LỜI NÓI ĐẦU

Để cho em và các con
N.D.C.
Thế kỷ 19 là một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại. Những quốc gia có những nhà lãnh đạo thức thời nhìn ra được xu hướng thời đại đã đưa dân tộc đến chỗ vinh quang. Ngược lại nhiều nước vì không nhìn ra cái mấu chốt của cải cách đã lỡ những dịp may và chuốc lấy cái thảm họa bị nước ngoài cai trị. Việt Nam ta ở vào trường hợp thứ hai mặc dầu không hiếm những sĩ phu thiết tha với tiền đồ của dân tộc, hoặc dâng sớ xin cải tổ, hoặc soạn thảo điều trần. Một trong những người đó là Mạnh Dực Bùi Viện, và ông đã tiến thêm một bước là đưa ra chương trình tổ chức việc hải phòng nhưng tiếc thay công việc chưa đi đến đâu thì ông mất.
Nghiên cứu về Bùi Viện bị một số trở ngại khách quan và chủ quan. Trở ngại khách quan là tài liệu về ông hiện có rất ít, có lẽ vì ông chết quá trẻ (39 tuổi) và sự nghiệp chỉ giới hạn trong vòng 5 năm cuối cùng của đời ông, sau khi xuất dương qua Mỹ.[1]
Sự nghiệp đó có lẽ cũng đi vào quên lãng nếu thời tiền chiến nhà văn Phan Trần Chúc không soạn một cuốn sách về ông nhan đề Bùi Viện với Chính Phủ Mỹ – Lịch sử Ngoại Giao thời Tự Đức (Đông Nam Á, Paris tái bản 1985). Tuy nhiên, tác phẩm của nhà văn họ Phan có nhiều điểm không chính xác đối chiếu với niên biểu của sử sách, nhiều đoạn viết theo trí tưởng tượng của người cầm bút mà không kiểm chứng.
Ở hải ngoại, Bảo Vân (Bùi Văn Bảo) có ra một quyển sách nhan đề Bùi Viện – Một Nhà Nho Sáng Suốt- Lỗi Lạc – Phi Thường (Quê Hương, Toronto, Canada 1988) nội dung không có gì mới lạ hơn tác phẩm của Phan Trần Chúc, chỉ thêm một số chi tiết trích trong Gia Phả Họ Bùi ở Trình Phố, Thái Bình[2]. Mặc dù tác giả cũng có tham khảo thêm một số tài liệu của Đào Trinh Nhất, Tùng Hiệp, Thái Văn Kiểm, Lãng Nhân … nhưng tựu trung nhiều câu hỏi vẫn không có câu trả lời.
Ngay cả tài liệu ghi lại trong Gia Phả Họ Bùi cũng có giới hạn. Một số sự kiện chép lại từ sách báo không được tra cứu kỹ lưỡng nên cũng ghi nguyên văn những chỗ đúng ra còn phải tồn nghi[3]. Gia Phả chỉ có thêm một số chi tiết về quê hương, bản quán và thân nhân, cùng những truyện kể của các cụ truyền lại, nhưng không có gì để đối chiếu. Phần lớn bổ xung là văn thơ, những tài liệu đó nặng phần sự nghiệp văn chương mà ít phần tài liệu lịch sử nên cũng không sử dụng được bao nhiêu.
Trở ngại chủ quan là người viết là không có điều kiện để truy nguyên những nơi có thể còn giữ một số tài liệu liên quan đến Bùi Viện ở Huế, cũng chưa thể trực tiếp về làng Trình Phố để làm công việc sưu tầm và thu thập dữ kiện.
Tuy nhiên, ở hải ngoại lại có một số ưu điểm mà những người đi trước bị hạn chế. Với những tiến bộ về thông tin và những nguồn tài liệu phong phú của nước ngoài, chúng ta có thể nhìn được thế giới nói chung và khu vực Đông Á nói riêng một cách rõ rệt khiến cho sự so sánh và nhận thức dễ dàng hơn. Một điểm đáng nói khác là vào thế kỷ 19, phương tiện ấn loát, sách vở và nhất là hình ảnh đã có nhiều nên chúng ta không những có thể đọc mà còn có thể hình dung được khung cảnh của những khu vực cần nghiên cứu.
Nhờ những tài liệu đó, chúng ta mới thấy quan điểm của Bùi công trên lãnh vực cải cách là một thay đổi quan trọng trong xu hướng của đương thời. Cùng với những nhà nho tiêu biểu khác vào thời kỳ đó như Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Vũ Duy Thanh … sĩ phu Việt Nam đã tạo ra những hướng phát triển rất tích cực và thích đáng. Hơn nữa, chủ trương của Bùi Viện có ít nhiều cơ hội để thực hiện trong khi những người khác phải ngừng lại nơi những bản điều trần, ẩm hận nhi chung.
Chúng ta cũng lại có cơ hội so sánh cải cách của ông với những công cuộc duy tân vận động của các nước Đông Á để nhìn lại ưu khuyết điểm. Tiếc thay triều đình Huế không có một chính sách liên tục, cũng không kế thừa công trình dở dang của họ Bùi khiến chúng ta lỡ một dịp bước vào quĩ đạo thế giới sớm hơn.