Hình như cả dãy phố, chỉ có căn nhà ấy quét vôi màu hồng.
Trong tất cả những màu, hồng và đỏ là màu mà anh không bao giờ có cảm tình. Anh đi qua và về, một ngày có khi bốn năm bận trên con đường đó, vậy mà anh nào ngờ bên trong tường vôi chói lọi màu anh ghét lại là giang sơn riêng tư bí mật một cõi của Sầu.
Mỗi người trong chúng ta, không ai cấm cản chuyện một kẻ có tới những hai ba tên gọi khác nhau. Anh khai sinh cho Hồng cái tên mà anh chắc là Hồng không thích. Đành vậy. Cũng như lúc nhỏ anh tên Cu. Bây giờ nhiều người vẫn quen miệng gọi thế. Ê, Cu, Cu… Anh chẳng ưa tên gọi kỳ cục như vậy, nhưng tuyệt đối anh không thấy có gì trở ngại để phải phật lòng. Cu là một động vật dễ thương, xét cho cùng. Dù cu vừa ra ràng hay cu đã đủ lông đủ cánh. Và Sầu, trời ơi, nghe cũng da diết lắm. Sầu ơi, anh xin chào em. Bonjour Tristesse…
Anh không biết tuổi Sầu. Án chừng nhỏ thua anh bảy tám tuổi. Sầu học Đồng Khánh. Áo dài trắng, nón bài thơ và một vạt lưng đen tuyền màu tóc. Căn cước và “dấu vết dị hình” của Sầu anh chỉ biết có ngần ấy. Anh chẳng thể đạp xe đeo theo Sầu, bởi lẽ biết chọn lời gì thích hợp để nói? Anh ghét chữ tán gái vô hạn và anh luôn tin phút đầu xảy tới cho một đôi tình nhân phải là khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ. Người này và người kia đều cảm thấy thế, gây ấn tượng tốt… Điều mà mấy vị quân sư ưa bàn luận: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Hôm nay anh cúp cua giờ cơ thể học có ông thầy chuyên mổ xác chết bên nhà thương qua dạy. Một người mà sinh hoạt lúc nào cũng kề cận bên những thây ma thì hẳn Sầu cũng mường tượng ra đôi phần. Ông ăn nói vô duyên tẻ nhạt và người ngợm thì chẳng khi nào ngó cho tươm tất, kể cả việc khi đi dạy thì ta nên tươm tất chút đỉnh, đại khái ta cũng có vét-tông cà-vạt như ai. Ông chịu khó nuôi trên thân thể một hương mùi quái lạ mà chẳng một ai có thể phân chất, tìm ra căn nguyên. Tết Mậu thân, anh đã từng ngửi mùi xác chết thối rữa ngập ngụa Thành nội. Mùi tử thi không giống mùi nồng nàn có trên thân thề vị giáo sư dạy môn học nản ơi là nản kia. Anh dong tay xin đi tiểu, lòn lách khỏi nhà ông cai, chạy băng qua đám tượng của ban điêu khắc đứng xiêu lạc đủ mọi dáng vẻ. Anh nhảy tường và lang thang bát phố. Anh vẫn hay có những cơn hứng bất tử như thế. Đi không chủ đích. Đi cho hết một buổi chiều. Đi với một đầu óc trống trơn, một cái túi quần nhẹ tiền sạch bạc. Ngang qua căn nhà quét vôi hồng, ma đưa lối qủi dẫn đường, cái đầu anh quay nghiêng như bị một lực hút vô tình. Đôi ta cùng nhìn thấy nhau, chỉ trong một sát na. Anh bước vào khung cửa hẹp. Tất cả đều hoang vu, như đôi ta là chứng nhân duy nhất còn sót lại sau cơn hồng thủy. Hoàng hôn đổ về trên con phố chưa sáng đèn. Chập choạng. Vị khuất mặt nào đã cho anh lòng can đảm? Một đứa đứng trên đôi chân run với một trái tim đập hoảng loạn sẽ chẳng bao giờ lập nên kỳ tích. Nó sẽ ngậm miệng hến và sau đó, cúi đầu bước đi trong muôn vàn tủi hồ. Anh khác, anh vào được vùng cấm địa, chẳng có bóng hậu vệ nào cả, anh vờn bóng và có tiếng còi, rất hoang đường, thổi lanh lãnh từ tâm anh, tuyên bố anh là kẻ thắng cuộc.
2.
Hình như anh quen Sầu đã gần một năm
Anh có đọc ở đâu đó, như thể trích đoạn từ tuồng cải lương, đại loại: Khi yêu em anh tính từng tháng ngày. Anh hiểu tâm trạng cái ông viết nên câu ấy, nhưng anh thì không. Anh ghét tính toán, kể lể, so bì, cộng trừ nhân chia. Nói anh là đứa lỡ mắc bệnh đãng trí cũng được. Bởi thú thật, giờ này anh đã quên những gì đôi ta chuyện trò trong cái buổi chiều “định mệnh” kia. Chưa cổ xưa nhưng đã là quá vãng. Một năm, có thể vậy. Hai mùa mưa nắng đến và đi qua thành phố của chúng ta. Bước chân nó khi nản nề khi reo vui, khi ào ạt khi đằm thắm và hầu như nó chẳng để lại dấu tích gì lạ lẫm. Căn nhà Sầu vẫn mới màu vôi hồng, nhốt kín nhân dáng mà anh hồ nghi là hình bóng ấy tuồng như mỗi lúc một bí mật hành tung hơn. Nó khiến anh ốm o gầy mòn, buộc đứa khờ dại là anh chuyên cần ngồi viết những lá thư dài, tựa hồ đó là phương cách cuối cùng nhằm làm nguôi ngoai những nỗi buồn không lối thoát. Anh đi học, đứng trước người mẫu khỏa thân, đứng trước giá vẽ, anh từ chối làm bài, điền thế bằng cách vẽ chân dung Sầu theo trí nhớ. Anh cuộn tròn tờ giấy croquis, bức tranh màu nước và tan học, căn nhà vôi hồng là địa chỉ để dừng chân. Sầu không có mặt ở đấy cho anh nhờ. Một người đàn ông đón anh với tia nhìn khắc nghiệt nhất mà lần đầu anh trông thấy.
- Tôi là Ba của Hồng. Cậu là ai?
Mở miệng là đã nghe gay cấn, không khí chừng như nặng nề. Ông đặt tờ nhật báo Sóng Thần đang xem xuống bề mặt tủ kính. Anh tránh nhìn sự lãnh đạm có nhiều trên gương mặt không mấy giống Sầu. Những hàng chữ in lớn về các mặt trận bỏ ngõ trên cao nguyên, ngoài hướng bắc của thành phố đập vào mắt làm anh thêm nản lòng. Và anh xử sự như một đứa trẻ đang phạm nhiều lỗi lầm.
- Thưa bác, bạn của Hồng nhờ chuyển tới Hồng món quà này.
Ông đón lấy đứa con tinh thần của anh để thiếu đường bóp méo chân dung Sầu bằng những ngón tay của một thương gia quen đếm giấy bạc. Không xua đuổi, nhưng hiện ra ở đó là sự khước từ cái lân la nán ở của ai kia. Anh chào đấng phụ huynh cau có đầy quyền thế nọ để vô cớ giận lòng đi lang thang giết thêm một chiều hanh nắng quái. Thơ thẩn dọc theo bờ sông Hương, thất thần lên Thương-bạc, lạc hồn qua Phú-văn-lâu, đi mãi miết. Một vài chuyến xe đò lấm lem bụi đường chở đầy nhóc người vật từ Quảng-trị bắt đầu ló dạng di tản vào thành phố. Anh không nghe tiếng súng nổ. Chắc là trong hàng quân ngũ của miền Nam dung thân rất nhiều những binh sĩ trước khi cầm súng họ đã sống qua thứ cảm giác mà anh đang hứng lấy giờ này. Anh ghét chữ thất tình vô hạn. Nhưng Sầu ơi, có một điều khó chối cãi: Anh luôn là tên hàng binh trước mỗi trận tuyến!
3.
Anh nghe những đứa bạn mới quen kể chuyện xảy ra ở bên Trung-quốc: “Một ký giả phương Tây băng qua đường ở một ngã tư đang bật đèn xanh. Kết quả, ông bị mấy trăm chiếc xe đạp Phượng-hoàng cán ngang người. Nằm trong nhà thương, vị bác sĩ chuyên châm cứu đã giải thích cho nạn nhân tội nghiệp đầy lạc hậu mà luôn vỗ ngực thậm xưng văn minh: Bận sau đi đường nhớ nhìn kỹ đèn báo hiệu. Màu xanh buộc phải ngừng lại, màu vàng là chuẩn bị tinh thần để đợi đèn màu đỏ chói sáng để thẳng tiến xông lên. Đỏ là màu của cách mạng, là màu của một sự đạp đổ mà không có gì đủ sức ngăn chận để chùn bước. Vì sao trước ngọn đèn hồ hỡi phấn khởi đó, người bên xứ ông lại phải thúc thủ dừng chân đứng đợi?”
Anh cười trong yên lặng. Có thể đó là một trong triệu triệu chuyện tiếu lâm thời đại. Và anh chợt hiểu, khi người ta sống trong hoàn cảnh bị trấn lột tới mức cùng cực bi thảm nhất thì đó cũng là lúc mà đầu óc con người “phát huy sáng kiến” ra những mẫu chuyện vui phong phú cả lượng lẫn phẩm. Điều này ngược ngạo ở chỗ là nó khác trường hợp khi ta đọc một cuốn truyện tình đầy xúc động thì y như rằng tác giả đó đã phải sống qua những giây phút đau đớn nhất mà mức chịu đựng của trái tim đã tới hồi kiệt quệ. Trái tim anh, anh nghĩ nó còn đập nhát gừng kể từ ngày Sầu bỏ đi. Những truyện anh viết, chẳng còn ai đón đọc nữa cả và bất quá nó chỉ làm riêng anh đối mặt với nỗi xúc động mà Sầu là tác giả từ ngàn dặm dài. Sầu đi, lặng lẽ, bất ngờ. Sầu không tin tưởng ở anh để phút cuối nhắn lại một lời, dù đành đoạn và quyết liệt nhất: Vĩnh biệt! Anh đi ngang căn nhà màu hồng đã bị nhà nước dán giấy niêm phong để dừng chân trước cái màu “cách mạng” đã úa tàn. Tựa một cánh hoa đứng trong bình cắm với sự quên lãng triền miên của chủ nhân. Không ánh sáng, khô khốc nước và quắt queo chết đứng rũ liệt. Anh thấy buồn lòng. Niềm hờn tủi nhú lên, như đứa con vô gia cư bất lực đứng trước căn nhà của người sinh tiền trong gia tộc để lại cho mình bỗng một sớm một chiều bị kẻ khác tới chiếm đoạt. Và anh tin, phương trời kia Sầu có khi cũng sẽ quắt quay nhớ về chốn cũ, rồi mường tượng ra đủ điều với một số vốn kỷ niệm phiêu dạt theo chân bước. Cả hai, chúng ta đều hưởng chung sự mất mác. Anh giữ một nửa, nửa kia trao về Sầu. Sầu chẳng còn quê hương. Anh có được nó để ngày đêm mong ước tới vùng đất tự do mà Sầu đang đặt chân hít thở. Anh tự hỏi, chẳng rõ trong chúng ta ai may mắn hơn ai? Đầu óc lú lấp không giải thích được sự hơn thua. Thôi thì mình chung lưng làm một quả đất nhỏ. Anh giao cho Sầu phía có ánh sáng mặt trời, phần trăng soi về đêm thì xin nhường cho kẻ ở lại. Bởi giờ này, bóng tối sẽ rất cần thiết cho anh. Cho những đêm hoang vu anh nhìn mọi vật “nhà ngói cũng như nhà tranh”, trắng đen đừng phân minh và vàng thau thì cứ lẫn lộn như đã từng.
Bạn bè anh cũng có lắm đứa bỏ chỗ tối mà ra đi. Làm con hoang, thừa nhận hoặc vô thừa nhận thì cũng đứng dưới mẫu số chung cả. Ở tứ tán năm châu bốn bể đều là nhà, chỉ thiếu điều hiểm hóc ngang ngược: Bốn phương vô sản đều là anh em. Bố khỉ! Chúng nó đâu có biết câu ấy. Tất cả đều rặt một phường tư bản. Anh cầu trời cho chúng nó mãi được vậy. Chúng có gửi qùa về cho anh, có đứa tội nghiệp phân trần, viện cớ xứ người mênh mông nên việc anh nhờ dọ hỏi chẳng có kết quả. Không một ai biết đích xác Sầu đang ở đâu. Chỉ đưa tin là Sầu vượt biển cùng ghe với ông bác sĩ dạy môn cơ thể học ngày nào. Ông ấy có người em ruột cũng là bác sĩ nhưng chuyên về sản khoa và mấy thứ bệnh lăng nhăng của đàn bà. Còn trẻ tuổi, nhưng tài cao. Và hình như ba của Sầu cũng đã đi tới quyết định chọn mặt gửi vàng. Hình như. Khi nói thế có nghĩa là còn hồ nghi, chưa ăn chắc? Nhưng hình như anh luôn tin vào những thứ hoang đường. Ở quê nhà anh quen sống thở với tất cả những huyễn mộng mất rồi. Người ta từng lên kế hoạch “biến sỏi đá thành cơm”. Phải thành khẩn tin đến chuyện một chú bộ đội bắn rớt pháo đài bay B-52 bằng một vũ khí thô lậu. Xăng có thể cạn lốp có thể mòn, nhưng số máy số sườn vẫn không hề thay đổi! Anh phải tin vào những thứ chân lý cắc cớ ấy, như tin là Sầu đang êm ấm chung chăn gối cùng ai kia. Hắn sẽ chẳng mang chứng bệnh gia truyền để làm khổ tới lỗ mũi Sầu bằng thứ mùi kỳ cục mà ông anh hắn lỡ mang. Anh nhắm mắt lại. Vợ một bác sĩ tốt nghiệp tận phương trời văn minh và xa lạ, Sầu có đầy đủ quyền thế và cương vị để quên anh. Quên phần đất luôn ấp ủ bóng tối và tụt hậu. Anh tự hứa, nên làm một cuộc “cách mạng bản thân”. Khai tử cái tên Sầu trong trí nhớ. Anh phải cố quên mọi chuyện, chỉ dây dưa lần cuối bằng cách viết một truyện ngắn… Có tên hoàng tử ngủ vùi trong rừng, giấc ngủ ngàn năm vì sẽ chẳng có thực sự hình bóng một cô công chúa nào xuất hiện để đánh thức.
4.
Khi một người bác sĩ nói: Quý vị nên đem anh ấy về nhà và xin hãy chìu chuộng làm vui lòng anh ấy đủ điều, thì ta phải hiểu đó là lời chia buồn sớm sủa nhất dành cho một người đang nằm đếm từng cây số vùn vụt trôi trên con đường dẫn tới miền cực lạc. Đó là lời thú nhận văn hoa khi mà thuốc thang đã đầu hàng trước ông thần chết. Rằng tôi không đủ nhẫn tâm để nói huỵch toẹt với qúy vị tới cái thô nhám sần sùi của sự thật: Ối dà, thằng chả này cao số thì cũng thọ thêm được ba bữa nữa. Ba ngày phù du, qúy vị hiểu không?
Anh nằm trên giường suy nghĩ đủ điều. Cuộc đời đã xáo trộn từ lâu nên anh lạc lõng không còn ai thân thích kề cận mình. Và bây giờ, những ông bác sĩ cũng đã nhặt đi hết những râu ria trong ngôn ngữ, cau có lột truồng mọi thứ, trần trụi. Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét. Anh có cảm tình với sự sòng phẳng ấy vô cùng và anh dọn lòng thanh thản đón đợi một bản thông cáo cuối đời người. Anh không có gì bận lòng. Một người mà suốt một thời sống thu mình như anh thì khi chết đi nào khác chi một con ốc nhỏ. Anh chẳng làm nên việc gì ghê gớm cả để rồi ân hận cho công trình ấy phải chịu dở dang, không xây đắp trọn vẹn đến chung cuộc. Anh chỉ hơi buồn lòng, duy nhất một điều: Đó là bác sĩ quanh đây không có đủ sự “sáng suốt” để nhìn thấu con người anh mà định bệnh. Xì xào, ngờ vực, lắc đầu. Rồi lại tiếp tục thử nghiệm, bằng một phương thức khác. Anh tựa một con vi trùng khổng lồ, nguy hiểm lạ thường đồng thời cũng ẩn dấu ở bên trong đủ đầy sự lôi cuốn. Anh nhớ những ngày êm đẹp cũ, để rồi so sánh anh là một người mẫu trần truồng và tất cả những bác sĩ đều là sinh viên mỹ thuật đang luân phiên nheo mắt ngó vào người anh, đo đạc, dựng sườn, tạo hình khối và vung tay phát thảo lên giấy những nét vụng về ban đầu.
Anh đem tất cả gia tài của anh theo, khi nhập viện. Đó là mười hai cái truyện ngắn anh viết trong nông nỗi một thời còn giữ lại được. Một kẻ mà sẵn lòng nhìn mặt bóng đen cái ông thần cầm lưỡi hái thì nó đâu có quan hoài tới mấy ông thần cầm buá cầm liềm lẻ tẻ. Trong tập bản thảo đó có biết bao câu đồi trụy, phản động? Bao nhiêu lời bêu rếu bôi xấu chế độ ưu việt? Anh không đếm xuể và anh chẳng gợn lòng, bởi giản dị một điều nó thảy là sự trung thực mà khi viết nên anh hồn nhiên chẳng biết hư cấu là gì cả. Và những mối tình được nhắc nhở trong đó? Anh cười buồn, ít ra thì gã lao công bệnh viện một hôm cuốn xác anh đi hỏa thiêu, gã sẽ được trả công bằng thứ món ăn tinh thần lãng mạn lạ lùng mà tuổi trẻ hiện tại của gã chưa từng nếm qua, nghe kể, đọc thấy. Giời ạ! Đừng quát tháo: Coi chừng âm mưu thâm độc của Mỹ Ngụy để lại.
Anh được chuyển phòng hoài. Da anh xanh mướt hay vàng khè? Má hóp hay mắt trũng sâu? Anh choáng váng khi nhìn ra vuông trời xanh thẳm có nắng chen đầy lên khung cửa. Anh chảy nước mắt vì nắng chói hay bởi một cánh chim sẻ vừa lượn cánh ngang qua. Tự do và sự quản thúc. Hai điều đen trắng này đã vì nó mà xẩy tới biết bao nhiêu cuộc cách mạng đổ máu? Anh nói với một ông bác sĩ mà anh thấy ông ấy là người có bộ mặt sáng sủa nhất đám.
- Bác sĩ can thiệp cho tôi được đi dạo bên ngoài một buổi có được không?
- Tôi không đủ thẩm quyền làm theo lời yêu cầu của anh, bởi tôi là một bác sĩ ngụy.
Chữ ngụy ẩn chứa sự thú nhận buông xuôi đầy tội nghiệp mà lâu rồi nó vẫn còn là dấu ấn chưa phai. Nó là vết thương nặng nề nhất. Là người tình thề nguyền với ta đủ điều rồi có khi dửng dưng bỏ ta đi, gieo lại sự chấn động rạn vỡ mà có sống lại kiếp sau ta vẫn còn nhói đau. Ông bác sĩ nói nhỏ:
- Tôi có thể giúp anh những chuyện khác, nếu anh muốn. Giấy viết, hoặc bồi dưỡng thêm chút thức ăn chẳng hạn. Hoặc một hai điếu thuốc nếu anh buồn miệng muốn hút chùng vụng…
Anh cảm động đến ngạt thở. Tình người. Nó làm anh sững sốt. Anh nói:
- Tôi tin là bác sĩ cố ý khi nói tới chữ ngụy. Bác sĩ có quyền hãnh diện về chữ đó, bởi những gì dính dáng tới ngụy đều khác thường, ngay cả trong lãnh vực y khoa.
- Anh nói vậy thôi. Tôi tiếc là không đem sự hiểu biết của tôi để giúp anh. Một phần vì nhà thương thiếu thốn quá nhiều máy móc dụng cụ… Trước đây anh là nhà văn hả?
- Dạ không. Tước hiệu đó cao cả quá. Tôi là một con số không. Bác sĩ gọi tôi là Như không, cho dễ nhớ.
- Anh còn trẻ. Tôi chắc rằng anh sẽ khỏi bệnh… Đời sống, người ta chỉ hơn nhau cách xử sự và chính nghị lực của mỗi người.
- Nghị lực? Bác sĩ có biết là con người, một đôi khi họ mong được chết lắm không?
- Thì tôi đã nói rồi. Cái chết cũng là một trong những phương cách để biểu hiện thái độ của mình đối với cuộc đời. Hơn thua là tùy vào mỗi cách chết. Một hai hôm nữa, bệnh viện mình sẽ tiếp đón một phái đoàn bác sĩ ở nước ngoài về tham quan, giúp đỡ. Có lẽ trường hợp bệnh lý của anh cũng là vấn đề để họ quan tâm tới.
Ông bác sĩ chào anh bằng cách đưa tay vỗ lên vai. Anh lảo đảo bởi cái hành động đó. Tại vì nó nhẹ nhàng và êm ái quá. Anh lê chân tới bên thành cửa sổ. Chỗ anh nằm ở lầu ba, khá cao đối với nhân gian luôn xô bồ bên dưới mặt đất. Anh thấy dòng sông chảy lặng lờ, như tấm gương soi đứng sững. Những tàng cây xanh chen chân hai bên bờ và lác đác đã có những chùm hoa phượng nở sớm, đổ mình soi mặt trên nước, đỏ thắm cho một mùa hè lặng lẽ đến gần. Màu đỏ, màu hồng, với anh vẫn còn là một dị ứng trong nhãn quang. Hiện tại nó nhắc anh về những kỳ nghỉ hè trước đây. Anh chẳng còn thu giữ được gì trong trí não chật hẹp, ngoài hình ảnh từng cánh hoa phượng ép trong cuốn lưu bút khô chết theo những dòng chữ phân ly đầy sáo ngữ vụng dại tuổi học trò. Anh thở dài. Những kẻ bất hạnh là những kẻ mù lòa đôi con mắt ngoái nhìn quá vãng mà tìm hoài vẫn chẳng thấy bóng dáng tuổi thơ.
Buổi trưa, người y tá đem cơm độn khoai và món canh rau muống nấu với nước ruốc hâm hẩm nóng bước lạch cạch vào phòng. Anh rùng mình. Chẳng hiểu vì tiếng ve sầu bất chợt cùng trỗi giọng hợp ca hay vì một thứ nguyên nhân nào khác?
5.
Anh bị đánh thức bởi nhiều tiếng động khác nhau. Ánh sáng lùa tới dữ dội khi mí mắt nặng nề được mở ra. Anh nằm yên, chìm sâu vào tấm nệm mỏng. Chuỗi ngày qua, anh đã gần như lụn bại tinh thần trong việc suy xét đâu là thực đâu là hư. Nó nhập nhằng, nó chân thấp chân cao đến giữa nhận thức tăm tối và chính nó đã trở nên một mũi nhọn chọc thủng tới phần sâu thẳm nhất trong anh: Mình là đốm lửa yếu thắp trên một cây đèn đã vơi cạn dầu…
Anh nghe nhiều tiếng nói vọng lên quanh chỗ nằm, lùng bùng. Ban đầu, anh thấy rõ nét nhất là khuôn mặt người bác sĩ quen thuộc đang cúi thấp xuống bên tai anh:
- Như tôi có thông báo trước. Đây là phái đoàn những vị bác sĩ đã từ phương xa về thăm bệnh viện mình… Anh nghe tôi nói gì không?
Anh nghe, nhưng anh không có được một cử động nào nhằm trả lời câu hỏi ấy. Anh thấy Sầu đứng đó như trong mơ, hoang đường hơn cả mộng mị. Màu áo trắng, trắng quá; như một ảo ảnh. Sầu hiện thân, tựa hình ảnh ma soeur đầy lòng bác ái trong một nhà thương thí. Ừ, đúng là Sầu. Dẫu cuộc đời có dấy thêm một cuộc dâu bể khác để đày đọa nhau, làm biến đổi hình tướng mọi vật thể, anh vẫn có thể nhìn nhận ngay ra cái đường nét lạ lùng có trên tổng thể nhân dáng Sầu, sá chi mái tóc dài ngày xưa đã bị cắt cho ngắn đi, cắt như một tuyệt giao với quá vãng nhiều oan trái. Sầu tóc ngắn và Sầu có đôi phần tàn phai. Anh chết lịm một chỗ. Giá trị của sắc đẹp, không gì khác hơn là khi ta nhìn qua một lần, ngàn năm sau ta vẫn còn nhớ tới. Anh đã bị biến dạng tận gốc rễ, bị đổi thay cùng cực đến thế sao? Vì cớ gì mà ánh mắt Sầu khi nhìn tới, lại dễ dàng như khi ngoảnh mặt đi? Sầu đã không còn nhìn nhận anh. Hắn đã chết một hôm nào khi ta bỏ đi biệt xứ? Mọi vật đã chẳng còn như xưa khi ta trở về. Cũng phải. Một tờ giấy đã lỡ vò đi, làm sao trải thẳng lại được như cũ? Sầu có vẻ như chán nản điều gì, bỏ mọi người chộn rộn quanh con bệnh để vòng tay bước kề thành cửa, ngó mông lung ra khoảng trống như anh từng đứng ngờ nghệch hóng gió. Anh chảy nước mắt dễ dàng hơn anh tưởng. Chưa khi nào, anh mong cái sự thật quái gỡ này chỉ nên diễn ra trong cõi mộng hoang đường thôi. Ông bác sĩ lau nước mắt anh bằng cái khăn mù-soa luôn nhàu nát có trong tay ông. Ông an ủi và vỗ về điều gì đó. Ông vẫn mang những ngộ nhận đáng yêu. Ông đã hiểu lầm về những giọt lệ đã rơi chảy xuống gối. Không. Không một ai có thể hiểu được cả.
Họ rời khỏi giường anh, nói là để tránh bệnh nhân bị xúc động thái quá về cái hành động “nghĩa hiệp” mà họ từ phương trời cực lạc mang về lòng hảo tâm cùng kiến thức sở học nhằm cứu khốn những con bệnh ngặt nghèo. Sầu là người khuất lấp trước tiên, đằng sau cánh cửa. Và rồi thì cuối cùng cánh cửa đó đóng chặt lại như cũ. Anh gượng dậy, cố gắng đi quanh phòng một hai vòng. Anh vận dụng khứu giác, bắt lỗ mũi phải làm việc. Sầu đã đến gieo rắc trong bốn bức tường này một mùi thơm và khi đi cũng hà tiện mang theo hương hoa có trên cơ thể Sầu trốn mất biệt. Anh dừng chân bên khung cửa sổ, mường tượng ra chỗ mà Sầu đã đứng vòng tay trước đó để đặt đôi chân mình vào đúng với vị trí mà anh tin sự quan sát của anh không nhầm lẫn. Anh ngó xuống sân như Sầu đã vừa đứng ngó. Những chiếc xe hơi bóng loáng đậu sánh đôi dưới bóng im của từng tàng lá cây xum xoe. Những người “khách không mời” kia lục tục bước ra khoảng sân ngập nắng. Sầu được một người đàn ông ôm eo dìu đỡ bước chậm rãi làm như chính Sầu là một bệnh nhân được chồng tận tụy đến thanh thỏa mọi giấy tờ để làm thù tục xuất viện.
Anh leo lên, đứng khom lưng trên thành cửa để trông cho rõ mặt Sầu. Anh vẫy tay rối rít loạn xạ nhưng Sầu chẳng thấy. Anh bước thêm một bước nữa để gọi tên Hồng thật to. Tiếng Hồng kéo dài từ miệng lưỡi đắng khô của anh, vỡ ra, rơi xuống và cuối cùng im bặt bằng một vũng máu chảy loang thấm vội vào đất. Thu dấu ở thắt lưng, xấp bản thảo những truyện ngắn bị rơi rớt vung vãi đầy khoảng sân đang rúng động bằng những thứ tiếng hoảng loạn. Gió từ đâu đùa cợt thổi ngang làm vờn bay những cánh bướm kỳ dị.
 Một tờ giấy vướng víu vào người Hồng, ép chặt vào ngực, không rời. Tờ giấy có tựa đề viết lớn: Em Phương Xa Dấu Yêu.
HẾT

Xem Tiếp: ----