Nguyễn Thái Thanh (dịch)

Một ngày đầu tháng 6 năm 1976, tại một phòng khiêu vũ nọ xuất hiện đôi bạn trẻ Gérard Davout và Michel Girod, cùng 18 tuổi, một là thợ điện tập sự và một là thợ máy làm việc tại một gara. Họ đến đây không phải chỉ để nghe những bản nhạc nhàm tai, nhảy những điệu mòn cũ. Họ đến trước nhất là để tìm bạn gái. Bởi vậy, khi Davout hích khuỷu tay vào người bạn:
- Này, chú ý nhìn cô kia một chút xem nào!
Girod lập tức ngoảnh lại. Anh đưa mắt về phía tay bạn chỉ, nhưng rồi từ chối ngay:
- Thôi đi, mình thấy cô ấy lạ quá! Mình thấy có cái gì đó hơi rờn rợn là khác.
Mặc cho người bạn phản bác, Davout vẫn tiến lại gần cô gái.
Đúng là cô gái này toát ra một điều gì đó khác lạ, có thể nói là rất bí hiểm. Các ghế xung quanh cô đều vắng vẻ, không ai đến ngồi, thoảng hoặc có người nào bạo dạn tới bên cô ta, thì rồi cũng đến khó chịu bỏ đi ngay.
Cô gái độ chừng tuổi Davout, tóc đen, đôi môi tuy có đánh son nhưng vẫn nhợt nhạt như môi người chết. Ngược lại với sắc vẻ vậy, cô ta ăn vận khá sang trọng. Chiếc áo khoác ngoài màu đỏ lộng lẫy cùng chiếc khăn quàng đỏ rực rỡ.
Khi Davout đứng trước cô ta thì mắt cô vẫn đang nhìn đi đâu, như hút vào khoảng xa xăm.
Davout giở bài "tán tỉnh" quen thuộc:
- Chào em! Hình như anh đã từng hân hạnh được gặp em ở đâu đó…
Cô gái trẻ giật mình, xoáy mắt nhìn Davout và sôi nổi nói một cách "không bình thường":
- Anh đã gặp em rồi à? Anh tin chắc chứ?… Vậy anh có nhớ là ở đâu không?
- À, không! Có lẽ anh chưa thể nhớ chính xác ngay lúc này được…
- Có phải chúng ta gặp nhau ở chỗ này không?- Cô gái bộp chộp hỏi, mặc chàng trai trẻ lúng túng, ngượng nghịu.
- Có lẽ là như vậy…
- Đã lâu chưa?- Cô gái hỏi dồn.
- Cũng mới thôi.
Cô gái trẻ đứng phắt dậy, nói:
- Nào, anh cùng nhảy với em đi…
Davout rất ngạc nhiên. Quả tình chưa bao giờ anh gặp cô gái nào lại "đổ" nhanh như vậy.
Vừa nhảy, cô gái vừa nói với anh những điều dị thường:
- Tên em là Monique Dupré. Cái tên ấy có gợi lên trong anh điều gì không?
Lại một câu hỏi đột ngột làm Davout lúng túng, nhưng anh không muốn bỏ lỡ một cơ hội tốt. Anh ậm ờ cho qua chuyện:
- Không! Nhưng… Monique. Em thật xinh đẹp. Hãy nhớ anh tên là Gérard Davout.
Cô gái vẫn tiếp tục mạch khai thác của mình:
- Chẳng lẽ anh thật sự không nhớ được điều gì? Anh có hay đọc báo không?
- Em được báo chí nhắc đến à? Em làm nghề gì vậy?
Cô gái nhìn anh với con mắt soi mói:
- Không! Em chỉ ở nhà… Anh thử nhớ lại xem, có phải lần cuối chúng ta gặp nhau là vào ngày 1-5-1974 không?
Davout có cảm giác như mình đang bị thẩm vấn. Chỉ có điều, trước nay anh không hề có chuyện gì với ai. Nhưng không muốn gây bực tức cho người bạn gái mới quen biết, anh tặc lưỡi đáp bừa:
- Có thể là thế… Em biết đấy… Trước đây…
Cuộc vui tiếp tục. Monique càng tỏ ra có cử chỉ, hành động lạ lùng. Thỉnh thoảng cô lại bất ngờ rời tay Davout để đến nhảy với một chàng trai nào đó. Và gặp ai, cô cũng nhắc lại điệp khúc về sự gặp gỡ vào cái ngày 1-5-1974 ấy.
Khi chia tay, Davout không quên hỏi thăm địa chỉ cô gái. Cô trả lời cộc lốc:
- Số 2, phố Gambetta.
Ít phút sau, Davout rủ Girod phóng ôtô tìm đến địa chỉ trên. Chiếc xe dừng lại trước số nhà 2. Girod nhanh nhẹn tiến đến cổng, nhìn nhìn ngắm ngắm rồi bất thần quay lại, phá lên cười:
- Này, cô nàng muốn đuổi cậu đấy! Đây là địa chỉ của nghĩa địa. Thật là một trò đùa… Thôi, về đi…
Chẳng lẽ cô nàng muốn đùa giễu ta sao? Davout trở về nhà với một tâm trạng bực bội khó tả. Đêm ấy, hình ảnh nghĩa địa và con số 1-5-1974 cứ lẩn quẩn trong tâm trí anh.
Bất chợt Davout nảy ra một ý. Để khỏi đánh động mọi người, anh lẹ làng leo lên gác xép. Anh nhớ cha anh có bộ sưu tập các tờ nhật báo và Monique cũng có nhắc đến một tờ báo nào đấy. Davout dọn các đồ vật phủ dầy bụi bặm để tìm chồng báo niên hạn 1974. Anh dùng đèn pin soi giở từng tờ. A, đây rồi. Anh kêu khẽ khi nhìn thấy ảnh cô gái anh gặp khi nãy được in trên trang nhất của một tờ báo ra ngày 2/5/1974.
Chợt Davout há to mồm, đôi mắt chòng chọc, hoảng hốt bởi nội dung in ở dưới bức ảnh cô gái, thoạt đầu là dòng tít lớn "Tấn thảm kịch trong cuộc khiêu vũ ngày 1/5/1974" rồi tiếp đến là bài báo tường thuật sự việc: "Tối qua, cô Monique Dupré, 18 tuổi, từ sàn nhảy trở về nhà. Cô gái thông minh, nhan sắc và có giáo dục này đã mặc chiếc áo đỏ đẹp nhất của mình với hy vọng gặp được người tình lý tưởng. Nhưng, than ôi, cô lại phải đón nhận về mình cái chết bi thiết. Người ta tìm thấy xác cô ở ngay phía sau sàn nhảy. Theo giám định, cô bị hung thủ bóp cổ đến chết. Các nhân chứng cho biết trước đấy cô nhảy với một thanh niên cùng tuổi, nhưng nhân dạng hắn ra sao thì không ai tả rõ được vì tất cả đến đây chỉ với mục đích chăm chú vào việc nhảy với các vũ nữ".
Vô tình lật giở chồng báo, Davout lại một lần nữa bắt gặp hình ảnh Monique Dupré, nhưng là trên số báo ra ngày 6/5/1974. Mặt cô gái trắng bệch, vô hồn. Dưới bức ảnh là dòng ghi chú "Đám tang của cô gái trẻ Monique Dupré". Tấm ảnh khác in kèm ngay đó cho thấy một dòng người đi sau chiếc xe tang phủ kín các vòng hoa trắng. Chẳng khó khăn gì lắm Davout cũng nhận ra được hình ảnh lối vào cổng nghĩa trang mang con số 2 phố Gambetta, nơi vừa cách đây vài tiếng anh cùng Girod đi qua.
Trong đêm tối, Davout sợ hãi lẩm bẩm một mình: "Mình vừa nhảy với một xác chết! Mình vừa nhảy với một xác chết".
Ngày 9/6/1976, Davout và Girod rủ nhau trèo qua hàng rào khu nghĩa địa - nơi trước đây họ đã "theo hẹn" lần tới, với quyết tâm làm sáng tỏ một số điều nghi vấn. Nhìn trước, nhìn sau, cuối cùng họ cũng tìm thấy ngôi mộ của Monique. Hình của cô được lồng trong khung kính. Dưới ảnh là hàng chữ mạ vàng: "Monique Dupré, 1956-1974".
Cả hai chàng trai như nghẹn thở. Có cái gì tưởng đang thắt lại nơi cổ họng. Girod nắm chặt tay Davout thì thào:
- Nhìn xem kìa!
Có những bước chân rất rõ đi tới ngôi mộ rồi lại quay ra… và chẳng khó khăn gì mà họ không nhận ra đó là dấu giày cao gót của phụ nữ.
Thứ bảy tuần sau, anh trở lại vũ trường, tìm và ngồi đúng vào cái bàn cô gái vẫn ngồi mọi khi. Linh tính mách bảo cho anh biết là thế nào cô gái cũng đến.
Thời gian nặng nề trôi qua. Đây kia, Monique vẫn với trang phục như lần đầu anh gặp cô, vẫn chiếc áo màu đỏ, chiếc khăn quàng và đôi môi nhợt nhạt như người đã chết. Nhìn thấy anh, cô gái rẽ sang lối khác, nhưng Davout đã bật dậy nắm lấy tay cô.
Monique hất mạnh tay anh, nói gay gắt:
- Anh muốn gì ở tôi? Hãy để cho tôi yên…
- Rõ ràng là em đã coi thường tôi - Vừa nói, anh vừa giơ tờ báo ngày 2/5/1974 để làm chứng - Cái gì đây? Em không chối cãi chứ?
Mặt cô gái trắng bợt. Cô ta im lặng một hồi rồi ấp úng:
- Anh… anh là cảnh sát à?
- Không!
Cô gái nhanh chóng lấy lại vẻ tự nhiên:
- Thế thì anh hãy đi đi… Tôi không có gì để nói với anh.
Ngay tối hôm đó, cô gái đã bị bắt. Nhưng phải vài ngày sau Davout mới được biết việc này qua các thông tin báo chí…
Thì ra, trong một cuộc càn quét bọn buôn lậu, cảnh sát đã bao vây toàn bộ căn phòng nhảy. Tất cả mọi người được giải về đồn, trong đó có Monique.
Trong khi khám xét, cảnh sát phát hiện thấy trong túi xách của cô gái có khẩu súng ngắn. Vì cô có gương mặt giống hệt cô gái Monique Dupré đã bị sát hại cách đây hai năm mà cảnh sát chưa tìm ra hung thủ nên cô bị hỏi cung rất ráo riết. Cuối cùng, cô gái trẻ đành phải khai sự thật:
- Đây là chị gái tôi - Cô chỉ vào bức ảnh người quá cố.
- Còn cô tên gì?
- Tôi là Anne Marie Dupré. Chúng tôi là chị em sinh đôi.
- Cô đã giữ chiếc áo đỏ này của chị cô?
- Vâng!
- Và học theo cách ăn vận, cách hóa trang của chị cô, kể cả cách đánh phấn cho da có màu trắng?… Tại sao cô lại dựng lên màn hài kịch này?
Anne Marie thổn thức:
- Chỉ vì các ông bó tay không tìm ra tên thủ phạm nên tôi mới ra ý định như vậy. Tôi nghĩ rằng kẻ sát hại chị Monique phải quen chị và đã nhảy với chị, như vậy thể nào nó cũng sẽ quay lại đây…Và khi nó nhìn thấy tôi, nó sẽ ngỡ bóng ma nạn nhân của nó trước kia và thế là nó sẽ tự lộ mặt ngay ra… Nhất là khi nó vô tình thốt lên rằng nói đã gặp tôi lần nào đấy… Tôi tin chắc nó là thủ phạm… Đấy là cách tôi tự điều tra mà thôi…
- Nếu giả định "phát hiện" ra hung thủ, cô sẽ làm gì nó?
- Tôi sẽ giết nó bằng khẩu súng ngắn mà tôi vẫn cất trong xắc.
Thật hú vía cho Davout. May mà anh chưa phải trả giá cho trò tán tỉnh bông đùa của mình.
Anne Marie Dupré được trả tự do sau khi cảnh sát tịch thu khẩu súng ngắn và nhắc nhở cô về hành động tự phát.
Câu chuyện "phục thù" này đã được các báo chí Pháp liên tiếp đăng tải, gây xúc động mạnh trong dư luận. Tình yêu thương của Anne Dupré đối với cô chị sinh đôi của mình quả là rộng lớn, sâu sắc

Xem Tiếp: ----