướng có khác! Nhưng sao bây giờ lại ở đây thế này? Làm việc tòa án đấy à?-Phải, đổi ngạch rồi, anh ạ. Đã năm năm nay. Thôi đã gặp anh ở đây thể nào anh cũng phải về nhà tôi mới được. Về ở một hai hôm nghỉ cho đỡ mệt rồi hãy về nhà... à thế nào, ở tỉnh nhà nước lụt, có biết không?Minh trợn mắt sửng sốt:- Chết! Nước lụt à? Thế bà cụ nhà tôi anh có biết ở đâu không?-Phải. Bà cụ thì vẫn ở nhà quê. Tôi không biết tin tức cụ độ này ra sao vì đã đến hai ba tháng nay tôi không gặp thằng Phú đâu cả.- Có lẽ vì thế mà nó không đi đón tôi cũng nên. Liệu người nhà tôi có ai việc gì về nước lụt không, anh?- Chắc không, vì nếu có sự gì thì tất phải đến tai tôi rồi. Thôi, anh lên xe đi. Về ăn cơm trưa với tôi một thể rồi làm gì hãy làm, đi đâu hãy đi...Minh ngần ngừ rồi nói:- Có lẽ không được. Ừ, tôi còn phải đến nhà báo Lao động. Anh có biết tòa báo ấy ở phố nào không?- Có, nhưng anh đến đấy làm gì?-Anh em dặn thế.-Anh sang bên “cộng” rồi đấy à?-Ai bảo anh thế?- Thôi thế thì đốt cái việc đến báo Lao động đi! Về chén cái đã! Mình không nên dính đến những cái ấy mà họ cho là mình thay đổi tư tưởng.Nói đoạn, người bạn của Minh đun chàng lên cái xe nhà, rồi cùng lên ngồi. Chiếc xe chạy về phố Phạm Phú Thứ.