NẮNG SỚM, Tranh xé dán (Collage) Lâm Chiêu Đồng
 
Ghi Chú: “Tài Hoa Một Đời” và “Hậu Chuyện” là hai bài viết về một người bạn. Nếu bạn đã đọc phần đầu, xin đọc thẳng phần hai để xem những gì cuối cùng đã xảy ra cho bạn tôi.
 
Tài Hoa Một Đời 
 
Bạn thân,
 
Tôi quả tình không biết tại sao P. V. Hưng lại bị gọi là ‘Cụ Thộn’ trong lúc bạn ta là thằng đẹp trai, hoà hoa, và mới vừa hai muơi tuổi đời!
 
Năm 1961, tôi và ‘Cụ Thộn’ học chung với nhau trên Đà Lạt. Lúc đó tôi là con nhà nghèo, yêu cô bạn học cùng lớp nhưng chỉ dám nhìn từ xa, gặp mặt là luống cuống, không giống ai, nhưng Cụ thì đã tài hoa ra mặt, yêu L.M. Hương, cô nữ sinh má đỏ môi hồng, đẹp nhất trường Bùi Thị Xuân, và Cụ chẳng sợ thằng Tây say nào, hàng ngày theo nàng từ nhà tới trường, và lên tận nhà thờ nơi nàng đi lễ, xin cha rửa tội dù gia đình của Cụ bao nhiều đời Phật tử thuần thành!
 
Không hẹn chúng tôi vào trường HQ cùng một lần. Cụ và tôi lại chia nhau một góc phòng, đêm đêm nghe Cụ lè nhè hát tình ca, và cuối tuần nghe Cụ tán hươu tán vượn về những người đẹp Nha Thành, về em Tấm em Cám nào đó mà Cụ khoe dễ thương ơi là dễ thương. Hình như có người con gái đẹp nào là Cụ yêu hết, kể cả thời gian Cụ qua New Port, R.I. học về Khu Trục Hạm, Cụ yêu  luôn một cô sinh viên du học tại Providence đến độ phải đi vẽ tranh bán lấy tiền để gọi điện thoại viễn liên.
 
Đã nói Cụ là người tài hoa, cầm kỳ thi hoạ, cái gì cũng biết mà. Cụ phổ nhạc bài thơ tình vụng dại của tôi, và hát cho người đẹp nổi tiếng ở Đò Xu nghe khiến nàng cảm động, theo về sửa túi nâng khăn cho Cụ.
 
Nhưng tài hoa lắm thì trời ghen ghét nhiều. Đường công danh của của Cụ không mấy hanh thông, trôi nổi khắp bốn vùng chiến thuật, đến độ năm 1975 có lệnh cho Cụ thăng cấp Trung Tá mà Cụ chẳng có thì giờ mang lon vì còn lo chạy mệt nghỉ theo đoàn người di tản ra biển Đông!
 
Qua xứ Cờ Hoa, công việc đầu tiên của Cụ là làm waiter cho một nhà hàng Tàu, và có một ngày Cụ không bao giờ quên.  Ngày đó có hai người Việt-Nam, có lẽ là lính cũ,  vào ăn trưa, một người nhận ra Cụ, và hỏi “Có phải anh là Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Tân Châu ngày xưa không?” Cụ cúi đầu “Dạ thưa anh, chắc là anh nhận lầm người.” Người khách nhún vai, bỏ lại một đồng quarter tiền tip, còn Cụ, Cụ vào toilet lau dòng nước mắt, sau đó bỏ việc, ăn welfare, cắp sách trở lại trường. Cụ học xong Master, nhưng đời Cụ vẫn buồn vì người đẹp Đò Xu ôm cầm sang thuyền khác, bỏ lại mấy đứa con cho Cụ nuôi!
 
Cụ lấy văn, thơ, nhạc và công việc làm vui, nhưng một ngày chợt thấy tóc pha mầu, buồn vì cô đơn nên về Việt-Nam cưới một cô vợ trẻ hơn mình gần hai muơi tuổi. Cụ tìm được hạnh phúc cuối đời, xây căn nhà gần biển, gọi tôi “Mày sang đây chơi với ‘ông’. Mùa này đã hết bão, biển đẹp và hiền hoà như biển Đông, ngày ‘ông’ với mày theo tàu ra Trường Sa đặt bia chủ quyền”.
 
Tôi chưa kịp sang thăm căn nhà gần biển thì Cụ Thộn đã bị stroke ngã lăn đùng.  Người đàn bà trẻ gọi cho tôi nước mắt lưng tròng “Anh ấy bây giờ liệt nửa người, nói không được. Không biết rồi sẽ ra sao.”
 
Bạn thân,
 
Bạn bè dăm ba đứa chân trong chân ngoài, nghĩ tới thật buồn. Thôi thì cứ coi những gì chúng mình có hôm nay là ‘bonus’. Tài hoa một đời như Cụ Thộn, như nhạc sĩ Lam Phương, mà cuối cùng đời cũng chẳng ra gì. Làm người bình thương như tôi với bạn có lẽ trời thương. Mai mốt tôi qua thăm Cụ Thộn, cầm tay nó nói “Tại mày tài hoa quá nên trời ganh ghét đấy, mà này, nếu mày chia cho bạn bè chút tài hoa của mày thì trời đâu có hành.”  Không biết là nói thế Cụ Thộn có bớt buồn không nhỉ, bạn thân?
 
 Jan., 2008.
Hậu Chuyện
 
Bạn thân,
 
Tôi viết câu chuyện của Cụ Thộn gần hai năm trước đây, bây giờ xin kể tiếp để anh em chúng mình chia xẻ cho nhau chút vui buồn.
 
Cụ Thộn nằm bệnh viện gần năm trời thì được xếp vào loại disability vĩnh viễn, và bị hãng cho nghỉ việc. Mất bảo hiểm sức khoẻ của hãng, chỉ còn Medicare của chính phủ, Cụ không thể nằm nhà thương vì dù chỉ phải trả %20, bệnh viện phí cũng quá cao, ngoài tầm tay của những người trung lưu như chúng mình.
 
Cụ được “khênh” về nhà để ngày ngày lần tường tập đi, cứ như là đứa trẻ thơ! Tôi không biết môi Cụ đã mím lại bao nhiêu lần, và có giọt nước mắt nào rớt xuống nền gạch hoa nhưng mỗi lần nghĩ tới Cụ tôi không khỏi bâng khâng một nỗi buồn.
 
Người đàn bà trẻ bây giờ phải cáng đáng gia đình, không thể trông coi Cụ nên đành gửi Cụ về Việt Nam cho người thân trông coi, và chữa chạy theo phương pháp cổ truyền.  Nghe tin tôi thấy bùi ngùi. Hơn ba mươi năm trước chúng ta chạy đi để tìm đất sống, bây giờ Cụ phải về tìm cho mình một con đường trong lúc kẻ xâm lăng đang ngự trị, Hoàng Sa không còn, và bia chủ quyền trên Trường Sa cũng đã bị đập vỡ. Không, không phải chỉ bùi ngùi mà còn là xót xa. 
 
Một năm rồi, từ ngày đó. Lâu lâu tôi vẫn được tin Cụ, nghe nói là Cụ đã dần dần bình phục nhưng thực tâm tôi không mấy tin, cho đến khi Cụ gọi tôi: “‘Ông’ về Mỹ rồi, tuần sau ‘ông’ sang Cali thăm chúng mày!”. Giọng Cụ không còn ngọng ngịu như xưa, và Cụ sang thăm tôi thật! Các bạn cùng khoá ở gần kéo tới đợi chờ, thấy Cụ bước qua ngưỡng cửa, reo lên đón mừng! Cụ toét miệng cười nhưng mắt Cụ long lanh ướt, “Chúng mày … chúng mày …”, Cụ lắp bắp nói không ra lời.
 
Với cây gậy bây giờ Cụ Thộn đã đi đứng được một mình, và nếu không xúc động Cụ ăn nói rất rõ ràng. Một cánh tay Cụ vẫn chưa cử động được, nhưng như Cụ nói “I need nobody to wipe my a..”, diễn Nôm ra là “Ông đếch cần ai chùi đ.. cho ông”.
 
Tôi đưa cho Cụ xem một tấm hình do chị TK gửi tặng. Chị đọc “Tài Hoa Một Đời” tôi viết trước đây, nhận được tên người con gái Cụ say mê khi còn đi học, nên gửi tấm hình chụp một đám sinh viên, trong đó có người đẹp L.M. H., đang thực tập tại trường Dược. Tôi hỏi Cụ: “Mày nhận được ai trong đó không”. Cụ chỉ ngay chân dung người con gái. Mắt Cụ mờ đi, và khuôn mặt Cụ thẫn thờ.
 
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao bạn tôi được gọi là “Cụ Thộn” rồi. Cathy, con gái Cụ, nói “Bố cháu dốt lắm”. Cathy lớn lên ở Mỹ nên, nói tiếng Việt không minh bạch. Ý cháu muốn nói là “Bố cháu dại gái lắm”! Hơn 40 năm không gặp, tóc đã trắng phau, mà chợt thấy chân dung hình bóng cũ, lòng đã chùng xuống thẫn thờ, nghĩ tới những con dốc của thành phố xưa khi Cụ theo bước chân người đẹp tới trường!
 
Bạn thân,
 
Thôi thì hãy cứ mừng cho Cụ vì “I need nobody to wipe my a..”, còn bao giờ Cụ đánh đàn, viết nhạc và làm thơ đưọc như xưa thì hãy tính sau. Còn “dại gái” thì trái tim còn đập mạnh trong lồng ngực, còn yêu thương người thì còn yêu thương cuộc đời, phải không bạn thân?
 
Trần Quang Thiệu
Oct., 2009

Xem Tiếp: ----