Bạn có tin việc lấy vợ lấy chồng là có duyên có số không? Chứ tôi thì tôi tin lắm. Ngay cả cái tên gọi của mình hình như cũng có nhiều mối liên quan đến duyên số đấy! Cứ xét từ kinh nghiệm bản thân mình, thì tôi thấy hai điều này đều đúng cả. Nhà tôi có hai chị em, chẳng biết ông bố đồ nho cuối mùa của tôi nghĩ thế nào mà đặt tên cho con toàn là thiên tai, hiểm hoạ. Chị tôi là Hồng Thuỷ thì cả cuộc đời lận đận nổi trôi, lấy ông chồng đầu tiên vừa sinh được mụn con gái thì anh ấy bị hy sinh tại chiến trường Đường 9 Nam Lào từ năm 1972. Lúc ấy chị tôi mới ngoài hai mươi tuổi. Đang độ “gái một con trông mòn con mắt” thì lại tục huyền với ông giám đốc của mình là một cán bộ miền Nam tập kết. Sinh thêm được đứa con gái nữa thì giải phóng miền Nam, theo chồng về Nam Bộ. Nào ngờ ông ấy đã có vợ con rồi mới đi tập kết ra Bắc, mà con trai ông ấy cũng suýt soát bằng tuổi chị tôi. Vì thế mà cuội đời chị tôi đã trôi dạt gần như suốt dọc chiều dài đất nước hình chữ S mà vẫn lận đận, long đong cảnh vợ lẽ con thêm, “ăn xó mó niêu”, tủi nhục trăm đường. Mà thời xuân sắc, lúc ấy chiến tranh chưa có trò thi hoa hậu, nhưng chị tôi cũng vào loại xinh đẹp không nhất thì nhì trong trường đại học chứ có phải xấu xí gì đâu mà cuộc đời sau này lại chịu toàn những cảnh hẩm hiu, trắc trở. Chẳng biết có phải cái tên Hồng Thuỷ - nước lụt kia nó đã ám vào, làm số kiếp chị tôi trôi dạt long đong? Còn tôi là Phong Vũ, tuy cuộc đời cũng chưa đến nỗi gió táp mưa sa như cái tên bố tôi đặt cho đâu, nhưng nhân duyên thì cũng lận đận long đong chẳng kém, đã trạc ngoại ngũ tuần rồi mà vẫn chưa lấy nổi vợ mới khổ chứ! Đời tôi tuy có sinh ra giữa thời bom đạn, nhưng lớn lên thì đất nước đã bình yên, nên chỉ có ăn chơi và học hành, chứ không phải cầm súng ra chiến trận như lớp lớp cha anh thủa trước. Gia đình tôi cũng vào loại có máu mặt, “nhà mặt phố, bố làm to” (Bố tôi khi còn sống là Trưởng phòng Thương binh-Xã hội quận). Trình độ kiến thức thì tôi cũng lấy được cái bằng phó tiến sĩ khoa học (mà bây giờ người ta đã “nâng cấp” lên thành tiến sĩ cả loạt rồi), công việc thì là Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng của Viện Nghiên cứu cấp Nhà nước, cũng coi là quá ổn định rồi, thế mà chỉ còn mỗi chuyện tình duyên vẫn cứ lận đà lận đận mãi vẫn chưa thể yên bề gia thất! Hồi còn học Đại học, tôi chơi thân với hai người bạn là Vũ Phong và Bích Vân. Chúng tôi thân nhau vì cả lớp chỉ có ba đứa là “thị dân” ở ngoại trú, còn lại toàn các bạn tỉnh lẻ ở nội trú trong ký túc xá nhà trường. Hàng ngày tan học là ba đứa lại nhảy xe buýt về nhà. Cùng đường, cùng cảnh nên chúng tôi gắn bó thân thiết với nhau. Rồi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, và may mắn cho tôi là Bích Vân đã chọn tôi, chứ không chọn Vũ Phong. Tuy hai đứa chúng tôi yêu nhau nhưng tình bạn giữa ba chúng tôi càng thêm gắn bó, không hề sứt mẻ. Đi ăn đi chơi đâu, tham gia hội hè gì cũng đều có mặt cả ba đứa. Các bạn trong lớp, ai cũng bảo mối tình của Phong Vũ – Bích Vân như cá gặp nước như rồng gặp mây. Chúng tôi chỉ còn chờ ngày ra trường là làm đám cưới. Thế mà giữa năm học cuối, chỉ vì một sự hiểu lầm nho nhỏ, chỉ vì tính ghen tuông hờn giận dở hơi của tuổi mới lớn, tôi đã làm cho Bích Vân vô cùng đau khổ, đến mức nàng phải nói lời chia tay với tôi. Cũng may mà thằng bạn thân chí cốt của cả hai chúng tôi là Vũ Phong đã lấy thân mình lấp vào khoảng trống tình yêu mênh mông kia của Bích Vân kịp thời, để ngay sau khi ra trường họ nên vợ nên chồng, và lại duy trì được tình bạn thân thiết trong cái “tổ tam tam” của chúng tôi. Sau này hai vợ chồng họ cũng vì thương tôi mà đã mối manh cho tôi hết đám này đám nọ, nhưng đều cũng chẳng đâu vào đâu cả. Gần đây Vũ Phong còn thân tình đến mức bỗ bã mà khuyên tôi rằng: - Này, con Thảo Vân nhà tao 25 rồi đó, tốt nghiệp đại học đi làm hai năm rồi, mày không lấy mẹ nó thì lấy nó cũng được đấy! - Thằng mất dậy, xỏ lá! Lũ con mày nó đều gọi tao là bố, mà tao cũng coi chúng nó như con từ nhỏ đến giờ. Mày bảo tao lấy nó thì là bố lấy con, cứt lộn lên đầu à? – Tôi đã chửi cho cái thằng bố mất dạy, dở hơi đó một trận nên thân. Mùa hè vừa qua, Thảo Vân được lĩnh một khoản tiền thưởng lớn gì đó, con bé mời cả nhà đi nghỉ mát Hạ Long, tất nhiên là nó mời cả bố Phong Vũ, vì từ trước đến nay, cả nhà họ đều coi tôi là thành viên trong gia đình. Đến Hạ Long buổi trưa, thì buổi chiều cả nhà thuê riêng một chiếc du thuyền đi thăm vịnh và đảo. Hôm ấy thời tiết tuyệt đẹp, thuyền đi lòng vòng luồn lách qua các khe núi trong vịnh Bái Tử Long, rồi gặp sườn núi thoai thoải xuống bãi cát trắng phẳng lì, thế là cả nhà dừng thuyền xuống tắm. Bơi lội thoải mái độ khoảng một tiếng thì ba mẹ con Bích Vân lên bờ ngồi nghỉ, mua cá tôm, cua ghẹ của dân chài rồi đốt lửa nướng ăn, còn tôi và Vũ Phong vẫn mải miết bơi lặn dưới biển. Hai chúng tôi bơi lần theo sườn núi vào sâu trong hang động phía trong. Ánh nắng chiều lọt qua khe núi dọi xuống làn nước trong hang lấp lánh, Chúng tôi phát hiện ra một vật gì trăng trắng nổi trôi, bị sóng đánh bập bềnh dạt vào khe động. Tôi bảo Vũ Phong chúng mình thử vớt lên xem là cái gì, thì Vũ Phong sợ là người chết trôi, nên hối tôi chuồn mau thôi. Tôi bảo trông như bọc nilon âý, chứ không phải người chết trôi đâu. Thế là hai thằng liều lĩnh bơi lại, hì hục kéo được cái bọc cuộn tròn toàn nilon từ khe động ra, rồi vớt lên bờ. Vũ Phong bảo có khi đây là bọc bom mìm, thuỷ lôi gì đó, hồi chiến tranh, giặc Mỹ thả xuống để phong toả cảng Hải Phòng, còn sót lại dạt vào đây. Tôi thì cho rằng bọc nilon thế này, không phải bom mìn, thuỷ lôi gì đâu, chỉ là một kiện hàng mà tầu buôn chuyển tải ngoài khơi sơ ý làm rơi xuống biển thôi. Thế là hai đứa chúng tôi cẩn thận bóc từng lớp nilon ra xem bên trong là hàng hoá gì. Các lớp nilon được dán rất kỹ, những nơi mép quấn còn gắn xi chống thấm, nên chúng tôi phải vất vả lắm mới bóc xé được ra. Cuối cùng thì chỉ là một cái chai mầu trắng loại vỏ chai rượu một lít có chữ nước ngoài, nút chai lại được gắn xi chắc chắn. Chúng tôi phải đốt giấy hơ nóng cho xi chảy ra rồi mới mở được nút chai. Tôi lấy que ngoáy mãi mới lấy được miếng giấy cứng cuộn tròn trong chai ra. Té ra chỉ là một tấm ảnh lụa đen trắng, hình người con gái khoảng trên dưới hai mươi tuổi, mặc áo dài, kẹp tóc buông thả ra hai bên rất duyên dáng xinh đẹp. Mặt sau tấm ảnh có dòng chữ viết rất nắn nót “Ai nhặt được vật này, là gái xin kết nghĩa chị em, là trai xin được trao thân gửi phận, nếu thấy phải số hợp duyên, xin mời đến gặp Hoàng Ánh Vân, số 100, phố Hàng Đ. Hà Nội hoặc tại Ánh Vân sơn trang”. Đọc xong, Vũ Phong thở dài thất vọng bảo “Trỏ trẻ con dở hơi, làm các bố mất cả thì giờ!”, còn tôi thì lại bàng hoàng xúc động mà nghĩ thầm rằng hay đây chính là “duyên số” đã tìm đến với mình. Tôi không dám nói ra suy nghĩ của mình sợ Vũ Phong lại cho là đồ hâm đơ, dở hơi, chỉ lặng lẽ cầm tấm ảnh cất vào túi đồ của mình. Tối đó về khách sạn, sau khi tắm táp, ăn uống xong, cả nhà đang ngồi uống nước xem tivi, thì con bé Thảo Vân đề xuất ngày mai trả phòng sớm rồi đi Móng Cái - Trà Cổ hay quay về Hải Phòng rồi đi Cát Bà, chứ thăm thú, chơi bời Hạ Long một ngày là đủ lắm rồi. Ý kiến đó được bố mẹ và em nó “đồng ý, nhất trí, tán thành” nhiệt liệt. Thấy tôi ngồi thừ ra chẳng nói gì, nó liền gặng hỏi: Ý kiến bố Phong Vũ thấy thế nào ạ? Thôi ngày mai cả nhà cứ đi đi! Hai nơi đó bố vừa đi với cơ quan tháng trước rồi! Thấy tôi không hưởng ứng, nên cả nhà lại quyết định không đi nữa mà cứ chơi ở Hạ Long đến cuối tuần như đã định. Tôi áy náy vì mình không đi để mọi người mất hứng thì không đành, nên tôi phải nói dối là vừa mới sực nghĩ ra có cái hẹn với một cộng tác viên khoa học từ tỉnh ngoài đến Viện làm việc ngày mai, nên bất cứ giá nào tôi cũng phải về. Mọi người cứ đi Trà Cổ hoặc Cát Bà cho vui vẻ! Tôi phải nói dối thế để mọi người không phát hiện ra cái ý nghĩ dở hơi của tôi là về để tìm gặp người trong bức ảnh. Hai đứa con nhà Vũ Phong – Bích Vân buồn rầu bảo: - Thế mai bố về làm việc xong rồi lại xuống đây nhé, chúng con chờ đấy! Ngay lúc ấy tôi gọi taxi hẹn sáng mai 5 giờ, đến khách sạn đón về Hà Nội. Cả đêm đó tôi cứ trằn trọc suy nghĩ xem chọn cách tiếp cận Hoàng Ánh Vân vào ngày mai ra sao? Nàng trẻ trung thế, liệu có chấp nhận mình một lão già đã 55 tuổi, ngang với tuổi bố nàng hay không? Dù cho nàng có chấp nhận theo nguyện ước và “duyên số” mà ông trời đã sắp đặt, thì liệu bố mẹ nàng có chấp nhận một ông con rể ngang tuổi bố mẹ vợ hay không? (Nghĩ đến đây tôi lại tự mỉm cười một mình vì nhớ lại vừa hôm trước chửi thằng Vũ Phong dám nói khiếm nhã dở hơi là làm con rể nó). Nhưng thời buổi hôn nhân tự do này, chủ yếu là ở hai người yêu nhau hay không, chứ đã nhất quyết yêu nhau rồi thì bố mẹ có ngăn cản cũng chẳng là cái gì. Mà biết đâu họ chiều con rồi vui vẻ chấp nhận ngay thì sao? Mấy lại mình cũng đường đường là một ông tiến sĩ, một nhà khoa học của Viện nghiên cứu Quốc gia, chứ đâu phải xoàng xĩnh, chắc là mọi việc sẽ ổn cả thôi. Không ngờ chờ đợi mãi bây giờ lại kiếm được cô vợ trẻ, xinh đẹp và đầy lãng mạn nữa… cứ nghĩ vậy mà sung sướng, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay… Vừa đến nhà số 100, phố hàng Đ., tôi liền trả tiền vội cho anh taxi rồi xuống xe, hấp tấp bấm chuông. Một cô gái chừng tuổi đôi mươi rất xinh đẹp, mặc áo dài trắng, tóc kẹp để xoã dài chảy xuống gần đầu gối ra mở cổng. Vừa trông thấy tôi nàng đã lao vào ôm chầm lấy và kêu lên đầy vẻ trách móc: Sao hôm nay anh mới tới, em chờ anh lâu lắm rồi đấy! Tôi đang sung sướng đến phát điên lên, chưa kịp nói câu nào thì chuông điện thoại kêu reng reng, làm tôi bừng tỉnh cơn mê. Tôi uể oải vươn tay với chiếc ống nghe: Alô, ai gọi sớm vậy? Dạ, em ở quầy lễ tân đây ạ! - Tiếng cô tiếp viên khách sạn ngọt ngào nhỏ nhẹ - Thưa anh, taxi đến rồi ạ! Cảm ơn! Tôi bật đèn, nhìn đồng hồ trên tường đã chỉ 5giờ 05 phút. Tôi vội vã vùng dậy, chạy vào toilet rửa mặt, đánh răng quáng quàng, rồi vơ vội túi đồ đã chuẩn bị từ tối hôm qua, khép cửa, vào thang máy, xuống lễ tân trả chìa khoá, rồi bước vội lên xe, chạy thẳng về Hà Nội quên cả việc ăn sáng. Xe đi sớm, đường còn vắng chạy với tốc độ 80 cây số một giờ, nên 7:20’ đã đến Hà Nội. Tôi giục lái xe cho chạy nhanh đến phố Hàng Đ., kẻo người mình cần gặp lại đi làm mất. Vừa đến nơi, thì phải chứng kiến một cảnh tượng diễn ra ngoài dự định là gia chủ đang có đám tang. Từ cổng nhà số 100, linh cữu người quá cố đang được mọi người xúm vào khiêng bằng tay đưa lên xe tang đỗ ngay trên đường phố. Tôi bàng hoàng tưởng như đến khuỵu xuống đường khi thấy mọi người khênh từ trong nhà ra chất lên xe toàn những vòng hoa trắng. Chẳng lẽ Ánh Vân của tôi bị tai nạn sao mà chết đột ngột thế này? Nhưng tôi lại trấn tĩnh lại ngay khi nghe tiếng khóc “Ới bà ơi, sao bà bỏ lại cháu một mình”. À thì ra người quá cố đã có cháu chứ không còn là một cô gái đồng trinh. Nhưng tại sao đám tang lại toàn là hoa trắng? Tôi vội bảo người lái taxi cứ đi chầm chậm theo đán tang còn tôi xuống đi bộ hoà vào dòng người đang đi bộ chầm chậm để tiễn đưa người quá cố, hòng tiềm hiểu xem người chết là ai. Tôi đã nhìn thấy bức ảnh có phủ vải đen rước theo đám tang là một bà già đầu tóc bạc phơ rất phúc hậu, mới yên tâm bước lên xe định đi về nhà, nhưng lại nghĩ muốn làm rể nhà người ta thì nhân đây cứ hoà nhập vào đám tang, cùng đi đến nghĩa địa cũng là một dịp ra mắt không chính thức trước khi đến nhà thì cũng hay chứ sao. Nghĩ vậy tôi bảo người lái xe đi theo đám tang. Đến nghĩa trang Văn Điển thì linh cữu được đưa vào nhà hoá thân hoàn vũ. Tôi cũng xuống xe vào ngồi trong nhà tang lễ để dự lễ truy điệu trước khi người ta đưa thi hài người quá cố vào buồng hoả thiêu hoàn vũ. Tôi bàng hoàng như muốn ngất xỉu khi nghe người ta đọc điếu văn là “Nữ sĩ Hoàng Ánh Vân sinh ngày mồng 1 tháng 1 năm 1910, mất ngày mồng 1 tháng 1 năm 2010, hưởng thọ đúng 100 tuổi…” tai tôi như ù đi không còn nghe người đọc điếu văn đọc tiếp những gì về thân thế sự nghiệp của người quá cố nữa, mà chỉ nghe bập bõm được câu cuối cùng “… Cụ đã sống trọn cuộc đời trinh bạch, nhẹ nhàng dạo gót về chốn thiên thu…Xin vĩnh biệt cụ! Mời mọi người đứng dậy, một phút mặc niệm bắt đầu!” Tôi như thằng người máy đứng lên theo lệnh người đọc điếu văn, rồi lại như cái máy ngồi xuống. Rồi tôi thấy một cô gái, mặc áo xô trắng, tóc xoã dài chấm gót đứng lên thay mặt gia đình “cảm tạ mọi người đã đến đưa tiễn bà tôi về cõi vĩnh hằng…”. Khuôn mặt người ấy bị mái tóc xoã che gần hết trông không rõ lắm, nhưng nghe giọng nói thì không còn trẻ mà đã là người phụ nữ đứng tuổi thì phải. Người ấy nói tiếp “…Ngày mai gia đình chúng tôi đưa bà tôi về sơn trang dưới Hạ Long, rồi tổ chức thuỷ táng ngoài Vịnh Bái Tử Long theo ý nguyện của cụ. Xin kính mời Quí vị ai có điều kiện xin mời tiêp tục đi đưa tiễn bà tôi…” Khi thấy mọi người đã đứng dậy ra về gần hết, tôi mới uể oải cố đứng lên, ra xe về nhà. Đầu tôi cứ ong ong như lên cơn sốt, lòng buồn rười rượi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn chán và lòng nặng trĩu như lúc này, kể cả khi bố mẹ tôi chết tôi cũng không thấy buồn đến mức này. Anh lái taxi phải hỏi tôi đến mấy câu là “chú ơi đi về đâu?” thì tôi mới sực tỉnh lại được. Khi về đến nhà tôi xuống xe là đi thẳng vào nhà, anh ta phải túm tay tôi kéo lại nói “chú ơi chưa trả cháu tiền xe”, thì tôi lại như thằng người máy mở ví, xỉa tiền đưa cho anh ta chẳng biết là bao nhiêu, cho đến khi anh ta bảo “đủ rồi chú ạ!” thì tôi mới dừng lại rồi đi thẳng vào nhà, mở khoá nằm vật ra giường. Nghĩ miên man một lúc tôi lại đâm ra lo sợ. Đúng là số trời run rủi thế nào mà tôi lại gặp cảnh ngang trái này? Mà sao lại trùng hợp một cách đến khinh khủng như vậy được? “ Nữ sĩ Hoàng Ánh Vân sinh ngày mồng 1 tháng 1… mất ngày mồng 1 tháng 1” như vậy bà là một nhà văn hay nhà thơ, mất ngày mồng 1 tức hôm kia, đúng cái ngày mình vớt được bọc nilon, đọc được lời hẹn ước của bà. Bà thọ 100 tuổi, thì cái bọc ấy thả xuống biển cũng phải từ bảy, tám mươi năm trước, khi bà còn trẻ như trong bức ảnh, có nghĩa là từ lúc mình chưa tồn tại trên thế gian này. Có phải duyên kiếp nợ nần chi nhau mà run rủi bắt mình cứ phải về bằng được để có mặt đúng vào lễ tang của bà? Chắc linh hồn bà bắt mình phải có mặt để đưa tiễn bà chăng? Đã vậy thì ngày mai phải tiếp tục đưa tiễn bà về sơn trang mới được. Mà hôm nay đã hoả táng rồi, sao mai còn thuỷ táng nữa là sao nhỉ? Đám tang toàn hoa trắng, “sống trọn đời trinh bạch” thì ắt là chưa hề có chồng con. Người mà bà chờ đợi suốt cả cuộc đời lại chính là mình ư? Liệu bà có bắt ta phải theo bà về “chốn thiên thu” không nhỉ?... Càng nghĩ mà càng lo sợ đến toát cả mồi hôi. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, gọi taxi đến số 100, phố Hàng Đ., thì xe tang của gia đình cũng vừa lăn bánh. Tôi bảo anh taxi đi theo chiếc xe tang này. Suốt dọc đường từ Hà Nội đến Hạ Long tôi cứ như người mộng du, nghĩ ngợi lung tung, chẳng chuyện gì ra chuyện gì, tâm trạng cứ hồi hộp như sợ sệt một sự việc vô hình nào đấy. Xe tang vừa đến Hạ Long thì rẽ vào con đường nhỏ leo lên dốc núi. Xe taxi của tôi cũng bò bám theo sau. Đi theo đường lòng vòng uốn lượn quanh sườn núi độ khoảng 15-20 phút lên đến đỉnh núi thì đỗ lại trước cánh cổng sắt tróc sơn cũ kỹ, phía trên có tấm biển cũng cũ kỹ không kém đề bốn chữ lớn “Ánh Vân Sơn Trang”. Xe taxi của tôi cũng theo chiếc xe tang đi qua cổng vào đỗ ở cái sân xi măng rụng đầy hoa đại trong khuôn viên của sơn trang. Người ta xuống xe rước ảnh và lọ tro của người quá cố, leo qua các bậc đá tam cấp lên ngôi nhà xây theo kiến trúc Pháp đã cũ kỹ rêu phong. Tôi cứ như một người máy bước theo đoàn người rước tang lễ vào nhà. Người ta đặt ảnh và lọ tro lên bàn thờ. Một nhà sư bước lại thắp hương rồi ê a đọc một bản sớ dài toàn những từ ngữ nhà phật mà tôi chẳng hiểu gì cả. Trong khi các nhà sư đang làm lễ và tụng kinh cầu siêu cho người quá cố, tôi được mời ra ngồi ở gian bên cạnh. Người đàn bà mặc áo xô, tóc dài buông xoã cầm khay trầu bước lại phía tôi rồi bóc bao thuốc ba số chìa ra mời tôi. Tôi lễ phép khước từ nói là không hút thuốc. Người đó lại rót nước mời tôi uống. Tôi đón chén trà nóng từ tay chị ta và cảm ơn. Lúc này tôi mới nhìn rõ mặt thì thấy chị ta có nét hao hao giống người quá cố và đặc biệt rất giống bức ảnh hôm trước tôi lấy được trong cái chai thả ngoài biển. Chị ta rụt rè hỏi tôi: Thưa anh, là… Tôi vội đáp: Tôi là một độc giả rất hâm mộ thơ văn của cụ! Nghe vậy thì chị ta mới “à” lên như vỡ lẽ tại sao tôi một, người xa lạ lại có mặt ở đây. Chị ta liền chỉ tay cho tôi thấy cái tủ kính xếp đầy sách vở kê sát tường mà nói với tôi như giới thiệu: - Đây toàn là thơ, văn bà em sáng tác trong bảy, tám chục năm nay, nhưng chưa hề xuất bản. Còn có cả hàng chồng những bức thư mà cụ viết cho một người trong mộng nào đó cũng chưa hề được gửi đi… Nghe vậy tôi thấy cay cay nơi mũi, cố kìm nén tiếng nấc nghẹn ngào để nó không phát ra, vì quá xúc động biết rằng những bức thư ấy là bà đã viết cho mình. Tôi cố trấn tĩnh hỏi chị ta một câu cho phải phép lịch sự: Nghe nói cụ là Nữ sĩ ỏ Hà Nội cơ mà? Vâng, bà em ở trên Hà Nội là chính, chỉ mùa hè mới về đây, nghỉ ngơi, viết lách thôi. Còn cái danh hiệu Nữ sĩ là bà em nổi danh từ hồi còn là nữ sinh trường Đồng Khánh, thời Pháp thuộc cơ. Hồi đó cụ đã có truyện, có thơ đăng ở nhiều báo và tạp chí rồi. Lúc còn trẻ bà em cũng đã xuất bản được mấy tập thơ tình. Nhưng sau này do chuyện tình riêng trắc trở, cụ chỉ viết để đấy làm kỷ niện, chứ không cho in nữa. Tôi mạnh dạn hỏi: Xin lỗi, thế chị là… Em là cháu. Cụ là chị ruột của ông nội em, nhưng ông em hy sinh từ Chiến dịch Thu Đông hồi chống Pháp rồi. Bố em cũng là liệt sĩ chống Mỹ, chỉ có mình em ở với bà em thôi. Tôi nghe được chị ta kể đến đấy, thì các nhà sư cũng vừa làm lễ xong. Lọ tro hài cốt lại được hạ xuống đưa ra xe. Tôi cũng vội vã lên xe theo đoàn lễ tang, xuống bến, lên du thuyền đi ra vịnh Bái Tử Long để rải hộp tro xuống biển. Sau hôm theo đưa đám tang xuống Hạ Long trở về tôi phải nghỉ ốm ở nhà một tuần. Khi trở lại Viện làm việc, tôi vẫn cứ như người mất hồn, chẳng muốn làm việc gì cả. Mở tập tài liệu ra đọc đến mấy trang rồi mà vẫn chưa nắm được nội dung là vấn đề gì. Cô thư ký lại bê đến cả chồng tài liệu nói: - Đây là đề tài khoa học của Tỉnh X. gửi lên đề nghị Viện xét duyệt, giám đốc bảo anh đọc rồi cho ý kiến để giám đốc phê duyệt gấp đấy ạ. Tôi bảo “cứ để đấy anh mang về nhà, tối sẽ đọc”. Cả ngày hôm ấy tôi cứ như người mất hồn, chẳng làm được việc gì đến nơi đến chốn cả. Tan tầm buổi chiều, tôi chẳng muốn về nhà nữa mà bỏ xe máy tại cơ quan đi bộ lang thang quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm, cũng chẳng biết đi đâu nữa. Cuối cùng tôi rẽ vào Nhà hàng Long Vân gọi chiếc bánh ngọt và cốc cà phê đen, ngồi nhâm nhi một mình. Tôi đang dõi mắt nhìn xuống mặt nước hồ lóng lánh dưới ánh xế tà, mơ màng vô định thì giật mình nghe tiếng chào từ phía sau: Chào anh! Tôi ngoảnh lại nhìn thì nhận ra đó là cô cháu của người quá cố. Hôm nay chị ta búi tóc, lại mặc áo dài tím, mặt xoa nhẹ một lớp phấn nên trông xinh đẹp và trẻ trung hơn hôm trước mặc áo tang xô rất nhiều. Chào chị. Chị em đâu mà anh đến nhà hàng một mình thế này? - À, tôi đi làm về đến đây đang chờ một người bạn. Thế chị cũng đi một mình sao? Không, em đang đi làm đấy, em làm ở đây mà. Chị làm gì ở đây? Em làm… giám đốc anh ạ. Tôi còn đang ngạc nhiên chưa kịp hỏi gì thêm thì chị ta nói tiếp: Nhà hàng này vốn là của nhà em từ gần một trăm năm về trước. Hoà bình lập lại, thì bố em vẫn làm giám đốc thay ông em. Những năm chống Mỹ bố em đi bộ đội, nhà hàng vào công tư hợp doanh, rồi chuyển sang công ty quốc doanh thì người khác làm giám đốc. Gần đây cổ phần hoá, nhà em nắm cổ phần chi phối nên em lại được cử làm giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị hơn mười năm rồi anh ạ. Vừa nói chị ta vừa chủ động kéo ghế ngồi xuống cùng bàn với tôi, rồi gọi một cô phục vụ: Cho cô ly cam vắt. Anh dùng nước cam thêm nhé? Không cảm ơn, tôi đang uống cà phê rồi. Xin lỗi, em chưa được biết quí danh của anh. Tôi mở ví đưa cho cô tấm card visit của mình. Cô cũng đứng dậy đi lại quầy bar lấy trong hộp ra tấm card visit đưa cho tôi. Tôi đón tấm Card visit từ tay cô đưa lên nhẩm đọc “Hoàng Hồng Vần, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc”. Tôi nói một câu đưa đà câu chuyện: Chắc điều hành một nhà hàng lớn thế này thì vất vả lắm nhỉ? Không có gì đâu anh ạ, mọi công việc ở đây đã thành nếp quen rồi, lãnh đạo cũng chẳng có gì vất vả cả. Một tuần em chỉ đến vài lần kiểm tra sổ sách và nghe báo cáo công việc, còn việc điều hành đã có các phó tổng giám đốc từng bộ phận rồi. Còn vài năm nữa mới đến tuổi về hưu, nhưng từ hôm bà em mất đến giờ, em buồn chán quá, đang muốn xin nghỉ sớm đây. - Chắc chị muốn giao quyền quản lý cho anh ấy hay cháu lớn nhà chị chứ? - Được thế thì còn gì bằng, nhưng em chỉ có một mình thôi. Rồi như tóm được tôi là người để giãi bầy tâm sự, chị ta kể cho tôi nghe hoàn cảnh của mình ra sao. Vốn là một gia đình tư sản tại Hà Nội với thương hiệu Long Vân nổi tiếng của những năm đầu thế kỷ 20. Nhà tư sản Long Vân sinh được hai người con. Người con gái cả Hoàng Ánh Vân, học trường nữ sinh Đồng Khánh, có thiên khiếu thơ văn, tâm hồn lãng mạn, chỉ thích viết lách, chẳng màng kinh doanh. Em trai là Hoàng Hải Vân - ông nội chị ta – du học ở Pháp về tiếp thu gia sản và nghề kinh doanh của bố. Khi Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông tham gia Vệ quốc Quân, rồi hy sinh trong Chiến dịch Biên giới, để lại gia sản cho người con trai duy nhất của mình là Hoàng Thiên Vân - tức bố chị ta – lúc đó chưa đầy 20 tuổi gánh vác. Khi chị ta mới ba tuổi thì bố lại đi bộ độ vào Nam chiến đấu và bị hy sinh. Mẹ chị ta còn trẻ đã đi bước nữa, nên chị sống với bà, là chị ruột của ông nội đến tận bây giờ. Thế chị….?- Tôi định hỏi “chị không lấy chồng à?” nhưng chưa tiện phát ra, thì chị ta đã nói: Vâng, em ở với bà em, nên cũng lây bà em, chẳng muốn lấy ai, mà chỉ hai bà cháu sống với nhau suốt đời. Bây giờ bà em mất, thì em còn độc một mình, buồn lắm anh ạ. Nghe đến đây, tôi vội lấy miếng giấy lau, trong hộp giấy trên bàn lau nước mắt chảy ra không kìm nén nổi nữa. Thấy vậy chị ta cũng sụt sịt khóc. Ngồi lâu lâu một lát, để phá tan bầu không khí nặng nề, chị ta chủ động hỏi tôi: Xin lỗi anh được mấy cháu ạ? Tôi, tôi… cũng bình thường thôi. – Tôi ngập ngừng không muốn nói hoàn cảnh của mình. Chị ta lại hỏi tiếp: Chắc các cháu nhà anh đã lớn và xây dựng gia đình cả rồi chứ? Lúc này tôi mới thành thực trả lời chị ta rằng: - Hoàn cảnh tôi cũng chẳng hơn gì chị, tôi cũng đang còn sống độc thân – Tôi mở ví lấy ra tấm ảnh đưa cho chị ta và nói: - Tấm ảnh này tôi lấy được trong một cái chai nút kín, được quấn bọc cẩn thận trong một cuộn nilon thả ngoài vịnh Bái Tử Long hôm mồng 1 tháng 1 vừa qua. Theo lời ghi sau tấm ảnh tôi vội về số 100, Hàng Đ., tìm người trong ảnh thì gặp đám tang của cụ. Nghe vậy chị ta oà lên khóc rồi ôm chầm lấy tôi mà nói trong nước mắt: - Thì ra anh lại chính là người trong mộng mà bà em mong ngóng, đợi chờ suốt cả cuộc đời đấy ư? Sau buổi hội ngộ bất ngờ và cảm động như thể tiền định ấy, thì ngày nào đi làm về tôi cũng ghé vào Nhà hàng của Long Vân, uống nước và cùng nàng tâm sự. Ngày qua tháng lại chúng tôi trở thành thân quen và đã yêu nhau. Chờ ba năm mãn tang bà cụ Hoàng Ánh Vân, chúng tôi mới làm lễ cưới. Bây giờ thì cả hai vợ chồng tôi đã nghỉ hưu, suốt ngày quấn quit bên nhau như đôi vợ chồng trẻ còn ở tuổi mười tám, đôi mươi vậy. Tháng 12/2009